Đô thị cổ Việt Nam (Phần 3)

Tác giả: Giáo sư TRẦN QUỐC VƯỢNG

III. Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó

     Thế kỷ XVI chứng kiến sự vỡ ra của nền quân chủ quan liêu Nho giáo Việt Nam.

     Thăng Long của một thời quân chủ Đại Việt Lý Trần theo mô hình Phật giáo biết cứng rắn trong việc bảo vệ biên cương và thanh trừng nội phản, nhưng cũng biết chịu mềm trong sứ mệnh hoà mục xã hội, trong hợp thể giữa triều đình trung ương và lộ, phiên, châu, xã, biết dung hợp những chất xám của thiền sư – đạo sĩ – nho gia, biết yêu dân và nới sức dân, biết tập trung tính chất quốc gia để giữ nước và dựng nước. Vì vậy Thăng Long – Đại Việt của một thời văn minh nông nghiệp đã từng cường thịnh và cởi mở, từ bên trong đến bên ngoài, có một niềm vui sống, có một nền văn hoá – nghệ thuật đặc sắc, mà biểu tượng là con Rồng – rắn uốn lượn dăm bảy khúc vùng vẫy trên mây: Phi long tại thiên. Rồng mây gặp hội…

     Đông Kinh của một thời quân chủ Đại Việt đầu Lê được dựng lên sau Lam Sơn tụ nghĩa, sau chiến thắng Chí Linh kỳ vĩ… đã đưa lại một nền thiên hạ thái bình, hàng chục vạn chiến binh trở về nhà làm ruộng, được quân cấp công điền… Nhưng đám địa chủ – nông dân giàu có được khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng nâng lên chót đỉnh vinh quang đã làm vua và tranh ngôi vua, làm quan và tranh quyền đoạt lợi, quên rất nhanh những ngày hội họp trong gian khổ, lao rất sâu vào đấu đá và hưởng lạc.

Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật

Anh hùng di hận kỷ thiên niên*

(Hoạ phúc mối mầm đâu một chốc

Anh hùng để hận mấy ngàn năm)

Nguyễn Trãi

     Mầm hoạ bắt nguồn ngay từ sau chiến thắng, đúng như phép biện chứng Héraclite vạch ra: “Những chiến thắng lớn có thể trở thành những thất bại lớn”. Bệnh đã ủ, đã nung từ cuối thế kỷ XV để phát ra ngày một nặng từ đầu thế kỷ XVI. Gia dĩ, đám nông dân học làm sang ấy sớm tách rời và lìa xa dân chúng, vừa thắng Minh đã vội bắt chước Minh dựng nên một mô hình quân chủ nho giáo, cứng nhắc và đạo đức giả, sao chép lại con Rồng Lính, sao chép lại Nhà Nhạc Tấu, trích dẫn lại Thi Thư Khổng Minh lỗi thời… Một mô hình phát triển đất nước, như chiếc hia, chiếc mão và chiếc áo thụng, không vừa thân, không hợp người, rất chóng vánh trở thành lố lăng, thậm chí gây đau đớn…

     Nhà Mạc (1527-1592) muốn phá trật tự “tứ dân” (Sĩ – Nông – Công – Cổ), muốn đổi mới tư duy kinh tế, không quá quắt trọng nông hẹp hòi mà đã phát triển công thương: Hàng loạt lò gốm – sứ được mọc lên và sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu, chế phẩm sành sứ được quyền ghi tên người chế tạo, nơi sản xuất, năm sản xuất… Đó là một nét mới lạ của sự nghiệp công thương đời Mạc. Hệ tư tưởng độc tôn Nho giáo bị rung chuyển, nhiều chùa đền mới cũ được tôn tạo, nhiều pho tượng mới được tạo ra, nhiều mô típ trang trí mới được tô vẽ chạm khắc trong một loại hình kiến trúc mới, là CÁI ĐÌNH LÀNG, gây dựng một dòng tạo mới, một phong cách nghệ thuật mới Việt Nam, đời Mạc.

