Đức tin Công giáo qua hệ thống câu đối tại Nhà thờ Hà Hồi

Tác giả bài viết: Thạc sĩ ĐỖ TRẦN PHƯƠNG
(Phó trưởng khoa Du lịch, ĐHVHHN)

TÓM TẮT

     Đức tin Công giáo đóng vai trò quan trọng, chi phối thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng người theo Công giáo. Với người Công giáo, nhà thờ là một trong những nơi mà giáo dân được thực hành và suy niệm về đức tin của mình một cách sâu sắc. Qua khảo sát hệ thống nhà thờ Công giáo tại Hà Nội, chúng tôi nhận thấy duy chỉ tại nhà thờ Hà Hồi có một hệ thống câu đối được chạm khắc rất tinh xảo với nội dung thể hiện rõ nét đức tin Công giáo. Đây không chỉ là cách chuyển tải niềm tin rất đặc biệt, mà còn cho thấy sự hội nhập giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam.

Từ khóa: Đức tin, Công giáo, câu đối, nhà thờ Hà Hồi.

ABSTRACT

     Catholic faith plays an important role and governs the worldview, the outlook of life of the Catholic community. For Catholics, the church is one of the places where people can practice and meditate on their faith deeply. Through a survey of the Catholic Church system in Hanoi, we have found out that Ha Hoi has a very sophisticated carved parallel sentences system with the content that clearly shows the Catholic faith. This is not only a way to convey special beliefs, but also shows the integration between Catholicism and Vietnamese culture.

Keywords: Faith, catholicism, parallel sentences, Ha Hoi church.

x
x x

1. Đôi nét về đức tin Công giáo và nhà thờ Hà Hồi

     1.1. Đức tin Công giáo

     Công đồng Vatican II1 định nghĩa đức tin là “Một nhân đức siêu nhiên, nhờ đó cùng với ơn soi sáng và giúp đỡ của Chúa mà ta tin thật những điều Chúa đã mạc khải2 không phải vì lý trí tự nhiên đã nhận ra sự thật nội tại của sự vật, nhưng vì uy thế của chính Thiên Chúa mạc khải là Đấng không thể lầm lẫn cũng không thể lừa dối ai” (1, tr.8). Trong Công giáo, có những chân lý có thể nhận thức được bằng khoa học nhưng cũng có những chân lý chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Đức tin giúp tín đồ có thể chấp nhận vô điều kiện những tín điều mà lý trí không thể giải thích được. Chính vì lẽ đó, nếu thiếu một đức tin vững chắc, trọn vẹn, các tín đồ không thể cảm nghiệm được những giá trị thánh thiêng của Công giáo và vì thế không thể được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

     Giáo lý Công giáo căn bản (Basic Catholic Doctrine) cũng đã khẳng định về vai trò của đức tin: “Với đức tin, chúng ta lãnh nhận năng lực tin Chúa và tin tất cả những gì Người đã mạc khải qua Chúa Kitô và Giáo hội. Đức tin giúp chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành và chân thật. Đức tin cũng giúp chúng ta phó thác bản thân mình cho Chúa trọn vẹn. Không có đức tin, chúng ta không bao giờ có thể tin Chúa hoặc tin những gì người mạc khải. Vì thế, đức tin rất cần thiết để được ơn cứu độ; đức tin làm cho chúng ta nên công chính và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa” (4, tr.235). Nội dung cơ bản của đức tin Công giáo đề cập đến những “mầu nhiệm”3 dưới đây:

– Mầu nhiệm liên quan đến sự tạo dựng vũ trụ;

– Mầu nhiệm liên quan đến công trình cứu chuộc loài người của Chúa Giêsu Kitô thông qua cái chết và sự sống lại của Ngài;

– Mầu nhiệm liên quan đến sự phó thác trọn vẹn của dân Chúa vào Ngài;

– Mầu nhiệm liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa, đến sự đối thoại của con người với
Thiên Chúa.

     1.2 Nhà thờ Hà Hồi

     Giáo xứ Hà Hồi thuộc xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, là một giáo xứ cổ trong Tổng Giáo phận Hà Nội, có nhà thờ được xây dựng cách đây trên một trăm năm. Nhà thờ giáo xứ Hà Hồi được xây dựng năm 1903 với phong cách kiến trúc Á – Âu, mang đậm những dấu ấn kiến trúc truyền thống Việt Nam (3). Với bề dày lịch sử như vậy, nhà thờ giáo xứ Hà Hồi chứa đựng những giá trị về kiến trúc, mỹ thuật và đặc biệt là sự hội nhập giữa Công giáo và văn hóa truyền thống Việt Nam.

