Giao lưu văn hóa Đông – Tây ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn (Phần 2)

Tác giả bài viết: ĐÀO HÙNG
(Tạp chí Xưa & Nay)

     Những đề nghị về kinh doanh của Poivre tuy không được công ty Ấn Độ Pháp thực hiện tích cực, nhưng Dupleix vẫn không từ bỏ ý định với Đàng Trong. Ngày 28-6-1752, lại ủy nhiệm cho Giám mục Bennetat đến Đàng Trong gặp chúa Võ Vương. Chúa hối thúc Bennetat tiếp tục cho tàu buôn đến.

     Năm 1753, công ty lại cử nhiều nhân viên đến trên tàu Fleury, không đem theo hàng hóa, nhưng mang theo tiền để mua hàng về, ghé cảng Đà Nẵng tháng 7-1753. Nhưng tiếp đấy, thương điếm ở Hội An chỉ hoạt động có mấy năm, sau khi Dupleix bị thất sủng thì cũng ngừng hoạt động. Những cố gắng của Dupleix và Poivre không đem lại kết quả vì nhiều lý do:

     – Trước hết là các chúa ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài chỉ cần đến thương nhân nước ngoài để cung cấp hàng hóa và chiến cụ nhằm tăng cường binh lực khi đang có chiến tranh giữa hai miền. Sang thế kỷ XVII, khi chiến tranh đã chấm dứt, nhu cầu đó không còn nữa, thì việc mở rộng buôn bán cũng chấm dứt luôn.

     Trước sau các Chúa vẫn nghi kỵ sự có mặt của người nước ngoài trên lãnh thổ của mình, nên một khi nhu cầu giảm thì sự cởi mở cũng không còn. Vì vậy, nói như một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng chính quyền Đàng Trong tạo được một sự cởi mở mới khác với tình hình Đàng Ngoài, là nhận định hơi vội vã.

     – Mặc dầu trong cuộc Nam tiến, đến những chân trời mới, nhìn thấy sự phồn vinh của những xã hội thương mãi vùng Đông Nam Á như Mã Lai, Xiêm… có điều kiện tiếp xúc với thương nhân phương Tây, nhưng các chúa Nguyễn vẫn lấy nghề nông làm gốc, chưa tạo được một sự biến đổi về mặt xã hội đối với thương nghiệp. Do vậy mà ngoại thương vẫn nằm trong tay Nhà nước, không có tự do giao thương, không hình thành nổi một tầng lớp thương nhân bản địa có khả năng giao dịch với nước ngoài. Do vậy mà các tàu buôn nước ngoài khi cập bến không có đối tác, không có tiếp xúc trực tiếp với người sản xuất, không an toàn khi giao dịch. Họ chỉ tiếp xúc được với những kẻ môi giới, những người không hề có một ý thức gì về đạo lý kinh doanh, nên người nước ngoài thường bị lừa đảo nói thách vô căn cứ. Những điều đó đã được thể hiện trong nhiều báo cáo gửi về công ty của các thương nhân nước ngoài đến Đàng Trong.

     – Hơn nữa, các chúa như Hiền Vương, Võ Vương, tuy có thái độ thân thiện đối với các thương nhân phương Tây khi tiếp xúc, nhưng cả bộ máy quan lại bên dưới vẫn là những con người bảo thủ, nên ý định của Chúa nhiều khi không được thực hiện. Các nhà buôn phương Tây thường vấp phải sự sách nhiễu và tham lam của các quan lại, việc biếu xén đã trở thành thông lệ, gây thiệt hại cho việc kinh doanh.

     – Cuối cùng phải nói đến thái độ thiếu cương quyết và kém hiệu quả của những người đứng đầu công ty Ấn Độ của Pháp. Trước sự cạnh tranh của các công ty Hà Lan và Anh, người Pháp chỉ đối phó bằng sự bất lực. Hơn nữa tình hình chính trị nước Pháp lúc đó đang ở vào giai đoạn khủng hoảng trước khi cuộc cách mệnh tư sản nổ ra, nên các công ty kinh doanh không được sự ủng hộ tích cực của chính quyền.

