Luận bàn về nội hàm nghệ thuật một số motip trang trí trong kiến trúc phong cách Đông dương tại Hà Nội
DISCUSSION OF ART CONNOTATION OF SOME DECORATIVE MOTIP
IN THE INDOCHINA-STYLE ARCHITECTURE IN HANOI
Tác giả bài viết: BÙI THỊ THANH HOA
(Trường Đại học Mở Hà Nội)
TÓM TẮT
Trong các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng thì trang trí kiến trúc luôn là một phần quan trọng không tách rời trong tổng thể khối kiến trúc, nó không đơn thuần chỉ làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ mà nó chính là một thành tố quan trọng định hình nên một phong cách kiến trúc mới “kiến trúc Đông Dương”. Hơn một thế kỷ qua, các công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương ở Hà Nội vẫn có một vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ Đô. Những công trình này vừa là hiện vật sinh ra trong lịch sử đồng thời là nhân chứng lịch sử phản ánh một giai đoạn giao lưu tiếp biến văn hóa nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây. Đặc biệt những motip trang trí trên các công trình kiến trúc ở Hà Nội cho phép chúng ta dễ dàng nhận diện được những đặc trưng rất riêng của một phong cách kiến trúc xuất hiện đầu thế kỷ XX, mà chúng ta không thấy xuất hiện trên bất kỳ phong cách kiến trúc nào khác ngoài phong cách kiến trúc Đông Dương.
Bài viết nhằm chỉ ra những đặc trưng của nghệ thuật trang trí kiến trúc Đông Dương từ đó làm lộ diện những nội hàm văn hóa nghệ thuật của phong cách kiến trúc này.
Từ khóa : phong cách, kiến trúc Đông Dương, trang trí, nghệ thuật…
ABSTRACT
In Indochinese style architectural works in Vietnam in general, and in Hanoi in particular, architectural decoration is always an important and inseparable part of the overall architectural block, it does not merely add aesthetic value, but is also an important element shaping a new architectural style “Indochina architecture”. For more than a century, Indochina-style buildings in Hanoi still have an important place in the material and spiritual life of the people of the Capital. These constructions are both historical artifacts and witnesses refl ecting a period of cultural and artistic exchange between the East and the West. Especially, the motifs decorated on architectural works in Hanoi allow us to easily identify the very specifi c characteristics of an architectural style that appeared in the early twentieth century, which we do not see on any architectural style other than Indochinese architectural style.
The article aims to show the characteristics of Indochinese architectural decoration art, thereby revealing the cultural and artistic contents of this architectural style.
Keywords: Indochina style, architecture, decoration, art…
x
x x
1. Đặt vấn đề
Trang trí là một “Hình thái nghệ thuật đặc biệt” của con người, là một phạm trù thẩm mỹ phục vụ cuộc sống con người, là nghệ thuật làm ra “cái đẹp” để thỏa mãn nhu cầu trước hết là thông tin, giao tiếp với những ký hiệu gắn liền với những tiến bộ và sự phát triển tất yếu của đời sống vật chất và tinh thần của con người. Trang trí là nghệ thuật sắp xếp bố trí hình mảng, đường nét, màu sắc, khối lượng… để tạo nên một vật phẩm đẹp và tiện nghi phục vụ cho nhu cầu đời sống tinh thần, thuận tiện cho lao động sản xuất, vui chơi, giải trí của con người hàng ngày. Trang trí là nhu cầu của trí tuệ, nó phản ánh sự phát triển về mặt văn hóa của mỗi người, đưa cái đẹp vào cuộc sống, tạo nên sự hài hòa giữa xã hội – con người với tự nhiên, nâng cao năng lực thụ cảm và sự sáng tạo của con người. Trang trí mỹ thuật trong kiến trúc là nhằm làm cho công trình đáp ứng đầy đủ 3 yếu tố về cái đẹp đó là cái đẹp bên ngoài của công trình, cái đẹp bên trong của công trình và cái đẹp tổng thể của công trình trong môi trường. Các mô típ trang trí trên các thành phần kiến trúc góp phần làm đẹp, duyên dáng thêm nội thất kiến trúc tạo nên sự tinh tế, trang nhã cho toàn bộ công trình.
Khi nghiên cứu về kiến trúc phong cách Đông Dương, đặc biệt là những trang trí trên kiến trúc cần phải đặt chúng trong một tổng thể, bối cảnh lịch sử, tương quan giữa thời gian và không gian, tương quan giữa các công trình kiến trúc với cảnh quan môi trường thiên nhiên, không thể bỏ qua điều kiện địa lý khí hậu ở Hà Nội.
Những tìm tòi sáng tạo của kiến trúc sư Ernest Hébrard† và các kiến trúc sư cùng thời kỳ với phong cách kiến trúc Đông Dương đã có nhiều ảnh hưởng và đóng góp rất đáng trân trọng vào xu hướng sáng tác tìm về các giá trị mỹ thuật truyền thống. Những công trình do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế đã thể hiện một diện mạo mới cho các công trình kiến trúc mang kiểu dáng Pháp, tuy nhiên những hình thức trang trí trên các công trình đó lại cho thấy một vẻ đẹp đậm chất Á Đông, trên những bố cục của mặt đứng công trình hay trên mặt trần đan xen với những hình khối khỏe khoắn mang tính tỷ lệ của thời kỳ cổ điển Châu Âu là những motip trang trí truyền thống kiểu phương Đông. Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa và ẩn sâu trong nó là những nội hàm văn hóa nghệ thuật cho phép chúng ta dễ dàng nhận diện phong cách Đông Dương tại Hà Nội.
