Cổ ngọc thời Lê – Nguyễn lưu giữ tại bảo tàng lịch sử quốc gia
Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN
TÓM TẮT
Bài viết điểm lại các đồ bằng ngọc gắn với quyền uy chủ yếu của nhà vua Việt dưới triều Nguyễn. Trong đó, nói lên xuất xứ tên gọi, giá trị mỹ thuật và ý nghĩa của từng loại hiện vật. Tác giả trình bày theo tiến trình thời gian lịch sử và cơ bản là cung cấp tư liệu.
Từ khóa: cổ ngọc; ngọc tỷ; bảo tỷ; ngọc bội; văn phòng tứ bảo; nghiễn (nghiên mực); thủy trì.
ABSTRACT
The paper reviews jade ornaments mainly attached to the kings under Nguyễn dynasty. It reveals the origin of their names, artistic values and meanings of each ornaments. The author shows his document in time sequence, and basically provides documents.
Key words: old jade; jade ornament; imperial jade seal; jade; four office treasures; ink slab; thủy trì (water pot to clean pen).
x
x x
Cổ ngọc thời Lê – Nguyễn là phần chiếm số lượng lớn nhất trong sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có niên đại tập trung từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Ngoài phần sưu tập (trước năm 1954) của Bảo tàng Louis Finot, phần chủ yếu có nguồn gốc từ cung đình Huế. Đây là cổ ngọc nằm trong số bảo vật triều Nguyễn được Chính phủ Việt Nam tiếp nhận sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Nhóm cổ ngọc đặc biệt quan trọng là 18 chiếc ngọc tỷ, bao gồm 2 chiếc thuộc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII); 3 chiếc đời vua Minh Mệnh; 3 chiếc đời vua Thiệu Trị; 2 chiếc đời vua Tự Đức; 2 chiếc đời vua Khải Định và 6 chiếc thuộc loại “Đồ thư văn bảo” (như cách gọi của sách Khâm Định Đại Nam hội điển sử lệ).
Những ngọc tỷ này được chạm khắc, mài dũa bằng ngọc, với nhiều loại khác nhau, nhưng thường là ngọc xanh sẫm, ngọc xanh nhạt hay ngọc trắng.
Ngọc tỷ Phong cương vạn cổ làm bằng ngọc xanh sẫm, núm quai vuông, 4 mặt hình thang chạm khắc 2 băng hồi văn chữ S đầu vuông. Trên mặt núm vuông chạm hình rồng. Đây là ngọc tỷ thuộc thế kỷ XVIII.
Ngọc tỷ Vạn thọ vô cương, tương truyền, ngọc tỷ này do một người dân đào đất tìm được đem dâng lên vua Minh Mệnh. Vua cùng triều thần vô cùng mừng rỡ, lập tức xuống chỉ cho dùng ngọc tỷ này đóng lên các ân chiếu, cáo văn khánh tiết trong lễ vạn thọ và dịp mừng thọ nhà vua.
Kể từ năm Ất Mùi (1835), tức là năm Minh Mệnh 6 trở về sau, các ngọc tỷ của Hoàng đế Minh Mệnh và Thiệu Trị thường thấy ghi khắc rõ ngày tháng tạo tác, như ngọc tỷ: Hoàng đế chi tỷ (tạc năm 1835); Hành tại chi tỷ (năm 1837); Đại Nam thiên tử chi tỷ (năm 1839); Thần hàn chi tỷ và Đại Nam hoàng đế chi tỷ (năm 1844); Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (năm 1846). Dưới đời vua Tự Đức, còn 2 ngọc tỷ là Tự Đức thần khuê và Tự Đức thần hàn, đều được tạo tác trong khoảng năm 1848 – 1883. Dưới đời vua Khải Định, cũng còn 2 ngọc tỷ là Khải Định hoàng đế ngọc tỷ và Khải Định hoàng đế chi tỷ, đều được tạo tác trong khoảng năm 1916 – 1925.
Trong sử cũ còn lưu truyền nhiều câu chuyện về việc người dân tìm được ngọc quý dâng lên nhà vua, như năm 1837, có người dâng viên ngọc trắng lên vua Minh Mệnh, nhà vua sai làm ngọc tỷ Hành tại chi tỷ. Năm Minh Mệnh 20 (1839), đúng khi vương triều đổi quốc hiệu là Đại Nam, lại có người dân dâng ngọc quý, nhà vua liền ra lệnh cho khắc ngọc tỷ: Đại Nam thiên tử chi tỷ. Năm 1844, vua Thiệu Trị nhận được từ người dân dâng lên 2 viên ngọc quý, nhà vua liền ra lệnh khắc 2 ngọc tỷ, hoàn thành ngay trong năm ấy, là ngọc tỷ Thần hàn chi tỷ và Đại Nam hoàng đế chi tỷ.
