Kỹ thuật của người An Nam – Phần 3: Đi tìm tác giả HENRI OGER (1885 – 1936)

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)

3. HENRI OGER LÀ AI? (1885 – 1936)

3.1.1 Sự can thiệp của Pháp

     a. Ngày nay, dân tộc Việt Nam không còn thấy bóng người Pháp thực dân trên đất nước này. Có chăng là chỉ thấy họ qua sử sách hay trên tập kỉ yếu của Trường Viễn Đông Bác Cổ (École Française d’Extrême  Orient) của Hội nghị Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des études Indochinoises) của Hội Những người bạn của Thành Huế cổ (Bulletin des Amis du vieux Huế) hoặc của Viện Nhân loại học Đông Dương (Publication de l’Institut Indochinois pour l’étude de l’homme) … qua những tư liệu nghiên cứu về đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam mà họ để lại. Trong đó có tư  liệu không chỉ xác định sự có mặt của những học giả từ gần trăm năm nay mà còn sự có mặt của những vị cha cố từ mấy thế kỉ trước, qua nhiều trang sưu tầm, khảo cứu về”Sứ mệnh của các cha cố dòng Tên ở xứ Đàng Ngoài (*) và những tiến bộ lớn mà sự giảng đạo đã đạt được trong việc cảm hoá theo đạo Chúa, những kẻ vô đạo từ năm 1627 đến 1646”.

      b. Những vị cha cố ấy không chỉ đặt chân lên các vùng châu thổ ven biển xứ Đàng Trong hay ra Đàng Ngoài mà còn đi sâu vào những miền rừng núi như linh mục Savina tìm hiểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc và Hoa Nam; như cha cố Cadière – ngoài những đề tài về xã hội, ngữ văn, văn học dân gian người Kinh – còn có những đề tài về lịch sử liên quan đến người Chàm, hay đi sâu vào miền Nam Tây Nguyên – như Dourisboure – để nghiên cứu dân tộc học. Lại còn có cha cố như Alexandre de Rhodes chịu khó tổng hợp lại những thành quả trước đây để viết bộ Từ điển Việt, Bồ Đào Nha và La tinh (Dictionarium Annamiticum, Lusitenum et Latinum – Roma 1651).

     c. Nhưng thời ấy, không chỉ có những vị cha cố giám mục, học giả mà còn có những lái buôn. Tuy bận rộn công việc làm ăn nhưng họ vẫn có mặt ở Đàng Ngoài để viết tường thuật – như trường hợp của Tavernier, hay chỉ miêu tả vùng đất nơi ấy như Samuel Baron (người Anh). Họ cũng rất quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội, phong tục, tập quán và địa lí, lịch sử ngôn ngữ nơi họ đặt chân đến.

     d. Nhưng đặc biệt lại có những quan chức Pháp không chỉ lo cai trị mà còn dành nhiều thì giờ để xem xét, nghiên cứu như Sabatier – đặt căn cứ vào luật tục và trường ca Êđê; như Landes để ý đến truyện cổ dân gian và ngữ văn Việt Nam, như  Cordier – tuy làm nhà đoan nhưng vẫn hành nghề phiên dịch cho Sở Tư pháp  Đông Dương rồi dạy tiếng Việt, chữ Hán cho công chức Pháp. Còn viên quan ba Cesbron chuyên lái máy bay, ý muốn đưa truyện cổ tích thần tiên và các truyền thuyết Việt Nam lên chín tầng mây xanh.

     e. Nhưng lại có Bajot chịu khó dịch thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu ra tiếng Pháp từng chữ, từng câu. Những người Pháp như thế đã có nhiều, trong số đó có những người nổi tiếng như một G.Dumoutier – nhà khảo cổ học, nhà Đông phương học – được viên Toàn quyền đưa sang Việt Nam làm phiên dịch; một Maurice Durand từng nổi tiếng với tác phẩm “Tranh dân gian Việt Nam “(imagerie populaire Vietnamienne), một Pierre Huard để lại tên tuổi với quyển “Hiểu biết về Việt Nam “ (Connaissance du Việt Nam ). Gần hơn nữa lại còn có Philippe Langlet, thạc sĩ sử học từng giảng dạy Đại học Văn khoa Saigon cũ và từng dịch Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (1970) để làm luận án tiến sĩ  đệ tam cấp. Nhưng ngày nay, thế hệ ấy có lẽ đã không còn bao nhiêu nữa. Họ đã nhường chỗ cho những nhà Đông phương học khác người Liên Xô, Nhật, Mĩ … Tuỳ theo quan điểm nghiên cứu duy vật hay duy tâm, biện chứng hay siêu hình … mà môn Việt Nam học được trải ra trước mắt họ với những yếu tố mới.