2. Kiến trúc Đông Dương là sự giao thoa tinh hoa văn hóa nghệ thuật phương Tây và tinh hoa văn hóa nghệ thuật phương Đông.
Bắt đầu từ những năm 1880 ở thời kỳ tiền thuộc địa, người Pháp vào Đông Dương khai phá đã mang tới phong cách kiến trúc phương Tây bản địa. Những năm đầu của thời kỳ thuộc địa ở Đông Dương kiểu dáng kiến trúc thời kỳ này thường là sự dập khuôn nguyên mẫu của các công trình phỏng theo chính quốc, không thực sự thích ứng với điều kiện tự nhiên và khí hậu ở Việt Nam. Khi đó họ nhận ra rằng khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, nên bản thân kiến trúc sẽ phải thay đổi để thích nghi với điều kiện không thuận lợi, khác với chính quốc. Các kiến trúc sư người Pháp trong quá trình thiết kế cũng đã tìm cách cải biên từ kiến trúc bản xứ sao cho thích ứng với khí hậu, sử dụng các kỹ thuật và vật liệu địa phương.
Do đặc điểm vị trí địa lý của Việt Nam là nơi giao lưu với kiến trúc Trung Quốc từ hơn 2 thiên niên kỷ, từ nhiều thế kỷ với kiến trúc Chăm, Khơme và thậm chí có cả Nhật Bản. Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, kiến trúc ở Việt Nam tồn tại song song 3 hệ thống là: kiến trúc Pháp, kiến trúc Việt Nam và kiến trúc thuộc địa. Trong thế kỷ XVII và XVIII, sự xuất hiện của các nhà truyền giáo và những kỹ sư, kiến trúc sư Châu Âu đã đánh dấu điểm khởi đầu cho sự trao đổi kiến trúc với phương Tây. Chính sự giao lưu tiếp biến văn hóa – nghệ thuật này đã dẫn đến nhiều sự trộn lẫn trong các hình thức kiến trúc để tạo ra một phong cách kiến trúc mới. Đây là phong cách thành công nhất trong việc tạo ra những công trình kiến trúc đẹp, hiện đại, phù hợp với khí hậu, cảnh quan và văn hoá truyền thống bản địa thời kỳ Pháp thuộc. Kiến trúc Đông Dương là sự kết hợp tinh tế giữa những cái đẹp của nền văn hóa Việt với sự tinh tế của kiến trúc Pháp. Lối kiến trúc này không mang đến sự áp đặt của kiến trúc Pháp mà còn tồn tại cái đẹp của kiến trúc Việt. Khác với kiến trúc Đông Dương ở Sài Gòn chịu ảnh hưởng nhiều của nghệ thuật Trung Hoa hay kiến trúc Đông Dương ở Huế lại mang nhiều đặc điểm của nghệ thuật cung đình, kiến trúc Đông Dương tại Hà Nội mang trong mình một vẻ đẹp cổ kính theo kiểu kinh viện châu Âu.
Các công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương tại Hà Nội đã có những sự cải biến nhất định, mặt bằng, hình khối kiến trúc không hoàn toàn theo kiểu Pháp, đã có sự tìm tòi, biến đổi về mặt không gian và các hình thức trang trí trên kiến trúc nhằm tạo ra những công trình có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống văn hoá bản địa. Các kiến trúc sư theo phong cách này thường sử dụng những hình thức và chi tiết kiến trúc truyền thống Việt Nam trong việc tạo nên các bộ mái, ô văng che cửa, cùng các họa tiết trang trí khác. Những giá trị tinh tế, cổ điển của Pháp kết hợp với văn hóa Việt tạo nên kiến trúc đẹp riêng của kiến trúc Đông Dương thể hiện rất rõ nét trên các motip trang trí trên kiến trúc.
