Đi tìm người xông đất
NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó giáo sư, tiến sĩ sử học)
Vào thời vua Lê chúa Trịnh, nếu vua Lê mong mỏi được chúa Trịnh đến viếng mình đầu tiên, để biết số phận mình còn tại vị được bao lâu? Thì đối với dân chúng, nhất là đối với người buôn bán -người được mong đợi đến viếng đầu tiên là ai?
Có phải ông có vầng trán cao trông như hói cả đầu (h.168), trên vai gánh hai trái đào. Một trái “trường sinh”, một trái “bình an”.
Hình 168: Ông Thọ
Trường Viễn Đông Bác Cổ có sưu tập được hai bức tranh vẽ chân dung của ông (1) mà dân gian gọi là “Ông Thọ”. G.Pisier (2) có cho ta hai bản vẽ: vẽ ông Thọ với bốn quả đào – mỗi quả một chữ Bình An, Trường Sinh (h.169, 170).
“Từ đâu mà lại gánh an bình
Tuổi tác xem chiều hãy khoẻ lưng”\
Hình 169: Ông Thọ Bình An
Còn một bức lại ghi:
“Gã nào thong thả gánh trường sinh
Lão tráng hùng hào mới biết danh”.
Hình 170: Ông Thọ Trường Sinh
____________
(1) DURAND – Imagerie populaire Vietnamienne – (Sách đã dẫn p.111).
(2) PISIER. L’esprit des Annamites et le Tết – (Sách đã dẫn, trang 16-18. Và G.Pisier có cho ta hai bản vẽ về ông Thọ với bốn quả đào – Mỗi quả một chữ Bình An, Trường Sinh).
x
x x
CHỊ GÁNH NƯỚC ĐẾN
Người mà dân chúng chờ đợi không phải là “ông Thọ” với đôi quả đào ấy mà chính là một chị gánh nước thuê với đôi thùng (h.171). Tại sao như vậy? Đó là vì chị đem “của vào như nước”. Tiền công được trả bằng năm, bằng mười ngày thường, lại kèm theo những lời chúc tốt đẹp, không như mọi ngày.
Theo tài liệu của G.Dumoutier (1), vào sáng mồng một các chị gánh nước gánh đôi thùng nước đến nhà khách hàng và “tụng” (récitent en psalmodiant) thuộc lòng một câu quy ước: “Năm mới mừng ông bà giàu có của nhiều như nước” (Je souhaite pour l’année nouvelle à Monsieur et Madame, des richesses abondantes comme de l’eau). Sau đó, chị đổ hai thùng nước vào cái vại trong nhà rồi nhận quà biếu của chủ nhà.
__________
(1) G.DUMOUTIER – Essais sur les Tonkinois – Imprimerie d’Extrême Orient – Hà Nội . Hải Phòng – 1908 – p.321.
Hình 171: Chị gánh nước
Tại nhiều làng, còn có những người đàn ông viết sẵn bốn chữ “Nhất bản vạn lợi” (một vốn vạn lời) hoặc chữ “Đại cát” vào tờ giấy đỏ để đi chúc Tết. Chủ nhà nhận lấy và mở hàng bằng món tiền chúc Xuân.
Thông thường, người gánh nước cũng hết sức thận trọng, chỉ gánh nước vào những nhà đã có người xông đất trước để tránh cho bản thân suốt năm khỏi phải gặp cảnh oán trách – nếu chủ nhà làm ăn lụn bại. Tuy nhiên, có nhà lại chọn người gánh nước làm người xông đất nhà mình (do nhận thấy cá nhân người ấy có ngoại hình, và tâm tính đẹp tốt hay gia đình êm ấm…).
Nếu thế, họ lại yêu cầu phải được đến nhà trước tất cả để cái lộc chưa kịp san sẻ cho bất kỳ nhà nào khác.
x
x x
MỘT SỐ TỤC LỆ HỒN NHIÊN
1. XÔNG ĐẤT
Theo tục lệ, người đến thăm đầu tiên gọi là người xông nhà, xông đất. Con cháu phải ở nhà, chưa được đi chúc Tết ông chú, bà bác nào cả, mà phải chờ có người đến xông đất, xông nhà rồi mới được đi. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh, “xông đất” gọi là “đập đất” còn từ Quảng Bình vào Nam thì gọi là “đạp đất”. Có nơi, sau khi đi lễ chùa, lễ đền miếu trở về, thường để cho người tốt vía, tính tình cởi mở vào nhà trước, để tự xông đất cho gia đình. Nếu là người ngoài đến xông đất, thì có khi được mời mọc từ trước, mang theo một bánh pháo, vừa đến ngõ đã đốt (h.173), rồi mới bước vào sân nói to lời chúc tụng. Đi Tết ai, người ta thường đem theo mấy bánh pháo, to nhỏ tùy cấp bậc, địa vị. Vừa xướng Tết xong, người ta liền đốt pháo cho ran nhà, cho tà ma bỏ chạy, để hạnh phúc tràn tới (1).
Hình 173: Đốt pháo
Có người xông đất lại mang theo hủ nước, như ở vùng Hà Nam với ngụ ý “tiền của vào như nước”. Chủ nhà hân hoan đón nhận hũ nước ấy rồi đem cất vào nơi trang trọng.
___________
(1) Theo J.B TAVERNIER – Suite des voyages de M. Tavernier Chevalier, Baron d’Aubonne IV. Paris 1680.
2. LỜI CHÚC
Đến xông nhà, xông đất hoặc chỉ là người đến thăm viếng trong mấy ngày xuân – theo tục lệ – tuỳ nhà tuỳ người mà có lời chúc riêng. Nếu nhà có cha mẹ già thì chúc “tăng phúc tăng thọ”, “sống lâu trăm tuổi”. Nếu là nhà nông thì chúc “phong đăng hỏa cốc”. Nếu là nhà buôn thì “buôn may bán đắt”, “làm ăn phát tài”, “nhất bản vạn lợi”, “của đồng làm ra, của nhà làm nên”. Nếu gặp người làm việc nước thì chúc “thăng quan tiến
chức”. Nếu là thầy khoá thì chúc “bảng vàng bia đá”…
Có khi lời chúc tụng lại được thay bằng một “phong bao” mà ngày nay gọi là “phong bì” – loại giấy hồng điều nhỏ, trong đựng tiền, để “mừng tuổi” hay “mở hàng”. “Mừng tuổi”, “mở hàng” là một tục lệ biểu hiện tình cảm quý già mến trẻ.
Tết đến, mọi người lại nhắc đến tuổi. Người già, thêm một tuổi, tức là thêm thọ. Các cháu thêm tuổi, tức là thêm lớn.
3. SỐNG LÂU NHƯ BÀNH TỔ
Những gia đình hạnh phúc thường có ba thế hệ cùng vui sống với nhau. Thế hệ con cháu chỉ mong cho ông bà mình sống lâu trăm tuổi, song lời cầu chúc có khi nhắc đến cả tên cụ Bành Tổ (h.174). Vậy Bành Tổ là ai? Bành Tổ là một nhân vật huyền thoại trong văn hoá dân gianTrung Quốc, tên thật là Tiền Khanh, cháu chắt nhiều đời vua Chuyên Húc (một trong năm vị hoàng đế trong huyền thoại Trung Hoa). Đến cuối đời nhà Ân, tuy đã trên bảy trăm tuổi, nhưng cụ Bành Tổ vẫn tráng kiện, không có biểu hiện gì già nua theo tuổi tác. Cụ là người tính tình điềm tĩnh, khéo rèn luyện sức khoẻ, ăn uống thanh đạm, thường uống thêm thuỷ tinh, vân mẫu, gạc nai, ít chú ý đến trang điểm. Vua Mục Công nghe tin, tin rằng đó là đấng trượng phu nên muốn mời ra tham chính, nhà vua bèn cho Thái Nữ mang kiệu đến đón, song hỏi ra mới biết đó là cụ Bành Tổ. Thái Tử bèn hỏi bí quyết sống lâu để hướng dẫn nhà vua. Nhà vua thử làm theo thấy hiệu nghiệm. Cụ Bành Tổ biết chuyện ấy, lại tiếp tục đi đây đi đó, không ai biết cụ đi đâu. Hơn bảy mươi năm sau, người nhà và môn đệ lại gặp cụ ở Tây sông Lưu Sa (2).
Hình 174: Ông Bành Tổ
_________
(2) Theo VŨ PHONG TẠO – Cụ Bành Tổ – (Tạp chí Tài chính thị trường xuân Đinh Sửu 1997– tr. 35).
4. LÌ XÌ – MỪNG TUỔI
Hình ảnh đổi bạc bên đây (h.175) làm ta liên tưởng đến việc người lớn đã lo dăm ba đồng tiền lẻ – trong những ngày Tết – để mừng tuổi các cháu trong xóm hay trong thân bằng cố hữu. Mừng tuổi là chúc tụng, là cho tiền – tức “lì xì” – các đồng hào mới, nhưng phải lẻ để còn dư mãi ra.
Lì xì (âm phổ thông) là lợi thị (âm Hán Việt), có nghĩa: một là: số lời thu được do mua bán – hai là: tốt lành có lợi – ba là: vận tốt, vận may. Vào ngày 24 tháng chạp, mọi nhà – từ nhà quê đến kẻ chợ – đều làm lễ rước Na – lễ tế Thần Ôn dịch – Thần chuyên gây bịnh ôn
dịch hay truyền nhiễm, tựa như lễ cầu mát ở miền Trung Bắc bộ.
Hình 175: Đổi tiền
Trống rước Na đến khắp mọi nha để xin “Lợi thị” (theo Đông Kinh mộng hoa lục). Người phụ nữ đi lấy chồng, khi về đến cửa, những người đi theo cũng như người nhà đều xin “lợi thị” – hoặc bằng đồ vật hoặc bằng tiền.
Nói chung, lợi thị hay lì xì đều có nghĩa được lợi, được tiền, được may mắn, được tốt lành, được hên (3).
___________
(3) Theo HẠO NHIÊN NGHIÊM TOẢN – Phiếm luận nhân tìm nghĩa hai chữ “lì xì” – Đặc san xuân “Danh từ chuyên môn” (Ủy ban quốc gia soạn thảo danh từ chuyên môn Sài Gòn 1975).
5. VỖ MÔNG CẦU PHÚC LỘC
Ngày xuân, gái trai già trẻ thuộc dân tộc Hmông vùng Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có tục lệ hơi kỳ lạ, đó là vỗ mông nhau để cầu nhiều phúc lộc. Trong đám hội chơi đông đúc, ai là người nhanh tay vỗ được vào mông nhiều người thì cái ma, cái độc truyền đi, cái nhanh, cái nhạy, cái khoẻ sẽ về – tức là phúc lộc sẽ đến nhiều.
Riêng đối với trai gái trẻ, tục vỗ mông nói trên là điều kiện để Họ tiếp xúc gần gũi nhau. Chàng trai nào khoẻ mạnh, hay cô gái nào hồ hởi ắt sẽ gây được sự chú ý của đám hội. Còn những trai gái mới lần đầu chưa hề chạm vào nhau thì cái cớ vỗ mông do cộng đồng đặt ra không phải là không có lý do (6).
___________
(6) Theo ĐOÀN THỊ KÝ _ Những mẩu chuyện Tết – (Tiền Phong Chủ Nhật – Xuân Ất Hợi 1995 – tr.13).