Kỹ thuật của người An Nam – Phần 4: Không giữ đúng nguyên bản. Sự nhầm lẫn làm sai lạc ý nghĩa
NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)
4.1 SỰ GIỚI THIỆU TRƯỚC ĐÂY
4.1.1 Không giữ đúng nguyên bản
a. Trong những trang đầu nói về lịch sử vấn đề, chúng ta có đề cập đến những nơi, những người đã tiếp xúc giới thiệu bộ tư liệu nói trên với nhiều cách khác nhau. Nhìn chung ta có thể tóm lược được như sau:
Có lẽ Pierre Huard là người sớm thông tin về cuộc đời tác giả, tác phẩm trên tạp chí Viễn Đông Bác Cổ như đã biết (1).
Sau này khi cùng hợp tác với Maurice Durand để viết quyển “Hiểu biết về Việt Nam” (2) trong phần thư mục Pierre Huard có nhắc tới Henri Oger qua quyển: “giới thiệu khái quát về nghiên cứu kĩ thuật người An Nam” (3).
__________
(1) PIERRE HUARD – Le pionnier de la technologie Vietnamienne T.L VII – B.E.F.E.O –1970, page 215 – 217.
(2) Pierre Huard and Maurice Durand – Connaissance du Vietnam – École Française d’extrême-Orient, Hanoi,1954.
(3) Henri Oger – Introduction général à l’étude de la technique du peuple annamite, essais sur la vie matérielle, les arts et industries du peuple d’Annam, Paris, Geuthner, 1908.
Tuy nhiên, Pierre Huard đã không sử dụng kí hoạ của Henri Oger để minh hoạ cho tác phẩm của mình (phần trước đã nói rõ).
b. Nếu so sánh các bức vẽ đã giới thiệu với nguyên bản, ta thấy người đi trước đã che mắt bộ phận ngôn ngữ, mà nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng chính đó là “bố cục thứ hai” này, chúng ta thử nhìn qua cách giới thiệu trước đây như thế nào.
1. Có những bức đã bỏ bớt một bộ phận tạp hình như bức “lái trâu”(hình 95) triển lãm tại nhà văn hoá Bourges (Paris) từ 10.6.78 đến 5.7.78. Ta sẽ thấy nguyên bản của bức vẽ này có bóng con trâu (xem hình 132). Con trâu này đáng để đề cập đến.
Hình 95: LÁI TRÂU (theo Phạm Ngọc Tuấn, triển lãm tại Paris, 1978)
Hình 132
Tri thức Bách Khoa thuộc Viện Từ điển bách khoa khi giới thiệu chiếc “áo nậu” cũng đã cắt bớt con ngựa gỗ (hình 96). Tuy nguyên bản không chú giải Hán Nôm, nhưng Henri Oger có chú thích chữ Pháp ở tập sách giới thiệu: “kéo ngựa gỗ trong đám rước thần” (la statue en bois du cheval est tirée dans une procession de génie) (hình 97).
Hình 96: ÁO NẬU (bị cắt mất con ngựa)
Hình 97: KÉO NGỰA GỖ TRONG ĐÁM RƯỚCTHẦN
2. Có những bức, thay vì bớt đi lại được ghép thêm vào như bức mô phỏng “lính xưa” (hình 98) của Nguyễn Thụ để minh hoạ trên bộ Thi ca Bình dân Việt Nam – Toà lâu đài văn hoá dân tộc (quyển 4, trang giữa 346, 347).
Hình 98: LÍNH XƯA (của Nguyễn Thụ)
Nguyên bản chính là hai bức: “Pháo thủ” (hình 99) và”đội binh” (hình 100).
Theo quy chế đời Nguyễn, lính chia ra: lính cơ và lính vệ. Lính vệ được tuyển chọn từ Nghệ An tới Bình Thuận, đóng ở Huế. Trong trận chiến giữa Pháp và ta ở xứ Bắc, triều đình Huế đã gửi ra Bắc Hà 8000 lính vệ, đặt dưới quyền của một Kinh lược. Còn lính cơ là lính ở Bắc thì giữ các tỉnh ngoài ấy. Về sau Pháp đặt nền bảo hộ thì lính cơ được lính khố xanh thay thế, còn lại số ít thì đặt dưới quyền điều khiển của tổng đốc các tỉnh.
Hình 99: LÍNH PHÁO THỦ (của Henri Oger)
Hình 100: ĐỘI BINH (của H. Oger)
3. Có những bức không ghép thêm cũng không cắt bớt nhưng lại sửa nét.
Chiếc đàn bầu của Nguyễn Thụ (trang giữa 128, 129) có hạ thấp sợi dây đàn khi giới thiệu cảnh “Hoà nhạc”(hình 101). Cây đàn này nghệ nhân có vẽ riêng (xem hình 156).