     Có thể nói cho đến cuối thế kỷ XVIII, trước khi tình hình Đàng Trong rơi vào cuộc hỗn loạn với khởi nghĩa Tây Sơn, thì việc giao dịch với phương Tây của các chúa Nguyễn vẫn ở tình trạng bế tắc, không thiết lập được quan hệ thương mại lâu dài, không có một chính sách ngoại thương nhất quán, không có một bộ máy quản lý việc giao dịch buôn bán với nước ngoài. Đặc biệt về quan hệ ngoại giao chính thức với các nước phương Tây thì hầu như không có.

     Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, tiếp đấy là cuộc tấn công của quân Bắc Hà năm 1774, khiến cơ nghiệp các chúa Nguyễn sụp đổ, Nguyễn Ánh lúc đó mới 13 tuổi được chúa Nguyễn Phúc Thuần đưa theo chạy vào Gia Định. Năm 1777, Sài Gòn bị quân Tây Sơn chiếm, Nguyễn Phúc Thuần bị hại, hậu duệ các chúa chỉ còn lại Nguyễn Ánh, phải trốn ra đảo Thổ Châu, sau đó được các tướng suy tôn làm Nhiếp chính quốc lúc 17 tuổi, trở về Long Xuyên cầm đầu công cuộc phục hưng.

     Năm 1778, các quan tùy tòng của Chúa đã cử một số quan triều đi cùng giáo sĩ Loureiro đến các thuộc địa của Anh và Pháp ở Ấn Độ để yêu cầu giúp đỡ. Toàn quyền Anh Warren Hastings được nghe báo cáo về tình trạng rối ren ở Đàng Trong, bèn cho đưa các quan vừa cập bến ở Calcutta trở về, đồng thời cử một nhân viên của công ty Đông Ấn Anh là Chapman đến Đàng Trong, với nhiệm vụ thăm dò tình hình để nếu có thể thì đặt quan hệ buôn bán. Chapman không gặp Nguyễn Ánh, nhưng khi cập bến Qui Nhơn thì được vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc tiếp. Nguyễn Nhạc hoan nghênh viện trợ quân sự của Anh để chống quân Nguyễn, với lời hứa có thể nhượng cho một phần đất để buôn bán. Chapman đi thẳng ra cửa sông Huế, nhưng ở đó ông gặp khó khăn với các quan lại Tây Sơn trong việc mua và bán hàng. Chỉ sau khi nổ súng thị uy thì mới thoát được. Trở về Calcutta tháng 2-1778, Chapman báo cáo nhấn mạnh những ưu thế có thể lợi dụng nhân tình trạng vô chính phủ đang diễn ra ở Đàng Trong và yêu cầu đem quân hỗ trợ cho chúa Nguyễn và thiết lập cơ sở ở Tourane. Nhưng lúc bấy giờ Toàn quyền Warren Hastings đang bận rộn với việc mở rộng cơ sở của Anh tại Ấn Độ và phát triển thương mại với Trung Quốc, nên không quan tâm đến kế hoạch của Chapman. Quan hệ với nước Anh lại cũng bị trôi qua.

     Trong khi đó về phía Pháp thì Tổng trấn thành phố Chandernagor là Chevalier lại rất quan tâm đến tình hình Đàng Trong. Ngay trước khi giáo sĩ Loureiro đến Ấn Độ, ông đã phái một chiếc tàu đi thăm dò tình hình Đàng Trong. Khi tàu trở về, tháng 2- 1778, Chevalier gửi cho Thống đốc Pondichéry là Bellecombe một đề nghị cử quân chinh phạt hỗ trợ cho chúa Nguyễn. Việc phái đoàn của Loureiro đến Ấn Độ càng khẳng định thêm ý đồ của Chevalier, thấy cần phải khẩn trương để đi trước sự can thiệp của người Anh. Sau đây là một đoạn trong thư của Chevalier gửi cho Thống đốc Pondichéry ngày 15-2-1778: “… Tôi vừa được tin chiếc tàu Anh le Rumbold vừa từ Đàng Trong trở về Nó có đem theo một giáo sĩ Dòng Tên linh mục Loureiro, quốc tịch Tây Ban Nha, cùng với một viên quan nhất phẩm. Cả hai đều ở Calcutta, và tôi không chút nghi ngờ rằng họ đến để thương lượng với người Anh và xin viện trợ Vị linh mục Loureiro này từ lâu đã được tin dùng ở triều đình Đàng Trong, từng làm thầy thuốc cho Vua. Người ta nói ông là người nhậy bén, rất uyên bác và giỏi thương thuyết. Tôi theo sát sự kiện lớn này và không từ bỏ bất cứ điều gì để phát hiện ra kết cục. Tôi đã phái một linh mục trong giáo xứ chúng ta đến thăm ông ấy và tìm mọi cách để đưa ông ta đến Chandernagor mấy ngày. Như vậy, ông ấy nhất định sẽ đến gặp tôi và tôi sẽ tìm mọi cách để moi các bí mật và khiến cho họ quyết định sẽ nhằm vào chúng ta hơn là người Anh1

