Cuộc đấu tranh chống lại cái cũ trong xã hội nông thôn Việt Nam trên báo Phong Hóa (1932- 1936)
THE STRUGGLE AGAINST THE OLD THING OF VIETNAMESE RURAL
SOCIETY IN THE NEWSPAPER “PHONG HOA” (1932 -1936)
Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ THANH THỦY
(Trường Đại học Thủ ñô Hà Nội)
TÓM TẮT
Phong Hóa là tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam có mục đích bàn một cách vui (châm biếm, hài hước) về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế để làm rõ hiện tình trong nước. Trong đó cuộc đấu tranh với cái cũ của xã hội nông thôn Việt Nam được phản ánh với giọng châm biếm và nổi bật tính thời sự. Phong Hóa đã dùng phương pháp trào phúng để đả kích bài trừ sự cổ hủ, lạc hậu cũng như thói hư tật xấu của người dân nông thôn. Đây là cơ sở để Phong Hóa phổ biến tư tưởng dân chủ mới của phương Tây với quan điểm tiến bộ về cá nhân, gia đình, xã hội và tuyên truyền các nội dung của chương trình cải cách nhằm xây dựng xã hội nông thôn mới.
Từ khóa:Trào phúng, nông thôn, lạc hậu, tiến bộ, cải cách xã hội.
ABSTRACT
“Phong Hoa” is the first satirical newspa Abstract per in Vietnam aming to discuss the social, political and economic issues in a funny way (satire, humor) that clarified the current situation in the country. Accordingly, the struggle against the old thing of Vietnamese rural society was reflected by “Phong Hoa” in a tone of irony. “Phong Hoa” used methods of satire to lash out and except the old- fashioned and the bad habits of the rural people. This basis helped “Phong Hoa” to popularize new democratic ideas of Western with progressive opinion to individuals, families, society and propagandized the content of the reform agenda to buid a new rural society.
Keywords: Satirical, rural, backward, progressive, Keywords social reform.
x
x x
1. Mở đầu
Đầu thế kỷ XX và nhất là sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), phương tiện báo chí do Pháp truyền bá đã trở thành công cụ để tuyên truyền chính sách cai trị và văn hóa Pháp. Tuy nhiên việc thúc đẩy sâu rộng phong trào Tân học và sử dụng chữ Quốc ngữ trong dân chúng đã là tiền đề gây dựng nên đội ngũ văn nhân ký giả Tây học phát triển mạnh ở Việt Nam từ những năm 1930. Sự phát triển của báo chí tiếng Việt mạnh mẽ từ năm 1930 đã tạo nên một không gian tương đối dân chủ cho sự giao lưu văn hóa và truyền bá tư tưởng mới, cũng như diễn đàn trao đổi các vấn đề liên quan tới đời sống văn hóa, chính trị và tư tưởng ở Việt Nam, là nơi phổ biến thông tin, liên kết cộng đồng trong những mối quan tâm chung.
Phong Hóa là tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam có mục đích bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết như xã hội, chính trị, kinh tế, làm rõ hiện tình trong nước.
Phong Hóa là tờ báo đã để lại một dấu ấn đậm nét khi sử dụng phương pháp trào phúng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí, đã sử dụng quyền tự do ngôn luận để đả kích bài trừ sự cổ hủ lạc hậu trong đời sống xã hội Việt Nam mà nổi bật là khu vực nông thôn và phổ biến tư tưởng dân chủ mới của phương Tây với những quan điểm tiến bộ về cá nhân, gia đình và xã hội cho mục tiêu vận động cải cách, xây dựng một xã hội nông thôn mới trong thời Pháp thuộc. Phong Hóa là một tờ báo có dấu ấn đậm nét trong lịch sử báo chí nên đã được đề cập đến trong một số tác phẩm nghiên cứu như: Đỗ Quang Hưng (CB) (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, Nxb Chính trị Quốc gia; Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Việt Chước (1974), Lược sử báo chí Việt Nam, Nam Sơn, Sài Gòn; Phạm Thế Ngũ (2000), Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc – Nxb Văn hóa Thông tin… Tuy nhiên, do nghiên cứu về cả một giai đoạn của báo chí nên những tác phẩm này chỉ dành một số trang nhất định để viết về Phong Hóa trong giai đoạn báo chí từ 1930 đến 1945. Sự phát triển mạnh mẽ nhất của báo chí Việt Nam trong thời Pháp thuộc là giai đoạn 1930 – 1945 và Phong Hóa là một tờ báo có tiếng tăm trong thời gian này nhưng chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm một cách xứng đáng về nội dung đấu tranh với cái cũ để cải tạo xã hội. Vì vậy, để kiến giải và đánh giá rõ rét hơn những nội dung đả kích cái cũ, phổ biến và tuyên truyền cho cuộc cải cách xã hội ở khu vực nông thôn mà Phong Hóa phản ánh, gây tác động lớn trên thực tế đời sống xã hội Việt Nam chính là nội dung mà bài viết này muốn quan tâm giải quyết.
2. Nội dung
2.1. Điều kiện lịch sử của sự ra đời báo Phong Hóa
Ngay trong giai đoạn đầu của quá trình thực dân hóa ở Việt Nam, người Pháp đã có ý đồ xoá bỏ nền văn hoá bản địa để cấy vào đó một mô hình văn hoá được sao chép từ chính quốc nhằm thống trị tinh thần người bản xứ, phục vụ mục tiêu cai trị lâu dài, đặt được vĩnh viễn ảnh hưởng của người Pháp trên mảnh đất Đông Dương. Một trong những công cụ mà người Pháp sử dụng để tuyên truyền tư tưởng và văn hóa Pháp chính là báo chí. Ra đời cùng với quá trình cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, báo chí tại Việt Nam do Pháp truyền bá đã được đầu tư nhiều điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển, là một công cụ của chính quyền cai trị. Mặc dù báo chí ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn do người Pháp bảo trợ với mục tiêu tuyên truyền cho chế độ thực dân nhưng với đặc thù của báo chí đã đem lại một không gian mới cũng như khả năng mới cho sự tồn tại tương đối độc lập và sự tác động trực tiếp đến thực tiễn xã hội của nhà báo. Với đặc điểm đó, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã xuất hiện thế hệ những nhà báo đầu tiên, dù làm việc cho các tờ báo chịu sự bảo trợ của người Pháp nhưng đã đi đầu trong vận động và tuyên truyền cho tư tưởng dân chủ phương Tây với mục tiêu nâng cao dân trí cho người Việt và xây dựng một nền văn hoá mới cho dân tộc Việt Nam.
