Đi tìm những nhà thần bí học

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học
Người sáng lập trang http://thanhdiavietnamhoc.com/
)

     Theo nhiều nhà thần bí học – Bùa xuất hiện từ thời tín ngưỡng cổ sơ – song vẫn còn tồn tại cho đến nay tại một số nơi và trong một bộ phận dân chúng. Bùa là sản phẩm của phương Đông – theo những nhà thần bí học phương Tây – Trong quyển “Traité méthodique des Sciences occultes”, các bác sĩ Papus,  Saint-Yves d’Alveydre đã chú ý đến loại hình bùa chú. Một bác sĩ khác người Mỹ tên Willington, khi tìm ra “phù chú toàn thư” của Trung Quốc đã đem ra thực nghiệm dịch ra tiếng Anh. Thật ra, phương Tây cũng đã thừa hưởng di sản này của các dân tộc trong khu vực Ai cập, Chaldée, Do Thái (Hébreux), Hy Lạp, Ba Tư …

     Tuy nhiên nếu tìm hiểu đối chiếu, ta có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của loại bùa chú đối với dân tộc phương Đông có bài bản và có sức sống mãnh liệt và phong phú hơn phương Tây do nơi đây là nơi xuất phát nhiều loại tôn giáo khác nhau và đan xen nhau của các dân tộc như Ấn độ có Phật giáo, Bà La môn giáo, Á Rập có Hồi giáo, Palestine có Thiên Chúa giáo, Trung Hoa có Khổng giáo, Đạo giáo. Do đó, nền văn minh duy tâm mang lớp vỏ siêu hình này đã phát triển khá mạnh tại khu vực phương Đông này. Theo nhiều nhà triết học chính phương Đông đã tạo dựng môn duy thức học – một ngành học đi sâu vào tâm thức con người từ lâu. Trong khi đó, phương Tây chỉ mới mô tả ở lớp vỏ bề ngoài của môn tâm lý học – Trong đó ngành phân tâm học (Psychanalyse) của S. Freud tự nhận là đã phát hiện ra tiềm thức (subconscient) – cái mà Phật giáo đã phác họa từ lâu và đặt tên cho nó là thức thứ bảy hay mạt na thức (manas). Mạt na thức là thức còn ở dưới cái thức thứ tám (Alayas) mà người Trung quốc gọi là Tàng thức.

     Trở lại với ngành duy thức học – những nhà siêu hình học đã nhờ đó mà lập trình ra cả thế giới Thiên đườngĐịa ngục … mà ngày nay có thể gọi đó là những nhà viết “phần mềm” để tạo ra chân dung thần thánh, ma quỷ … Như vậy là bùa chú là sản phẩm phụ của loại triết học siêu hình này – nó như là một chất xúc tác tâm lý để thúc đẩy các phản ứng lý hoá?

Bùa

    Bùa – sức mạnh của hình vẽ nói theo ngôn ngữ của GS. Nguyễn Tài Cẩn thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – Bùa (âm Hán việt cổ) – tức là Phù – thường đi đôi với Chú. Trong khi bùa tập trung biến hoá ý muốn bằng nét chữ thì chú lại phát ra âm thanh bằng mồm để tác động. Miệng đọc chú, tay vẽ bùa là những động tác phối hợp nhau để trợ duyên cho đức tin đạt được kết quả mong muốn.

     Kết quả mong muốn ấy như thế nào? nó xấu hay tốt. Nó có thể là tốt nếu đức tin là một hạt nhân tốt. Nó sẽ xấu nếu đức tin đó đã gieo hạt xấu. – chẳng khác nào anh thợ mộc dùng bùa Lỗ Ban để trù ém gia chủ chỉ vì đòi ăn con gà mái tơ, hay vòi vĩnh thêm tiền mà không được đáp ứng.

     Như vậy bùa chú là phương pháp tập trung sức mạnh của ý chí để đạt được khát vọng thèm muốn hèn hạ hay thanh cao của bản thân. Phương pháp này gần gũi với phương pháp tự kỷ ám thị (auto-suggestion) mà người phương Tây hay đề cập. Do đó, những nhà đạo sĩ chân chính hay những ông lang băm hay lợi dụng nó để hành nghề “cứu nhân độ thế” hay kiếm chác lừa gạt để những người ấy có thể dùng bùa trấn trạch để xua đuổi cái gọi là tà ma, chướng khí hay trộm cắp vào nhà, hay có thể dùng bùa để điều kinh cho phụ nữ, bùa cầm máu hay bùa trị mắc xương … có khi bùa để tạo khích động bộ vó của ngựa đua. (Theo tạp chí Đại chúng Saigon số 226).

