Kinh nghiệm một số nước châu Á về phát triển du lịch làng nghề và gợi ý cho Việt Nam
EXPERIENCES IN SOME ASIAN COUNTRIES IN THE DEVELOPMENT
OF CRAFT VILLAGE TOURISM AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM
Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG VŨ, TRẦN THỊ TÚ NHI
TÓM TẮT
Làng nghề là một môi trường văn hóa lưu truyền những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán – sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình. Những làng nghề truyền thống như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc. Việc phát triển du lịch làng nghề đã được nhiều nước Châu Á nghiên cứu và triển khai thành công trên thực tế mang lại nhiều giá trị kinh tế và quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia trong đó phải kể đến Thái Lan, Nhật Bản… Trên cơ sở phân tích những chính sách và các mô hình phát triển du lịch làng nghề tại một số nước Châu Á, bài viết đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác hoạt động du lịch và bảo tồn những giá trị truyền thống của nước nhà.
Từ khóa: Làng nghề; làng nghề truyền thống; du lịch làng nghề ở Việt Nam.
ABSTRACT
Craft village is a cultural environment at which preserve the quintessence of folk arts and techniques, experiences of productions, customs and practices – cultural activities in community. In the progression of integration and opening up, traditional craft villages are gradually regaining their important positions. Traditional craft villages as an image of full identity, affirming their distinct and unique, cannot be replaced. Development of traditional craft villages associated with tourism not only brings economic benefits, creates jobs for local workers, but moreover, is also a way to preserve the values of national culture. The development of craft village tourism has been successfully researched and deployed by many Asian countries such as Thailand, Japan, etc that bring many economic values, and promotes the national tourism. On the basis of analyzing policies and models for craft village tourism development in some Asian countries, the article proposes a number of solutions to promote craft village tourism in Vietnam in the current context and contribute to improving the efficiency of tourism exploitation and preserving Vietnam traditional values.
Key words: Craft village; traditional craft village; craft village tourism in Vietnam.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Làng nghề truyền thống với các bí quyết nghề nghiệp riêng là sản phẩm độc đáo của nền văn hóa. Các làng nghề truyền thống đã tạo ra rất nhiều sản phẩm không chỉ đơn thuần là trao đổi thương mại mà còn có mặt giá trị về văn hoá và lịch sử. Đội ngũ nghệ nhân cùng với hệ thống bí quyết và quy trình công nghệ đã tạo ra các sản phẩm là những giá trị văn hóa thể hiện sự sáng tạo của cộng đồng địa phương. Những giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề chính là những yếu tố hấp dẫn, thu hút đối với khách du lịch. Trên cơ sở lợi ích mang lại từ việc phát triển du lịch làng nghề, một số quốc gia phát triển tại Châu Á đã có những chính sách quy hoạch và triển khai thành công một số mô hình du lịch làng nghề; trong đó phải nhắc đến là Thái Lan, Nhật Bản… Việt Nam là đất nước nông nghiệp truyền thống lâu đời trong khu vực Châu Á với nhiều làng nghề truyền thống ra đời và được giữ gìn nguyên vẹn bản sắc cho đến ngày nay. Việc gắn du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề đã được chính quyền một số địa phương trên cả nước đưa vào Nghị quyết và xem như một trong những hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, việc tiếp thu những kinh nghiệm về phát triển du lịch làng nghề tại một số nước có tính chất tương đồng trong khu vực Châu Á là điều rất quan trọng với Việt Nam góp phần hạn chế những tồn tại và phát huy những thế mạnh trong việc phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề trong bối cảnh hiện nay.
2. Cơ sở lý luận về làng nghề và hoạt động du lịch tại làng nghề
2.1. Làng nghề và làng nghề truyền thống
Nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, do đặc thù hoạt động theo mùa vụ nên đã tạo ra khoảng thời gian nông nhàn cho những người nông dân. Do nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cần có các vật dụng cho nên những người nông dân đã sử dụng thời gian nông nhàn của mình để làm ra các sản phẩm. Lúc đầu nó chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của chính bản thân họ. Sau đó, nó được đem đi trao đổi, buôn bán. Theo thời gian, nhiều nghề phụ ban đầu đã thể hiện vai trò to lớn của nó, mang lại lợi ích thiết thực cho cư dân. Nghề đem lại lợi ích nhiều thì phát triển mạnh dần, ngược lại những nghề mà hiệu quả thấp hay không phù hợp với làng thì dần dần bị mai một.