Đặc biệt là vào năm Thiệu Trị 6 (1846), có người dâng lên vua một viên ngọc cực lớn, vốn là sản vật của núi ngọc huyện Hoà Điền vùng đất Quảng Nam. Nhà vua vô cùng mừng rỡ liền sai quan Hữu tư dũa mài thành ngọc tỷ, một năm sau thì xong. Đó là ngọc tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (Ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ trời).
Như thế, những ngọc tỷ nêu trên chẳng những là những bảo vật truyền quốc mà còn khẳng định nguyên liệu ngọc quý đã tìm được ở Việt Nam và kỹ thuật tạo tác do chính những nghệ nhân cung đình Huế dưới triều Nguyễn thực hiện.
Trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn còn có nhiều loại hình đáng chú ý khác, phản ánh kỹ thuật tạo tác tinh tế, không chỉ đồ ngọc mà còn thể hiện sự tài khéo kết hợp giữa ngọc với vàng, bạc, đồi mồi,…
Bảo kiếm của vua, cùng với “Kim ngọc Bảo tỷ” là biểu trưng cao quý nhất về quyền lực quốc gia. Chuôi kiếm được tạo từ ngọc trắng xanh, cùng với vàng chạm, đúc hình rồng mây rất tinh xảo. Bốn chiếc vương miện cũng là minh chứng sinh động về việc sử dụng ngọc trong trang trí trên mũ. Những đài thờ, chậu ngọc cũng là loại vật dụng điển hình của cung đình Huế. Chẳng hạn, chậu ngọc trắng, miệng loe bịt vàng, trang trí nổi hình 2 con dơi ngậm chữ Thọ tròn, trên nền “mạng” kim quy cẩn đá nhiều màu. Chậu ngọc xanh xám sẫm, 4 chân thấp, khắc hoa sen, miệng loe bịt vàng, cẩn đá các loại trên nền chữ Vạn và mạng kim quy.
Những chiếc hốt ngọc trắng xám, không chỉ là vật trang trí mà còn là vật biểu trưng quyền quý nơi hoàng cung được tạo tác hình lá đề, hoa sen và cây cỏ tự nhiên hay hình con dơi và song ngư, con dơi ngậm đồng tiền và dòng chữ nổi: cát tường như ý.
Thẻ ngọc Ngự tiền sắc mệnh và Thiệu Trị vạn tuế là những thẻ hết sức đặc biệt. Trên 2 mặt thẻ Ngự tiền sắc mệnh, có diềm khắc 2 hình rồng đuôi xoè; trên mặt cán khắc năm Thiệu Trị 5 (1845). Bốn chữ Ngự tiền sắc mệnh khắc trên 2 mặt đều có vết thếp vàng. Đây là mệnh lệnh bằng văn bản của vua ban cho những người rất thân cận trực bên cạnh vua. Cho nên, thẻ này là một bảo vật vô cùng quan trọng. Một thẻ ngọc trắng khác nhỏ hơn, phần trên chạm 2 hình rồng cách điệu, phần dưới hình chữ nhật, trên mặt thẻ khắc 3 dòng chữ Hán. Đây chính là một thẻ ngọc quý đời vua Thiệu Trị (1841 – 1847).
Hai chiếc thẻ tạo bằng ngọc trắng sáng, có quai đeo hình cái khánh xuyên lỗ. Thẻ hình chữ nhật dài, một mặt khắc diềm hồi văn chữ T, một mặt khắc hai hình rồng đuôi xoáy, chầu mặt nguyệt.
Phiến ngọc Ngự diên văn bảo hình chữ nhật có diềm khung nổi, chạm hồi văn chữ S đầu vuông. Phiến ngọc tạo bằng ngọc trắng xám, diềm 4 góc và xung quanh chạm hình bướm và hoa dây. Trong diềm chạm 2 hình rồng uốn mình, đầu ngẩng cao chầu viên bảo ngọc, trên nền mây. Kiểu rồng đuôi xoáy này rất phổ biến trong nghệ thuật Nguyễn. Chính giữa phiến ngọc khắc nổi 4 chữ triện: Ngự diên văn bảo (nơi lưu giữ các văn bản quý của hoàng đế). Phiến ngọc này hẳn đã được dùng đặt ở nơi văn thư phòng – là nơi cơ mật của vua nhà Nguyễn.
Ngọc bội là từ dùng để chỉ miếng ngọc tròn dẹt chạm thủng hình chim hoa, chế tạo bằng ngọc trắng xanh hay miếng ngọc đỏ nâu hình bầu dục dẹt chạm con dơi và chữ thọ theo đề tài Phúc – Thọ. Đáng chú ý, trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn còn có nhóm cổ ngọc thuộc “Văn phòng tứ bảo” là những vật biểu trưng cho sự sang trọng, tao nhã của bậc quân tử.
