Học thuyết luân lý và đạo đức Nho giáo ảnh hưởng của nó đến văn hóa Việt Nam

Tác giả bài viết: Tiến sĩ LÂM BÁ HÒA
(Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT

     Học thuyết luân lý và đạo đức được xem là một trong những nền móng vững chắc giúp Nho gia lan tỏa sức ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, tư tưởng, lối sống của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam. Nội dung cốt lõi trong tư tưởng luân lý và đạo đức của Nho gia được thể hiện tập trung trong các mối quan hệ: Vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em và bạn hữu, mà ở đó “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” được xem là chuẩn mực đạo đức. Bài viết nhằm khái quát những nội dung cơ bản trong học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo, chỉ ra những ảnh hưởng của nó đối với văn hóa Việt Nam truyền thống, từ đó cho thấy sức sống mãnh liệt và sự đa dạng trong tiếp biến của văn hóa dân tộc khi đứng trước nhiều biến thiên của lịch sử.

Từ khóa: Luân lý, đạo đức, Nho giáo, ngũ luân, tam cương, ngũ thường.

x
x x

     Nghiên cứu những tác động của Nho giáo đối với văn hóa dân tộc là một việc làm không mới nhưng luôn có những khó khăn nhất định, nhất là đối với một quốc gia đa tôn giáo, đa tộc người và có nền văn hóa mang sắc thái riêng như Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì xã hội Việt Nam dù chịu sự tác động sâu, rộng bởi nhiều luồng tư tưởng khác nhau từ bên ngoài, nhưng nhìn chung chúng đều không lấn át hoặc xóa nhòa được những dấu ấn của các giá trị văn hóa bản địa của người Việt. Trong quá trình tiếp biến văn hóa, các yếu tố văn hóa ngoại lai luôn được điều chỉnh và tự điều chỉnh để thích nghi, hòa nhập với con người và thiết chế văn hóa Việt Nam, trong đó có học thuyết về luân lý và đạo đức của Nho giáo.

     Học thuyết luân lý và đạo đức được xem là chủ đạo trong hệ thống triết học Nho giáo, đã ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, tư tưởng, lối sống của các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu các chiều kích tác động đến văn hóa Việt Nam, nhiều người đã cho rằng, văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hoa, trong đó dấu ấn lớn nhất là Nho giáo.

1. Về thuật ngữ luân lý và đạo đức

     Nghiên cứu về luân lý và đạo đức, chúng ta thấy có sự liên quan và khác biệt tương đối giữa luân lý và đạo đức. Trong triết học phương Tây, có hai thuật ngữ là đạo đức học “ethics” – ngành học, môn học về đạo đức – và đạo đức “morals”, luân lý bắt nguồn từ tiếng Latin “moralis” có nghĩa là phong tục hay cách cư xử. Tùy vào các thời đại và hoàn cảnh lịch sử khác nhau hoặc cách tiếp cận khác nhau, có nhiều cách hiểu khác nhau về luân lý.

     Trong triết học phương Đông, luân lý và đạo đức là hai thuật ngữ có liên quan chặt chẽ. Đạo đức được hiểu theo nghĩa rộng là luật vận hành của tự nhiên và xã hội. Theo nghĩa hẹp, đạo đức là hệ thống chuẩn mực hành vi của con người được xã hội, tập đoàn người thừa nhận và tuân thủ. Trong Nho giáo, luân lý chính là quy luật của các mối quan hệ giữa người với người. Khi con người hành động tuân thủ các quy luật, theo luân lý, thì đó là đạo đức. Đạo đức chính là các chuẩn mực hành vi của con người phù hợp với luân lý. Định nghĩa đạo đức trong triết học phương Tây cũng có nhiều quan điểm khác nhau và thường được nêu lên ở hai khía cạnh: Định nghĩa mô tả và định nghĩa quy phạm. Với định nghĩa mô tả thì đạo đức là các quy tắc ứng xử nhất định cho hành vi của chính mình được đưa ra bởi một xã hội hoặc một cộng đồng, hoặc được chấp nhận bởi một cá nhân. Theo định nghĩa quy phạm thì đạo đức là một bộ quy tắc ứng xử, là những giá trị đạo đức, những quy chuẩn làm người của xã hội, là văn hóa của một cộng đồng tôn giáo, một quốc gia nơi mà cá nhân sinh sống. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không phải tất cả các quy tắc được đưa ra bởi các xã hội, các nhóm, hoặc cộng đồng người đều là các quy tắc đạo đức theo nghĩa mô tả, và không phải tất cả các quy tắc được chấp nhận bởi các yếu tố cấu thành đạo đức thì đều là các quy tắc đạo đức theo nghĩa đạo đức quy phạm. Chúng tôi cho rằng, dù định nghĩa theo hướng mô tả hay quy phạm thì đạo đức vẫn là bộ quy tắc ứng xử của con người, đồng thời là “quy tắc của sinh hoạt chung trong xã hội và của hành vi của con người, quy định những nghĩa vụ của người này đối với người khác và đối với xã hội”1.

