Một số đặc điểm của địa chủ Nam Bộ thế kỷ XVII – XVIII

SOME CHARACTERISTICS OF THE LANDOWNERS IN THE SOURTHEN OF
VIETNAM IN THE XVII – XVIII CENTURIES

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ ÁNH NGUYỆT
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU–HCM))

TÓM TẮT

     Tầng lớp địa chủ ở Nam Bộ hình thành trong tiến trình khai hoang lập ấp của người Việt trong các thế kỷ XVII–XVIII. Địa chủ ở Nam Bộ chiếm hữu ruộng đất với số lượng lớn, có đóng góp với xã hội và giữ vị trí xã hội ngày càng quan trọng, quản lý tư liệu sản xuất và tổ chức sản xuất hàng hóa mang yếu tố tiền tư bản và có những đặc điểm khác biệt giữa địa chủ vùng Đông và Tây Nam Bộ. Tầng lớp địa chủ Nam Bộ có vai trò rõ nét trong quá trình khẩn hoang, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở vùng đất Nam Bộ.

Từ khóa: địa chủ, Nam Bộ, khai hoang, đất đai.

ABSTRACT

     The landowner class in the Southern of Vietnam was formed in the process of reclamation of the Vietnamese in the XVII – XVIII centuries. Landowners in the Southern region possessed land in large numbers with contributions to society and kept increasingly high social positions. They managed means of production and organized production of goods with the nature of pre–capitalism and have distinctive characteristics to the landowners of the Southeast and Southwest regions. This landowner class region had a significant role in the process of reclamation, expanding the borders, economic and social development, protection of territorial sovereignty in the Southern region.

x
x x

     Từ năm 1698, chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính trên vùng đất Nam Bộ, chính thức xác lập chủ quyền trên vùng đất mới. Chính sách khai phá tích cực của chúa Nguyễn đã mang lại những thành quả hết sức to lớn, tạo nên những biến đổi mạnh mẽ trên vùng đất Nam Bộ, trong đó có đóng góp không nhỏ của tầng lớp địa chủ. Trong từng giai đoạn lịch sử có những chính sách của các chúa Nguyễn khác nhau tác động vào sự phát triển của tầng lớp địa chủ này, song về cơ bản họ có một số đặc điểm chung.

1. Địa chủ chiếm hữu ruộng đất với số lượng lớn

    Sự hình thành tầng lớp địa chủ ở Nam Bộ gắn liền với tiến trình khai hoang lập ấp của người Việt trong các thế kỷ XVII– XVIII. Quá trình này đi trước cơ chế quản lý của nhà nước (các đời chúa Nguyễn), hình thành trên cơ chế tư hữu ruộng đất. Trong truyền thống, địa chủ chiếm hữu ruộng đất nhờ phân phong, tuỳ theo công trạng, chức tước; một số có việc phân bố lại nhờ mua đi bán lại song không đáng kể; một số tích lũy rồi mua bán, trao đổi, ruộng đất tập trung nhiều vào một số người. Khi trở thành địa chủ, vị trí xã hội của họ được định vị dần, có phẩm hàm, chức tước xã hội cao, thường cũng là quan lại…

     Ở Nam Bộ thế kỷ XVIIXVIII, mô hình di dân tự phát xuất hiện trước tiên. Về sau, giữa thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn phải công nhận thực tế di dân đã có từ trước đó và tiếp tục tổ chức di dân để tiện việc quản lý lực lượng di dân đã có sẵn, đồng thời tiếp thu và đặt sự cai trị nhà nước lên phần lãnh thổ mới đã nghiễm nhiên thuộc về chúa Nguyễn, tránh xảy ra tình trạng chống đối, cát cứ trên những vùng đất mới, đồng thời cũng tránh nguy cơ các thế lực lân bang dòm ngó, tranh giành. Trên cơ sở đó, các chúa Nguyễn đã chủ động thừa nhận chế độ tư hữu ruộng đất hình thành trong công cuộc khẩn hoang ở Nam Bộ.