Đáng kể đầu tiên là những chiếc nghiên ngọc dùng để mài mực, mài son của vua và quan lại. Chất liệu ngọc dùng chế tác nghiên là loại ngọc xanh xám, ngọc trắng và ngọc điểm vân xanh. Trong số những nghiên ngọc này, 4 chiếc có minh văn khắc trên vỏ hộp đựng nghiên hay khắc trực tiếp lên nắp nghiên (loại nghiên hộp, gồm 2 nửa khớp lại). Minh văn cho biết, chiếc nghiên thứ nhất tạo tác vào năm Tân Sửu, năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1841) với dòng chữ: Ngự chế châu nghiễn thi nhất thủ bằng chữ Hán (một bài thơ ngự chế thất ngôn tứ tuyệt về nghiên mài son của vua).
Chiếc nghiên thứ 2, tạo vào năm Bính Ngọ, năm Thiệu Trị 6 (1846). Nghiên cũng khắc bài thơ ngự chế thất ngôn tứ tuyệt của nhà vua với dòng chữ: Ngự chế mặc nghiễn thi nhất thủ (một bài thơ ngự chế về nghiên mài mực của vua).
Trên mặt cả 2 chiếc nghiên này đều khắc ô chứa mực hình bông hoa 4 cánh và xung quanh là 2 hình rồng chầu viên ngọc trên nền mây cuộn.
Chiếc thứ 3 và thứ 4, là loại nghiên hộp, hình khối hộp chữ nhật, kích thước và màu sắc giống nhau, thời gian khắc tạo nghiên là năm Thiệu Trị 7 (1847). Trên mặt 2 chiếc nghiên cũng có khắc 2 bài thơ ngự chế thất ngôn tứ tuyệt vịnh về “Thạch mặc nghiễn” và “Thạch châu nghiễn” (tức là nghiên đá mài mực và nghiên đá mài son).
Trên mặt nghiên mài mực, khắc ô đựng mực hình bông hoa 4 cánh, xung quanh là cành hoa lá phật thủ. Trên mặt nghiên mài son, khắc ô đựng mực hình bông hoa 4 cánh tương tự, nhưng xung quanh là cành hoa lá quả đào và hình con dơi ở góc, theo đề tài Phúc – Thọ.
Như vậy, với 4 chiếc nghiên trên đây, chúng ta biết được 4 bài “Ngự chế thi” của vua Thiệu Trị với thời gian cụ thể vào các năm 1841, 1846 và 1847.
Theo tài liệu thống kê qua 10 tác phẩm còn để lại của vua Thiệu Trị cho thấy, nhà vua đã làm khoảng 4000 bài thơ đủ các thể loại và hàng trăm bài văn xuôi dài, ngắn khác nhau.
Không biết rằng có bao nhiêu bài thơ, bài văn của vua Thiệu Trị đã ra đời từ những chiếc “mặc nghiễn”, “châu nghiễn” quý hiếm này?
Ngoài 4 chiếc nghiên ngọc trên đây, còn có những chiếc nghiên đặt trong hộp đồng có khắc chữ “Ngự diên châu nghiễn” (nghiên mài son của vua) và “Ngự diên mặc nghiễn” (Nghiên mài mực của vua). Hai chiếc nghiên trong hộp này hình khối hộp chữ nhật, tạo bằng ngọc trắng xanh và trắng xám vân xanh. Mặt nghiên chạm ô đựng mực bao quanh là hai hình con dơi (song phúc) hay ô hình bán nguyệt. Dẫu không có căn cứ xác định nghiên tạo tác vào tháng năm nào cụ thể nhưng chắc chắn đây là 2 chiếc nghiên mài mực và mài son của hoàng đế triều Nguyễn.
Những chiếc nghiên khác có hình khối hộp chữ nhật tạo bằng ngọc màu xanh xám, chạm khắc hình rồng phun nước trong ô đựng mực hay khắc hình mây cuộn và 2 hình cá nhô đầu trên sóng nước. Có 2 chiếc nghiên hộp khác bằng ngọc trắng tạo theo cành hoa, lá, quả phật thủ hay cành, hoa, lá quả đào và con dơi, gồm 2 phần lắp khớp lại và đều đặt trong vỏ hộp đồng tạo theo hình dáng của chiếc nghiên.
Nghiên mài mực còn được tạo tác bằng loại đá màu nâu và trắng xám. Ở ô đựng mực chạm nổi hình ngư long hý thuỷ. Cùng chất liệu ngọc này còn có chiếc nghiên tạo theo hình lá sen với các đường gân rất tỷ mỷ.
