Giải pháp phát huy giá trị di sản Hán nôm tại các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  NGUYỄN SỸ TOẢN
(Trưởng Khoa Di sản Văn hóa, Trường ĐHVH HN),
LƯU NGỌC THÀNH
(Khoa Di sản Văn hóa, Trường ĐHVH HN)

 

TÓM TẮT

     Hà Nội có 10/12 di tích quốc gia đặc biệt gắn với tôn giáo, tín ngưỡng. Các di tích này đang lưu trữ khối lượng di sản Hán Nôm phong phú, đa dạng và hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Hiện nay, số lượng và thông tin về di sản Hán Nôm này đã và đang được cơ quan quản lý di tích khai thác, phát huy trong đời sống xã hội đương đại. Tuy nhiên, hiệu quả công tác phát huy giá trị vẫn còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp tối ưu đối với hoạt động phát huy giá trị di sản Hán Nôm tại các di tích quốc gia đặc biệt này.

Từ khóa: Di sản Hán Nôm, Di tích Quốc gia đặc biệt, Hà Nội.

ABSTRACT

     Hanoi has 10/12 special national relics which associated with religions and beliefs. These relics have archived rich and diversified Han Nom heritage which contains historical, cultural and scientific values. At present, the number and information of the Han Nom heritage has been being exploited and promoted by the relic management agencies in the contemporary social life. However, the effectiveness of promoting value is still limited. Therefore, in the coming time, it is necessary to have optimal solutions to promoting the values of Han Nom heritage in these special national relics.

Keywords: Han Nom heritage, special national relics, Hanoi.

x
x x

     Hiện nay, Hà Nội có 12 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Phù Đổng, đền Hai Bà Trưng, đền Hát Môn, đền Ngọc Sơn, đình Tây Đằng, đền Sóc, đền Cổ Loa, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Phủ Chủ tịch. Hệ thống di sản Hán Nôm tập trung chủ yếu ở các di tích kiến trúc nghệ thuật gắn với tín ngưỡng, tôn giáo. Giải pháp phát huy giá trị loại hình di sản này ở các di tích chưa đồng bộ, phần lớn các giải pháp được thực hiện phụ thuộc thế mạnh của từng di tích. Để phát huy tốt giá trị nguồn di sản Hán Nôm tại các di tích quốc gia đặc biệt, cần phải có các nhóm giải pháp vừa cụ thể vừa mang tính chiến lược lâu dài. Bài viết này chỉ đề cập những giải pháp cụ thể nhằm phát huy giá trị di sản Hán Nôm trực tiếp tại các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội như sau:

1. Đặt bản trích phiên âm, dịch nghĩa di sản Hán Nôm tại di tích

     Để phát huy giá dị di sản Hán Nôm ở các di tích nói chung và di tích quốc gia đặc biệt nói riêng được tốt nhất, có nghĩa là bằng phương pháp nào đó chuyển tải được toàn bộ nội dung đến với đông đảo công chúng khách tham quan thuộc các thành phần và độ tuổi khác nhau, đặc biệt vào các ngày lễ hội khi lượng khách tham quan di tích mật độ rất đông, trong một khoảng thời gian nhất định không thể đáp ứng đủ đội ngũ hướng dẫn viên diễn giải nội dung di sản Hán Nôm, cần phải có một giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn làm sao giúp cho các đối tượng khách tham quan có thể tự do khám phá không phụ thuộc vào hướng dẫn viên thì mới hi vọng góp phần đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan hiện nay. Có thể nói, để đáp ứng được tình huống tham quan này thì giải pháp “Đặt các bản trích phiên âm, dịch nghĩa di sản Hán Nôm tại di tích” phù hợp và hiệu quả nhất trong bối cảnh thực tế nhu cầu và đối tượng khách tham quan di tích ở Việt Nam hiện nay. Việc đặt các bản phiên âm dịch nghĩa tại di tích cần thiết phải nghiên cứu vị trí đặt cho phù hợp, không ảnh hưởng đến nguyên tắc bảo tồn di tích. Có ý kiến cho rằng phiên âm dịch nghĩa ngay dưới phần chữ Hán Nôm nhưng rõ ràng làm như vậy sẽ không phù hợp vì khoảng cách giữa các chữ Hán không đủ rộng để chèn phiên âm và dịch nghĩa. Hơn nữa, cho dù có đủ diện tích để thực hiện cũng làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến tính nguyên gốc của di tích, vi phạm nguyên tắc bảo tồn di sản.