Có thể kể tên một số tác giả báo chí tiêu biểu như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của ở Nam Kỳ, Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm Đông Dương tạp chí ở Bắc Kỳ (tờ Đông Dương tạp chí hoạt động từ năm 1913).
Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho đến những năm 1920, tư tưởng dân chủ Pháp đã có ảnh hưởng nhất định đối với trí thức Tây học Việt Nam. Biểu hiện rõ rệt nhất là các bài báo tuyên truyền cho chủ nghĩa nhân văn Pháp đăng tải trên báo La Cloche fêlée (Chuông rè) của Nguyễn An Ninh và những bài viết về nhà nước và pháp quyền trên Nam Phong của Phạm Quỳnh.
Trong điều kiện có một không gian thuận lợi cho sự phát triển của báo chí và văn học, các trí thức Tây học đã nhanh chóng thâu hoá những quan điểm sáng tác cũng như phương pháp sáng tác của phương Tây để tạo ra một sự phát triển có tính chất bước ngoặt của báo chí và văn học Việt Nam.Thực ra, quá trình này đã đựơc chuẩn bị ngay từ trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, trong buổi ban đầu phôi thai của nền Quốc văn mới với những nhân vật tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, nhưng nó chỉ phát khởi mạnh mẽ vào những năm 30 của thế kỷ XX với các xu hướng và trào lưu văn học mới.
Từ những năm 1930, báo chí tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng. Báo chí từ một công cụ của chính quyền thực dân để tuyên truyền chính sách cai trị đã chuyển sang giữ vai trò của một phương tiện thông tin, truyền bá văn hóa Pháp. Trong điều kiện Việt Nam chịu ách cai trị của thực dân Pháp và người Pháp dùng phương tiện báo chí nhằm mục tiêu thu phục tinh thần người Việt thì sự phát triển của báo chí ở Việt Nam vẫn tạo nên một tác động ngoài mong đợi của người Pháp. Lý do là do phong trào Tân học phát triển mạnh sau Chiến tranh thế giới I tạo nên một tầng lớp trí thức mới chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Phong trào học chữ Quốc ngữ đã lan truyền sâu rộng trong dân chúng. Đây chính là nguồn gốc tạo ra một đội ngũ người viết văn và viết báo theo ảnh hưởng Tây phương. Báo chí đã tạo nên một không gian văn hóa tư tưởng giúp người dân thảo luận các vấn đề của đất nước, xã hội và kể cả cá nhân… với một tinh thần dân chủ nhất định. Báo chí tiếng Việt phát triển nhanh chóng cả về số lượng và nội dung, với việc người Việt đã tham gia với vai trò là người chủ trương của tờ báo. Đây cũng là thời kỳ mà xu thế dung hòa văn hóa Đông Tây thể hiện và chiếm ưu thế. Trong đó xu thế Âu hóa khá mạnh mẽ, ngoài các vấn đề lối sống xã hội còn nổi bật vấn đề sáng tác văn chương theo ảnh hưởng của văn hóa Pháp và báo chí cũng là phương tiện truyền tải văn chương chủ yếu của giai đoạn này, có tác dụng tuyên truyền những quan điểm và tư tưởng phương Tây.
Đầu năm 1930, tại Việt Nam có nhiều sự kiện cách mạng nổ ra như cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1/1930), sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930), phong trào cách mạng 1930 -1931 và Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Thực dân Pháp đã tiến hành đàn áp, khủng bố trắng các phong trào yêu nước dân tộc, đưa hàng ngàn các chiến sĩ yêu nước lên đoạn đầu đài và vào nhà tù. Những năm 1932 -1935, phong trào cách mạng ở giai đoạn thoái trào, mọi hình thức đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam đều tạm thời lắng xuống.
Đúng vào thời kỳ này, một nhân vật sau này sẽ là một nhà báo tiếng tăm trên mặt trận báo chí xuất hiện, đó là Nguyễn Tường Tam, người là linh hồn của tờ Phong Hóa và người chủ xướng của Tự lực văn đoàn. Nguyễn Tường Tam (1905 – 1963) sinh ra trong một gia đình trí thức tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Gia đình ông đông anh em trai nhưng bố ông mất sớm chỉ còn nương tựa vào người mẹ. Mẹ ông có chí nuôi cho các con ăn học thành tài nên đã tần tảo buôn bán ngược xuôi, đầu tư cho việc học hành của các con chu đáo. Ngay từ năm 16 tuổi, ông đã thể hiện khả năng sáng tác và nghiên cứu, có thơ đăng báo tại Trung Bắc Tân văn và đã viết bình luận về văn chương đăng trên Nam Phong tạp chí. Ông ham thích nghệ thuật, sau khi học xong trung học đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương theo ngành Mỹ thuật nhưng sau khi học một năm, ông đổi hướng bỏ học vào Nam Kỳ làm báo, đồng thời đã tham gia vào phong trào để tang Phan Châu Trinh. Phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh bị đàn áp nên, ông phải trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường sang Pháp học tập. Năm 1927, Nguyễn Tường Tam sang Pháp du học, ông vừa học ngành khoa học vừa quan tâm nghiên cứu nghề báo chí và xuất bản. Năm 1930, ông lấy được bằng Cử nhân Giáo khoa (Lý- Hóa) và trở vê nước trong năm này. Nhận thức được phong trào cách mạng của dân tộc trong giai đoạn bị khủng hoảng, ông muốn bước vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí. Khi ở Pháp học tập, ông có ấn tượng với tờ Con Ong của Pháp theo hướng trào phúng, thường châm chích đả kích các hiện tượng tiêu cực của xã hội, tạo ra những cơn phong ba trong xã hội. Nhìn ra bên ngoài với tư duy học hỏi, ông có ý tưởng làm một tờ báo trào phúng tại Việt Nam với tên gọi là “Tiếng cười” để làm phương tiện đấu tranh trong xã hội khi ông xem xét thực tế báo chí Việt Nam còn chưa có tờ báo nào đi theo hướng này. Tuy nhiên, ông gặp khó khăn trong việc xin phép ra báo “Tiếng cười’ khi thời gian chờ đợi quá lâu vẫn chưa được cấp phép để hoạt động, hơn nữa chi phí để cấp phép một tờ báo mới theo qui định của chính quyền thuộc địa khá lớn, cũng là một khó khăn không nhỏ mà ông phải đối mặt. Trong lúc gặp phải những khó khăn đó, Nguyễn Tường Tam nắm được thông tin tờ báo Phong Hóa của một số giáo viên trường tư thục Thăng Long đang có nguy cơ phải đóng cửa do không thu hút được bạn đọc. Nguyễn Tường Tam nảy ra ý định thuê lại tờ báo và sẽ gây dựng một tờ báo mới trên cơ sở làm mới một tờ báo cũ, một ý tưởng rất mạnh dạn và đậm nét thị trường đòi hỏi phải có một minh chủ tài năng. Nguyễn Tường Tam đã gặp Phạm Hữu Ninh, Trần Khánh Giư, Nguyễn Xuân Mai để điều đình mua lại báo và cuộc gặp gỡ đã thành công. Tờ Phong Hóa chuyển về tay Nguyễn Tường Tam làm chủ bút, vẫn để tên Phạm Hữu Ninh làm quản lý, Nguyễn Xuân Mai làm giám đốc Chính Trị.
