Một số biện pháp phát triển hình thức đào tạo từ xa trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Tác giả bài viết: PHẠM PHƯƠNG TÂM (Trường Đại học Cần Thơ)
LÊ THỊ THƠ (Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ)
ABSTRACT
Vocational education is playing an increasingly important role in training human resources for national development. To increase the scale and assure quality in the training of human resources for the cause of industrialization and modernization, it is necessary to organize the application of distance training in the field of vocational education. In order for the application of the above form and effective connection between educational institutions at all levels, there should be appropriate guidelines and policies and active participation of relevant stakeholders and at the same time there are support solutions. The article refers to the application of distance training in vocational education to diversify the training types for vocational education.
Keywords: Distance education, vocational education, human resources training, international integration.
x
x x
1. Mở đầu
Nguồn nhân lực nói chung, nhân lực lao động chất lượng cao nói riêng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trên thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong giai đoạn 2016-2020. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, có vai trò và đóng góp quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tuy nhiên, nếu phát triển GDNN theo cách thức truyền thống như cách thức thực hiện trước đây sẽ khó đáp ứng được nhu cầu đặt ra hiện nay, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh, khoa học, kĩ thuật và công nghệ đang từng bước nâng lên tầm cao mới, do đó cần phải có hướng đi mới cho GDNN trong bối cảnh hiện nay.
Đào tạo từ xa (ĐTTX) có sự linh hoạt và nhiều ưu điểm nên việc kết hợp ứng dụng ĐTTX vào hoạt động GDNN là hướng đi mới và hoàn toàn phù hợp với sự phát triển hội nhập toàn cầu và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để định hướng được cách thức thực hiện việc kết hợp này, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những vấn đề cốt lõi, cơ bản của GDNN và hình thức ĐTTX. Từ đó, tìm ra định hướng cho các giải pháp ứng dụng hình thức ĐTTX vào hoạt động GDNN đạt hiệu quả, chất lượng và có tính khả thi cao.
Bài viết đề cập việc ứng dụng hình thức ĐTTX vào GDNN nhằm đa dạng hóa loại hình đào tạo (ĐT) cho GDNN trong bối cảnh đổi mới giáo dục và cách mạng công nghiệp 4.0.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân và định hướng phát triển
2.1.1. Vị trí, vai trò giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân
GDNN có vai trò, vịtrí rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như trong ĐT đội ngũ lao động kĩ thuật. Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 27/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015 [1], đã cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, làm thay đổi toàn diện hệ thống GDNN hiện hành. Vị trí của GDNN thể hiện rõ hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân thông qua sơ đồ theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/10/2016 về việc phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân [2]:
Theo sơ đồ trên, GDNN có nhiệm vụ ĐT các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Nhiệm vụ ĐT này theo định hướng ứng dụng với sứ mệnh ĐT trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, ĐT trình độ sơ cấp (nhằm giúp người học có kĩ năng thực hiện được các công việc của một nghề, giúp họ có kiến thức, kĩ năng, năng lực nghề nghiệp ổn định, vững vàng để có thể tham gia vào thị trường lao động và đáp ứng được yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động nói chung, của các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ nói riêng).
2.1.2. Định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp
Về định hướng phát triển GDNN thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp thay cho Luật Dạy nghề cho thấy tầm quan trọng của GDNN. Những thay đổi này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động của GDNN, cụ thể qua các nội dung sau [3]:
– Về chủ trương, chính sách: a) Phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt, đa dạng được hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ GDNN và các trình độ khác; b) Đầu tư cho GDNN được ưu tiên. Ngân sách cho GDNN được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho GD-ĐT; c) Đầu tư nâng cao chất lượng ĐT, phát triển mạng lưới cơ sở GDNN theo quy hoạch; tập trung đầu tư hình thành một số cơ sở GDNN trọng điểm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, nhu cầu học tập của người lao động và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; d) Nhà nước có chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN phù hợp với từng giai đoạn phát triển KT-XH; e) Ưu tiên đầu tư đồng bộ cho ĐT nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; chú trọng phát triển GDNN ở các vùng có điều kiện KT-XH hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng ven biển; đầu tư ĐT các nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa; f) Nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng ĐT đối với các ngành, nghề đặc thù; những ngành, nghề thuộc ngành kinh tế mũi nhọn… Các cơ sở hoạt động GDNN không phân biệt các loại hình đều được tham gia cơ chế đấu thầu, đặt hàng; g) Hỗ trợ các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo,… nhằm tạo cơ hội cho họ được học tập để tìm việc làm, tự tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp; thực hiện bình đẳng giới trong GDNN; h) Tạo điều kiện cho cơ sởGDNN tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; kết hợp ĐT với nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng ĐT.