     Nhưng triều đình Pháp thì ở quá xa, mà căn cứ ở Ấn Độ thì không có đủ quyền hạn để tổ chức một cuộc can thiệp vũ trang. Hơn nữa, đầu năm 1778, nước Pháp đang có nguy cơ bùng nổ chiến tranh với Anh vì tranh giành các thuộc địa ở châu Mỹ, mối đe dọa lớn đang đè nặng lên các thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ. Quả nhiên tháng 7-1778, Chandernagor hoàn toàn rơi vào tay người Anh, rồi tháng 9-1778, Pondichéry cũng bị Anh chiếm nốt. Các ý đồ can thiệp của người Pháp vào tình hình Đàng Trong đành chịu thúc thủ.

     Phải đợi đến khi xuất hiện Pigneau de Béhaine thì sự gắn bó của nhà Nguyễn với người Pháp mới được thực hiện. Pigneau (1741-1799) là một linh mục người Pháp đến Đàng Trong rất sớm từ 1767, được điều đến Hòn Đất nơi có một cộng đồng Công giáo cách Hà Tiên 15 km về phía tây-bắc. Ông ở đấy hai năm rưỡi, nhưng năm 1768 thì bị bắt giam hai tháng vì Tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ nghi ông có liên quan đến việc để một hoàng thân Xiêm trốn chạy. Sau khi được thả vì được minh oan, ông rời Hòn Đất cuối năm 1769 để trở về căn cứ của Pháp tại Ấn Độ. Lúc này, ông đã trở thành Giám mục d’Adran, mà tên Việt gọi là đức cha Bá Đa Lộc, vẫn quan tâm đến tình hìnhĐàng Trong, nơi ông đã có nhiều thành tựu đầu tiên trong việc truyền giáo. Từ 1775 đến 1776, khi thì ông ở Hà Tiên, khi thì lánh sang Campuchia để theo dõi tình hình đang diễn ra ở Nam Kỳ.

     Mùa hè 1776, Bá Đa Lộc lần đầu tiên được tiếp xúc với chúa Nguyễn, có thể là Duệ Tông. Khi Duệ Tông bị hại, Bá Đa Lộc đã giúp Nguyễn Ánh trốn vào rừng, sau đó ra đảo Thổ Chu. Từ đấy, Bá Đa Lộc hoàn toàn đặt cọc vào Nguyễn Ánh, quyết tâm giúp ông hoàng lưu vong giành lại ngai vàng, với hy vọng sẽ tạo được nhiều thuận lợi trong việc truyền giáo ở Đàng Trong. Khi Nguyễn Ánh thất thế phải sang tị nạn ở Xiêm, Bá Đa Lộc đến gặp với lời hứa hẹn sẽ thuyết phục với triều đình nước Pháp đưa quân sang giúp. Tại đây, tháng 11-1784, Nguyễn Ánh đã gửi con là hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc kèm theo ấn tín và một thư ủy nhiệm của Hội đồng Hoàng gia đề ngày 10 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 43 (18-8-1782), như vậy Bá Đa Lộc được trao quyền hạn của một đại diện toàn quyền. Tháng 2-1785, Bá Đa Lộc cùng hoàng tử Cảnh đến Ấn Độ thuộc Pháp.

     Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh đến Pháp năm 1787, nhân danh vua Đàng Trong ông ký ở Versailles một hiệp ước liên minh ngày 28-11-1787 với Công tước Montmorin, thay mặt cho vua Louis XVI. Theo hiệp ước, vua Pháp sẽ cung cấp quân cho Nguyễn Ánh, đổi lại Đàng Trong sẽ nhượng cho Pháp cảng Tourane và đảo Côn Sơn, cùng độc quyền ngoại thương trong cả nước. Nước Pháp lúc đó có vẻ như muốn đứng chân lên đất Đàng Trong. Nhưng thực ra đấy chỉ là một động tác để làm yên lòng vị Giám mục đáng kính, vì Hiệp ước Versailles không biểu thị một quyết tâm thực hiện, mà chỉ là những lời nói suông, dành cho các đại diện của nước Pháp ở Ấn Độ quyền chủ động thực hiện nếu họ thấy có thể.

     Công t-ớc Conway, Tổng trấn Pondichéry được chỉ định làm người chỉ huy cuộc chinh phạt, là người có đầu óc hẹp hòi và thiển cận, không muốn có những cuộc chinh phạt hải ngoại. Vả lại ông còn đang vấp phải nhiều khó khăn về vật chất cho nên không muốn phiêu lưu. Vì vậy, trước những đòi hỏi của Bá Đa Lộc can thiệp vào Nam Kỳ, ông thẳng thừng từ chối.

     Thất vọng trước sự thờ ơ của người Pháp, ngày 8-7-1785, Bá Đa Lộc lại viết thư cho Nghị viện Macao, yêu cầu người Bồ Đào Nha viện trợ và giao hoàng tử Cảnh cho họ. Ít lâu sau, vào tháng 10-1786 trong khi đang lánh nạn ở Xiêm, Nguyễn Ánh nhận được thư của Thống đốc thành phố Goa (thuộc địa của Bồ ở Tây Ấn), mời ông đến Goa, ở đó có 56 tàu chiến sẵn sàng để hỗ trợ chúa Nguyễn. Nhưng lúc này, Nguyễn Ánh vẫn còn tin vào sự cứu viện của Pháp nên không trả lời. Trong khi đó, Bá Đa Lộc lại muốn mời Nguyễn Ánh đến Pondichéry để đặt hoàn toàn dưới sự bảo trợ của Pháp, nhưng việc đó không thực hiện được mặc dầu Nguyễn Ánh cũng có ý định lên đường.

     Cuối cùng, Giám mục d’Adran phải vận động một số nhà buôn và nhà đóng tàu ở Pondichéry và Mascareignes bỏ tiền ra mua tàu và phương tiện chiến tranh để tự mình đem sang giúp chúa Nguyễn. Ông cũng lôi kéo được một số sĩ quan trong Hải quân Hoàng gia Pháp cùng đi để phục vụ cho Nguyễn Ánh. Ngày 28-7-1789, đúng hai tuần lễ trước khi nổ ra cuộc Cách mạng Pháp, Bá Đa Lộc đã đi trên một chiếc tàu Pháp cặp bến Vũng Tàu. Trong mười năm, Bá Đa Lộc đã ở cạnh Nguyễn Ánh, vừa làm công việc truyền đạo, vừa tham mưu cho việc tổ chức chống lại Tây Sơn mà ông coi như sự nghiệp của chính mình.

