Giáo sư Phan Huy Lê GIỚI THIỆU về KỸ THUẬT CỦA NGƯỜI AN NAM

PGS TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng tại Thư viện

        “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger (người Pháp thực hiện từ năm 1908 đến 1909 tại Hà Nội) là một công trình khảo cứu về cơ cấu xã hội từ làng xã đến gia đình cùng các phong tục tập quán, đời sống văn hóa, tín ngưỡng vùng Bắc Bộ.

Công trình giá trị này từng bị quên lãng từ gần 1 thế kỷ. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng) bằng say mê tâm huyết của mình đã có nghiên cứu khám phá ở tầm vĩ mô cũng như vi mô góp phần phát hiện và công bố chính thức công trình của Henri Oger không chỉ trong nước và còn ở Pháp, Mỹ, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc…

Công trình nghiên cứu của PGSTS Nguyễn Mạnh Hùng mang tiêu đề Kĩ thuật của người An Nam, kho tàng lịch sử văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỉ XX. Tác giả là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với bộ tranh khắc lưu giữ tại thành phố Hồ Chí Minh và là người đã giành nhiều thời gian, công sức nhất trong nghiên cứu, giới thiệu bộ tranh khắc này. Năm 1984 tác giả đã chính thức đăng ký thành đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức những buổi buổi hội thảo giới thiệu rộng rãi bộ tranh khắc của H.Oger ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gây sự quan tâm rộng rãi trong dư luận học thuật thời đó. Ngoài các bài viết đăng tải trên các báo và tạp chí, tác giả đã hoàn thành luận án Tiến sĩ với đầu đề Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX qua bộ tranh “Kỹ thuật của người An Nam” của Henry Oger, bảo vệ thành công năm 1996.

H.Oger tự giới thiệu bộ tranh khắc của mình gồm 4.000 bản vẽ, một số nhà nghiên cứu viết trên 4.000 bản vẽ hay khoảng 4.200 bản vẽ.

PGSTS Nguyễn Mạnh Hùng là người đầu tiên đã kiểm tra lại và đưa ra những con số thống kê cụ thể: 4.577 bản vẽ gồm 2.529 bản có hình ảnh con người và cảnh vật, trong đó có 1.048 bản có hình phụ nữ, 2.048 bản vẽ các đồ dùng, công cụ sản xuất.

Về tác giả bộ tranh khắc, PGSTS Nguyễn Mạnh Hùng nêu cao phương pháp nghiên cứu của H.Oger là cùng nhiều nghệ nhân người Việt, đi khảo sát và ghi lại bằng ký họa các dụng cụ kết hợp với các thao tác chế tạo. Theo tác giả “phương pháp này cho phép tái hiện hàng loạt hoạt động cùng chung một chủng loại trên hai loại hình vẽ khác nhau nhưng lại bổ sung cho nhau. Đó là các đồ nghề hay đồ vật và những cử chỉ dùng để sử dụng nó”. Cùng với H.Oger, tác giả nhấn mạnh sự tham gia của các nghệ nhân Việt Nam. Tác giả đã tìm về hai làng khắc mộc bản nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Hồng là Liễu Tràng và Hồng Lục (Hải Dương) với tổ sư là Thám hoa Lương Như Hộc. Một phát hiện thú vị là tác giả tìm thấy trong bộ tranh khắc có bốn bản vẽ ghi lại tên tuổi, quê quán của bốn nghệ nhân: Nguyễn Văn Đảng, Nguyễn Văn Giai, Phạm Trọng Hải, Phạm Văn Tiêu và đã về quê hương khảo sát hai dòng họ nghệ nhân Nguyễn và Phạm. Tác giả cũng về đình Hàng Gai và chùa Vũ Thạch với hi vọng tìm ra dấu tích của 400 bản vẽ đã khắc gỗ nhưng không đưa lên khuôn in.

Đi vào nội dung bộ tranh khắc, PGSTS Nguyễn Mạnh Hùng rất có lý khi quan niệm nội dung của bộ tranh khắc không chỉ là các bản ký họa mà còn bao gồm cả các chú thích bằng Hán Nôm của nghệ nhân và những nhà nho Việt Nam và bằng chữ Pháp của H.Oger. Tác giả coi những chú thích này như “bố cục thứ hai”, “bộ phận ngôn ngữ” của tác phẩm theo truyền thống hội họa phương Đông. Tác giả đánh giá bộ tranh khắc của H. Oger như “một bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, thời kỳ đầu bản lề lịch sử cận đại và hiện đại”. Tác giả đã phân tích, chứng minh tính hiện thực, tính phản ánh của bộ tranh khắc qua nhiều ví dụ rất sinh động. Bằng ký họa và chú giải, bộ tranh khắc đã phác họa và bảo tồn không chỉ các nghề thủ công cổ truyền mà cả đời sống xã hội nơi đô thị và chốn thôn dã của tất cả các giai tầng..Cuộc sống bình dị của con người gồm nam, phụ, lão, ấu, chu kỳ của cuộc sống từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đều được phản ánh. Tất cả đều hiển lên với những nét đặc trưng trong lối sống, phong tục, tập quán và tôn giáo, tín ngưỡng. …Tác giả chọn những ví dụ khá tiêu biểu và phân tích khá sâu sắc trong bối cảnh lịch sử của xã hội truyền thống và tính giao thời của đầu thế kỷ XX, kết hợp với những ca dao, tục ngữ và thơ văn cổ liên quan đến nội dung từng bản vẽ. Cách miêu tả vì thế thêm sinh động, hấp dẫn và nâng cao chiều sâu của sự hiểu biết.

Trong lời kết, PGSTS Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại công trình của H.Oger trong bối cảnh khoa học đầu thế kỷ XX là quá độc đáo, không theo bất cứ một khuôn mẫu nào trước đó. Tính độc lập và độc đáo đưa đến một công trình khoa học sáng tạo và có giá trị vượt thời gian. PGSTS Nguyễn Mạnh Hùng coi bộ tranh khắc của H.Oger không những là một bộ Bách khoa toàn thư về xã hội, mà còn là một bộ Từ điển bách khoa bằng tranh về một nền văn minh được thực hiện rất sớm, từ đầu thế kỷ XX không phải bằng nền mỹ thuật công nghiệp của Tây Âu mà bằng sự hợp tác với những nghệ nhân dân gian bản xứ.

Cuốn sách Kĩ thuật của người An Nam, kho tàng lịch sử văn hóa Việt Nam cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX của PGSTS Nguyễn Mạnh Hùng cho thấy rõ tác giả là một nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, suy ngẫm về bộ ký họa của H.Oger với tất cả niềm say mê và tâm huyết của mình. Đặc biệt, ông góp phần phát hiện và công bố chính thức công trình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, không chỉ trong nước và còn thế giới tại Pháp, Mỹ, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc…

(Lược trích lời giới thiệu của GS sử học Phan Huy Lê về công trình Kĩ thuật của người An Nam, kho tàng lịch sử văn hóa Việt Nam cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX).

Bài viết đã được đăng trên http://hanoimoi.com.vn  14:56 thứ hai ngày 13/10/2014

Link: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/711776/pgsts-nguyen-manh-hung-va-cong-trinh-bi-lang-quen-gan-1-the-ky-cua-henri-oger