Kiên Giang-Động lực mới cho sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN ĐỖ TRƯỜNG SƠN
(Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam)

Những nét tổng quát

     Kiên Giang là một trong bốn tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (VKTTĐVĐBSCL), có vị trí thuận lợi và tiềm năng kinh tế rất lớn. Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 6.348,5 km2 với 200 km bờ biển, có 105 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc. Đồng thời, Kiên Giang có vị thế địa lý, chính trị quan trọng, là điểm tựa của Việt Nam trong vịnh Thái Lan, cách vùng phát triển công nghiệp và du lịch nổi tiếng Đông Nam Thái Lan khoảng 500 km, cách vùng phát triển phía Đông Malaysia khoảng 700 km, cách Singapore 1.000 km, phía bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 56,8km, trong đó có cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cửa khẩu Giang Thành (Kiên Lương).

     Tuy Kiên Giang là tỉnh đồng bằng nhưng lại có đa dạng các loại hình sinh thái: biển, đảo, rừng, núi với nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú. Tiềm năng về quỹ đất để phát triển nông nghiệp còn khá lớn, thuận lợi phát triển các loại cây trồng như: lúa, khóm, mía, tiêu, tràm… Nguồn lợi biển rất phong phú, bờ biển dài, bãi triều rộng có điều kiện thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản đa dạng. Ngoài ra, đây là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL có trữ lượng đá vôi khá lớn, trữ lượng đá xây dựng cũng khá phong phú. Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang còn có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa với các địa danh như: Phú Quốc, Hà Tiên, Hòn Đất, U Minh Thượng,… tạo nên cảnh quan phong phú đa dạng, thuận lợi cho phát triển du lịch. Vị trí địa lý trên tạo điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, là cầu nối các tỉnh miền Tây Nam bộ với bên ngoài và thuận lợi để phát triển một nền kinh tế đa dạng.

     Đi cùng với tiến trình khai khẩn ĐBSCL và những nỗ lực khai thác lợi thế từ sông nước Mekong để tồn tại và phát triển, một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm tuyến dân cư và gần đây là hệ thống cung cấp điện, nước, trường học, cơ sở y tế, bưu chính viễn thông, được đầu tư và phát triển ở mức độ nhất định tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và cải thiện bộ mặt văn hóa xã hội trên toàn tỉnh Kiên Giang. Các tuyến đường về trung tâm xã, các tuyến đường liên huyện, hệ thống giao thông trên đảo Phú Quốc tiếp tục được đầu tư; đầu tư giao thông nông thôn thực hiện 489 km, nâng tổng số từ trước đến nay 3.212km/7.084 km; hoàn thành 3 tuyến đường về trung tâm xã, nâng tổng số xã trong đất liền được nhựa hóa 96/103 xã; tỷ lệ hộ sử dụng điện gần 97%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 78%…

     Nét nổi bật của đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là sự gắn kết giữa giao thông, thủy lợi, xây dựng và bảo vệ các địa bàn dân cư đã, đang và sẽ phát triển hoàn thiện không chỉ đóng góp cho hiện tại mà còn là chỗ dựa cho những kỳ vọng hợp tác và phát triển trong tương lai. Tuy cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư từ TW, đặc biệt là các công trình trọng điểm lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh như: sân bay quốc tế Phú Quốc (tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); dự án cáp ngầm xuyên biển 110 Kv Hà Tiên – Phú Quốc (2.340 tỷ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch huyện Phú Quốc) và mới đây nhất là tuyến tránh phà Tắc Cậu – Xẻo Rô, trong đó có 2 cầu đặc biệt lớn là cầu Cái Bé và cầu Cái Lớn, đây là hợp phần quan trọng của Dự án đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua tỉnh Kiên Giang, góp phần tháo nút thắt cho bán đảo Cà Mau, giúp kết nối các vùng khác với vùng bán đảo Cà Mau rộng lớn.