Theo Huỳnh Đức Thiện (2014), làng nghề là một cụm dân cư sinh sống tại nông thôn với hoạt động kinh tế truyền thống là sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có các hoạt động phi nông nghiệp, sản xuất một mặt hàng nào đó có tính chuyên môn cao và mang lại nguồn thu nhập cho cả làng [5].
Theo Trương Minh Hằng (2011), làng nghề là trung tâm sản xuất hàng thủ công, nơi quy tụ những nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính truyền thống lâu đời[6]. Làng nghề được hình thành và phát triển gắn với yếu tố lịch sử (phải được hình thành trong một thời gian nhất định) và yếu tố chuyên môn một nghề nào đó.
Thông tư số 116/2006/TT-BNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đã nêu ra rằng: “Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau”, “Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành lâu đời”. Thông tư 116/2006/TT-BNN cũng đã đưa ra các tiêu chí để nhận diện làng nghề truyền thống:
+ Số hộ và số lao động tham gia hoạt động theo nghề truyền thống ở làng nghề đạt từ 50% trở lên so với tổng số hộ và lao động của làng.
+ Giá trị sản xuất và thu nhập từ nghề truyền thống ở làng nghề truyền thống đạt trên 50% tổng giá trị sản xuất và thu nhập của làng trong năm.
+ Sản phẩm làm ra có tính nghệ thuật truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
+ Quá trình sản xuất được tuân theo bí quyết và công nghệ sản xuất truyền thống nhất định, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tiêu chí nhận diện trên đã chỉ ra những làng nghề truyền thống thường có đại đa số bộ phận dân số làng tham gia hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Trong làng nghề truyền thống, các hoạt động sản xuất mang tính tập trung, có nhiều nghệ nhân tài hoa và một nhóm người có tay nghề giỏi làm hạt nhân để phát triển nghề. Đồng thời sản phẩm làm ra mang tính tiêu biểu độc đáo, tinh xảo, nổi tiếng và đậm nét văn hóa dân tộc.
Làng nghề và làng nghề truyền thống là một môi trường văn hóa lưu truyền những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán – sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc.
2.2. Vai trò của làng nghề trong việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương
+ Làng nghề tạo việc làm cho người lao động và giảm thời gian nông nhàn ở nông thôn Làng nghề đóng góp tích cực về tạo việc làm ở nhiều địa phương, vì đặc điểm của làng nghề là sản xuất thủ công sử dụng nhiều sức lao động, số lượng lao động tại các cơ sở sản xuất rất đa dạng tùy theo quy mô và ngành nghề.
+ Tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động
Cùng với vai trò tạo việc làm cho lao động, các làng nghề còn góp phần tăng thu nhập cho các cơ sở sản xuất (các hộ gia đình). Làng nghề thu hút phần lớn các hộ gia đình tham gia và mang lại nguồn thu nhập từ hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Hoạt động sản xuất tại làng nghề mang lại nguồn thu nhập cho lao động lớn tuổi, lao động trình độ thấp, đặc biệt là lao động nông nhàn không thể rời bỏ nông nghiệp ở nông thôn.
+ Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông thôn
Làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống là một trong những hướng đi hiệu quả của các địa phương. Nhờ làng nghề mà các hộ gia đình cũng như lao động có việc làm, có thu nhập đời sống ổn định. Các cơ sở sản xuất trong làng nghề có vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, tạo ra việc làm và thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp đã góp phần cải thiện đời sống nông thôn.
+ Bảo tồn các giá trị văn hóa tại địa phương và phát triển du lịch
Làng nghề không chỉ là nơi sản xuất hàng hoá mà còn là môi trường phát triển văn hoá, kinh tế và xã hội, đồng thời là chiếc nôi của công nghệ truyền thống. Những nét văn hóa này từ lâu không thể thiếu và làm phong phú văn hóa của Việt Nam, nhiều làng nghề đã đi vào thơ ca, được đề cập trong các tác phẩm văn học và lịch sử. Ngành nghề truyền thống đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ, chính là di sản quý giá mà ông cha ta đã tạo lập để lại cho thế hệ sau.