    Nhà Nguyễn cho dân được tự tiện chiếm đất mở vườn trồng cây và xây dựng nhà cửa, lại cho họ thu nhận những con trai con gái người dân tộc thiểu số từ trên đầu nguồn xuống, để mua lấy làm đầy tớ, đứa ở cho nên những gia đình, dòng họ có nguồn nhân lực dồi dào, có khả năng tổ chức khai hoang, canh tác tốt đều có thể trở thành địa chủ. Như vậy, địa chủ Nam Bộ giai đoạn này chỉ thuần tuý là người chiếm hữu, khai thác được nhiều ruộng đất, sử dụng nhiều lao động làm thuê hoặc đầy tớ chứ không nhất thiết phải đi kèm hoặc xuất phát với vị trí xã hội cao như tầng lớp địa chủ truyền thống.

     Tại vùng Gò Công, Chợ Gạo, nơi thôn được thành lập từ rất sớm, tầng lớp địa chủ đã góp phần thiết lập nên các thôn làng cụ thể như sau:

Thôn Bình Phục Nhứt do địa chủ Trần Văn Sung lập năm 1743.

Thôn Bình Trị do địa chủ Trần Văn Dõng lập năm 1743.

Thôn Điều Hòa ở Mỹ Tho, Châu Thành do địa chủ Nguyễn Văn Trước lập vào giữa thế kỷ XVIII.

Thôn Kim Sơn do địa chủ Lê Công Giám lập vào giữa thế kỷ XVIII.

2. Sớm có đóng góp với xã hội và giữ vị trí xã hội ngày càng quan trọng

     Trong những giai đoạn nhất thời, vì uy tín, vai trò của họ đối với một cộng đồng dân cư (nông nghiệp) nhất định, các địa chủ được chính quyền hoặc chính các chúa Nguyễn thu nhận và phong cho những chức vị quan trọng, vừa để sử dụng năng lực tổ chức lãnh đạo, vừa để lợi dụng uy tín sẵn có của các địa chủ này vào việc công. Như thôn Bình Nguyên (nay là Nhị Bình) do địa chủ Nguyễn Văn Lữ lập, sau ông được chúa Nguyễn phong Cai cơ (hoặc là Cai đội) nên được nhân dân ở đây đặt tên cho một giồng cát là giồng Cai Lữ.

     Tuy quyền lực xã hội chỉ hình thành tự phát, không dựa trên sự thừa nhận hành chính hay lệ thuộc vào hệ thống phẩm trật do luật pháp quy định nhưng quyền lực của tầng lớp địa chủ Nam Bộ thế kỷ XVII– XVIII vẫn rất lớn. Càng về sau, trải qua nhiều đời lập nghiệp và khẳng định vị trí, ý thức quyền lực của tầng lớp địa chủ càng gia tăng, tất yếu không tránh khỏi sự tha hóa. Nguyễn Đình Đầu, trong cuốn Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh đã nhận xét: “Nhờ những người này mà công cuộc khẩn hoang lập ấp được thêm nhanh chóng, song cũng chính họ đã gây ra nạn cường hào ác bá trong làng xã và xã hội miền Nam[2:59].

     Chính sự xuất hiện các địa chủ, hoặc đại điền chủ lại là cơ sở hạt nhân quy tụ người làm thuê, người giúp việc, người khai hoang đến sau… để hình thành nên các thiết chế hành chính dân cư trên vùng đất mới. Tuy không thuộc hàng quan lại, không có phẩm trật theo thang bậc xã hội phân phong, nhưng địa chủ Nam Bộ là những người có tiếng nói quyết định trong việc thiết lập trật tự và cấu trúc xã hội trong khu vực mà do chính họ và gia đình, dòng họ kiến tạo nên. Thông thường, khi còn sống, họ được thừa nhận như những ông trùm, có quyền cắt đặt, sai phái, tổ chức gần như toàn bộ mọi hoạt động sống, tổ chức lao động và sinh hoạt của cộng đồng lệ thuộc hoặc đi theo. Khi chết, họ được tưởng nhớ như các bậc tiên công, tiên hiền của các làng xã… được chính quyền công nhận.

3. Địa chủ quản lý tư liệu sản xuất và tổ chức sản xuất hàng hóa mang yếu tố tiền tư bản

     Về cơ bản, địa chủ truyền thống trong chế độ công điền công thổ được chiếm hữu một diện tích đất đai cố định, trong một cấu trúc đất sản xuất ổn định, hầu như không có khả năng tăng diện tích chiếm hữu bằng con đường khai phá. Quan hệ giữa địa chủ với người làm thuê (tá điền) là quan hệ “phát canh thu tô”. Mỗi mùa hoặc mỗi năm tá điền phải nộp số tiền hoặc hoa màu cho địa chủ theo thỏa thuận trước đó, bất chấp kết quả sản xuất – bị chi phối bởi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh – luôn có sự thay đổi. Để tận thu thặng dư, người tá điền – bị lệ thuộc đời sống quá nhiều vào chủ đất – còn thường xuyên bị địa chủ bắt phục dịch, lao động không công trong nhiều việc khác. Những yếu tố “lệ” này bị đắp cao dần lên bởi bề dày lịch sử của văn minh làng xã, ngày càng trở nên nặng nề. Người nông dân cày thuê chỉ có duy nhất một cách thức để bù đắp phần thiệt thòi bằng cách gia tăng thâm canh, gối vụ, nhằm tận thu thặng dư từ quỹ đất bất biến.

     Ở Nam Bộ giai đoạn khẩn hoang, quỹ đất đai không bị bó hẹp, hoàn toàn có thể mở rộng thêm nếu có đủ nhân – vật – tài lực. Do đó, hình thức quảng canh (mục đích chính là giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa…) được áp dụng thay thế hình thức thâm canh. Quan hệ phân chia kết quả sản xuất cũng thay đổi. Người nông dân nhận ruộng và ăn chia với chủ đất theo tỷ lệ trên kết quả thu được. Các yếu tố thuận lợi hay rủi ro trong quá trình sản xuất đều được chia đều, dẫn đến quan hệ giữa địa chủ và tá điền cũng ít mâu thuẫn gay gắt hơn. Nói cách khác, quan hệ giữa địa chủ và người làm thuê ít nhiều vẫn mang màu sắc cộng sinh và hợp tác.

     Tình trạng này được giữ nguyên trong giai đoạn thế kỷ XVII–XVIII, tức giai đoạn đầu của tiến trình khai phá Nam Bộ. Quá trình tập trung ruộng đất diễn ra mạnh mẽ gây nên hệ quả phân cực sở hữu ruộng đất, dẫn đến mâu thuẫn xã hội gay gắt giữa địa chủ và tiểu nông tự canh cũng như với tá điền cày thuê chỉ bắt đầu diễn ra sau giai đoạn này. Chính xác, xuất hiện sau giai đoạn Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), bắt đầu kiện toàn bộ máy hành chính cai trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có Nam Bộ. Trong khoảng thời gian 1802–1861, những mối mâu thuẫn này bắt đầu hình thành và phát triển mạnh. Sự bắt tay giữa quyền lực chiếm hữu tư liệu sản xuất của địa chủ và quyền lực hành chính của quan lại hình thành nên “nhóm lợi ích” có cùng mục tiêu là kiêm tính ruộng đất và bóc lột nông dân để làm giàu và củng cố quyền lực. Sang thời kỳ đầu giai đoạn Pháp thống trị (1861–1897), mâu thuẫn càng trở nên trầm trọng và gay gắt. Các yếu tố cộng sinh, cộng tác – được xem như thành quả tiến bộ trong quan hệ sản xuất – phai nhạt dần. Quan hệ giữa địa chủ và tá điền hoặc với người nông dân tự canh bị kéo quay trở lại với hình thức “phát canh thu tô” truyền thống. Tầng lớp địa chủ cũng quay lại đúng vai trò và bản chất của kẻ cai trị và bóc lột.