     Ngoài đô cũ Đông Kinh ở quá sâu trong đất liền là biểu tượng của tâm thức lục địa và hướng nội của người nông dân và vua quan Đại Việt, nhà Mạc đã bắt tay xây dựng Dương Kinh (ngay cái tên cũng hàm chứa ý nghĩa đối cực với Đông Kinh) ở ven biển Kiến An – Hải Phòng, biểu tượng của cái nhìn về Biển và Thế ứng xử cởi mở hơn, với bên ngoài và với cả bên trong.

     Nhưng lịch sử vốn trớ trêu và đỏng đảnh nữa…

     Lớp sĩ phu thủ cựu mà đặc quyền đặc lợi bám dính với triều đình với triều Lê quê xứ Thanh, với dân trí còn kém mở mang và đã đóng vai trò lịch xử như xứ Vendée của nước Pháp thế kỷ XVIII đã tụ tập quanh ông “Chúa Chổm” ở miền thượng du Thanh Hoá và dựa vào một kế phiêu lưu chính trị là Trịnh Kiểm và nhà Trịnh mà phản công lại nhà Mạc. Nhà Mạc thất bại. Sự đổi mới cũng thất bại, Chính quyền Lê – Trịnh dựng lại ở Đông Kinh mang bản chất là thủ cựu và quân phiệt, với lớp cựu binh rồi kiêu binh Thanh Nghệ làm nền tảng giữ gìn cái chế độ ấy.

     Sự sứt mẻ, vỡ đôi Đàng Trong Đàng Ngoài của một Đại Việt tiếp liền ngay sau khi sự nứt đôi Nam triều (Lê – Trịnh) Bắc Triều (Mạc được san lấp một cách không mấy đẹp và bền…)

     Lê – Trịnh – Nguyễn vốn đều quê xứ gốc Thanh: Lê ở Thượng du (Nam Sơn), Trịnh ở Trung du (Bồng Thượng), và Nguyễn ở Hạ du (Gia Miên) của một lưu vực sông Mã. Cả ba vốn là một ở buổi thịnh đầu Lê: Lê là ông chủ, là vua. Trịnh Nguyễn là đầy tớ, là bầy tôi, được nhà Lê cho nhiều quyền lợi, quyền hành và ruộng đất. Họ chành chọc nhau nhưng vẫn phò nhà Lê. Họ liên kết với nhau bằng quan hệ hôn nhân. Rồi ở những “họ nhà quan” ấy, sự đời rất dễ biến “thông gia thành oan gia”. Một cố đạo Tây sống ven biển xứ Thanh thế kỷ XVI đã viết trong một tài liệu rằng chính con rể (Trịnh Kiểm), đánh thuốc độc chết ông bố vợ (Nguyễn Kim) rồi đổ vạ đó cho một hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất. Bố vợ chết ít lâu thì con trai cả của bố vợ (Nguyễn Uông) cũng bị giết luôn. Sự kiện sau càng góp phần khẳng định giả thuyết (của cố đạo) về cái chết của Thái Tổ Nguyễn Kim. Rút cục, ông Hai Nguyễn Hoàng phải cậy cục bà chị (Ngọc Bảo) xin với chồng (Trịnh Kiểm) cho mình vào làm trấn thủ Thuận Hoá (năm 1558).

     Bắt đầu sự tách đôi Đàng Trong – Đàng Ngoài mà biểu tượng về mặt ngôn ngữ từ là sự tách phân Cả – Hai. Nửa nước phía Nam gọi người đứng đầu là “Hai” chứ không phải là “Cả”, “Trưởng” như ngoài Bắc nữa, theo lời dẫn dụ của các cố đạo Tây, cũng bởi vì họ là chúa Chúa (Nguyễn) ở Đàng Trong mở đầu bằng ông Hai Hoàng vì ông Cả Uông đã bị giết và vì thế từ chúa đến quan rồi dân (đây là một ảnh hưởng “xuôi” từ dân “lên” triều đình) đều kiêng kỵ việc gọi tên ông “Cả”, “anh Cả”, “chị Cả”… và nhất thiết bắt đầu bằng “Hai”, phong tục đó đến nay còn tồn tại theo quán tính.