2.3. Phát triển du lịch tại các làng nghề
Việc phát triển du lịch các làng nghề truyền thống là nhằm phục vụ mục đích “tìm hiểu” văn hóa, quy trình và thao tác sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của khách du lịch. Về mặt lý thuyết, hành trình du lịch bao gồm nhiều khâu như đi lại, ăn uống, lưu trú bên ngoài nơi cư trú thường xuyên và một số hoạt động dịch vụ bổ sung, hỗ trợ khác. Những dịch vụ trong hoạt động du lịch bao gồm dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ăn uống, lưu trú, dịch vụ hướng dẫn, tham quan du lịch, dịch vụ tổ chức các cuộc tham quan du lịch, dịch vụ tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong quá trình tham quan và lưu trú, và các dịch vụ bổ sung khác.
Trên cơ sở khái niệm tổng quát về du lịch, du lịch làng nghề được hiểu khái quát là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm do nghề thủ công của làng nghề tạo ra như là một đối tượng tài nguyên du lịch có giá trị, được khai thác để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, tham quan tìm hiểu du lịch, tham gia vào các công đoạn sản xuất các sản phẩm đặc trưng của làng nghề; từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và đất nước, góp phần tôn vinh, bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa và tăng cường vai trò kinh tế của làng nghề [7].
Phát triển du lịch làng nghề được hiểu là một quá trình tiến triển của nền kinh tế du lịch làng nghề trong một thời kỳ nhất định. Quá trình tiến triển kinh tế trong làng nghề là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội, sự tổ chức duy trì và bảo tồn không gian làng nghề truyền thống, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sự công bằng về phân phối. Phát triển du lịch làng nghề được xem xét cả hai mặt là quá trình và trạng thái phát triển. Phát triển du lịch tại làng nghề được xem là quá trình cung cấp hay tăng thêm về tiện nghi cũng như dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu du lịch. Bên cạnh đó phát triển du lịch làng nghề còn là sự tác động qua lại giữa địa phương và cộng đồng. Đánh giá về việc phát triển du lịch làng nghề cần thông qua việc đánh giá lượng khách du lịch, tình hình cung cấp dịch vụ, thái độ của cộng đồng địa phương.
2. Tình hình phát triển du lịch làng nghề tại mốt số quốc gia châu Á
2.1. Phát triển du lịch làng nghề tại Thái Lan
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (ITDR) năm 2013 trong “Kinh nghiệm phát triển du lịch làng nghề ở Thái Lan và một số địa phương tại Việt Nam”, việc tổ chức lại các làng nghề truyền thống ở Thái Lan đã tạo ra giá trị nhiều mặt: bảo tồn và nâng cao kỹ năng tay nghề nghệ nhân, gìn giữ văn hóa truyền thống, tạo thêm việc làm ở nông thôn, ngăn chặn làn sóng di cư vào đô thị, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm du lịch. Chính phủ Thái Lan đã có những bước tiến mới trong việc áp dụng chương trình chiến lược với ý tưởng “Mỗi làng một sản phẩm” (One Tambon One Product – viết tắt: OTOP) từ năm 2001. Điển hình như các làng nghề dệt lụa Mat Mee, làng nghề làm ô Bo Sang. Đây là chương trình chiến lược từ sáng kiến của Cục Xúc tiến Xuất khẩu (DEP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan. Mỗi làng nghề một sản phẩm không có nghĩa là mỗi làng chỉ có một sản phẩm mà mỗi làng có kỹ năng, văn hóa, truyền thống… riêng kết tinh trong sản phẩm trở thành đặc trưng riêng của làng nghề trong sản phẩm. Chính phủ hỗ trợ kết nối địa phương với toàn cầu, thông qua việc hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn tất đóng gói, tiếp thị, tổ chức kênh phân phối ở hải ngoại.