     Ở giai đoạn thế kỷ XVII–XVIII, địa chủ truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ quản lý và phát triển sản xuất trong hình thái tự túc tự cấp. Ruộng đất, cũng như kết quả sản xuất đều được xem như tài sản. Mức độ giàu có được xem là thành quả của quá trình tích lũy, đi kèm với gia tăng bóc lột. Trong khi đó, đối với địa chủ Nam Bộ, đất đai – luôn có sự thay đổi theo chiều hướng gia tăng diện tích – chỉ được xem là tư liệu sản xuất. Lúa gạo, hoa màu của Nam Bộ sản xuất ra đã quá thặng dư so với nhu cầu nên chúng nhanh chóng được xem là hàng hóa, nhằm gia tăng lợi nhuận. Bản chất của việc sản xuất nông nghiệp tập trung của địa chủ Nam Bộ giai đoạn này cũng là sản xuất hàng hóa. Trong nhật ký ngày 27–2–1749, Pierre Poivre đã ghi: Vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngay từ rất sớm đã là vựa lúa lớn, sản xuất thóc gạo dư thừa, so với nhu cầu lương thực tại chỗ. Lúa gạo sản xuất được ở đây, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu lương thực của nhân dân tại chỗ, còn được đem đi bán ở khắp nơi trong nước, chủ yếu là các phủ phía ngoài của xứ Đàng Trong, nhất là xứ Thuận Hóa. Thóc gạo từ Nam chuyển ra miền Trung là rất nhiều nhưng không tính được số lượng cụ thể” [1:379].

     Không chỉ buôn bán, cung cấp trong nước, sản phẩm nông nghiệp của Nam Bộ giai đoạn này đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Ngoài lúa gạo, cau cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng chứ không chỉ được trồng để bán phục vụ thú vui ăn trầu ở trong nước như truyền thống. Borris, một tác giả người Pháp khác đã đánh giá: Cau là nguồn lợi lớn ở xứ này, có vườn cau thì cũng như ở xứ chúng ta có ruộng nho và vườn ô liu vậy[1:379]. Là nguồn lợi quan trọng nên ngay từ rất sớm, nhiều vùng chuyên canh cau đã được thiết lập ở khu vực Hóc Môn, Bà Điểm ngay cạnh Gia Định thành.

     Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa không chỉ làm thay đổi quan hệ sản xuất kiểu phong kiến mà còn làm thay đổi cả cơ cấu quyền lực xã hội truyền thống, đặc biệt là phát sinh và thừa nhận quyền tư hữu ruộng đất của nữ giới. Nguyên nhân chính là do chế độ tư hữu ruộng đất được thừa nhận. Việc mua bán, trao đổi, thừa kế ruộng đất được diễn ra tự do. Tác giả Nguyễn Phúc Nghiệp, trong Kinh tế Nông nghiệp Tiền Giang thế kỷ XIX đã ghi nhận: thế kỷ XVIII nữ giới cũng được đứng tên sở hữu ruộng đất”. Đến thế kỷ XIX, danh sách “nữ điền chủ” ngày càng dài thêm, chiếm tỷ lệ 10–15% số địa chủ ở Tiền Giang (tùy theo khu vực), trong đó có những người sở hữu hàng trăm, thậm chí cả ngàn ha [8:227].

     Với các yếu tố cộng tác, cộng sinh trong sản xuất, sản xuất hàng hóa, đồng sở hữu tư liệu sản xuất…, quan hệ sản xuất và hình thức sở hữu tư liệu sản xuất của tầng lớp địa chủ Nam Bộ thế kỷ XVII–XVIII đã manh nha xuất hiện các yếu tố tiền tư bản.

4. Có những đặc điểm khu biệt giữa địa chủ vùng Đông và Tây Nam Bộ

     Cùng đóng vai trò quan trọng, nếu không nói là mang tính chất quyết định trong việc làm thay đổi diện mạo kinh tế, văn hóa Nam Bộ giai đoạn khẩn hoang, nhưng tầng lớp địa chủ hai vùng Đông và Tây Nam Bộ vẫn có những đặc điểm khác biệt rõ nét, quy định bởi hai yếu tố chính: yếu tố tự nhiên và yếu tố tác động của cấu trúc xã hội.

