Kênh đào thời Nguyễn ở Nam Bộ
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ TÔN NỮ QUỲNH TRÂN
(Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh)
Mạng lưới sông ngòi Nam Bộ được tạo thành bởi sông Đồng Nai và sông Cửu Long, là hai hệ thống sông lớn vào loại nhất Việt Nam. Cũng như các hệ thống sông Hồng – Thái Bình đã tạo thành một mạng lưới sông ngòi Bắc Bộ, Đồng Nai trao đổi nước với hệ thống Cửu Long tạo thành bộ mặt sông nước thiên nhiên Nam Bộ.
Bên cạnh mạng lưới sông ngòi thiên nhiên là một mạng lưới kênh đào nhân tạo mà nhiều thế hệ di dân đã thực hiện không mệt mỏi. Cả hai mạng lưới ấy kết hợp lại, tạo thành một hệ thống sông nước chằng chịt, phong phú của Nam Bộ, vùng đất được mệnh danh là xứ sở sông nước.
Khi người Việt đến vùng đất này khai phá, họ đã gặp được điều kiện thiên nhiên sông nước đầy thuận lợi cho việc vỡ hoang. Và để cho hệ thống sông ngòi hiệu quả hơn, họ đã ra sức cải tạo, nạo vét, khai mương, đào kênh, bổ sung cho những khiếm khuyết của thiên nhiên. Công cuộc cải tạo trên là một nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình khai hoang lập ấp tiến đến thành công. Công cuộc này đã vạch hệ thống dẫn nước vào các đồng ruộng đồng thời tạo những con đường thủy thuận tiện cho việc di chuyển, buôn bán tại đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường sức mạnh về kinh tế và giao thông cho hệ thống sông ngòi vốn đã rất phong phú.
Có thể cho rằng người Việt đã bắt tay đào kênh ngay từ thế kỷ XVII, dưới thời các chúa Nguyễn, và công cuộc này mang tính quy mô cấp nhà nước dưới thời các vua Nguyễn. Chính hệ thống kênh đào của nhà Nguyễn là nền tảng lớn và cơ bản mà sau đó được phát triển dưới thời thuộc địa cho đến ngày nay.
Trong hệ thống chằng chịt các công trình nhân tạo mà người khai hoang đã thực hiện, có thể kể đến một số kênh đào mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến phát triển của một vùng rộng lớn. ở Miền Tây Nam Bộ là hệ thống các con kênh Bảo Định, Thoại Hà, Vĩnh Tế… ở Miền Đông mà điểm nhấn là Gia Định – Sài Gòn là hệ thống các con kênh phụ trợ cho giao thông thủy đến sông Sài Gòn.
Trước khi các con kênh quan trọng xuất hiện, tại Tây Nam Bộ, là những con kênh nhỏ do những người di dân tự đào hoặc do gia đình Mạc Cửu (1652 – 1735) đứng dẫn dắt dân điền thực hiện.