     Thoạt kỳ thuỷ, đấy chỉ là một sự trốn tránh, một sự chạy trốn để bảo toàn tính mạng của ông Hai Hoàng. Trốn từ xứ Thanh vào dinh Ái Tử, trị sở của xứ Thuận Hoá xưa.

     Nhưng rồi được đất “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, ông Hai với sự giúp rập của đám tay chân họ hàng đồng hương xứ Thanh cùng vượt đèo Ngang với ông và sau ông, bắt đầu tính đến chuyển kinh dinh Thuận Hoá (bao gồm từ Quảng Trị đến bắc Quảng Nam ngày sau) rồi Thuận Quảng vì sau đó ông được kiêm trấn thủ cả Thuận Hoá và Quảng Nam (Nam Ngãi Bình Phú ngày sau) thành một khu vực tự trị. XỨ HUẾ nổi lên trong bối cảnh lịch sử cụ thể và phức tạp.

     Ái Tử, thì cũng như Hoa Lư ở ngoài Bắc, chỉ là một căn cứ quân sự, tạm thời làm nhiệm vụ một trung tâm chính trị – hành chính của một miền.

     Cả đời mình, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613) đóng trụ sở ở Ái Tử. Song Chúa Tiên đã đi thăm thú xứ Huế, đã phát triển cảng khẩu Hội An, tạo nền cho Chúa Sái (Nguyễn Phước Nguyên) chuyển trung tâm chính trị từ Đàng Trong vô vùng Huế (tuy chưa phải là thành Huế bây giờ).

     Thì cũng như cả đời mình, Nguyễn Hoàng chưa từng ra mặt chống đối Trịnh, nhưng ông đúng là chúa tiên, với nghĩa tạo nền cho con chống Trịnh.

     Tôi cho rằng các nhà sử học Việt Nam không nên chỉ suy luận theo lô gích hình thức mà cho rằng tách Đàng Trong khỏi Đàng Ngoài ở giữa thế kỷ XVI là “xấu” hay “hoàn toàn xấu”.

     Chiến tranh Trịnh-Nguyễn (1627-1672) cố nhiên là thiệt dân hại của.

     Hận sông Gianh cố nhiên là đập mạnh vào tình cảm thống nhất Việt Nam.

     Nhưng theo tôi hiểu, thì cái nhìn sử học mác xít phải xét sự kiện lịch sử trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó.

     Sự tách đôi Đàng Trong – Đàng Ngoài là ở trong cái thể “chẳng đặng đừng”. Ai ở trong trường hợp “Ông Hai” cũng làm như vậy.

     Ông Hai (Nguyễn Hoàng) là một người tốt. Hoàn cảnh “ly tổ tha hương” để toàn mạng càng khiến “Ông Hai” phải biết kiềm chế những tật xấu (nếu có) và phát huy phần tốt đẹp của bản tính mình, gần gũi và cởi mở hơn với người dưới, người cùng quê và người cùng hoàn cảnh với ông, gần dân và nới sức dân hơn chính quyền Lê Trịnh, dù chỉ là vì sự an toàn tồn tại của chính mình và gia quyến mình. Từ ông, con cháu ông và địa bàn ông cai quản toát lên một hấp lực, một lực hấp dẫn đối với dân nghèo Thanh Nghệ bỏ quê và sự bóc lột của đám cường hào quan lại Lê Trịnh vô Đàng Trong đất mới làm ăn, một lực hấp dẫn với người hiền tài (như Đào Duy Từ…) bị chèn ép, bị bỏ không dùng hay bị dùng không đúng chỗ ở Đàng Ngoài trốn vô Đàng Trong mong được “dễ thở” và đắc dụng. Có cả những cánh họ Mạc chống Lê Trịnh cũng giương buồm vô miền Trung theo Chúa Nguyễn (theo gia phổ họ Mạc ở Duy Xuyên, Quảng Nam, vợ chúa Sái (1613-1635) là con gái Mạc Kính Điển).