     f. Tuy nhiên qua những tư liệu còn để lại như trên, chúng ta vẫn chưa thấy người Pháp nào mang tên Henri Oger! Có lẽ chúng ta thử đọc qua bài viết của Pierre Huard đăng trên tập Kỉ yếu Viễn Đông Bác Cổ tựa đề “Nhà tiên phong về kĩ thuật học Việt Nam,Henri Oger”(1) (hình 72). Nội dung bài viết có thể làm sáng tỏ phần nào về người Pháp này.

___________
(*) Vùng Chúa Trịnh thống trị từ Đèo Ngang ra Bắc.
(1) Pierre Huard  – Le pionnier de la technologie vietnamienne – Henri Oger (1885 – 1936?)   B.E.F.E.O –T.L VII 1970, pages 215, 217.

      3.1.2 Cuộc đời Henri Oger

 “Một người vô danh – một số phận bất hạnh bị quên lãng từ gần một thế kỷ qua” Một nhà tiên phong về môn kĩ thuật học Việt Nam? Qua bài viết của Pierre Huard  chúng ta được biết.

      a. Henri Joseph Oger (1885 – 1936?) sinh tại Montrevault (Maine et Loire) ngày 31/10/1885. Oger đậu tú tài (La tinh, Hi Lạp, Triết) vào năm 1905, sau đó vào trường Cao học thực hành (ban 4).

     Oger là học trò của ông Sylvain Lévi, Louis Finot và các giáo sư tại Pháp Quốc Học viện, tại trường Cao học thực hành thuộc Đại học Sorbonne, Paris. Năm 1907, Oger đã xin Bộ Thuộc địa cho đến Bắc Kỳ để thi hành quân dịch trong 2 năm (1908 – 1909), Oger được toại nguyện (lúc này Henri Oger  mới 23 tuổi). Sau đó, Oger được theo học trường Thuộc địa (1909) rồi tốt nhiệp với hạng 4 trong 26 học sinh. Tiếp tục việc học, Oger lại tốt nghiệp môn “ngôn ngữ  Việt Nam” và chữ Hán.

     Ngày 3.6.1914, Oger trở về Pháp, được phục viên một năm. Đến ngày 17.6.1915 lại bị động viên. Dù đã được giới nghị sĩ Pháp gửi gắm, Oger vẫn không được làm việc tại Pháp mà phải trở sang Việt Nam.

     Do làm việc quá sức, Oger phải nằm bệnh viện nhiều lần và ngày 18.6.1919 mới được hồi hương và sau đó thì về hưu (18.10.1920). Tiếp tục tìm hiểu thêm về Oger. Huard cho biết người ta thấy Oger có mặt tại Tây Ban Nha từ tháng 2.1932 nhưng sau đó không thấy đâu nữa, và xem như mất tích vào năm 1936.

     Oger lấy vợ ngày nào không ai hay, nhưng vợ chồng không có con. Người goá phụ này sống tại số 35, đại lộ Giải phóng (Libération) Chantilly (Oise) từ 1952 và đã mất ngày 28.12.1954.

     b. Cuộc đời của Henri Oger chỉ do Pierre Huard tìm hiểu được bấy nhiêu. Nếu còn gì nữa thì chính là cuộc đời hoạt động khoa học. Về sau này người ta đánh giá Oger như  một nhà bác học, một nhà thông thái, đã dùng con đường quân đội và hành chính trong bộ máy cai trị của Pháp để thoả mãn tính hiếu kì vô hạn của mình,  đi sâu vào các lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học và văn học.

     Oger say mê làm việc như  một người cuồng. Ông nghĩ ra đề án thành lập ở Đông Dương một cơ quan điều tra tìm hiểu ngôn ngữ học và phương ngữ học, tương tự như cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ học của Anh hoạt động tại Ấn Độ.