– Về mạng lưới cơ sở GDNN: Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo định hướng tăng quy mô, giảm đầu mối, nâng cao chất lượng ĐT và hiệu quả hoạt động bằng các giải pháp tích cực như: đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN; sắp xếp theo ngành, nghề, trình độ ĐT, loại hình cơ sở ĐT nghề,… sẽ có thể đổi mới toàn diện GDNN góp phần ĐT được nguồn nhân lực chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
– Về nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lí GDNN: Định hướng thời gian tới để đảm bảo việc phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí GDNN, đặc biệt đối với các trường nghề chất lượng cao, cần tập trung vào một số nội dung: a) Hình thành, sắp xếp và tổ chức lại các cơ sở ĐT, bồi dưỡng nhà giáo GDNN gắn với nghiên cứu khoa học và thực hành nghề; b) Tăng cường các hoạt động ĐT, bồi dưỡng quản lí cho đội ngũ cán bộ quản lí GDNN các cấp, nâng cao trình độ kĩ năng sư phạm nghề, kĩ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học cho nhà giáo GDNN; c) Phát triển nguồn nhà giáo GDNN, cơ chế chính sách khuyến khích thu hút nguồn phát triển nhà giáo GDNN từ doanh nghiệp hoặc phát triển mô hình ĐT nhà giáo GDNN mới.
– Về kiểm định và đảm bảo chất lượng: Triển khai thí điểm mô hình hệ thống quản lí chất lượng cho các trường cao đẳng nghề được đầu tư thành trường nghề chất lượng cao và thực hiện các chương trình hợp tác giữa Tổng cục GDNN với các đơn vị, đối tác trong và ngoài nước.
– Về hợp tác với doanh nghiệp trong GDNN: Các cơ sở ĐT nghề cần coi khảo sát doanh nghiệp là hoạt động thường niên nhằm xác định được nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành nghề, những yêu cầu về năng lực đối với người lao động để từ đó lập kế hoạch ĐT và cải thiện chương trình ĐT. Cần tập trung cải thiện tốt hơn về chất lượng ĐT nghề nghiệp với yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp.
– Về thị trường lao động liên quan đến GDNN: Với thực trạng trình độ chuyên môn kĩ thuật của lực lượng lao động còn thấp, định hướng thời gian tới là cần phải nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật cho người lao động để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước, của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động dịch vụ việc làm của các trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp nhằm kết nối cung – cầu lao động, góp phần điều chỉnh thị trường lao động theo hướng tích cực.
2.2. Một số ưu điểm của đào tạo từ xa
2.2.1. Sự linh hoạt của hình thức trong đào tạo từ xa
ĐTTX là hình thức ĐT mở, linh hoạt vì đáp ứng được nhu cầu học tập thường xuyên, học suốt đời, học bất cứ nơi đâu, học bất cứ lúc nào cho tất cả mọi người, không nhất thiết phải đến trường, lớp. Việc tổ chức mềm dẻo, linh hoạt, kế hoạch học tập do người học lựa chọn, quy mô ĐT không hạn chế, lớp học được tổ chức linh hoạt gần với người học, người học có thể tự đánh giá mình và xã hội đánh giá thông qua kết quả lao động sáng tạo. Trong khu vực và thế giới thời gian gần đây, ĐTTX đang phát triển và bùng nổ mạnh mẽ, có thể bổ trợ, chuyển tiếp, thay thế hình thức ĐT truyền thống nhờ những tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Tính linh hoạt của hình thức ĐTTX thể hiện qua việc các cơ sở GD-ĐT tận dụng được đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống học liệu,… Tính linh hoạt, mềm dẻo của ĐTTX nhờ vào việc học tập, quá trình ĐT không cần người dạy và người học giáp mặt nhau. Đối với các nước phát triển, ĐTTX chủ yếu dựa vào công nghệ thông tin, hệ thống mạng Internet, tiến hành ĐT trực tuyến (E-Learning). Đối với các nước đang phát triển, ĐTTX vẫn tận dụng các công nghệ truyền thống như: tài liệu in ấn, đĩa CD và học liệu đa phương tiện kết hợp với ĐT trực tuyến, có sự đan xen và hỗ trợ giữa công nghệ truyền thống và công nghệ cao.