     Thứ nhất, về giá trị kiến trúc, khác với những nhà thờ trong Tổng Giáo phận với những nét đặc trưng của kiến trúc nhà thờ phương Tây như Gothic, Roman, nhà thờ giáo xứ Hà Hồi mang một phong cách có sự kết hợp giữa kiến trúc phương Đông với kiến trúc phương Tây. Điều này được thể hiện bên trong nhà thờ qua những kết cấu cột gỗ với bốn hàng cột gỗ lim, những kết cấu kẻ truyền, vì chồng rường – giá chiêng mang đậm dấu ấn của kiến trúc cổ Việt Nam. Tuy nhiên, ở ngoài nhìn vào lại mang đặc trưng của kiến trúc phương Tây với tháp chuông nhọn, cao vút, mặt tiền trang trí như nhà thờ phương Tây. Đó là cái hay, cái tinh tế trong sự kết hợp phong cách kiến trúc phương Tây với kiến trúc phương Đông.

     Thứ hai, ngoài giá trị về kiến trúc, nhà thờ Hà Hồi còn mang giá trị về mỹ thuật với những hoa văn, họa tiết được chạm khắc rất tinh xảo trên gian cung thánh4 và trên những câu đối. Trên gian cung thánh, gỗ được sử dụng để chạm khắc các hoa văn, họa tiết với hình ảnh cây nho, cây lúa, diễn tả Bí tích Thánh thể trong Công giáo; hình ảnh hoa hồng, chữ “M” và vương miện nói lên những đặc sủng của Đức Maria, hay một số biểu tượng khác như: chữ “LHS”, “XP”,… mang đậm những dấu ấn về đức tin Công giáo. Các câu đối chữ Hán được chạm khắc tinh xảo, hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc về đức tin Công giáo. Những tác phẩm mỹ thuật đó làm cho không gian bên trong nhà thờ trở nên trang nghiêm, tôn kính hơn nhưng cũng rất gần gũi với giáo dân.

     Thứ ba, từ phong cách kiến trúc đến các tác phẩm mỹ thuật trong nhà thờ Hà Hồi đã phản ánh quá trình hội nhập giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam. Phong cách kiến trúc Á – Âu thực chất là sự kết hợp giữa kiến trúc của một ngôi đình với tháp chuông Tây. Nhìn tổng thể không gian nhà thờ Hà Hồi với mặt bằng kiến trúc “nội công ngoại quốc”, ở giữa là nhà thờ, hai bên là dãy nhà hành lang giống như ở đình làng, cuối nhà thờ có hai hồ nước với đường đi ở giữa là sự biểu hiện của tư tưởng phong thủy phương Đông: thế “tụ thủy” (tụ linh, tụ phúc). Bên trong nhà thờ là sự hòa nhập phong cách kiến trúc cổ Việt Nam với những cấu kiện kiến trúc bằng gỗ mang phong cách phương Đông.

     Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đình chùa phương Đông và kiến trúc phương Tây khiến cho nhà thờ Hà Hồi trở thành một công trình độc đáo trong các nhà thờ Công giáo của Tổng Giáo phận Hà Nội.

Ảnh 1. Nhà thờ Hà Hồi (Nguồn: Tác giả)

2. Nội dung giáo lý Công giáo trong hệ thống câu đối tại nhà thờ Hà Hồi

     Trong nhà thờ Hà Hồi hiện nay còn lưu lại 9 câu đối, có từ thời xây dựng nhà thờ, được sắp xếp theo thứ tự từ vị trí gần gian cung thánh ra đến phía ngoài cửa nhà thờ. Trong bài viết này, với mỗi câu đối, chúng tôi sẽ trình bày theo 4 phần: Nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và nội dung giáo lý Công giáo trong câu đối.

     2.1. Câu đối thứ nhất

     Nguyên văn:

     1a: 煌煌位三, 無形, 無像,無始, 無終, 髙御, 九重, 真主宰

     1b: 巍巍體一, 全知, 全能, 全善, 全美, 造成 萬物, 大權衡

     Phiên âm:

     1a: Hoàng hoàng vị tam, vô hình, vô tượng, vô thủy, vô chung, cao ngự cửu trùng, chân chủ tể;

     1b: Nguy nguy thể nhất, toàn tri, toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, tạo thành vạn vật, đại quyền hành.

     Dịch nghĩa:

     1a: Sáng láng thay Chúa Ba Ngôi, vô hình, vô tượng, vô thủy, vô chung, ở trên chín tầng trời, là chân Chúa;

     1b: Cao cả thay Tam vị nhất thể, toàn tri, toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, tạo nên vạn vật, đại quyền hành.

     Nội dung giáo lý:

     Câu đối thứ nhất đã diễn tả ngắn gọn, súc tích về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo câu 234: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Ðây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Ðây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (5, tr.104).