Sự phát triển chiến lược “Mỗi làng một sản phẩm” đã giúp nghề thủ công truyền thống của Thái Lan được duy trì. Nó đã giúp cho người dân Thái giải quyết được vấn đề việc làm, làm ra nhiều sản phẩm đặc sắc của từng địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân tham gia và điều quan trọng là giữ được giá trị tri thức truyền thống trong văn hóa lâu đời của họ. Ngoài ý nghĩa kinh tế, đây là cách bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên ở địa phương, và giữ gìn tri thức bản địa một cách hiệu quả.
Hiện nay, Thái Lan có khoảng 70.000 làng nghề truyền thống. Hằng năm, làng nghề truyền thống tại Thái Lan tạo ra nhiều sản phẩm thủ công có giá trị cao, đáp ứng cho việc tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra còn phục vụ cho du lịch và mang lại nguồn thu cao. Mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” đang trở thành sức hút không nhỏ đối với du khách quốc tế tại Thái Lan. Điển hình như làng nghề gốm sứ truyền thống Lampang với lịch sử hàng trăm năm. Sau gần 2 thập niên thực hiện mô hình trên, hiện Lampang có trên 200 cơ sở sản xuất lớn nhỏ cung cấp hàng triệu sản phẩm xuất khẩu mỗi tháng, mang về nguồn thu nhập lớn và việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ngoài ra, với chủ trương phát triển du lịch kết hợp với phát huy nghề gốm sứ truyền thống, làng nghề ở miền núi phía Bắc Thái Lan này đã thu hút tới hơn 500 nghìn khách tham quan mỗi năm.
Để triên khai tốt ý tưởng OTOP, Chính phủ Thái Lan đã thành lập Ủy ban OTOP quốc gia do Thủ tướng đứng đầu với các bộ, ngành có liên quan. Năm 2019, chỉ tính riêng nguồn thu từ buôn bán các mặt hàng OTOP qua các kênh như hội chợ, trang web trực tuyến, cửa hàng và lễ hội nước ngoài đã lên đến hơn 6 triệu USD; tổng doanh thu từ các sản phẩm OTOP vào khoảng hơn 7,3 tỷ USD. Chính hoạt động du lịch đã góp phần nâng cao giá trị hàng hoá địa phương (giá trị tăng thêm) và tạo điều kiện cho du lịch tại các làng nghề phát triển. Hành trình trải nghiệm của du khách qua việc tìm hiểu qui trình sản xuất sản phẩm, giao lưu với nghệ nhân và thử sức tạo ra sản phẩm… Ngoài ra, nhờ gắn với hoạt động du lịch mà các dịch vụ bổ trợ cũng phát triển đi kèm như vận chuyển, ăn uống… Xây dựng thành công chính sách và quy hoạch tốt đã giúp Thái Lan khai thác hiệu quả hoạt động du lịch tại các làng nghề. Việc xây dựng chính sách OTOP đã góp phần hạn chế việc đụng chạm lợi ích và phát huy tốt việc khai thác giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, chính việc xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm” cũng góp phần tạo ra sự riêng biệt, nét thu hút riêng của từng làng nghề truyền thống và tạo giá trị khai thác du lịch. Việc trùng lắp sản phẩm và cách thức khai thác sản phẩm sẽ tạo nên sự nhàm chán và giảm hiệu quả trải nghiệm của khách du lịch.
2.2. Phát triển du lịch làng nghề tại Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia điển hình ở châu Á về việc khai thác hoạt động du lịch làng nghề tại các vùng nông thôn trong điều kiện tài nguyên nông nghiệp không được thuận lợi. Tận dụng thời gian nông nhàn và giá trị văn hoá của những nghề thủ công truyền thống, du lịch tại các làng nghề vùng nông thôn và miền núi Nhật Bản có điều kiện để phát triển. Bên cạnh Luật Bảo tồn di sản văn hóa ban hành năm 1950, Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống (gọi tắt là Luật Nghề truyền thống) ngày 25/05/1974, trong đó quy định rõ vai trò của Chính phủ trung ương, chính quyền địa phương, cũng như các tiêu chí, biện pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển những ngành nghề thủ công đặc sắc.