Sự linh hoạt của ĐTTX còn thể hiện ở việc khoảng cách, thời gian và sự tự học của người học, góp phần tích cực cho việc có khả năng tăng quy mô nhưng đảm bảo chất lượng trong ĐT nhanh và hiệu quả nguồn nhân lực cho sự phát triển KT-XH, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân, những điều đó đã giúp ĐTTX phát triển.
2.2.2. Các thuận lợi đối với người học
ĐTTX mở ra cơ hội lớn cho người học trong việc tiếp xúc tri thức mà không bị rào cản bởi không gian hoặc thời gian. Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mạnh mẽ, quá trình ĐT dễ dàng hơn trong việc cá nhân hóa người học, cho phép người học chủ động trong việc học tập của mình cả về nội dung và thời gian.
Theo hình thức ĐTTX truyền thống, người học chủ yếu tự học qua hệ thống học liệu (gồm giáo trình và tài liệu tự học), kết hợp với nghe giảng trên sóng phát thanh (hoặc nghe qua băng cassette) hoặc học theo các chương trình trực tuyến (online) đã tạo cơ hội cho người học có thể thực hiện việc học vào thời gian thuận lợi nhất. Sau đó, người học có thể sẽ được tiếp xúc, trao đổi và hướng dẫn trực tiếp từ đội ngũ giảng viên, trợ giảng trên lớp trước khi kết thúc môn học.
Với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, ĐTTX có thể được thực hiện qua công nghệ trực tuyến (E-Learning), đây là cách thức ĐTTX tiên tiến và có rất nhiều lợi ích, nhất là trong điều kiện về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì những ưu thế của hình thức này ngày càng được khẳng định. Hình thức ĐTTX này hướng tới việc cung cấp khả năng học tập mọi nơi, mọi lúc trên máy tính cá nhân và thiết bị di động thông minh có kết nối Internet.
Những nội dung trên cho thấy sự thuận lợi về thời gian và cách thức học tập của người học theo hình thức ĐTTX. Nó tạo mọi điều kiện cho người học tiếp cận được với tri thức mọi nơi, mọi lúc, là loại hình có nhiều ưu điểm để phát triển cho một xã hội học tập và học tập suốt đời của người dân.
2.2.3. Cơ hội hợp tác giữa các cơ sở giáo dục các cấp bậc
Những ưu điểm của ĐTTX cho phép các cơ sở giáo dục các cấp có thể liên kết, hợp tác ĐT tất cả các cấp bậc từ bậc phổ thông đến bậc cao đẳng, đại học và đặc biệt là trong ĐT, bồi dưỡng nghề nghiệp.
2.3. Đào tạo từ xa hỗ trợ tích cực và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp
2.3.1. Mối quan hệ giữa đào tạo từ xa với giáo dục nghề nghiệp
Ngày nay, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi nhanh chóng các mặt trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội, trong đó có GD-ĐT. Con đường từ khoa học đến công nghệ và sản xuất ngày càng rút ngắn; công nghệ càng cao thì hàm lượng tri thức càng lớn. Cách mạng khoa học – công nghệ này đã đặt ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi của nền kinh tế ở nước ta trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường, tác động đến cơ cấu nhân lực và đặt ra những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đối với người lao động ở mọi cấp trình độ nghề là phải không ngừng bổ sung nội dung kiến thức, nâng cao trình độ khoa học – công nghệ, thích ứng với hiện đại hóa, ứng dụng và sử dụng các công nghệ dạy học tiên tiến.
Điều này yêu cầu giáo dục nói chung, GDNN nói riêng phải có sự đổi mới trong các loại hình ĐT của GDNN, cần phải định hướng mũi nhọn ĐT nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực tay nghề cao phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước trong bối cảnh hiện nay. Hình thức ĐTTX với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng được các yêu cầu để ĐT nhân lực chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển GDNN hiện đại.
2.3.2 Nội dung ứng dụng đào tạo từ xa trong giáo dục nghề nghiệp
Nhu cầu học nghề, học để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của quá trình phát triển cá nhân của người lao động dẫn đến nhu cầu học tập để có bằng cấp khi tham gia vào thị trường lao động, vì vậy việc ứng dụng ĐTTX trong GDNN qua các nội dung: – ĐTTX trong GDNN của các cấp trình độ như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng của một ngành nghề nhất định (đặc biệt ứng dụng ĐTTX vào ĐT trình độ sơ cấp với thời gian ĐT ngắn hạn). Thông qua ĐTTX, người dân có thể học nghề cần thiết mà không phải tập trung đến trường lớp; – ĐTTX trong công tác bồi dưỡng: người học lựa chọn một lĩnh vực kiến thức cần bổ sung cho công việc, cho ngành nghề của bản thân; – ĐTTX học nâng cao: người học trong GDNN đã hoàn thành các chương trình ĐT cao đẳng hoặc trung cấp sẽ được học liên thông lên cao hơn thông qua hình thức ĐTTX; – ĐT lại: người học đã học các ngành nghề trong GDNN nhưng khi tham gia thị trường lao động nhận thấy không phù hợp và muốn chuyển đổi để phù hợp với sự phát triển của bản thân hơn sẽ đăng kí học ngành nghề mà mình mong muốn.
2.4. Định hướng một số biện pháp phát triển hình thức đào tạo từ xa trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp
2.4.1. Xây dựng các chính sách hỗ trợ việc ứng dụng đào tạo từ xa trong giáo dục nghề nghiệp
– Xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách về chương trình và nội dung ĐT GDNN theo hình thức ĐTTX theo chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao của xã hội và của các cơ sở sử dụng nhân lực.
– Có kế hoạch triển khai từng bước xây dựng nguồn học liệu cho các ngành, nghề trong hệ thống GDNN theo hình thức ĐTTX.
– Hoàn thiện chính sách về tài chính cho việc ứng dụng ĐTTX trong GDNN trên mọi lĩnh vực như: chương trình, học liệu, hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất,… phục vụ cho ứng dụng ĐTTX vào GDNN.
– Quan tâm đến các chính sách ĐT nghề theo chương trình ĐT sơ cấp các nghề đơn giản cho đối tượng có mong muốn học nghề ngắn hạn nhưng không thể đến trường lớp học theo hình thức tập trung, đối tượng người học vùng sâu vùng xa…
– Cần có chính sách liên quan đến xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá cho ứng dụng hình thức ĐTTX vào GDNN.
– Cần có chính sách khuyến khích liên kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tham gia vào xây dựng chương trình, học liệu cho việc ứng dụng hình thức ĐTTX trong GDNN.
– Hoàn thiện hệ thống văn bằng, chứng chỉ của hình thức ĐTTX đối với GDNN có giá trị và được công nhận giống các hình thức ĐT khác trong GDNN.
2.4.2. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức đội ngũ quản lí, người học và cộng đồng
– Tăng cường các nội dung giáo dục, tuyên truyền thông tin làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của đội ngũ quản lí, người học, các cơ sở ĐT nghề và cộng đồng về yêu cầu nâng cao trình độ, những cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp ĐT nhân lực kĩ thuật chất lượng cao trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, qua đó nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng và những lợi ích của hình thức ĐTTX trong ĐT, bồi dưỡng nhân lực của cả nước, của địa phương, vùng.
– Các cấp quản lí xác định ứng dụng ĐTTX vào GDNN là một bước đổi mới và tiến bộ quan trọng trong phát triển GDNN nên cần chú trọng đề cập đến vấn đề này trong các nghị quyết, chủ trương, chính sách, trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và quản lí, từ đó có chiến lược, sách lược, xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn cùng các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện.
– Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các hình thức giáo dục nâng cao nhận thức như tổ chức hội thảo, tuyên truyền, học tập, thông tin,… Tổng kết rút kinh nghiệm công tác thông tin tuyên truyền về việc ứng dụng hình thức ĐTTX vào GDNN.