     Theo niềm tin Công giáo, Thiên Chúa chỉ có một, nhưng Ngài có ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt nhưng không tách biệt khỏi nhau. Khác biệt vì Ba Ngôi không phải là một Thiên Chúa có ba khuôn mặt khác nhau tùy lúc, nhưng là ba Đấng với những cương vị khác nhau (Cha, Con, Thánh Thần) và những phận vụ khác nhau (Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu độ và Chúa Thánh Thần thánh hoá). Cả Ba Ngôi khác biệt nhau vì có những đặc tính riêng, nhưng không phải là ba Chúa, vì cả ba cùng chung một sự sống, một bản chất thần linh và có quyền năng ngang nhau. Thiên Chúa là thần linh, không có hình tướng (“vô hình, vô tượng”), có từ trước muôn đời và hằng hữu (“vô thủy, vô chung”). Thiên Chúa là cội nguồn và là cùng đích của lịch sử nhân loại và toàn thế giới.

     2.2. Câu đối thứ hai

     Nguyên văn:

     2a: 曰教之千九百馀年, 南, 北, 東, 西 無思不服

     2b: 得門者一百十三兆, 亞, 歐, 非, 美有極咸歸

     Phiên âm:

     2a: Viết giáo chi thiên cửu bách dư niên, Nam, Bắc, Đông, Tây vô tư bất phục;

     2b: Đắc môn giả nhất bách thập tam triệu, Á, Âu, Phi, Mỹ hữu cực hàm quy.

     Dịch nghĩa:

     2a: Truyền giáo hơn một nghìn chín trăm năm, Nam, Bắc, Đông, Tây không đâu là không phục;

     2b: Theo đạo được một trăm ba mươi triệu, Châu Á, Âu, Phi, Mỹ đều hết mực nương nhờ.

     Nội dung giáo lý:

     Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, câu 75: “Toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất nơi Chúa Kitô. Sau khi thực hiện và công bố Tin mừng đã được các ngôn sứ tiên báo, Chúa Kitô ra lệnh cho các tông đồ rao giảng Tin mừng ấy cho mọi người như là nguồn mạch của toàn bộ chân lý cứu độ và của mọi quy luật luân lý, đồng thời ban phát cho họ những hồng ân của Thiên Chúa” (5, tr.53).

     Nội dung câu đối thứ hai nói về việc mở rộng nước Chúa hay nói cách khác là công cuộc truyền giáo. Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Công đồng Vatican II quan niệm rằng truyền giáo là công cuộc đặc biệt, trong đó các nhà rao giảng Tin mừng đã được Giáo hội sai đi khắp thế gian thực hiện nhiệm vụ rao giảng Tin mừng và vun trồng Giáo hội nơi các dân tộc. Theo nội dung câu đối, kể từ khi Công giáo ra đời, trải qua 19 thế kỷ, công cuộc truyền giáo luôn được coi trọng và đẩy mạnh làm cho Công giáo được truyền bá khắp thế giới (“Nam, Bắc, Đông, Tây”). Truyền giáo không chỉ là nhiệm vụ của riêng các giáo sĩ mà là nhiệm vụ chung của tất cả những người Công giáo, vì vậy câu đối ở nhà thờ Hà Hồi đề cập đến công cuộc truyền giáo với hàm ý nhắc nhở các tín hữu phải luôn ý thức về trách nhiệm và bổn phận truyền giáo của mình.

     2.3. Câu đối thứ ba

     Nguyên văn:

     3a: 知有主不知身, 一片丹心, 忠義, 炳彪天日

     3b:可奪帥焉可志, 千秋勤節, 棄勢, 壓例皇王

     Phiên âm:

     3a: Tri hữu Chủ bất tri thân, nhất phiến đan tâm, trung nghĩa, bỉnh bưu thiên nhật;

     3b: Khả đoạt soái yên khả đoạt chí, thiên thu cần tiết, khí thế, áp lệ Hoàng Vương.

     Dịch nghĩa:

     3a: Chỉ biết đến Chúa không màng đến thân mình, một tấm lòng son, trung nghĩa sáng như mặt trời;

     3b: Có thể đoạt tướng chăng, đoạt được chí, ngàn năm cần tiết, khí thế áp đảo cả Hoàng Vương.

     Nội dung giáo lý:

     Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, câu 1016: “Khi chết, hồn lìa khỏi xác, nhưng khi con người sống lại, Thiên Chúa sẽ trả lại sự sống bất diệt cho thân xác đã được biến đổi, bằng cách tái hợp xác với hồn. Nhờ Đức Kitô đã phục sinh và sống mãi muôn đời, tất cả chúng ta sẽ sống lại vào ngày sau hết.” (5, tr.1016). Chính vì thế, người Công giáo chấp nhận hy sinh mạng sống để bảo vệ niềm tin của mình.