     Trong tiến trình di dân khẩn hoang, Đông Nam Bộ là nơi di dân đặt chân đến đầu tiên, tập trung ở vùng duyên hải miền Đông (Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay), sau đó tiến dần lên Đồng Nai và vùng phụ cận Sài Gòn. Vì là vùng đất của những người đi tiên phong nên cư dân thiên di đặt chân đến Đông Nam Bộ sinh cơ lập nghiệp chủ yếu là dân nghèo lưu tán, những người trốn tránh sự khắc nghiệt của đời sống tại quê hương bản quán hoặc sự trừng phạt của chính quyền phong kiến. Trong điều kiện như vậy, họ thường có xu hướng đến vùng đất mới trong tư thế đơn độc hoặc theo những nhóm nhỏ. Tư liệu sản xuất, tài lực, vật lực mang theo phục vụ cho quá trình khẩn hoang, sau đó quần tụ lập ấp… đều thiếu thốn. Thiếu nhân lực, vật lực, tài lực, khả năng tổ chức thấp, hoạt động sản xuất chỉ dựa chủ yếu vào kinh nghiệm cá nhân nên thành quả đạt được tất nhiên cũng không cao. Trong điều kiện trốn tránh, di dân đơn lẻ, hình thức tổ chức cuộc sống của lớp người này vẫn chưa thoát được hình thái tự túc tự cấp để phát triển nhanh, mạnh về kinh tế. Ruộng đất khai khẩn và chiếm hữu được cũng chỉ dừng lại trong một khoảng nhỏ hẹp phù hợp và thỏa mãn được năng lực khai thác của cá nhân, gia đình hoặc một nhóm nhỏ. Do đó, về căn bản, địa chủ miền Đông (giai đoạn đầu) chỉ là những tiểu địa chủ, quy mô sở hữu đất đai không lớn, quy mô sản xuất manh mún, sản phẩm chưa thật sự mang tính hàng hóa.

     Về mặt tự nhiên, đất đai miền Đông ở những vùng được lưu dân khai khẩn cũng chỉ thích hợp trồng lúa nước theo mùa vụ. Trong giai đoạn đầu, hệ thống đường sá, thủy lợi đều chưa có, người nông dân chỉ có thể canh tác theo mùa mưa, tận dụng nguồn nước tự nhiên và sản xuất bằng kinh nghiệm. Cả điều kiện tự nhiên lẫn xã hội đều không đa dạng cho việc đa canh nên sản phẩm nông nghiệp cũng không dồi dào. Do đó, khả năng phát triển, tập trung đất đai quy mô lớn hầu như không xảy ra.

     Sau năm 1697, nhà nước phong kiến chủ trương xây dựng chế độ quân điền quân trại, việc khẩn hoang, sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Bộ diễn ra quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, lực lượng khẩn hoang trong các quân điền quân trại, nếu không phải là dân binh thì cũng là các hạng khổ sai, lưu đày bị bắt buộc phải tham gia lao động, không có quyền tư hữu. Công cụ, tư liệu sản xuất do nhà nước cung cấp. Sản phẩm làm ra đều nhập vào kho công. Với hình thức này, ruộng đất khai khẩn nhanh chóng được đặt vào chế độ công điền công thổ, không phải là yếu tố thuận lợi hay có tác dụng khuyến khích tập trung đất đai vào tay tư nhân để tạo nên cơ sở cho việc hình thành và phát triển tầng lớp đại địa chủ.

     Trong tiến trình khẩn hoang Nam Bộ, tuy việc di dân khẩn hoang xuất hiện trước, việc khẩn hoang có tổ chức của nhà nước đi sau nhưng chính yếu tố thứ hai mới mang tính chất quyết định hơn cả trong việc khai phá Nam Bộ và biến vùng đất này thành lãnh thổ Việt Nam. Việc hình thành cơ cấu chiếm hữu ruộng đất, cho dù là trên cơ sở công hữu hay tư hữu thì cũng luôn gắn chặt với quá trình hình thành nên cơ cấu làng xã. Khi chọn lập các dinh điền với chế độ công hữu ruộng đất, các đoàn dân binh khẩn hoang do nhà nước phong kiến đời các chúa Nguyễn đều chọn những vùng phụ cận, lị sở phủ Gia Định, trong đó đa phần là ở miền Đông, sau này mới len dần xuống một số vùng lân cận ở miền Tây như các vùng quanh sông Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định, sông Rạch Gầm. Nguyên nhân dễ hiểu là bởi vì ở những vùng xa hơn về miền Tây, điều kiện quản lý hành chính của các chúa Nguyễn chưa đủ sức vươn tới. Như vậy, chế độ công điền công thổ vẫn ảnh hưởng mạnh đến Đông Nam Bộ hơn là cả vùng Tây Nam Bộ rộng lớn và xa xôi. Đây là một nguyên nhân nữa hạn chế sức phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất, khiến giới đại địa chủ khó có cơ hội hình thành ở miền Đông Nam Bộ.

