Chùa dân gian xứ Quảng: Tình hình xây dựng, kiến trúc và thờ tự (Phần 2)
Tác giả bài viết: LÊ XUÂN THÔNG
(Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ)
4. Kiến trúc và đối tượng thờ tự trong chùa dân gian giai đoạn 1802 – 1945
4.1. Kiến trúc
Cũng như những thế kỷ trước, chùa dân gian thời Nguyễn được xây dựng ở nhiều vị trí, đặc biệt trong đó, một số chùa mọc lên bên cạnh phố buôn, chợ búa, bến thuyền, đường sá nhộn nhịp. Xin dẫn chứng vài trường hợp. Với chùa Viên Giác, văn bia miêu tả: “Phía nam có sông lớn thường trong sạch, phía bắc có bãi cát trải rộng, phía đông tiếp thông với bến sông nơi ghe thuyền, xe cộ tấp nập, phía tây trông thấy đường sá qua lại của thành ấp”31, cho thấy một vị thế trung tâm của mạng lưới giao thông thủy bộ, cũng như quang cảnh trao đổi giao thương sôi động ở mảnh đất này. Tương tự là chùa An Phước, xã An Hải bên bờ sông Hàn. Sát bên chùa An Phước là chợ Bà Thân (Hà Thân) và bến đò cùng tên, vốn đã có trước khi chùa được xây dựng (năm 1827). Chợ Bà Thân là một chợ lớn – chợ liên làng, nơi tụ họp buôn bán của bảy xã vùng hữu ngạn sông Hàn, gồm: Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An và Nam An. Điều này được ghi rõ trong tờ trát của Thoại Ngọc Hầu32 gửi cho xã An Hải ngày 20 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 (1827), khi xã này cử người đến đồn Châu Đốc (An Giang) để nhờ ông can thiệp việc xã Hải Châu sang quấy phá không cho họp chợ33.
Bố cục chùa thời Nguyễn thường chỉ một nếp nhà nằm ngang gọi là chính điện với hai bộ phận hiên (ở trước) và nội điện (bên trong), tọa lạc ở khoảng giữa khuôn viên, như chùa Phổ Khánh (Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam ), chùa Dương Lâm (nay là đình Dương Lâm, Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng). Diện tích mặt bằng chính điện cũng không lớn, khoảng từ 60 m2 đến trên 100 m2. Mặt bằng chùa Phổ Khánh khoảng gần 70 m2 ; còn chùa Hải Tạng hơn 100 m2 (chưa kể lầu chuông gác trống).
Cũng phải lưu ý thêm rằng, quy mô nói trên là đều từ những ngôi chùa được tạo dựng bằng vật liệu bền vững, có khả năng chịu lực lớn, chủ yếu là gạch và gỗ. Trong thực tế, có thể tồn tại không ít chùa được làm bằng vật liệu đơn sơ tranh tre nứa lá mà văn bia chùa Bàng Trạch đã nói đến. Nếu thế, quy mô, bố cục loại chùa này không thể vượt qua hay đúng hơn, không thể bằng những chùa được biết. Nó càng nhỏ gọn, đơn giản hơn nữa. Vì rằng việc sử dụng gạch sẽ rất thuận tiện để xây lầu chuông gác trống, còn kết cấu khung gỗ (mặc dù vẫn bị hạn chế về kỹ thuật) hoàn toàn có lợi thế để mở rộng quy mô hơn vật liệu tre nứa.
Nhưng đó là nói đến công trình chính. Thực ra, chùa dân gian thời Nguyễn còn có các tiểu kiến trúc khác nữa mà trước đó chưa có hoặc chưa thể khẳng định: miếu bà và cổng tam quan. Tuy vậy, không phải chùa nào cũng có một trong hai hoặc cả hai công trình này. Mặt khác, những tiểu kiến trúc này cũng không có gì đồ sộ, đặc biệt quy mô miếu bà rất nhỏ, chỉ khoảng 4 m2 đến 10 m2. Miếu bà được thấy trong các chùa An Sơn, Phước Hải, Hải Tạng, Phước Định, Phổ Khánh, Phước Long. Nó thường nằm về một bên hoặc chếch về phía trước chính điện.
Tam quan tiêu biểu nhất là ở chùa Long Thủ. Đây là công trình mang đậm phong cách kiến trúc cổng ngõ thời Nguyễn, mà trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng, vẫn còn ở một số chùa chính thống như Tam Thai (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Chúc Thánh, Phước Lâm (Hội An, Quảng Nam). Năm 1920, nó xuất hiện trong bài viết của H. Cosserat với một hình thức “cũ kĩ” khi ông đến đây khảo sát về ngôi chùa này. Chùa Long Thủ được xây dựng trước đó hẳn đã đổ nát, sau này nhân dân tái dựng lại có phần tạm bợ nên H. Cosserat mới nói rằng nó chẳng có gì phải chú ý (Cosserat, 2001). Tam quan chùa được xây bằng gạch, vữa vôi, quy mô vừa phải (bề ngang 6m, sâu/dày 3m) theo kiểu thức vòm cuốn. Thân cổng là một khối hình hộp chữ nhật chia thành ba cửa vòm, hai cửa bên đều bằng nhau cả về chiều rộng lẫn chiều cao và nhỏ hơn cửa chính. Trên mỗi cửa đều tạo cổ lâu, tạo mái, giữa thân để rỗng từ trước ra sau để bày biện thờ tự. Hiện nay34, có một số chi tiết kiến trúc, trang trí cổng tam quan sai khác với nguyên thủy nếu đối chiếu với hai bức ảnh mà H. Cosserat giới thiệu trong bài viết của mình từ hơn chín mươi năm trước. Lúc bấy giờ, chung quanh cổ lâu vốn để trống, không có lan can như hiện tại. Bốn góc đỉnh của thân cổng là biểu tượng hình búp sen. Còn ở mái cổ lâu thì có thể nói, đẹp hơn hiện tại: tàu mái cong tạo nên những đầu đao vuốt lên hình mũi thuyền; đường nóc giữa gắn biểu tượng rồng theo kiểu hồi long (rồng quay đầu) rất uyển chuyển. Thân cổng và cổ lâu, cả hai mặt trước và sau được chia thành các ô hộc (nhưng không thể nhận biết được chi tiết trang trí). Hiện tại, chúng ta thấy đó là những đề tài cổ điển như tứ hữu, tứ thời, bát bửu và những cảnh núi sông, muôn thú được thực hiện bằng kĩ thuật đắp nổi, đôi khi có khảm sành sứ.