Trang trí trên kiến trúc là sự thể hiện những mô típ hoa văn đẹp mắt làm tô điểm thêm vẻ đẹp cho toàn bộ công trình. Nếu như ở phía ngoài người ta tìm mọi cách để tạo ra không gian gắn chặt giữa thiên nhiên với kiến trúc bằng cách tìm kiếm, cải tạo, bố trí những gì có thể để làm tăng thêm cái đẹp hài hòa, gần gũi thì bên trong công trình họ thường tận dụng nhiều vị trí và các điểm trống của công trình để tạo ra không gian mỹ cảm bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật đẹp mắt. Trang trí trên kiến trúc các công trình mang phong cách Đông Dương tại Hà Nội có thể thấy cùng là các dạng motip trang trí mang tính hình học hay các motip trang trí thực vật nhưng cách sử dụng các dạng motip kiểu phương Tây hay phương Đông cho thấy sự tinh tế trong cách sử dụng và bao hàm những ý nghĩa quan niệm tư tưởng của từng vùng văn hóa khác nhau, giá trị văn hóa nghệ thuật mà kiến trúc sư muốn truyền tải vào công trình. Khi nghiên cứu các công trình kiến trúc Đông Dương tại Hà Nội có thể nhận thấy sự kết hợp Á – Âu ở các phương diện sau:
* Hình thái kiến trúc
Trong các bản thiết kế mặt bằng kiến trúc các công trình phong cách Đông Dương hiện còn lưu giữ được của các kiến trúc sư người Pháp, chúng ta thấy rất rõ sự khác biệt giữa các công trình mang phong cách Tân cổ điển với phong cách Đông Dương. Phong cách Tân cổ điển với thiết kế khối kiến trúc thống nhất, to lớn trên mặt bằng hình học, vuông hoặc chữ nhật, chiều cao của các tòa nhà lớn có mái hình tam giác bẹt theo kiểu kiến trúc La Mã (kiến trúc công trình Phủ Chủ Tịch) hoặc các mái nhọn cao vút lên bầu trời như lưỡi kiếm theo kiểu Gothic (kiến trúc công trình Nhà thờ lớn) có nhiều cửa sổ, nhiều cột trụ được bố trí cả trong và ngoài khối kiến trúc họa tiết trang trí đều có nguồn gốc từ văn hóa phương Tây. Tổng thể công trình giống như một pháo đài khép kín.
Kiến trúc Đông Dương có sự khác biệt mặt bằng kiến trúc là sự kết hợp của hình học và lối kiến trúc Hán tự (Mặt bằng cơ bản của kiến trúc đình chùa ở Việt Nam), chiều cao của các tòa nhà không quá lớn, mái là sự tổng hòa của tam giác bẹt và tam giác nhọn tạo ra một tam giác cân với độ dốc hài hòa giống như chiếc nón đội của người phụ nữ Việt, đây là hình bóng của mái đình và mái chùa. Không gian của kiến trúc Đông Dương là không gian mở với nhiều cửa sổ và cửa chính liên kết với một vùng đệm chính là hành lang dẫn ra các hướng đi khác nhau. Trên hệ mái của các công trình kiến trúc Đông Dương có sự kết hợp rất tài tình của hệ mái khối nhà chính với các tháp thường là hình bát giác đây là sự chọn lọc đầy tinh tế của các kiến trúc sư, nó không quá vuông vức như các tháp của nhà thờ Gothic nhưng cũng không tròn như thời kỳ Roman, ẩn chứa trong đó sự tinh hoa triết học Phương Đông (Đồ hình Bát quái xuất hiện trên tòa nhà bộ Ngoại Giao, tòa nhà Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam), hệ thống cột trụ được lược giản mang tính gợi hình và trang trí nhiều hơn. Nghệ thuật trang trí kiến trúc trong và ngoài công trình kiến trúc Đông Dương là sự pha trộn hài hòa giữa văn hóa Âu – Á là những kiến thức tự nhiên và con người hai châu lục khác nhau. Ngoài ra còn là sự kết hợp của kỹ thuật xây dựng tiên tiến và kỹ thuật truyền thống, kết hợp của các vật liệu hiện đại và các vật liệu sẵn có đặc trưng. có sự thay đổi để thích ứng với điều kiện tự nhiên, khí hậu như sử dụng kỹ thuật xây nhà bằng gỗ, vì kèo đố, vật liệu tre, mây kỹ thuật làm mộng….
* Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc
– Sự kết hợp giữa hội họa phương tây và phù điêu trang trí truyền thống Á Đông.
Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam Hội họa không phải là thế mạnh, chúng ta được biết đến với phù điêu và điêu khắc nhiều hơn, trái lại nghệ thuật hội họa phương tây phát triển hơn và có rất nhiều thành tựu nổi bật, đây cũng chính là hai thành tố nghệ thuật xuất hiện nhiều nhất trên các công trình kiến trúc Đông Dương. Công trình Đại học Đông Dương là công trình đầu tiên của kiến trúc sư Herbrard tiêu biểu cho phong cách Đông Dương, những trang trí trên kiến trúc của công trình này đã sử dụng chủ yếu là kỹ thuật xây dựng và thủ pháp trang trí kiểu phương Tây như sử dụng nghệ thuật trang trí kim loại, tranh kính, nghệ thuật ghép mảnh mosaic, kỹ thuật vẽ tranh hoành tráng. Vật liệu sử dụng trong công trình cũng được thiết kế với những loại vật liệu phương Tây như những trang trí hoa sắt trên cổng, hành lang và lan can, ấn tượng với tác phẩm tranh hoành tráng do họa sĩ Victor Tardieu thực hiện, mô tả cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 với sự hiện diện của 200 nhân vật đại diện cho xã hội thời bấy giờ. Các lối đi, hình nổi trên tường và tất cả các chi tiết trang trí được chạm khắc với độ chính xác tuyệt vời. Các họa tiết trang trí bằng thạch cao nổi bật xung quanh cửa ra vào và cửa sổ hơn là bị lõm. Những bức tượng có thể được đặt trong hốc hoặc đặt trên chân cột. Đặc biệt để trang trí cho không gian phía dưới sảnh kiến trúc sư đã sử dụng kỹ thuật ghép mảnh mosaic với những họa tiết trang trí hình kỷ hà của phương Tây.