     Trên thực tế, qua khảo sát 2 di tích trong số các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội đặt bản trích phiên âm, dịch nghĩa, trong đó tại khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng, việc đặt bản trích này khá bài bản, mỗi đơn nguyên kiến trúc đặt một bản phiên âm dịch nghĩa, có thể coi là mô hình nhân rộng cho các di tích khác trên địa bàn. Khu di tích đền Sóc cũng đặt bản trích, nhưng mới chỉ gắn được bản phiên âm vào bên cạnh các hoành phi, câu đối. Ở các di tích còn lại chưa làm được công việc này, nên khi những người không có sự hiểu biết về chữ Hán Nôm nhất định, trong đó có khách tham quan khó có thể hiểu được những di sản này muốn truyền đạt thông điệp gì cho thế hệ sau. Do vậy, trong thời gian tới, BQL các di tích quốc gia đặc biệt cần nghiên cứu về nội dung và hình thức biểu đạt cho các bản trích phiên âm, dịch nghĩa cho toàn bộ nguồn tư liệu di sản Hán Nôm hiện đang trưng bày, lưu trữ tại khu di tích của mình. Bởi việc làm này sẽ giúp ích cho việc quảng bá hình ảnh của di tích và nhân vật được phụng thờ thông qua hoạt động du lịch văn hóa tín ngưỡng hiện nay.

2. Hướng dẫn thuyết minh tại di tích

     Hướng dẫn tại di tích là phương pháp truyền thống hiệu quả thiết thực nhất đối với việc phát huy giá trị di tích nói chung và giá trị di sản Hán Nôm tại di tích nói riêng. Qua khảo sát thực tế công tác hướng dẫn thuyết minh tại các di tích quốc gia đặc biệt cho thấy, trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ hướng dẫn còn có sự chênh lệch khá lớn ở các di tích. Mặt khác, chưa kể trình độ nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng đòi hỏi thực tiễn còn thiếu hụt cần phải bổ sung. Có thể nói, trong công tác phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản Hán Nôm nói riêng trực tiếp tại di tích thì hướng dẫn viên đóng vai trò quan trọng nhất. Đây là phương pháp phát huy truyền thống, đến nay vẫn là cơ bản chưa có và chưa thể có phương pháp khác thay thế. Nhưng vị thế, vai trò của phương pháp này cũng đang dần được chuyển dịch cho phương pháp phát huy giá trị mới ra đời (bản trích phiên âm dịch nghĩa nêu trên là một ví dụ). Tuy nhiên, dù xuất hiện các phương pháp phát huy giá trị di sản trực tiếp tại di tích thì chắc chắn phương pháp thuyết minh tại điểm vẫn sẽ là phương pháp chủ đạo. Mặc dù phương pháp này cũng có những hạn chế khi mùa lễ hội diễn ra, khách tham quan đông, nhiều đoàn xuất hiện đồng thời, có thể không đủ hướng dẫn viên hoặc nếu đủ hướng dẫn viên thì tình trạng thuyết minh qua hệ thống âm thanh có thể bị chồng lấn giữa các đoàn khách tham quan.

     Cũng qua khảo sát cho thấy chưa có sự hiểu biết nhất định về tư liệu di sản Hán Nôm, nên các cán bộ thuyết minh ở các khu di tích quốc gia đặc biệt thường hay bỏ qua việc hướng dẫn khách về nguồn tư liệu này. Qua khảo sát các đoàn có thuyết minh hướng dẫn, tư liệu di sản Hán Nôm đều ít được nhắc đến ngoài việc chỉ đây là các chữ Hán Nôm trên hoành phi, câu đối có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích và nhân vật được phụng thờ. Do vậy, việc đặt bản trích phiên âm dịch nghĩa tư liệu di sản Hán Nôm và đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hướng dẫn viên về nguồn tư liệu này là các nội dung cần thiết để họ đáp ứng nhu cầu tham quan và tìm hiểu toàn diện của khách tham quan đến với các khu di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội hiện nay.

3. Ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật

     Ứng dụng khoa học công nghệ: Để phát huy trực tiếp giá trị di sản Hán Nôm tại di tích, cần ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hỗ trợ cho việc thuyết minh trực tiếp tại điểm
bằng cách lắp đặt hệ thống màn hình ở các đơn nguyên kiến trúc trong di tích, làm phim ngắn giới thiệu về di tích và di sản Hán Nôm, lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động để khách tham quan có thể tự bấm máy và nghe hướng dẫn ở những phần nội dung mình yêu thích và có nhu cầu tìm hiểu. Hiện nay, ở nước ta chưa có một di tích nào thực hiện được ứng dụng công nghệ hỗ trợ thuyết minh này. Đây là hướng tiếp cận cần được hiện thực hóa trong thời gian tới đối với các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