     Trên thực tế, số người do Bá Đa Lộc chiêu mộ không nhiều, tuy số lượng còn có chỗ bàn cãi giữa một số nhà nghiên cứu, từ 20 cho đến trên dưới 100 người1. Những người này chủ yếu được sử dụng làm các công việc hậu cần, thông tin, vận tải, mua bán vũ khí, thảng hoặc cũng có người trực tiếp tham gia chiến trận, nhưng không giữ chức vụ cao trong quân đội2. Bản thân Bá Đa Lộc tuy được phong Đạt mệnh điều chế chiến tao thủy bộ viện binh giám mục thượng sư, nhưng chỉ là hư danh, vì viện binh làm gì có ngoài những người cùng đi và một ít phương tiện chiến tranh lúc ban đầu. Ông còn giúp Nguyễn Ánh dịch các tài liệu quân sự của phương Tây, đáng chú ý là những sách về kiến trúc thành lũy quân sự, mà Nguyễn Ánh đã chú ý vận dụng trong cuộc chiến chống Tây Sơn cũng như sau này khi chiến tranh đã kết thúc. Có hai lần Nguyễn Ánh yêu cầu Bá Đa Lộc đi theo quân đội tham gia tác chiến, nhưng không có vai trò gì cụ thể về mặt quân sự. Lần đầu tiên là tháp tùng hoàng tử Cảnh đến thành Diên Khánh tháng 12-1793, sau khi quân Nguyễn vừa chiếm được thành. Lần thứ hai vào năm 1797, cũng đi theo hoàng tử Cảnh ra trận. Mặt khác, Bá Đa Lộc còn chịu nhiều chỉ trích của các quan lại và tướng lĩnh xung quanh Nguyễn Ánh, tỏ ra bất phục và nghi ngờ.

     Đối với việc truyền giáo, mặc dầu được phong làm thượng phụ, lo việc dạy dỗ hoàng tử Cảnh, nhưng việc truyền giáo của Bá Đa Lộc vẫn không được Nguyễn Ánh tạo điều kiện dễ dàng. Ngay khi Bá Đa Lộc còn sống, con số người cải đạo vẫn không nhiều, mà còn có phần giảm sút đi. Giáo xứ Nam Bộ, nơi trước kia Giám mục d’Adran đã ước tính có một trăm nghìn người, thì đến năm 1797, chỉ còn không quá 25 nghìn. Trong một thư gửi đi từ Lái Thiêu ngày 16-6-1792, một linh mục đã viết: “Dù nhà vua không truy bức người theo đạo, nhưng trong mọi cơ hội, ngài luôn tỏ ra rằng ngài không bằng lòng với việc cải đạo, và không có biểu hiện bên ngoài nào cho thấy ngài sẽ theo đạo.” Khi cuộc phục hưng của Nguyễn Ánh gần đạt đến thắng lợi, thì vai trò của Bá Đa Lộc cũng mờ nhạt dần cho đến khi ông qua đời năm 1799.

     Nói về vai trò của Nguyễn Hoàng trong cuộc Nam tiến cuối thế kỷ XVI, nhà sử học Mỹ Keith Taylor đã viết: “Nguyễn Hoàng phải đương đầu với những sự lựa chọn không được chấp thuận trong cái đã trở thành truyền thống chính trị Việt Nam. Ông ở vị thế phải sử dụng sự sáng suốt của bản thân mình để suy xét những lựa chọn này. Nói tóm lại, cuộc gặp gỡ của ông với thế giới rộng lớn vùng Đông Nam Á đã đem lại bài học kinh nghiệm mới về sự tự do3.

     Quả là khi đặt chân đến miền đất mới, những người lãnh đạo cuộc Nam tiến có nhiều sự chọn lựa hơn, và họ có thể chọn lựa bằng những biện pháp phi truyền thống. Nhưng trên thực tế, các chúa Nguyễn, dù ở buổi đầu, đang phải lo củng cố thế lực để đương đầu với sự thôn tính của họ Trịnh ở phía Bắc, vẫn chưa thay đổi được tư duy của mình. Những cuộc tiếp xúc với giáo sĩ và thương nhân phương Tây chỉ là biện pháp tình thế, nhằm lợi dụng họ để mua sắm vũ khí và phương tiện chiến tranh, chứ không có chiến lược lâu dài. Một số người cho rằng các chúa Nguyễn rộng rãi hơn các chúa Trịnh trong việc sử dụng người nước ngoài, nhưng sự thật thì chỉ có một người Bồ Đào Nha làm công việc đúc pháo, chứ không có nhiều. Ngay đến một người Trung Quốc như Chu Thuấn Thủy mà còn bị nghi kỵ chứ chưa nói đến những người phương Tây vốn xa lạ với văn hóa Việt Nam. Phải đến khi lâm vào tình thế quẫn bách, Nguyễn Ánh mới sử dụng đến một số chuyên gia quân sự Pháp đi theo Bá Đa Lộc. Trong những người đó được sử dụng vào công việc thiết thực nhất là Olivier de Puymanel, kỹ sư xây dựng đã thiết kế và xây nên một số thành lũy theo kiểu Vauban. Và cuối cùng chỉ còn lại hai người là Chaigneau và Vannier, hai người Pháp đã lấy vợ Việt và làm quan sau khi Nguyễn Ánh đã lên ngôi hoàng đế nhưng vẫn không được giao chức trách gì cụ thể.