     Nội dung câu đối thứ ba ca ngợi đức tin, nhân đức và sự hy sinh anh dũng vì đức tin của các Thánh tử đạo. Trong lịch sử Công giáo tại Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã tử vì đạo để làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Trong số đó có 117 vị đã được Giáo hội phong Thánh và 01 vị (Anrê Phú Yên) được phong là Chân phước. Trong niềm tin của người Công giáo, các Thánh tử đạo Việt Nam là những chứng nhân minh chứng một tình yêu nồng cháy, sự trung tín bền vững và lòng tin son sắt đối với Chúa Kitô. “Chỉ biết đến Chúa, không màng đến thân mình”, các ngài đã vui lòng chấp nhận mọi gian nan, thử thách, mọi mất mát, thiệt thòi, kể cả cái chết đau đớn, tủi nhục. Vì vậy, các Thánh tử đạo là những tấm gương anh dũng (“khí thế áp đảo cả Hoàng Vương”) về đức tin để giáo dân học hỏi và sống noi gương các ngài trong cuộc sống hàng ngày.

     2.4. Câu đối thứ 4

     Nguyên văn:

     4a: 卅載處塵寰, 仁之至, 義之盡, 如日月之照臨, 皜皜, 乎可上已

     4b: 三年施奥法, 死使生, 疾使瘳妙乾坤之造化, 簜簜乎, 無能名焉

     Phiên âm:

     4a: Tạp tải xứ trần hoàn, nhân chi trí, nghĩa tri tận, như nhật nguyệt chi chiếu lâm, hạo hạo (cảo cảo), hồ bất khả thượng dĩ.

     4b: Tam niên thi áo pháp, tử sử sinh, tật sử sưu, diệu càn khôn chi tạo hoá, đãng đãng hồ, vô năng danh yên.

     Dịch nghĩa:

     4a: Ba mươi năm Chúa sống cõi trần gian, chí nhân, tận nghĩa như vầng nhật nguyệt sáng soi, còn cái gì có thể hơn được.

     4b: Ba năm truyền giảng phép màu nhiệm, làm cho người chết sống lại, người bệnh hóa lành, Ngài là Đấng sáng tạo ra vũ trụ, sao có thể định danh được ngài.

     Nội dung giáo lý:

     Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, câu 430: “Trong tiếng Hipri, danh thánh “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi truyền tin, thiên thần Gaprien gọi tên Người là Giêsu; danh xưng này vừa diễn tả căn tính, vừa diễn tả sứ mạng của Người. Bởi vì “chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội”, cho nên chính Thiên Chúa trong Đức Giêsu là Chúa Con Vĩnh Cửu làm người” sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Như thế, trong Đức Giêsu, Thiên Chúa quy tụ tất cả lịch sử cứu độ nhân loại” (5, tr.169).

     Trong số 9 câu đối trong nhà thờ Hà Hồi, có hai câu (câu 4 và câu 6) nói về Chúa Giêsu, về cuộc sống của Ngài nơi dương thế cũng như sự cứu chuộc của Ngài đối với con người. Nội dung này chúng tôi sẽ trình bày khi phân tích câu đối thứ sáu.

     2.5. Câu đối thứ năm

     Nguyên văn:

     5a: 如冰清, 如玉潔, 原粱不污, 自生民以來,未之有也

     5b: 其道尊, 其德盛, 芳名遠播集羣聖之大,蔑以加焉

     Phiên âm:

     5a: Như băng thanh, như ngọc khiết, nguyên lương bất ô, tự sinh dân dĩ lai, vị chi hữu dã;

     5b: Kỳ đạo tôn, kỳ đức thịnh, phương danh viễn bá tập quần thánh chi đại, miệt dĩ gia yên.

     Dịch nghĩa:

     5a: Như băng thanh, như ngọc khiết, vô nhiễm nguyên tội, từ khi có nhân loại đến nay,
chưa có ai được như Đức Mẹ.

     5b: Lòng đạo cao, phúc đức dày, danh thơm lan xa, các thánh không ai sánh bằng.

     Nội dung giáo lý:

     Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, câu 508: “Trong dòng dõi bà Eva, Thiên Chúa đã chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ của Con Ngài. “Mẹ đầy ơn phúc”, là “hoa trái tuyệt vời nhất của công trình cứu chuộc”. Ngay từ giây phút đầu tiên khi tượng thai, Mẹ đã được hoàn toàn gìn giữ khỏi tỳ ố nguyên tội và suốt cả đời, Mẹ vẫn luôn tinh tuyền không phạm tội riêng nào” (5, tr.197-198).

