Khoa cử thời Lê Sơ và bài văn sách đình đối về phật giáo
SYSTEM OF COMPETITION SCHOLARS IN THE PRIMAL
PERIOD OF LÊ DYNASTY AND THE LITERARY DISSERTATION
IN THE COURT EXAMINATION ON BUDDHISM
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ ĐINH KHẮC THUÂN
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
TÓM TẮT
Giáo dục và khoa cử Nho học ở Việt Nam có từ thời Trần, nhưng đến thời Lê Sơ mới định ra thể lệ cụ thể. Thí sinh phải trải qua hai kỳ thi là thi Hương và thi Hội. Sau khi đỗ kỳ thi Hội, thí sinh phải làm bài thi Đình do đích thân nhà vua ra đề thi và phân định cao thấp. Người đỗ đầu gọi là Trạng nguyên. Bài thi Đình là bài văn sách, chủ yếu về kế sách trị quốc an dân. Tuy nhiên, bài văn sách khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) thời Lê Sơ lại hỏi về Phật giáo. Tại khoa thi này, Lê Ích Mộc đã thể hiện kiến thức và luận giải sâu sắc về Phật giáo nên đỗ đầu. Bài văn sách của Lê Ích Mộc được lưu truyền đến ngày nay không chỉ là tư liệu quý giá về khoa cử thời Lê Sơ, về vị Trạng nguyên này, mà còn là sử liệu quan trọng về Phật giáo thời Lê Sơ.
Từ khóa: Khoa cử, văn sách đình đối, Trạng nguyên Lê Ích Mộc, Phật giáo, Lê Sơ.
ABSTRACT
Education and Confucius system of competition scholars in Vietnam began from Trần dynasty. However, its detailed rules were determined in Lê dynasty. Candidates had to pass two examinations that called Hương and Hội. After passing the Hội examination, candidates had to do the essay in the court examination that its topic was given by the king who also was the head examiner. The head of the competition was called Trạng Nguyên (Zhuangyuan or variously translated into English as principal graduate, primus, or optimus). In general, the court test was a literary dissertation on the national security strategy and a peaceful life for people. However, the year Nhâm Tuất (1502) in Lê dynasty, the topic of the literary dissertation was on Buddhism. In this court examination, Lê Ích Mộc was the head by expressing his knowledge and the insightful interpretation the Buddhism. His literary dissertation was not only precious documents on the system of competition scholars, but also valuable historical materials on Buddhism in the primal period of the Le dynasty.
Key words: Buddhism, competiton scholar, dissertation, Lê Ích Mộc, Lê dynasty.
x
x x
1. Thể lệ thi cử thời Lê Sơ và khoa thi năm Nhâm Tuất (1502)
1.1. Vài nét về thể lệ thi cử thời Lê Sơ
Thể lệ thi cử ở nước ta định hình từ thời Trần, nhưng phải đến thời Lê Sơ mới định ra thể lệ cụ thể. Vua Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình thứ nhất (1434), xuống chiếu rằng: “Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thuở xưa loạn lạc, anh tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm. Thái Tổ ta buổi đầu dựng nước, mở mang nhà học, dùng cỗ Thái Lao để tế Khổng Tử, rất mực sùng Nho, trọng đạo. Nhưng vì nước mới dựng nên chưa kịp đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí hướng người xưa, lo được nhân tài để thỏa lòng mong đợi”1.