     Việc khai phá miền Tây Nam Bộ diễn ra ồ ạt sau khi các chúa Nguyễn đã có chính sách khuyến khích di dân khẩn hoang lập ấp. Ngoài dân nghèo phiêu tán, những kẻ bất đắc chí, bất phùng thời… bỏ xứ đi khẩn hoang đơn lẻ, chính sách của chúa Nguyễn cũng đã tạo hậu thuẫn có tác dụng khuyến khích những gia đình, dòng họ giàu có từ miền Trung chuyển cư vào Nam. Những đoàn khai hoang này thường đông đảo, có tổ chức, dồi dào cả nhân – vật – tài lực, điều kiện di dân khẩn hoang công khai, tổ chức quy củ nên thành quả khẩn hoang và khai thác nông nghiệp cũng quy mô hơn hẳn. Ghi nhận của lịch sử cho thấy, những đoàn di dân lớn theo dòng họ, có tổ chức này thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII và phát triển mạnh mẽ vào khoảng sau năm 1790 (giai đoạn Nguyễn Ánh bắt đầu khôi phục lại được vị thế). Những đoàn lưu dân lớn này có xu hướng vượt qua ranh giới của miền Đông để tiến sâu hơn vào các khu vực miền Tây, trụ lại ở các vùng phía Nam tỉnh Tiền Giang và phía Bắc tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Năng lực tổ chức khai phá, sản xuất cao hơn hẳn, nhân lực, vật lực dồi dào hơn hẳn cho nên quá trình khai phá và tập trung đất đai ở miền Tây Nam Bộ cũng diễn ra nhanh, mạnh hơn hẳn so với miền Đông Nam Bộ.

     Mặt khác, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, địa bàn hầu như bằng phẳng và đồng đều, điều kiện thủy lợi thời sơ khai của Tây Nam Bộ rõ ràng là có ưu thế tự nhiên thuận lợi hơn hẳn so với miền Đông Nam Bộ, nhất là rất thuận lợi cho việc canh tác lúa nước và các loại hoa màu, cây ăn trái. Nhờ vậy, thặng dư nông nghiệp của vùng đất khai phá sau – miền Tây Nam Bộ – rõ ràng là nhanh chóng trở nên dồi dào hơn nhiều so với vùng Đông Nam Bộ. Sự dồi dào thặng dư nông nghiệp đã kích thích mạnh mẽ nền mậu dịch tự do, khiến phương thức sản xuất hàng hóa và gắn sản xuất nông nghiệp với thương mại diễn ra nhanh, mạnh hơn ở miền Tây, thúc đẩy quá trình tư hữu và tích lũy ruộng đất tập trung diễn ra nhanh hơn.

     Trong khi đó, do cần tranh thủ sự ủng hộ của các dòng họ, dòng tộc, các cộng đồng dân cư trong cả hai chiến lược mở cõi về phương Nam lẫn trong quá trình đương cự với nhà Tây Sơn, cuối thế kỷ XVIII, các chúa Nguyễn đều có những chủ trương ưu đãi với thực tế tư hữu đất đai. Việc trao đổi, cầm cố, mua bán, thừa kế đất đai đều diễn ra tự do, hầu như ít bị quyền lực nhà nước chi phối. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tạo ra sự phân hóa xã hội, tập trung đất đai vào tay một số người, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành các đại điền chủ với số ruộng đất sở hữu có khi lên đến cả ngàn, hàng ngàn mẫu.

     Tuy nhiên, do điều kiện ưu đãi của thiên nhiên, một số lưu dân ở miền Tây Nam Bộ vẫn có thể sinh sống được nhờ vào việc khai thác nguồn lợi tự nhiên. Điều kiện đất đai mênh mông ở Tây Nam Bộ đã kích thích một bộ phận lưu dân tiến sâu vào các vùng thành những nhóm nhỏ, đơn lẻ, tự biến mình thành các tiểu địa chủ với quy mô sản xuất manh mún. Ở các khu vực tập trung, quyền lực hành chính giai đoạn đầu vẫn nhường chỗ cho quyền lực của dòng tộc, nhóm họ. Làng xã thôn ấp hình thành tự phát, điều hành mang tính tự quản. Do đó, về thiết chế dân cư, miền Tây Nam Bộ tuy đa dạng, phóng khoáng nhưng vẫn mang yếu tố rời rạc, lỏng lẻo, kém quy củ chặt chẽ so với miền Đông Nam Bộ, nơi chịu nhiều chi phối của thiết chế hành chính phong kiến hơn. Không chịu sự ràng buộc chặt chẽ của chính quyền, Nam Bộ “tùy ý” có những “thước đo”, “thang bậc giá trị” riêng tùy từng vùng, tùy thói quen và sự ngẫu hứng. Trong việc đo đạc thì tùy nơi, có công, tầm, khoảnh, sở… Đơn vị khối lượng cũng đầy ngẫu hứng với keo, táo, giạ, hộ…

     Bao trùm lên các khu vực thị tứ của miền Tây Nam Bộ là sự hiện diện của cộng đồng người Hoa. Đặc điểm chung là họ rất tháo vát trong việc buôn bán, lại có sẵn quan hệ thân tộc với nhiều khu vực từ Trung Hoa, Đài Loan đến khu vực Đông Nam Á. Sự giao lưu dẫn đến quan hệ giao thương khiến thặng dư nông nghiệp ở Tây Nam Bộ có điều kiện trở thành hàng hóa xuất khẩu mạnh hơn so với miền Đông. Trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa phát triển như ở thế kỷ XVII–XVIII thì hệ thống sông ngòi chằng chịt của miền Tây Nam Bộ chính là một lợi thế lớn thuận tiện cho việc lưu thông tiêu thụ sản phẩm. Điều kiện tích lũy thặng dư nông nghiệp thuận lợi đã đẩy nhanh hơn tiến trình tư hữu đất đai tập trung, giúp vùng đất này dễ xuất hiện nhiều địa chủ lớn hơn miền Đông Nam Bộ.

     Việc di dân có tổ chức chịu nhiều yếu tố nhà nước chi phối, cư dân Đông Nam Bộ, từ thiết chế làng xã đến nhóm ngành nghề đều “có quy hoạch” hơn. Những vùng đất cao, ít thuận lợi về nước tưới ở các vùng Đồng Nai, Bình Dương, nhờ vậy đã xuất hiện nhiều làng nghề tập trung như sản xuất gốm sứ, gạch ngói, làng mộc, dệt. Sản phẩm thương mại ở miền Đông Nam Bộ tuy không đem lại thặng dư cao như Tây Nam Bộ nhưng lại đa dạng hơn về ngành nghề. Trong khi đó, thiên nhiên ưu đãi cho việc phát triển nông nghiệp nên hầu hết nhà giàu, những gia đình cự phú ở miền Tây đều gắn với sản xuất nông nghiệp, đều là đại địa chủ.

*

     Địa chủ ở Nam Bộ thế kỷ XVII–XVIII, có những khác biệt so với khu vực miền Bắc, miền Trung cũng như sự khác nhau giữa địa chủ vùng Đông và Tây Nam Bộ. Tầng lớp địa chủ Nam Bộ có vai trò tích cực trong quá trình khẩn hoang, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở vùng đất Nam Bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Hoàng Diệu, Hoàng Anh Tuấn (chủ biên), Địa chí Tiền Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản, 2005.

[2] Nguyễn Đình Đầu, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh, NXB Trẻ, 1999.

[3] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, 1977.

[4] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Bản dịch Lý Việt Dũng, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006.

[5] Trần Thị Thu Lương, Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.

[6] Huỳnh Lứa, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ thế kỷ XVII, XVIII, XIX, NXB Khoa học Xã hội, 2000.

[7] Trần Thị Mai, Vai trò của cộng đồng người Việt trong công cuộc khai phá đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ XVII – XIX, đề tài nghiên cứu khoa học Đại học Quốc gia TP.HCM, mã số: B 2007–18b–01.

[8] Nguyễn Phúc Nghiệp, Kinh tế nông nghiệp Tiền Giang thế kỷ XIX, NXB Trẻ, 2003.

Nguồn: Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 4 (17) – 2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một số đặc điểm của địa chủ Nam Bộ thế kỷ XVII – XVIII (Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Nguyệt)