Bố cục nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất trong các công trình kiến trúc Đông Dương là bố cục đăng đối, đối xứng. Điều trùng hợp trong nghệ thuật Á – Âu cổ điển đều rất ưa dùng loại hình bố cục nghệ thuật này, bởi nó tạo ra sự cân đối hài hòa, sự vững trãi ổn định, tính trường tồn và tôn nghiêm. Nó rất đúng với tính chất, chức năng và mục đích của các công trình kiến trúc này.
Màu sắc: Được chia làm hai trường phái và phổ hệ khác nhau trong quan niệm nghệ thuật của hai nền văn minh Á – Âu một cách rõ nét:
– Hệ màu Á Đông sử dụng chủ đạo trong trang trí kiến trúc Đông Dương gồm các màu: Đỏ, Vàng, Nâu, Trắng, Đen.
– Hệ màu Châu Âu sử dụng trong trang trí kiến trúc Đông Dương gồm các màu: Xanh dương, xanh nước biển, xanh lá cây, đỏ, vàng, ghi, trắng, đen.
– Các motip trang trí mang ý nghĩa triết lý.
+ Triết lý âm dương: Âm – Dương là một học thuyết xuất hiện ở Á Đông từ thời Cổ đại. Đây là một khái niệm trừu tượng, phản ánh về tính chất đối lập trong sự luôn thống nhất với nhau của hai mặt, hai thế lực luôn phải cùng dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Triết lý Âm Dương được thể hiện rất đa dạng và phong phú, đó là sự tương phản của các ý niệm về: trên – dưới, cao – thấp, vuông – tròn, động – tĩnh, sáng – tối, nóng – lạnh, cứng – mềm, đặc – rỗng… Cũng từ học thuyết này, hai hệ thống triết lý khác đó là hệ thống Tam Tài, Ngũ Hành và Tứ Tượng, Bát Quái đã được hình thành. Người Trung Quốc gọi Âm Dương là lưỡng nghi và trình bày sự hình thành vũ trụ như sau: “lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng” (hai sinh bốn, bốn sinh tám). Triết lý Âm Dương là cơ sở để xây dựng nên hai hệ thống khái quát hóa về mô hình vũ trụ, cùng với thời gian những triết lý và quan niệm nêu trên đã tác động đến toàn bộ đời sống của cư dân Á Đông và hình thành nên hệ giá trị văn hóa mà ngày nay được xem là văn hóa truyển thống. Một sáng tác nghệ thuật sẽ chỉ có ý nghĩa khi mà hình thức của nó giúp cho người sáng tác chuyển tải được những hàm ý văn hóa nhất định. Do vậy, nghiên cứu về các hiện tượng văn hóa ở khu vực này như các motip nghệ thuật trang trí truyền thống thì những quan niệm – triết lý – văn hóa tiêu biểu này có một ý nghĩa then chốt.
Có thể thấy triết lý về âm dương cung cấp cho con người ta một biểu đồ của sự hình thành và vận động của vũ trụ với sự thống nhất và cân bằng. Con người cần tuân theo những quy luật của vũ trụ và đừng cố phá vỡ trật tự và cân bằng của vũ trụ, hiểu cụ thể hơn đó là sự cân bằng trong mọi mặt của đời sống con người.
+ Triết lý Ngũ hành: theo quan niệm của triết học cổ phương Đông, là năm yếu tố tượng trưng cho mọi vật chất trong thế giới. Ngũ hành có tính tương sinh và tương khắc: sinh ra nhau tiếp nối bền vững và khắc lẫn nhau để tiết chế những yếu tố quá đà.
Một sự vật muốn có được sự hoàn thiện và vững vàng với sự hội tụ của các yếu tố vũ trụ phải có đủ 5 yếu tố của Ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ tạo thành một vòng tuần hoàn. Dựa vào tri thức này người Á Đông muốn giải thích các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và đời sống xã hội, chẳng hạn như: Quy luật cùng tồn tại, quy luật đoàn kết nương tựa vào nhau, các tính chất đối kháng nhau, cách hóa giải sự đối kháng, các yếu tố tương sinh khi kết hợp lại với nhau… nó trở thành phép ứng biến trong nhân sinh quan và thế giới quan.
+ Quan niệm Bát quái: theo quan niệm của triết học cổ phương Đông gồm tám quẻ trong Dịch học, là bốn phương tám hướng trong trời đất, biểu tượng của vũ trụ. Trong lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật ở phương Đông, quan niệm Bát quái được thể hiện trong các hình thể có hình bát giác. Trong quan niệm của người Á Đông biểu tượng bát quái là vũ trụ thu nhỏ, nó ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên, những huyền cơ thiên địa. Đại ý là con người cần hiểu tìm hiểu và nắm bắt các tri thức về sự vận động của vũ trụ, có được cái nhìn bao quát thấy được những vận động tích cực mà thuận theo, đồng thời tránh hoặc giảm thiểu những vận động tiêu cực của tự nhiên. Chính vì ẩn chứa nguồn năng lượng siêu nhiên mà trong Đạo Giáo biểu tượng bát quái được dùng để trừ tà ma và các nguồn năng lượng xấu. Trong thuật phong thủy, xây dựng các công trình lớn và quan trọng của người Á Đông thì sự trường tồn của công trình là yếu tố hàng đầu không chỉ bền vững về mặt cơ học mà nó phải đáp ứng được các yếu tố về sự hấp thu các nguồn năng lượng tốt, tránh, giảm thiểu sự tác động của các nguồn năng lượng xấu. Trong các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội đều có yếu tố trang trí mang quan niệm bát quái. Theo quan điểm của tác giả thì đây là một trong những yếu tố quan trọng mà kiến trúc sư Pháp chọn lọc và đưa các yếu tố bát giác vào trong thiết kế các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương.