Từ đó, thể lệ thi cử ngày càng được điều chỉnh, đến thời Hồng Đức thì quy định thành lệ: Năm trước thi Hương ở các đạo, năm sau thi Hội ở sảnh đường tại kinh đô. Từ đấy về sau, cứ ba năm một lần thi lớn, coi đó làm quy định lâu dài, người nào thi đỗ được ban danh hiệu Tiến sĩ xuất thân. Tất cả khoa mục các kỳ thi quy định như sau: Kỳ thứ nhất, một bài kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách một bài, mỗi bài 300 chữ trở lên. Kỳ thứ hai, chế, chiếu, biểu. Kỳ thứ ba, thi, phú. Kỳ thứ tư, một bài văn sách từ 1.000 chữ trở lên2. Có nghĩa là, thí sinh phải qua hai kỳ thi, một là thi Hương, hai là thi Hội. Sau khi đỗ kỳ thi Hương mới được vào kỳ thi Hội. Sau khi đỗ kỳ thi Hội được xướng danh là Tiến sĩ, nhưng phải tham gia kỳ thi Đình để phân biệt thứ bậc cao thấp.
Thời Lê Sơ, danh hiệu cao nhất dành cho thí sinh tham gia khoa cử là Tiến sĩ, với các bậc sau đây: Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất giáp Đệ nhất danh (Trạng nguyên); Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất giáp Đệ nhị danh (Bảng nhãn); Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất giáp Đệ tam danh (Thám hoa); Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị giáp, gọi chung là Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp); Tiến sĩ cập đệ Đệ tam giáp, gọi chung là Đồng Tiến sĩ xuất thân. Ba bậc đầu gọi là Tam khôi.
Thi Hội và thi Đình cứ ba năm tổ chức một lần, xen kẽ với các năm thi Hương. Năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội. Hai kỳ thi Hội và thi Đình diễn ra cách nhau khoảng tám tháng. Mùa xuân tháng Giêng thi Hội thì mùa thu tháng Tám năm ấy thi Đình. Thể lệ thi cử ban hành từ thời Lê Sơ này được duy trì ở các triều đại về sau.
1.2. Khoa thi năm Nhâm Tuất (1502)
Khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, được chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “Nhâm Tuất [Cảnh Thống] năm thứ 5 [1502], (Minh Hoằng Trị năm thứ 15). Mùa xuân, tháng 2, thi Hội các cử nhân trong nước. Số dự thi là 5.000 người, lấy đỗ bọn Trần Dực [28b] 61 người. Lại bộ kê tên tâu lên. Vua đích thân ra đầu bài văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ. Sai Nam Quân đô đốc phủ Tả đô đốc Phò mã Đô uý Lâm Hoài bá Lê Đạt Chiêu và Hộ bộ Thượng thư Vũ Hữu làm Đề điệu; Binh bộ Tả thị lang Dương Trực Nguyên và Ngự sử đài thiêm Đô ngự sử Bùi Xương Trạch làm Giám thí; Lễ bộ Thượng thư Tả Xuân phường Hữu dụ đức kiêm Đông các Đại học sĩ Đàm Văn Lễ, Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị độc chưởng Hàn lâm viện sự Nguyễn Bảo, Lễ bộ Tả thị lang kiêm Đông các học sĩ Lê Ngạn Tuất, Quốc Tử giám Tế tửu Hà Công Trình, Tư nghiệp Hoàng Bồi, Thái thường Tự khanh Nghiêm Lâm Tiến đọc quyển thi.
Vua xem xong, cho bọn Lê Ích Mộc (người Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, trước làm đạo sĩ (tu sĩ Phật giáo), đến khi đỗ, vua sai tuyên đọc chế từ, bưng lư hương cháy rực lửa ra trước, bị bỏng tuột cả tay mà không biết) [29a] Lê Sạn, Nguyễn Văn Thái 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Cảnh Diễn, Lê Nhân Tế 24 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Khiêm Bính, Nguyễn Mậu 34 người đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Vua ngự điện Kính Thiên, Hồng lô tự truyền loa xướng danh. Mọi năm, bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai Lễ bộ bưng ra, đánh trống nổi nhạc rước ra treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đó”3.
Sách Đăng khoa lục chép: “Lê Ích Mộc, người xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, nay là huyện Thủy Nguyên, 44 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đời Lê Hiến Tông. Sử chép, trước khi đi thi, Lê Ích Mộc từng làm đạo sĩ. Trong lễ xướng danh, vua sai Ích Mộc tuyên đọc chế thư, bưng lư đốt hương ra trước, bỏng tuột cả tay mà không biết. Ông làm quan chức Tả thị lang được về trí sĩ”4.