Hình 101: HOÀ NHẠC (của Nguyễn Thụ)
Xẩm chợ thường gảy đàn bầu làm kế sinh nhai. Đây là thứ đàn hoàn toàn Việt Nam, chỉ có một dây nên gọi là độc huyền cầm. Đàn bầu thường độc tấu vì khó hoà âm với các đàn khác như đàn cò, đàn kìm. Trong hình vẽ chúng ta chú ý ngay đến một sợi dây đàn, cột ngay trên đầu cần chứ không như đàn bầu mà chúng ta thấy ngày nay.
Ca dao có câu: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu “vì tiếng đàn này bị xem là tục nhạc, đêm thanh.
Ta xem lại nguyên bản của nghệ nhân mà Henri Oger chú giải: “Phường mù đánh nhạc” (Bande d’aveugles jouant de la musique) (hình 102). Tri thức Bách khoa đề tựa bức vẽ này là: “Một cuộc biểu diễn”.
Hình 102: PHƯỜNG MÙ ĐÁNH NHẠC
4. Song lại có bức không chỉ ghép hình mà còn vẽ thêm như bức “Thả diều” và “Đánh cờ chó” của Nguyễn Thụ (hình 103) (trang giữa 224 –225).
Hình 103: THẢ DIỀU VÀ ĐÁNH CỜ CHÓ (của Nguyễn Thụ)
Ta hãy nhìn vào bàn cờ chó trông như có vẽ thêm hình con chó, nếu so với nguyên bản. Bức nguyên bản này có chữ 4 Nôm: “Đánh cờ chân chó”(hình 104).
Hình 104: ĐÁNH CỜ CHÓ
Bức thứ hai, nguyên bản có ghi: “Cái diều cóc” (hình 105) với dòng thuyết minh chữ Hán:
“Hạ thử viêm nhiệt đã hữu luân phong, cổ đồng tử năng tri thử vật tục ngôn: “cái diều cóc”, đãi thiên hữu phong tắc phóng thử dĩ vọng thanh khí”
Tạm dịch:
(Mùa hè nóng nực, thường có gió nam thổi mát. Trẻ con làm vật này, gọi là diều cóc, đợi khi có gió, thả diều lên không).
Hình 105: CÁI DIỀU CỐC (có chú thích chữ Hán, nội dung “mùa hè nóng nực,
thường có gió nam thổi mát. Trẻ con làm vật này gọi là diều cóc, đợi khi có gió,
thả diều lên không)
4.1.2 Sự nhầm lẫn làm sai lạc ý nghĩa
Từ cách khai thác như trên đã dẫn đến nhầm lẫn làm sai lạc ý nghĩa đích thực như sau:
a. Đáng chú ý hơn cả là bức mà Nguyễn Thụ vừa bỏ bớt vừa đặt tên cho bức vẽ theo cách nhìn riêng. Bức “lái lợn” (trang giữa 80- 81) cho ta hình dung được “cảnh chợ chiều” của giới lái buôn hồi đó (?) (hình 106). Thực chất nguyên bản đã ghi lại cảnh “cu li tìm việc” (hình 107). Có lẽ vì chiếc đòn ống mà những người này đang ôm bên mình trông cũng hao hao chiếc “tròng bắt lợn” mà ta đã thấy ở hình 41 chăng?
Hình 106: LÁI LỢN (của Nguyễn Thụ)
Hình 107: CU LI TÌM VIỆC (của H. Oger)
b. Tương tự, Tri thức bách khoa có đề tựa một bức là “guồng chỉ” (hình 120) trong khi nguyên bản lại ghi: “Trang trí một chiếc lọng”.
Một bức khác. Tri thức bách khoa ra đề: “Áo phu xe”, còn bản gốc lại viết 5 chữ Nôm bên cạnh “cu li xe thay quần” (hình 122). Lại một bức khác nữa mà chúng ta có thể cảm nhận ngay với người đề tựa “Sức trai” (hình 128). Nhưng nghệ nhân không nghĩ như thế, mà viết 3 chữ Nôm: “người khoả áo” trong khi Oger lại chú giải chữ: “cách phục sức của người lao động khi làm việc”. Những trường hợp trên đây còn có thể dẫn chứng thêm một số nữa…
Hình 122: CU LI XE THAY QUẦN
Hình 128: CÁCH PHỤC SỨC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI LÀM VIỆC (Henri Oger)
Hình gốc: đen trắng.
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập tone màu sepia cho ảnh minh họa.