Ngoài ra, nhóm nghiên mực còn có loại nghiên ngọc trắng tạo hình bầu dục, mặt nghiên khắc hình chim phượng xoè cánh. Nghiên ngọc màu trắng xanh điểm vân xanh tạo hình theo chiếc lá đào, lưng có gân lá. Mặt nghiên khắc ô đựng mực hình bông hoa 4 cánh.
Trong thành phần của bộ “Văn phòng tứ bảo” còn có các loại hình khác, như gác bút, thuỷ trì, ống bút,…
Gác bút ngọc trắng xám được tạo theo 2 hình rồng uốn khúc, ngẩng đầu chầu vào viên ngọc ở chính giữa. Các hình văn mây cuộn, đuôi rồng xoáy như đã tạo thành một nét riêng biệt trên đồ ngọc cung đình Huế. Cùng loại ngọc trắng xám còn thấy gác bút tạo hình “tam sơn”, chạm khắc 2 mặt với đề tài chim phượng và cây ngô đồng bên núi và cây tùng với chim hạc. Cũng có chiếc gác bút ngọc trắng xám chạm khắc 2 mặt đề tài cây tùng – liễu và phong cảnh lão tiên với tiểu đồng dưới gốc tùng.
Thuỷ trì là tên thường gọi loại đồ đựng nước rửa bút và có nhiều kiểu dáng khác nhau. Ở đây, thuỷ trì ngọc trắng xám tạo hình chiếc cốc, gờ miệng chạm 2 hình con dơi xoè cánh xen kẽ các dải mây cuốn, xung quanh thân khắc các lớp sóng. Chân đế uốn, khắc băng văn như ý. Chiếc thuỷ trì khác tạo bằng ngọc trắng theo hình quả đào, bên thành ngoài có cành lá đào cùng một tượng khỉ và một con dơi.
Lại có chiếc thuỷ trì ngọc trắng tạo theo hình lá sen uốn rất độc đáo, trong lòng chạm nổi 2 bông hoa mai. Chiếc thuỷ trì ngọc trắng, tạo hình quả cam, nắp làm bằng vàng, chỏm núm tròn đính hạt ngọc, cả nắp cao 4,7cm.
Chiếc thuỷ trì ngọc trắng khác tạo hình hộp quả đào, chia 2 nửa. Trên mặt nắp thuỷ trì chạm khắc cành, lá đào và một con dơi. Quả đào là biểu tượng cho sự trường thọ như trong huyền thoại đào tiên của Tây Vương Mẫu, còn con dơi tượng trưng cho phúc. Do vậy, có thể nói đề tài Phúc – Thọ đã chi phối khá nhiều trong ý đồ tạo tác và trang trí của các nghệ nhân cung đình Huế.
Theo cách phân loại, hộp ngọc trong sưu tập này có nhiều dạng, như hộp tròn dẹt, có 2 nửa lắp khớp lại (tương tự nhiều loại hộp gốm men đã gặp từ thế kỷ XV – XVI), hộp hình trụ dẹt, hộp hình khối vuông, khối chữ nhật. Chất liệu tạo hộp bằng ngọc xanh xám sẫm hay bằng ngọc trắng xám. Sự khác nhau chính là hình chạm trên mặt nắp hộp hay xung quanh thân. Đề tài trang trí có thể là chữ Thọ kiểu tròn, hình hổ phù phỏng theo đồ đồng cổ ÂnThương, hoa lá cúc, chữ S đầu vuông, hoa sen dây.
Cũng có khi, đề tài chạm hình “viên long”, sóng nước, phượng và mây, hình 2 con dơi chầu vào chữ thọ hình bầu dục…
Công dụng của các loại hộp này có thể dùng đựng son phấn hay đồ nữ trang của các bà hoàng, hay đựng mực thỏi, son mài của các tầng lớp vua quan nhà Nguyễn.
Bộ đồ ăn trầu trang trí phượng có thể xem là một nhóm cổ ngọc hết sức đặc sắc. Theo nguồn gốc ghi trong sưu tập, bộ đồ trầu gồm có 1 khay, 1 ống nhổ và 2 chiếc hộp. Tất cả đều chế bằng loại ngọc trắng xanh và ngọc xanh (céladon) có kết hợp với vàng và đồi mồi.
Khay trầu có hình vuông, 4 mặt chạm khắc giống nhau, thành bên trong lót đồi mồi, thành ngoài chạm khắc 2 chim phượng chầu mặt nguyệt, xung quanh diềm hoa chanh, 3 hình con dơi và hoa lá. Gờ miệng khay bịt vàng. 4 góc chạm hình phượng đứng bằng vàng, cẩn hạt đá saphie. Đáy khay bằng gỗ mun.
Chiếc ống nhổ tạo như chiếc bình miệng loe cổ cao, thân hình cầu, chân đế thấp, viền miệng bịt vàng. Mặt trong miệng và xung quanh thân chạm 8 hình chim phượng trong ô hình bầu dục, viền quanh còn có băng lông công, vòng tròn nhỏ và 2 băng văn như ý.