     Hòa cùng tiến trình đổi mới của VKTTĐVĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, nền kinh tế của tỉnh Kiên Giang đã có sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006- 2010 đạt trên 11,7%/năm, cao hơn tỉnh An Giang (10,2%) và thấp hơn thành phố Cần Thơ (15,1%), tỉnh Cà Mau (13,6%) và gần bằng với tốc độ tăng chung của toàn vùng ĐBSCL (11,9%). Ngoài ra, quy mô kinh tế của tỉnh Kiên Giang năm 2012 đạt 69.440 tỷ đồng, cao nhất trong vùng ĐBSCL nói chung và VKTTĐVĐBSCL nói riêng.

     Về cơ cấu kinh tế, năm 2012 khu vực I chiếm 40,32%, khu vực II chiếm 24,34% và khu vực III chiếm 35,34%. Cơ cấu kinh tế cho thấy nền kinh tế dựa vào nông nghiệp truyền thống và thương mại dịch vụ với vai trò không nhỏ của hoạt động biên mậu và dịch vụ du lịch.

     GDP bình quân đầu người đến năm 2012 của tỉnh Kiên Giang đạt 40 triệu đồng/người/năm, xếp 2/4 tỉnh VKTTĐVĐBSCL (sau Cần Thơ với 53,1 triệu đồng/người/năm).

Chú thích: diện tích trong hình cầu thể hiện GDP/người (triệu đồng)

Những mũi nhọn từ kinh tế truyền thống

     Lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp có sự chuyển dịch tương đối rõ nét, hiệu quả sử dụng đất được tăng lên, đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đất nông nghiệp sử dụng hiệu quả hơn, cơ cấu vật nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.

     Về sản xuất lúa gạo, tỉnh Kiên Giang đã vượt qua tỉnh An Giang và vươn lên đứng ở vị trí nhất của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Sản lượng lúa năm 2012 đạt 4,29 triệu tấn (An Giang đạt 3,96 triệu tấn), năng suất đạt 59,12 tạ/ha.

     Ngoài lúa, việc sản xuất các loại cây trồng và rau màu cũng phát triển khá ổn định, diện tích, sản lượng các loại cây trồng khác đều tăng, năm 2012 đã gieo trồng được 4.878 ha mía, 1.697 ha dưa hấu và trên 5.290 ha rau màu; cây tiêu 660 ha, cây khóm 6.383 ha.

     Mũi chăn nuôi của tỉnh Kiên Giang giữ vị trí quan trọng sự tồn tại và phát triển quy mô tổng đàn trên toàn VKTTĐVĐBSCL. Năm 2012 đàn trâu của tỉnh có 7,8 nghìn con (chiếm 56,9% so với cả vùng), đàn bò có 10,7 nghìn con (chiếm 11,4%), đàn lợn có trên 322,8 nghìn con (chiếm 38,8%), đàn gia cầm có trên 5,27 triệu con (chiếm 41,9%). Trong 4 tổng đàn nói trên thì tỉnh Kiên Giang đứng đầu về số lượng ¾ chỉ tiêu, đó là đàn trâu, lợn và gia cầm, chỉ có đàn bò là xếp sau tỉnh An Giang.

     Ngoài ra, lĩnh vực thuỷ sản cũng là một thế mạnh khác của tỉnh Kiên Giang. Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác năm 2012 của tỉnh đứng đầu VKTTĐVĐBSCL, đạt 455,7 nghìn tấn (chiếm 32,74% so với toàn vùng). Góp phần lớn vào sản lượng này là từ ngành khai thác thuỷ sản mang lại, sản lượng thuỷ sản khai thác của tỉnh đạt 339 nghìn tấn (chiếm 74,4% tổng sản lượng). Từ đó ta có thể thấy tỉnh Kiên Giang rất mạnh trong lĩnh vực khai thác so với các tỉnh khác.

     Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Kiên Giang, ngoài những ngành hàng thông thường như xay xát gạo, chế biến thực phẩm, sản xuất và sửa chữa công cụ sản xuất, đóng và sửa chữa ghe, xuồng… thì công nghiệp của tỉnh phát triển chủ yếu ở 2 lĩnh vực truyền thống là sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông hải sản. Sản lượng sản xuất xi măng năm 2012 đạt trên 3,23 triệu tấn, thuỷ sản đông lạnh đạt 39,18 nghìn tấn, nước mắm đạt 46 nghìn tấn. Trong thời gian tới, khu vực công nghiệp – xây dựng của tỉnh cũng sẽ có những bước phát triển mới với việc các nhà máy lớn vừa được khởi công xây dựng như: nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang (đây là nhà máy chế biến gỗ lớn thứ 3 tại Việt Nam với công suất chế biến 75.000 m3 gỗ MDF/năm), nhà máy bia Sài Gòn (công suất 50 triệu lít/năm), Nhà máy Giày TBS Kiên Giang (công suất 15 triệu đôi giày thể thao suất khẩu/năm). Các dự án này góp phần giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động tại địa phương.

     Ngoài ra, thương mại, dịch vụ và du lịch cũng là một trong những mũi kinh tế truyền thống với những dạng hình khá đa dạng và có những dạng khá độc đáo – thương mại kết hợp với du lịch ở Hà Tiên, hoạt động biên mậu ở các cửa khẩu biên giới, tham gia vào các hoạt động dịch vụ xuất khẩu gạo, thủy sản…Thương mại, dịch vụ, du lịch đã góp phần đáng kể vào việc tạo mũi thương mại dịch vụ du lịch khá mạnh của Kiên Giang. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 596 triệu USD với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo (đạt trên 1 triệu tấn), thuỷ hải sản đông lạnh các loại (25.900 tấn).

     Trong lĩnh vực hoạt động biên mậu với nước bạn Campuchia, tỉnh Kiên Giang đã hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh bạn Campuchia, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động tại những khu kinh tế cửa khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh sang Campuchia gồm: thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, chế phẩm tẩy rửa, bánh ngọt, thức ăn gia súc, bao PP, hải sản các loại…; còn các mặt hàng nhập khẩu là thạch cao, than đá, hạt nhựa, gỗ xẻ các loại, vải.

     Riêng về hoạt động du lịch, tỉnh Kiên Giang là một trong các địa phương thu hút được lương du khách đến cao nhất vùng. Trong năm 2012 tổng lượt khách du lịch đạt 1,135 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế là 163 nghìn lượt người. Các sản phẩm có sức thu hút khách du lịch là vườn quốc gia U Minh Thượng (vừa được chứng nhận là Vườn di sản của ASEAN), thưởng ngoạn cảnh quan vùng Hà Tiên… và đặc biệt là đảo Phú Quốc. Huyện đảo Phú Quốc với những ưu đãi của thiên nhiên là nơi du lịch hàng đầu của Việt Nam, hàng năm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, đảo Phú Quốc đã nhận được sự đầu tư lớn từ TW cũng như tỉnh Kiên Giang, với việc chủ trương cho thành lập đặc khu hành chính – kinh tế Phú Quốc, thành lập sân bay quốc tế Phú Quốc, dự án cáp ngầm xuyên biển 110 Kv Hà Tiên – Phú Quốc đã hoàn thành không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giữ vững chủ quyền quốc gia và bảo đảm quốc phòng – an ninh, mà còn góp phần đưa Phú Quốc nhanh chóng trở thành “hòn ngọc” của Việt Nam.

     Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh Kiên Giang còn một số hạn chế như: kinh tế phát triển chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu, chưa phát huy được lợi thế của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, du lịch… Mặc dù là tỉnh sản xuất lúa gạo, thủy sản đứng đầu cả nước nhưng thu nhập của người nông dân còn thấp và đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Vấn đề và giải pháp thúc đẩy phát triển

     Để đạt mục tiêu phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đồng thời đưa Kiên Giang trở thành một cực tăng trưởng, một đầu tàu trong VKTTĐVĐBSCL, theo tôi có những vấn đề lớn và những giải pháp cần phải được thực hiện là:

     Nâng chất những mũi nhọn từ kinh tế truyền thống, nhất là từ nông nghiệp truyền thống, bằng tăng cường đầu tư phát triển đi vào chiều sâu theo tiêu chí hợp sinh thái, công nghệ cao, tương thích với thị trường để có những sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường nói chung và cho hoạt động du lịch. Sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và dịch vụ tiêu thụ theo ngành hàng, như lúa gạo, thủy sản và sản phẩm gia súc gia cầm…phải luôn được xem trọng.

     Chấn hưng các hoạt động biên mậu bằng việc mở rộng các cơ sở mua bán – cửa khẩu và các chợ biên giới, bằng việc liên kết hợp tác với nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài khu vực biên giới, với cả nước bạn Campuchia và những nước thứ 3 có yêu cầu và khả năng quá cảnh qua biên giới về cung ứng và thiêu thụ gắn với các hoạt động biên mậu.

     Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ du lịch bằng cải thiện điều kiện xuất nhập cảnh du khách qua lại các cửa khẩu biên giới (bao gồm đường bộ và đường hàng không); nâng cấp hạ tầng giao thông cho du khách đi lại tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm du lịch trên phạm vi tỉnh và cả phía nước bạn Campuchia. Về lâu dài cần tính đến việc kết nối với đường Xuyên Á trên bộ và đường Xuyên Á trên sông, trên biển, nối liển các trung tâm kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của Việt nam, Campuchia và của cả khu vực. Nhiều tiềm năng của quần thể sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang có thể khai thác phát triển, ngoài tham quan các thắng cảnh Hà Tiên, Phú Quốc như: phát triển du lịch mạo hiểm (lặn biển, leo núi…), tham gia cùng làm ngư dân với dân bản địa… Ngoài ra, từng bước chú trọng phát triển liên tuyến du lịch dọc theo bờ biển của Vịnh Thái Lan, kết hợp Phú Quốc với những địa danh du lịch nổi tiếng khác như: Sihanoukville, Bangkok…

     Để đạt mục tiêu phát triển và phát triển bền vững với các mục tiêu cùng với giải pháp như đã nêu trên, còn có nhiều việc phải tập trung giải quyết. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy, hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư – cụm tuyến dân cư, điện, trường, nhà văn hóa, trạm y tế đề vừa thuận tiện đi lại và làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội trên toàn khu vực, là yếu tố cốt lõi, là giải pháp đột phá để phát triển. Nâng cấp đời sống tinh thần bằng phát triển giáo dục, tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, để nâng cao dân trí và làm lành mạnh hóa sinh hoạt xã hội, là yếu tố cơ bản, là giải pháp căn cơ của phát triển bền vững. Trong quản lý điều hành đời sống kinh tế xã hội có nhiều việc của các tổ chức chính quyền địa phương, cũng có việc của trung ương và các doanh nghiệp trong mối quan hệ hợp lý của phân công, phân cấp còn nhiều bất cập phải giải quyết./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020.

2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

3. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

4. Niên giám thống kê cả nước năm 2012 – Tổng cục thống kê.

5. Niên giám thống kê các tỉnh, thành: Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau năm 2012.

6. http://www.mdec.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1163&Itemi
d=163

7. http://baodautu.vn/kien-giang-kcn-thanh-loc-don-3350-ty-dong-xong-dat.html

8.http://www.vietrade.gov.vn/vung-kinh-te-trong-diem-dbscl/2441-khai-quat-tinhhinh-phat-trien-kinh-te-tinh-kien-giang.html

Trích dẫn tệp PDF từ: Trung tâm nghiên cứu Kinh tế miền Nam

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Kiên Giang-Động lực mới cho sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tác giả: Th.S Nguyễn Đỗ Trường Sơn)