Như vậy, Lê Ích Mộc đỗ đầu khoa thi năm Nhâm Tuất (1502). Trước khi đi thi, ông từng là tăng sĩ nên rất am hiểu Phật pháp.
2. Văn sách đình đối và bài văn sách của Lê Ích Mộc
2.1. Đề thi bài văn sách
Mục đích đào tạo quan chức Nho giáo là để phò giúp vua, cai trị dân chúng, cai quản đất nước. Các đề thi văn sách đình đối đều phản ánh rõ tinh thần đó. Chẳng hạn, các đề thi Đình thời Lê Sơ, như năm Quang Thuận thứ 4 (1463), hỏi về Đạo trị nước của các bậc đế vương, năm Hồng Đức thứ 3 (1472) hỏi về Đế vương trị thiên hạ, năm Hồng Đức thứ 6 (1475) hỏi về Đạo vua tôi ngày xưa, năm Hồng Đức thứ 9 (1478) hỏi về Đế vương trị thiên hạ, năm Hồng Đức thứ 12 (1481) hỏi về Lý số, năm Hồng Thuận thứ 6 (1514) hỏi về Nhân tài, năm Quang Thiệu thứ 3 (1518) hỏi về Biết người giỏi, vỗ yên dân, năm Thống Nguyên thứ 2 (1523) hỏi về Đạo làm vua, làm thầy.
Những dẫn chứng trên cho thấy, yêu cầu của nhà nước quân chủ Nho giáo đối với một quan chức là vấn đề trị nước yên dân. Đề thi năm Cảnh Thống thứ 5 (1502), như Đại Việt sử ký toàn thư ghi là Đế vương trị thiên hạ. Nhưng thực tế, đề thi bài văn sách này lại bàn về Phật giáo. Sách Hoàng Việt khoa cử kính ghi: “Khoa Nhâm Tuất, năm Cảnh Thống thứ 5 (1502), kỳ thi Đình hỏi về kinh Phật, lấy đỗ 61 người. Lê Ích Mộc người Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, Hải Dương đỗ Trạng nguyên. Đời truyền rằng, ông từng là đạo sĩ nên tường kinh Phật”5. Rõ ràng, đề thi bài văn sách năm Nhâm Tuất (1502) bàn về Phật giáo.
Hầu hết bài văn sách của các vị đỗ đầu (Trạng nguyên) ở nước ta được sao chép lại trong một số sưu tập, chẳng hạn như Lê triều Hội thí đình đối sách văn. Sách này chép lại 17 bài văn sách thi Hội từ năm Hồng Đức thứ 6 (1475) đến năm Vĩnh Thọ thứ 4 (1661). Bài văn sách năm Nhâm Tuất (1502) của Lê Ích Mộc được chép trong quyển 2 của sách này, gồm 44 trang, khoảng 10.000 chữ.
2.2. Nội dung bài văn sách năm Nhâm Tuất (1502)
Đầu đề bài văn sách thường khá dài, thuộc loại văn sách mục, tức là gồm nhiều câu hỏi trong đề bài. Chẳng hạn, đề văn sách khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) đời vua Lê Thái Tông, tuy trọng tâm hỏi về việc chọn nhân tài làm gốc, nhưng đặt ra rất nhiều vấn đề cụ thể. Cuối cùng, nhà vua yêu cầu: “Các ngươi hãy thực bụng trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét”. Bài văn sách năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đặt vấn đề về Phật giáo, nhưng nêu ra nhiều chi tiết cụ thể: “Vấn Phật pháp quảng đại, kỳ tính thị, tổ tỷ, phụ mẫu, huynh đệ, cô di, tỷ muội khả chỉ ngôn dư? Vạn quang chiếu nhân, sở sinh giả kỷ tử, hà tử hóa sinh vi Phật. A Di Đà Phật sở sinh giả kỷ nhân, hà nhân chứng thành Phật đạo, nhất Thích già dã….