     Trang thiết bị kỹ thuật: Trong công tác thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan, với tính chất đặc thù do số lượng khách trong đoàn đông, không gian di tích rộng lớn nên trong suốt quá trình hướng dẫn đòi hỏi cán bộ thuyết minh cần phải có các trang thiết bị hỗ trợ cho trình bày bài thuyết minh của mình. Song trên thực tế, việc mua sắm, bổ sung trang thiết bị như loa mini, bộ đàm cho cán bộ thuyết minh ở các điểm di tích trên còn nhiều hạn chế. Theo thống kê trong các cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu, mới chỉ có 4 di tích (Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Cổ Loa, đền Sóc, đền Hai Bà Trưng) được trang bị loa, bộ đàm cá nhân, các di tích còn lại chủ yếu thuyết minh “chay” mà chưa có sự hỗ trợ của trang thiết bị công nghệ. Vì vậy, BQL DT ở các di tích còn lại cũng cần có kế hoạch mua sắm, trang bị cho người hướng dẫn các thiết bị thu phát để phục vụ du khách tham quan.

4. Xuất bản ấn phẩm về di sản Hán Nôm

     Xuất bản phẩm về Hán Nôm giới thiệu tại di tích có ý nghĩa đặc biệt đối với việc thu hút và đáp ứng nhu cầu khách tham quan. Đây là giải pháp phát huy giá trị di tích rất hiệu quả. Bất kì khách tham quan nào khi đến di tích cũng muốn tìm hiểu về di tích đó, trong khoảng thời gian tham quan có hạn, nhiều khi không kịp nghe thuyết minh hướng dẫn tại điểm thì các ấn phẩm sách, tờ gấp, viết về di tích, di sản Hán Nôm có ý nghĩa đặc biệt, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan. Phương thức này có ưu điểm là khách tham quan có thể đọc ở bất cứ thời điểm, thời gian nào do mình chủ động và đã được hầu hết ở các di tích nổi tiếng trong và ngoài nước áp dụng. Ví dụ các hoành phi, câu đối Hán Nôm nếu được in ấn đẹp về hình thức, dịch đúng và chuẩn về nội dung coi như cẩm nang giúp khách tham quan hiểu được giá trị ý nghĩa nguồn di sản Hán Nôm tại di tích.

     Tuy nhiên, trên thực tế, việc làm này hầu hết cũng chưa được các BQL DT ở các khu di
tích quốc gia đặc biệt quan tâm đúng mức (ngoài khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng đã xuất bản được 06 đầu sắc, tờ gấp, catalog giới thiệu về khu di tích và một số tư liệu Hán Nôm điển hình; khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới có 03 đầu sách, đền Sóc mới có 02 đầu sách; đền Hát Môn mới có 01 đầu sách). Qua khảo sát cho thấy, đối với tờ gấp, catano giới thiệu về di tích và tư liệu di sản Hán Nôm gần như chưa được các BQL ở các khu di tích quan tâm và thực hiện. Vì vậy, trong thờ gian tới, cơ quan quản lý tại các di tích quốc gia đặc biệt cần có kế hoạch nghiên cứu nội dung, thiết kế hình thức cho các dạng sản phẩm này để khách du lịch có thể tiếp cận và tìm đọc được thông tin về từng khu di tích. Trong điều kiện hội nhập và phát triển đất nước, có lẽ không chỉ phiên âm dịch nghĩa tiếng Việt mà hướng tới phiên âm dịch nghĩa tiếng Anh, tiếng Pháp.

5. Tổ chức lớp học thực tế tại di tích

     Thứ nhất: Các BQL DT cần xây dựng chương trình, kế hoạch gắn kết với nhà trường các cấp học phổ thông và đại học để đưa học sinh, sinh viên đến học tập ngoại khóa tại các khu di tích. Việc làm này có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Do vậy, cần phải có sự phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành văn hóa trong việc giáo dục di sản văn hóa dân tộc. Khi tổ chức các lớp học thực tế, ngoài việc giới thiệu về khu di tích, về nhân vật phụng thờ cùng các câu chuyện huyền sử, lịch sử, cán bộ thuyết minh cũng cần hướng các em đến với tư liệu di sản Hán Nôm mà trước hết là hệ thống hoành phi, câu đối, sắc phong, bia đá… đang được trưng bày ở trong các đơn nguyên kiến trúc. Từ đó, các em học sinh, sinh viên có những cảm nhận khác nhau về giá trị của khu di tích và tư liệu di sản Hán Nôm sau quá trình học tập thực tế.