     So sánh Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII với Việt Nam thế kỷ XIX, Li Tana cho rằng thế kỷ XVII và XVIII “đánh dấu một thời điểm lịch sử hiếm có khi người Việt có cơ hội giải thích lại những truyền thống của mình một cách kịp thời và sinh động. Cuối cùng cánh cửa đó đã đóng lại khi nền trật tự trở thành mối quan tâm cao nhất của xã hội trong triều đại nhà Nguyễn từ sau năm 1802, thiết lập trên sự đổ nát của một thế hệ nội chiến. [] Lịch sử thế kỷ XVII và XVIII của xã hội Việt Nam ở Đàng Trong được các nhà nho thế kỷ XIX viết lại để nói cái đúng từ cái sai và để nhắc lại những tấm gương tốt cho tương lai theo truyền thống Khổng giáo1. Nói như vậy khiến cho ta có cảm giác rằng tư duy của các chúa Nguyễn và tư duy của các vua nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước có sự chuyển biến theo hướng bảo thủ. Sự thật thì suy nghĩ của các vua nhà Nguyễn vẫn nằm trong một mạch tư tưởng của các Chúa trước kia, chứ không có gì là bảo thủ hơn hay chặt chẽ hơn. Quả thật trong những thế kỷ trước, việc tổ chức thi cử ở Đàng Trong chưa có qui củ, nên tầng lớp nho sĩ không đông như ở Bắc Hà, các quan triều phần lớn là những người xuất thân trong những dòng họ đã phò tá các Chúa khi mở cõi về phương Nam, quen việc chiến trận hơn là làm văn thơ. Nhưng như thế không có nghĩa là các Chúa đã bỏ qua các chuẩn mực của Nho giáo, mà trên thực tế mọi sự ứng xử vẫn theo nề nếp cũ, tuy có sự châm chước lỏng lẻo hơn.

     Có thể nói khi tiến về phương Nam, các chúa Nguyễn và triều thần đã có nhiều cơ hội để tạo nên một sự thay đổi lớn trong việc quản trị đất nước, mở rộng hơn nữa những hiểu biết về khoa học kỹ thuật của thế giới, qua sự tiếp xúc dễ dàng với thương nhân và giáo sĩ phương Tây. Nhưng đáng tiếc là Đàng Trong vẫn nằm trong quĩ đạo hạn hẹp của tư duy nông nghiệp, lấy nghề nông làm gốc, không mở mang việc buôn bán, không tạo dựng được một tầng lớp thương nhân để có thể tung hoành trên thương trường thế giới. Cho nên nhiều cơ hội tiếp xúc và mở rộng thông thương với phương Tây đã bị bỏ lỡ khiến cho xã hội Đàng Trong cuối cùng cũng lâm vào cuộc khủng hoảng cuối thế kỷ XVIII không khác gì xã hội Đàng Ngoài.

__________
1 Georges Taboulet, sđd, tr. 159-160. Và quả nhiên, Chevalier đã thuyết phục được giáo sĩ Loureiro dựa vào người Pháp, nhưng kết quả là kế hoạch không thực hiện được.

1 Xem Vạn Vĩnh Bân Quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc, trong X-a & Nay, số 307, tháng 5-2008.

2 Xem Vạn Vĩnh Bân “Vai trò những người Pháp đi theo Nguyễn Ánh”, trong Xưa & Nay, số 310, tháng 6-2008.

3 Keith W. Taylor, Nguyễn Hoàng và bước mở đầu cuộc Nam tiến của người Việt, trong Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb Trẻ, 2001, tr. 181.

1 Li Tana, Xứ Đàng Trong…”, sđd, tr. 196.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giao lưu văn hóa Đông – Tây ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn
(Tác giả: Đào Hùng)