Phụng Ngự, Huyền Quang truyền giả hà đạo nhi đắc thành tổ. Không Lộ, Giác Hải, Minh Không, Đạo Hạnh sở học giả hà sự nhi đắc phi thân phục thủy. Hựu viết Bạch tượng du hải để, Kình nghê vũ cao sơn, quả hà nghĩa dư? Hữu vị dĩ quy mao vi huyền dĩ thố giác vi tiễn, quả hà lý dư? Hà giả ư Địa Ngục chi mãnh tướng hà giả xuất Tam giới chi kính lộ, hà giả vi tự tính Di Đà, hà giả vi Duy tâm, Tịnh độ. Nam vô A Di Đà Phật chi nghĩa, kỳ ngũ thắng hà sở thuộc. Địa thủy hỏa phong không chi danh, kỳ ngũ chỉ sở chấp lục cúng chi nghi, hà nhân sở hiến Như Lai dĩ hà nạp thụ Tam bảo chi pháp. Hà thời thường vị, nhất thiết hà dĩ cung kính, nhất nhật nhi nhị nhật, nãi chí ư thất nhật. Nhất tâm bất loạn chung, ngẫu A Di Đà Phật, hà kỳ như thị chi Dịch. Thập phản thập nhất phản cập cửu thập
nhất phản, Thiên thượng nhân gian danh viết hà…
Pháp nhãn đại tạng hữu thập phương chư Phật, quả thường hiện dư? Ni phàm dáng cung hữu cửu cung, đế quân quả đắc văn dư? Kim cương nhãn môn chi xứ, đắc siêu sinh dư? Ức phổ đắc Phật dư? Tây lai lưu ly chi lộ, đắc giải thoát dư? Ức đắc vãng sinh dư? Hà dĩ Đế Thích đao lợi thiên cung, hà dĩ thượng Đâu suất đà thiên hải ngoại, hư không dĩ thượng đẳng sự, bất khả tư nghị, bất khả thuyết. Kim phụng Phật đệ tử sinh phùng thịnh thế, du học pháp môn. Tư dục diệt tội đắc phúc, chứng đạo thành Phật dĩ vãng sinh Tây Phương cực lạc thế giới chư tai. Quả tu hà đạo dư? Nguyện vi chúng sinh thuyết”6.
Nghĩa là: “Phật pháp rộng lớn, vậy nguồn gốc tổ tỷ, cha mẹ, anh em, cô di, tỷ muội có thể chỉ ra được không? Muôn vàn người được sinh ra, ai trong đó có thể thành Phật. Người do A Di Đà Phật sinh ra rất nhiều, vậy ai có thể chứng thành Phật đạo. Trước nhất là Thích già…
Phụng Ngự (Trần Nhân Tông), Huyền Quang truyền đạo như thế nào mà thành tổ. Sở học của Không Lộ, Giác Hải, Minh Không, Đạo Hạnh như thế nào mà có thể cưỡi mây đạp nước được vậy? Lại nói, ngựa trắng lặn được xuống đáy bể, cá kình nhảy vượt cả núi cao có ý nghĩa như thế nào? Có người nói rằng, lông rùa có thể làm dây cung, sừng thỏ có thể làm nỏ là lẽ gì? Thế nào là mãnh tướng ở Địa Ngục, thế nào là xuất đường Tam giới, thế nào là tự tính Di Đà, thế nào là Duy tâm, Tịnh độ. Nghĩa của từ Nam mô A Di Đà Phật là như thế nào? Thế nào là Dịch? Từ 10 đến 11 và đến 91 là sao? Người trong dân gian nói…
Pháp nhãn đại tạng có thập phương Phật, quả là luôn thường xuất hiện sao? Phàm là dáng cung thì có cửu cung, đế quân quả được nổi danh sao? Qua được cửa Kim cương nhãn môn thì được siêu sinh sao? Kính ngưỡng đắc Phật, theo đường đến lưu ly Tây Phương sẽ được giải thoát sao? Đế Thích đau đáu thiên cung, lấy gì để lên được cõi Đâu suất đà thiên hải ngoại, hư không,v.v… Những việc đó thật là khó bàn. Nay đệ tử phụng Phật gặp thời thịnh, du học pháp môn. Lại muốn diệt tội đắc phúc, chứng đạo thành Phật để đến cõi Tây Phương cực lạc. Vậy thì phải tu đạo nào đây? Hãy vì chúng sinh mà thuyết trình ra…”.
