ĐO LƯỜNG SỰ THÍCH NGHI VĂN HÓA XÃ HỘI của TRÍ THỨC TRẺ NHẬP CƯ vào THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Phần 2)

CHU NGUYỄN MỘNG NGỌC1HOÀNG TRỌNG1BÙI THỊ THU MỸ1
(1Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

     Đo lường và thiết kế thang đo sơ bộ

     Quá trình xây dựng thang đo sơ bộ của sự TNVHXH theo sát thang đo khái niệm đã được định hình trong nghiên cứu của Wilson (2013). Tất cả các phát biểu được chỉnh sửa từ ngữ nhờ quá trình phỏng vấn sâu ba trí thức (trong đó hai người là dân nhập cư từ 4 đến 10 năm và một người xem như là dân bản địa vì ông bà cha mẹ đã di cư đến TP.HCM vào những năm 1950 của thế kỷ trước. Kết quả cụ thể như sau: Thang đo Giao tiếp giữa các cá nhân: tác giả chủ động loại khỏi thang đo này một phát biểu từ thang đo gốc là “Tôi thay đổi tốc độ nói của tôi cho phù hợp về mặt văn hóa” vì như đã lập luận tại cơ sở lý thuyết, các vấn đề liên quan đến thích nghi ngôn ngữ được tách ra thành một khía cạnh riêng của Sự TNVHXH. Các phát biểu còn lại chỉnh sửa ngôn từ Việt hóa cho dễ cảm nhận với người trả lời.

     Thang đo Hiệu suất công việc và thang đo Sở thích của cá nhân và sự tham gia vào cộng đồng sử dụng nguyên văn thang đo gốc, chỉ chỉnh sửa từ ngữ qua quá trình dịch thuật. 

     Thang đo Thích nghi sinh thái được các đáp viên phỏng vấn sâu đề nghị giảm bớt phát biểu “Tôi đã quen với sự ồn ào ở nơi đây”, vì nội dung của nó tích hợp nghĩa với các câu phát biểu khác mô tả tình trạng dân cư đông đúc và nhịp sống sôi động. Các câu còn lại được sử dụng nguyên văn thang đo gốc, chỉ chỉnh sửa ngôn từ qua quá trình dịch thuật.

     Thang đo Thông thạo ngôn ngữ được điều chỉnh và phát triển nhiều nhất so với thang đo gốc của Wilson (2013) vì bối cảnh hai cuộc nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu này tìm hiểu việc nhập cư giữa các địa phương trong cùng quốc gia Việt Nam còn cuộc nghiên cứu của Wilson (2013) tìm hiểu việc nhập cư từ nước khác vào New Zealand, do đó tác giả chủ động loại bỏ câu phát biểu “Đọc và viết được ngôn ngữ nước chủ nhà” trong thang đo SCAS-R. Còn câu phát biểu “Nghe và nói được ngôn ngữ nước chủ nhà” được phát triển thành hai mục hỏi riêng. Câu phát biểu “Ở TP.HCM, tôi nói theo giọng miền Nam khi giao tiếp với người khác” được xây dựng mới hoàn toàn theo góp ý của các đáp viên của quá trình nghiên cứu định tính. Cho nên thang đo khái niệm Thông thạo ngôn ngữ này có thể xem là điểm mới về SCAS-R trong bối cảnh trí thức trẻ nhập cư TP.HCM.

     Thang đo Sự phân biệt đối xử cảm nhận của nghiên cứu này sử dụng phiên bản có sửa đổi của thang đo phân biệt cảm nhận được của Williams và cộng sự (1999) đo lường trải nghiệm thường ngày của cá nhân hoặc việc bị đối xử bất công vì vấn đề chủng tộc hoặc dân tộc của họ.

     Thang đo Sự hài lòng cuộc sống vận dụng nguyên văn thang đo của Diener và cộng sự (1985).

