Chùa Sóc Lớn (Rajamahajetavanarama) – Ngôi chùa cộng đồng của đồng bào Khmer, Bình Phước

Tác giả bài viết: VŨ ĐÌNH TÂM
(Bảo tàng Bình Phước)

TÓM TẮT

     Chùa của người Khmer là một trung tâm văn hoá của cộng đồng, thuộc Phật giáo Nam tông – Qua đây, chúng ta gặp được bố cục mặt bằng với các kiến trúc thành phần, cùng chức năng riêng của chúng – Từ đó thấy được cách thờ và các linh vật phù trợ và yếu tố Phật triết kèm theo. Bên cạnh đó là các lễ tiết điển hình chung của người Khmer liên quan tới chùa.

Từ khóa: Sóc Lớn, chùa cộng đồng, đạo Phật Nam tông.

ABSTRACT

     Khmer pagoda is the cultural centre for community, belongs to Theravada. We see the layout of architecture element with its function, and worship methods, supplied mascots and Buddhist philosophy. There are also some typical rituals of Khmer people relevant to their pagodas.

Key words: Sóc Lớn, communal pagoda, Theravada.

x
x x

     Bình Phước1 là một trong sáu tỉnh ở Đông Nam Bộ có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu. Đây là địa bàn sinh sống của 41 thành phần tộc người, với dân số 874.961 người (kết quả thống kê năm 2009). Mỗi tộc người trong quá trình sinh sống và phát triển đã tạo nên nền văn hóa truyền thống riêng của mình. Người Khmer là một trong những tộc người bản địa sinh sống lâu đời ở Bình Phước, với số dân 16.456 người, tập trung đông nhất ở khu vực Lộc Ninh, Bình Long, Chơn Thành… Đời sống kinh tế của họ chủ yếu trồng lúa nước, ngoài ra, còn trồng thêm khoai, sắn, ngô,… để làm lương thực phục vụ cho chăn nuôi. Nhà cửa của người Khmer chủ yếu là nhà sàn, thông thường, một ngôi nhà là nơi cư trú của nhiều hộ gia đình có quan hệ huyết thống. Trang phục truyền thống của người Khmer gồm xà rông, váy, áo, khăn k’ma, áo bà ba, quần ống rộng và khăn rằn. Họ cũng rất thích mang nhiều đồ trang sức, như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, hoa tai, nhẫn bằng đồng hay bạc. Trong đời sống văn nghệ dân gian còn có các nhạc cụ truyền thống, như chiêng, đàn cò – t’rua, đàn nhị – cha pây se pia, trống – s’cua hòa nhịp cùng các điệu múa như lâm thôl, múa lâm lông, lăm leo, saravan… Trong tín ngưỡng dân gian, ngoài tập tục cúng ông bà, hằng năm còn có tục thờ các vị thần siêu nhiên, như Neaka Tà, Arăk và các lễ nghi nông nghiệp, như Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội Phá Bàu, Lễ hội Đolta và đặc biệt là Lễ tết Chol Chnăm Thmây, thường được diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch (tức đầu tháng Chét của người Khmer).

     Người Khmer ở Bình Phước thường sống tập trung, quân quầy thành từng sóc ở gần chùa để thuận tiện cho việc sản xuất và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng; ngôi chùa lớn nhất trong đời sống tinh thần của đồng bào là chùa RajamahajetavanaramaSóc Lớn, ngôi chùa cổ kính có lịch sử lâu đời, lưu giữ nét văn hóa đặc trưng truyền thống của người Khmer, Bình Phước. Chùa tọa lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

     Theo lời kể của Hội đồng già làng và nhân dân trong vùng, đầu thế kỷ XX, đạo Phật Nam tông đã được du nhập vào trong phum, sóc của người Khmer, Bình Phước. Song, do chưa có chùa nên mỗi lần đi cầu kinh, khấn Phật, bà con Phật tử phải sang Campuchia để hành lễ. Đường xá đi lại vất vả, không được lui tới mỗi khi nông nhàn, nơi họ gửi gắm những mong ước, xóa đi những tội lỗi, quên đi những vất vả của cuộc sống thường ngày, nên các thành viên trong phum, sóc đã hội họp và đi tới quyết định xây dựng chùa.