Không như hai thế kỷ trước, kiểu thức, kết cấu chùa dân gian thời Nguyễn được nhìn nhận khá đầy đủ từ những gì còn lại. Như chùa Xuân Thiều, chùa An Sơn, chùa ở xã Hòa Châu, chùa Dương Lâm, chùa Phổ Khánh, và chùa Hải Tạng. Nó cho thấy có hai hình thức cơ bản về kiểu thức, kết cấu kiến trúc (công trình chính) là kiểu vì chồng rường và kiểu vì kèo35, trong đó kiểu vì kèo chiếm tuyệt đại đa số. Dưới đây, chùa Hải Tạng và chùa Phổ Khánh – hai ngôi chùa bảo lưu gần như nguyên vẹn kết cấu kiến trúc bên trong từ ngày khởi tạo – sẽ được dẫn liệu như là đại diện cho hai kiểu thức kiến trúc vừa kể, tuy rằng, có thể nói, nó chưa đạt đến độ điển hình – cổ điển của kiến trúc truyền thống xứ Quảng.
Kiểu vì chồng rường thuộc kiến trúc chùa Hải Tạng. Liên kết con rường, nói một cách cụ thể hơn đó là kiểu thức kết cấu chồng rường giả thủ (hay chồng rường trụ đội). Chùa có bốn bộ vì, mỗi vì có sáu cột chia đều về hai phía: hai cột nhất (cột cái), hai cột nhì (cột quân) và hai cột ba (cột con). Cột có tiết diện tròn, đường kính từ 40cm đến 45cm, đứng trên đá táng. Tất cả cột được liên kết bởi hệ thống con rường ăn mộng xuyên qua cột và được khóa chặt bằng nêm. Những con rường này còn được gọi là trính/trến. Trên lưng những rường này được chồng tiếp những rường ngắn hơn nhờ hệ thống giả thủ/trụ đội. Giả thủ là khúc gỗ ngắn hình tròn (như một đoạn của đầu cột nên cũng có nơi gọi là cột cụt), chân ăn mộng vào lưng rường dưới, đầu vươn thẳng lên để đỡ hoành mái/đòn tay. Ở giữa, con rường ăn mộng xuyên qua hai cột nhất, chồng lên trên là một rường ngắn ăn mộng xuyên qua hai giả thủ. Trên lưng, chính giữa của con rường cuối cùng là nơi đứng chân của một giả thủ chống thẳng vào thượng lương/đòn đông. Tương tự như thế, phát triển liên kết về hai phía, các con rường lần lượt một đầu ăn mộng vào cột này đầu kia ăn mộng vào cột kế tiếp, từ cột nhất ra đến cột ba. Ở đây có nhiều con rường chồng lên trên, ngắn dần theo chiều xuôi dốc mái, một đầu ăn mộng vào cột đầu kia xuyên qua giả thủ đứng phía ngoài. Những rường này gọi là rường cụt hay rường cánh. Tất cả con rường đều có dáng thẳng, tạo cạnh hình múi khế.
Kiểu vì chùa Hải Tạng còn một bộ phận nữa ở phía trước, nhiều người gọi là bẩy, dùng để đỡ đuôi mái vươn ra xa khỏi hàng cột ba (cũng tức là hàng hiên). Gọi nó là bẩy vì, có lẽ tương tự về chức năng với bộ phận bẩy trong kiến trúc truyền thống miền Bắc, nhưng giữa chúng khác nhau về hình thức kết cấu và bản chất kĩ thuật. Bẩy trong kiến trúc Bắc Bộ là một thanh gỗ cong ăn mộng vào cột quân và chốt dưới xà nách theo nguyên tắc đòn bẩy. Nó ngửa bụng để nâng lực. Ở chùa Hải Tạng thì khác, theo chúng tôi, có nét gần với kiểu thức con sơn hơn. Kết cấu bẩy gồm hai thành phần: một khúc gỗ thẳng, dẹt một đầu ăn mộng vào cột ba chốt dưới con rường, đầu kia vươn ra ngoài để “treo” vào đó một khúc gỗ khác theo phương thẳng đứng đỡ lấy đòn tay rìa mái mà từ ngoài nhìn vào, như những lồng đèn rủ xuống. Khúc gỗ này dài khoảng 60cm được giật thót tạo thành ba phần: đoạn giữa khối trụ tròn chạm kín hình dây lá, trên là hình đài sen, phần dưới hình cầu như quả bí chạm các lớp lá xếp chồng. Kiểu bẩy chùa Hải Tạng là hiện tượng phổ biến và là một trong những yếu tố tạo nên đặc trưng trong kiến trúc khu vực Hội An. Bốn bộ vì được liên kết theo hàng ngang bởi hệ thống xuyên và xà, tạo thành ngôi chùa ba gian (không có chái). Về bản chất, xuyên không khác xà, cho nên đôi khi người ta gọi chung là xuyên và phân biệt thành xuyên thượng, xuyên hạ. Xà (xuyên thượng) liên kết đầu cột, sập mộng từ trên xuống; còn xuyên (xuyên hạ) ăn mộng ở dưới đầu cột, chỗ gần sát với con rường/trính. Xuyên và xà đều là những thanh gỗ dài, thẳng nhưng khác nhau về kích cỡ, xuyên có tiết diện lớn – hình chữ nhật đứng, xà tiết diện nhỏ hơn – hình vuông.