Con kênh chiến lược quan trọng đầu tiên vào thời ấy có thể kể là con kênh Bảo Định, Tiền Giang. Thoạt đầu kênh được lấy tên là kênh Vũng Gù. Đây là một công trình nhân tạo nối liền rạch Vũng Gù và sông Mỹ Tho. Từ rạch Vũng Gù đến sông Mỹ Tho là những cánh đồng trũng nước. Mục đích đầu tiên của con kênh này không phải vì kinh tế mà vì quân sự. Vào năm 1705, Nguyễn Cửu Vân vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu đem quân vào bảo vệ vùng đất mới khẩn hoang này. Tại đây, Nguyễn Cửu Vân cho quân đắp một lũy dài từ quán Thị Gai đến chợ Lương Phú, đồng thời cho đào nối liền hai đầu của hai dòng nước trên, tạo nên một con kênh vừa bảo vệ cho lũy, vừa làm đường giao thông. Con đường thủy này rất dài, khi đào, quân lính phải dựng thang trên cao để đo đạc, hoạch định đường kênh. Vì thế, tại đây có một địa danh vẫn còn lưu đến ngày nay là Vọng Thê (tục gọi là Thang Trông). Vì là con kênh nối liền hai dòng chảy, nên trên đoạn kênh Bảo Định xuất hiện giáp nước, nước chảy không thông, cộng vào đó hiện tượng bùn bồi lắp, kênh Bảo Định ngày càng khó thông thương. Vào năm 1819, vua Gia Long ra lệnh đào vét con kênh này. Người chỉ huy lần này là Nguyễn Văn Phong, trấn thủ trấn Định Tường. Nhân lực để đào vét kênh Bảo Định lên đến gần 10 nghìn người (9.679 người). Lực lượng này được chia làm ba phiên, thay nhau đào. Mỗi nhân lực lãnh được mỗi tháng 1 quan tiền và 1 phương gạo. Kênh có “bề ngang 15 tầm, sâu 9 thước, hai bên có đường quan rộng 6 tầm”. Công trình cải tạo kênh được tiến hành trong khoảng hơn 3 tháng; khởi công ngày 23/2/1819 và kết thúc ngày 28/5/1819. Vua Gia Long đặt cho tên cho con kênh là Bảo Định Giang. Sự kiện đào kênh Bảo Định được khắc trên bia đá dựng tại Thang Trông để lưu danh. Dưới thời Thiệu Trị (1841 – 1847), kênh Bảo Định được đổi tên là An Định; rồi Trí Tường; nhưng dân gian vẫn quen gọi là kênh Bảo Định hay kênh Trạm (vì có các trạm sông để chuyển công văn của triều đình, nên sau này, người Pháp gọi là kênh Bưu Điện – Arroyo de la Poste)1.
Từ khi được đào vét lần thứ hai, kênh Bảo Định là một con đường thuỷ quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, văn thư và nhất là lúa gạo… từ đồng bằng Sông Cửu Long về Sài Gòn để từ đó có thể đi sang các nơi khác. Cho đến trước năm 1977, các phương tiện chuyên chở đường thủy từ 300 tấn trở xuống từ Chợ Gạo, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) còn xuôi theo sông Bảo Định ra sông Vàm Cỏ Tây để về TP. Hồ Chí Minh bằng nhiều tuyến khác nhau. Thị xã Tân An với vị trí ngã ba sông đã hưởng lợi rất nhiều từ dòng kênh.
Một con kênh chiến lược khác đáng chú ý là kênh Thoại Hà. Kênh còn được gọi là kênh Rạch Giá – Long Xuyên vì đây là đường nước dài đến hơn 50km nối rạch Long Xuyên, đi qua núi Sập, hợp với sông Kiên của Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nếu nhìn vào tổng thể đuờng nước, thì con kênh này đã tạo được một dòng chảy từ sông Hậu cho đến biển Tây.
Kênh Bảo Định
Con kênh được đào vào năm 1818 và đây là con kênh dài đầu tiên được thực hiện dưới triều Nguyễn, do vua Gia Long cử Trấn thủ Vĩnh Thanh bấy giờ là Thoại Ngọc Hầu (1762 – 1829) phụ trách.
Ảnh vệ tinh ngày 15-9-2008. Người xử lý. Trần Quang Ánh
Trong thời kỳ ấy, giao thông từ Vĩnh Thanh đến các địa phương khác rất khó khăn. Vĩnh Thanh gần như bị cắt lìa với các địa phương khác. Mọi giao thông, vận chuyển đều phải đi vòng đường biển, rất bất tiện. Việc đào kênh Thoại Hà là để đáp ứng nhu cầu bức bách về giao thông tại đây. Thêm nữa, con kênh cũng sẽ tháo nước của sông Hậu ra biển Rạch Giá vào mùa nước nổi, giúp cho vùng này bớt ngập lụt.
Thoại Ngọc Hầu huy động dân binh đào nối vào đường nước cũ. Nhân lực đào kênh là khoảng 1.500 người. Trong một tháng thì việc đào kênh hoàn thành. Con kênh có bề ngang 51m và dài hơn 30 km. Để nêu công Thoại Ngọc Hầu, vua Gia Long lấy tên của ông đặt cho con kênh mới mà sách sử vẫn còn gọi là sông Thoại Hà hoặc Thụy Hà. Ngọn núi Sập cạnh đó cũng được tên đổi thành Thoại Sơn. Một tấm bia ghi công được dựng bên triền núi Sập vào năm 1822:
“Mùa thu năm Đinh Sửu (1817), lão thần kính, được vua trao ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh, mùa xuân năm Mậu Dần (1818) vâng chỉ đốc suất đào kênh (kinh) Đông Xuyên.
Từ ngày thụ mệnh vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kênh dài đến 12.410 tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành ra một sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi…”.
Kênh Thoại Hà
Trong hệ thống kênh rạch được đào dưới triều Nguyễn còn có một kênh rất quan trọng là kênh Vĩnh Tế, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Kênh Vĩnh Tế được thật sự khởi công vào năm 1819 sau một thời gian chuẩn bị khá lâu và kỹ lưỡng. Ngay từ năm 1816, vua Gia Long đã có kế hoạch đào con kênh nối liền Châu Đốc với Hà Tiên để củng cố vùng Châu Đốc vì đó là một vùng trọng yếu ở phía Nam của Tổ quốc. Vào năm ấy, nhà vua giao nhiệm vụ sửa đồn Châu Đốc cho quan trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường. Trong chỉ dụ giao việc có câu: “Bất đắc dĩ phải đắp lũy xây thành, mà mỗi lần công tác động đến binh dân, người (chỉ Lưu Phước Tường) nên hết lòng sửa sang chớ nên quá hạn đến nỗi làm hại việc nông”.
Đồn Châu Đốc được xây xong vào cuối năm ấy, nhà vua xem xét bản đồ và cho biết ý định đào kênh của ông: “Xứ này nếu mở đàng thủy thông với Hà Tiên thời nông thương đều lợi cả, ngày sau dân ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to”. Ông còn so sánh Châu Đốc và Hà Tiên cho rằng: “Địa thế của Châu Đốc và Hà Tiên cũng không kém Bắc Thành”.
Kênh Thoại Hà, đoạn chảy qua thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn,
tỉnh An Giang (2-2008) (Nguồn: wikipedia)
Thực hiện ý tưởng mở con đường nước từ Châu Đốc đến Hà Tiên, nhà vua ra lệnh cho Lưu Phước Tường đứng ra trông coi thành Gia Định với nhiệm vụ cung ứng tiền gạo cho công cuộc đào kênh. Nhưng việc đào kênh tiến hành chưa bao lâu, thì vua Gia Long cho đình lại vì thấy việc đo đạc chưa được chu đáo.
Việc chỉ huy công trình đo đạc và đào con kênh đợt này được giao cho Thoại Ngọc Hầu lúc bấy giờ vừa mới hoàn thành công cuộc đào kênh Thoại Hà. Cùng thi công trên công trình đào kênh Châu Đốc – Hà Tiên có hai phụ tá của Thoại Ngọc Hầu là Tr-ưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Nguyễn Văn Tồn vốn người Khmer theo vua Gia Long đã lâu năm và lúc bấy giờ đang làm Thống đồn Uy Viễn.
Khâu đoạn đo đạc được tiến hành lại cẩn thận hơn. Một con đường kênh được vạch từ Châu Đốc đến sông Giang Thành, chia thành từng đoạn một. Mỗi đoạn đều được xác định chiều dài và lên danh sách cẩn thận. Dựa vào sách Đại Nam hội điển sử lệ, chúng tôi đếm có tất cả 10 đoạn, dài ngắn rất khác nhau, nối từ địa điểm này đến địa điểm khác.
Sau khi đo đạc là đến giai đoạn phát cỏ, chặt cây và cắm tiêu theo sơ đồ đã vẽ. Công việc đào kênh được khởi công vào đúng tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819). Điểm xuất phát của kênh là phía sau đồn Châu Đốc và từ đó kéo dài về phía Nam 3265 trượng đến cửa Trác Ý Hâm. Dân ở Vĩnh Long được chia thành phiên, mỗi phiên 5.000 người, 500 binh lính đang đồn trú tại đồn Uy Viễn và đồn Châu Đốc cũng được trưng dụng và chia theo phiên như bên dân. Mỗi phiên làm việc trong một tháng và hạn định 3 tháng thì hoàn tất công trình này.
Đồng thời, một đoạn khác, từ phía Hà Tiên đi ngược lên từ lạch Cây Cờ cho đến cửa Trà Bát được giao cho người Khmer đào, do 100 viên quan người Khmer trông coi. Cửa Trà Bát cách cửa ỷ Hâm 2037 trượng. Cách thức tổ chức khơi đào cũng giống như dân binh người Việt.
Con kênh mới khai nhưng chưa hoàn thành được đặt tên Vĩnh Tế từ năm đấy. Vĩnh Tế là tên của bà Châu Vĩnh Tế, vợ Thoại Ngọc Hầu. Bà đã có công giúp chồng dốc sức dân binh đào vét. Đấy cũng thể hiện phần nào lòng trân trọng đối với phụ nữ của vua quan nhà Nguyễn.
Đồng thời với tiến trình đào kênh, nhà vua khuyến khích việc khai hoang lập làng tại vùng Châu Đốc. Để thực hiện, nhà vua ra hai lệnh song song: Một lệnh cất nhắc Diệp Hội, một người Hoa lên làm cai phủ Châu Đốc. Diệp Hội chiêu tập người Hoa, người Khmer đến nhập cư tại đấy, khuyến khích họ làm ăn theo từng nghề nghiệp: “Hễ (người nào) có biết nghề trồng cây, nuôi súc vật, buôn bán hay làm nghề gốm, cho tùy nghề nghiệp mà làm, người nào thiếu vốn thì nhà nước cấp cho vay”.
Lệnh thứ hai là giao nhiệm vụ cho quan Tổng trấn Gia Định hỗ trợ việc khai hoang lập ấp ở Châu Đốc. Trong dụ của nhà vua có ghi rõ: “Dân mới phủ tập, nên dạy làm các việc lợi ích, khiến dân đều an cư lập nghiệp; chờ các việc thành rồi sẽ tâu lên”.
Vào năm 1823, dưới thời Minh Mạng, công cuộc đào kênh được tiếp tục. Nhân lực tham gia được huy động từ dân chúng ở năm trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên. Ngoài ra còn có binh lính đồn Uy Viễn và dân phu từ các đồn điền tham gia. Số dân phu người Việt lên đến 39.000 người. Cứ mỗi 5.000 dân phu thì có 150 chức dịch để trông coi. Mỗi dân phu được lĩnh mỗi tháng 6 quan tiền và một vuông gạo. Bên cạnh người Việt còn có đội ngũ người Khmer, với hơn 16.000 người. Dân phu người Khmer được lãnh thù lao giống như chức dịch người Việt. Cả hai toán Việt, Khmer đều chia ba phiên mỗi tháng lần lượt thay đổi để có được thời gian nghỉ.
Đồng thời với việc đào kênh Vĩnh Tế có việc lấy đá xây thành Gia Định. Dân chúng quá cực nhọc. Vua Minh Mạng bèn cho ngừng việc xây thành mà chỉ chú trọng đến việc đào kênh.
Thi công như vậy cho đến tháng 4, còn 1.060 trượng (khoảng 3392m) thì đã vào mùa hạ nóng bức, vua cho nghỉ và định đến tháng 2 (âm lịch) năm tới sẽ đào tiếp đoạn còn lại.
Vào tháng 2 âm lịch năm sau (1824), việc thi công tiếp diễn. Ngoài việc đào cho xong đoạn còn lại, dân phu còn phải nới rộng thêm lòng kênh. Lòng kênh trước đây chỉ có 6 trượng, đào rộng thành 7,5 trượng. Công trình đoạn này được sự hỗ trợ tích cực của Phó Tổng trấn Gia Định là Trần Văn Năng. Con số dân xâu lên đến 25000 người, cả Việt lẫn Khmer. Đến tháng 5 (ân lịch) năm ấy thì xong.
Thế là ròng rã trong 5 năm, qua hai triều vua, con kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên đã thông thương với chiều dài gần 100km và lòng trác rộng 40m. Con kênh này là con đường giao thông thuỷ và đồng thời là hệ thống tưới tiêu. Có nhiều người đã hi sinh, đã chết cho con kênh xanh chiến lược này. Sau khi hoàn tất con kênh, Thoại Ngọc Hầu đã cho lấy hài cốt các dân binh đã chết, vốn được chôn rải rác dọc theo con kênh, đưa về cải táng tại triền núi Sam và về sau, đây cũng là nơi an nghỉ của Nguyễn Văn Thoại và phu nhân Châu Vĩnh Tế.
Kênh Vĩnh Tế, thành quả lao động to lớn của người Việt lẫn người Khmer, được nhà Nguyễn tuyên dương bằng cách cho chạm khắc hình ảnh của con kênh lên trên Cao Đỉnh, một trong bộ Cửu đỉnh danh tiếng của triều Nguyễn.
Tại vùng đất Gia Định mà sau này là Sài Gòn, nhà Nguyễn cũng cho tiến hành đào kênh. Chức năng của các con kênh tại đây có phần hơi khác với các con kênh đào ở Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi ở Vùng đồng bằng sông Cửu Long, các con kênh đào, ngoài việc làm thuận lợi giao thông thủy, còn có nhiệm vụ xả lũ hoặc tưới tiêu, cung cấp nước cho một vùng đồng ruộng rộng lớn. Chính nhờ những con kênh này mà sản xuất lúa gạo tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển vượt bậc. Trong khi ấy, các con kênh ở Gia Định thiên về chức năng giao thông hơn. Lúa gạo sản xuất tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có đường nước để đến cảng Gia Định để từ đó bán ra thị trường trong nước hay nước ngoài. Các con rạch thiên nhiên không đáp ứng được nhu cầu này, vì thế nhà Nguyễn đã cho đào một số kênh giao thông tại đây.
Vào giữa thế kỷ 18, đất Gia Định đã nổi tiếng là nơi cung cấp lúa gạo dồi dào và là một thị trường lúa gạo tấp nập. Các lái buôn từ miền Trung, miền Bắc vào tận đây để mua, hình thành nên một con đường lúa gạo nhộn nhịp. Chất luợng gạo Gia Định rất cao, được Lê Quý Đôn ghi lại như sau: “Các giống lúa và nếp ở đây đều trắng gạo và thổi cơm rất dẻo”. Giá gạo Gia Định lại rất rẻ: “… một quan tiền đong được 300 bát đồng của Nhà nước. Giá rẻ như vậy, nơi khác chưa từng có”.
Lúc bấy giờ, con đường thủy cho tàu bè chở lúa gạo từ đồng bằng sông Cửu Long đến Gia Định theo sông Chợ Đệm đến rạch Cát, rồi từ rạch Cát đến rạch Lò Gốm mới thông đến rạch Bến Nghé mà ra sông Sài Gòn. Nhưng con đường nước từ rạch Cát đến rạch Lò Gốm không được thông thương lắm, thường xuyên bị ứ đọng. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “… sông ở phía Nam huyện Tân Long 2 dặm nguyên xưa từ cửa sông Sa Giang về phía Bắc bến Lò ngói như một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền đi không thông…”. Vào mùa nước cạn, ghe thuyền chở hàng thường phải chờ đợi con triều lên mới đi được.
Vào năm 1772, dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, Đốc chiến Nguyễn Cửu Đàm , đã cho binh lính đào, đóng cừ, nắn thẳng dòng nước, tạo nên được một con kênh thẳng tắp, ghe thuyền có thể qua lại dễ dàng. Con kênh thẳng này được gọi là kênh Ruột Ngựa (Mã Trường). Thoạt đầu, lòng kênh còn hẹp, thuyền bè đến đó phải chờ đợi nhau trong khi việc chuyên chở lúa gạo càng ngày càng phát triển. Nên sau đó, lòng kênh lại được đào rộng ra. Ghe thuyền qua lại tấp nập. Buôn bán sầm uất.
Qua đầu thế kỷ 19, rạch Lò Gốm, dòng nước nối kênh Ruột Ngựa và kênh Bến Nghé không còn đủ sức cung ứng cho lượng ghe thuyền ngày càng nhiều. Vì vậy, nhà Nguyễn phải tính đến việc đào một con kênh khác. Năm 1819, cũng là năm khởi công đào kênh Vĩnh Tế lần thứ hai, vua Gia Long ra lệnh khơi con kênh mới, nối thẳng kênh Ruột Ngựa và kênh Bến Nghé. Công việc này được giao cho Phó Tổng trấn thành Gia Định là Hoàng Công Lý phụ trách. Hoàng Công Lý huy động 11.460 dân phu, chia làm ba phiên, đổi đường sông cũ, đào mở kinh mới. Dọc hai bên bờ kênh được để trống, đắp thành hai con đường bộ. Như vậy, đường thủy, đường bộ đều thuận lợi. Công việc kéo dài đúng ba tháng, từ 23 tháng Giêng âm lịch đến 23 tháng Tư âm lịch, thì hoàn thành. Nhà vua đặt tên cho con kênh mới là An Thông. Sau này kênh còn có tên là kênh Tàu Hũ. Con kênh mới này, cùng đường bộ dọc theo nó đã giúp cho Gia Định phát triển hơn trong việc buôn bán lúa gạo.
Qua sự cải tạo mạnh mẽ của nhà Nguyễn, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa của cả nước. Con đường buôn bán lúa gạo của Gia Định được thông thương biến nơi này thành một nơi đô hội. Tất cả, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nhiều mặt của triều Nguyễn.
Đến hôm nay, một số con kênh được đào dưới thời Nguyễn vẫn còn có giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, nông nghiệp. Tuy thế, qua thời gian, vẫn có một số đã bị sử dụng sai chức năng, trong đó điển hình là kênh Bảo Định và hai con kênh tại Gia Định là Ruột Ngựa và An Thông.
Vào năm 1977, trước yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho thị xã Tân An (tỉnh Long An), kênh Bảo Định đã bị đắp ngang tại điểm giáp với sông Vàm Cỏ Tây, thuộc thị xã Tân An. Các thuyền chuyên chở không thể theo đường cũ để về TP. Hồ Chí Minh mà phải dùng đường xa hơn. Và cũng từ đó bề mặt kênh Bảo Định luôn bị lục bình phủ kín, dòng kênh bị tù đọng. Chức năng giao thông của kênh Bảo Định gần như bị hủy bỏ.
Cảnh tấp nập phồn vinh trên bến dưới thuyền không còn nữa. Có nhiều đề nghị trả về lại cho con kênh dòng chảy của nó, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Con kênh đang chết khô dần dần.
Tình trạng của hai con kênh Ruột Ngựa và An Thông (Tàu Hũ) hiện nay cũng không lạc quan hơn. Do sự phát triển đô thị, do những đợt nhập cư ồ ạt vào Sài Gòn trước đây và sau này là TP. Hồ Chí Minh, cộng vào đó là ý thức bảo vệ môi trường yếu kém của người dân, hai con kênh dần dần bị biến dạng vì phải hứng chịu lượng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả ra mỗi ngày chưa qua xử lý, bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các chất hữu cơ, kim loại nặng, nồng độ ô xy hòa tan DO đo được cho giá trị rất thấp, thậm chí kết quả nồng độ DO bằng 0. Nước trở nên hôi thối, lòng kênh bị chật hẹp đi và cạn dần vì phải chứa đựng rác thải. Sự ô nhiễm của hai con kênh đang ở mức báo động.
Những con kênh được đào dưới triều đại của vua chúa thời Nguyễn, do sức dân làm ra, do tiền nhân để lại đang đứng trước bài toán hóc búa của phát triển đô thị. Vấn đề gìn giữ và phát huy các di sản này cũng không khác với vấn đề chung về bảo vệ di sản văn hóa, dân tộc. Đó là một thách thức lớn đòi hỏi một định hướng giải quyết mang tính đồng bộ cao liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ văn hóa, đến kinh tế cho đến các chính sách phát triển.
__________
1 http://www.tiengang.gov.vn
Download file (PDF): Kênh đào thời Nguyễn ở Nam Bộ (Tác giả: PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân) |