     Chùa Rajamahajetavanarama – Sóc Lớn được khởi công xây dựng vào năm 1931, người đặt nền móng cho việc xây dựng chùa là Thượng tọa Tô Chap (trụ trì chùa từ năm 1929 – 1957). Ông đã cùng già làng và nhân dân chọn địa điểm, thế đất, phong thủy để dựng chùa. Sau đó, Thượng tọa đã chuyển giao việc quản lí chùa cho Hòa thượng Meh Khun (trụ trì chùa từ năm 1957 – 1972) tiếp tục xây dựng. Ông đã cho mở rộng diện tích chùa, trồng cây tạo cảnh quan trong khuôn viên chùa. Khi Hòa thượng Meh Khun qua đời, chùa không có ai quản lí. Từ năm 1994, Đại đức Lý Sang quản lí chùa đến năm 2007, rồi Đại đức Thạch Sa Thuơl từ năm 2007 đến năm 2009. Kể từ năm 2009 đến nay là Đại đức Pháp Quyền – Thạch Nê.

     Chùa Rajamahajetavanarama tọa lạc trên một khuôn viên rất rộng (29.000m2), thuộc khu trung tâm của xã Lộc Khánh, ẩn dưới rừng cây cổ thụ, bao gồm các hạng mục Sa La (nhà hội), hệ thống lớp học, nhà ở của các sư lục cả, lục nhì (trụ trì trưởng, phó); cổng chính, tường rào và cuối cùng là miếu thờ Ông Tà (Neakta).

     Chùa có bố cục phân tán, nhưng vẫn tuân thủ những nguyên tắc riêng. Từ ngoài đường trục chính đi vào là cổng, được xây dựng cầu kỳ, với nhiều họa tiết, hoa văn của Phật giáo kết hợp phong cách của người Khmer. Nối với cổng là con đường khá dài – Đây là “nhất chính đạo”, tượng trưng cho con đường duy nhất dẫn tới Phật đài. Trung tâm của ngôi chùa (hệ thống Sala) được xây dựng đầu tiên, quay theo hướng Đông. Theo quan niệm của Phật giáo Tiểu thừa: Phật ở phương Tây, ngồi nhìn về phương Đông để giáo hóa, ban ân huệ. Hướng Đông còn là hướng của thần thánh, hướng linh thiêng.

     Sala là nơi tập trung đầy đủ nhất tài năng nghệ thuật xây dựng khi chưa có chánh điện. Đây là nơi thờ Phật, đồng thời cũng là chỗ sinh hoạt của các vị sư sãi trong lúc chính điện và các hạng mục khác chưa có điều kiện xây dựng. Kiến trúc Sala mang dấu ấn của ngôi nhà sàn truyền thống của người Khmer, chiều dài gần gấp đôi chiều rộng. Hành lang rộng từ 1,8 – 2,5m có chức năng là nơi chạy đàn trong quá trình hành lễ, nơi các tín đồ chuẩn bị lễ vật. Nối với hệ thống hành lang là tiền sảnh, có lối vào chính, với hai bộ cửa đối xứng hai bên trục dọc. Từ ngoài vào là hệ thống tiền đường, thiêu hương và Phật điện. Tại đây, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và các tượng Phật Thích Ca nhỏ được sắp đặt theo hệ thống nhất định, tạo ra vẻ thanh thoát, trang nghiêm cho khu vực Sala.