     Và Đàng Trong có đủ tinh thần và lực lượng để mở mang đất mới, mở mang lãnh thổ, mở mang kinh tế và văn hoá. Đó là mặt tốt đẹp của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI-XVII.

     Nguyễn Hoàng đi trấn thủ Thuận Hoá 34 tuổi (1558), rồi đến năm 1570 được kiêm luôn trấn thủ Quảng Nam. Sử ký chép vào năm 1572:

     “Nguyễn Hoàng tự nhiệm mấy chục năm, chính lệnh khoan hoá, thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, khuyên răn bản bộ, cấm trấp những kẻ hung ác, dân hai trấn đều cảm lòng, mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buồn bán, đổi trao phải giá, quân lệnh nghiêm cấm, mọi người ra sức. Từ đấy người Mạc không dám dòm nom, trong cõi được yên ổn làm ăn” (Đại Việt sử ký bản lục biên, quyển XVI).

     Ba việc lớn mà các chúa Nguyễn đầu tiên: Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Chúa Sái Nguyễn Phước Nguyên, Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan, Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, Chúa Ngãi Nguyễn Phước Trăn… đã làm được ở Đàng Trong, vào các thế kỷ XVIXVII-đầu XVIII là:

     1 – Khuyến khích nông nghiệp, mở mang đất đai canh tác (lúa, dâu) ở hai xứ Huế, xứ Quảng trên tảng nền Chămpa và Lý – Trần – Lê cũ. Dân cư phồn thịnh.

     Thuận Hoá ở thế kỷ XV có 5662 xuất đinh và 7100 mẫu ruộng, đến năm 1776 tăng lên 126.875 người và 265.507 mẫu ruộng (theo Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục).

     2 – Khuyến khích (và tổ chức) việc “khai canh lập ấp” của người dân Việt về phía Nam: Tổ chức người đi khai hoang 50 người một ấp, cấp lương ăn 6 tháng, cấp trâu bò và công cụ khai hoang, cho khai thác tự do các món lợi ao đầm… Để cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, lý tưởng của tuổi trẻ Đàng Trong đã được xác định một cách đáng tự hào:

Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng.

     Có thời Nguyễn, chúng ta mới có một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay…

     3 – Mở mang các đô thị Phú Xuân – Thanh Hà – Hội An… khuyến khích nội thương và ngoại thương phát triển. Những việc đó tạo nên sự phồn thịnh cho Đàng Trong đến nửa đầu thế kỷ thứ XVIII.

     Các Chúa Nguyễn có một cách làm hay: Trao cho thế tử trấn thủ Quảng Nam dinh, nơi phát triển kinh tế nông – công – thương nghiệp khá toàn diện trước khi ra Phú Xuân kế vị ngôi vua.

     Quảng Nam là đất “thực tập” để làm chúa ở Phú Xuân.

     Hội An là “tiền cảng” của Phú Xuân, mà lại là cảng biển chứ không như Phố Hiến là “tiền cảng” của Đông Kinh nhưng chỉ là cảng sông. Đàng Trong một thời “cởi mở” hơn Đàng Ngoài, có cái nhìn về biển tốt hơn Đàng Ngoài, còn dự địa để phát triển nền văn minh nông nghiệp và chế độ quân chủ – địa chủ (phong kiến) trong khi Đàng Ngoài đến cuối thế kỷ XVII thì cuộc cờ đã lâm thế bí!