Đề bài thi khá dài (7 trang với khoảng 2.000 chữ), nội dung rất khó và đa dạng (ở trên chỉ là một đôi trích đoạn), đòi hỏi thí sinh có kiến thức vừa sâu vừa rộng mới có thể luận được những vấn đề đó. Vốn dĩ là người từng tu hành Phật pháp, nên đề bài thi này đúng sở trường của Lê Ích Mộc. Vì thế, bài văn sách của ông được đỗ đầu. Trong khi đó, những văn sĩ tài ba khác cùng khóa thi, sau làm trọng thần của thời Mạc như Nguyễn Văn Thái, người giúp Mạc Đăng Dung soạn bài chiếu nhường ngôi để nhà Mạc đăng quang, cũng đỗ Tiến sĩ cập đệ, nhưng thứ hạng thấp hơn Lê Ích Mộc.
Bài văn sách của Lê Ích Mộc khá dài. Để trả lời các câu hỏi đặt ra, Lê Ích Mộc phải bóc tách ý từng câu hỏi cụ thể để trả lời cho đầy đủ và để dễ theo dõi. Chẳng hạn, ông nêu lại ý một câu hỏi là: “Phật pháp quảng đại, bất khả tư nghị; đệ tử tu đạo, tại giác không tịch”. Nghĩa là: “Phật pháp rộng lớn, thật khó bàn luận; học trò tu đạo ở chỗ ngộ ra cái không tịch”. Ông nêu lại câu hỏi như thế để trả lời: “Cái Phật pháp quảng đại, bất khả tư nghị dã. Nhiên đệ tử tinh thành tu đạo, nhược bất giác không tịch, tắc hà tương diệt tội đắc phúc, chứng đạo thành Phật, nhi vãng sinh Tây Phương cực lạc thế giới giả tai! Tri hồ thử tác Phật pháp dĩ nhiên chi tích, khả khảo kỳ trưng, dữ phù đệ tử tu đạo, bất hoạn kỳ vô chân đạo hĩ,…
Ngu tuy bất mẫn, cảm bất tất tâm dĩ đối chi hồ, thiết vị diệu tai, Phật pháp hồ, kỳ vô lượng chi thâm thâm hồ, khả dĩ đức tu nhi khả dĩ sắc thủ, khả dĩ tâm truyền nhi bất khả dĩ khẩu thuyết. Nhất dĩ Vi hữu nhi vị thường hữu, nhất dĩ Vi vô nhi vị thường vô. Thử quảng đại hư không như thử, tín hồ!”.
Nghĩa là: “Đúng là Phật pháp rộng lớn, thật khó bàn luận. Nhưng đệ tử thành tâm tu đạo, nếu không ngộ được không tịch thì sao có thể trừ bỏ tội lỗi, thu nhận phúc quả được? Nếu chứng đạo sẽ thành Phật, đến được thế giới Tây Phương cực lạc. Có được điều đó thì Phật pháp dĩ nhiên sẽ đến. Phật tử tu đạo mà không sâu lắng thì không có chân đạo vậy…
Bề tôi ngu dốt, tuy chưa đủ hiểu biết, nhưng không thể không hết lòng mà trả lời. Thiết nghĩ, kỳ diệu thay, Phật pháp thật vô lượng, thật uyên thâm, có thể lấy đức mà tu, nhưng không thể lấy sắc mà giành giật. Có thể lấy tâm mà truyền đạo, nhưng không thể lấy miệng mà thuyết giáo. Nhất nhất lấy Vi hữu mà làm Vị thường hữu, lấy Vi vô mà làm Vị thường vô. Đó là quảng đại, hư không. Như vậy là tín vậy!”.