     Như vậy, đạo đức học được xem là một khoa học quy phạm, nó nghiên cứu các quy ước hoặc tiêu chuẩn, theo đó các hành vi hoặc cách ứng xử của con người với con người và của con người với cộng đồng được đo lường hoặc đánh giá. Mặt khác, đạo đức là một phương pháp để mô tả cách thực hành hoặc hành vi ứng xử của con người trong xã hội. Cũng có thể nói, đạo đức là bộ quy tắc buộc mỗi người sống trong cộng đồng phải tuân theo.

     Luân lý và đạo đức là hai khái niệm không đồng nhất với nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít người vẫn nhầm lẫn trong cách sử dụng các từ đạo đức và luân lý thay thế cho nhau, hoặc xem chúng là từ đồng nghĩa. Khi đề cập đến vấn đề này Phan Chu Trinh đã cho rằng: “Như chữ đạo đức và luân lý ta thường cho là một nghĩa chớ không biết rằng đạo đức là đạo đức, luân lý là luân lý. Đạo đức gồm cả luân lý mà luân lý chỉ là một phần trong đạo đức mà thôi, v.v.. Người có đạo đức là người ở trong đạo làm người vậy. Đạo đức như thế thì không có mới có cũ, có đông có tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng giữ được cái đạo đức ấy mới là trọn vẹn”. Ông cho rằng con người ta dù ở vị trí nào trong xã hội thì “cũng không tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được. Luân lý thì không thế. Luân lý có thể thay đổi được luôn. Luân lý thì mỗi người mỗi khác”2.

     Với đặc điểm nổi bật là một hệ thống triết học bàn nhiều về các vấn đề chính trị, đạo đức, học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo tập trung vào các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội và những chuẩn mực ứng xử của con người trong các mối quan hệ đó, “Tam cương bao gồm: quân vi thần cương (vua là đầu mối của quan hệ vua tôi), phụ vi tử cương (cha là đầu mối của quan hệ cha con) và phu vi thê cương (chồng là đầu mối của quan hệ vợ chồng). Ngũ luân bao gồm: quân – thần; phụ – tử; phu – phụ; huynh – đệ; bằng – hữu. Trong đó, hệ thống luân lý tam cương là quan trọng nhất. Nó được xem là rường cột của luân lý Nho gia. Các quan hệ này được nhấn mạnh ở phương diện đẳng cấp, tôn ty”3.