     Ngôi Sala được bao bọc bởi hệ thống hàng cột đứng thẳng bên ngoài hành lang. Trên các đầu cột, ở bốn góc được trang trí hình tượng chim thần Krud (mình người đầu chim), trên đầu cột còn lại là các tượng nữ thần có cánh (Keynor). Các hình tượng này ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái. Diềm mái được trang trí hoa văn (dạng lá) chạy suốt chiều dài ngôi Sala. Cuối cùng, bộ phận kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở mặt đứng của ngôi Sala chính là bộ mái. Độ dốc của bộ mái chính tới 600 và bộ mái phụ tới 300 thật sự hiệu quả cho việc che chắn mưa nắng tại vùng đất phương Nam. Mái thường được lợp ngói tráng men màu đỏ, như những chiếc vảy rồng lấp lánh dưới ánh mặt trời, trông khá đẹp mắt. Trên bờ nóc, bờ chảy, nghệ nhân Khmer trang trí các hình tượng rắn thần Naga, với ba chiếc đầu vươn lên hoặc những chiếc chaivia thon dần, có khi vươn cao gần 2m một cách thanh thoát. Trang trí mặt ngoài của chùa là các hình đắp nổi, chạm khắc, thể hiện các hình tượng Rea – hu (Hổ phù), tiên nữ, chim thần Kayno, Chằn (Yeak). Nhìn vào lớp hình trang trí, người ta dễ nhận thấy những tàn dư của tín ngưỡng dân gian và Bà La Môn giáo – những tín ngưỡng, tôn giáo khi người Khmer chưa tiếp nhận đạo Phật.

     Đối diện với ngôi Sala về phía bên tay phải qua sân chùa là hệ thống lớp học, nhà ở của các sư và con em trong sóc. Hệ thống trường học với mặt tiền hướng về phía Nam (phương của Bát Nhã – tức trí tuệ, nhằm thu hút năng lực vô biên, khai sáng trí tuệ, thông hiểu Phật pháp, tiến tới thức tỉnh, gạt bỏ sân si, giữ tâm trong sạch…), có lối kiến trúc giống như ngôi Sala, gồm hệ thống cột, hành lang, mái diềm. Trang trí mặt ngoài là các hình đắp nổi, chạm khắc, thể hiện các hình tượng Rea – hu (Hổ phù), tiên nữ, chim thần Kayno, Chằn (Yeak).

     Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có khu đất rộng dành để xây chính điện, miếu thờ Neakta, với kiến trúc đơn giản, nằm ở gần cổng chính, góc Đông – Bắc chùa, hệ thống giếng nước, nhà ăn và hệ thống tường rào bao quanh, với cách trang trí ô vuông hình tượng Chằn (Yeak), hình dáng được nhân cách hóa, dưới dáng vẻ của một võ tướng có thân hình cao to, chắc khỏe, toàn thân mặc giáp tục, vẻ mặt hung tợn, mắt lồi, mày xếch, miệng rộng nhe nanh nhọn, tay cầm chày vồ. Tượng Chằn đứng trước cổng chùa hay xung quanh ngôi Sala, lớp học, có nhiệm vụ bảo vệ.

     Có thể nói, chùa Sóc Lớn (Rajamahajetavanarama) là một tổng hòa các sắc thái riêng của người Khmer. Mặc dù không thể sánh được về mặt quy mô, tính chất hoành tráng với các kiến trúc Phật giáo Ấn Độ hay các đền tháp của người Khmer Campuchia, những ngôi chùa Khmer ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam Bộ, nhưng những giá trị nghệ thuật được gửi gắm trong hạng mục như Sala (nhà hội), lớp học, cổng, với những đường nét trang trí tinh xảo đầy ấn tượng, đã tạo nên những nét riêng biệt đặc sắc, góp phần bổ sung vào kho tàng kiến trúc chùa Khmer ở Việt Nam.