Hai chiếc hộp đựng trầu cau, tạo hình trụ có nắp và một ngăn giữa tương tự kiểu dáng các hộp trầu bằng vàng, bạc hay hộp trầu xứ hoa lam Huế. Kích thước 2 chiếc hộp khác nhau, 1 to và 1 nhỏ, nhưng trang trí tương tự nhau. Mặt nắp hộp dẹt chạm 2 hình phượng và mây. Riêng nắp hộp to có núm hình nụ hoa bằng vàng gắn hạt saphie ở giữa. Xung quanh nắp khắc bầu rượu, xênh, khánh ngọc theo đề tài bát bảo của đạo Lão. Xung quanh thành ngoài hộp chạm 3 hình chim phượng bay và mây xen kẽ 3 cành hoa lá cúc.
Nếu giả thiết rằng, trang trí hình chim phượng trên các đồ vật thuộc về Hoàng hậu thì chắc hẳn, bộ đồ ăn trầu hiếm quý này đã được dùng trong cung phủ của các bà thuộc Hoàng triều Nguyễn?
Trong số các loại hình đồ ngọc dùng trang trí nội thất thư phòng hay nghi thức tôn giáo, có các loại đỉnh có nắp, bình, lọ và hộp tròn.
Nhìn chung, loại ngọc dùng để chế tạo đỉnh chỉ gồm loại xanh xám sẫm và ngọc trắng. Đỉnh chỉ có phần thân và nắp mà không có đế rời như thường gặp ở loại đỉnh đồng. Có một số chiếc thuộc loại miệng tròn hay chữ nhật khá giống đỉnh đồng nhưng có loại đáy tròn thấp hay 4 chân tròn dẹt là dạng chỉ gặp ở đỉnh ngọc.
Đề tài trang trí trên đỉnh ngọc xanh xám sẫm là hoa văn phỏng theo loại hồi văn trên cổ đồng thời Ân – Thương, chân đỉnh tạo hình chân thú chạm nổi mặt hổ phù, 2 quai đỉnh là đầu rồng hay đầu voi ngậm vòng tròn. Có trường hợp đặc biệt như chiếc đỉnh ngọc trắng, 2 quai là đầu voi ngậm vòng tròn, trên mặt quai là tượng chim.
Chiếc đỉnh ngọc trắng 4 chân tròn dẹt, nắp chỏm là hình rồng 5 móng cuộn, 4 hình viên long ở góc, 2 mặt trước và sau đỉnh tạo hình cuốn thư chạm chữ Hỷ và hồi văn phỏng cổ đồng, 2 quai hình đầu rồng ngậm vòng tròn.
Ngoài đề tài hổ phù, hồi văn phỏng theo thời ÂnThương, trên các đỉnh ngọc này còn thấy, các băng cánh sen, hồi văn chữ S đầu vuông, hoa sen dây. Đáng chú ý hơn là màu sắc và chất liệu ngọc dùng chế tác đỉnh còn thấy dùng để chế tác các bình lọ và hộp tròn. Chẳng những thế, giữa 3 loại hình đỉnh, bình, lọ và hộp còn có sự tương đồng về các mẫu hoa văn giống nhau: hoa sen dây, hồi văn chữ S đầu vuông, mặt hổ phù, hồi văn phỏng theo đồ đồng cổ…
Căn cứ vào loại rồng 5 móng, đuôi xoáy, hình viên long xuất hiện trên một số đỉnh ngọc ở đây, cho phép nghĩ rằng, chúng mang đặc điểm nghệ thuật Nguyễn và là những đồ ngự dụng trong cung đình Huế, thế kỷ XIX.
Trong nhóm cổ ngọc cung đình Huế cũng còn thấy nhiều loại ấm ngọc có nắp, được tạo hình và trang trí với kỹ thuật tinh xảo. Chất liệu ngọc dùng để tạo tác ấm thường là màu xanh celadon, trắng xám, trắng xanh. Ấm ngọc có thể dùng đựng rượu hay trà. Chẳng hạn, ấm ngọc xanh có nắp, vòi hình chim phượng, xung quanh thân chạm khắc lá hoa sen. Lại có chiếc ấm tạo quai hình rồng, thân chia múi nổi, xung quanh thân chạm cành hoa mai. Ấm có nắp chạm nổi cánh sen, thân chạm hình chim phượng và mây giữa 2 băng văn như ý và cánh sen. Đặc biệt, chiếc ấm ngọc trắng xanh có nắp, miệng và vòi ấm bịt vàng, chỏm nắp hình búp sen. Thành ngoài ấm khắc 2 băng văn như ý và 4 hình viên long khắc 4 chữ Hán: Thiệu Trị niên tạo (chế tạo trong khoảng niên hiệu Thiệu Trị, 1841 – 1847).