     Người Thăng Long và kẻ sĩ Bắc Hà trách (và tiếc) rằng các vua Nguyễn (từ Gia Long) đã bỏ cố đô Thăng Long mà xây dựng kinh thành ở Huế – Phú Xuân, là nơi không có hậu phương kinh tế trực tiếp hỗ trợ tảng nền, nơi “sơn bất cao, thuỷ bất thâm…”. Họ đâu có ở địa vị Gia Long để biết rằng trước năm 1802, Huế đã có lịch sử trên dưới 200 năm là “đất bản bộ” của dòng họ Chúa: 200 năm đủ cho Huế là nơi kết tinh và hội tụ nhân tài và văn hoá miền Trung – Nam để tạo nên một vùng và một sắc thái mới của văn hoá Việt Nam. Vùng văn hoá Huế, sắc thái Phú Xuân của văn hoá Việt Nam. Sao Gia Long lại ngây thơ về chính trị bỏ “đất bản bộ” của dòng họ mình để ra đóng đô ở cố đô Đông Kinh của Lê Trịnh là đất “chân nâng” ? Sao lại tự tiện bỏ một vùng văn hoá kinh tế đầy dấu ấn của miền Trung mà dòng họ Nguyễn đã cần công tạo dựng mà ra đi để chỉ được tiếng “trở về nguồn” nơi đất Bắc, nhưng dễ dàng ngồi trên đống lửa của sự bất bình, bất mãn của Bắc Hà ?

     Người xứ Quảng và “học trò xứ Quảng” lại có huyền tích rằng chúa Nguyễn và Gia Long đã từng có ý định dời đô vào xứ Quảng, dưới chân các hòn “núi chúa” và tiếc rằng Tam Kỳ mới thực là Trung độ của mảnh đất chữ S này, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

     Nhưng “trung tâm” đâu có nghĩa nhất thiết phải là “chính giữa” chỉ thuần tuý về mặt hình học ? Chúa Nguyễn đóng đô ở xứ Huế mà không ở xứ Quảng vì con luôn phải “để mắt về hướng Bắc” canh chừng sự xâm lấn của tập đoàn chúa Trịnh. Vượt Ải Vân mà vô xứ Quảng thì cả miền Bình Trị Thiên để lọt vào tay chúa Trịnh. Kinh nghiệm đã chẳng chỉ ra rằng các vua Chămpa đóng đô ở Nam Ải Vân nên luôn mất đất từ Bắc Ải Vân trở ra cho Trung Hoa rồi Đại Việt đấy thôi ? “Chúa ở Phú Xuân, thế tử ở xứ Quảng” là công thức tối ưu. Còn khi đã thống nhất giang sơn về một mối thì Gia Long đóng đô ở Huế cho tiện sự giao cứ với Bắc Thành và Gia Định Thành là đúng đắn.

     Người Gia Định cũng nêu một ý: Nếu Gia Long đóng đô ở Sài Gòn thì có lẽ việc ngoại thương và tâm thức được cởi mở hơn, đỡ bế quan toả cảng hơn và vì vậy chắc chi đã mất nước cho Tây ? Ai cũng biết câu nói nổi tiếng “Với chữ NẾU, người ta có thể bỏ Paris vo một cái chai”! Trước khi lo Tây còn phải lo Tàu, trước khi lo ngoại thương còn phải lo đê điều, lũ lụt và nông dân khởi nghĩa ở Bắc Hà. Đóng đô ở tít Sài Gòn, thì nhà Nguyễn dễ dàng mất đất Bắc, cho Tàu hay cho một ông nào đó mượn danh “phù Lê” và mượn gió nông dân khởi nghĩa mà bẻ măng Nguyễn.