+ Motip trang trí mang tính biểu tượng:
+ Cửa sổ hoa hồng: là đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Gothic và cũng là nét hấp dẫn bậc nhất của loại kiến trúc này. Cửa sổ hoa hồng là những cửa sổ được làm bằng kính trang trí nhiều màu sắc, thường là các bức tranh thể hiện các nội dung Thiên Chúa giáo. Ánh sáng chiếu qua cửa kính đó, khi vào nhà thờ sẽ được biến đổi thành các màu sắc khác nhau. Điều này làm cho không gian bên trong nhà thờ sáng một cách huyền ảo. Cửa sổ hoa hồng với nhiều màu sắc rực rỡ nhắc nhở mọi người rằng: mỗi người như một sắc màu, thật đặc biệt. Nhưng những đứa con của Chúa sẽ còn đẹp hơn thế nếu chúng ở bên cạnh nhau, đồng tâm với nhau. Loại motip trang trí này chỉ xuất hiện trên công trình nhà thờ Thiên Chúa giáo phong cách Đông Dương, nhà thờ Cửa Bắc là một ví dụ điển hình. Kiến trúc sư đã rất khéo léo trong việc xây dựng một công trình nhà thờ theo kiểu Gothic nhưng những trang trí trên bề mặt công trình vẫn mang những yếu tố phương Đông.
+ Motip trang trí mang tính biểu tượng khoa học kỹ thuật:
Họa tiết bóng điện: Xuất hiện trên cổng chính công trình Đại học Đông Dương, nếu hiểu chỉ đơn thuần là cái bóng điện thôi thì quả là sai lầm. Đây là một biểu tượng đã làm thay đổi thế giới với sự phát minh ra dòng điện và bóng điện. Các cuộc khoa học kỹ thuật sẽ đi đến đâu nếu không có phát minh này. Dĩ nhiên nó được chọn làm họa tiết trang trí trên cửa chính của trường Đại học Đông Dương như biểu thị đây là cánh cửa dẫn vào chân trời tri thức. Sự đột phá để thay đổi thế giới không có gì khác là “tri thức”. Điều đặc biệt khi quan sát kỹ các nhóm motip đặt cạnh nhau lại dễ dàng liên tưởng đến các motip trang trí hình đồng tiền – motip trang trí quen thuộc của phương Đông. Yếu tố trang trí này cho thấy sự giao lưu tiếp biến về văn hóa – nghệ thuật rất rõ nét trên công trình đầu tiên mang phong cách Đông Dương tại Hà Nội.
Kính viễn vọng: là biểu trưng cho ngành Thiên văn học, từ hàng ngàn năm trước Công nguyên con người đã muốn khám phá những tri thức của vũ trụ của các vì sao các hành tinh bên ngoài không gian. Sự ra đời của kính viễn vọng đã giúp con người dần phá bỏ những mơ hồ, siêu hình về những tri thức vũ trụ học. Biểu tượng này được dùng để trang trí trong nội thất trường Đại học Đông Dương với thông điệp cổ vũ người học luôn vươn đến những tri thức mới, vượt qua những giới hạn của những tri thức đã từng biết của nhân loại.
Biểu tượng khẩu pháo: đây là phát minh quan trọng của loài người với việc chế tạo ra thuốc súng làm thay đổi căn bản phương thức tác chiến trong chiến tranh, nó chính là biểu tượng của khoa học quân sự.
Biểu tượng compa: châu Âu và nước Mỹ ngày nay sở hữu một nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến là nhờ họ đã trải qua nhiều cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nhiều thời kỳ khác nhau và trong hành trình đó chiếc com pa được lấy làm biểu tượng cho ngành khoa học kỹ thuật bởi đặc tính chính xác của mình.
Biểu tượng chiếc cân: Nguồn gốc của biểu tượng này xuất phát từ thời Hy Lạp- La Mã cổ đại do nữ thần Lady Justice làm đại diện – một biểu tượng của công lý, pháp luật xét xử trong hệ thống Tư pháp với ba biểu tượng đặc trưng: Tay phải cầm cân, tượng trưng cho sự suy xét cẩn trọng và công bằng, phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, không thiên vị. Tay trái cầm kiếm, tượng trưng cho sức mạnh cưỡng chế, quyền lực lẫn quyền uy. Một dải băng bịt kín đôi mắt, tượng trưng cho sự vô tư, không bị tác động bởi ngoại cảnh, đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài. Biểu tượng của chiếc cân trên công trình kiến trúc Đông Dương vừa đại diện cho một lĩnh vực đào tạo của trường là ngành luật, ngành tòa án, đồng thời nhắc nhở mọi người luôn thượng tôn pháp luật, thượng tôn sự công bằng, bình đẳng của mọi người trước Pháp luật.