     Thu thập dữ liệu

     Bảng câu hỏi được hoàn thành từ nghiên cứu định tính được phỏng vấn nháp trên mười người trả lời để hoàn thiện câu chữ và cách hành văn. Bảng câu hỏi chính thức được đưa ra khảo sát theo phương pháp thuận tiện trên các trí thức trẻ nhập cư tại TP.HCM là học viên các lớp buổi tối tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, vào tháng 3 năm 2018. Có 220 phiếu thu về, sau khi rà soát loại 14 phiếu không đạt yêu cầu (số câu bỏ trống chiếm quá 15% số câu hỏi của bản khảo sát), còn lại 206 phiếu được sử dụng cho phân tích định lượng.

     Phân tích định lượng

     Tác giả đánh giá chất lượng thang đo và kiểm tra giả thuyết nghiên cứu bằng mô hình phương trình cấu trúc PLS-Sem trên phần mềm Smart PLS 3. Quá trình đánh giá khái niệm bậc hai Sự TNVHXH sử dụng thủ tục lặp lại mục hỏi, có yêu cầu cơ bản là các khía cạnh bậc nhất của khái niệm nên có số mục hỏi cân bằng nhau, nên tác giả sẽ dùng số thống kê Cronbach’s Alpha để đánh giá sơ bộ từng khái niệm bậc nhất của thang đo Sự TNVHXH theo định hướng số mục hỏi của các khái niệm bậc nhất sẽ được cân đối là ba mục (vì khía cạnh Thông thạo ngôn ngữ và Thích ứng sinh thái hiện có ba mục hỏi). 

     Sau khi đánh giá Cronbach’s Alpha cho ba khía cạnh thích ứng kết quả đạt được như sau:

Khía cạnhPhát biểu bị loạiLý do
1Giao tiếp giữa các cá nhânTôi có thể “đọc” được cảm xúc của người tôi đang giao tiếp khi sống tại TP.HCM.Cronbach’s Alpha sau khi loại mục hỏi tăng 0,709 -> 0,796
2Hiệu suất công việc Tôi có thể thể hiện góp ý của tôi với đồng nghiệp khi ở TP.HCM. Cronbach’s Alpha sau khi loại mục hỏi tăng 0,617 -> 0,670
3Sở thích của cá nhân và sự tham gia vào cộng đồngTôi vẫn duy trì những thói quen và sở thích cũ của mình khi đến sống tại TP.HCM. Để duy trì giá trị nội dung cho ba mục hỏi còn lại, do đó khía cạnh này đổi tên thành Sự tham gia vào cộng đồng.

     Việc kiểm tra sơ bộ độ tin cậy của thang đo bằng Cronbach’s Alpha cũng được thực hiện cho nhóm thang đo Phân biệt cảm nhận và Sự hài lòng, kết quả là tác giả loại bỏ 2 phát biểu “Tôi bị đối xử thiếu tôn trọng so với những người không phải dân nhập cư”; “Tôi bị gọi tên một cách xúc phạm” vì Cronbach’s Alpha lần lượt tăng từ 0,758 -> 0,775 -> 0,796 theo tiến trình loại mục hỏi. Thang đo Sự hài lòng cuộc sống thể hiện độ tin cậy ổn thỏa.

     Kết quả của quá trình này là khái niệm Sự TNVHXH được giả thuyết gồm năm thành phần: mỗi thành phần đo lường bằng ba biến quan sát, các thành phần này lần lượt được đặt tên là Giao tiếp giữa các cá nhân, Hiệu suất công việc, Sự tham gia vào cộng đồng, Thích ứng sinh thái và Thông thạo ngôn ngữ. Thang đo sự phân biệt cảm nhận được gồm bốn biến quan sát và Sự hài lòng về cuộc sống gồm năm biến quan sát. Mô hình tổng quát của nghiên cứu gồm bảy khái niệm bậc nhất và một khái niệm bậc hai được đo lường theo phương pháp tiếp cận lặp lại bởi mười lăm biến quan sát.

     Thống kê mô tả sơ bộ dữ liệu

     Tìm hiểu lí do chuyển đến sống tại TP.HCM của trí thức trẻ nhập cư thì phần lớn là do cơ hội việc làm (33,9%), điều kiện kinh tế tốt hơn (20,3%) và học tập (24,6%). Bên cạnh đó còn một số lí do như tìm tương lai tốt hơn cho con, hay là kết hôn…

     Đánh giá mô hình đo lường và kiểm định giả thuyết nghiên cứu

     Bước 1: Sau khi xây dựng mô hình đường trên cửa sổ Smart PLS 3, lần chạy thuật toán cPLS đầu tiên thể hiện rằng khái niệm Sự tham gia vào cộng đồng gặp hiện tượng hệ số chuẩn hóa có giá trị lớn hơn 1. Nguyên nhân là do thuật toán cPLS yêu cầu các giả định phù hợp cho các mô hình khái niệm dạng phản ánh và nó rất coi trọng những giả định này. Thuật toán cPLS sẽ tạo ra kết quả kiểu này nếu giả định không được đáp ứng. Trong trường hợp bị vi phạm giả định như thế này nhà nghiên cứu nên sử dụng thuật toán rPLS.

Bước 2: Tác giả giữ nguyên cấu trúc mô hình đường trên Smart PLS 3 và chạy thuật toán rPLS lần đầu tiên, kết quả là các hệ số tải (outer loading) của các mục hỏi PICI-3; WP3; PD-2; SWL-2 (lần lượt là 0,628; 0,594;0,591;0,653) tuy lớn hơn 0,4 nhưng đều bé hơn ngưỡng 0,708. Nhưng khi xem xét các giá trị CR và AVE của bốn thành phần tiềm ẩn Sự tham gia cộng đồng; Hiệu suất công việc; Sự phân biệt cảm nhận và Sự hài lòng với cuộc sống thì thấy chúng đều cao hơn các giá trị ngưỡng 0,7 và 0,5 nên tác giả giữ các mục hỏi này trong thang đo để bảo vệ giá trị nội dung (Hair & cộng sự, 2014). Căn cứ trên các bảng số liệu 1 và 2 có thể thấy các khái niệm tiềm ẩn của mô hình đều đạt các yêu cầu mà Hair và cộng sự (2014) đã liệt kê về độ tin cậy mục hỏi như (Outer Loading>0,4); độ tin cậy tổng hợp (0,7<CR<0,9); tính giá trị hội tụ (AVE > 0,5); cũng như đạt tính giá trị phân biệt theo tiêu chuẩn của Fornell và Larcker (1981).

     Bước 3: Phân tích riêng mô hình đường chỉ có mối quan hệ nhân quả giữa Sự TNVHXH và Sự hài lòng cuộc sống bằng thủ tục Boostrap (1000 mẫu phụ), kết quả kiểm định Boostrap chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa 2 biến. Như vậy giả thuyết H2 được ủng hộ, đồng thời tác giả đạt điều kiện để thực hiện thủ tục kiểm định vai trò trung gian của Sự phân biệt cảm nhận trong mô hình.

     Bước 4: Mô hình đường dẫn toàn diện được thiết lập lại trên SmartPLS 3 và thủ tục Boostrap 1000 mẫu phụ được thi hành. Kết quả cho thấy, hệ số đường dẫn giữa Sự TNVHXH và Phân biệt cảm nhận không có ý nghĩa thống kê. Giả thuyết H4 bị bác bỏ. Theo quy tắc của Hair và cộng sự (2014) có thể kết luận là Phân biệt cảm nhận không đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa Sự TNVHXH và Sự hài lòng cuộc sống, nghĩa là giả thuyết H5 cũng bị bác bỏ.

     Bước 5: Tác giả loại bỏ đường dẫn Sự TNVHXH vào Phân biệt cảm nhận và chạy lại thủ tục Boostrap với 1000 lần lấy mẫu, các kết quả trực quan được trình bày trong Hình 4 với giá trị hệ số chuẩn hóa ghi phía trước, giá trị p-value của thủ tục kiểm định ý nghĩa thống kê của hệ số đường dẫn ghi trong ngoặc đơn (phần mềm dùng dấu chấm để phân cách thập phân).

Hình 4. Mô hình PLS-Sem cuối cùng

3. Kết luận

     Từ kết quả này có thể thấy rằng Sự TNVHXH của người nhập cư trí thức trẻ tại TP.HCM là khái niệm bậc hai phản ánh bởi năm khía cạnh thích nghi cụ thể là Giao tiếp giữa các cá nhân, Hiệu suất công việc, Sự tham gia vào cộng đồng, Thích ứng sinh thái và Thông thạo ngôn ngữ. Giả thuyết H1 được ủng hộ. Cụ thể hơn, trong năm thành phần thích nghi này, sự tham gia cộng đồng là thành phần quan trọng nhất thúc đẩy quá trình thích nghi của trí thức trẻ tại TP.HCM (hệ số đường dẫn lớn nhất: 0,794). Sự hài lòng cuộc sống của trí thức trẻ nhập cư tại TP.HCM sẽ bị giảm sút theo mức độ phân biệt đối xử họ cảm nhận được. Như vậy giả thuyết H3 được ủng hộ. Nhưng ngược lại sự TNVHXH của họ càng tốt thì sự hài lòng trong cuộc sống họ đạt được càng cao. Như vậy giả thuyết H2 được ủng hộ. Mô hình nghiên cứu toàn diện thể hiện giá trị R2 của biến nội sinh đến Sự hài lòng cuộc sống là 42%.

Bảng 1

     Độ tin cậy tổng hợp (CR), phương sai rút trích (AVE) và hệ số Cronbach’s Alpha của các biến tiểm ẩn.

Bảng 2

     Căn bậc hai AVE và hệ số tương quan giữa các biến tiềm ẩn.

4. Kết quả đóng góp

     Nghiên cứu này đã tổng kết lý thuyết về thang đo Sự TNVHXH và khẳng định những thành phần chính phản ánh sự TNVHXH của trí thức trẻ nhập cư tại TP.HCM. Đồng thời nghiên cứu cũng đã kiểm chứng các giả thuyết về mối tương quan giữa Sự TNVHX cũng như ảnh hưởng của Sự phân biệt cảm nhận được đến Sự hài lòng về cuộc sống của họ.

     Thang đo sự TNVHXH được kiểm chứng có thể sử dụng như một công cụ để nghiên cứu sâu hơn ở các nghiên cứu tiếp theo trên các đối tượng khác ví dụ như người nhập cư lao động có tay nghề hay những sinh viên nhập cư vì mục đích học tập và tìm việc làm…hoặc là áp dụng cho những người nhập cư ở các tỉnh thành khác.

5. Đề xuất

     So với dân cư lâu đời TP.HCM thì người nhập cư thường chịu những thiệt thòi trong việc thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước… Những người dân nhập cư cũng đã khá vất vả để hòa nhập với cuộc sống ở TP.HCM, không chỉ do rào cản từ những thủ tục hành chính và việc tiếp cận những phúc lợi xã hội, mà còn do đây đó vẫn có sự ứng xử ít thiện cảm với người nhập cư. “An cư mới lạc nghiệp”, những trí thức trẻ nhập cư cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, góp phần phát triển TP.HCM, chính vì thế, các nhà làm chính sách cần có những hành động cụ thể để có thể giúp họ hòa nhập tốt hơn, để TP.HCM trở thành nơi thu hút và phát huy tiềm năng con người. Do đó tác giả có những đề xuất như sau:

     Người nhập cư là nguồn lực giúp TP.HCM phát triển một cách năng động, nên cần tuyên truyền và giúp người dân TP.HCM hiểu được vai trò của người nhập cư để có cách nhìn khách quan, cùng hợp tác trong cuộc sống và công việc. Điều này sẽ có lợi cho người nhập cư, người cư trú lâu đời và cho hoạt động kinh tế của TP.HCM.

     Đảm bảo khả năng tiếp cận của người nhập cư đối với các cơ hội việc làm, các dịch vụ an sinh xã hội. Nếu khó khăn của người nhập cư được giải quyết không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ mà chính quyền cũng giảm các chi phí liên quan đến giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh từ người nhập cư. Bên cạnh việc bảo đảm an sinh xã hội thì tạo dựng việc làm bền vững cũng là một trong các biện pháp giúp người nhập cư hòa nhập và gắn bó với đời sống mới.

     Mặt khác, cần thu hút và tạo điều kiện để người nhập cư tham gia vào các hoạt động cộng đồng, hoạt động xã hội tại địa phương. Thực hiện điều này vừa giúp người nhập cư hòa nhập vào cộng đồng và cải thiện anh ninh xã hội vừa giúp bản thân người nhập cư ý thức được vai trò công dân của mình ở nơi cư trú mới.

     Người nhập cư trí thức trẻ cần biết rằng tham gia cộng đồng gia tăng khả năng thích nghi của mình. Tham gia hoạt động cộng đồng giúp cải thiện kĩ năng giao tiếp, khả năng ngôn ngữ và thích nghi môi trường… Để “nhập gia tùy tục” các trí thức trẻ nhập cư cần tìm cách hòa nhập, không ngừng học hỏi những điều mới để phát triển bản thân trong môi trường TP.HCM.

     Bên cạnh đó, ngoài những lí do chính đến TP.HCM vì kinh tế, thu nhập hay học tập thì tương lai cho con cái cũng là điều trí thức trẻ nhập cư quan tâm. Chính vì vậy, chính quyền thành phố cần có biện pháp hỗ trợ giáo dục, tạo điều kiện để mọi trẻ em nhập cư đều được đến trường ngay từ cấp nhà trẻ.

6. Hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo

     Nghiên cứu này chỉ tập trung vào đối tượng trí thức trẻ, do đó các nghiên cứu trong tương lai nên tiến hành điều tra thêm các đối tượng nhập cư khác vào TP.HCM để có cái nhìn tổng quát hơn. Và cần lấy mẫu lớn hơn, có tính đại diện hơn.

     Áp dụng thủ tục cPLS với khái niệm tiềm ẩn dạng phản ánh sẽ cho kết quả ước lượng nhất quán hơn, đó là điều các nghiên cứu tương lai về chủ đề này cần chú ý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bandura, A. (1977). Social learning theory, Oxford: Prentice-Hall.

Bronfenbrenner, U. (1977). Toward an experimental ecology of human development. American Psychologist, 32(7), 513–531.

Chirkov, V.I., Safdar, S., De Guzman, J., and Playford, K., (2008). Further examining the role motivation to study abroad plays in the adaptation of international students in Canada. International Journal of Intercultural Relations, 32(5), 427–440.

Chirkov, V.I., Vansteenkiste, M., Tao, R., and Lynch, M. (2007). The role of self-determined motivation and goals for study abroad in the adaptation of international students. International Journal of Intercultural Relations, 31, 199–222.

Clément, R., and Bourhis, R.Y. (1996). Bilingualism and intergroup communication. International Journal of Psycholinguistics, 12, 171–191.

Diener, E., Emmons, R.A., Larsen, R.J., and Griffin, S. (1985). The Satisfaction with Life Scale. Journal of Personality Assessment, 49(1), 71-75.

Fornell, C., and Larcker D.F. (1981). Evaluating structural equation models with
unobservable variables and measurement error. Journal of Marketing Research, 18(1),
39-45.

Gudykunst, W.B. (1999). Theory and research on intercultural relations: An introduction.
International Journal of Intercultural Relations, 23(4), 529–534.

Hair, J. F., Hult, G. T., Ringle, C. M., and Sarstedt, M. (2014). A primer on partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM), 1 st ed. Thousand Oaks, CA: SAGE.

Kessler, R.C., Mickelson, K.D., & Williams, D.R. (1999). The prevalence, distribution, and mental health correlates of perceived discrimination in the United States. Journal of
Health and Social Behavior, 40(3), 208–230.

Masgoret, A.-M., & Ward, C. (2006). Culture learning approach to acculturation. In D. L. Sam & J. W. Berry (Eds.). The Cambridge Handbook of Acculturation Psychology. Cambridge University Press.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, số Số 63(6), tháng 11/2018, 17-29 23.

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)