Tiếp đó, bài văn nhấn lại ý của câu hỏi, rồi trả lời: “Sách vấn, sở vị Phật pháp quảng đại dã, nhiên Phật giả lệnh nhân khoan nhập ư tự kỳ, Pháp giả lệnh nhân ngộ minh ư tâm trung. Năng như thị giả, vô sở bất đắc, nhi tư khả vị chi Phật pháp dã. Huống Phật chi vi danh, hà sa kỳ số,…”.
Nghĩa là: “Bài văn sách hỏi, gọi là Phật pháp quảng đại, nhưng Phật khiến người khoan lượng mà tự ngấm vào mình, còn Pháp thì khiến lòng người ngộ ra điều trong sáng. Được như vậy thì không có gì là không có được, đó là Phật pháp vậy. Huống chi Phật danh tính vốn là hằng hà sa số,…”.
Bài văn sách của Lê Ích Mộc cứ vậy tự nêu câu hỏi, rồi trả lời, càng về sau, ý nghĩa càng trừu tượng hơn và sâu xa hơn.
3. Kết luận
Số bài văn sách đình đối của các trạng nguyên ở nước ta không phải bài văn nào cũng được lưu giữ đến ngày nay. Ngay cả bài văn sách đình đối của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm danh tiếng không chỉ của Hải Phòng, mà còn của cả nước hiện không còn lưu truyền. May mắn cho quê hương Thủy Nguyên nói riêng, Hải Phòng nói chung, bài văn sách đình đối của Trạng nguyên khai khoa Lê Ích Mộc hiện còn lưu giữ được nguyên vẹn. Điều quan trọng hơn, đây là bài văn sách duy nhất bàn về Phật giáo, lại do nhà vua đích thân đặt ra ở thời Lê Sơ, thời kỳ thường được cho là Phật giáo bị triều đình ngăn cấm. Do vậy, đây là tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu khoa cử thời Lê Sơ, cũng là nguồn sử liệu quan trọng về Phật giáo thời Lê Sơ mà bài viết này mới chỉ gợi mở đôi điều./.
Chú thích:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998: 319.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd: 319.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998: 29.
4. Dẫn theo: Ngô Đức Thọ chủ biên (2006), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội: 232.
5. Hoàng Việt khoa cử kính (chữ Hán), lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv. 1277.
6. Lê triều Hội thí đình đối sách văn (chữ Hán), lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv. 335/1-3.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Huy Chú (Viện Sử học dịch, 1992), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Phạm Đức Thành Dũng, Vinh Cao chủ biên (2000), Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, 4 tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
4. Trần Văn Giáp (1996), “Lược khảo về khoa cử Việt Nam từ khởi thủy đến khoa Mậu Ngọ 1918”, trong: Viện Sử học, Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 181-210.
5. Hoàng Việt khoa cử kính (chữ Hán), lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv. 1277.
6. Lê triều Hội thí đình đối sách văn (chữ Hán), lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv. 335/1-3.
7. Trịnh Khắc Mạnh (2006), Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
8. Nguyễn Q. Thắng (1998), Khoa cử và giáo dục Việt Nam, tái bản lần 3, Nxb. Văn hóa Thông tin.
9. Ngô Đức Thọ chủ biên (2006), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.
10. Đinh Khắc Thuân (2009), Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê qua tài liệu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo, Số 1 – 2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Khoa cử thời Lê Sơ và bài văn sách đình đối về phật giáo (Tác giả PGS TS Đinh Khắc Thuân) |