Cũng tương tự như trên các bộ đồ trà bằng sứ hoa lam đặt làm tại Trung Quốc, ở đây cũng có các bộ đồ trà tạo bằng ngọc trắng xanh với 1 chén tống 2 chén quân, hay 1 chén tống 3 chén quân, cùng ấm và đĩa. Viền miệng ấm, chén và đĩa đều bịt vàng. Các hoa văn trên ấm, chén, đĩa này chẳng những tương tự trên đồ trà sứ hoa lam mà còn hoàn toàn giống nhau cả về cấu trúc sắp xếp các băng hoa văn và chữ khắc Thiệu Trị niên tạo. Điểm khác với đồ sứ là trên đồ ngọc, chỉ thấy dùng chữ tạo mà không dùng chữ chế.
Ngoài các bộ ấm, chén và đĩa có khắc trang trí các băng văn như ý, 4 hình viên long và Thiệu Trị niên tạo, ở đây còn có 2 bộ tách có nắp và đĩa cùng mang đặc điểm tương đồng về hoa văn và chữ khắc.
Thuộc nhóm chén trà ngọc trắng xanh còn có những kiểu dáng khác như chén hạt mít, tuy không trang trí hoa văn nhưng rất đều nhau (đường kính miệng 3,2cm; cao 2cm). Chén và đĩa ngọc trắng xanh tạo dáng bông sen và lá sen. Chén miệng loe, ngọc trắng xanh có 2 tai rồng. Chén và đĩa nhỏ, miệng đứng, sâu lòng, viền miệng bịt vàng. Có bộ đĩa chén ngọc trắng xanh, xung quanh chén và trong lòng đĩa chạm khắc hình phượng bay trong mây. Bộ tách có nắp và đĩa ngọc trắng chạm khắc chữ Thọ tròn và viên long. Có loại tách, được tạo tác từ các chén ngọc, viền miệng bịt vàng và quai tạo thêm bằng vàng. Trên phần trang trí quai và quanh chén là băng hồi văn như ý và hình rồng mây, kiểu rồng đuôi xoáy. Những hình rồng ở đây đều là rồng 5 móng và đuôi rồng xoè hay xoáy, là điểm đáng lưu ý về đồ ngự dụng trong cung đình Nguyễn.
Trong sưu tập còn có các loại chén, đĩa tạo bằng ngọc trắng xanh, miệng bịt vàng. Chén ngọc trắng chân cao miệng bịt vàng hay tạo chân cao bằng hình bông hoa vàng. Nhiều loại đồ gia dụng bằng ngọc trắng xanh hay trắng ngà xám có thể là đồ ngự dụng, như bát ngọc trắng, miệng bịt vàng vì chất liệu và màu sắc tương tự như các ấm chén có ghi niên hiệu Thiệu Trị trên đây.
Hai chiếc đĩa ngọc trắng xanh, có cùng kiểu dáng và kích thước, viền miệng bịt vàng. Một chiếc chạm nổi trong lòng hình con dơi và cành lá quả đào theo đề tài Phúc – Thọ. Một đĩa khác chạm khắc tỷ mỷ 5 hình chim phượng xòe cánh, 1 ở giữa, 4 ở xung quanh.
Đồ ngọc gia dụng có xuất xứ từ cung đình Huế còn thấy các loại khác như: cặp kính có gọng bằng ngọc trắng và vàng, 2 mắt kính tròn. Thước kẻ hình chữ nhật dẹt. Bộ đồ ăn có các loại đũa, thìa, dĩa. Trong đó, có thìa và dĩa có cán ngọc trắng kết hợp với thìa và dĩa bằng bạc. Hai cây sáo tròn, 10 lỗ, tương tự loại sáo làm bằng ống trúc. Bộ cờ tướng chế bằng loại ngọc xanh và trắng. Một bên quân cờ làm bằng ngọc xanh. Mỗi quân hình trụ, 2 đầu mài cong đều, khắc tên từng quân cờ trong ô tròn: Tướng, sỹ, tượng, xe, pháo, mã, binh. Một bên quân cờ làm bằng ngọc trắng, tạo hình và kích thước tương tự những chữ khắc trong ô tròn là: Sư, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt (chữ tướng đổi thành sư, chữ tượng khắc thành tương; chữ pháo khắc bỏ bộ thạch bên cạnh).
Đây có thể là bộ cờ tướng đã được dùng trong cung vua Nguyễn.
Các bức tranh ngọc trắng xám hình chữ nhật chạm khắc trên cả 2 mặt với đề tài phong cảnh sơn thủy lâu đài nhân vật, theo tích cổ Trung Quốc. Khi so sánh với các bức tranh ngọc Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy, mặc dù có cùng đề tài mà cách thể hiện của nghệ nhân thời Nguyễn lại rất khác. Chẳng hạn, lối thể hiện cây tùng, con chim hạc, lá tùng không có tán tròn…
Bộ tượng bát tiên của đạo Lão, biểu tượng cho sự trường sinh bất tử tạo bằng ngọc trắng xám. Với phong cách chạm khắc và màu sắc chất liệu ngọc, chúng tôi cho rằng, bộ tượng này được sản xuất tại Việt Nam vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX – XX. Mặc dù, đề tài này có nguồn gốc từ Trung Quốc, song nghệ nhân thời Nguyễn đã sáng tạo theo cách của họ:
– Hán Chung Ly, tay cầm quạt và 1 quả đào sống lâu.
– Trương Quả Lão, tay cầm nhạc cụ (ống tiêu).
– Lã Động Tân, thần y khoa với cái đuổi ruồi và thanh gươm.
– Tào Quốc Cựu, thần các nghệ sỹ, tay cầm xênh.
– Lý Thiết Quài, hóa thân thành người ăn xin thọt chân, tay cầm bầu rượu hành hương.
– Hàn Tương Tử, thần các nhạc sỹ, thổi sáo.
– Lam Thái Hòa, thần các người bán hoa, biểu tượng thời gian đi qua.
– Hà Tiên Cô, tay cầm một nhánh sen, thần bảo vệ các gia đình.
Các pho tượng Phật đứng tạo tác bằng ngọc xanh trắng, đỏ nâu, xanh celadon, trắng xanh và đen trong nhiều tư thế khác nhau. Các pho tượng Phật này cũng thấy có chung một số nét như chỏm tóc búi cao, khuôn mặt trái xoan, nếp áo dài mềm mại,… Dường như là khác hẳn các pho tượng đồng loại của nước ngoài.
Bộ tượng “Thập nhị chi” hay gọi là 12 con giáp. Ở đây, bộ tượng được thể hiện bằng ngọc trắng xám, mô tả 12 con vật biểu trưng của 12 tháng theo lịch phương Đông, nhưng lại thiếu mão, con vật đứng hàng thứ 4 là con mèo. Tất cả 11 pho tượng này đều ở tư thế ngồi, chân phải gập lại, chân trái chống, tay cầm một vật gì đó. Sự khác nhau là ở đầu tượng với nét đặc trưng chỉ rõ về loài:
Tý = chuột, Sửu = trâu, Dần = hổ
Thìn = rồng, Tỵ = rắn, Ngọ = ngựa
Mùi = dê, Thân = khỉ, Dậu = gà
Tuất = chó, Hợi = lợn.
Cách thể hiện này mang rõ tính “nhân cách hóa” khá độc đáo, ít gặp trong nghệ thuật cổ. Đây cũng là bộ tượng ngọc do nghệ nhân thời Nguyễn chế tạo vào thế kỷ XIX.
Những tượng ngựa phi trên sóng hay thiên nga nằm, tạo bằng ngọc trắng xám có thể xem là những pho tượng nhỏ khá tinh tế. Các pho tượng chim, thú và cá đều thấy tạo bằng loại ngọc trắng xám như thiên nga nằm trên lá sen, mỏ ngậm cành sen; tượng uyên ương nằm mỏ ngậm lá sen hay tượng voi nằm trên bệ mây, tượng chim nằm đầu quay lại lưng, mỏ ngậm chùm đào, tượng cá vàng tả thực trong tư thế đang bơi.
Ngoài ra còn có những pho tượng độc đáo khác như voi đứng bằng ngọc xanh xám, uyên ương nằm mỏ ngậm hoa lá sen bằng ngọc xanh. Có những bộ phận hay vật trang trí tạo hình lá sen, cành hoa lá sen bằng ngọc trắng ngà cũng là những cổ ngọc đáng chú ý thuộc thời Nguyễn, thế kỷ XIX.
Một số loại hình đồ ngọc có màu sắc, chất liệu và trang trí kiểu hổ phù hình đầu voi ngậm vòng tròn, tương tự trên nhiều bình, hũ gốm men có ghi niên hiệu Gia Long, như: lư hương, bình, lọ, ngọc trắng xám.
Lư hương tròn có 4 chân thú thấp, tương ứng với 4 đầu voi ngậm vòng tròn, miệng và thân khắc hồi văn chữ S đầu vuông và văn mây.
Trong số các bình, lọ có nắp chế bằng ngọc trắng xanh đáng chú ý, như: chiếc lọ có nắp, miệng đế vuông, quai hình chữ S, trang trí nổi hình chim ngậm cành đào. Lọ ngọc trắng xám có nắp, miệng đế hình vuông, cổ có 2 cặp đầu voi và hình dơi ngậm vòng tròn cùng các hoa văn như ý, hồi văn chữ S, chữ Thọ tròn, dây hoa lá và chữ Hỷ. Lọ ngọc nhỏ, hình tỳ bà dẹt, 2 quai là voi ngậm vòng tròn, 2 mặt chạm cành hoa lá mẫu đơn.
Lọ ngọc trắng xám dẹt, miệng và đế hình bầu dục, có 2 quai tạo đầu voi ngậm vòng tròn. Bình hoa ngọc trắng xám điểm vân xanh (tương tự loại ngọc chế nghiên mài mực của vua) có miệng tròn, cổ eo, vai phình, thân dáng chuông, vai chạm nổi 2 mặt hồ phù.
Một nhóm đồ chế tác bằng ngọc kim sa như bình treo có nắp, quanh thân chạm hình rồng và kỷ hà, bộ cối và chày giã trầu được tạo tác kết hợp với vàng, bình miệng vuông có đế gỗ chạm hồi văn chữ T, cánh sen và mây. Đặc biệt, chuôi ấn ghi Khải Định Đại Nam Hoàng đế cũng được chế tạo bằng ngọc kim sa. Nhóm đồ ngọc kim sa này có niên đại thế kỷ XIX – XX.
Với loại ngọc hồng, ngọc xanh xám ngả vàng đã thấy xuất hiện trong những cổ ngọc của cung đình Nguyễn như chiếc lọ có nắp chạm khắc hình chim ngậm cành lá, quanh thân chạm nổi chim và hoa lá rất sinh động.
Lọ ngọc xanh xám ngả vàng được tạo theo hình cá ôm bình xen lẫn 1 con rồng. Một chiếc ống bút ngọc xanh xám ngả vàng tạo theo hình gốc trúc với 1 con chim trĩ đứng ngẩng đầu. Một chiếc ống bút ngọc đen và trắng khác lại thấy tạo tác hình gốc mai đen và cành hoa mai trắng.
Ca ngọc trắng xám ngả vàng có quai rồng, quanh thân chạm mặt hổ phù phỏng theo đồ đồng cổ.
Chiếc ống nhổ ngọc trắng, miệng và đế bịt vàng khắc băng văn như ý, giữa thân trang trí một vòng vàng gắn chuỗi hạt đá saphie. Chiếc ống nhổ này với sự hiếm quý về chất liệu và kiểu cách trang trí như trên mũ vua đã phản ánh là một đồ ngự dụng trong hoàng cung triều Nguyễn.
Cổ ngọc là các loại hình được tạo tác bằng chất liệu ngọc với nhiều màu sắc khác nhau.
Cổ ngọc thuộc các thời Lý – Trần – Lê còn khuyết trống do nhiều nguyên nhân lịch sử, nhưng đến thời Nguyễn, sưu tập cổ ngọc đã hội tụ rất nhiều chủng loại, đặc biệt là cổ ngọc thuộc cung đình Huế. Chúng ta có một bộ ngọc tỷ 18 chiếc có niên đại thế kỷ XVIII – XIX. Trong đó, nhiều ngọc tỷ có ghi khắc niên đại tuyệt đối.
Nhiều ngọc tỷ được sử sách chép lại nguồn gốc do người dân trong nước tìm được rồi đem dâng vua và nhà vua ra lệnh làm ấn. Vì vậy, ngọc tỷ triều Nguyễn được xác minh rất rõ về nguồn gốc lai lịch.
Cổ ngọc triều Nguyễn rất đáng chú ý với các chủng loại có khắc minh văn như thẻ bài, phiến ngọc, nghiên mực khắc ghi Ngự chế thi của vua Thiệu Trị. Các bộ đồ trà (nguyên bộ) có chạm khắc hoa văn như ý, hồi văn chữ S đầu vuông, “viên long” và 4 chữ: Thiệu Trị niên tạo, rất tương đồng với các bộ đồ trà sứ hoa lam đặt làm tại Trung Quốc. Các đề tài viên long, rồng đuôi xoáy, phượng hoàng, con dơi và quả đào (phúc – thọ) đã thấy phổ biến trên nhiều loại cổ ngọc và trở thành đặc điểm nhận diện riêng của nghệ thuật cung đình Nguyễn.
Bộ sưu tập cổ ngọc thời Nguyễn chẳng những phản ánh trình độ kỹ thuật tinh xảo, tuyệt mỹ trong số các ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam mà còn thể hiện giá trị độc đáo và hiếm quý, gắn với lịch sử vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam./.
Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Qúy độc giả xem ở tệp PDF.
Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, Số 1 (50) – 2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Cổ ngọc thời Lê – Nguyễn lưu giữ tại bảo tàng lịch sử quốc gia (Tác giả: Nguyễn Đình Chiến) |