     Nội dung câu đối thứ năm nói về Đức Maria – mẹ của Chúa Giêsu. Trong quan niệm của người Công giáo, Đức Maria có những danh xưng khác nhau như: Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội, Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Mẹ sầu bi, Mẹ hằng cứu giúp, Mẹ mân côi, Nữ vương Thiên đàng, Trinh nữ rất thánh,… Nội dung câu đối thứ 5 cho thấy, Đức Maria là một phụ nữ trong trắng “như băng thanh, như ngọc khiết”, không mắc tội do tổ tông truyền lại (“vô nhiễm nguyên tội”). Lòng đạo hạnh, phúc đức và “danh thơm” của Đức Maria không chỉ vượt trội loài người mà kể cả các thánh cũng không ai sánh bằng. Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria 4 đặc ân, được Giáo hội Công giáo coi là 4 tín điều: Mẹ Thiên Chúa, đồng trinh trọn đời, vô nhiễm nguyên tội, lên trời cả hồn và xác.

     2.6. Câu đối thứ sáu

     Nguyên văn:

     6a: 居髙而聽卑, 善者惟福, 惡者惟刑, 亙古無其範

     6b: 捨身以救世, 肉爲之食, 血爲之飲, 兆姓咸賴有生

     Phiên âm:

     6a: Cư cao nhi thính ti, thiện giả duy phúc, ác giả duy hình, hằng cổ vô vi kỳ phạm;

     6b: Xả thân dĩ cứu thế, nhục vi chi thực, huyết vi chi ẩm, triệu tính hàm lại hữu sinh.

     Dịch nghĩa:

     6a: Ngự ở trên cao mà nghe thấu dưới thấp, người lành được phúc, người ác chịu phạt, muôn đời không bỏ sót;

     6b: Xả thân để cứu đời, thịt trở thành thức ăn, máu thành thức uống, triệu người dựa vào đó để sống.

     Nội dung giáo lý:

     Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, câu 621: “Đức Giêsu tự hiến để cứu độ chúng ta. Người cho thấy ý nghĩa và thể hiện trước sự tự hiến này trong bữa Tiệc Thánh: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (5, tr.241). Câu đối thứ tư và thứ sáu nói đến quyền
năng và phúc lành của Thiên Chúa nhưng đều nhấn mạnh đến Chúa Giêsu. Những nội dung khác của giáo lý Công giáo được thể hiện chỉ trong một câu đối, riêng nội dung giáo lý về Chúa Giêsu được chuyển tải trong hai câu đối thứ tư và thứ sáu. Điều đó cho thấy sự coi trọng của giáo dân Hà Hồi nói riêng, người Công giáo nói chung đối với Chúa Giêsu.

     Nội dung câu đối thứ tư cho thấy, Chúa Giêsu đã sinh ra làm người và sống dưới trần gian 33 năm, trong đó 3 năm cuối đời Ngài đi giảng đạo. Khi hiện thân là một con người, sống dưới cõi trần gian, Chúa Giêsu là một người “chí nhân, tận nghĩa”, đạo hạnh sáng soi “như vầng nhật nguyệt”. Sau thời gian dài sống âm thầm tại Nadaret (thuộc Israel ngày nay), Chúa Giêsu rời gia đình, đi rao giảng Tin mừng và thực hiện ơn cứu độ. Trong suốt 3 năm giảng đạo, bằng nhiều “phép lạ”, Ngài đã cứu chữa những người đau khổ, làm cho người chết sống lại, chữa lành bệnh nhân,…

     Câu đối thứ sáu cho thấy, vì yêu thương nhân loại, Chúa Giê su đã “xả thân để cứu đời” và thông qua cái chết của mình, Ngài đã hiến thịt và máu mình để làm thức ăn nuôi sống linh hồn loài người. Theo Kinh Thánh, trong bữa ăn tối cuối cùng với các môn đề trước khi bị bắt, “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn được người được tha tội.” (Mt 26, 26-28). Người Công giáo coi sự kiện này chính là việc Chúa Giêsu lập ra Bí tích Thánh Thể, tức Bí tích
Mình và Máu Chúa. Ngày nay, Công giáo vẫn thường xuyên cử hành Bí tích Thánh Thể thông qua các thánh lễ hàng ngày. Người Công giáo coi việc tham dự thánh lễ và ăn bánh thánh (gọi là “rước lễ”) chính là được rước chính mình (thịt) và máu Chúa Giêsu để nuôi linh hồn.

     2.7. Câu đối thứ bảy

     Nguyên văn:

     7a: 道之原夲於天, 十戒森嚴, 率土是荑是訓

     7b: 德之脩在乎己一心敬謹, 還生乃聖乃神

     Phiên âm:

     7a: Đạo chi nguyên bản ư thiên, thập giới sâm nghiêm, suất thổ thị di, thị huấn;

     7b: Đức chi tu tại hồ kỷ nhất tâm kính cẩn, hoàn sinh nãi thánh, nãi thần.

