Miếu Lạng Hồ, chùa Phúc Khánh – xã Hợp Hải (xếp hạng năm 2015)

     – Miếu Lạng Hồ được gọi theo tên địa danh làng Lạng Hồ, xã Hợp Hải. Làng Lạng Hồ tên làng cổ là làng Lãng Hồ (kẻ Giầu), sau gọi chệch thành Lạng Hồ. Miếu Lạng Hồ thờ 2 vị thần là Sơn thần và Thủy thần cùng ngũ vị Thành hoàng con vua Hùng Vương thứ 9 là: Đô Hộ Danh Thần Bảo Quốc đại vương; Áng Xá Tràng – Danh thần Tuấn Chiết đại vương; Tam Lang Tràng – Danh thần Nhàn Uyển Tôn thần; Xính Tràng – Danh thần Trang Thục Tôn thần và Út Sinh Tràng Danh thần Diễm My Tôn thần Theo Thần tích làng Lạng Hồ, ngôi miếu được xây dựng vào năm 1563, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tất cả nơi thờ cúng của làng Lạng Hồ không còn nữa, trong đó có miếu. Năm 2011, miếu Lạng Hồ được khôi phục trên nền móng cũ, quay hướng Tây Bắc. Miếu Lạng Hồ mặt bằng kiến trúc chữ Nhất, tiền đao, hậu đốc, 3 gian, thờ dọc, mái lợp ngói mũi, bờ nóc đắp Lưỡng long chầu nhật.

     Tục lệ làng Lạng Hồ xưa, tại miếu – đình làng được hương khói, cúng tế đều đặn, trong năm có các kỳ tế lễ: Ngày 30 tháng Chạp: Ngày sinh thần, ngày này các kỳ lão cùng túc trực với cụ từ, giáp nào đăng cai phải nấu chè con ong và xôi nếp cúng giao thừa xong mới được về; ngày mùng 3 tháng Giêng: Cầu lợn đen; ngày mùng 7 tháng Giêng: Ngày hóa thần; xuân tế ngày mùng 9, 10 tháng 2 (âm lịch): Kỳ đại tiệc.

     – Chùa Phúc Khánh (tên chữ: Phúc Khánh tự) là một ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời. Hiện nay, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ tư liệu Hán Nôm của 05 tấm bia ở chùa Phúc Khánh của hai xã Bồng Lãng và Lạng Thị thuộc tổng Do Nghĩa, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ (nay là xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Tấm văn bia có ký hiệu No.7962 – 7963 ghi việc tạo tượng Phật chùa Phúc Khánh, bia lập ngày 20 tháng 9 năm 1586, niên hiệu Đoan Thái nhất niên (tức Đoan Thái năm thứ Nhất – năm 1586) thời nhà Mạc. Bia ký hiệu No.07960 ghi việc xây tường chùa Phúc Khánh, bia lập ngày tốt tháng 4 năm Kỷ Sửu niên hiệu Vĩnh Thịnh tứ niên (tức Vĩnh Thịnh năm thứ 4 – năm 1708) và văn bia ký hiệu No.7960 – 7961, bia ghi công đức tạo hành lang chùa Phúc Khánh, bia lập ngày tốt tháng 8 niên hiệu Vĩnh Thịnh ngũ niên (tức Vĩnh Thịnh năm thứ 5 – năm 1709).

     Hiện tại, chùa Phúc Khánh còn lưu giữ được một tấm bia đá chữ đã mờ nhiều, bia đề năm Vĩnh Thịnh tứ niên (tức Vĩnh Thịnh năm thứ 4 – năm 1708), khắc tên các vị hưng công công đức vào chùa. Như vậy, có thể khẳng định niên đại xây dựng chùa Phúc Khánh vào thế kỷ XVI – năm 1586, trải qua nhiều lần tu sửa dưới thời Lê, thời Nguyễn. Trải qua thời gian bị hư hỏng kiến trúc, năm 2006, chùa Phúc Khánh được phục hồi với quy mô kiến trúc như ngày nay: Quay hướng Tây Bắc, mặt bằng kiến trúc chữ Đinh, bộ khung kết cấu BTCT, gồm: Bái đường, 3 gian 2 chái, kiểu nhà bốn mái, đao cong, bờ nóc đắp hình Lưỡng long chầu vào bức hoành phi có ghi tên chùa bằng chữ Hán: “Phúc Khánh tự” (chùa Phúc Khánh). Hai đầu bờ nóc gắn 2 con kìm, bờ chảy gắn con xô, đầu đao cong gắn hình đầu rồng. Tòa Chính điện 2 gian 1 chái, xây bệ thờ giật cấp bài trí tượng thờ.

     Chùa Phúc Khánh hiện có hơn 20 pho tượng thờ, chất liệu thổ và gỗ. Hiện vật trong di tích gồm: Án gian, đài nước, đài trầu, mâm bồng…

Nguồn: Kỷ yếu Di tích – Lễ hội văn hóa huyện Lâm Thao

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Miếu Lạng Hồ, chùa Phúc Khánh – xã Hợp Hải (xếp hạng năm 2015)