+ Hình tượng cuốn thư (biểu tượng cho sự nghiên cứu, sách vở của người phương Đông). Những hình tượng trang trí này nói lên hàm ý “y – thư” vừa nghiên cứu lý thuyết – vừa nghiên cứu thực hành.
+ Hoa văn hình học – hồi văn chữ Vạn, chữ Triện
Là những trang trí bằng đường nét hình học kỷ hà để tạo ra những hoa văn có tính lặp lại (hồi văn). Đây là một thể thức trang trí thường gặp trong kiến trúc cổ cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Vì tính chất đặc biệt của nó là sự lặp lại của một họa tiết cơ sở, sau đó tùy vào vị trí cụ thể trong kiến trúc mà có những biến tấu khác nhau vô cùng đa dạng. Chữ Vạn được tìm thấy phổ biến trong lịch sử của cả văn minh Á – Âu tuy có những giải thích khác nhau về ý nghĩa của nó tùy theo từng tôn giáo và dân tộc. Nhưng theo tác giả từ góc nhìn văn hóa và dân tộc học thì biểu tượng này trang trí trên công trình kiến trúc Đông Dương cơ bản được lấy cảm hứng từ chữ Vạn trong Phật giáo của người Á Đông (xuất hiện trên ngực của Phật Thích Ca), biểu đạt cho sự tốt lành viên mãn là một trong 32 tướng tốt của Phật. Ngụ ý của điều này trên các công trình kiến trúc Đông Dương là những công trình này được tạo ra cho những mục đích tốt đẹp. Hồi văn chữ Vạn xuất hiện ở mặt trước của công trình Đại học Đông Dương và trụ sở Bộ Ngoại giao
+ Motip trang trí hình học:
Những mô típ hoa văn truyền thống tiêu biểu của châu Âu đến từ những mẫu hình có từ xa xưa, trải dài từ buổi bình minh của xã hội nguyên thuỷ, đến thời kỳ cổ đại, trung cổ và cận đại. Tại đây, với nguồn cội là nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại tập trung nhiều thành tựu tiêu biểu về văn hoá nghệ thuật, rồi thời kỳ Trung Cổ với nghệ thuật Gothic, tiếp sau là giai đoạn nghệ thuật Phục Hưng, Baroque, Rococo… Sự đa dạng về mẫu hình tạo lịch sử đã tạo nên các hệ thống hoa văn khác nhau, tuy đến từ nhiều cội rễ văn hoá khác nhau và năm tháng khác nhau nhưng kết quả tựu chung đều nhất quán ở một số thể thức tạo hình đối với hoa văn. Như của hệ đường cong tròn và ô van, hệ đường thẳng vuông và chữ nhật, thể thức tam giác và góc cạnh mang tính chất vật lý, định lượng và có nguồn gốc của khoa học tự nhiên. Hình tam giác, Hình vuông, Hình chữ nhật, Hình tròn… Trong lịch sử nhân loại xuất hiện từ rất sớm trong các nền văn minh, nó được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong đời sống của con người bao gồm cả đời sống tinh thần. Đối với người Châu Âu 4 loại hình học này được sử dụng vô cùng phổ biến, bởi kết cấu hết sức đơn giản dễ áp dụng trong đời sống và chúng tạo ra độ bền vật lý rất tốt, tính kết nối cao, điều này được chứng minh bằng các công trình kiến trúc cổ đại nhiều ngàn năm tuổi nằm khắp trên lục địa Á, Âu, Mỹ, Phi. Khi khoa học tự nhiên phát triển đặc biệt là Hình học và Vật lý đã chứng minh sự bền vững của các cấu trúc có dạng hình học cơ bản này. Các kiến trúc sư đã áp dụng triệt để những ưu điểm này trong các công trình kiến trúc đại, ngoài việc áp dụng là các khối kiến trúc chính, chúng còn được dùng làm các họa tiết trang trí làm thay đổi bề mặt kiến trúc theo hướng gia tăng tính thẩm mỹ. Những motip này xuất hiện nhiều trên các công trình kiến trúc thời kỳ Hy Lạp- La Mã và cho đến tận ngày nay.
Ở Việt Nam các yếu tố hình học Vuông, tròn, tam giác, chữ nhật, được thấy nhiều thông qua các tôn giáo: Phật Giáo, Đạo Giáo, Nho giáo dưới các hình thức là các biểu tượng và nặng về tính tượng trưng, khái quát và triết lý, ít lý giải về vật lý, chẳng hạn như trời tròn, đất vuông hay mẹ tròn con vuông, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, bốn cõi trời… Ngay cả việc xây dựng các công trình kiến trúc cũng áp dụng những nguyên lý của tôn giáo. Xây chùa có mặt vằng hình vuông, tháp Phật cũng hình vuông, với quan niệm của Phật giáo về Tứ Đại, sau này có thêm tháp Phật lục giác, Bát giác, Đạo giáo là Bát quái, Ngũ hành, Nho giáo là kiến trúc theo con chữ…
Thông qua những tinh hoa văn hóa Á – Âu này các kiến trúc sư người Pháp đã kết hợp các yếu tố này một cách khéo léo và tinh tế để tạo ra một phong các kiến trúc đặc sắc đầy tính thẩm mỹ.
+ Motip chữ Hán
Chữ Hán là một loại cổ tự, chữ viết của tiếng Trung Quốc, là dạng chữ viết tượng hình, người Trung Quốc đã nâng đặc điểm độc đáo này của chữ Hán trở thành nghệ thuật (còn gọi là thư pháp – nghệ thuật viết chữ đẹp). Nhưng không đơn giản chỉ là viết chữ sao cho đẹp, mà thư pháp, hay thư đạo trong hàm nghĩa sâu xa để diễn giải, biểu đạt: tâm, ý, khí, lực của người truyền đạt. Hán tự có những đặc tính ưu việt rất riêng mà ít loại chữ viết nào có được, chẳng hạn như: các con chữ Hán tự cơ bản nằm trong một khuôn hình nhất định vuông, tròn chữ nhật… khá thuận lợi cho việc xắp xếp bố cục nghệ thuật, chữ Hán có thể chứ đựng nhiều thông tin trong một con chữ (lời ít mà ý nhiều hoặc chữ ít mà nghĩa nhiều) ẩn chứa hàm nghĩa sâu sắc và đã từng là quốc ngữ của các triều đại phong kiến Việt Nam. Ngoài những điều nêu trên thì chữ Hán còn là một trong những đặc trưng của văn hóa Á Đông.
+ Motip trang trí động vật:
Con rắn: Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, Esculape – con trai của thần Appolon (thần Thái Dương) được xem là ông tổ của ngành Y dược. Do bản tính ưa quan sát và lớn lên trong khung cảnh thiên nhiên nên Esculape sớm nhận ra các loại cây cỏ có dược tính chữa bệnh hoặc có thể cải tử hoàn sinh. Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Ngay sau đó, ông lại thấy một con rắn khác bò tới cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và sử dụng nó giúp con rắn đã chết sống lại. Từ đó, Esculape để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Trong sảnh lớn của Đại học Đông Dương có trang trí biểu tượng này, ngoài việc là biểu tượng của ngành y dược một ngành đào tạo ra các thầy thuốc, bác sĩ, nội dung của truyền thuyết còn nhắc nhở chúng ta hãy để ý đến cỏ cây hOA lá quanh ta vì chúng đều có công dụng nhất định với con người.
Con rồng: xuất hiện ở phần mái tòa nhà Bảo tàng lịch sử được tạc trang trí của đầu các cong son đỡ phần mái nhô ra khỏi tòa nhà. Con rồng trong văn hóa của người Việt là con vật linh thiêng, đại diện cho quyền lực, sức mạnh, cai quản nguồn nước, vị thần bản mệnh… nó có nhiều năng lực khác nhau nhưng theo tác giả: hình tượng đầu rồng trang trí trên mái tòa nhà Bảo tàng lịch sử nó có chức năng chính là hộ mệnh cho tòa nhà và chống hỏa hoạn, bởi theo quan niệm và tập quán sinh hoạt cũng như đặc điểm vật liệu kiến trúc của người việt, đại đa số là các vật liệu bằng gỗ, tre, mây… rất dễ cháy, để khắc chế điều này người ta tạc các hình rồng, mây cuốn quanh cột, xà nhà, vì kèo… tùy theo tính chất công trình mà có nội dung phù hợp, kèm theo đó là chức năng trị hỏa, bởi con rồng trong văn hóa người Việt là con rồng nước như đã nêu ở trên.
Con dơi: theo từ Hán Việt “con dơi” là “phúc” có nghĩa là sung sướng hạnh phúc. “Người ta đã lấy hình tượng con vật này để nói đến hạnh phúc, sung sướng; biểu tượng con dơi là một lời cầu chúc hạnh phúc, và hạnh phúc hoàn toàn được cấu tạo bởi “năm con dơi” tức là ngũ phúc”‡.
Cá chép: Xuất hiện trong trang trí mái vòm của sảnh chính Đại học Đông Dương. Trong quan niệm của người Á Đông nói chung người Việt nói riêng cá chép là biểu tượng của sự sung túc, dư giả, của ăn của để, không khó để hiểu những ước muốn hoàn toàn chính đáng này bởi đó là quyền của mỗi con người.
+ Motip trang trí thực vật:
Nghệ thuật trang trí có ngôn ngữ đặc trưng thể hiện bởi các hình thức “hoa văn”, ở đó có họa tiết hoa văn và các mô tip trang trí và thường có những nhịp điệu nhất định. Hoa văn truyền thống được bắt nguồn từ những hoa lá cỏ cây, các con vật quen thuộc của thiên nhiên xung quanh đời sống, người ta có khuynh hướng mô tả lại rồi dần dà biến hoá cách điệu làm cho chúng đẹp lên, nhằm ứng dụng vào mọi mặt của đời sống từ những vật dụng sinh hoạt đến các công cụ lao động, cho đến các đồ tế lễ thờ cúng tâm linh. Bên cạnh đó còn là những đề tài từ các truyện thần thoại, các tích truyện cổ được hư cấu.