     Tôi không có ý biện minh cho mọi mưu đồ chính trị của chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Nhưng tôi không thích nhà làm sử cứ theo ý chủ quan của mình và từ chỗ đứng của một thời đại mình mà chửi tràn chửi lấp toàn bộ nhà Nguyễn cho sướng miệng và ra vẻ “có lập trường”. Và, dù vô thức, đã “quên” vài trò lịch sử của Huế.

     Thì vẫn còn đó một xứ Huế với những thanh tú của sông Hương núi Ngự, những nét thanh lịch của phong cách sống ăn mặc ở, đi lại của con người thượng kinh, những giai điệu độc đáo sâu lắng, tinh tế của giọng hò điệu hát trên sông Hương… làm đối tượng cho văn học Việt Nam.

     Thì vẫn còn đó một xứ Huế với những tổng thể di tích kiến trúc cung đình, tôn giáo, lăng mộ, dân gian… Không đâu đầy đủ hơn và tập trung hơn, điển hình cho chúng ta cảm nhận và phân tích về VẺ ĐẸP VIỆT NAM thế kỷ XIX mà một NỀN NGHỆ THUẬT VÀ MỸ THUẬT THỜI NGUYỄN CỦA VIỆT NAM.

     Bình – Trị – Thiên mang một ý nghĩa quá độ, trung độ đặc biệt giữa hai miền Nam Bắc nước ta về phương diện tự nhiên: Quá độ về thời tiết và khí hậu, giữa miền Bắc có hai mùa nóng lạnh riêng biệt và miền Nam nóng ẩm quanh năm, hai miền Nam – Bắc có hai mùa mưa – khô rõ rệt gần như trùng nhau trong thời gian, còn xứ Huế có một mùa mưa lệch pha so với hai miền Nam Bắc. Ở xứ Huế mùa mưa lại trùng với mùa đông lạnh và đây là vùng không có mùa đông và mùa khô rõ rệt.

     Quá độ về địa hình – địa mạo (và địa chất): Các nhà địa học mách ta rằng Hải Vân hay Ải Vân là ngọn núi cuối cùng của một mạch núi từ Trung Sơn đâm ra biển và đó là một đường phân giới trong thiên nhiên nước ta, giữa Bắc và Nam. Tứ xứ Huế càng đi ra Bắc càng hay gặp cảnh quan miền núi đá vôi với xun xuê “cỏ cây chen lá, đá chen hoa”, núi cũng là rừng, rừng gió mùa chí tuyến ứng với cân bằng bức xạ (quá 75Kcalo/cm²/năm) hoặc tổng nhiệt độ 7500°C của khu vực chí tuyến. Từ Hải Vân tận cùng xứ Huế trở vào Nam là phạm vi của đới rừng á-xích-đạo, với cân bằng bức xạ trên 95Kcalo/cm²/năm, hay tổng nhiệt độ 9500°C, càng vô Nam núi non càng trơ lại, để lộ những khối đá hoa cương hùng vĩ.

     Trời đất xứ Huế như thế, nên sông ngòi, cỏ cây, động vật cũng vậy. Đây là một vùng đệm Bắc – Nam của thế giới cỏ cây động vật Ấn-Hoa và thế giới cỏ cây động vật Nam Dương.

     Thiên nhiên như thế, văn hoá cũng là như thế. Xứ Huế có sắc thái riêng trong thiên nhiên Việt Nam, đa dạng mà thống nhất.

     Nhiều nhà văn hoá học đã phân lập một vùng văn hoá Huế (hay vùng văn hoá Bình – Trị – Thiên) trong những vùng văn hoá Việt Nam, nhưn vùng văn hoá Tây-Bắc, vùng văn hoá Đông-Bắc, vùng văn hoá trung du và châu thổ sông Hồng, vùng văn hoá Thanh, Nghệ-Tĩnh, vùng văn hoá Tây Nguyên, vùng văn hoá Đồng Nai, vùng văn hoá Tây-Nam bộ (Cửu Long)…