     Thứ hai: Có thể mở lớp dạy học tại di tích cho các đối tượng khác nhau có nhu cầu tìm hiểu di sản văn hóa dân tộc qua hệ thống di sản Hán Nôm. Mô hình này dạy học theo hướng miễn phí, ví như câu lạc bộ yêu thích di sản Hán Nôm. Đội ngũ giáo viên hình thành từ nhiều nguồn, có thể mời các chuyên gia Hán Nôm ở viện nghiên cứu và trường đại học chuyên ngành về Hán Nôm. Thời gian học, BQL DT phải có kế hoạch và nội dung cụ thể, phối hợp với các cơ quan có cộng tác viên tham gia giảng dạy. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cũng có thể khai thác nguồn tại chỗ, đó là các là các cụ cao tuổi ở địa phương biết và hiểu về chữ Hán Nôm tham gia giảng dạy tại di tích, có thể cố định các buổi học trong tuần.

6. Phát huy giá trị di sản Hán Nôm gắn với phát triển du lịch

     Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước ta hiện nay quan tâm đến phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, hoạt động du lịch đang có những thay đổi thiết thực phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Nguồn tài nguyên du lịch của nước ta hiện nay cơ bản có nguồn tài nguyên nhân văn và nguồn tài nguyên tự nhiên. Trong nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc nghệ thuật gắn với tín ngưỡng tôn giáo có sức hút và vị trí vô cùng quan trọng với việc thu hút khách tham quan.

     Các di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội đã và đang là nơi thu hút đông đảo khách đến tham quan, trong đó có di tích đón đến cả chục nghìn lượt người/ngày. Do vậy, việc phát huy giá trị của di sản Hán Nôm kết hợp với hoạt động du lịch là hoạt động vô cùng cần thiết và cần được triển khai ngay để ngành du lịch và các đơn vị quản lý di tích có thể phối hợp trong việc khai thác triệt để giá trị vốn có đang bị tiềm ẩn trong hệ thống di sản Hán Nôm tại từng khu di tích hiện nay.

     Để khai thác được giá trị di sản Hán Nôm thông qua hoạt động du lịch, gắn với phát triển du lịch, các nhà quản lí di sản, các di tích quốc gia đặc biệt cần có một tầm nhìn chiến lược, xây dựng mối quan hệ biện chứng phát triển với ngành du lịch, hiện thực mối quan hệ này bằng các văn bản luật. Xác định rõ khai thác giá trị di sản là trách nhiệm chung không chỉ của riêng ngành di sản văn hóa mà ngành du lịch cũng phải có một vai trò nhất định trong quá trình khai thác di sản. Mối quan hệ trách nhiệm này từ trước đến nay được thực hiện rất yếu, không có sự gắn kết chặt chẽ giữa ngành di sản và du lịch, dẫn đến tình trạng khi khách du lịch tham quan di tích xong thì hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, di tích bị phá hủy do ý thức kém của không ít khách tham quan. Cần phải lập danh mục và đưa các di tích vào tour tham quan bắt buộc của các công ty du lịch khi có khách tham quan Hà Nội.

     Bên cạnh mối quan hệ mang tính vĩ mô, chiến lược công tác hiện thực hóa tại điểm di tích là rất quan trọng. Việc làm này muốn đạt được hiệu quả cao cần phải có sự tham gia tích cực của đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm và các công ty lữ hành trong việc cung cấp thông tin tư liệu di sản tới khách tham quan, như giới thiệu các tư liệu Hán Nôm được lồng ghép vào bài giới thiệu về khu di tích, phát các tờ gấp giới thiệu về di tích và tư liệu Hán Nôm. Việc làm này sẽ thu hút được sự chú ý, quan tâm của khách tham quan trước, trong và sau khi đến tham quan tại khu di tích.

     Đặc biệt, phải chú ý đến việc thiết kế sản phẩm lưu niệm gắn với di tích cho khách tham quan. Các sản phẩm lưu niệm tại di tích phải thể hiện đặc trưng của di tích thông qua các di sản Hán Nôm. Ví dụ, các ấn phẩm đều có in chữ Hán Nôm phiên âm và dịch nghĩa ngắn gọn súc tích về tên gọi di tích hoặc các câu đối hoành phi điển hình của di tích đó. Những hiện vật lưu niệm này khách tham quan có thể mua nhiều về tặng cho người thân, như vậy thì hình ảnh của di tích có thể được quảng bá rộng rãi và hiệu quả.

     Các giải pháp nêu trên nếu được triển khai một cách đồng bộ ở các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Thành phố Hà Nội, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả đối với công tác phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản Hán Nôm nói riêng trên địa bàn Thủ đô.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Luật Di sản văn hóa năm 2001 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

     2. Hồ sơ 12 di tích quốc gia đặc biệt được lưu giữ tại Cục Di sản văn hóa.

     3. Trương Quốc Bình (2014), Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa, Số 22 – Tháng 12 – 2017

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giải pháp phát huy giá trị di sản Hán nôm tại các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội (Tác giả: Nguyễn Sỹ Toản, Lưu Ngọc Thành)