Nghệ thuật châu Âu và Á đều đề cập đến rất nhiều các loài thực vật cỏ cây hoa lá quả… chúng được đưa vào trong các tác phẩm hội họa, phù điêu, điêu khắc không phải một cách ngẫu nhiên mà đều có chủ đích ví dụ: Người Hy Lạp lấy hoa nguyệt quế làm biểu tượng của sự vinh quang, chiến thắng, danh vọng vậy khi công trình được trang trí loài hoa này đích thị nó phải mang ý nghĩa cổ động cho tinh thần phấn đấu vươn lên để đạt được mục đích của cuộc sống để chiến thắng để dành lấy vinh quang…. Ở Việt Nam hoa sen biểu tượng cho giá trị đạo đức và nhân phẩm, hoa sen trong Phật giáo chính là hành trình giác ngộ tri thức và tu dưỡng nhân phẩm, hướng thiện, hoa sen còn đại diện cho mùa hạ, sự sinh sôi nảy nở, hoa cúc đại diện cho sự thanh tao, nhã nhặn, người quân tử và mùa thu… nhìn chung cây cỏ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống vật chất và tâm linh của người Việt, cây cỏ song hành cùng hành trình của mỗi một đời người. Sống, tồn tại trong cây cỏ, nhờ cây cỏ, chết, hoá thân trong cây cỏ. Cho nên từ xa xưa đã có tín ngưỡng thờ cây, cây được xem như là cầu nối trung gian giữa trời với đất. Các loại cây cối, hoa lá được sử dụng để làm motip trang trí, bao gồm: lá bồ đề được lấy từ trong giáo lý nhà Phật có ý nghĩa là cây giác ngộ hay cây trí tuệ giúp con người không vướng vào cõi u mê, hoa chanh, hoa thị biểu thị cho ánh sáng, sự thanh nhã, sự gần gũi, hoa sen, búp sen là sự thuần khiết, nghị lực đức hy sinh, cây tùng đại diện cho sự khẳng khái, trung thực ngay thẳng, cây hoa mẫu đơn là sự quý phái cao đẹp. Hình tượng bông lúa thể hiện sự thịnh vượng, hình tượng vòng nguyệt quế là sự vinh quang, lá cây ô rô thể hiện sự cao quý…
Mỗi một loài cây cỏ được sử dụng làm môtip trang trí trong kiến trúc Đông Dương đều mang những thông điệp riêng, nó vừa là là tri thức vừa là nghệ thuật, mang tính biểu tượng và sự giáo dục sâu sắc. (Xuất hiện nhiều ở Sảnh chính trường Đại học Tổng hợp, trang trí ngoại thất tòa nhà bộ ngoại giao, Bảo lịch sử Quốc gia, bên ngoài cua chính Đại học Tổng hợp).
3. Kết luận
Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc Đông Dương là sự cô đọng các giá trị văn hóa Á – Âu thành các biểu tượng đã được mã hóa trên hình thức nghệ thuật hội họa, phù điêu nhằm chuyển tải các thông điệp, thông tin. Tùy vào mục đích và chức năng của công trình kiến trúc mà có sự chọn lọc các môtip trang trí cho phù hợp, qua đó vừa tôn vinh giá trị thẩm mỹ của khối kiến trúc đồng thời gìn giữ và truyền tải các tri thức và nhân sinh quan, thế giới quan được tích lũy qua nhiều nghìn năm cho các thế hệ tiếp theo. Sự đặc biệt và quý giá của nghệ thuật trang trí kiến trúc Đông Dương nằm ở chỗ tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của hai nền văn minh khác nhau đã hội nhập cùng nhau để tạo ra những giá trị mới đặc sắc và hấp dẫn vừa tinh túy vừa sâu sắc, bao trùm được tri thức rộng lớn của văn minh Đông – Tây./.
__________
† Ernest Hébrard (1875-1933) là kiến trúc sư, nhà khảo cổ học, nhà quy hoạch người Pháp. Ông là Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp. Hébrard được coi là kiến trúc sư khởi nguồn cho phong cách Kiến trúc Đông Dương. Phong cách kiến trúc Đông Dương đặc trưng bởi sự tích hợp một cách sáng tạo và nhuần nhiễn các vật liệu xây dựng và chi tiết kiến trúc của các nước bản địa (các nước Đông Dương) vào kiến trúc thuộc địa Pháp thời kỳ đó.
‡ Hình tượng con dơi – B.A.V.H, Những người bạn Cố đô Huế, tập VI A (1919), NXB Thuận Hóa, tr 256.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Katherine Ball, Những môtíp trang trí trong nền nghệ thuật Đông phương, tập 1, 2, tư liệu dịch của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
[2]. Trần Lâm Biền (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Đình Toàn (1998), Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hóa bản địa trong kiến trúc thời Pháp thuộc ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kỹ thuật.
[4]. Tôn Thất Đại (1988), Các xu hướng kiến trúc ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX, Luận án Phó tiến sĩ khoa học Kiến Trúc.
[5]. B.A.V.H, Những người bạn Cố đô Huế, tập VI A (1919), NXB Thuận Hóa.
[6]. Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875 – 1945). NXB Thế giới, 2009.
[7]. Hoàng Đạo Thúy: Kiến trúc Hà Nội thế kỷ 19 và 20, NXB Hà Nội, 1999.
Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Mở Hà Nội 66 (4/2020) 44-54
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Luận bàn về nội hàm nghệ thuật một số motip trang trí trong kiến trúc phong cách Đông dương tại Hà Nội (Tác giả: Bùi Thị Thanh Hoa) |