     Dịch nghĩa:

     7a: Gốc của đạo là ở trời, mười điều răn hợp lòng người, là trong tính người, là lời giáo
huấn.

     7b: Đức tu tại lòng ta, một lòng kính cẩn, đời sau là thánh là thần.

     Nội dung giáo lý:

     Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, câu 62: “Sau thời các tổ phụ, Thiên Chúa lập Israel làm dân của Người khi giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Người ký kết Giao Ước Xinai với dân và ban cho họ lề luật qua ông Mose, để họ nhìn nhận và phụng sự Người như vị Thiên Chúa duy nhất hằng sống và chân thật, người Cha quan phòng và vị Thẩm Phán công minh, và để họ mong đợi Vị Cứu Tinh đã được Thiên Chúa hứa” (5, tr.49).

     Câu đối thứ bảy nói về một nội dung quan trọng hàng đầu trong giáo lý Công giáo, đó là Mười điều răn. Theo Kinh Thánh, Mười điều răn là những lời giáo huấn do chính Thiên Chúa khắc trên bia đá và trao cho con người để răn dạy họ biết kính sợ Thiên Chúa và sống “hợp lòng người”. Mười điều răn quy về hai điều chính là kính Chúa và yêu người.

     Câu đối thứ bảy cũng nhắc nhở các tín hữu: muốn nên trọn lành trong đời sống đức tin cần phải sống đúng theo những giáo huấn của Thiên Chúa, cụ thể là Mười điều răn. Việc sống đạo phải xuất phát từ chính cái tâm của mình, “đức tu tại lòng ta”, chứ không đơn giản ở những hành vi bề ngoài. Nếu người Công giáo “một lòng kính cẩn” tuân giữ những giáo huấn của Thiên Chúa trong cuộc sống trần gian, thì sau khi qua đời, họ sẽ được về hưởng phúc Thiên Đàng: “đời sau là thánh, là thần”.

     2.8. Câu đối thứ tám

     Nguyên văn:

     8a: 公開審判, 五大洲之皇王帝霸尽属鑑衡

     8b: 拯濟沈淪, 千萬古之神聖祖宗資其拔擢

     Phiên âm:

     8a: Công khai thẩm phán, ngũ đại châu chi hoàng vương đế bá tận thuộc giám hành;

     8b: Chửng tế trầm luân, thiên vạn cổ chi thần thánh tổ tông tư kỳ bạt trạc.

     Dịch nghĩa:

     8a: Đến ngày thẩm phán công khai, Hoàng Vương đế bá của năm châu cũng phải bị phán xử.

     8b: Ra tay cứu vớt kẻ trầm luân, thần thánh, tổ tông hàng vạn năm dựa vào để nâng đỡ.

     Nội dung giáo lý:

     Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, câu 673: “Từ khi Đức Kitô lên trời, ngày quang lâm vinh hiển của Người luôn gần kề, mặc dù chúng ta “không biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt”. Cho dù ngày quang lâm và “những thử thách cuối cùng phải xảy ra trước đó” còn được Thiên Chúa “cầm giữ” lại, ngày quang lâm vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào” (5, tr.261-262).

     Câu đối thứ tám nói về việc phán xét của Thiên Chúa. Công giáo quan niệm có hai loại
phán xét là phán xét riêng và phán xét chung hay còn gọi là phán xét cuối cùng. Trong ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu sẽ trở lại thế gian (quang lâm). Khi ấy, tất cả mọi người, không phân chia giàu nghèo hay địa vị, từ người dân bình thường đến “Hoàng Vương đế bá”, dù còn sống hay đã qua đời, đều được “thẩm phán công khai”, tức là phán xử cách công khai. Sau khi phán xử, người lành sẽ được lên Thiên đàng hưởng phúc đời đời, kẻ ác phải sa vào Hỏa ngục để chịu hình phạt muôn đời. Câu đối này nhắc nhở giáo dân phải luôn “tỉnh thức” và tu sửa bản thân, làm lành lánh dữ để sẵn sàng cho ngày phán xét vì không ai biết khi nào ngày đó sẽ đến.

     2.9. Câu đối thứ chín

     Nguyên văn:

     9a: 終古天宮左右尊太師號尚父,衆神共凛威權

     9b: 歴年海國厺還,扶聖子,翼女王擧丗咸推明哲

     Phiên âm:

     9a: Chung cổ thiên cung, tả hữu tôn thái sư, hiệu thượng phụ, chúng thần cộng lẫm uy quyền;

     9b: Lịch niên hải quốc, khứ hoàn phù Thánh Tử, dực Nữ Vương, cử thế hàm suy minh triết.