2.4.3. Kết nối giữa các cơ sở giáo dục các bậc đại học và cao đẳng trong ứng dụng hình thức đào tạo từ xa
– Tạo điều kiện và đẩy mạnh sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục các cấp/bậc trong ứng dụng hình thức ĐTTX vào GDNN.
– Hợp tác trong trao đổi chuyên môn kĩ thuật, tham gia lao động sản xuất thực tiễn nhằm nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kĩ thuật giữa các cơ sở giáo dục các bậc đại học và cao đẳng trong ứng dụng hình thức ĐTTX.
– Chia sẻ các thành tựu trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng ĐTTX trong hoạt động GDNN.
– Liên kết ĐT giữa các cơ sở giáo dục các cấp/bậc trong thực hiện các chương trình ĐT, bồi dưỡng có ứng dụng ĐTTX trong GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở tuyển dụng, sử dụng nhân lực.
2.4.4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học ứng dụng đào tạo từ xa trong giáo dục nghề nghiệp
Một trong những cách hiệu quả nhất để ứng dụng hình thức ĐTTX vào phát triển GDNN là hợp tác quốc tế. Việc hợp tác quốc tế trong ĐTTX giúp các cơ sở GDNN trong nước nắm được quy trình ĐT hiện đại, ngoài ra việc hợp tác quốc tế trong ĐTTX cũng giúp đội ngũ nhà giáo GDNN nâng cao năng lực theo chuẩn quốc tế. Vì vậy, nội dung cần chú ý trong giải pháp này là: – Giúp cơ sở trong việc định hướng cụ thể, hỗ trợ cho việc thực hiện ứng dụng ĐTTX trong GDNN; – Góp phần xây dựng các chính sách cụ thể, rõ ràng hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng ĐTTX trong GDNN; – Việc hợp tác quốc tế trong ứng dụng ĐTTX đối với GDNN trong ĐT một số ngành nghề mũi nhọn, tiên tiến hiện đại, sẽ tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển KT-XH của đất nước; – Thông qua hợp tác quốc tế, các cơ sở giáo dục sẽ có nhiều cơ hội tìm được các nguồn hỗ trợ quốc tế liên quan đến GDNN thông qua hình thức ĐTTX.
3. Kết luận
Triển khai và tổchức tốt việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục các cấp/bậc đại học và cao đẳngtrong ứng dụng hình thức ĐTTX vào việc thực hiện ĐT, bồi dưỡng trong GDNN sẽ là hướng tích cực, hiệu quả. Cần có các chủ trương, chính sách mạnh để tác động các cơ sở giáo dục, người học và xã hội đồng thời với các giải pháp căn cơ sẽ hỗ trợ tốt cho sự kết nối và phát triển ĐTTX và GDNN trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Quốc hội (2014). Luật số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014 về Luật Giáo dục nghề nghiệp.
[2] Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 về việc Phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
[3] Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (2017). Báo cáo giáo dục nghề nghiệp Việt Nam 2015.
[4] Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 10/09/2015 phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”.
[5] Bộ GD-ĐT (2017). Thông tư số 10/2017/TTBGDĐT ngày 28/04/2017 về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.
[6] Bộ GD-ĐT (2017). Kỉ yếu “Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới”.
[7] Nguyễn Đức Trí (2010). Giáo dục nghề nghiệp – một số vấn đề lí luận và thực tiễn. NXB Khoa học và Kĩ thuật.
[8] Trần Đức Vượng (biên dịch, 2009). Cẩm nang Giáo dục từ xa. NXB Thế giới.
[9] Trình Thanh Hà (2011). Cơ sở lí luận và thực tiễn của việc bảo đảm chất lượng đào tạo đại học từ xa ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ Quản lí giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
[10] Phạm Phương Tâm (2015). Nâng cao chất lượng đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu xã hội học tập và học suốt đời. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 10, tr 45-47.
Nguồn: Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 9/2018, tr 33-37
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một số biện pháp phát triển hình thức đào tạo từ xa trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Tác giả: Phạm Phương Tâm; Lê Thị Thơ) |