Tỉnh Oita là địa phương khởi phát phong trào “Ipson Ipin” hay OVOP (Mỗi làng một sản phẩm) ở Nhật Bản. Theo đó, mỗi làng/xã/huyện sẽ lựa chọn ra những sản phẩm nông sản độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển như rau, quả, đồ gỗ… Đồng thời, gắn kết với các sản phẩm văn hóa, dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Ngôi làng nhỏ Yufuin vốn có 100% dân số sống bằng nông nghiệp. Khi bắt tay vào khai thác phát triển du lịch từ hoạt động nông nghiệp, người dân địa phương đã thành lập hội nghiên cứu và phát triển ẩm thực, nhằm khôi phục các món ăn truyền thống, với nguyên liệu chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đồng thời, cư dân bản địa còn sáng tạo ra các sản phẩm thủ công mang hình ảnh và thương hiệu du lịch Yufuin… Du khách đến với Yufuin được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực hấp dẫn và đặc biệt là được ngâm mình trong những suối nước nóng tự nhiên, có khả năng trị liệu và nghỉ dưỡng. Đến nay, Yufuin đã nổi tiếng khắp Nhật Bản là một điểm đến du lịch có cảnh quan thiên nhiên và môi trường an toàn, thân thiện, gắn với hình ảnh làng quê bình yên và tươi đẹp.
Trong 20 năm (1979 – 1999), phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” ở Oita đã tạo ra được 329 loại sản phẩm với tổng doanh thu là 141 tỷ yên/năm (trên 1.1 tỷ USD). Tỉnh Oita đã áp dụng nhiều sáng kiến bán hàng tới người tiêu dùng. Ví dụ như khu trưng bày và bán hàng gọi là “Konohana Garten”. Các hợp tác xã (HTX) đưa hàng đến giao cho “Konohana Garten” hằng ngày. Khi bán hàng tại “Konohana Garten”, giá bán do HTX quyết định. Trong đó, HTX trả siêu thị 8%, HTX hưởng 12% chi phí giao nhận, tìm kiếm thị trường còn lại 80% trả cho người sản xuất. Các mặt hàng tươi sống như rau, nấm, cá…, nếu không bán hết và chất lượng suy giảm sẽ được thu lại. Mỗi HTX chủ động tìm kiếm thị trường, tổ chức giao hàng đến các điểm tiêu thụ.
Hoạt động du lịch tại các làng nghề truyền thống tại Nhật Bản ngày càng phát triển với nhiều hoạt động trải nghiệm của khách hàng. Du khách ngoài tham quan tìm hiểu về lịch sự ra đời và phát triển của nghề truyền thống còn được tham gia vào qui trình sản xuất một số sản phẩm… Nghệ thuật cắt giấy – xếp giấy, ghép gỗ hoa văn hình học tại một số điểm du lịch làng nghề nổi tiếng như Hatajuku, Sekishu… đang thu hút rất nhiều khách du lịch hằng năm. Ngoài ra, tại các điểm du lịch làng nghề cũng có nhiều dịch vụ bổ trợ được đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Hàng hoá thủ công được bày bán khắp nơi và được xem như các hàng lưu niệm có giá trị để du khách có thể mua sắm. Chính hoạt động du lịch đã góp phần thúc đẩy giá trị tăng thêm của sản phẩm thủ công và quảng bá hình ảnh, giá trị truyền thống của đất nước đến bạn bè quốc tế.
3. Một số định hướng phát triển du lịch làng nghề tại Việt Nam
Phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch không những mang lại lợi ích kinh tế cho cộng địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tại Việt Nam, hoạt động du lịch làng nghề đã phát triển trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch làng nghề tại địa phương trên cả nước còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng. Trong định hướng phát triển du lịch tại địa phương cần có những đinh hướng rõ ràng, chiến lược lâu dài và bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác du lịch.
Trước hết, cần đẩy mạnh đến việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại các làng nghề nhằm nâng cao doanh thu từ hoạt động du lịch; đẩy mạnh loại hình có sự tham gia của cộng đồng, vinh danh các nghệ nhân và có nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc liên kết với các làng nghề khác cũng như các điểm tham quan khác, hấp dẫn trong địa phương nhằm kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch và nâng cao doanh thu từ hoạt động du lịch tại các làng nghề. Tuy nhiên cần xây dựng mô hình tốt “Mỗi làng một sản phẩm“để tránh lặp lại và gây ra sự nhàm chán cho du khách.