Khác với chùa Hải Tạng, chùa Phổ Khánh kết cấu theo kiểu vì kèo. Có hai bộ vì, mỗi vì có bốn cột, hai cột cái (cột nhất) và hai cột nhì. Hai cột cái được nối với nhau bằng một thanh gỗ ăn xuyên qua thân cột, ở vị trí khoảng 1/3 tính từ trên xuống, gọi là thanh trính. Trính được tạo dáng cong mềm mại, có hai đường chỉ nổi ở hai bên hông, đuôi trính vuốt cong và chạm khắc dây lá. Ngoài thanh trính, tất cả các bộ phận liên kết cột còn lại ở một vì đều gọi là kèo. Kèo là những thanh gỗ có dáng khum với những độ dài ngắn khác nhau để liên kết các đầu cột, chạy theo độ xuôi của mái từ trên xuống dưới, đỡ lấy hai mái. Kèo ở đây là kèo chuyền lưỡng đoạn. Nó bao gồm bộ phận kèo nóc (hay còn gọi là kèo nhất), với hai thanh gỗ ngắn tra đuôi vào đầu hai cột cái, đầu kèo vươn cao và bắt chéo nhau tại nóc để đỡ lấy đòn đông. Chỗ bắt chéo gọi là giao nguyên. Dưới kèo nóc là kèo nhì, đầu chồng lên đuôi kèo nóc và ăn mộng vào đầu cột cái, đuôi tra vào đầu cột nhì. Cũng như kiểu kết cấu chồng rường, kiểu vì kèo cũng phải được liên kết theo hàng ngang bằng hệ thống xuyên và xà. Chùa Phổ Khánh có hai bộ vì tạo thành kiến trúc một gian hai chái. Ở đây là chái kép, tức gồm hai hàng cột, ngoài cùng là hai cột đấm và hai cột quyết, giữa thêm hai cột đấm nữa. Cột quyết đứng ở vị trí các góc, còn cột đấm nằm cùng hàng với cột cái theo chiều ngang, tất cả chúng đều được liên kết với cột cái thông qua các kèo đấm và kèo quyết.
Ở chùa Phổ Khánh, còn có một bộ phận kiến trúc đặc trưng đó là xà cò trụ đội. Trụ đội (còn gọi là trụ trốn) là một đoạn gỗ ngắn, hình tròn để đỡ lấy giao nguyên. Trụ trốn đứng vuông góc tại trung điểm của thanh trính, nhưng không ăn mộng trực tiếp vào lưng trính mà thông qua một chân đế bằng gỗ tạo dáng cong cong hình con tôm nên gọi là chân tôm. Phần trên có tấm ván hình cánh dơi tỏa ra hai bên, đỡ bụng dưới của hai kèo nóc gọi là lá quả. Ở kiến trúc nhà dân dụng, toàn bộ các bộ phận này được gọi chung là ấp quả. Xà cò là một thanh gỗ dài được tạo dáng cong nằm phía dưới cây đòn đông, hai đầu ăn mộng vào hai trụ trốn. Xà cò không phải là bộ phận thực hiện chức năng liên kết mà thường là để khắc các niên đại xây dựng và sửa chữa công trình.
Việc trổ hướng, tức tạo mặt tiền cho nhà chính điện chùa Phổ Khánh rất khác lạ. Theo truyền thống, trục dũng đạo luôn vuông góc với đường nóc mái trên mặt bằng kiến trúc; nhưng ở đây, nó lại cùng phương, bít đốc quay ra đằng trước, hai chái trở thành hai mái chính sau và trước của ngôi chùa. Cho đến nay chúng tôi mới chỉ bắt gặp hai trường hợp có hình thức này (trường hợp kia là chùa Dương Lâm mà nay là đình Dương Lâm ở Đà Nẵng).
4.2. Đối tượng thờ tự
Chuyển sang thời Nguyễn, đối tượng thờ tự trong chùa dân gian có phần đông đảo hơn. Trong Phật điện, mô hình một tượng Phật vẫn duy trì như đã thấy ở giai đoạn trước. Hiện tại, chùa Thanh Lương (xã Duy Vinh) và chùa Long Phước (thị trấn Nam Phước) (đều thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có hai pho tượng Phật bằng đồng đặt ở gian giữa chính điện. Hình thức tượng gần giống nhau. Tượng ngồi kiết già, tay bắt ấn tam muội. Thân mập, bụng đầy, khuôn mặt bầu bĩnh, cổ có ngấn, hở ngực. Tượng mặc nhiều lớp áo với những nếp gấp thô có phần nặng nề, lớp áo trong có thắt gút ở đoạn dưới ngực. Đầu to, tóc bụt ốc, nhục kháo nhỏ. Đặc điểm này phản ánh rõ phong cách tượng Phật thời Nguyễn (thế kỉ XIX).
Ở chùa Trúc Lâm, có thờ Phật, Bồ tát, Tổ sư và Hộ Pháp. Theo văn bia chùa lập năm Tự Đức thứ 2 (1849), bấy giờ, sau khi chùa được tân tạo hoàn thành “tức thì nghênh đón ba vị Phật tượng đặt vào các gian để phụng sự”36. Cách nói trong văn bia, rõ ràng đã cho chúng ta hình dung chính điện có ba gian thờ, và mỗi pho tượng được đặt vào một gian riêng. Nếu vậy, có thể đi đến khẳng định rằng cả ba pho tượng này không thể đều là tượng Phật. Bởi đó là cách thờ tự rất xa lạ với mọi ngôi chùa Việt truyền thống. Chùa Việt chỉ thờ bộ ba tượng Phật đi liền nhau gọi là Tam thế, và bao giờ cũng được đặt trong cùng một ban thờ tại gian giữa của chính điện. Vậy phải chăng là tượng Phật và Bồ tát? Xem xét cách thờ tự ở nhiều chùa khác cùng thời, chúng tôi cho rằng ba pho tượng chùa Trúc Lâm có thể thuộc hai khả năng: (1) Phật Thích Ca và hai vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền; và (2) một vị Phật, Bồ tát Địa Tạng và một vị Bồ tát khác, trong đó, khả năng thứ nhất là rất lớn. Ngoài bộ ba tượng Phật và Bồ tát, chùa còn có tượng Hộ pháp Tam châu bằng đồng và tượng Đạt Ma thiền sư bằng đá37 (164). Hộ pháp Tam châu chính là Hộ pháp Vi Đà, còn gọi Vi tướng quân, Vi thiên tướng quân… là vị thần bảo vệ Phật pháp. Một trong tám vị đại tướng quân tăng trưởng phương Nam, đứng đầu 32 vị tướng quân, dưới quyền Tứ thiên vương. Thần được Phật phó chúc trấn giữ ba châu Đông, Tây, Nam38. Đạt Ma thiền sư tức Bồ Đề Đạt Ma (? – 535), con vua nước Hương Chí thuộc Nam Thiên Trúc, đệ tử ưu tú của tổ Bát Nhã Đa La. Đời Lương Vũ Đế niên hiệu Phổ Thông năm đầu (520), ông đến Trung Quốc, dựng chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, thu nhận đồ đệ truyền đạo Pháp. Ông là tổ thứ 28 của Ấn Độ và là sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc39.
Có mô hình bộ ba tượng Phật – bộ Tam thế – trong chùa dân gian thế kỉ XIX. Đến nay chúng ta biết chắc chắn có một bộ Tam thế ở chùa Hải Tạng, bằng đồng. Không có tài liệu nào nói đến niên đại của bộ tượng này nhưng không khó để nhận ra điểm đặc trưng của phong cách tượng thời Nguyễn (thế kỉ XIX). Bộ Tam thế này cùng với những tượng Phật ở hai chùa Thanh Lương, Long Phước (đã dẫn) đều chung một phong cách. Tam thế chùa Hải Tạng đều trong tư thế ngồi kiết già, tay bắt ấn tam muội. Tượng không phải ngồi trên đài sen như thường thấy mà phía dưới chỉ như một tấm đỡ mỏng được đúc liền khối với tượng. Các tượng đều có khuôn mặt bầu bĩnh, má căng, mắt mở to, đầu tròn, tóc bụt ốc, nhục kháo không nhô cao. Thân tượng mập, bụng đầy, hở ngực. Tượng mặc nhiều lớp áo với những nếp gấp thô, mạnh và tạo những đường bong hằn nổi trên tay áo. Tượng giữa có kích thước lớn hơn chút ít. Hai tượng bên cũng có vài chi tiết khác nhau: tượng bên trái: miệng mở hờ, môi hơi dày, hai bàn chân lộ rõ trên đùi; tượng bên phải: miệng mím chặt, hai bàn chân giấu trong áo.
Chùa Hải Tạng còn có nhiều tượng cổ khác, gồm: Ngọc Hoàng, Bồ tát Địa Tạng, Già Lam, Đạt Ma và Hộ pháp Vi Đà. Tượng Ngọc Hoàng ngồi trên ngai, mặc áo bào, đội mũ bình thiên. Ngọc Hoàng là vị thần quan trọng trong Đạo giáo, cùng với Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thái Thượng Lão Quân tạo thành bộ Tam thanh – một bộ phận của thiên thần. Bồ tát Địa Tạng là vị Bồ tát được sự phó chúc của Phật Thích Ca đã tự thệ nguyện độ hết chúng sinh trong sáu đường trong khoảng thời gian từ khi Phật viên tịch đến lúc Bồ tát Di Lặc thành đạo rồi Ngài mới thành Phật. Kinh sách Phật giáo có nhiều chỗ khác nhau khi nói về ý nghĩa danh hiệu, cũng như sự hóa hiện, tiền thân và hình tượng của Ngài40. Tượng ngồi trên sư tử, đầu đội mũ thiên quan, mặc áo cà sa, tay trái bắt ấn, tay phải cầm minh châu. Già Lam, cũng có người gọi là Long Thần, hay Đức Ông. Về nguồn gốc, nhiều người cho đây là vị thần bảo vệ Phật pháp, đúng như kinh sách đã nói41; nhưng cũng có ý kiến cho đó là ngài Cấp Cô Độc, người có công ủng hộ Phật giáo khi Phật còn tại thế. Tượng mặc giáp trụ, đứng, mặt đỏ, mắt mở trừng, hai tay tì trên cán rìu chống phía trước. Tượng Vi Đà đứng, mặc giáp trụ, mặt khôi ngô, hiền từ, tay phải chống nạnh, tay trái tì lên cây gậy chống phía trước. Tượng Đạt Ma thiền sư ngồi chân co chân chống, tay cầm thủ quyển, đôi mắt sáng, với bộ râu quai nón đặc trưng.
Những tượng này dù diễn tả đối tượng cụ thể khác nhau nhưng đều có chung những điểm cơ bản về nghệ thuật tạo tác, từ đề tài, motif hoa văn trên trang phục đến đường nét và bố cục. Các tượng nhìn chung đều thấp, mập không cân xứng về tỉ lệ, đường nét đơn giản và có phần thô mộc. Nhưng có điều là từ trên khuôn mặt tượng chúng ta dễ dàng cảm nhận sự mộc mạc, gần gũi đời thường của các vị thần, do ở đây người nghệ nhân đã phần nào không câu chấp vào tính lý tưởng của đối tượng, không bị gò bó bởi những điển lệ trong sách vở. Điều đó nói lên rằng, những tượng này cùng nằm trong một giai đoạn nhất định, thậm chí – chúng tôi còn nghĩ – có thể cùng chung nguồn gốc xuất xứ, tức cùng địa chỉ làm ra nó. Nhưng đó là giai đoạn nào? Câu trả lời có thể tìm thấy ở một bức hoành phi hiện còn tại chùa. Bức hoành tạo năm Tự Đức thứ nhất (1848), do tín hữu Mai Văn Phú pháp danh Toàn Thành phụng cúng, có nội dung Đông chấn Tổ sư 東震祖師; nghĩa là Tổ sư chấn phát (Phật giáo) phía đông42. Rõ ràng, đây muốn nói đến Đạt Ma Tổ sư. Như vậy, tượng Tổ sư Đạt Ma do tín hữu Toàn Thành cúng vào chùa năm 1848; những tượng còn lại có thể cùng niên đại hoặc cũng không khác xa lắm về thời gian so với tượng Đạt Ma.
Trong chùa dân gian thời Nguyễn, chúng ta còn thấy sự phổ biến của việc thờ Mẫu. Nhưng khác với những đối tượng trên được thờ trong những không gian chung, chủ yếu là nhà chính điện. Mẫu bao giờ cũng có không gian riêng biệt, thường là ngôi miếu nhỏ mà vị trí có lần đã được đề cập. Tên gọi chung của những ngôi miếu này, theo cách gọi dân gian, là miếu Bà. Bà tức Thiên Y A Na Chúa Ngọc, Thiên Y A Na, Thiên Y Thánh Mẫu, Ngọc Phi, Bà Chúa Ngọc hay đơn giản và dân gian hơn là Bà Chúa, Bà Ngọc, vị thần có nguồn gốc Chăm, vốn là Mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar của người Chăm được người Việt tiếp nhận trong quá trình tương tác văn hóa giữa hai dân tộc. Nói gọn lại, miếu Bà là nơi thờ vị mẫu thần Chăm – Việt.
5. Cách thức thờ tự trong chùa dân gian xứ Quảng thế kỉ XVII – 1945
Cách thức thờ tự trong chùa dân gian xứ Quảng thế kỉ XVII – 1945 rất gọn và đơn giản. Không có dữ liệu trực tiếp cho biết vấn đề này, song có thể nhận biết nó qua số lượng đối tượng được thờ và kiến trúc công trình. Có thể đối tượng thờ tự chỉ dừng lại như trên hoặc nhiều hơn, nhưng chắc chắn không thể đông đảo như những chùa chính thống khác, vì quy mô, kiểu thức kiến trúc công trình không cho phép.
Kiến trúc không chỉ cho chúng ta biết mức độ phong phú của đối tượng thờ tự mà còn là chỉ dấu cho nhà nghiên cứu về cách thức bài trí thờ tự nữa, tối thiểu ở cái nhìn chung, tổng thể. Rõ ràng, đối tượng không phong phú thì không thể có cách thức thể hiện nó đa dạng, phức tạp. Và với kiến trúc phổ biến chỉ là một ngôi nhà chính điện thì dĩ nhiên, đó là nơi thờ tự duy nhất cho tất cả. Không gian thờ tự hẹp, nên cho dù đối tượng thờ được bài trí tập trung nhưng không tạo thành nhiều lớp mà trải đều ra các phía. Chỉ có những công trình sâu lòng (tức độ rộng của vì kèo phải lớn) thì mới đủ sức chứa nhiều lớp thờ, bởi phải còn chừa không gian cho tín hữu thực hành nghi lễ. Trong khi chùa dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, như đã biết, rất cạn lòng, mà lại là chùa của làng xã thường có sinh hoạt văn hóa và nghi lễ tập thể. Trong không gian đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, tượng Phật bao giờ cũng đặt ở vị trí trung tâm nhất và, cao nhất (nhưng là một độ cao vừa phải do sự khống chế của chiều cao mái).