Phong Hóa số 13 (8/9/1932) đã quảng bá ngắn gọn mục đích của Phong Hóa: “Bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết: xã hội, chính trị, kinh tế. Nói rõ về hiện tượng trong nước”.
Chỉ với tuyên ngôn ngắn gọn, Phong Hóa đã khẳng định quan điểm lấy tinh thần dân chủ và bình đẳng là lý tưởng để chiến đấu trên mặt trận báo chí thời đó “Phong Hóa lấy thành thực làm căn bản, lấy trào phúng khôi hài làm phương pháp, còn tùy độc giả lấy lương tri mà xét điều hay giở tìm tòi đến chân lý” (Phong Hóa số 30 – Tứ Ly).
Phong Hóa cũng báo với các bạn đọc sẽ nghỉ một kỳ ngày 15/9/1932 để chuẩn bị cho sự ra số 14 (22/9/1932) tăng số trang là 8 hay 12 trang nhật trình mỗi số là 7 xu (giá tiền không thấp thời gian đó) với sự tự tin.
Thực tế, Phong Hóa từ khi có người chủ mới là Nguyễn Tường Tam đã nhanh chóng bước vào làng báo Việt với tinh thần hăng hái theo con đường mới, lý tưởng mới, không chịu khuất phục thành kiến, lấy thành thực làm căn bản, lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động và dùng trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí.
2.2. Cuộc đấu tranh với cái cũ của xã hội nông thôn được phản ánh trên Phong Hóa (1932 -1936)
2.2.1. Thực tế đời sống khốn cùng của dân quê
Trong hoàn cảnh lịch sử đúng vào giai đoạn phong trào đấu tranh vũ trang của dân tộc tạm thời lắng xuống, những nội dung mà Phong Hóa đưa trên mặt báo đã thu hút sự chú ý của bạn đọc bình dân và đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản trí thức thành thị khắp ba kỳ. Ngay từ số 14 (22/9/1932) Phong Hóa đã thể hiện sự chú ý đến người dân quê với bài viết nhan đề: “Biết dân quê” của Nguyễn Đông Sơn được đăng ngay tại trang một, nêu rõ mối quan hệ giữa trí thức và người dân, khẳng định trí thức phải biết dân để dẫn đường cho người dân vì sự đi lên và cải cách xã hội. “Nguy cho bọn học thức không rõ nơi đông mà dựa, nguy cho dân quê không ai sáng mà theo. Dân quê là số nhiều, nếu không có người thấu được nguyện vọng rõ được tính tình họ, lẫn vào họ để dìu dắt bảo ban thì mọi việc cải cách chỉ có bề ngoài, cuộc “Cải lương hương chính” đã làm ta mở mắt” [Phong Hóa số 14 22/9/1932, tr.1].
Về phía nguyên vọng của dân quê, trong Phong Hóa số 48, 49 tháng 6/1933, Nhất Linh đã đăng bài viết: “Dân quê muốn gì” khẳng định muốn thay đổi cuộc sống của dân quê, phải biết được nguyện vọng của dân quê. Theo Nhất Linh, biết được dân thì họa chăng có bọn tổng lý, kỳ mục nhưng họ biết dân phần nhiều để lợi dụng dân, thu lấy lợi về mình. Trí thức Tây học là bộ phận tiến bộ thì lại biết dân một cách lờ mờ do cách biệt với dân quê nhiều lắm do mỗi bên có một quan niệm riêng về cuộc đời. Để giải quyết vấn đề này, Nhất Linh đề xuất: thứ nhất: trí thức Tây học phải theo cách quan niệm của dân quê mà hành động, thứ hai là phải nghĩ cách dạy cho dân quê có cái quan niệm như mình đã, rồi mới bắt đầu cải cách được. Đó là phải đả phá những quan niệm về bổn phận mà dân quê cho là to tát quí trọng hơn là cái sự cần về vật chất như bổn phận với thần thánh, làng mạc, họ hàng… Ví dụ: Dân quê cả đời tiết kiệm mua một chức nhiêu xã (chuộng hư danh), làm cỗ bàn để đăng cai (vì ông thần làng), hay là làm cỗ giỗ chạp, cỗ đám ma rất nhiều để trả nợ miệng (đó là vì lệ làng).
Cuộc sống của dân quê khốn cùng vì nhiều lý do, các nhà báo Phong Hóa đã phản ánh rõ nét thực tế cuộc sống khổ cực của người dân quê và nguyên nhân gây ra cuộc sông đó.
Từ số 51 (16/6/1933) cho đến số 79 (29/12/1933) các nhà báo Phong Hóa đã tập trung theo chủ đề “Vấn đề dân sinh” của dân quê, phản ánh sự sống eo hẹp, khó khăn của dân quê, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến cuộc sống bùn lầy nước đọng của dân quê.
Trong số 52 (Thứ 6, ngày23/6/1933), với chủ đề “Vấn đề nhân sinh” nhà báo Nhị Linh viết bài “Man trá và hà lạm”, tố cáo tội man trá và hà lạm của bọn đàn anh tại làng xã (tức Hội đồng Kỳ mục, Lý trưởng). Ví dụ: bọn họ khai man trá, khai tăng các món chữa đình chùa, vào hùa với nhau mà ăn bám và đục khoét hương quĩ, làm cho dân quê rất khổ sở vì đóng góp vào hương quĩ theo nhiều lệ tục nhưng tiền hương quĩ đều bị cường hào tại làng xã đục khoét hết nên không còn tiền cho các công việc vệ sinh, trị an, lộ chính, trộm cướp… Dân quê phải chịu sống khổ cực trong những nền nhà thấp, đường xá đất bùn, rơm rác bẩn thỉu… Trộm cướp là một nạn lớn của làng xã mà Hội đồng Kỳ mục vẫn không chịu tìm ra phương pháp phòng bị có hiệu quả, không học tập cách tổ chức cảnh sát tại thành phố. Kết luận lại vấn đề, nhà báo đưa ra ý kiến: Muốn bình yên phải có trật tự và sức mạnh, đó là những điều cần thiết cho sự sống của dân quê mà đàn anh làng xã và trí thức phải luôn lưu tâm đến.
Trong số 55, 56 (14/7/1933, 21/7/1933) nhà báo Nhị Linh với bài viết “Sự sống của dân quê” đã tiếp tục nêu cụ thể các vấn đề làm cho dân quê khổ cực và đưa ý kiến. Về đường xá, theo Nhị Linh: “Ở dân quê thì cái gì cũng luộm thuộm cẩu thả, song không có sự gì làm phiền cho ta, chướng mắt ta bằng sự bẩn thỉu, bề bộn, bất tiện của những con đường hẹp trong làng. Các con đường eo hẹp lầy lội ấy đã làm trở ngại cho công nghiệp và nông nghiệp”. Vì vậy ông đề nghị: Sự sửa sang lại đường xá trong làng là một sự rất quan trọng trong vấn đề dân sinh, các đường đều cần phải lát gạch, hoặc đổ đá, có vệ đường và cống lưu thoát nước, đêm đến có những cây đèn chiếu khắp nơi.
Trong số 56 (21/7/1933) nhà báo Nhị Linh nêu về vấn đề kiện tụng, lễ lạc ở nông thôn. Dân quê thù hằn nhau vì những lý do như đem mả con để gần ngôi mộ ông tổ ngũ đại nhà khác làm chắn mất long mạch của ngôi mộ đang phát… Khi thù hằn nhau, ghen ghét nhau, dân quê bỏ bã rượu, thuốc phiện vào nhà nhau rồi đi báo quan về khám để hà hiếp nhau, đè nén nhau, lập bè cánh để bàn mưu mẹo làm hại lẫn nhau… Sau đó, dân quê đi nịnh hót, luồn cúi đến làm môn hạ ông lớn nọ, bà lớn kia để lấy oai quyền hão mà dậm dọa, mà đục khoét lương dân cho dễ…
Theo Nhị Linh, sự sinh kiện tụng ở thôn quê, làm cuộc sống người dân khổ sở là do tính ngu độn không biết phải trái hoặc lòng hư danh mà ra. Chỉ vì tham chút hư danh, một ly một tý người dân cũng đưa nhau ra cửa quan mà không bàn bạc hòa giải được gây tốn phí vô ích.
Vấn đề đặt ra là những sự khốn nạn, nhỏ nhen đê hèn ấy làm thế nào cho tiệt nọc, làm thế nào cho dân quê ta hiểu rõ quyền tự do của người công dân, không làm lụy cho ai nhưng cũng không bị ai bỗng dưng làm lụy đến mình được.
Kết luận lạivề nguyên nhân chính yếu của cuộc sống của dân quê thời Pháp thuộc, nhà báo Nhị Linh đưa ý kiến: “ Sự sống eo hẹp khó khăn của dân quê ta nguyên nhân phần lớn ở chỗ vô học” – Bài báo “Các trình độ học thức” theo chủ đề “Giáo dục trong dân quê” (Số 58, ngày 4/8/1933) Sự vô học này ở cả hạng trên con nhà giàu như Chánh, Bá, tuy có đi học nhưng mải rong chơi nuôi gà chọi, thả diều sáo rượu chè cờ bạc, hát xướng qua ngày nên viết chưa sọi chữ Quốc ngữ đã từ giã nhà trường. Còn hạng cùng dân thì lúc nhúc như đàn cừu đói rét ngớ ngẩn chẳng ai đoái nghĩ đến, chẳng ai đoái thương đến. Quan điểm của Nhị Linh là cần phải xây đắp bậc thang tri thức cho dân quê ngày một cao lên mới thay đổi được đời sống dân quê, chính là vấn đề giáo dục.
Thực tế, nguyên nhân của sự cùng khổ cay nghiệt nhất của dân quê không chỉ xuất phát từ sự vô học của họ. Sự cai trị hà khắc của chính quyền thực dân và phong kiến tay sai đã khiến cho đời sống của dân quê lầm than, tăm tối. Thực tế, Phong Hóa là một tờ báo công khai, để tránh sự áp chế của nhà cầm quyền mà các nhà báo phải nói tránh đi để lọt lưới kiểm duyệt, hơn nữa, họ dùng cách lý luận này để sau đó sẽ đề nghị cải cách và phát triên giáo dục ở nông thôn, đây cũng là một yếu tố cần thiết cho việc đem cái mới đến đời sống nông thôn.
2.2.2. Đả kích bài trừ các phong tục cổ hủ lạc hậu và thói hư tật xấu của dân quê
Với việc sử dụng những tiếng cười sảng khoái, châm chích, các nhà báo Phong Hóa đã phê phán các tập tục lễ nghi phong kiến lạc hậu đè nặng lên người dân ở thôn quê, đồng thời đề cao sự bình đẳng trong gia đình, coi trọng quyền công dân tại các thôn xóm.
Đó là những tập tục như cúng bái, thắp hương, đốt mã, đánh bạc, ăn cỗ, thách cưới, tảo hôn, lại mặt… tại thôn xóm.
Về tập tục cúng giỗ, nhà báo Tứ Linh trong bài “Mặt thực” số 28 ngày 30/12/1932 đánh giá mặt trái của việc cúng giỗ người mất: “Làm cỗ cúng vì tin rằng người chết về ăn, nhưng làm cỗ linh đình thì một là họ cho rằng phải làm vì con cháu về đông, cúng nhiều để ăn cho đủ, hai là vì thói quen, ba là vì cỗ bàn to thì mình mới là có hiếu và mới được tiếng khen của làng xóm. Thường người chết ghét rượu thì cúng rượu vì không có rượu không ra cúng, người chết ghét đồ nấu thường lại cúng đồ nấu, đó là tính làm sang với hàng xóm…”
Về tục đốt mã, trong số 114 (Ngày 7/9/1934), với bài “Đốt mã là một sự giả dối”, nhà báo Nhị Linh khẳng định: “Thời xưa, người cổ đặt ra cái tục giả dối kia chỉ làm theo một ý nghĩ có nhân đạo. Đối với dân đời thái cổ còn ngu độn còn mê tín dị đoan thì sự giả dối ấy rất đáng khen vì đã cứu được bao mạng người” (do dùng đồ mã để thay cho tùy táng người sống và đồ vật thật). “Tuy nhiên, trong thời hiện đại ta phải hiểu rằng những đồ mã kia đốt đi không thể thành hình người hay thành các vật dụng thực được. Thế mà dân ta cứ nhắm mắt làm theo thì thực là muốn lùi về đời thái cổ. Với những người có học thức và trí tuệ hẳn hoi vẫn cắm đầu theo tục hủ lậu, vẫn đốt mã như thường, tuy họ thừa hiểu rằng, làm như thế không có nghĩa gì là do họ chỉ sợ nếu không làm theo tổ tiên thì sẽ bị họ hàng làng mạc đàm tiếu”. Thực tế, theo Nhị Linh đây là sự lừa dối của con người, sự lừa dối người sống để khoe khoang tấm lòng hiếu nghĩa không có thật, tự lừa dối chính mình vì không tin vẫn vờ là có tin, lừa dối và làm hại xã hội, vì đống tiền bỏ ra mua mã có thể dùng để cứu giúp được biết bao kẻ khốn khó.
Về tục thách cưới, trong số 74 (ngày 24/ 11/1933), với bài “Tập tục” nhà báo Nhị Linh đã đánh giá và phê phán tục thách cưới như sau: “Tập tục có khi đã đưa ta lùi tới tận đời thái cổ” Thời xưa khi cho con gái đi lấy chồng, nhà gái chia trầu cau, bánh chưng, bánh dày cho họ hàng với ý nghĩa thay lời báo tin mừng, những thứ quà đó là của nhà trai mang đến. Hiện nay, tập tục đó đã được cải lương đi, nhà gái yêu cầu nhà trai phải dẫn cưới các thực phẩm “văn minh” thay cho các thực phẩm “hủ lậu”. Tập tục cải lương này đã cao giá hơn cái tập tục y nguyên của các cụ ta lưu truyền lại. Ví dụ có nhà gái đòi nhà trai dẫn cưới 200 chai sâm banh với cớ là người trong họ văn minh quen uống sâm banh thôi, không dùng bánh chưng nữa.
Ngoài ra, tập tục tin vào ma quỉ, nhìn xó nào cũng thấy có linh hồn ma quỷ, coi trọng hầu đồng, thần tiên, cúng bái mong xin lộc của thần lình, chỉ muốn cầu phù hộ, giúp đỡ mà không có tính tự lập, cố gắng làm việc và phấn đấu. Trong các bài báo theo chủ đề Từ nhỏ đến lớn, Từ cao đến thấp, Bàn ngang để nói ngược mà hiểu ra xuôi, Tứ Linh Hoàng Đạo đã đả phá những quan điểm sai lầm châm tiến, tập tục cổ hủ, những thói hư tật xấu của người dân quê, khẳng định đó chính là một trong những nguyên nhân khiến họ phải chịu cuộc sống khổ cực, lam lũ khi không có chí tự lập tiến thủ vươn lên, chỉ sống theo tục lệ cũ lạc hậu. Trong số 65 (Ngày 22/12/1933), Tứ Linh Hoàng Đạo trong bài “Bàn ngang” đã so sánh tư tưởng của người phương Tây với người phương Đông chúng ta. Ông khẳng định: “Người Tây phương không phải chỉ vì khéo áp dụng khoa học vào việc đời mà trở nên hùng mạnh mà họ còn có chí tự lập, muốn tự mình chống chọi với muôn nỗi khó khăn ở đời, đem hết tâm trí ra để thắng sức trở ngại của trời đất làm cho giá trị của con người hơn cả vạn vật”. Về quan điểm của người Việt Nam lại cho tự lập như vậy là có ý nghĩa ngông cuồng của bọn điên rồ, không biết tự lượng thân mình chỉ là như con sâu cái kiến mà muốn làm chúa tể cả vũ trụ là sự sai lầm. Tứ Linh cho rằng: “Với người Việt, thói ỷ lại được coi như là cái nết hay ho có một của chung cả dân tộc Việt Nam” Một số dẫn chứng được Tứ Linh đưa ra và nhận xét: “Con ỷ lại vào cha mẹ để vào sòng đổ bác, hùng dũng mở cái, nằm bên khay đèn thuốc phiện…Vợ ỷ lại vào chồng đảm đang bôi đỏ thêm má hồng, trắng thêm mặt ngọc,đảm đang đi lê la chắn, cạ, ngồi nói xấu chị em. Ngoài xã hội muốn lập thân, đem hết tâm trí ra để tìm thấy “thầy”, có quyền thế hòng nương tựa tấm thân bảy thước. Anh lý, anh xã, xin lấy chân đầy tớ để mượn oai nạt lũ dân đen. Người lành lặn, khỏe mạnh giả ốm yếu đi ăn xin để mong lấy kiếp sống thừa… Ta cứ ỷ lại vào người khác, thật là một sự tiến bộ to tát, vì ta được hưởng lạc thú ở đời mà khỏi phải chống cự với muôn sự khó khăn trở ngại, ta khỏi phải làm lụng, nghĩ ngợi, ta khỏi phải làm người”.
Về phẩm chất tự trọng, một phẩm chất rất cần trong cuộc sống của con người, là một nhân tố tạo nên sự tiến bộ của xã hội, nhà báo Nhị Linh trong bài “Tự trọng” tại số 68 (ngày 13/ 10/1933) đã nêu: “Cần phải dạy dân quê biết tự trọng, đừng có những tư tưởng cử chi đê hèn khiến con người mất hết nhân cách”. Ông đã diễn giải về tự trọng hiểu theo nghĩa hẹp là con người không khúm núm, nịnh hót đê hèn, làm mất phẩm giá của cá nhân. Theo nghĩa rộng, trong trách nhiệm với xã hội, một con người khi có nghĩa vụ kén chọn người ra thay mặt cho mình ở nghị viện mà hoặc không công tâm vì ăn tiền đút lót, hoặc cẩu thả vì cho đó là một việc không quan hệ đến mình thì sự không biết tự trọng ấy mới thật có hại lớn. Quyền bẩu cử là một sự tự do của công dân, của cá nhân, biết dùng quyền bầu cử nghiêm túc đúng trách nhiệm là biết tự trọng. Nếu vì tư túi mà một người xằng bậy hay ngu dốt, ích kỷ được trúng cử thì người bầu vì lợi ích cá nhân đã bán rẻ lợi ích của đoàn thể.
Tóm lại, những tập tục lễ nghi phong kiến cổ hủ, lạc hậu đè nặng lên cuộc sống dân quê đều bị các nhà báo Phong Hóa đả kích như: cúng bái, thắp hương, giỗ chạp, đánh bạc, ăn cỗ, mê tín dị đoạn, đồng cốt, tin vào ma quỉ. Bên cạnh đó, các phẩm chất tốt đẹp như tự lập, tự trọng được đề cao, sự bình đẳng trong gia đình và quyền công dân cơ bản là quyền bầu cử được giải thích và tuyên truyền mạnh mẽ để ngấm dần vào dân quê.
Những thói hư tật xấu của người dân quê cũng được đưa lên mặt báo để phê bình, đả kích mạnh mẽ. Trước hết đối tượng chính bị đả kích lại là những người trong bộ máy thôn xã. Hình ảnh Lý Toét và Xá Xệ là hình ảnh được tạo dựng qua tranh vẽ đã trở thành hai nhân vật chủ chốt của biếm họa Việt Nam và từ đó đi vào văn học, vào đời sống thường ngày của người Việt. Trong thời gian tồn tại báo Phong Hóa từ năm 1932 – 1936, tranh Lý Toét và Xã Xệ cũng như những câu chuyện cười về hai cụ nhà quê cổ hủ “đậm đặc dân tộc tính” này đã là các cú hích đâm xầm vào nền văn minh mới do “Mẫu quốc” Pháp mang đến. Đây cũng là thời gian mà tại Việt Nam đang chứng kiến cuộc chạm trán tóe lửa của hai nền văn hóa Đông – Tây cũng như các quan điểm: bảo tồn, dung hòa Đông Tây, Âu hóa…
Nhân vật Lý Toét với những tính cách đậm nét của dân quê Việt Nam được mọi người chấp nhận một cách bất thành văn. Những nét chính về Lý Toét là: Lý Toét là một ông già nhà quê, có chức phận trong làng, chức Lý trưởng, nên được gọi là Lý, mắt bị bệnh đau mắt hột từ bé, kèm nhèm, gọi là mắt toét. Nhập hai chữ Lý và Toét vào nhau vì vậy ông được gọi là Lý Toét.
Lý Toét nghèo, sống ở thôn quê, chưa từng được thấy những thứ văn minh ngoài phố do người Pháp mang lại. Lý biết đọc chữ quốc ngữ, biết ít chữ nôm, chữ nho, nhưng không hiểu tiếng Pháp, nên có nhiều phen không thông về chữ nghĩa, nhầm chữ nọ sang chữ kia tí chút. Vì nghèo nên Lý Toét tham ăn, lại nghiện rượu, nên ích kỷ, chỉ muốn mình được phần to, thêm nữa, không hiểu gì về vệ sinh, ăn ở dơ bẩn, nên cả tin, sợ hãi đủ mọi thứ. Lý Toét rât mê tín, thờ đủ mọi loại thần thánh, từ con cóc sành trên bể nước ngoài vườn hoa, đến con hổ sống trong chuồng Vườn Bách Thú… Vợ con của Lý Toét ở quê cũng rất lôi thôi, Lý Toét có một cô con gái lớn tên là Ba Vành đã bỏ nhà lên thành phố lấy Tây nên thỉnh thoảng Lý Toét cũng ra thành phố thăm con gây ra các câu chuyện cười do tính cách cổ hủ và làm trái pháp luật: ví dụ: dùng tem đã đóng để gửi thư bị phạt nhưng vẫn cãi lại…
Sau Lý Toét là nhân vật Xá Xệ xuất hiện, có dáng người béo ị, đầu trọc lông lốc đối chọi với Lý Toét gầy đét và cao. Xá Xệ ra đời để đấu lại với Lý toét, cãi chầy cãi cối chung buồn chung vui, cùng sống cuộc đời dân nô lệ mất nước cùng Lý Toét. Những câu chuyện cười về Lý Toét và Xá Xệ về những tính tình xấu, gàn bướng, cù nhầy, đáng cười, những suy nghĩ, suy luận chéo cẳng ngỗng như dùng tem đã đóng dấu theo suy luận tưởng đúng của mình… Những phản ứng không giống ai của Lý Toét và Xá Xệ đã diễn tả những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Cặp bài trùng Lý Toét và Xá Xệ của Phong Hóa trở nên nổi tiếng, được sự ủng hộ của nhân dân từ trẻ con đến người lớn. Qua những bức tranh và câu chuyện cười về Lý Toét và Xá Xệ, người dân quê thấy hình ảnh mình trong đó, thấm thía về thân phận mất nước, nghèo đói, chưa được giáo dục của người dân nên dân quê thường vô kỷ luật, hay sợ hãi, mê tín có nhiều thói hư tật xấu và cam chịu tủi nhục dưới ách cai trị của chính quyền thực dân Pháp. Có ý kiến cho rằng Phong Hóa bôi xấu người nhà quê. Tuy nhiên hãy phải hiểu nếu dân quê còn nghèo đói, vô học, khốn cùng và bị bóc lột và đè nén thì sự mê tín, sợ hãi và tham lam, nhỏ nhen ích kỷ sẽ phải sinh ra… Muốn thay đổi cuộc sống lạc hâu ở nông thôn, những trí thức chân chính phải làm gì để dẫn đường cho cộng đồng. Đây cũng là chủ ý của Phong Hóa, dùng báo chí để vận động thay đổi và cải cách xã hội.
2.2.3. Đề nghị cải cách xã hội nông thôn thông qua Bản Chương trình xây dựng cuộc sống mới
Sau một thời gian liên tiếp đăng tải những bài báo phản ánh thực tế đời sống khốn cùng và châm biếm, đả kích các phong tục cổ hủ lạc hậu và thói hư tật xấu của dân quê, Phong Hóa tiếp tục đưa ra một loạt bài báo về vấn đề dân sinh, trình bày những bản chương trình cải cách xã hội nông thôn với những nội dung cơ bản nhằm xây dựng cuộc sống mới tại thôn quê. Số 80 (Ngày 5/1/1934) là số mở đầu việc đăng tải các bài viết về các bản Chương trình cải cách xã hội dành cho nông thôn ngay tại trang đầu theo chủ đề vấn đề dân sinh. Nhà báo Nhị Linh với bài “Một bản chương trình” đã thể hiện quan điểm của ông về việc tiến hành cải cách ở nông thôn. Ông cho rằngcần phải lưu tâm đến một vấn đề mà nếu quên đi không để ý tới sẽ dẫn đến sự thất bại của các cuộc cải lương hương tục. Đó là do tính không ưa nhẹ của dân quê nên các nhà cải cách phải dùng uy quyền mà bắt dân quê thực hành các bản chương trình cải cách đó thì mới mong giải quyết được vấn đề dân sinh.
Từ số 80 (ngày 5/1/1934) đến số 90 (23/3/1934), nhà báo Nhị Linh đã liên tiếp đăng một bản Chương trình cải cách tục lệ các làng, đề nghị phá bỏ hẳn những thành kiến dị đoan, những phong tục xấu xa đồi bại, cái gì cũ mà hủ lậu thì nhất quyết trừ khử và cải tạo các làng theo quy củ mới. Bản Chương trình chú trọng cách nuôi sống dân quê, quan tâm đến sự sống của dân quê. Bản Chương trình đã chia ra từng mục nhất định.
Nội dung đầu tiên của Bản tường trình cải cách là quan tâm đến dân sinh của người dân. Đề nghị trồng cấy thóc lúa hoa màu, cây ăn quả, tre, dâu nuôi tằm đủ để cung cấp cho nhu cầu ăn, mặc, ở của dân cư trong làng. Đề nghị làng xã coi ao hồ là nguồn lợi chung, sửa sang xây đắp các bờ ao cho sạch sẽ và đào cống ngầm cho các ao thông nhau. Dùng ao nuôi cá, lấy nguồn lợi của ao để sử dụng đóng thuế thân cho dân, còn thừa sẽ sửa sang đường xá và các nơi công cộng.
Nội dung thứ hai, bản Chương trình đề nghị phát triển tiểu kỹ nghệ gồm các nghề như dệt vải và ren thêu, nung nồi, nung gạch, dệt chiếu, làm nón, đan rổ, đan rá, làm bị nghĩa là tự cung tự cấp lấy những đồ dùng của đời sống. Do dân có nhiều nghề phụ nên sẽ trừ được những cái hại lớn do nhàn cư trong dân sinh ra như cờ bạc, rượu phiện, kiện cáo, trộm cướp. Một loại thuế được đặt ra không phân đẳng cấp trong làng, gọi là thuể ngồi rồi, ai không có nghề phải đóng thuế 1 đồng bạc. Ai phải đóng thuế ngồi rồi được coi là một sự xấu, sẽ cổ vũ dân làng trọng sự lao động, đưa cuộc sống phát triển lên.
Nội dung thứ ba của Chương trình là cải cách về hình thức trong làng như: phá lũy tre, trồng thay vào hàng giậu cây dâu và cây ăn quả. Về người: đàn ông bỏ búi tóc chuyển thành húi trọc hay húi rẽ cho sạch sẽ, vệ sinh. Về y phục bỏ áo trùng, mặc áo kép bông bằng lụa hoặc bằng đũi do dân tự làm. Về phụ nữ y phục cũng cần gọn gàng dễ coi, có thể chọn lối y phục hoàn toàn An Nam như các cô gái vùng Lim. Có thể tự làm guốc, dép để đi lại và che đầu bằng nón lá. Về vấn đề vệ sinh chung và vệ sinh riêng, Chương trình cải cách đề nghị quan tâm đến nước uống gồm: ao hồ phải giữ sạch sẽ, rác rưởi phải có nơi chứa riêng, có xe bò trong làng đi các nơi hót rác. Về nước ăn phải dùng công quĩ của làng khơi giếng sạch và làm nhà lọc nước rồi dẫn ngầm nước theo các ống đến các nhà trong làng. Ủng hộ việc nâng cấp về hình thức ăn mặc cho phụ nữ, từ số 86, Phong Hóa mở thêm mục: Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô, chuyên bàn và hướng dẫn vẽ kiểu các y phục đẹp cho phụ nữ phù hợp với công việc và hoàn cảnh sống. Về vấn đề nhà cửa cũng được Bản Chương trình đề nghị thay đổi theo phương diện hợp vệ sinh. Theo tác giả của Chương trình cải cách, nhà kiểu cũ vốn có 5 gian hai chái tuy đẹp nhưng về phương diện vệ sinh chưa đảm bảo: thấp, ẩm, thiếu ánh sáng và không khí do không có cửa sổ, mùa hè nóng, mùa rét lạnh. Bản Chương trình đề nghị cư dân khi làm nhà dù bằng gạch hay bằng tre cũng đều phải vẽ kiểu nhà trình một hội đồng coi riêng để xem xét theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh, cho treo ở nhà công quán một kiểu nhà tre làm mẫu để ai muốn làm nhà đến xem để học tập. Kiểu nhà chỉ lợp cói, rạ và cột kèo bằng tre, bằng bương hay gỗ soàn nhưng ngăn nắp và hợp vệ sinh, nền cao, có cửa sổ và chia buồng. Để đảm bảo vệ sinh, nghĩa địa phải qui tập và làm xa khu dân cư.
Theo quan điểm của tác giả Chương trình cải cách, muốn cho một cuộc cải cách về mọi mặt tại thôn quê có thể đạt kết quả, trước hết phải phá bỏ được những dị đoan, mê tín thì cải cách mới thành công được. Mà muốn phá bỏ hết những mê tín dị đoan thì phải đề ra một chương trình giáo dục tại thôn quê. Việc xây dựng trường học ở thôn quê được ưu tiên tại những khu đất rộng rãi và xây dựng các công trình lớp học hợp vệ sinh, mát mẻ, sạch sẽ, sân trường phải trồng cây lấy bóng mát. Nội dung giáo dục đi theo hướng mới, tiến bộ, chia ra các mục như: sử ký, địa dư, luân lý, quốc văn, khoa học phổ thông và sơ lược, toán pháp thực hành… Tuy nhiên quan tâm dạy cho các thiếu niên biết những điều cần thiết về quyền công dân. Quyền công dân vốn là một vấn đề mà các trường lớp bên Âu Mỹ luôn quan tâm. Vì vậy, chương trình cải cách giáo dục phải học tập phương Tây chú trọng dạy cho thiếu niên về quyền công dân, quyền tự do tham dự vào việc hương chính và tự do bầu cử. Dân quê cần được hiểu biết pháp luật. Các thiếu niên được dạy cho biết rằng họ được tự do nói và viết những điều họ nghĩ miễn là những điều đó không vi phạm pháp luật.
Trong số 91 (ngày 30/3/1934) nhà báo Tứ Linh Hoàng Đạo viết bài: “Dân quê… và luật” trong đó ông khẳng định sự mơ hồ của người dân quê với pháp luật hiện nay. Theo ông, người dân quê: “Tuyệt nhiên không biết những ủy khúccủa pháp luật, không rõ những điều gì và sự gì mà pháp luật không cấm đoán, cũng không hiểu thế nào là trọng tội, khinh tội”. Lý do của sự không hiểu biết này là do không có người dạy bảo cho họ biết. Biết pháp luật cho đến nơi đến chốn không phải là một sự dễ dàng đối với dân quê khi ở Việt Nam luật Nam triều cũng thực hành, luật Mẫu quốc cũng có. Khi dân quê biết pháp luật sẽ không còn sợ hãi không còn vẻ dút dát của những người chỉ biết “gãi tai” nhờ “đèn trời soi xét”. Để dân quê hiểu pháp luật, nhà báo Tư Linh đưa ra cách tuyên truyền cho thanh niên các làng có chí khí đi sưu tầm các sách luật rồi đọc và giảng cho dân quê nghe những lúc họp việc làng. Công cuộc tuy khó khăn song có ý chí và quả cảm thì sau trước cũng đạt được mục đích mà quả cảm ý chí vốn là đức tính của thanh niên rất cần thúc đẩy.
Qua chương trình cải cách xã hội ở nông thôn mà các nhà báo Phong Hóa đưa ra, có thể thấy họ rất hăng hái muốn cải tạo xã hội nông thôn theo những nội dung tiến bộ. Chính yếu của cải cách nông thôn vẫn là phát triển giáo dục theo tư tưởng phương Tây, bỏ phong tục lạc hâu, các thói hư tật xấu của dân quê, quan tâm xây dựng lối sống mới, nhà ở, ăn mặc, nước uống, vệ sinh chung…
Có thể thấy, với tỉ lệ 90/100 là dân quê vẫn giữ nhiều hủ tục thì khó nhất vẫn là vấn đề tư tưởng, phần đông dân cư còn trọng thói cổ, có bộ phận tuy hàng ngày tiếp xúc với phong trào mới, biết phong tục cũ có nhiều cái dở nhưng vẫn chưa dám quả quyết bỏ lề lối xưa.
Trước tình hình thực tế đó, các nhà báo Phong Hóa đã đưa lên trang đầu những bài báo khai thông trí não của người dân quê để hướng dân quê phá bỏ những lạc hậu đi theo con đường tiến bộ tới tư tưởng nhân đạo, bình đẳng và bác ái.
3. Kết luận
Trong những năm 1932 -1936, Phong Hóa đã xông xáo trong trận chiến tuyên truyền trên mặt trận báo chí công khai, đả phá những hủ tục xã hội, đưa ra những quan điểm duy tân cấp tiến, khuyến khích vươn tới cái văn minh. Phong Hóa đã sử dụng biện pháp trào phúng như một vũ khí để có thể phá cái cũ, tạo lập cái mới một cách mềm mỏng, sử dụng hình thức đấu tranh công khai, phản ánh rõ nét thực tế đời sống khốn cùng của dân quê để từ đó đả kích bài trừ các phong tục cổ hủ lạc hậu và thói hư tật xấu của dân quê, coi đây là điểm chính yếu để cải tạo xã hội theo hướng duy tân. Phong Hóa với những bài báo đả phá cái cũ, tuyên truyền tư tưởng mới đã thể hiện sự quan tâm đến xã hội, đến việc khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh như tinh thần của nhà ái quốc Phan Châu Trinh đã bàn đến hồi đầu thế kỷ XX và gia nhập vào cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội bằng con đường báo chí công khai có sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội. Những đóng góp của Phong Hóa trong giai đoạn cuộc đấu tranh hòa binh là cần thiết và phù hợp rất đáng được khẳng định. Chỉ với một thời gian ngắn tồn tại, Phong Hóa với tiếng nói duy tân cấp tiến, hướng về nông thôn và dân quê đã để lại một dấu ấn rõ nét trong lịch sử báo chí Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Việt Chước (1974), Lược sử báo chí Việt Nam, – Nam Sơn, Sài Gòn.
2. Trần Văn Giàu (1997), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Tập 2, – Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Đỗ Quang Hưng (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, – Nxb Chính trị Quốc gia.
4. Phạm Thế Ngũ (2000), Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, – Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Báo Phong Hóa từ số 13 (ngày 8/9/1932) đến số 190 (ngày 5/6/1936).
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 17/2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Cuộc đấu tranh chống lại cái cũ trong xã hội nông thôn Việt Nam trên báo Phong Hóa (1932- 1936) – Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Thủy |