2. Quan điểm luân lý và đạo đức của Nho giáo

     Theo quan điểm của Nho giáo, luân lý và đạo đức chính là cái gốc của con người, là những khuôn mẫu căn bản nhất thể hiện tính cách của một con người. Nho giáo khuôn mọi mối quan hệ giữa người với người trong xã hội vào năm mối quan hệ cơ bản, gọi là ngũ luân, gồm quan hệ vua – tôi, chồng – vợ, cha – con, anh – em và bạn hữu. Với mỗi mối quan hệ, Nho giáo lại tìm ra một cái lý riêng, chi phối, quy định cách ứng xử của con người trong mối quan hệ ấy. Ví dụ, trong mối quan hệ vua – tôi thì vua đối với bề tôi phải theo lễ, bề tôi đối với vua phải theo đức trung. Trong mối quan hệ cha – con thì cha phải từ và con phải hiếu… Khi mỗi người hành động, ứng xử đúng với cái lý đúng đắn của mỗi mối quan hệ thì đó là người có đạo đức. Trong Huấn điều của Minh Mạng có viết: “Đạo làm người không có gì cốt yếu là làm cho luân lý được trong sáng: vua tôi có nghĩa, cha con có tình thân, vợ chồng có riêng biệt, anh em có thứ bậc, bạn bè có tin cậy, ấy là năm điều luân lý quan trọng của người ta”4, chính là nói rõ quan điểm của Nho giáo về luân lý và đạo đức là như vậy.

     Theo tác giả Minh Anh, “luân lý và đạo đức của Nho giáo bao trùm lên toàn bộ cuộc sống của con người, từ chính trị đến các vấn đề văn hóa – xã hội. Cũng giống như học thuyết chính trị, học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo lấy đạo Nhân làm gốc. Bởi lẽ, nói đến cùng, Nhân tức là đạo làm người; chỉ có thực hiện đạo Nhân mới có thể khắc phục được thực trạng: bề tôi giết vua, con giết cha, em giết anh, bạn bè lấn át nhau đang diễn ra như cơm bữa trong xã hội”5. Chữ “Nhân” trong Nho giáo được xem là nguyên tắc đạo đức quan trọng, nó là yếu tố quy định bản tính con người thông qua “lễ”, “nghĩa”, và nó là sợi dây để ràng buộc các mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, gia tộc, và giữa cá nhân với xã hội.

     Tác giả Minh Anh cũng cho rằng, đạo đức và luân lý của Nho giáo “phản ánh năm mối quan hệ phổ biến trong xã hội loài người. Đó là các mối quan hệ: Vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em và bầu bạn kết giao. Để có thể xử lý tốt năm mối quan hệ đó, con người cần phải có năm cái đức thông thường – đó là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Vì vậy, vấn đề luân lý, đạo đức của Nho giáo, về thực chất, cũng chính là vấn đề giải quyết năm mối quan hệ đó trong xã hội”6.

     Khi đề cập đến quan hệ vua tôi, đạo đức và luân lý Nho giáo đòi hỏi phải có sự ứng xử qua lại của cả hai bên. Trong Luận Ngữ, thiên 12 (Nhan Uyên), câu thứ 11 “Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về chính trị, Khổng Tử đáp:

     – Quân quân, thần thần phụ phụ tử tử.

     Cảnh Công nói:

     – Đúng thay! Ví như vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con, tuy có lúa gạo ta yên tâm mà ăn được sao?”7.

     Như vậy, Khổng Tử nhấn mạnh tới sự chính danh, chính đáng trong ứng xử của mỗi người trong một mối quan hệ: Vua làm đúng việc ông vua; tôi làm đúng việc bầy tôi; cha làm đúng việc của cha; con làm đúng việc của con. Nghĩa là vua, tôi, cha, con đều phải tuân thủ những quy định của chức phận, địa vị của mình trong mối quan hệ đó thì mới là làm trọn đạo. “Như Vua Ai công nước Lỗ hỏi Khổng Tử rằng: Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?… Khổng Tử cho rằng, cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy” (Khổng Tử gia ngữ: Tam thứ, IX)8.

     Quan điểm trên của Khổng Tử cho thấy, đạo đức và luân lý của Nho giáo tiên Tần là quan hệ hai chiều, và không phải là quan điểm cực đoan như quan điểm của Nho giáo hậu kỳ, nhất là từ thời Tống về sau, chỉ đề cao đức trung, hiếu, trinh theo một chiều, ví dụ như “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Điều này càng được khẳng định khi Khổng Tử đã bỏ vua nước Lỗ để đến nước Tề. Theo Khổng Tử thì nghĩa quân thần đều có định phận rõ ràng, chẳng hạn, khi Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng Tử rằng: “Quân sử thần, thần sự quân, như chi hà?” (Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua, phải thế nào?) Khổng Tử đáp rằng: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua” (Luận ngữ: Bát dật)9.

     Như vậy, học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo khi đề cập đến mối quan hệ giữa vua – tôi thì vấn đề cốt yếu nằm ở đức trung – nghĩa, mối quan hệ giữa cha – con cốt yếu nằm ở đức từ – hiếu. Điều này được thể hiện rõ trong quan điểm của Khổng Tử về hiếu đễ: “Lập ái tự thân thỉ, giáo dân mục dã. Lập kính tự trưởng thỉ, giáo dân thuận dã. Giáo dĩ từ mục, nhi dân quý hữu thân; giáo dĩ kính trưởng, nhi dân quý dụng mệnh. Hiếu dĩ sự thân, thuận dĩ thính mệnh, thố chư thiên hạ vô sở bất hành” (dựng lòng ái khởi đầu từ cha mẹ, là dạy dân hòa mục vậy. Dựng lòng kính khởi đầu từ người huynh trưởng, là dạy dân kính thuận vậy. Lấy từ mục mà dạy dân, thì dân biết quý có cha mẹ; lấy kính người huynh trưởng mà dạy dân, thì dân biết quý sự theo mệnh lệnh người trên. Hiếu là để thờ cha mẹ, thuận là để vâng mệnh người trên, đem những điều ấy mà thi thố ra thiên hạ, thì không có điều gì là không làm được” (Lễ ký: Tế nghĩa, XXIV)10.

     Cùng quan điểm nêu trên, Trần Trọng Kim viết: “Khi cha mẹ làm điều gì trái đạo thì con phải dùng cách ôn hòa mà can ngăn. Nếu cha mẹ không nghe, thì lại tỏ lòng cung kính và hiếu thảo, rồi dần dần lựa cách nói cho cha mẹ biết lẽ phải mà sửa đổi lại. Dẫu có khi cha mẹ giận mà đánh đập hay bắt phải chịu khổ sở, cũng không oán. Việc giữ cái danh tiết của cha mẹ được trong sạch là bổn phận người con hiểu đạo hiếu vậy”11. Theo quan điểm của Nho giáo thì đạo hiếu là ở chỗ, không phải cha làm thế nào cũng phải theo. Có khi cha làm điều gì trái lẽ, thì phải hết sức can ngăn, để cho cha khỏi bị những điều lầm lỗi. Nhưng chỉ cốt phải theo lễ mà can ngăn. Hiếu có hợp lễ mới thật là hiếu. Vì vậy, nói đến đạo đức và luân lý Nho gia truyền thống chúng ta không thể không đề cập đến vai trò của phạm trù hiếu. Đánh giá về giá trị của đạo “hiếu” trong học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo, Tôn Trung Sơn cho rằng: “So với các dân tộc khác, quan niệm về hiếu của dân tộc ta đã tiến bộ hơn họ rất xa… Bởi vậy, chỉ nói đối với vấn đề hiếu, mặc dù là những nước vǎn minh nhất trên thế giới ngày nay, không có một quốc gia nào mà người dân của họ có được một khái niệm hoàn toàn giống như đồng bào ta. Như vậy vấn đề hiếu càng không thể không cần và càng phải bảo tồn”12

      Đạo vợ – chồng là một nội dung luân lý căn bản trong Nho giáo. Mạnh Tử cho rằng “phu phụ hữu biệt”, điều này có nghĩa vợ chồng có sự khác biệt, chúng ta thấy ở đây không hề có quan hệ một chiều hoặc tuyệt đối hóa vai trò của người chồng trong gia đình hoặc với người vợ. Với quan điểm này của Nho giáo, chúng tôi cho rằng, luân lý và đạo đức của Nho giáo thời Khổng – Mạnh không hề tuyệt đối hóa vai trò của người chồng theo kiểu “phu xướng phụ tùy” hoặc “chồng xướng vợ theo” hoặc “chồng chúa vợ tôi” như Nho giáo hậu kỳ. Ngược lại, với quan điểm “phu phụ hữu biệt”, Nho giáo đã đề cao sự hòa hợp theo lẽ tự nhiên của quan hệ chồng – vợ mà ở đó luôn có sự hài hòa theo thiên tính của mỗi người trong hôn nhân và xã hội. Rằng, khi người chồng có phẩm cách cao thượng, theo lẽ tự nhiên, người vợ sẽ luôn dành sự tôn trọng và thuận theo anh ta.

     Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn, nhà nho coi quan hệ phu thê, phụ tử là hai mối quan hệ trọng yếu nhất cần củng cố trong gia đình, bởi gia đình “là gốc của nước, là tế bào của xã hội, gia có trị thì nước mới yên”. Ông phân tích: “Trong quan hệ phu – thê, chồng chính lễ nghi, vợ kính thuận. Tinh thần chung nhất của luân lý gia đình vẫn là hướng tới sự hoà thuận…”13. Như vậy, theo luân lý và đạo đức của Nho giáo thì đạo nghĩa chồng vợ trong gia đình tuy có sự khác biệt, nhưng khi người chồng chính trực cao thượng, bảo vệ người vợ, người vợ nhã nhặn khiêm hòa, sinh thành giáo dưỡng con trẻ, mỗi người làm tốt bổn phận của mình, thì gia đình tự nhiên được hòa thuận. Đây cũng chính luân thường đạo lý, là “nếp nhà” đã ăn sâu vào tâm thức có sức ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa của nhiều quốc gia ở phương Đông, trong đó có văn hóa Việt Nam.

     Khi đề cập đến mối quan hệ anh – em, Mạnh Tử cho rằng: “Trung dã dưỡng bất trung, tài dã dưỡng bất tài; cố nhơn lạc hữu hiền phụ huynh dã. Như trung dã khí bất trung, tài dã khí bất tài, tắc hiền bất tiếu chi tương khú, kỳ gian bất năng dĩ tốn?” (Người có hành vi đạo đức tốt thì phải giáo dục, hun đúc những người không có hành vi đạo đức tốt, người có tài năng thì phải giáo dục những người không có tài năng, nên mọi người đều vui vì có được những người cha người anh giỏi giang. Nếu người có hành vi đạo đức tốt mà bỏ mặc người khác, người có tài bỏ mặc người không có tài, thì khoảng cách giữa họ sẽ rất lớn” (Mạnh Tử: Ly Lâu, Phần II)14. Điều này cho thấy, đã là anh em trong một nhà thì phải có tình thương yêu, phải biết nhường nhịn lẫn nhau, phải biết che chở và kính trọng lẫn nhau. Theo luân lý và đạo đức của Nho giáo thì anh em trong một gia đình phải luôn có trên, có dưới, phải thuận hoà sau trước và phải tôn trọng trật tự, tôn ty về quyền huynh thế phụ. Có thể nói, quan hệ anh – em trong luân lý và đạo đức của Nho giáo cũng tựa như quan hệ cha – con. Bởi vậy, anh, chị là người thay cha, mẹ nuôi dạy các em trong gia đình khi cha mẹ mất. Không chỉ vậy, với quan điểm “trưởng ấu hữu tự” – anh nói em nghe, thì em phải luôn vâng lời anh, chị, nghe theo lời chỉ bảo của anh, chị, chỉ có thế gia đình mới hòa thuận trong ấm, ngoài êm. 

     Khi đề cập đến quan hệ bằng hữu, luân lý và đạo đức của Nha giáo cũng đưa ra những quan điểm hết sức tiến bộ. Chẳng hạn, khi Vạn Chương hỏi Mạnh Tử rằng: “Xin hỏi làm thế nào để kết bạn”. Mạnh Tử nói: “Không ỷ vào tuổi tác lớn, không ỷ vào địa vị cao, không ỷ vào sự phú quý của anh em để kết bạn. Cái gọi là kết bạn, là kết bạn với người có cùng phẩm chất đạo đức mà không cần ỷ vào điều gì cả” (Mạnh Tử: Vạn Chương, Phần II)15, và lấy chữ tín làm chuẩn mực trong các mối quan hệ bằng hữu – “bằng hữu hữu tín”. Với chữ tín trong luân lý và đạo đức của Nho giáo đã giúp bạn bè vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, để vượt qua hoạn nạn.

     Như vậy, học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo phản ánh năm mối quan hệ cơ bản của con người trong đời sống gia đình, xã hội và quốc gia, “nhưng về thực chất và suy đến cùng, nó chỉ phản ánh hai mối quan hệ. Đó là mối quan hệ trong gia đình (bao gồm các mối quan hệ: cha – con; vợ – chồng; anh – em) và mối quan hệ ngoài xã hội (bao gồm các mối quan hệ: vua – tôi; bạn bè). Trong gia đình thì mối quan hệ cha – con là lớn nhất và nó được thể hiện bằng đạo hiếu. Song đạo hiếu lại chính là nguyên tắc cơ bản của chế độ tông pháp, chế độ gia trưởng. Trong xã hội thì mối quan hệ vua – tôi là quan trọng nhất và nó được thể hiện bằng đạo trung. Trung là nguyên tắc cơ bản của chế độ chính trị đẳng cấp. Vì thế, có thể nói, về thực chất, học thuyết luân lý và đạo đức xã hội của Nho giáo chính là sự thể hiện của đường lối chính trị phong kiếnđẳng cấp và gia trưởng”16.

3. Ảnh hưởng cùa học thuyết luân lý và đạo đức Nho giáo trong văn hóa Việt Nam

     Nho giáo được truyền bá vào Việt Nam từ đầu Công nguyên và trải qua rất nhiều thăng trầm cùng lịch sử phát triển của dân tộc. Học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo đã có những ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, cho dù có những giai đoạn “sùng Phật ức Nho” hay “Nho, Phật, Lão tịnh tôn”. Có thể khẳng định, trong lịch sử Việt Nam, xét ở góc độ không gian văn hóa và giao lưu tiếp biến văn hóa, Nho giáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều giai đoạn lịch sử phát triển của chế độ phong kiến, đồng thời hòa quyện cùng dòng chảy phát triển của văn hóa dân tộc, từ đó nó góp phần xây dựng nên trụ cột về văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, trong đó có luân lý, đạo đức.15

     Lịch sử phát triển của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam đã cho thấy, giai cấp phong kiến ở nước ta không chỉ thượng tôn Nho giáo với mục đích xây dựng đất nước, điều quan trọng là Nho giáo đã góp phần đắc lực cho giai cấp cầm quyền dễ dàng cai trị nhân dân. Với đặc điểm là một xã hội mang dấu ấn đậm nét của chế độ gia trưởng phụ quyền, nhiều triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã được tiếp thêm sức mạnh về uy quyền khi lấy tư tưởng luân lý – đạo đức Nho giáo về tam cương, ngũ thường làm nền móng để xây dựng các chuẩn mực, kỷ cương cho triều đình. Đồng thời, thiết lập và duy trì một trật tự xã hội đẳng cấp tứ dân, trong đó luân lý và đạo đức được xem là công cụ để giáo hóa muôn dân, để giáo dục và tuyển chọn nhân tài, để củng cố và tăng cường chế độ tập quyền của chính quyền phong kiến ở trung ương.16

     Minh chứng rõ nét cho điều này là năm 1462, vua Lê Thánh Tông đã cho ban bố Huấn dân đại cáo nhằm đưa tới tận các phủ huyện trong cả nước. Năm 1483, trên cơ sở học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo, Hồng đức hình luật được xây dựng và ban hành nhằm xác định các quan hệ tôn ty, đẳng cấp trong gia đình, làng xã đến toàn xã hội. Đại Việt sử ký toàn thư đã chép rõ điều này: “Mùa thu tháng 7, nhắc rõ lại 44 điều giáo hóa, đại lược rằng: làm tôi hết lòng trung; làm con giữ đạo hiếu; anh em hòa thuận nhau; vợ chồng kính yêu nhau; bạn bè tin nhau để giúp nhau làm điều nhân; cha mẹ sửa mình để dạy con; thầy trò lấy đạo đãi nhau; người gia trưởng lấy lễ mà dạy người; con em cung kính phụ huynh, v.v.”17.