Chùa Hải Tạng cho đến nay đã bổ sung thêm một số tượng mới nhưng ngay gian chính giữa, ban thờ cũng chỉ có hai bậc. Hai gian bên là ban thờ Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Những tượng cổ còn lại bài trí sát tường hai đầu hồi. Điều đó cho chúng ta hình dung một kiểu thờ sẽ hết sức đơn giản cách đây hơn một thế kỷ.
6. Kết luận
Có thể khẳng định, chùa dân gian được xây dựng theo đà của quá trình khai phá đất đai, xác lập làng xã và phát triển kinh tế – xã hội của người dân. Không có căn cứ để chỉ ra mốc khởi điểm của chùa dân gian, song có thể thấy, từ đầu thế kỉ XVII, nó đã xuất hiện không ít trên vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ đây, chùa dân gian ngày càng được xây dựng nhiều và cho đến thế kỷ XIX, đã quá phổ biến trong bộ mặt văn hóa nơi thôn dã.
Chùa dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng nhìn chung có quy mô nhỏ, kiến trúc và trang trí không cầu kỳ, thờ tự cũng không quá rườm rà, phức tạp. Chùa thường bao giờ cũng được xây dựng ở nơi dân làng dễ lui tới cúng bái, nó gần gũi thân quen, không biệt lập, xa cách mà hòa vào đời sống làng xã. Chùa dân gian không chú trọng đến quy mô bề thế của công trình, nó giản dị, đời thường và tương hợp với các cơ sở tín ngưỡng cổ truyền khác của nhân dân.
Chùa dân gian không chỉ để thờ Phật mà còn thờ nhiều vị hữu công, những người tiền bối khai canh làng xã và nhiều vị thần khác, cho thấy Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng có sự hòa quyện rất đậm nét với tín ngưỡng dân gian, vừa mang truyền thống chung phổ biến của Phật giáo Việt Nam, vừa mang sắc thái địa phương. Ở đó đã đáp ứng và thỏa mãn được nhiều nhu cầu văn hóa – tín ngưỡng của nhân dân.
Chú thích:
1. Tập tài liệu chữ Hán Nôm do tú tài Hồ Thăng Doanh – một nho sĩ ở Ngũ Hành Sơn, cùng một số người khác biên soạn hoàn thành năm Khải Định thứ nhất (1916). Trong tài liệu, ngoài việc giới thiệu về cụm núi đá Ngũ Hành Sơn cùng thơ ca, bi kí được khắc trên vách động, các tác giả đã có những thông tin khái lược về Phật giáo tại danh thắng kì thú này, trong đó, dành một phần đáng kể để viết về các thiền tăng tu chứng, sinh hoạt nghi lễ và thờ tự tại đây trong thế kỉ XIX đến những năm đầu thế kỉ XX.
2. Hồ Thăng Doanh và một số người khác. Ngũ Hành Sơn lục. Tác giả sưu tầm. Tờ 4a.
3. Văn bia nhà thờ tiền hiền xã Lỗ Giản, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
4. Thực ra, trong sách này có một chi tiết đáng chú ý là: “Lỗi Sơn, Lệ Sơn, chùa làng bên vách đá, chênh chếch lối mòn” (tr.83). Lỗi Sơn nay là Cẩm Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; còn Lệ Sơn nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Nhưng ở mục chùa quán lại chẳng thấy tác giả ghi chép gì.
5. Borri, Cristophoro. (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr.118.
6. Đúng ra tên chùa phải là Thủ Long, như đã nêu trong tiêu đề văn bia của chùa: Thủ Long tự lập thạch bi (Lập bia đá chùa Thủ Long). Nhưng không hiểu sao tác giả người Pháp H. Cosserat trong bài viết về ngôi chùa này đăng trên B.A.V.H năm 1920, đã gọi là Long Thủ (Cosserat, 2001). Và từ đó đến nay, tên gọi này trở nên quen thuộc.
7. Văn bia chùa Long Thủ, trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Tập 13, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Năm 2009, tr.721.
8. Văn bia chùa Phú Thuận, Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam.
9. Văn bia chùa Hải Tạng, Bia số 1, Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
10. Văn bia chùa Linh Sơn (mặt trước), trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Tập 21, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tập 21, tr.941.
11. Văn bia chùa Linh Sơn (mặt sau), trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Tập 21, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Năm 2009, tr.940.
12. Văn bia chùa Phổ Khánh, Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam.
13. Văn bia chùa Bảo Khánh (Mặt trước), Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam.
14. Văn bia chùa Long Thủy, trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Tập 21, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Năm 2009, tr.418.
15. Khoán ước xã Phước Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng.
16. Đoạn sau sẽ giới thiệu về pho tượng này.