Thứ hai, cần phát triển cở sở hạ tầng – cở sở vật chất kỹ thuật phục vụ tại các điểm du lịch làng nghề. Hầu hết các làng nghề truyền thống Việt Nam đều phân bố tại các vùng nông thôn và miền núi nên các điều kiện để phát triển du lịch đều rất hạn chế. Vì vậy, cần nâng cấp tuyến đường giao thông quốc lộ và các tuyến đường nội bộ để có thể tạo điều kiện cho du khách tiếp cận dễ dàng với các điểm du lịch làng nghề; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, mở rộng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống gần gũi với thiên nhiên; nâng cấp hệ thống y tế, bưu điện đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch tại các làng nghề.
Thứ ba, cần chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch. Chính quyền địa phương cần có chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực, mở những lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương. Nguồn nhân lực tại địa phương chính là nguồn nhân lực có giá trị và nếu được đào tạo bài bản sẽ mang lại hiệu quả cao để góp phần thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.
Thứ tư, cần đẩy mạnh và quảng bá thương hiệu và hình ảnh. Tăng cường hoạt động marketing để giới thiệu du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề tại địa phương trên cả nước. Xây dựng chương trình tuần lễ du lịch làng nghề. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch địa phương có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm; đây còn là dịp để quảng bá thương hiệu du lịch làng nghề đến bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, trong công tác quản lý của các cấp chính quyền; thành lập cơ quan chuyên trách quản lý về hoạt động du lịch. Chính quyền địa phương trên cả nước cần nghiên cứu và định hướng phát triển lâu dài hoạt động du lịch gắn với làng nghề; đẩy mạnh liên kết ngành, liên kết vùng để nâng cao hiệu quả khai thác du lịch. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống thông qua hoạt động du lịch; chú ý giữ gìn các nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người nông dân, giữ gìn các giá trị tâm linh, tinh thần, những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng địa phương; cần trùng tu và bảo vệ các công trình kiến trúc có ý nghĩa về lịch sử văn hóa của làng. Cần có những qui định rõ ràng về văn bản pháp luật hơn cho việc phát triển du lịch và bảo tồn di sản làng nghề trên phạm vi cả nước để tạo hành lang pháp lý và cơ sở để quản lý hoạt động du lịch tại các làng nghề địa phương.
Phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích cho nhiều địa phương. Chính vì vậy, cần định hướng phát triển rõ ràng và xây dựng những chiến lược lâu dài sẽ góp phần trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tại địa phương.
4. Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập và mở cửa, việc kết hợp phát triển du lịch với việc phát triển làng nghề được xem là một trong những hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm triển khai hoạt động du lịch làng nghề, nhiều địa phương trên cả nước đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, góp phần nâng cao đời sống cho cộng địa phương cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Trong thời gian sắp tới chính quyền địa phương và ngành du lịch các tỉnh thành trên cả nước cần có những định hướng và chiến lược lâu dài để phát huy những điểm manh, hạn chế các điểm yếu trong việc phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch để đảm bảo sự phát triển hài hòa về kinh tế – xã hội, môi trường và lợi ích cho cộng đồng địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Mai Thế Hởn (2003). Bảo tồn và phát triển làng nghề trong công cuộc Công nghiệp hóa – hiện đại hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[2] Dương Bá Phượng (2001). Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3] Bùi Văn Vượng (2002). Làng nghề truyền thống Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin.
[4] Trần Quốc Vượng (1994). Bảo tồn và phát triển làng nghề ở vùng đồng bằng sông Hồng, Viện kinh tế học.
[5] Huỳnh Đức Thiện (2014). “Tìm hiểu về làng nghề và vai trò của làng nghề ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí hội thảo “Làng nghề và phát triển du lịch”, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM.
[6] Trương Minh Hằng (2011). “Nghề và làng nghề thủ công Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội.
[7] Hoàng Văn Châu, Phạm Thị Hồng Yến, Lê Thị Thu Hà (2007). Làng nghề du lịch Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân;
3(46) (2021); 130-136
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Kinh nghiệm một số nước châu Á về phát triển du lịch làng nghề và gợi ý cho Việt Nam (Tác giả: Nguyễn Quang Vũ; Trần Thị Tú Nhi) |