     Đã có người muốn mệnh danh cho nó, về mặt lịch sử, là văn hoá Phú Xuân, để khu biệt nó với văn hoá Thăng Long và văn hoá Đồng Nai – Bến Nghé… Đúng ra, theo tôi, chỉ nên gọi là vùng văn hoá Huế, của di sản truyền thống và gia tài văn hoá đương đại Việt Nam thống nhất…

     Về mặt tiền sử, miền Bắc vốn có đặc trưng văn hoá hang động hay văn hoá thung lũng (Hoà Bình – Bắc Sơn vạn năm về trước). Bình – Trị – Thiên là giải không gian tận cùng, lẻ tẻ của các nền “văn hoá hang động” ấy. Nhưng, miền Trung và Bình – Trị – Thiên lại được đặc trưng hoá bằng văn hoá cồn bàu (cồn sò điệp nằm ở bờ biển cổ, bên trên là các bàu nước ngọt, từ Cầu Giát – Quỳnh Lưu xứ Nghệ qua Bàu Khê, Bàu Tró đến Bàu Dũ của xứ Quảng). Ở miền Nam thời đại Đá, thì là văn hoá đồi-gò, chân ria cao nguyên Thượng…

     Về mặt cơ sở, nếu miền Bắc là quê hương đích thực của văn hoá Đông Sơn, miền Nam là quê hương đích thực của văn hoá Dốc Chùa – Óc Eo thì xứ Quảng miền Trung – Nam (cả Quảng Nam – Quảng Ngãi) là quê hương đích thực của văn hoá Sa Huỳnh. Xứ Huế – Bình Trị Thiên là khu đệm của hai văn hoá Đông Sơn – Sa Huỳnh ấy.

     Về mặt lịch sử cổ đại, miền Bắc là văn hoá Việt cổ, miền Trung là văn hoá Chàm cổ, miền Nam là văn hoá Phù Nam – Chân Lạp hay văn hoá Môn-Khơme cổ.

     Về văn hoá nông nghiệp, châu thổ sông Hồng nảy sinh lần lượt lúa tẻ mùa – chiêm ứng với hai chặng thời tiết: Mưa – Khô. Miền Tây Nam Bộ đóng góp một loại hình đặc biệt của lúa nổi (hay lúa xạ). Bình – Trị – Thiên (và miền Trung nói chung) đóng góp lúa chịu hạn hè – thu hay lúa tám (gặt vào tháng 8). Giáo sư Đào Thế Tuấn nghĩ rằng đấy phải chăng là nét đặc trưng của hệ sinh thái nông nghiệp Bình – Trị – Thiên, có gốc tích từ thời đại Chămpa, với, có lẽ, là kỹ thuật gieo thẳng mà không qua khâu mạ ?

     Và vườn xứ Huế, vườn miền Trung đã mang lại một sắc thái văn hoá vườn khác biệt với vườn miền Bắc, vườn miền Nam. Nếu vườn miền Bắc gắn liền với ao có rào dậu hẳn hoi, cây ăn quả hay cây rau dưa được trồng trọt ngay hàng, thẳng lối đâu ra đấy, vườn miền Nam gắn với rạch, với kỹ thuật đặc biệt “lên líp” trồng cây ăn trái, thì vườn xứ Huế, miền Trung gắn với đồi gò, mang sắc thái trung du, nó còn vang bóng tính phồn tạp của rừng mưa nhiệt ẩm, cây cối có thể mọc lô xô, đâu thật “ngang bằng, sổ thẳng”.

     Huế đưa lại một sắc thái mới của văn hoá đô thị Việt Nam.

     Tôi đã từng nói rằng, về mặt quy hoạch đô thị Hà Nội, Huế, Sài Gòn trên ba miền Bắc – Trung – Nam đều là thành phố sông lấy con sông làm trục chính của mạng quy hoạch phố phường.

     Nhưng cần nói thêm rằng Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) là thành phố cảng, Huế, cũng như Thăng Long – Hà Nội đã từng là thành phố kinh đô.