17. Thực ra địa bạ xã Hoa Ổ có niên đại Khải Định thứ 8 (1923). Tuy nhiên, đây là bản do Bộ hộ sao lục từ bản gốc được lưu trữ tại kinh đô có niên đại Gia Long thứ 13, để giao cho tỉnh Quảng Nam và làng Hoa Ổ. Bởi lúc bấy giờ, tỉnh Quảng Nam đang giải quyết tranh chấp đất đai giữa hai làng Hoa Ổ và Xuân Thiều nhưng địa bạ làng Hoa Ổ đã bị mất. Như vậy, thực chất về nội dung, đây là địa bạ thời Gia Long.
18. Sáu địa bạ của các làng: Hoa Ổ (nay là Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), Bình An Trung (nay là Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), Thanh Khê (nay thuộc phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), Nại Hiên Đông (nay thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), Nam An (nay là Nam Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và Cổ Mân (nay thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Trong đó, chỉ có địa bạ làng Cổ Mân không nói đến ruộng đất chùa. Về các địa bạ, xem danh mục tài liệu tham khảo.
19. Văn bia chùa Hải Tạng, Bia số 1 và bia số 2, Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
20. Hẳn là cuộc chiến tranh kháng Pháp giai đoạn 1858 – 1860.
21. Văn bia chùa Nam Thọ, Bia số 1 và bia số 2, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng.
22. Biển gỗ chùa Trúc Lâm, trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Tập 21, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Năm 2009, tr.375.
23. Văn Bia chùa Viên Giác, Bia số 1 và bia số 2, Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Theo văn bia thì trước đó chùa chưa có tên, nay mới đặt là Viên Giác. Nhưng nhiều người cho rằng nguyên ủy, chùa có tên là Cẩm Lý. Căn cứ cho quan điểm này là quả chuông hiện còn tại chùa đúc năm Gia Long thứ 13 (1814), có dòng lạc khoản: “Linh Miễu tộc Đông phái đồng tạo chung phụng cúng Cẩm Lý tự”. Chúng tôi băn khoăn chưa thể tán đồng, vì biết đâu quả chuông này thuộc một chùa Cẩm Lý nào đó hoàn toàn khác.
24. Văn Bia chùa Viên Giác, Bia số 3 và bia số 4, Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam.
25. Văn chuông chùa Phúc Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, Đà Nẵng.
26. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.428.
27. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr.420.
28. Văn bia chùa Bàng Trạch, Bia số 1 và bia số 2, Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam.
29. Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan (2014), Sắc phong ở Đà Nẵng, Nxb Thuận Hóa, Huế.
30. Văn bia xã Phú Hòa, trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Tập 21, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr.925.
31. Văn bia chùa Viên Giác, Bia số 2, Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam.
32. Tức Nguyễn Văn Thoại (1771 – 1829), một khai quốc công thần triều Nguyễn, quê tại làng An Hải. Bấy giờ ông đang giữ chức Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh ấn Bảo hộ Cao miên kiêm quản biên vụ trấn Hà Tiên.
33. Nội dung tờ trát có đoạn: “Mùa đông năm ngoái, trong xã có cho hai người: Lê Văn Trực, Trần Văn Chiêu, đến hầu tại đồn, trình rằng: tứ cận của xã này là Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An gồm chung thành địa phận bảy xã, đều đồng lòng muốn họp chợ tại xã An Hải để vừa mở rộng đường tài chính, vừa thắt chặt nghĩa thân lân. Vả lại, vào những năm trước, xã có tục lệ họp chợ lâu rồi. Nhưng sau, xã Hải Châu gây rối, dẫn đến tranh chấp, làm cho chợ ấy phải tan. Điều này dân chúng quanh vùng thảy đều biết rõ. Bổn chức đã thuận theo ý muốn ấy và đã truyền cho hai người nói trên trở về xã nhà thuật lại đầy đủ đầu đuôi. Ví như nay tất cả bảy xã đều đồng tình như vậy, thì mỗi xã phái một mục dịch tháp tùng bổn chức, thân hành đến trước chợ, xem xét lại cho rõ, rồi cho thi hành”. Xem: Nguyễn Văn Hầu (2006).
34. Thời điểm chúng tôi khảo sát năm 2013. Từ 2016, tam quan này đã “bị” tu sửa hoàn toàn khác. Buồn thay!
35. Vì là tên gọi để chỉ một bộ phận cơ bản như là một hệ thống trong kiến trúc nhà gỗ truyền thống người Việt. Vì được tạo nên từ các cột và thành phần liên kết cột theo hàng dọc (từ trước ra sau). Để tạo thành căn nhà, các vì sẽ được liên kết với nhau bằng một hệ thống xà ngang. Như vậy, nhà càng dài thì càng nhiều vì; và, độ rộng của vì sẽ quy định độ sâu của lòng nhà. Sự phân biệt vì là dựa vào đặc trưng liên kết cột.
36. Biển gỗ chùa Trúc Lâm, trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, tập 21, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Năm 2009, tr.375.
37. Văn bia chùa Trúc Lâm, Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam.
38. Phật Quang đại từ điển (2014), Tập 4, Nxb Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh, tr.7854.
39. Phật Quang đại từ điển (2014), Tập 1, Nxb Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh, tr.754.
40. Phật Quang đại từ điển (2014), Tập 2, Nxb Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh, tr.1952-1954.
41 Gọi đúng theo kinh sách là Già Lam thần, hay Già Lam thập bát thiện thần, Hộ Già Lam thần, Tự thần. Theo nghĩa hẹp thì chỉ riêng vị thần bảo vệ già lam tức tăng viện [tăng viện là nơi ở của chúng tăng]; còn theo nghĩa rộng thì chỉ chung cho chư thiên thiện thần ủng hộ Phật pháp. Xem Phật Quang đại từ điển (2014), Tập 2 Nxb Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh, tr.2165-2166.
42 Phía Đông ở đây được hiểu trong sự đối sánh với phía tây là nới phát tích Phật giáo – Đông thổ – Tây thổ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Biển gỗ chùa Trúc Lâm. Trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm. (2009). Tập 21. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội. Trang 375.
Borri, Cristoforo. (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621. NXB thành phố Hồ Chí Minh.
Chu Quang Trứ. (2001). Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc. NXB Mỹ thuật. Hà Nội.
Cosserat, H. (2001). Chùa Long Thủ ở Tourane. Trong Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) (1920). Tập VII. NXB Thuận Hóa. Huế. Trang 432-444.
Dương Văn An. (2015). Ô châu cận lục. Trần Đại Vinh hiệu đính và dịch chú. NXB Thuận Hóa. Huế.
Hồ Thăng Doanh và một số người khác. Ngũ Hành Sơn lục. Tác giả sưu tầm.
Khoán ước xã Phước Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng.
Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan. (2014). Sắc phong ở Đà Nẵng. NXB Thuận Hóa. Huế.
Lê Xuân Thông. (2014). Chùa dân gian ở Đà Nẵng từ thời chúa Nguyễn đến triều Nguyễn (thế kỷ XVII, XVIII, XIX). Nghiên cứu lịch sử, 12, 46-58.
Lê Xuân Thông. (2014). Ngũ Hành Sơn – Một trung tâm Phật giáo của Quảng Nam – Đà Nẵng thế kỷ XVII. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, 7, 66-77.
Lê Xuân Thông. (2014). Quả chuông chùa Tây Linh và một nghi vấn. Văn hóa Phật giáo, 202, 33-35.
Lê Xuân Thông. (2015). Đặc điểm kiến trúc chùa dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng thế kỉ XIX. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, 5, 41-49.
Lê Xuân Thông. (2018). Chùa Việt Quảng Nam – Đà Nẵng thế kỉ XIX (Loại hình chùa chính thống). Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, 10, 35-43. NXB Đà Nẵng.
Ngô Quốc Trưởng. (2010). Văn bia chùa Phú Thuận. Pháp luân, 76, 10-11. NXB Văn hóa – Văn nghệ. TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Văn Hầu. (2006). Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang. NXB Trẻ. TP Hồ Chí Minh.
Phật quang đại từ điển. (2014). Tập 1. NXB Phương Đông. TP Hồ Chí Minh.
Phật quang đại từ điển. (2014). Tập 2. NXB Phương Đông. TP Hồ Chí Minh. Trang 1952- 1954, 2165-2166.
Phật quang đại từ điển. (2014). Tập 4. NXB Phương Đông. TP Hồ Chí Minh.
Quốc sử quán triều Nguyễn. (2006). Đại Nam nhất thống chí. Tập 2. NXB Thuận Hoá. Huế.
Quốc sử quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 2. NXB Giáo dục. Hà Nội.
Tác giả sưu tầm. Địa bạ xã Bình An Trung.
Tác giả sưu tầm. Địa bạ xã Cổ Mân.
Tác giả sưu tầm. Địa bạ xã Hoa Ổ.
Tác giả sưu tầm. Địa bạ xã Nam An.
Tác giả sưu tầm. Địa bạ xã Tân An.
Tác giả sưu tầm. Địa bạ xã Thanh Khê.
Trần Lâm Biền. (1996). Chùa Việt. NXB Văn hóa thông tin. Hà Nội.
Văn bia chùa Bàng Trạch. Bia số 1. Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam.
Văn bia chùa Bàng Trạch. Bia số 2. Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam.
Văn bia chùa Bảo Khánh. Mặt trước. Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam.
Văn bia chùa Hải Tạng. Bia số 1. Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
Văn bia chùa Hải Tạng. Bia số 2. Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
Văn bia chùa Linh Sơn. Mặt sau. Trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm. (2009). Tập 21. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội. Trang 940.
Văn bia chùa Linh Sơn. Mặt trước. Trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm. (2009). Tập 21. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội. Trang 941.
Văn bia chùa Long Thủ. Trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm. (2009). Tập 13. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội. Trang 721.
Văn bia chùa Long Thủy. Trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm. (2009). Tập 21. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội. Trang 418.
Văn bia chùa Nam Thọ. Bia số 1. Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng.
Văn bia chùa Nam Thọ. Bia số 2. Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng.
Văn bia chùa Phổ Khánh. Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam.
Văn bia chùa Phú Thuận. Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam.
Văn bia chùa Trúc Lâm. Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam.
Văn bia chùa Viên Giác. Bia số 1. Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam.
Văn bia chùa Viên Giác. Bia số 2. Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam.
Văn bia chùa Viên Giác. Bia số 3. Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam.
Văn bia chùa Viên Giác. Bia số 4. Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam.
Văn bia nhà thờ tiền hiền Lỗ Giản. Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Văn bia xã Phú Hòa. Trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm. Tập 21. NXB Văn hoá Thông tin. Hà Nội. Trang 925.
Văn chuông chùa Phúc Hải. (1832). Bảo tàng Đà Nẵng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 04 (60) – 2019
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Chùa dân gian xứ Quảng: Tình hình xây dựng, kiến trúc và thờ tự (Tác giả: Lê Xuân Thông) |