     Cùng với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng vào kiến trúc thượng tầng chính trị, pháp luật, giáo hóa, học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo cũng dần thấm đậm vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân với nền tảng là gia tộc, làng xã – tổ chức cơ sở của xã hội Việt Nam thời phong kiến. Với sự hình thành và phát triển của văn hóa làng xã mà ở đó đình làng được xem là trung tâm của hoạt động văn hóa, nơi Nho học và các nho sĩ luôn được cộng đồng tôn kính, trọng vọng, đã chứng minh cho sức ảnh hưởng sâu rộng của Nho giáo đối với văn hóa Việt Nam.

     Từ thực tiễn lịch sử của chế độ phong kiến ở Việt Nam, nhiều người cho rằng, Nho giáo đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến giai cấp thống trị phong kiến ở nước ta qua nhiều triều đại. Chính giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam đã lợi dụng việc coi trọng giáo dục đạo đức, luân lý và tu dưỡng bản thân, nhấn mạnh việc dùng tam cương, ngũ luân, đạo đức, luân lý trung, hiếu, tiết nghĩa, v.v. của Nho giáo để giáo hóa dân chúng, đồng thời tăng cường tu dưỡng, chuẩn mực hành vi nhằm điều tiết các quan hệ xã hội, gia đình và con người, tăng cường sức tập trung của xã hội, khiến cho nhà nước và xã hội luôn giữ được an ninh và trật tự. Đồng thời, quá trình này cũng làm phân hóa sâu sắc chủ thể văn hóa thành hai bộ phận, một bên là tầng lớp nho sĩ, quan lại lấy học thuyết luân lý và đạo đức Nho giáo làm hình mẫu với một bên là các giai tầng như nông dân, thợ thủ công vẫn duy trì những giá trị luân lý, đạo đức bình dân của giai tầng mình và là đối tượng giáo hóa của tầng lớp phong kiến. 17

     Với quan điểm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, và với nền tảng là gia đình, đơn vị sản xuất, đơn vị đời sống chủ yếu của xã hội phong kiến Việt Nam, thì việc muốn duy trì được sự ổn định chính trị xã hội cho nhà nước phong kiến, trước hết phải giữ được sự ổn định chế độ gia đình phong kiến (hoặc chế độ gia trưởng mà đơn vị là gia đình). Vì thế, giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam rất coi trọng việc tăng cường giáo hóa gia đình trên cơ sở ý thức hệ của Nho giáo được truyền bá rộng rãi trong nhân dân, khiến cho quan niệm luân lý và đạo đức của Nho gia như trung, hiếu, tiết nghĩa, tam cương, ngũ luân, v.v. nhà nhà đều thông tỏ.

     Là một quốc gia đa tôn giáo, nhưng các tôn giáo khác khi du nhập vào Việt Nam, có thể trước hoặc sau Nho giáo nhưng đều có thể chung sống dung hợp được với học thuyết này. Không chỉ vậy, một số tôn giáo còn đưa những tư tưởng quan trọng trong Nho giáo dung hợp vào giáo lý của mình. Trong sự dung hòa giữa văn hóa tôn giáo và văn hóa thế tục, nổi bật nhất phải kể đến sự dung hợp của tam giáo Nho – Phật – Lão và có ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Mặc dù trải qua rất nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử phát triển như “sùng Phật ức Nho”, “tam giáo đối lập” rồi đến “tam giáo đồng nguyên” hay “tam giáo tịnh tồn” hoặc “độc tôn Nho thuật”, v.v. và chỉ được Việt hóa phần nào, nhưng Nho giáo đã ngày càng ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa Việt Nam, để từ đó góp phần hình thành nền văn hóa mang đậm dấu ấn riêng của Việt Nam.

     Là một trong những học thuyết triết học có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử, trong đó có truyền thống khoa bảng, Nho giáo đã trở thành học thuyết chủ đạo về luân thường, và trở thành nền tảng tư tưởng chính trị chủ đạo trong nhiều triều đại phong kiến ở nước ta. Học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo đã giúp triều đình phong kiến điều chỉnh kỷ cương, chấn hưng triều chính, duy trì và củng cố nền thống trị phong kiến Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự phát triển trên các phương diện chính trị, kinh tế và nhất là văn hóa, đặc biệt là các triều đại Hậu Lê (1428 – 1527) và nhà Nguyễn (1802 – 1945). Tuy nhiên, Nho giáo cũng tạo nên sự phân hóa văn hóa sâu sắc trong xã hội Việt Nam, phân hóa chủ thể văn hóa dân tộc thành hai bộ phận đối lập với nhau giữa một bên là các nho sĩ, quan lại quý tộc theo hình mẫu của Nho giáo và một bên là các giai cấp, tầng lớp, giai cấp khác của xã hội, như nông dân, thương nhân, thợ thủ công – những người luôn cảm thấy bị “nô dịch”, trói buộc bởi những tôn ty, giáo lý và luật lệ Nho giáo khắt khe của chính quyền.

     Tóm lại, luân lý và đạo đức luôn là một chủ đề lớn của triết học thế giới qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Đây cũng được xem là chủ đề chủ đạo của Nho giáo, đặt nền tảng vững chắc giúp cho Nho giáo lan tỏa sức ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, tư tưởng, lối sống của nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng của học thuyết này, trong đó có Việt Nam truyền thống và hiện tại. Với các mối quan hệ chủ đạo là: Vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em và bằng hữu được xác lập theo các khuôn mẫu của “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo đã có những ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Là một dân tộc mang đặc tính hòa hiếu và khoan dung, người Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn nhận Nho giáo một cách tích cực, đồng thời sử dụng những tinh hoa của Nho giáo (những giá trị tích cực đã trở thành các giá trị tinh thần của nhân loại) để bồi đắp, sáng tạo những giá trị mới và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập sâu rộng với văn hóa và văn minh nhân loại.

_________
1Rodentan và Pludin (1976), Từ điển triết học, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.285.

2Xem: http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triethoc/dao-duc-hoc/dao-duc-va-luan-ly-dong-tay_255.html.

3Nguyễn Kim Sơn (2009), Tư tưởng luân lý mới của các nhà nho Duy tân trong Tân đính luân lý giáo khoa thư, Tạp chí Triết học, số 4 (215), tr.46.

4Trần Văn Giàu (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, quyển 2, Nxb Khoa học xã hội, tr.209.

5Minh Anh (2004), Về học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo, Tạp chí Triết học, số 8 (159), tr.46.

6Minh Anh (2004), Sđd., tr.46.

7Hồ Thích (2004), Trung Quốc triết học sử đại cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.161.

8Trần Trọng Kim (2012), Nho giáo, Nxb Thời đại, tr.133.

9Tứ thư (2011), Quốc Trung – Nguyễn Văn Huân dịch, Nxb Thời đại, tr.130-131.

10 Trần Trọng Kim (2012), Sđd., tr.131.

11 Trần Trọng Kim (2012), Sđd., tr.133.

12 Vũ Khiêu (1995, chủ biên): Nho giáo và gia đình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.97.

13 Nguyễn Kim Sơn (2009), Tư tưởng luân lý mới của các nhà nho Duy tân trong Tân đính luân lý giáo khoa thư, Tạp chí Triết học, số 4 (215), tr.53.

14 Tứ thư (2011, Quốc Trung – Nguyễn Văn Huân dịch), Nxb Thời đại, tr.475.

15 Tứ thư (2011, Quốc Trung – Nguyễn Văn Huân dịch), Sđd., tr.515-516.

16 Minh Anh (2004), Về học thuyết luân lý và đạo đức của Nho giáo, Tạp chí Triết học, số 8 (159), tr.49-50.

17 Ngô Sĩ Liên (2009), Đại Việt Sử ký toàn thư (trọn bộ), Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr.963.

Nguồn: Triết học, Số 2 (345), Tháng 2 – 2020