Hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa (1887-1954)
LE SYSTEME EDUCATIF FRANCO-VIETNAMIEN DANS LA PROVINCE DE
KHANHHOA DURANT LA PERIODE 1887-1954
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN VĂN TUẤN [1];
Thạc sĩ LÊ VĂN TRƯỜNG AN[2]
TÓM TẮT
Từ năm 1653 đến năm 1887, giáo dục ở Khánh Hòa vẫn là nền giáo dục phong kiến và không có nhiều thành tựu. Sau năm 1887, khi người Pháp tiến hành chính sách giáo dục mới, bức tranh giáo dục ở Khánh Hòa đã có những khởi sắc. Bên cạnh hệ thống trường học các cấp bậc, Khánh Hòa có sự tồn tại của các trường thực nghiệp, cơ sở giáo dục tôn giáo và các viện nghiên cứu. Do những điều kiện đặc thù nên hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa chỉ phát triển tương đối. Dù vậy, sự xuất hiện của hệ thống giáo dục Pháp-Việt trên địa bàn Khánh Hòa đã có những tác động đa chiều trên nhiều phương diện.
Từ khóa: Giáo dục Pháp ở Khánh Hòa, giáo dục Pháp-Việt, viện Pasteur Nha Trang.
RÉSUMÉ
Durant la longue période de 1653 à 1887, l’éducation dans la province de KhanhHoà reste marquée par le modèle féodal ou monarchique, et sans succès notoires. Après 1887, suite à la mise en œuvre de la part des Français d’une nouvelle politique en matière éducative, le panorama formationnel de la province de KhanhHoà a connu de l’essor. A côté d’un système d’établissements scolaires de base à plusieurs niveaux, ont aussi vu le jour des écoles professionnelles, celles relevant des institutions confessionnelles ou des instituts de recherche. Vu les particularités provinciales de la localité, le système éducatif franco-vietnamien dans la province de KhanhHoà a connu un développement plutôt limité. Un tel nouveau système éducatif, dans les limites de la localité en question, a eu néanmoins ses répercussions, et ce à plusieurs niveaux et dimensions.
Mots clés: Éducation française à Khánh Hòa, éducation franco-vietnamienne, Institut Pasteur Nha Trang.
x
x x
1. Khát quát về giáo dục ở Khánh Hòa từ năm 1653 đến năm 1887
Năm 1653, vùng đất Khánh Hòa ngày nay chính thức trở thành một bộ phận lãnh thổ của người Việt dưới sự quản lí của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Sau khi thiết lập bộ máy hành chính tại đây, các chúa Nguyễn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc khai khẩn, lập làng, phát triển các hoạt động kinh tế và hoạt động giáo dục cũng được chú trọng. Với sự phát triển về số lượng người Việt ở Khánh Hòa qua các đợt di dân nên hoạt động giáo dục cho con em được tiến hành ngay khi người Việt đã ổn định tại vùng đất mới. Hoạt động giáo dục ban đầu chủ yếu do địa phương tự tổ chức hoặc diễn ra tại các gia đình.
Dưới triều Tây Sơn (1778-1802), chính quyền đã có nhiều chấn chỉnh, thay đổi trong học tập và thi cử nhưng nhìn chung, giáo dục ở trong nước vẫn chưa có sự thay đổi to lớn về chất lượng và số lượng. Với tình hình chung như vậy, giáo dục ở Khánh Hòa vẫn tiếp tục duy trì mô hình cũ và không có gì nổi bật.
Đến thời nhà Nguyễn (từ năm 1802), để củng cố và bảo vệ chế độ phong kiến, nhà Nguyễn tiến hành xây dựng một nền giáo dục Nho học chặt chẽ theo mô hình nhà Lê. Việc tuyển dụng quan lại bằng hình thức thi cử đã khiến cho hoạt động giáo dục ở các địa phương diễn ra sôi nổi. Nhiều trường học được xây dựng ở các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục của chính quyền phong kiến lúc bấy giờ. Trong xu thế đó, Khánh Hòa cũng đã có những thay đổi nhất định trong giáo dục ở địa phương.
Nhà Nguyễn đã tiến hành thiết lập các trường học mới ở Khánh Hòa, hai trường học đầu tiên hình thành ở phủ Diên Khánh và phủ Bình Hòa (Tấn, 1969, tr. 344). Những trường học do triều đình mở là trường công lập. Học sinh theo học tại trường công ngoài việc được miễn học phí còn được triều đình cấp học bổng. Tuy nhiên, chính sách đó chỉ được áp dụng cho trường học cấp huyện. Ở cấp tổng, thôn, người dân tự túc trong hoạt động giáo dục của mình.
Ngoài các trường công lập, Khánh Hòa có sự xuất hiện của các trường tư thục. Trường tư thục thực chất là những lớp học hình thành tại các làng, xã ở Khánh Hòa do các nho sĩ hay thầy đồ mở tại nhà, hoặc những gia đình có điều kiện mời thầy dạy học về dạy cho con cháu trong dòng họ, láng giềng đến học tập. Nội dung dạy học ở các trường tư chú trọng đến việc giảng dạy các kiến thức sơ đẳng như đọc, viết… và không có quy định về tuổi tác.