     Các ông thầy pháp có lưu truyền một quyển “bút ký” về bùa bằng chữ Hán Nôm rất phức tạp, dễ tưởng nhầm như chú một loại cổ thư về thuốc Nam.

     Chúng tôi đã nhận được tài liệu từ một nhà “ngoại cảm” tại Hà Nội gởi vào thư  viện với nguyện vọng là xin được dịch nôm bằng chữ quốc ngữ. Đây là một nhà thực hành Khoa Thần bí học trẻ tuổi đã từng vào Trường Sơn để tìm hài cốt bộ đội vào Nam trong thời kỳ chiến tranh. Chúng tôi đã mời 3 nhà nghiên cứu Hán Nôm có tên tuổi (các cụ Khổng Đức, Vũ Văn Kính, Lạc Thiện) và kinh nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp để làm theo yêu cầu một cách vất vả rồi cuối cùng chúng tôi xin đọc lại. Hoá ra đó là công trình ghi chép các kỹ thuật cụ thể để hành nghề bùa chú của các thăm lang. Tư liệu này chúng tôi bảo quản riêng không phổ biến để tránh bị lạm dụng gây tác hại trong xã hội.

Lớp vỏ cấu trúc một lá bùa

     Chúng ta phải hết sức tỉnh táo để tìm hiểu lớp vỏ cấu trúc theo bề mặt cắt lát của nó và cũng thử quan sát nó – như nó là nó – để có thể tiến sâu thêm một bước về nội dung mà nó che lấp.

     Đây là một lá bùa “trị bệnh rét lên cơn có cử” mà chúng ta tìm thấy trong đống sách báo cũ tại Sài Gòn trước đây như một nguồn sử liệu ly thú. (theo Đại chúng số 223 từ 27-10 đến 3-11-1962).

     Ta thử cắt lá bùa ra 4 phần : Phần 1 là dấu 3 chấm. Theo cách lý giải của các nhà huyền học: đó là dấu “ra lệnh” có nghĩa là sắc lệnh. Phần 2 là cặp chữ Hán. Như vậy toàn bộ hai phần trên nhằm triệu tập các lực lượng chánh trực để tuân hành mệnh lệnh. Theo cách nhìn bình thường của chúng ta phải chăng là biểu tượng của trái tim (chữ Tâm XX  viết tháu). Trái tim biểu hiện một sức mạnh tâm linh chân chính chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thi hành mệnh lệnh. Phần 3 khá phức tạp – là những nét ngoằn ngoèo và ngang dọc. Ngoằn ngoèo nhằm tượng trưng cho tà đạo. Nét ngang dọc nói lên sự chánh trực. Những loại nét này có thể phân biệt ra 2 bộ phận nằm hai bên. Một bên có 3 đoạn uốn éo. Bên còn  lại kết vòng thành bảy cái khung tròn mà khi kết thúc lại trông như cái đuôi quắp của rắn. Đây là một hình tượng gian tà đang đi vào giai đoạn kết liễu một cuộc đấu tranh để dẫn đến một sự kết thúc tốt đẹp. Phần 4 chia làm 2 bộ phận: bộ phận trên là hai nét giao nhau thành mũi nhọn trùm lên bộ phận dưới gồm 4 nét ngang và 1 nét sổ thẳng xuống.

     Những nét cấu tạo thấp cao ấy đã ẩn nấp một ý nghĩa triết học nào?

     Chúng ta hãy đi tìm lại trong thư tịch cổ để lấy ra hai loại bản đồ được cấu tạo bằng những chuỗi nốt đen.

     Đó là Hà Đồ và Lạc thư.

     Cả hai con sông Hoàng Hà và sông Lạc đều ở Trung Quốc.

     Âm dương là khái niệm của kinh dịch được sử dụng để phát triển vũ trụ quan và nhân sinh quan. Âm dương phối hợp như một phản ứng theo một quy luật nhất định để phát sinh ra muôn loài vạn vật.