     Hằng năm, chùa thường tổ chức định kỳ các lễ như: Lễ ĐôlTa, Lễ Xuất gia tu học và đặc biệt là Lễ tết Chol Chnam Thâmay (mừng năm mới). Tết là thời điểm kết thúc năm cũ, đón chào năm mới, là dịp để mọi người tỏ lòng thành kính, biết ơn với Đức Phật cũng như tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên. Tết cũng là dịp để mọi người thăm hỏi, chúc nhau thành đạt, cùng nhau tham gia vui chơi, múa hát trong không khí vui vẻ.

     Tết Chol Chnăm Thmây – Mừng năm mới, (còn gọi là Lễ Chịu tuổi), là lễ tết lớn nhất trong năm của người Khmer. Theo quan niệm của người Khmer Bình Phước, mỗi năm sẽ có một vị thần (Têvôda) xuống cai quản hạ giới, để đánh dấu thời khắc tiễn Têvôda cũ, đón Têvôda mới. Trước ngày đón tết, mọi gia đình đều có sự chuẩn bị rất chu đáo, công việc đồng áng được tạm ngưng, vật nuôi trong nhà được thả ra, các mẹ, các chị chuẩn bị gạo, lá để làm các loại bánh – bánh num chruk (bánh tét), num tean (bánh ít), chuẩn bị hoa quả, nhang đèn, dọn dẹp nhà cửa, mọi người chuẩn bị những bộ quần áo mới để đón xuân về. Tết thường diễn ra trong 3 ngày, nếu năm nhuận thì 4 ngày, từ 13 đến 15 tháng 4 Dương lịch (hằng năm).

     Ngày thứ nhất có tên là Chool sangkran Chmây: Lễ rước Đại lịch. Trong ngày này, vào ngày giờ tốt đã chọn (thường là 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, hay 12 giờ đêm tùy theo từng năm), mọi người tắm gội, ăn mặc đẹp và mang theo lễ vật vào chùa làm Lễ rước Đại lịch Môha Sangkran. Lễ này được vị Achar hướng dẫn, mọi người xếp hàng đi ba vòng quanh chính điện làm lễ, sau đó, lễ Phật tụng kinh, niệm Phật mừng năm mới.

     Ngày thứ hai có tên là Wonbơf: Lễ dâng cơm. Mỗi gia đình sẽ làm cơm dâng lên các vị sư sãi ở chùa vào buổi sáng và trưa. Trước khi ăn, các nhà sư sẽ tụng kinh làm lễ tạ ơn. Sau khi ăn xong, chư tăng sẽ làm lễ chúc phúc các Phật tử. Trong ngày này, ngoài việc dâng cơm và thức ăn, đồng bào Khmer Bình Phước còn làm Lễ Đặt bát cúng dường chư tăng. Chư tăng sẽ ôm bát, đứng vòng tròn quanh chùa, lúc đó các Phật tử sẽ dâng lễ vật (nhang, đèn, trái cây, tiền bạc…) lên các sư. Lễ Dâng bông bạc được Ban Quản trị chùa tiến hành. Trước đó (ngày tết thứ nhất), các thành viên trong phum, sóc sau khi đón tết ở nhà sẽ tập hợp tại điểm vui chơi chung, khi ấy sẽ có cây bông để mọi người bỏ tiền vào. Sáng hôm sau già làng sẽ đại diện cả sóc dâng lên nhà chùa. Nhà chùa sẽ dùng số lễ vật này để giúp các Phật tử có hoàn cảnh khó khăn, duy trì các hoạt động cũng như tu bổ lại chùa. Qua lễ dâng cơm, dâng bát, dâng bông, các Phật tử cầu xin Đức Phật, hồi hướng phước báo cho người quá cố và cầu bình an cho gia đình và phum, sóc.

     Ngày thứ ba có tên gọi là Lơm săk, là ngày tết quan trọng nhất: Lễ tắm Phật, tắm sư được tổ chức vào ngày này. Sau khi nghe các Achar thuyết pháp, các Phật tử dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư sãi, Phật tử lấy nước nước hoa (hương), cùng nhang đèn đến tắm Phật. Họ dùng những nhành hoa vẩy những giọt nước hoa lên tượng Phật, để tỏ lòng biết ơn Đức Phật, đồng thời rửa mọi điều không may mắn trong năm cũ, bước sang năm mới, mọi sự như ý. Sau đó là tắm cho các nhà sư cao niên. Sau khi làm lễ tại chùa, các Phật tử sẽ rước các sư tới nghĩa trang để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn người quá cố và cuối cùng con cháu sẽ tắm cho ông bà tại gia đình. Con cháu sẽ mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lễ, xin tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót trong năm cũ.

     Lễ tết Chol Chnăm Thmây – Mừng năm mới là một trong những lễ đặc sắc của cư dân nông nghiệp truyền thống lúa nước ở Bình Phước bên cạnh hàng trăm lễ hội lớn nhỏ ở Bình Phước hiện nay được duy trì và phát triển. Lễ tết Chol Chnăm Thmây đã trở thành giá trị văn hóa của một tộc người sinh sống lâu đời trên mảnh đất Bình Phước đã được lưu giữ và phát huy. Giá trị văn hóa ở đây thể hiện rất rõ trong các nghi thức, nghi lễ, hệ thống thờ Phật, hệ thống thần linh và cả hệ một hệ thống lễ vật mặc dù họ đã từng chịu sự chi phối của sự giao thoa văn hóa với các tộc người khác sinh sống trên mảnh đất Nam Trường Sơn hùng vĩ này.

     Bên cạnh đó, Lễ tết Chol Chnăm Thmây còn chứa đựng giá trị về xã hội – nhân văn sâu sắc. Đó là sự biết ơn thành kính với Đức Phật, không quên nguồn cội đối với ông bà tổ tiên, những người đã có công lao to lớn đối với cư dân tộc người, những bậc tiền bối cao nhân có công khai khẩn đất hoang, xây dựng và phát triển cuộc sống cho con cháu đời sau được thừa hưởng. Giá trị xã hội nhân văn đó còn được thể hiện rõ trong mối gắn kết giữa những người trong gia đình, dòng họ, những người trong cùng cộng đồng bon sóc… Trong mối quan hệ đó, mọi người đều có ý thức, nghĩa vụ, trách nhiệm chăm lo thực hiện Nghi lễ Chol Chnăm Thmây, từ đây sẽ hình thành nên sợi dây gắn kết cộng đồng bền chặt, củng cố tình sóc ấp, đồng thời cùng là nơi để mọi người duy trì, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán mà cha ông ta đã để lại.

     Ngoài ra, Lễ tết Chol Chnăm Thmây còn thể hiện giá trị văn hóa – nghệ thuật phong phú, đặc sắc, mang những sắc thái riêng, mặc dù có sự giao thoa với các nền văn hóa khác trong khu vực. Giá trị này được thể hiện rõ trong các nghi lễ cúng tết Chol Chnăm Thmây cho đến các loại hình văn hóa – văn nghệ dân gian, như múa Râm vông (Vòng tròn), Lâm leo, Saravan, múa Xađăm, múa hát Ayay, múa Sarikakeo hòa nhịp các nhạc cụ truyền thống trô sô lea, sô cô pleng, khưm, khlui, chiêng, trống…, với những lời ca, điệu hát Canh Chha Khmau bon – Em yêu của anh, Kon Tớp Kon Tui Préc – Con chim Chèo bẻo và bài A Lóc So Cbal – Con Chim Cu trắng đầu… thể hiện tính thiêng, nhằm dâng lên các vị thần cũng như là dịp để tìm hiểu tâm tư tình cảm – tình yêu với nhau, cũng đã không ít người nên duyên chồng vợ từ lễ tết này. Không khí vui vẻ đón xuân về có thể kéo dài nhiều ngày sau rồi mới trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

     Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng với sự cố gắng của đồng bào Khmer và sự giúp đỡ của các “Mạnh Thường Quân”, chùa Rajamahajetavanarama đang trong giai đoạn tu bổ các hạng mục, để chùa không chỉ là nơi các Phật tử trong và ngoài tỉnh đến tham dự, cử hành các nghi lễ tôn giáo mà chùa còn là địa điểm để khách thập phương có dịp ghé thăm mảnh đất Bình Phước – vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, không những được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử độc đáo, như Căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy Miền Nam Việt Nam, Nhà Giao tế (trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam), Sân bay Quân sự Lộc Ninh, Bồn xăng Lộc Quang…, mà còn được thưởng ngoạn và cảm nhận thiên nhiên hùng vĩ nơi đây, như Thác Voi, Thác Đứng, Núi Bà Rá, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, thưởng thức những món ăn hương vị núi rừng của đồng XêTiêng, Mnông… Và, hơn thế nữa, được chứng kiến không gian thiêng liêng của lễ hội truyền thống: lễ hội cầu mưa, cầu mùa, mừng lúa mới, Phá Bàu…, với các hoạt động văn hóa và các trò dân gian độc đáo, phong phú… luôn đọng lại trong lòng du khách như lời mời vẫy gọi mỗi dịp ghé thăm./.

     Chú thích và tài liệu tham khảo:

     1- Bình Phước nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ, nối liền với Nam Tây Nguyên, phần cuối của dãy Trường Sơn; phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Tỉnh có đường biên giới dài 240 kilômét, là vùng trung du miền núi phía Bắc của tỉnh Sông Bé cũ, gồm 6 huyện, 3 thị xã: thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Hớn Quản, Chơn Thành và thị xã Đồng Xoài. Dưới triều Nguyễn, Bình Phước là vùng đất thuộc trấn Biên Hòa. Đến giữa thế kỷ thứ XIX, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm và đặt nền cai trị tại sáu tỉnh Nam Kỳ, chúng chia Nam Kỳ thành bốn khu vực hành chính lớn: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát Xắc. Bình Phước thuộc khu vực Sài Gòn, trong đó, vùng đất phía Đông thuộc tiểu khu Biên Hòa, vùng đất phía Tây Nam và phía Nam thuộc tiểu khu Thủ Dầu Một. Năm 1889, thực dân Pháp đổi các tiểu khu thành tỉnh thì Bình Phước, thuộc địa phận phía Bắc tỉnh Biên Hòa và tỉnh Thủ Dầu Một. Sau năm 1954, do ý đồ cai trị của thực dân Pháp, Bình Phước lại bị chia cắt, sáp nhập nhiều lần. Đến cuối năm 1972, Trung ương Cục Miền Nam quyết định thành lập tỉnh Bình Phước, bao gồm 2 tỉnh: Bình Long và Phước Long. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, do yêu cầu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội và an ninh, quốc phòng, ngày 02 tháng 07 năm 1976, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định sáp nhập các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 3 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa (thuộc huyện Thủ Đức) thành tỉnh Sông Bé. Ngày 1/1/1997 tỉnh Bình Phước được tái lập bao gồm 5 huyện phía Bắc thuộc tỉnh Sông Bé cũ, tỉnh lỵ đặt tại Đồng Xoài, địa bàn chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng. Trong chiến tranh giải phóng, Bình Phước là cửa ngõ, bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Bắc, là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh – nơi trực tiếp tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương lớn đối với chiến trường Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

     2- Trần Bảo Ngọc (2011), “Kiến trúc chùa Khmer – Biểu tượng nghệ thuật và tâm thức Phật giáo”, Tạp chí VHNT, số 327.

     3- Lê Văn Nam, “Tết truyền thống Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh”, đăng trên trang web Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, 2012.

     4- Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Nhiều tác giả) (2013), Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 165.

Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, số 4 (49), năm 2014

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Chùa Sóc Lớn (Rajamahajetavanarama) – Ngôi chùa cộng đồng của đồng bào Khmer, Bình Phước (Tác giả: Vũ Đình Tâm)