Với số lượng trường học khiêm tốn: 4 trường học[3], không có trường ở cấp độ tỉnhnên bức tranh về giáo dục ở Khánh Hòa trong thế kỉ XIX không thật sự nổi bật so với các địa phương khác. Điều này một phần do Khánh Hòa nằm cách xa triều đình Huế và Gia Định nên hoạt động thi cử thường có ít người tham gia. Do đó, số lượng người đỗ đạt làm quan cũng không đáng kể. Một phần do người dân chỉ chú trọng học tập nhằm biết chữ Hán, phục vụ cho hoạt động nghi lễ, đời sống hằng ngày…
Bảng 1. Hệ thống trường học Khánh Hòa thời Tự Đức
TT |
Địa phương |
Số |
Số trường |
Các cấp độ |
||
Tỉnh |
Phủ |
Huyện |
||||
1 |
Hà Nội |
19 |
11 |
1 |
4 |
6 |
2 |
Nam Định |
24 |
14 |
1 |
5 |
8 |
3 |
Nghệ An |
49 |
8 |
1 |
3 |
4 |
4 |
Thừa Thiên |
17 |
6 |
1 |
1 |
4 |
5 |
Bình Định |
7 |
6 |
1 |
2 |
3 |
6 |
Khánh Hòa |
6 |
4 |
0 |
2 |
2 |
7 |
Gia Định |
11 |
5 |
1 |
2 |
2 |
Dẫn theo Mai, 2019, tr. 3.
Mặc dù nền giáo dục của Khánh Hòa trong giai đoạn này khá khiêm tốn, nhưng chính từ những trường học ấy đã đào tạo ra một bộ phận dân cư dân biết đọc, biết viết. Số lượng người đỗ đạt không nhiều nhưng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền giáo dục địa phương.
2. Hệ thống giáo dục Pháp ở Khánh Hòa (1887-1954)
Trong “quỹ đạo” chung của công cuộc khai thác thuộc địa trên toàn cõi Đông Dương và Việt Nam, Khánh Hòa nằm ở vị trí chiến lược quan trọng được người Pháp chú ý từ rất sớm. Năm 1887, Pháp bắt tay vào hoạt động khai thác thuộc địa sau khi hoàn thành quá trình bình định ở đây. Để thiết lập cơ sở vững chắc cho quá trình khai thác thuộc địa lâu dài, hệ thống cơ sở giao thông, hành chính, kinh tế,…được Pháp triển khai xây dựng[4]. Hệ thống giáo dục Pháp ở Khánh Hòa vì vậy cũng được Pháp chú ý và tổ chức cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
Thời kỳ 1887-1919
Trước khi người Pháp đến, ở Khánh Hòa đã từng tồn tại các trường Bình Hòa (Ninh Hòa), Vĩnh Xương (Vĩnh Điềm) thuộc hệ thống giáo dục phong kiến. Khi người Pháp có mặt ở Khánh Hòa, các trường này vẫn được duy trì và cải được biến dần thành các trường Pháp-Việt, tiền thân của các trường Tiểu học Diên Khánh, Ninh Hòa và Nha Trang. Trước những hoạt động tích cực của các nhà ái quốc, chính phủ Pháp buộc phải mở một số trường sơ học tại các nơi đông dân cư và vùng thị tứ. Năm 1900, Khánh Hòa đã có 1 trường Pháp-Việt ở Nha Trang (Báu, 1994, tr. 59).
Xuất phát chính từ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động hỗ trợ khai thác thuộc địa, các nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã tiến hành hai đợt cải cách giáo dục vào các năm 1906 và 1917. Theo đó, nền giáo dục Pháp-Việt được chia làm 3 cấp: Tiểu học; Trung học; Cao đẳng chuyên nghiệp và đại học. Ngoài ra còn có hệ thực nghiệp (Châu, 2016, tr. 130).
Trong giai đoạn này, ở Khánh Hòa, chính quyền Pháp tiếp tục duy trì giáo dục “Tân học” song song với nền giáo dục “Hán học”. Giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa tồn tại 3 cấp học: Ấu học, Tiểu học và Trung học.
So với các tỉnh Trung Kỳ (Thanh Hóa, Vinh và Huế), số lượng lớp thuộc bậc Ấu học và Tiểu học ở Khánh Hòa rất hạn chế. Bậc Trung học chưa có, học sinh Khánh Hòa muốn học hệ Trung học phải ra Huế hoặc Hà Nội. Sự hạn chế và ít ỏi của các trường Pháp-Việt buộcmột số làng phải tự mở trường tư và trường thường chỉ là những ngôi nhà đơn sơ do làng dựng lên để mở lớp Ấu học hoặc mời thầy đồ dạy tại tư gia theo hình thức “Gia đình học hiệu”, từ vỡ lòng cho đến khi đọc thông viết thạo thì vào trường huyện, trường phủ,… Có thể thấy, thời kì Tân học ở Khánh Hòa khá ngắn ngủi, nhưng nó có vai trò nhất định trong việc trang bị cho tầng lớp tri thức những nhận thức mới về vai trò của trí thức đối với đất nước.
Thời kỳ 1920-1945
Ở giai đoạn này, bậc Tiểu học có 2 cấp là Ấu học và Tiểu học (6 lớp). Chương trình dạy chủ yếu bằng 3 ngôn ngữ: chữ Pháp (bắt buộc), chữ Quốc ngữ, chữ Hán. Trong đó chữ Pháp và chữ Quốc ngữ chiếm thời lượng lớn. Cuối bậc có kỳ thi lấy bằng Tiểu học Pháp-Việt.