     Cũng là kinh đô, nhưng nếu Hà Nội là thành phố sông hồ (hồ, ao, đầm là nét đặc biệt của cảnh quan sinh thái – nhân văn Hà Nội nghìn xưa), thì Huế, nhờ có người vạch ra chân xác, là một thành phố vườn là đồng quê chấp nhận sự tồn tại của những ngôi nhà đô thị.

     Là kinh thành, thủ đô nghìn năm của cả nước nhưng Hà Nội, đặt trong bối cảnh châu thổ sông Hồng, vẫn chủ yếu là hội tụ và nhưng kết tinh hoa con người và văn hoá “tứ trấn” Đông, Nam, Đoài, Bắc của một châu thổ sông Hồng, xứ sở của chèo, của múa rối nước, của ca dao, quan họ xứ Bắc, chầu văn xứ Nam, xoan ghẹo xứ Đoài, đúm ví xứ Đông… và những truyện cổ tích, truyện cười bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử văn hoá Việt, có đan xen phức tạp và hoà dung sâu sắc văn hoá Việt – Hoa.

     Huế, trong bối cảnh địa – văn hoá miền Trung, chủ yếu là hội tụ và ngưng kết tinh hoa con người và văn hoá miền Trung, với những tầng văn hoá Chàm – Việt, với những điệu hò miền Trung phong phú, đa dạng, mà đặc sắc nhất là hò mái đẩy, mái nhì… với tuồng đồ, tuồng pho chân đích miền Trung và cả một thế giới nhạc cung đình, tài tử…

     Sao chăng nữa, từ thế kỷ XIV hay đặc biệt từ thế kỷ XVII-XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, Huế đã là cái nôi dung hoá dùng hoà văn hoá Chàm – Việt rồi, cùng với tiến trình lịch sử, kết tinh hun đúc một sắc thái tinh tế của văn hoá Việt Nam với giọng Huế dễ thương và đặc thù của tiếng Việt, với các món ăn xứ Huế đặc thù vị và hoà sắc, với các sinh hoạt ca nhạc, sân khấu đặc thù của xứ Huế.

     Và với tính cách là một nghệ thuật tổng hợp, kiến trúc Huế đưa lại một phong cách đặc thù của kiến trúc Việt Nam mà có người đã gọi, một cách nhìn hình ảnh và đúng đắn là THƠ – KIẾN – TRÚC. Ở đấy, vẫn thấm đậm chất kiến trúc dân gian nhưng đã hoà hợp nhuần nhuyễn và được nâng cao với kiến trúc cung đình, kiến trúc lăng tẩm đế vương, ở đấy cái bản sắc và nhân cách xứ Huế vẫn thanh thản mà vững vàng thuần hoá và hội nhập ảnh hưởng văn hoá kiến trúc Trung Hoa. Người ta vẫn nhận ra cái hoà điệu giữa thiên nhiên và kiến trúc của bản thể ViệtNam, người ta vẫn nhận ra cái thanh thoát, nhẹ nhàng và có phần bay bướm của bản sắc Việt Nam. Ai bảo rằng kiến trúc Huế là kiến trúc lai căng, thì người ấy chắc chắn là nếu không mang tính kỳ thị lệch lạc về chính trị thì cũng là người không được tự nhiên và cuộc đời phú cho sự mẫn cảm, cái quan cảm về thẩm mỹ…

Nguồn: Trích từ quyển Trong Cõi. Nxb. Trăm Hoa, California, Mỹ, 1993.
Trích dẫn: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

CÁC BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN:
1. Đô thị cổ Việt Nam – Phần 1: Thế kỷ X trở về trước

2. Đô thị cổ Việt Nam – Phần 2: Thăng Long – Đông Đô – Kẻ Chợ (Thế kỷ XI-XVI)

3. Đô thị cổ Việt Nam – Phần 3: Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó