Khảo cổ học Cù Lao Chàm

Tác giả bài viết:  LÂM THỊ MỸ DUNG
(Đại học Quốc gia Hà Nội)

1. Vị thế địa văn hoá của Cù Lao Chàm

     Cù Lao Chàm, toạ độ 15°15’20” đến 15°15’15” vĩ độ bắc và 180°23’10” kinh độ đông, là một cụm gồm 07 hòn đảo lớn, nhỏ (Hòn Lao, Hòn Mồ, Hòn La, Hòn Dài, Hòn Tai, Hòn Khô và Hòn Ông) trải rộng trên một diện tích không gian khoảng 15 km. Cách bờ biển Cửa Đại 15km về phía đông và cách thị xã Hội An 19km về phía đông-đông bắc. Về mặt hành chính, hiện nay Cù Lao Chàm là xã đảo Tân Hiệp thuộc thị xã Hội An, Quảng Nam. Trong cụm đảo Cù Lao Chàm, Hòn Lao có diện tích lớn nhất và là đảo duy nhất có cư dân sinh sống với khoảng 3000 dân.

     Diện tích đất ở và canh tác không rộng, song do vị thế và những điều kiện tài nguyên rừng, biển và nguồn nước ngọt phong phú, Cù Lao Chàm ngay từ thời tiền sử đã được chọn làm nơi tụ cư, sinh sống của con người. Mặt khác cũng do vị trí tiền tiêu và như tấm bình phong che chắn, Cù Lao Chàm luôn gắn bó hữu cơ với đất liền. Cùng với Cửa Đại- Hội An, Trà Kiệu và Mỹ Sơn theo trục sông Thu Bồn tạo nên thế liên hoàn của chuỗi văn hoá trong những giai đoạn cực thịnh của văn minh Champa.

     Những nghiên cứu địa sinh thái cho thấy Cù Lao Chàm là một bộ phận hữu cơ trong đặc trưng sinh thái xứ Quảng:

     Với bức xạ trên 95Kcalo/cm2/năm, phía bắc được ngăn bởi dải Hoành Sơn, phía tây đựơc che chắn bởi khối núi bắc Kon Tum nên xứ Quảng nói chung và Cù Lao Chàm-Hội An nói riêng không có mùa đông lạnh. Mùa khô từ khoảng tháng 2 đến tháng 8. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9, tháng 10 đến tháng giêng năm sau.

     Vùng biển có những đặc tính khí tượng thuỷ văn với chế độ gió phân thành hai mùa rõ rệt: gió mùa đông bắc từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau với tốc độ 15-25m/s; Gió mùa hè theo hướng đông và đông nam với những trận bão và áp thấp nhiệt đới nên tốc độ gió rất cao 40m/s.

     Phụ thuộc vào chế độ gió, chế độ sóng ở vùng cửa biển Hội An-Cù Lao Chàm cũng bao gồm hai hệ thống: sóng mùa đông có hướng đông bắc và đông, cao từ 1,5 đến 3m ngoài khơi và khoảng l,5m ven bờ; sóng mùa hè nhỏ, có hướng tây nam (ngoài khơi) và hướng đông nam (ven bờ).

     Chế độ dòng chảy cũng chuyển đổi theo hai mùa: dòng chảy mùa đông (tháng hai) có hướng đông bắc-tây nam; dòng chảy mùa hè theo hướng tây nam-đông bắc. Ở ngoài khơi vùng biển Quảng Nam, tốc độ dòng chảy tầng mặt đạt giá trị khá lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến địa hình vùng ven bờ và tác động trực tiếp đến sự đi lại của thuyền buôn của các nước trong khu vực, nhất là khi kỹ nghệ đóng tàu, thuyền chưa cao và những chuyến thương hành đa phần dựa vào chế độ sóng gió và các dòng hải lưu…

     Dao động mực nước theo chu kỳ và không theo chu kỳ trong lịch sử ở khu vực xứ Quảng nói chung tuy không lớn lắm, nhưng do địa hình khá bằng phẳng nên gặp lúc thuỷ triều lên, nước vẫn vào sâu trong đất liền. Sách Thuỷ Kinh Chú của Trung Quốc có chép về chế độ nước của sông Thu Bồn như sau: “nước sông lớn với nước thuỷ triều chảy về phía tây”. Kết quả nghiên cứu địa chất địa mạo của các cán bộ khoa học Trường Đại học KHTN-ĐHQG Hà Nội) cho thấy khi thuỷ triều xuống mạnh, kết hợp với tốc độ chảy của sông Thu Bồn một mặt phá huỷ lưỡng ngạn, song mặt khác cũng góp phần nạo sâu lòng sông, dễ dàng cho tàu thuyền vào cập bến.

     Từ nhiều năm nay, Trường Đại học KHXH & NV-Đại học Quốc Gia Hà Nội cùng với Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích Hội An, Sở VHTT Quảng Nam đã phát hiện, khai quật nhiều di tích khảo cổ. Hàng nghìn di vật được lấy lên từ lòng đất Cù Lao Chàm làm phong phú thêm những bộ sưu tập hiện vật hiện đang trưng bày tại các bảo tàng ở Hội An. Chúng là minh chứng hùng hồn về mối quan hệ hữu cơ đảo- đất liền, về lối sống hướng biển của các nhóm cư dân trong suốt chiều dài lịch sử.

2. Các lớp văn hoá tiền, sơ sử:

     Từ nhiều năm nay, sự mẫn cảm khoa học đã mách bảo cho các nhà nghiên cứu về sự hiện diện của cơ tầng văn hoá Tiền sử ở các đảo ven bờ miền Trung nằm trong dải văn hoá Nam Đảo hay Dòng chảy đen (Black current) nối từ miền nam Nhật Bản qua miền Trung Việt Nam và tới các quần đảo Thái Bình Dương. Với những kết quả điền dã trong những năm 1999-2001, ta đã có thể hiểu rõ diện mạo văn hoá Tiền sử Cù Lao Chàm. ít nhất một địa điểm văn hoá Tiền Sa Huỳnh** đã được phát hiện tại Bãi Ông. Với một diện phân bố rộng hầu khắp cồn cát trong của Bãi Ông-Hòn Lao, đây là địa điểm khảo cổ học có niên đại sớm nhất (được biết cho tới nay ở Hội An). Vết tích sinh sống của con người ở đây thuộc về hai giai đoạn. Giai đoạn sớm từ trên 3500 năm cách ngày nay và giai đoạn muộn từ thế kỷ 9-10 sau công nguyên.

     Cơ tầng văn hoá tiền Sa Huỳnh ở địa điểm Bãi Ông:

     Trong những năm 1999-2000 chúng tôi đã đào thám sát và khai quật tại địa điểm này 25m2. Hàng ngàn mảnh gớm và hàng chục công cụ đá, đồ trang sức đá đã được phát hiện giúp làm rõ diện mạo văn hoá, tính chất và niên đại của địa điểm.

Bản vẽ 1: Mặt bằng lớp 1.00-1. 20m hố TS năm 1999

     Đây là địa điểm cư trú kết hợp mộ táng. Khu di chỉ cư trú nằm ở phía đông, đông nam, thấp hơn khu mộ táng nằm ở phía tây-tây bắc. Trong nơi cư trú còn lưu nhiều di tích, di vật như bếp lửa, công cụ làm gốm, công cụ- mảnh vỡ công cụ đá, bàn mài, chì lưới, hạt cây cháy, xương răng cá. Mộ ở đây thuộc dạng dùng vò gốm làm quan tài mai táng, đáy có chèn cuội, đồ tuỳ táng gồm công cụ đá và gốm.

     Nổi bật nhất trong sưu tập hiện vật Bãi Ông là đồ gốm. Gốm trang trí cầu kỳ và đẹp, hầu như các loại hình gốm đều được trang trí. Lối trang trí phổ biến của nồi và vò là thân và đáy đập văn thừng nhiều kiểu, vai và cổ miết láng, thành miệng bên trong trang trí in mép vỏ sò, chấm que nhiều răng, vạch răng sói, in cuống rạ, đắp thêm, bô đê, vuốt núm… Những đồ gốm khác như bát bồng, bình hình lọ hoa, nắp hình lồng bàn, cốc …toàn thân được trang trí bằng những đồ án hoa văn phức tạp uốn lượn những băng in mép vỏ sò, chấm que, in cuống rạ… xen kẽ băng miết láng màu đên, đỏ… Có thể nói hiện vật Bãi Ông cả đồ đá và cả đổ gốm đều mang những đặc điểm chung của giai đoạn Tiền Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam. Cù Lao Chàm là một mắt xích trong chuỗi diễn tiến văn hoá giai đoạn 3500-3000 năm cách ngày nay ở vùng duyên hải và đảo ven bờ miền Trung.

Bản vẽ 2: Một số hiện vật đá Bãi Ông

     Niên đại của Bãi Ông được đưa ra dựa trên 03 niên đại tuyệt đối xác định bằng phương pháp C14 và AMS ở Viện Khảo cổ học Hà Nội và Đại học Quốc gia Seoul- Hàn Quốc cũng như bằng phương pháp so sánh loại hình và bối cảnh địa tầng. Giới hạn trên của Bãi Ông khoảng trên 3500 năm cách ngày nay và giới hạn dưới khoảng 3000 năm cách ngày nay.

Bản vẽ 3: Một số loại hình và trang trí gốm

     Địa điểm Bãi Ông có một vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá giai đoạn Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh* ở miền Trung Việt Nam. Kết quả từ Bãi Ông, một mặt cho thấy mối liên hệ xa/gần; ngang/dọc của nhóm cư dân sống ở khu vực duyên hải và đảo ven bờ miền Trung Việt Nam thời tiền sử. Đồ đá và đồ gốm thể hiện mối quan hệ lịch đại và đồng đại với văn hoá Bàu Tró, văn hoá Xóm Cồn, với các địa điểm Tiền Sa Huỳnh khác như lớp dưới Xóm ốc- Cù Lao Ré, Vườn Đình-Khuê Bắc (Tp. Đà Nẵng), lớp dưới Bàu Trám (Quảng Nam); lớp dưới Bình Châu II và Long Thạnh (Quảng Ngãi)… Mặt khác Bãi Ông cũng giúp làm rõ phân kỳ và xác định niên đại những giai đoạn văn hoá Tiền Sa Huỳnh. Bộ sưu tập di tích di vật Bãi Ông cùng với hiện vật của những địa điểm khác khẳng định một sự phát triển liên tục của văn hoá thời đại kim khí. Dạng thức mộ nồi (vò hình cầu), một số loại hình và trang trí gốm… của những địa điểm kể trên là cổ tip cho giai đoạn văn hoá kế tiếp-văn hoá Sa Huỳnh.

Bản ảnh 1: Một số hiện vật đá và gớm địa điểm Bãi Ông

3. Cơ tầng văn hoá Champa- Bến cảng cổ bãi làng trến tuyến giao thương quốc tế – con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 9-10

     Kế thừa truyền thống văn hoá biển của người Sa Huỳnh, tận dụng ưu thế sinh thái biển của mình và dưới sự tác động của những trào lưu thương mại biển của những triều đại Hán, Đường (Trung Hoa)…cư dân Champa với chiến lược nhập thân văn hoá biển từ những ngày đầu lập quốc đã tham dự và dấn thân tích cực vào luồng thông thương quốc tế trên biển. Có thể nói họ đã làm chủ được thế lực biển để biến Cù Lao Chàm và nhiều đảo, địa điểm ven bờ khác thành những mắt xích quan trọng trên tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông nối từ Nam Trung Hoa tới Địa Trung Hải.

Cù Lao Chàm . Ảnh: Ban Tu Thư Thánh Địa Việt Nam Học sưu tầm (Nguồn: https://danviet.vn/)

     Những cuộc khảo sát nghiên cứu từ năm 1992 đến 1999 đã xác định được một bến cảng cổ mà vết tích của nó tập trung đậm đặc dưới lòng đất Bãi Làng hiện nay. Việc thám sát và khai quật di tích Bãi Làng đã mở ra một hướng mới cho việc nghiên cứu văn hoá Champa và dải văn hoá ngoài đảo ven bờ biển Đông.

     Vết tích văn hoá Champa phân bố rộng khắp ở Hòn Lao (Bãi Ông, Bãi Làng, Xóm Cấm, Bãi Xếp, Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Hương), ở khu vực sát biển, tầng văn hoá thường bị bào mòn mạnh và bị cắt phá bởi cuộc sống hiện đại. ở ven chân núi, di chỉ dược bảo vệ tốt hơn, tầng văn hoá dày và ổn định hơn.

     Cuộc khai quật di tích Bãi Làng cung cấp một bộ sưu tập hiện vật cực kỳ phong phú, trong đó có những loại hình lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam như đồ thuỷ tinh gia dụng Islam, đồ thuỷ tinh trang sức Islam, đây cũng là địa điểm có nhiều đồ gốm Islam nhất. Gớm Islam phân bố thưa ở khu vực Đông và Đông Nam á. Những tài liệu khảo cổ học cho biết đã tìm thay gốm Islam ở trên 30 địa điểm khác nhau từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Thái Lan… ở Việt Nam đã phát hiện gốm Islam ở nhiều nơi như Côn Đảo, Cù Lao Ré, Cù Lao Chàm, Trà Kiệu, Trảng sỏi, Ngũ Hành Sơn…

     Loại trừ những sự cắt phá trên bề mặt của di tích do lối chôn rác truyền thống ngay trong khuôn viên nhà của cư dân hiện nay, tầng văn hoá- nơi tích cụ vết tích hoạt động của con người khá ổn định và liên tục. Bãi Làng vừa là nơi ở đồng thời vừa là bến cảng biển từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Bên cạnh nhóm hiện vật bản địa không khác so với những hiện vật gốm Chăm cùng thời trong đất liền, tính chất trao đổi buôn bán quốc tế của Bãi Làng được thể hiện thông qua nhiều hiện vật có nguồn gốc ngoại sinh. Đó là những hiện vật thuỷ tinh gia dụng, trong đó một số kiểu như thuỷ tinh vẽ hoa màu, thuỷ tinh trang trí đắp nổi hình lá cây, hình tròn, trang trí kéo núm…chắc chắn có nguồn gốc từ Trung Cận Đông như Iran, Irắc, Ai Cập… Một số mảnh khác lại có nguồn gốc từ Tây á. Nhóm hiện vật có nguồn gốc từ Trung Hoa cũng chiếm một tỷ lệ lớn, đặc biệt là sản phẩm gốm thời Đường từ các lò Việt Châu (Triết Giang), Trường Sa, Quảng Đông…

     Việc phát hiện các loại hình gốm Đường đa dạng với số lượng lớn ở Cù lao Chàm một mặt cho thấy vị thế của thương cảng, mặt khác thể hiện quá trình chuyển dịch mạnh từ các mặt hàng xuất khẩu như lụa, vàng bạc… của Trung Quốc sang các mặt hàng gốm, sứ từ thế kỷ VII… Đồng thời, phương thức vận chuyển hàng hoá Trung Quốc xuống Đông Nam Á ở thời điểm đó thường sử dụng thuyền mành nên các đảo và cửa biển ở duyên hải Trung Bộ ngày càng có vị trí quan trọng hơn. Trong bối cảnh đó Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa.

Hiện vật gốm Chăm và Pesani Chăm ở Bãi Lnàg và Xóm Cấm
Gốm Islam và thuỷ tinh Islam trong hố khai quật Bãi Làng
Gốm Đường trong hố khai quật Bãi Làng

     Từ bộ sưu tập phong phú hiện vật qua các cuộc khai quật, kết hợp với những kết quả khảo sát tổng hợp môi trường sinh thái khu vực Hòn Lao cho phép bước đầu phục dựng sơ lược cuộc sống của cư dân nơi đây:

     Vào giai đoạn Tiền sử đã có những nhóm cư dân cổ tụ cư trên khu vực Hòn Lao với làng cổ kết hợp nghĩa địa tại Bãi Ông. Tiếp sau đó, người Chàm tiếp tục sinh sống và khai thác những thế mạnh tổng hợp ở cụm đảo này.

     Trên những đồng bãi nhỏ hẹp, thuận lợi về đại hình và nguồn nước người Chăm tận dụng canh tác trên nhiều hệ sinh thái khác nhau: nương rẫy ven chân núi; ruộng nước ở Bãi Ông, Xóm Cấm, Bãi Bìm, Bãi Hương, Bãi Nần… Bên cạnh đó, người Chăm còn đẩy mạnh các hoạt động khai thác nguồn lợi sẵn có như lâm sản (trầm hương, hương liệu…) hải sản và đặc biệt là nguồn lợi nước ngọt. Tại Cù Lao Chàm đã tìm thấy ít nhất 06 hệ thuỷ theo kiểu bậc thang khai thác và cung cấp nước cho nhiều mục đích tín ngưỡng, sinh hoạt, trồng trọt giống mô thức hệ thuỷ Gio Linh Quảng Trị do người Chăm xây dựng và được người Việt kế thừa.

     Nhiều ngành nghề thủ công phát triển đáng kể nhất là nghề làm gốm và chế tạo đồ trang sức bằng thuỷ tinh.

     Tuy vậy, thế mạnh hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của cư dân Chăm nơi đây là thương mại biển. Theo những nhà nghiên cứu lịch sử hàng hải quốc tế từ khoảng thế kỷ II trước công nguyên đã hình thành tuyến vận tải biển từ Biển Đỏ – Vịnh Ba Tư – ấn Độ – Bắc Đông Nam á – Trung Quốc và Nhật Bản. Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu, Trung Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng-Cù lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hoá… trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những thuyền buôn từ Tây á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Sanf-Fùlaw (Cù Lao Chàm) của Sanfu (Champa) để lấy nước ngọt và trầm hương. Thư tịch cổ của Trung Quốc cũng ghi chép nhiều về việc này.

     Những kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy người Chăm ở Cù Lao Chàm có một cuộc sống ổn định, mức độ tập trung cao. Di tích Champa nhiều loại vẫn còn vết tích tại đây như giếng Chăm, tháp Chăm, bến cảng Chăm…Cụm đảo Cù Lao Chàm một mặt giữ vị thế tiền tiêu, mặt khác là bộ phận hữu cơ của Chiẽm cảng số một – Đại Chiêm hải khẩu của vương quốc Champa trong nhiều thế kỷ.

     Những giai đoạn muộn hơn người Việt đã tiếp tục khai thác Cù Lao Chàm, nhiều vết tích văn hoá của người Việt giai đoạn thế kỷ 16-17 còn in đậm nơi đây.

     Bài viết tổng kết quả nghiên cứu điền dã và khai quật khảo cổ học từ năm 1998-2000 của Trung tâm Liên Văn hoá Lịch sử-Khoa Lịch sử-Trường ĐHKHXH & NV Hà Nội và Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích Hội An. Tác giả xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn của GS. Trần Quốc Vượng và sự giúp đỡ, cộng tác của các đồng nghiệp.

__________
* Khái niệm văn hoá Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh: Các giai đoạn phát triển văn hoá khảo cổ ở miền Trung Việt Nam từ 3500 năm cách ngày nay đến đầu công nguyên, ứng với thời đại đồ đồng và sơ kỳ thời đại đồ sắt.

Nguồn: 

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khảo cổ học Cù Lao Chàm (Tác giả: Lâm Thị Mỹ Dung)