     Nhưng những kế hoạch trên Oger chỉ bắt đầu mà không đi hết con đường vạch sẵn. Vì cuộc đời bất hạnh, bệnh tật vì bị bạc đãi, phải chăng Oger bỏ dở công việc nghiên cứu của mình?

3.1.3  Họ muốn gì?

     a. Từ khi đặt chân lên Việt Nam, có phải những học giả phương Tây đã dựa vào phương pháp nghiên cứu có khoa học, có tổ chức quy mô và nhất là có một phương tiện trong tay với cách nhìn “chuộng lạ” và được chính quyền thực dân giúp đỡ nên họ đã đi sâu nghiên cứu về nhiều mặt mà các nhà Nho Việt Nam vì quá quen thuộc nên chưa thấy hết hay bỏ qua không để tâm tra cứu. Những tư liệu nghiên cứu mà họ để lại ấy giúp cho thế hệ sau bổ sung một cách khách quan vào vốn tư liệu mà cha ông Việt Nam đã xây dựng nên.

     b. Nhưng sự giúp đỡ của chính quyền thực dân phải chăng chưa hẳn đã vô tư khoa học? Họ đòi hỏi các học giả phải cống hiến các tài liệu để phục vụ cho mục đích cai trị. Có lẽ vì thế mà một số học giả thiếu suy nghĩ khách quan và trung thực trong khi nghiên cứu vấn đề Việt Nam?

     Trước hết phải chăng phương pháp của họ đã đi theo quan điểm của giới học thuật phương Tây trong thời kì còn hưng thịnh của chế độ thực dân? Họ nghiên cứu một dân tộc chưa phải để tìm cách đến gần mà chính là để chinh phục dân tộc đó.

“Muốn cai trị tốt các dân tộc thuộc địa thì điều trước hết là phải hiểu tường tận dân tộc mình cai trị như thế nào”.

     Lời nói trên đây của Toàn quyền Doumer như một chỉ thị. Nhưng phải chăng là muốn hiểu tường tận về một dân tộc một cách phô thác, Doumer đã phải dựa vào trường phái chức năng của dân tộc học phương Tây mà chức năng của nó không phải giải thích nguồn gốc lịch sử của các nghi lễ, phong tục dân tộc đó mà chính là chứng minh ý nghĩa thực tiễn hay chức năng của chúng trong xã hội và chứng minh với mục đích nhất định? (1)

      c. Không những thế mà trong phương pháp sưu tầm, nghiên cứu – có phải trường phái này thường hay chú ý đến các hiện tượng đóng màng trên mặt các phong tục, tập quán, để tìm hiểu những khía cạnh kì lạ theo “gu ngoại dị” (gout exotique)?

     Và có phải chính mục đích, nhiệm vụ và phương pháp nói trên đã trang bị cho Oger đến vùng đất lạ này. Nếu thế thì Oger đã chọn đối tượng như thế nào để nghiên cứu:

     Nếu Pierre Poivre đã từng sang Viễn Đông để nghiên cứu vị trí chính trị, phong tục tập quán, tôn giáo, sản vật, thương mại của Đàng Trong trong những năm 1749 – 1750 thì Oger đã đi sâu nghiên cứu.

     d. Trên bước đường tìm hiểu của mình Oger phát hiện một nền nghệ thuật độc đáo với cây bút nho uyển chuyển (hình 73), sống động của một nghệ nhân tài hoa, một nền nghệ thuật điển hình và khắc gỗ tinh xảo có truyền thống và tổ chức thành phường, thành hội. Lại thêm công nghệ làm giấy dó của làng Bưởi nổi tiếng mịn màng, bền bỉ, không thua kém gì loại giấy sản xuất của phương Tây. Những yếu tố ấy đã thúc đẩy Oger kê đơn “đặt hàng”. Món hàng ấy như thế nào? Có phải là những bức tranh lễ hội truyền thống mà Dumoutier từng chứng kiến? Nếu thế thì Oger không việc gì phải chịu khó nhọc đến hai năm và cũng không phải là “ nhà tiên phong về môn kĩ thuật học Việt Nam” như  Pierre Huard  đã mệnh danh. Oger muốn có một sản phẩm riêng cho mình  là nghiên cứu đời sống vật chất của các gia đình người An Nam theo “phương pháp độc khảo” (méthod monographique).

Hình 73: ÔNG ĐỒ NHO VIẾT CHỮ

     e. Oger cho rằng đặc điểm của phương pháp này là thiết lập những ngân quỹ dành cho may mặc, cho lương thực, nhà ở rồi tiền lương, tiền sắm sửa đồ đạc trong nhà. Oger đã cụ thể hoá thành 5 mảng đề tài:

     Thứ nhất là nguyên liệu gồm 3 loại khoáng, thực và động vật được dùng để chế tạo các sản phẩm và đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt gia đình và xã hội. Thứ hai là nhà cửa, đồ đạc (hình 74), quần áo. Thứ ba là thực phẩm và ăn uống cùng với việc giữ gìn vệ sinh và sức khoẻ. Thứ tư là thắp sáng và nấu nướng. Cuối cùng là mảng đề tài chuyên về các khí cụ và đồ nghề lao động.

Hình 74: NÓN BA TẦM PHỤ NỮ

     f. Để thực hiện nội dung yêu cầu nói trên, Oger đã dẫn theo một nghệ nhân Việt Nam chuyên về ký hoạ bên cạnh mình để rảo qua các phường thợ, các cửa hiệu (hình75). Các câu hỏi luôn đặt ra về tên gọi, kích thước, cách thức để chế tạo và thao tác các dụng cụ, hay đồ nghề đó.

     Người kí hoạ đã ghi nhanh lên giấy các động tác đã được diễn chậm lại từng giai đoạn như một người chụp ảnh.

Hình 75: CỬA HÀNG MÃ

     Như vậy,  theo Oger, phương pháp này cho phép tái hiện hàng loạt hoạt động cùng chung một chủng loại: trên hai loại hình vẽ khác nhau nhưng bổ sung cho nhau. Đó là các đồ nghề hay đồ vật (hình 76) và những cử chỉ dùng để sử dụng nó. Các đồ nghề ấy bằng gỗ, bằng sắt, bằng thiếc, bằng tre sẽ giải thích lẫn cho nhau do sự xếp lại gần nhau như thế.

Hình 76: CÁI ĐU

    g. Tiếp tục đi theo con đường đã vạch sẵn để cho việc làm của mình có giá trị khoa học thực sự, sau gần hai năm đi thực địa, Oger đã đưa những bản vẽ ấy về cho những nhà nho có óc nhận xét sâu sắc để kiểm tra và tổng hợp lại.

     Theo Oger, cách trao đổi làm việc như thế này sẽ đi từ cái đã biết đến cái chưa biết để tìm ra cái mới. Từ đó, các nghệ nhân Việt Nam có thể tái hiện cả những phong tục tập quán cũ đã không còn tồn tại trong xã hội ngày ấy nữa (2).

________
(1) Theo Thiên căn lịch sử phát triển của dân tộc và các trường phái dân tộc. Tập san Dân tộc học – 1961 – số 21 – 15.3.1961.

(2) a. Qua hàng nghìn kí hoạ, chúng tôi có tìm thấy một số bức để lại nhiều hình ảnh đã mất như bức tả cảnh “bè trôi” gớm ghiếc mà nghệ nhân đã vẽ nên. Đây là cảnh hai tội nhân trên một bè chuối, trước có cắm tấm biển đề: “dâm nhân tội dương lưu gian ba tiêu phiệt” (kẻ phạm dâm đảng tội bè chuối trôi sông). Tay chân của phạm nhân bị đóng chặt dính vào tấm ván để trên chiếc bè. Đó là người đàn bà trần truồng và một người đầu trọc, phải chăng là một nhà sư khoác áo cà sa(?). Chiếc bè này trôi theo dòng sông vô định mà không ai buồn cứu vớt! (hình 77)

     Nếu cảnh voi dày ngựa xéo chỉ là tiếng vang cái bóng thì hình phạt bè chuối trôi sông này chỉ còn gợi cho ta thấy qua tác phẩm “Quan âm chú giải” khi Phú ông hỏi con về tác giả cái bụng tròn vo của Thị Mầu:

“Khôn cái thưa gửi cho xong.
Chẳng thì bè chuối trôi sông chẳng hào?

Sự kiện trên đây đã được G.Dumoutier ghi lại trong “Tiểu luận về người Bắc Kỳ” (*) như sau: “Vào tháng 5.1898, một trong những chiếc bè tang tóc như thế đã trôi theo dòng sông Nhị”.

Hình 77: BỎ BÈ TRÔI SÔNG

     b. Trước cách mạng tháng 8, chúng ta vẫn chưa quên được cảnh người chồng khi bắt quả tang vụ ngoại tình đã gọt gáy, bôi vôi rồi trói lại dẫn đi vừa kể tội, lại vừa đánh chiếc thùng sắt tây để bêu riếu làng trên, xóm dưới.

_______
(*) G. Dumoutier – Essais sur les Tonkinois – Imprimeries d’Extrême-Orient- Hanoi, Haiphong 1908, p.43.

     h. Là một nhà nghiên cứu khoa học H.Oger cho rằng không gì cực bằng khi đọc những lời mô tả không có bản vẽ trước mắt. Những văn sĩ có tài gợi ý thì không nhiều lắm, mà trí nhớ lâu dài của con người qua đôi mắt lại dễ hơn là qua lời văn. Do đó, công trình do Oger thực hiện phần lớn là những bản vẽ và những kí hoạ này. Nó không là sự tình cờ mà là phương pháp mạch lạc và có tính lí luận.

     Oger khẳng định việc làm của mình khi hình thành nên văn bản nó sẽ là công trình khoa học và khách quan. Mỗi bản vẽ được mô tả đến từng chi tiết, tiếp theo là những nhận xét tổng hợp chặt chẽ. Oger cũng cho rằng “tiếng An Nam giàu danh từ vật chất. Còn khả năng trừu tượng thi hành như phát triển còn quá ít đối với dân tộc này”.

     i. Do đó những danh từ kĩ thuật được ghi đầy đủ bên cạnh 4.000 bức vẽ và tác phẩm trở nên dày cộm.

     Oger tiếp tục phân loại các tài liệu và các điều quan sát của mình rong những ngăn, những ô lớn để sau này có thể hình thành những tập chuyên khảo. Trước mắt, Oger đã chia tác phẩm làm hai phần. Một phần tập hợp những bản vẽ, một phần gồm các văn bản. Oger cho rằng, cách làm đó tránh được những chỗ trùng lặp. Hơn nữa, phương pháp này cho phép đưa thêm vào các quan sát mới liền sau các quan sát khác mà không  buộc phải căn cứ năm năm lại viết lại toàn tập sách. Ở phần văn bản Oger chỉ ghi kèm theo mục lục chi tiết và một bảng phân tích giúp cho việc sử dụng được dễ dàng.

    j. Nhưng bộ sách quá đồ sộ, một bộ Bách khoa Toàn thư có đến 5.000 bản vẽ nên không có nhà in, nhà sách nào nhận xuất bản. Oger đành phải đi vận động xin đặt mua trước. Nhưng ông cho rằng ông đã gặp một xã hội “ngớ ngẩn và thô bỉ”. Ngoại trừ 20 người tốt bụng đã cho Oger hai trăm đồng để tuỳ ý sử dụng. Đó là cả số vốn mà Oger có trong tay. Oger đã kêu gọi được 30 người thợ khắc gỗ thì mùa hè đã tới. Cái mùa hè mà Oger mệnh danh là “lò than hồng nhiệt đới”.

     Do thời tiết khắc nghiệt, Oger và các thợ cộng tác không thể nào đưa những bản khắc ấy vào dưới trục lăn của máy, in theo phương pháp in máy, để được nhiều hơn. Vì các bản đó bị vênh, nên Oger đã xoay sang vỗ bản theo cách in thủ công của các nghệ nhân Đông Hồ, Hàng Trống. Như vậy lại phải cần đến loại giấy in Việt Nam đúng khổ để ấn lên bản khắc đã được bôi mực mà những người thợ giấy ở làng Bưởi (gần Hà Nội) phải nhọc  công lắm mới chế tạo ra được nó từ cây dó. Cách này chậm nhưng nét in hằn rõ trên giấy một cách khác thường. Như thế bộ kí hoạ “kĩ thuật học” vô tình mang sắc thái của những tranh khắc gỗ giàu tính dân gian. Chính H.Oger cũng thú vị về hiệu quả bất ngờ này.

     Theo Oger, làm vậy có lợi là mang lại quyển sách một phong cách bản địa. Tất cả “đều là Việt Nam”. Và công trình này theo Oger đã không vay mượn, không dựa vào ai ở Đông Dương và không sao chép bất kì tư liệu sẵn có nào.

     Về vấn đề trên, Oger muốn trả lời cho một số người đã khẳng định tư liệu này lấy ra từ cuốn sách của Dumoutier.

     Ngoài ra, theo Henri Oger , trong quá trình ấn loát, Oger đã để lại khoảng 400 bản vẽ đã khắc gỗ không đưa lên khuôn in. Những bản khắc gỗ này cùng những bản khắc gỗ  đã in ngày nay còn hay mất? Chúng ta chưa được biết rõ (*).

__________
(*) Được sự giúp đỡ của Hội Nghệ sĩ Tạo hình và Hội Văn nghệ Dân gian, chúng tôi đã tìm về quê quán của các nghệ nhân ở Hải Hưng và có đến thăm đình Hàng Gai và chùa Vũ Thạch (từ tháng 7.1985) nơi mà tác phẩm được ấn hành. Chúng tôi chưa có dịp đi sâu tìm hiểu và cũng chưa thấy bản khắc gỗ nào còn lại … Phải chăng Henri Oger đã đem về Pháp.

     Chúng tôi có đối chiếu một số tư liệu sách báo do G. Dumoutier để lại qua “Revue – Indochinoise, Essais sur les Tonkinois”… chưa thấy có dấu hiệu kết luận Henri Oger lấy tranh minh hoạ của G.Dumoutier dù có trùng đề tài như bức “đá cầu” (hình 78)  của G.Dumoutier  (trong Essais sur les Tonkinois, trang 53) và của Henri Oger (hình 79).

     Bức đánh “tam cúc” (hình 80của  Dumoutier  (trong Essais sur les Tonkinois, trang 57) và của Oger (hình 81).

     Chúng tôi cũng đã xem lại tranh minh hoạ của Pierre Huard  trong “Connaissance du V.N” cũng chưa thấy tác giả này sử dụng kí hoạ của Henri Oger dù trùng đề tài như bức “lấy ráy tai” của Pierre Huard  (hình 82) (trang 169)  hoặc của Dumoutier  (trang 88) và của Henri Oger  (hình 83).

Đây là bức “lợp nhà” của Pierre Huard (hình 84) (trang 212) và của H.Oger (hình 85) (Xin xem tiếp phần kết thúc).

     k. Trước khi chúng ta giới thiệu và sau này các nhà nghiên cứu đi sâu, đánh giá được tác phẩm và tác giả, chúng ta hãy nhường lời cho Pierre Huard là người đã quan tâm tìm hiểu về Việt Nam – có nhận xét về công trình này.

“Sự phục hồi lại tác phẩm này mà đến nay không tìm ra.. Nó chỉ tượng trưng cho ngày khởi đầu của một cuộc điều tra rộng lớn mà than ôi lại không được tiếp tục… Được soạn thảo trong một tinh thần làm việc nặng về kĩ thuật và tự ý không đếm xỉa gì đến sự phổ biến, tác phẩm không được sự ủng hộ của công chúng tại Pháp và tại Việt Nam có quan tâm đến thành ngữ văn, khảo cổ và văn học dân gian”!… “Ngày nay, tác phẩm này đang được đánh giá lại và cần được nghiên cứu vì hai lí do:Trước hết, nó mang giá trị cố hữu và là một hành động của nhà nghiên cứu trẻ tuổi làm việc trong môi trường lãnh đạm hoặc chống đối. Kế đến, tác phẩm đã ghi lại vô số cử chỉ và kĩ thuật mà lịch sử đã làm nó biến mất hoàn toàn ở một nước Việt Nam ngày nay”.

Hình ảnh: Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập tone màu ảnh.