Sau khi bỏ các khoa thi chữ Hán, ở Khánh Hoà các trường học Pháp-Việt được mở gồm có các loại trường: Tiểu học không toàn cấp, Tiểu học toàn cấp và Sơ học. Trong đó, nhiều nhất là các trường sơ học (trường chỉ có 2 lớp là đồng ấu và dự bị). Cấp sơ học được chia thành 3 lớp theo thứ tự Năm-Tư-Ba, học bằng chữ Quốc ngữ, dạy thêm chữ Hán và tiếng Pháp. Học xong 3 năm thì lấy bằng Sơ học yếu lược. Trong những năm 1920 đến 1922, tỉnh Khánh Hòa có 46 trường sơ học; từ năm 1924 đến 1926 có 47 trường sơ học và từnăm 1928 đến 1930 tăng lên 50 trường. Đến 1945, số lượng trường này tăng không đáng kể.
Bảng 2. Số lượng trường dự bị theo tỉnh
Provinces | 1920 | 1922 | 1924 | 1926 | 1928 | 1930 |
Thanh Hóa | 101 | 107 | 105 | 113 | 128 | 128 |
Nghệ An | 9 | 2 | 3 | 20 | 57 | 70 |
Hà Tĩnh | 45 | 71 | 71 | 71 | 73 | 67 |
Quảng Bình | 21 | 21 | 21 | 28 | 31 | 35 |
Quảng Trị | 44 | 38 | 38 | 38 | 36 | 38 |
Thừa Thiên | 88 | 72 | 74 | 52 | 51 | 49 |
Quảng Ngãi | 75 | 77 | 79 | 80 | 83 | 85 |
Bình Định | 36 | 28 | 28 | 27 | 33 | 34 |
Phú Yên | 29 | 28 | 28 | 26 | 26 | 27 |
Khánh Hòa | 46 | 46 | 47 | 47 | 50 | 50 |
Phan Rang | 34 | 25 | 25 | 29 | 30 | 30 |
Bình Thuận | 56 | 53 | 53 | 53 | 51 | 50 |
Haut-Donnai | “ | “ | 1 | 1 | 1 | 1 |
Total | 685 | 660 | 671 | 682 | 751 | 763 |
Cụ thể, ở một số địa phương trong tỉnh, hệ thống trường học này cũng được người Pháp xây dựng. Tại Cam Ranh có 2 trường đặt tại Thủy Triều và Cam Linh; trong khi đó ở vùng Hòn Khói huyện Ninh Hòa có 2 trường ở làng Thạnh Danh (Ninh Diêm) và làng Bá Hà (Ninh Thủy); riêng ở huyện Vạn Ninh, toàn tổng Phước Tường Nội chỉ có 1 trường. Ở một số huyện miền núi như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của đồng bào, lại xa trung tâm, đường sá khó đi nên không có trường học nào được xây dựng. “Nếu tính theo dân số thì phải vài ba làng thì mới có một trường sơ học, còn lấy điều kiện kinh tế để xét thì dù địa phương có diện tích lớn cũng chưa chắc mở được trường” (Hoa, 2017, tr. 31).
Bên cạnh hệ thống trường sơ cấp, người Pháp cũng cho xây dựng hệ thống trường Tiểu học Pháp-Việt toàn cấp. Tại Diên Khánh có 1 trường Phủ (xã Diên An). Năm 1922, ở Ninh Hòa có 1 trường Phủ với các lớp sơ cấp nhưng đến 1931 được nâng lên thành trường Tiểu học Pháp-Việt thuộc làng Vĩnh Phú, Quảng Phước. Ở Vạn Ninh có 1 trường đóng tại làng Quảng Hội, đến năm 1938-1939 mới có lớp Nhất. Tại quận lỵ Nha Trang có 2 trường gồm 1 Trường Nam Tiểu học (nay là THPT Nguyễn Văn Trỗi) và 1 Trường Nữ Tiểu học (nay là iSchool Nha Trang). Ngoài ra, tại Nha Trang còn có thêm một trường Tiểu học Pháp (école francaise) dành riêng cho con cái người Pháp và một số rất ít học sinh Việt thuộc các gia đình quyền thế và giàu sang (nay là địa điểm trường Mầm non Lý Tự Trọng). Năm 1945, Khánh Hòa có 7 trường tiểu học Pháp và Pháp-Việt được mở tại Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa và Vạn Ninh (Địa chí Khánh Hòa, 2003, tr. 258).
Bậc trung học gồm hai ban Cao đẳng tiểu học và Tú tài. Ở Khánh Hòa không mở cấp học này. Do đó, sau khi có bằng tiểu học, học sinh nào có đủ điều kiện học lên thi khăn gói ra Quy Nhơn để học.
Bên cạnh các trường công, hệ thống các trường Tiểu học tư thục rất hạn chế. Từ những năm 30 của thế kỉ XX, khi Pháp có chính sách cho người bản xứ mở trường thì các trường tư mới có điều kiện ra đời. Năm 1933, ở Ninh Hòa có trường Tiểu học tư thục Trí Đức (Mĩ Hiệp) đầu tiên. Đến năm 1934, Nha Trang có thêm trường Tiểu học tư thục Hoà Khánh, nằm trên đường Trần Quý Cáp hiện nay.
Riêng bậc trung học, năm 1936, Khánh Hoà có trường Trung học tư thục đầu tiên là Trường Kim Yến ở thị xã Nha Trang, còn trường đại học và cao đẳng thì hoàn toàn không có. Trong suốt thời gian sau đó, số lượng trường tư thục từ cấp Tiểu học trở lên ở Khánh Hoà tăng không đáng kể.
Chương trình giáo dục cũng được thiết kế tương đối toàn diện, bao gồm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kĩ thuật và ngoại ngữ,… Ngay từ bậc sơ học, tiếng Pháp đã được dạy cùng với các sách giáo khoa chữ Quốc ngữ theo chương trình bản xứ và càng lên lớp trên tiếng Pháp càng được sử dụng nhiều hơn.
Thời kỳ 1945-1954
Điểm nổi bật của thời kỳ này ở Khánh Hòa là sự tồn tại của hai hệ thống giáo dục song song: giáo dục cách mạng và giáo dục Pháp-Việt. Khi Pháp quay trở lại, Khánh Hòa trở thành vùng bị tạm chiếm, vì thế ở các vùng Pháp kiểm soát, nền giáo dục Pháp-Việt vẫn được duy trì trở lại.
Bậc Tiểu học: Niên khóa 1945-1954, một số trường Tiểu học và Sơ học được mở cửa lại, nhất là ở những vùng do quân đội Pháp kiểm soát. Sau năm 1949, các trường ở Khánh Hòa được mở rộng ở nhiều nơi. Đến 1954, toàn tỉnh Khánh Hòa có 66 trường Sơ học và Tiểu học với 10.588 học sinh. Cuối niên khóa, số thí sinh dự tốt nghiệp Tiểu học là 1.387 em với ba địa điểm thi là trường Khánh Hòa, trường Ninh Hòa và trường Nam, Nữ Tiểu học Nha Trang thay vì trước đó chỉ có ở Nha Trang (Tư, 2003, tr. 293).
Bậc Trung học: Năm 1947, theo nguyện vọng và các yêu cầu của nhân dân, cơ quan giáo dục Pháp ở Khánh Hòa cho thiết lập trường Trung học Nha Trang (Collège Franco – Vietnamien). Khóa đầu gồm một lớp học khoảng 30 học sinh học chung trong cơ sở Trường Tiểu học Pháp -Việt dành cho học sinh nam.
Cuối niên khóa 1950-1951, Nha Trang được chọn làm địa điểm thi bằng Cao đẳng Tiểu học chung cho các thí sinh các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đắc Lắc (Tư, 2003, tr. 295). Đây là lần đầu tiên “người Khánh Hòa mới được thi bằng Trung học tại Nha Trang. Từ ấy việc học ở Khánh Hòa càng ngày càng thạnh” (Tấn, 1969, tr. 383).
Năm 1952, tại đường Bá Đa Lộc, trong khuôn viên rộng rãi, một ngôi trường mang tên trường Trung học Võ Tánh ra đời với số lượng ngày càng đông, gồm cả nam và nữ học sinh. Chương trình giáo dục mới được áp dụng là chương trình Việt song song với chương trình Pháp-Việt. Niên khóa 1951-1952, trường Võ Tánh bắt đầu nhận học sinh vào lớp Đệ Thất, không nhận lớp Đệ Nhất niên nhưng mở thêm các lớp Đệ Lục và Đệ Ngũ. Trong giai đoạn này, trường Tiểu học Pháp được nâng lên thành trường Trung học Pháp (Collège francais).
Các cơ sở giáo dục khác
Trường thực nghiệp: Năm 1946, khi người Pháp quay trở lại đã cho thành lập một học xưởng kỹ nghệ đặt tạm tại một ngôi nhà trong Ty Bưu điện trực thuộc Ty Tiểu học Khánh Hòa[5]. Thời gian học một năm, sau đó học sinh phải vào Sài Gòn hay ra Huế để tiếp tục học lên lớp trên. Năm 1948, học xưởng này được dời về tại nhà chơi trường Nam Tiểu học, đến niên học sau lại đặt bên cạnh Dân y viện.
Cơ sở giáo dục tôn giáo: Năm 1932-1933, trụ sở của Dòng La San được thành lập. Đây là nơi tụ tập của các tín đồ Thiên Chúa giáo chuyên về giáo dục (Tư, 2003, tr. 95). Năm 1953, Cô nhi viện Tin lành được thành lập và nhận nuôi 28 bé mồ côi từ các nơi. Đến năm 1954 là 44 em. Trong khuôn viên của viện có trường Nghĩa thục Bết lê hem của Hội. Tại đây các học sinh được học hướng nghiệp theo khả năng và sở thích như chăn nuôi, may vá và thêu thùa, hớt tóc, đánh máy chữ, làm vườn,…
Viện Pasteur Nha Trang: Năm 1895, viện Pasteur ở Nha Trang được xây dựng. Người đặt nền móng đầu tiên là bác sĩ Alexandre Yersin. Viện hoạt động chủ yếu trên ba lĩnh vực chính: sản xuất thuốc; đào tạo cán bộ; nghiên cứu bệnh sốt rét, vi trùng, kí sinh trùng, thảo mộc.
Ngay từ năm 1899, những người Việt có trình độ và am hiểu tiếng Pháp đã được cử đến viện Pasteur Nha Trang để đào tạo về tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm trên động vật. Những người Việt trẻ tuổi được tuyển chọn cẩn thận từ những học sinh có chứng chỉ sơ cấp. Sau đó, họ sẽ được tiếp tục đào tạo bởi các chuyên gia tại viện cùng với những người khác ở các nước trong Liên bang Đông Dương. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đặc biệt, họ sẽ được cử về để phục vụ tại các cơ quan thú y (Bernard, 1922, tr. 47). Bên cạnh đó, Viện Pasteur còn là địa điểm thực tập cho các bác sĩ thú y người Pháp. Chương trình thực tập thường kéo dài từ 3 tháng đến 6 tháng (Henry, 1934, tr. 64).
Viện Pasteur không chỉ đảm nhiệm vai trò đào tạo cán bộ phục vụ ở các tỉnh trong nước mà đảm nhiệm luôn công tác đào tạo cán bộ thú y cho các nước Đông Dương. Những sản phẩm của viện như vắc-xin cung cấp cho các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Như vậy, trải qua các giai đoạn lịch sử, hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt tại Khánh Hòa được thiết lập rất nhỏ. Trong khoảng thời giantừ 1887 đến 1954, bên cạnh các viện nghiên cứu, về cơ bản Khánh Hòa có các loại hình trườngtừ cấp bậc Tiểu học, Trung học, đến Thực nghiệp, Tôn giáo và Tư thục. Do những điều kiện đặc thù, bức tranh giáo dục ở Khánh Hòa từng bước thay đổi về diện mạo, xác lập được vị trí trong hệ thống các trường Pháp-Việt ở khu vực Trung Kỳ và Việt Nam.
3. Đặc điểm hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa (1887-1954)
Thứ nhất, hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa được xây dựng trên cơ sở tầm nhìn chiến lược của người Pháp.
Khánh Hòa được đánh giá là vùng đất đặc biệt của vùng duyên hải Nam Trung Bộ với vị trí, địa hình thiên phú. Sách Đại Nam nhất thống chí nhận định về vùng đất Khánh Hòa như sau: “Phía đông giáp biển cả, phía Tây nắm sơn nam, phía Nam liền Bình Thuận, phía Bắc giáp Phú Yên; ba mặt núi bọc, một mặt sát biển, núi Đại An chắn ngang ở phía Bắc, vụng Nha Trang quanh phía đông, phía tây – nam núi gò trùng điệp, nhân địa lợi mà xây thành, chốn hiểm trở do trời đặt; núi cao thì có Tam Phong và Đại An, sông lớn thì có Vĩnh An và Phú Lộc, núi khe quanh quất, đường sá gập ghềnh. Các bảo Nha Trang, Bình Nguyên khống chế sơn – man, các tấn Cù huân lớn nhỏ, phòng ngăn hải phỉ. Thật là đất hình thể trọng yểu ở một phương” (Đại Nam nhất thống chí, 1964, tr. 87-88).
Sớm nhận thấy Khánh Hòa có địa thế khá quan trọng giữa ngã ba đường Sài Gòn Đà Nẵng-Huế và Ban Mê Thuột nên kể từ khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, các giới chức trong chính quyền Pháp đã cố gắng thiết lập ở đây các cơ sở chỉ huy, các viện nghiên cứu, và kể cả các trung tâm huấn luyện quân sự, trong đó có quân cảng Cam Ranh. Năm 1945, khi quay trở lại xâm lược Nam Trung Bộ, người Pháp đã chọn Nha Trang làm hướng tấn công đầu tiên.
Xuất phát từ vị trí chiến lược đó, các cơ sở giáo dục được chính quyền Pháp chú trọng xây dựng. Ngoài mục đích đào tạo đội ngũ nhân lực cho quá trình khai thác thuộc địa, Khánh Hòacòn là địa điểm lý tưởng để con em trong giớichính quyền Pháp có những điều kiện thuận lợi trong học tập và nghỉ dưỡng…
Thứ hai, hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa quy củ về chương trình, cách thức tổ chức nhưng nhỏ lẻ về trường lớp.
Dù có vị trí chiến quan trọng của Nam miền Trung và Tây Nguyên nhưng do địa hình Khánh Hòa đi lại khó khăn, phần lớn chỉ thuận tiện cho việc đặt các viện nghiên cứu và căn cứ quân sự nên hệ thống trường lớp thường nhỏ lẻ hơn so với các địa phương khác trong vùng. Chính vì thế, hệ thống giáo dục của người Pháp dù có được xác lập và tổ chức khá bài bản về hình thức, nhưng số người tiếp cận được với nền giáo dục đó chỉ ở con số khiêm tốn.
Tại Khánh Hoà, trường Tiểu học Pháp-Việt tập trung ở một số huyện hoặc phủ, số lượng hạn chế, trong khi người dân phần đông là lao động nghèo, khó có điều kiện đến trường. Với quy mô giáo dục nhỏ bé như vậy, nền giáo dục đó chỉ phục vụ cho số ít người, chỉ những gia đình có điều kiện mới cho con em theo học được.
Thứ ba, hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa đa dạng về loại hình trường học và cơ sở đào tạo.
Mặc dù giáo dục ở Khánh Hòa trong thời kì này vẫn còn nhỏ lẻ và chưa thể sánh với các địa phương khác ở trong nước như Huế, Hà Nội nhưng ở Khánh Hòa vẫn tồn tại nhiều loại hình trường học: công lập, tư thục, cơ sở giáo dục tôn giáo, trường thực nghiệp. Ngoài việc đào tạo kiến thức, nền giáo dục Pháp ở Khánh Hòa còn chú trọng phát triển thể chất cho học sinh như xây dựng các sân vận động trong trường học. Học sinh đi học có giờ tập thể dục buổi sáng, được khuyến khích tập luyện các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, nhảy xa, nhảy cao, leo dây, vượt rào, bơi lội và điền kinh,… Đặc biệt, sự xuất hiện của các viện nghiên cứu như viện Pasteur Nha Trang, viện Hải học Nha Trang khiến cho bức tranh về giáo dục ở Khánh Hòa bớt đi sự ảm đạm trong thời điểm bấy giờ. Viện Pasteur Nha Trang bên cạnh nhiệm vụ sản xuất thuốc và nghiên cứu về bệnh sốt rét thì viện đảm nhận hoạt động đào tạo cán bộ thú ý cho toàn Đông Dương và là cơ sở cho các thực tập sinh đến thực tập trước khi hành nghề. Có thể thấy, những hoạt động trên của viện khá mới mẻ so với hình thức “đứng lớp giảng bài” truyền thống cố hữu của giáo dục phong kiến. Một mô hình giáo dục chỉ chú trọng đào tạo con người biết chữ bây giờ đã bước sang hình thức đào tạo với mục đích mới: từ làm quan sang làm nghề.
4. Tác động của hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa (1887-1954)
Thứ nhất, Khánh Hòa bước đầu có thể tự chủ về địa bàn đào tạo đến cấp độ Trung học.
Trước khi nền giáo dục Pháp-Việt xuất hiện, nền giáo dục ở Khánh Hòa tương đối “buồn tẻ”. Với 4 trường học được lập ra trải đều trên một địa bàn rộng lớn đã khiến cho hoạt động học tập của người dân Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương ở miền núi không thể tiếp cận được với cơ sở trường học nên ở những nơi này trở thành “vùng trắng” về giáo dục. Bên cạnh đó, do đặc điểm của địa hình, khí hậu, sự ưu đãi từ thiên nhiên đã khiến cho con người ở đây không đặt nặng về chuyện học hành để đỗ đạt làm quan. Vì vậy “ở Khánh Hòa việc học chữ Hán không được thạnh vượng. Trong tỉnh không có người đỗ đại khoa. Cử nhân tú tài cũng không nhiều lắm… Đó là do tính người Khánh Hòa không ham công danh. Lại thêm học cho giỏi phải ra tận Bình Định để thi hương, ra tận Huế để thi hội thì mất công tốn của, người Khánh Hòa không ưng” (Tấn, 1969, tr. 344-345).
Ngay từ nền giáo dục phong kiến, sự thiếu hụt về trường học hay nói cách khác là các cơ sở đào tạo đã khiến cho tâm lí học tập bị ảnh hưởng khá nhiều. Cùng với việc phải di chuyển một quãng đường khá dài để có thể tham gia các kì thi đã tạo nên “sự chán chường” ở mức độ nhất định cho người dân.
Đến trước năm 1947, mặc dù ở Khánh Hòa đã có sự xuất hiện của nhiều trường học ở các địa phương. Việc di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác để học tập đã khắc phục dần dần nhưng điều này chỉ diễn ra ở cấp độ Tiểu học. Ở cấp bậc Trung học, học sinh đậu bằng tiểu học phải di chuyển ra Quy Nhơn để tiếp tục học lên Trung học. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động giáo dục ở Khánh Hòa và cho cả chính quyền Pháp tại đây. Vì vậy, sau năm 1947 trường Trung học đầu tiên được mở ra và dạy nhờ tại trường Tiểu học Nha Trang. Đến năm 1951, học sinh ở Khánh Hòa có thể thi bằng Trung học ngay tại địa phương mình, chấm dứt một giai đoạn khủng hoảng về trường học tại đây. Chính vì có thể tự chủ được về cơ sở, địa bàn đào tạo như vậy nên “việc học ở Khánh Hòa càng ngày càng thạnh” và tạo ra một bước đệm cho sự xuất hiện của các trường học ở cấp độ cao hơn sau này.
Thứ hai, hình thành nên một tầng lớp trí thức dân tộc ở địa phương và tổ chức các hoạt động yêu nước
Trưởng thành từ nhà trường Pháp-Việt, nhiều học sinh đã trở thành trí thức lớn của dân tộc, có nhiều đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực. Tại Khánh Hòa, những trí thức Tây học tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi và có những hoạt động truyền bá chủ nghĩa yêu nước. Trong những năm 1925-1926, hai ông Ngô Đức Diễn (quê Nghệ An) và Hà Huy Tập (quê Hà Tĩnh) là một trong số những người tham gia thành lập Hội Phục Việt được cử vào Khánh Hòa dạy học. Ngô Đức Diễn dạy học tại trường Pháp-Việt Ninh Hòa còn Hà Huy Tập dạy học tại trường Pháp-Việt Nha Trang. Hai ông đã đem lập trường yêu nước vô sản vận động trong nhà trường và viên chức (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, 2001, tr. 40,43).
Những cơ sở của Đảng Tân Việt đã được thành lập ở Ninh Hòa, Nha Trang và từng bước mở rộng mạng lưới hoạt động bởi các thành viên trưởng thành từ nền giáo dục PhápViệt[6]. Cùng với đó là sự xuất hiện của phong trào Truyền bá chữ Quốc ngữ ở Khánh Hòa đầu những năm 40 của thế kỉ XX. Phong trào này bắt nguồn từ Hội truyền bá chữ Quốc ngữ ở Hà Nội sau đó lan rộng ra nhiều địa phương. Tại Trung Kỳ, cùng với Huế, Quảng Nam, Vinh, Đồng Hới, Quy Nhơn và Khánh Hòa trở thành 6 địa điểm có chi nhánh của Hội hoạt động.
Tại Khánh Hòa, phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ diễn ra sôi nổi thu hút nhiều học sinh, giáo viên tham gia. Ninh Hòa là địa bàn diễn ra hoạt động truyền bá sớm nhất. Những nhân vật tham gia tích cực trong giai đoạn này có thể kể đến như Nguyễn Lưu, Nguyễn Sung, thầy Võ Như Trân-trường Tiểu học Pháp-Việt Nha Trang, thầy Lê Văn Đài ở trường Long Hòa-Vạn Ninh (Hoa, 2017, tr. 33).
Dù được đào tạo trong các trường học của Pháp, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, nhưng tầng lớp trí thức tân học lại có một nền tàng giáo dục truyền thống vững chắc, họ nhận thức được sự đối xử bất bình đẳng, miệt thị của người Pháp đối với người dân “bản xứ”, nên trừ một số người cam tâm làm tay sai cho Pháp, bộ phận luôn mang trong mình tư tưởng yêu nước, chống Pháp.
Sự ra đời của các trường tư thục trong đó có trường Kim Yến không những giải quyết được sự ứ động học sinh ở Khánh Hòa mà còn góp phần nâng cao dân trí trong bối cảnh lịch sử còn nhiều khó khăn để đến trường.
Nền giáo dục Pháp-Việt bên cạnh việc tạo ra một đội ngũ tri thức cho lực lượng cách mạng thì ở chiều ngược lại còn là tạo nên những nhân vật quan trọng trong nền chính trị Pháp ở Việt Nam và cả Việt Nam Cộng hòa sau này[7].
Thứ ba, Khánh Hòa kế thừa hệ thống cơ sở vật chất, làm nền tảng cho sự ra đời và phát triển của các cơ sở trường học, viện nghiên cứu ở địa phương.
Mặc dù nền giáo dục của Pháp được lập ra nhằm mục đích cho hoạt động thống trị ở thuộc địanhưng với sự tiến bộ của nó so với nền giáo dục Nho giáo trước đó đã khiến cho những học sinh quá quen với sách thánh hiền nay bị hấp dẫn bởi một chương trình mới. Những nhân tố tiến bộ, nhân văn của giáo dục Pháp gặp được tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt đã tạo nên sự cộng hưởng trong việc tiếp nhận và biến đổi tri thức. Cùng song song với việc tiếp biến những giá trị tiến bộ của nền giáo dục Pháp, ở Khánh Hòa còn kế thừa được những giá trị ngoại hiện: đó là hệ thống cơ sở vật chất mà Pháp đã xây dựng trong thời gian gần 80 năm ở đây.
Hệ thống trường học ở Khánh Hòa không nhiều về số lượng nhưng đảm bảo được nhu cầu học tập tại từng địa phương, thậm chí ở những nơi xa trung tâm Nha Trang như Vạn Ninh. Hiện nay, Khánh Hòa có gần 40 trường THPT. Trong số đó, có những ngôi trường nổi tiếng về chất lượng đào tạo: trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (trường Nam Tiểu học Nha Trang), trường THPT Lý Tự Trọng (trước đó là trường Collège de Nha Trang sau đổi thành trường Trung học Nha Trang), trường iSchool Nha Trang (trường Nữ Tiểu học Nha Trang)…
Viện Pasteur Nha Trang được xem là sự kế thừa đáng chú ý nhất. Ngày nay, viện đã hòa vào hệ thống Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế Việt Nam. Viện có chức năng tổ chức triển khai các hoạt động và chương trình dự án thuộc lĩnh vực y tế công cộng, y tế dự phòng tại các tỉnh khu vực miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận). Nghiên cứu khoa học; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế; hợp tác quốc tế; cung cấp các dịch vụ về lĩnh vực y tế công cộng, y tế dự phòng đáp ứng nhu cầu xã hội. Khi dịch Covid bùng phát ở Việt Nam đầu năm 2020, trước tình hình khẩn cấp ấy, viện Pasteur Nha Trang đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức lớp tập huấn “Lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm chẩn đoán vi rút Corona mới” cho cán bộ y tế đến từ các Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các Bệnh viện của 11 tỉnh khu vực miền Trung đồng thời hỗ trợ xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ các địa phương khác.
Dấu ấn kiến trúc từ các trường học ở Khánh Hòa không còn nhiều và nguyên vẹn như trường học ở Huế (THPT chuyên Quốc Học, THPT Hai Bà Trưng) nhưng tạo được nền tảng cho sự phát triển của các cơ sở trường học, viện nghiên cứu sau này.
1. Trước khi có sự xuất hiện của hệ thống giáo dục Pháp-Việt, giáo dục của Khánh Hòa về cơ bản là nền giáo dục phong kiến. Số lượng trường học khá khiêm tốn so với các địa phương khác. Những khó khăn về cơ sở vật chất, trở ngại về mặt địa lý cùng với nội dung dạy học truyền thống của nền giáo dục cũ khiến cho bức tranh giáo dục ở Khánh Hòa tương đối tẻ nhạt. Bức tranh về giáo dục Khánh Hòa bắt đầu thay đổi khi Pháp tiến hànhxây dựng chương trình giáo dục mới.
2. Hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa có nhiều thay đổi qua từng giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn 1887-1919, hệ thống trường lớp ở Khánh Hòa vẫn còn rất ít và hạn chế. Bậc Trung học vẫn chưa có. Đến giai đoạn 1920-1945, số lượng trường học được tăng lên. Ở các địa phương xa trung tâm như Vạn Ninh, Ninh Hòa, học sinh có thể học tại địa phương ở cấp Tiểu học. Trong giai đoạn này, trường Trung học tư thục đầu tiên ở Nha Trang xuất hiện, kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tại Nha Trang. Giai đoạn 1945-1954, Khánh Hòa tồn tại song song hai hệ thống giáo dục: giáo dục cách mạng và giáo dục Pháp-Việt. Điểm nổi bật trong thời kỳ này là Khánh Hòa đã có thể tự túc được dạy học và thi cử ở cấp Trung học, chấm dứt thời kì “khủng hoảng” ở cấp bậc này.
3. Hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa mặc dù quy củ về chương trình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy học nhưng số lượng trường lớp vẫn còn nhỏ lẻ, cấp bậc đào tạo chỉ dừng đến Trung học. Tuy vậy, với những giá trị tiến bộ của nền giáo dục mới bên cạnh mục tiêu sử dụng giáo dục cho hoạt động thống trị, giáo dục Pháp-Việt đã mang đến một luồng gió mới, tạo ra được nhiều giá trị, chuẩn mực về giáo dục và cả những giá trị ngoại hiện cho Khánh Hòa.
__________
[1] ThS, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khánh Hòa.
[2] ThS, Trường THPT Lê Hồng Phong, Khánh Hòa.
[3] 4 trường học gồm: trường học phủ Diên Khánh, trường học phủ Ninh Hòa, trường học huyện Vĩnh Xương, trường học huyện Tân Định.
[4] Các cơ quan hành chính, kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và Nam Trung Bộ đều đặt ở Nha Trang: Quận Công chính Nam phần, Viện Pasteur, Viện Hải dương học, Sở Bưu điện, Quận 3 đường sắt, nhà đèn, bệnh viện, các khách sạn (Grand hotel, Beau Rivage)… Ngoài ra còn nhiều cơ sở sửa chữa cơ khí như: Chaner, De Monfreid, Bourbon hãng STACA, đề pô xe lửa, nhà máy dệt Oggeri.Năm 1897, quốc lộ 1 đoạn qua địa phận Khánh Hòa dài 150 km được hoàn thành. Cảng Cam Ranh, Cầu Đá được nâng cấp, mở rộng. Đoạn đường sắt Sài Gòn – Nha Trang dài 466 km (kể cả các tuyến nhánh) cũng được khởi công với kinh phí 69 triệu Franc.
[5] Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên là trường Thực nghiệp Nha Trang. Năm 1962, trường đổi thành trường Trung học Kỹ thuật Đệ nhất cấp và sau đó là trường Trung học Kỹ thuật Đệ nhị cấp gồm hai ban: Kỹ thuật Toán và Kỹ thuật chuyên nghiệp.
[6] Có thể kể đến các nhân vật: Bùi Giao, Nguyễn Khắc Tài, Dương Chước, Lê Dung.
[7] Nguyễn Văn Chuyên, sinh năm 1926, tại Diên Khánh. Trước khi gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng hòa 1954 với tư cách là một sĩ quan, một một giáo viên tiểu học tại Khánh Hòa, được tiếp nhận giáo dục tại Việt Nam.
Lê Bá Chân, sinh năm 1916 tại Nha Trang. Trước năm 1940, làm thư ký cho chính phủ Thuộc địa Pháp. Sau năm 1945, ông tiếp tục là một viên chức chính quyền nhỏ, năm 1953 giữ chức vụ Phó Tỉnh trưởng Hành chính tỉnh Khánh Hòa. Sau năm 1957, được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang và Đà Lạt (Silverman, J.M..Political elites in South Vietnam: A national and provincial comparison. ASEAN Survey, từ https://online.ucpress.edu/).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa. (2001). Lịch sử Đảng bộ ĐCS Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975). Nha Trang: Nxb Chính trị Quốc gia.
2. Báu, P.T. (1994). Giáo dục Việt Nam thời cận đại. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
3. Bernard, N. (1922). “Les instituts Pastuer D’Indochine”. Thư viện tỉnh Khánh Hòa: Phòng Địa chí.
4. Cadière, L. (1931). L’Annam. Thư viện tỉnh Khánh Hòa.
5. Châu, N.T.T. (2016). Giáo dục Trung Kỳ thời Pháp thuộc (1887-1945). Tạp chí Giáo dục (kỳ 3, tháng 6).
6. Đại Nam nhất thống chí. (1964). quyển 11.
7. Địa chí Khánh Hòa. (2003). Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
8. Mai, N.H. (2019). Tiếp biến văn hóa Pháp-Việt trong nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 1884-1945 (Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
9. Henry. (1934). Les intituts Pasteur D’Indochine en 1934. Thư viện tỉnh Khánh Hòa: Phòng Địa chí.
10. Hoa, N.T.K. (2017). Lịch sử giáo dục cách mạng tỉnh Khánh Hòa (1945-1975). Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Giáo dục Việt Nam.
11. Silverman, J.M. Political elites in South Vietnam: A national and provincial comparison. ASEAN Survey, từ https://online.ucpress.edu/).
12. Tấn, Q. (1969). Xứ trầm hương (lá bối). Sài Gòn: Nhà in Việt Hương.
13. Tư, N.Đ. (2003). Non nước Khánh Hòa. Nxb Thanh niên.
Nguồn: Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX,
Nhà xuất bản Đại học Huế, năm 2021
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Khánh Hòa (1887-1954) – Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn; Lê Văn Trường An |