     Dịch nghĩa:

     9a: Muôn đời ở thiên cung, tả hữu tôn là thái sư hiệu thượng phụ, thần thánh ngưỡng mộ uy quyền;

     9b: Nhiều năm xuất ngoại lại hồi hương, giúp đỡ Thánh Tử, che chở Nữ Vương, khắp thế gian đều khen sáng suốt.

     Nội dung giáo lý:

     Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, câu 488: “Thiên Chúa đã cử Con mình đến trong thế gian. Nhưng để “tạo một thân xác” cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ trước muôn đời Thiên Chúa đã chọn một thiếu nữ Israel, một cô gái Do Thái, quê tại Nadaret xứ Galilê,“một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavit, trinh nữ ấy tên là Maria” để làm mẹ của Con Mình” (5, tr.190).

     Câu đối thứ chín nói về Thánh Giuse – cha nuôi (“hiệu thượng phụ”) của Chúa Giêsu và là bạn đời của Đức Maria. Thánh Giuse là người có công rất lớn trong công cuộc cứu chuộc loài người của Thiên Chúa thông qua việc “giúp đỡ Thánh Tử” (tức Chúa Giêsu), “che chở Nữ Vương” (tức Đức Maria), trải qua nhiều biến cố “xuất ngoại lại hồi hương”. Trong đời sống đức tin của người Công giáo nói chung và người giáo dân giáo xứ Hà Hồi nói riêng, Thánh Giuse là mẫu gương về đời sống nhân đức. Với những công trạng của mình, Thánh Giuse được coi là vị “Thánh cả” trong Giáo hội Công giáo, có quyền uy rất lớn, “tả hữu tôn là thái sư”, “thần thánh ngưỡng mộ uy quyền”. Câu đối thứ chín không chỉ nhắc nhở giáo dân, đặc biệt là nam giới, phải tôn kính Thánh Giuse mà còn phải noi theo gương nhân đức của Ngài, hết lòng phụng sự Chúa và chăm lo cho gia đình.

3. Nhận xét

     Qua phân tích hệ thống câu đối tại nhà thờ Hà Hồi cũng như những nội dung giáo lý – đức tin được chuyển tải qua các câu đối này, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau:

     Đối với người Công giáo, đức tin, đức cậy, đức mến là ba nhân đức quan trọng nhất và là kim chỉ nam trong đời sống của họ. Để trở thành một “con chiên ngoan đạo”, người Công giáo phải hội đủ ba nhân đức này thông qua quá trình thể nghiệm và thực hành đời sống tôn giáo.

     Chỉ thông qua 9 câu đối ngắn gọn tại nhà thờ giáo xứ Hà Hồi, có thể thấy rằng, những nội dung đức tin của người Công giáo đã được thể hiện một cách tương đối đầy đủ, trọn vẹn và sâu sắc. Bên cạnh hệ thống ảnh, tượng,… nhà thờ Hà Hồi còn thể hiện đức tin thông qua một hệ thống câu đối đặc sắc. Đây cũng là cách thể hiện rất độc đáo, không giống như cách thể hiện thông thường của các nhà thờ khác là qua hệ thống biểu tượng. 9 câu đối tại nhà thờ Hà Hồi đã phản ánh một cách ngắn gọn, súc tích đức tin và những vấn đề trong giáo lý của người Công giáo. Đó là những vấn đề về Chúa Ba ngôi, Đức Mẹ, Thánh Giuse, cùng với mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Đây chính là những nội dung cơ bản nhất về giáo lý của người Công giáo buộc giáo dân phải nắm vững trong hành trình đức tin của mình. Từ những nội dung giáo lý Công giáo cơ bản, những người am hiểu về Hán học Việt Nam đã sáng tạo ra những câu đối vừa mang nét tinh tế trong việc sử dụng ngôn từ vừa mang những giá trị về thần học và truyền tải nội dung giáo lý – đức tin. Không những thế, cách truyền tải những nội dung giáo lý đó rất gần gũi với giáo dân trong cuộc sống, làm cho giáo lý không còn xa lạ, khó hiểu như những lý thuyết về giáo lý trong Kinh Thánh, cũng như những lời giảng dạy của linh mục khi Công giáo mới phát triển tại đây.

     Hệ thống câu đối này cho thấy sự hội nhập giữa văn hóa Công giáo với văn hóa bản địa một cách rõ nét. Câu đối vốn là một thể loại văn học có nguồn gốc Trung Hoa, đã tồn tại, phát triển và trở thành tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam, lại được đưa vào ngôi thánh đường mang phong cách kiến trúc phương Tây, của một tôn giáo phương Tây, vì thế, nó mang một giá trị hội nhập văn hóa rất lớn, là sự kết hợp một cách hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây trong một công trình kiến trúc tôn giáo. Đặc biệt hơn, nhà thờ Hà Hồi còn được xây dựng theo phong cách kiến trúc Á – Âu kết hợp, do đó việc đưa các câu đối treo trên những cột gỗ mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam càng làm cho nó thêm phần độc đáo không nơi nào có.

     Hệ thống câu đối này cho thấy sự vận dụng uyển chuyển văn hóa truyền thống vào trong câu đối tạo ra sự gần gũi, liên tưởng về mặt ý nghĩa. Câu đối sử dụng một số câu chữ, ý tứ trong Kinh Thi, Luận NgữĐạo Đức Kinh để diễn tả giáo lý Công giáo. Ví như: Ý “vô tư bất phục” (câu đối thứ 2) là lấy câu trong Kinh Thi: 無思不服, 皇王烝哉 (Đại nhã 大雅, Văn vương hữu thanh 文王有聲 Không ai là không phục tòng, Vũ vương xứng đáng là bậc vua thay). Hay là ý “Khả đoạt sư yên khả chí” lấy ý của câu trong Luận Ngữ: 三軍可奪師也, 匹夫不可奪志也 (Tam quân khả đoạt soái dã, thất phu bất khả đoạt chí dã, có nghĩa là: Có thể dùng sức mạnh bắt được một vị nguyên soái, chứ chí hướng của một thường dân thì không dùng sức mạnh mà đoạt nổi). Còn ý “Vô năng danh yên” thì lấy ý trong Đạo Đức Kinh: 道 可 道 非 常 道. 名 可名 非 常 名 (Đạo khả đạo, vô thường đạo. Danh khả danh vô thường danh. Câu này có nghĩa là: Đạo mà có thể gọi được thì không phải là đạo thường hằng, danh xưng mà có thể định danh được thì cũng không phải là danh hằng cửu). Điều này đã tạo nên những nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa của người Công giáo, đồng thời cũng làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

     Điểm đặc biệt ở đây, không dừng lại ở giá trị hội nhập văn hóa, mà sự hội nhập văn hóa này lại được người Công giáo tiếp nhận một cách tự nguyện và góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Tiếp cận hệ thống câu đối được đặt trong không gian kiến trúc gỗ truyền thống, giáo dân vẫn có cảm giác họ ở trong những ngôi đình, đền, miếu truyền thống xưa. Sự hội nhập văn hóa này làm cho giáo dân cảm thấy gần gũi mỗi khi đến nhà thờ và được tiếp nhận giáo lý Công giáo thông qua cách diễn tả truyền thống, giúp họ củng cố thêm đức tin, đức cậy, đức mến. Đó cũng là một phương thế để dẫn đưa người Công giáo Hà Hồi đến gần với Thiên Chúa. Không chỉ diễn tả đức tin, những câu đối còn giúp giáo dân tiếp nhận được những nội dung giáo lý một cách ngắn gọn và tác động đến hành vi của họ, thúc đẩy họ noi gương nhân đức của các vị thánh nhân và cha ông của mình, sống tốt đời, đẹp đạo.

     Chú thích:

        1 Công đồng Vatican II là một hội nghị nhóm họp toàn thể giám mục Công giáo trên thế giới, diễn ra tại Vatican từ ngày 11/10/1962 đến ngày 8/12/1965. Với 16 văn kiện được ban hành, Công đồng Vatican II là một bước ngoặt mang tính lịch sử và văn hóa đối với Giáo hội Công giáo vì những cải cách căn bản về thần học và cơ chế.

   2 Mạc khải (hay mặc khải) là một thuật ngữ Công giáo diễn tả sự tác động của Thiên Chúa nhằm giúp con người biết một điều thiêng liêng, mầu nhiệm mà lý trí con người không thể giải thích được.

   3 Mầu nhiệm được hiểu là điều gì đó cao siêu, vượt quá khả năng nhận thức của con người.

   4 Bên trong nhà thờ Công giáo thường gồm hai gian chính: gian cung thánh và gian giáo dân. Gian cung thánh là nơi linh mục thực hiện các nghi lễ. Cung thánh thường ở vị trí trang trọng và cao hơn để giáo dân có thể theo dõi thánh lễ. Phía trên có treo Thánh giá, phía dưới Thánh giá có Nhà tạm (nơi cất giữ Thánh Thể – Mình Thánh Chúa).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (Ad Gentes).

2. Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (1997), Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Nhà thờ giáo xứ Hà Hồi, http://www.giaoxugiaohovietnam.com/HaNoi/01-GiaoPhan-HaNoi-HaHoi.htm

4. Lm. John Bosco Phạm Minh Thiện (dịch) (2011), Giáo lý Công giáo căn bản, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Tòa thánh Vatican (2009), Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

6. Toà Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh (1999), Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa, số 26 – tháng 12 – 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Đức tin Công giáo qua hệ thống câu đối tại Nhà thờ Hà Hồi (Tác giả: ThS. Đỗ Trần Phương)