Bản Hà Đồ

    Bản  Hà Đồ: Trên đầu là 7 nốt trắng và 2 nốt đen biến thành hoả (lửa). Lửa thì bốc lên cao nên ở trên cùng. Ngược lại một nốt trắng và 6 nốt đen nằm dưới bản Hà Đồ, các nhà siêu hình học gọi đó là THUỶ – tức là nước – vì nước có tánh chảy xuống dưới nên nằm nơi thấp. Ba nốt trắng và tám nốt đen gọi là Mộc (cây). Cây có tánh ngang – thuộc phương Đông – nên nằm bên trái của Hà Đồ. Ngược lại, bốn nét đen và chín nốt trắng là Kim (sắt). Sắt thì rắn chắc thu liễm thuộc phương Tây – nên nằm bên phải. Trung tâm Hà Đồ đặt năm nốt trắng. Hai phía trên và dưới chia đều mười nốt đen – tức mỗi phía năm nốt đen. Con số 10 là THỔ – tức là đất – Đất là nơi vạn vật sinh sôi nẩy nở. Rồi tổng cộng số nốt đen trắng tại đây là 15 nốt. Con số 15 ở trung ương theo cách nhận định của phái siêu hình – là vẹn toàn.

Bản Lạc Thư

     Bản Lạc Thư: Nếu Hà Đồ quy ước cho số lẻ là những nốt trắngsố chẵn là những nốt đen phối hợp nhau thì ngược lại ở Lạc Thư số chẵn là những nốt đen đối lập với số lẻ là những nốt trắng. Tuy nhiên, ngoại trừ tại Trung ương, số 5 dù lẻ song vẫn được quy ước là nốt trắng. Điều đáng chú ý ở Lạc Thư là từ con số 5 này nếu đối chiếu với 4 góc và 4 bên đều nhau xoay quanh con số 10. Con số 5 tại trung ương là biểu tượng của Thổ tức là Đất.

     Đất đội con số 9 ở trên và đạp con số 1 ở dưới. Nhìn đối diện ở góc phải là số 2 đen – được xem như đặt ở vai. Đối diện với chân trái là 8 nốt đen. Chân và vai không lìa nhau. Tương tự, 4 đen ở vai trái cùng với 6 đen chân phải cũng liên kết với nhau là 10.

     Cách lý giải mang tính chất siêu hình như trên như là một “định đề” buộc những nhà duy vật biện chứng phải chấp nhận nó.

     Hà Đồ được xem như một loại hình biểu đồ mô tả thuở bình minh của vạn vật – nơi âm dương mới phối hợp. Còn Lạc Thư chính là loại biểu đồ khác phác hoạ quy luật hình thành của vạn vật. Theo ngôn ngữ của giới siêu hình. Hà Đồ là Tiên Thiên. Khi ấy loài người và các loại vật khác chưa cấu thành, chỉ có Thần là chủ cõi âm dương và đủ sức mạnh vô hình. Lạc Thư là hậu thiên là giai đoạn đã tạo ra con người, ra muôn loài kể cả giống quỷ.

     Sau khi được dẫn dắt bởi những khái niệm nêu trên, bây giờ chúng ta có dịp nhìn lại lá bùa nói trên – nơi mà Hậu ThiênTiên Thiên được nhận diện chung. Hậu Thiên thể hiện ở phần 3 tức gồm 3 khoen bên trái và 7 khoen bên phải. Còn Tiên Thiên thể hiện ở phần 4 – tức những nét ngang dọc và giao nhau thành mũi nhọn. Đây chính là biểu đồ nói lên sức mạnh của Thần (Tiên Thiên) đang tấn công mãnh liệt vào loài Quỷ (Hậu Thiên) để trừ căn bệnh sốt rét có cữ (?!).

     Như vậy, cái ý nghĩa mà Bùa muốn biểu đạt chẳng qua chính là cái Tâm pháp của các nhà tu hành thời xa xưa khi họ dựa vào khái niệm Âm Dương, Ngũ Hành mà phát triển theo quy luật tương sinh – tương khắc.

     Để giúp độc giả có thêm nguồn sử liệu lý thú, chúng tôi xin cung cấp một số lá bùa khác nhau xem như dị bản – để mở rộng tầm quan sát và suy nghĩ.

     Chúng ta được biết theo quy ước của các đạo sĩ khi vẽ bùa tức là lúc cần đến một pháp thuật tập trung cái tâm chính trực để phá vỡ cái tâm gian tà – thì phải dùng đến Châu sa – loại phẩm màu đỏ chói để biểu lộ ngay trên mặt giấy sự chánh trực của tâm hồn như son đỏ.

Nguồn: http://thanhdiavietnamhoc.com/

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Đi tìm những nhà thần bí học (Tác giả: PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng)