Một số quan điểm đương đại về thế tục hóa tôn giáo
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THỊ LÊ
(Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
TÓM TẮT
Quá trình mang tính lịch sử nhằm khai sáng hiểu biết của con người và tiếp theo đó là làm suy yếu hoặc giảm thiểu vai trò của tôn giáo trong thời hiện đại, đặc biệt tại châu Âu, được mô tả là quá trình thế tục hóa. Tuy nhiên, nhiều quan điểm phản đối cho rằng lý thuyết thế tục hóa có thể không áp dụng được cho những khu vực đa tôn giáo, thậm chí còn đang bị thách thức trước sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và tính tôn giáo trong đời sống xã hội và chính trị thế giới trong những năm gần đây. Bài viết tổng hợp một số quan điểm, nhận định của các học giả quốc tế về tính thế tục của tôn giáo trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Từ khóa: Tính thế tục, Thế tục hóa, Thị trường tôn giáo, Lý thuyết sự lựa chọn hợp lý, Phản thế tục, Hậu thế tục, Giải thế tục.
ABSTRACT
An historic process to enlighten the people initially and to undermine or diminish religion’s role in modern times subsequently, especially in Europe, is interpreted as secularization. However, several opposing perspectives suggest that the secularization theory may not be applicable to multi-religious regions, even being challenged by the rise of religious extremism and the religiousity in social life and world politics in recent years. The paper summarizes prominent viewpoints and comments of international scholars on the secularity in the current global context.
Keywords: Secularity, Secularization, Religious Market, Reasonable Choice Theory, Counter-secularism, Post-secularism, De-secularization.
x
x x
Mở đầu
Từ thế kỷ XIX, nhiều học giảđã bàn tới số phận của tôn giáo trước ảnh hưởng của tính hiện đại trong bối cảnh xã hội châu Âu – quá trình thế tục hóa. Theo họ, sự thay đổi xã hội cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa khiến tầm ảnh hưởng của tôn giáo ngày càng giảm, vai trò của tôn giáo trong đời sống cộng đồng ngày càng bị thu hẹp và tôn giáo bị dồn ép vào trong phạm vi hoạt động cá nhân (Peter Connolly, 2018). Tuy nhiên, những dựđoán về tính thế tục này của tôn giáo đang bị thách thức trước sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và sự gia tăng tính tôn giáo trong đời sống xã hội và chính trịở khắp nơi trên thế giới trong những năm gần đây.
Lý thuyết thế tục hóa bắt nguồn từ lịch sử châu Âu, có thể không áp dụng được cho những khu vực đa tôn giáo như châu Á. Do vậy, những người phản đối lý thuyết thế tục hóa (phản thế tục) đã sử dụng mô hình thịtrường tôn giáo và lý thuyết sự chọn lựa hợp lý để giải thích cho sự tồn tại của tôn giáo trong thời hiện đại. Bên cạnh đó, có những học giả tán thành lý thuyết thế tục hóa trong thập niên 60 của thế kỷ XX nhưng đến nay đã thay đổi quan điểm. Họ mô tả tình hình hiện nay không phải là thế tục hóa mà là sự trở lại của tôn giáo – là sự thay đổi sang một kiểu xã hội mới sau thời kỳ thế tục (hậu thế tục) hay một thời đại hoàn toàn mới (giải thế tục).
1. Lý thuyết thế tục hóa
Lý thuyết thế tục hóa (secularization) về sự suy giảm vai trò của tôn giáo đặt cơsở trên hai luận điểm chính.
Thứ nhất là sự hình thành một thế giới quan duy lý dẫn đến sự xói mòn niềm tin vào tôn giáo được Max Weber đề cập trong hai tác phẩm Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (The Protestant ethic and the spirit of capitalism, 1904) và Kinh tế học và xã hội (Economics and society, 1933). Weber sử dụng thuật ngữ“thế tục hóa” để ám chỉ sự giảm sút của tính tôn giáo trong xã hội, hoặc ám chỉ giai đoạn chuyển từ tính tôn giáo sang tính thếtục, hoặc ám chỉ sự mất quyền kiểm soát của tôn giáo trong một vài lĩnh vực của đời sống xã hội. Hay nói cách khác, ông dùng thuật ngữ “duy lý hóa” (rationalisation) – khuynh hướng duy lý hóa của thời hiện đại (Nguyễn Xuân Nghĩa, 1996). Các nhà xã hội học như Peter L. Berger, David Martin và Bryan Wilson đã góp phần thúc đẩy quan điểm duy lý này. Theo đó, những tín điều do Giáo hội Công giáo đưa ra đã mất đi tính hợp lý trong xã hội hiện đại. Sự mất niềm tin được cho là nguyên nhân dẫn đến việc tôn giáo bị phá vỡ, tập quán sinh hoạt tại nhà thờ dần mai một, các tín đồ không tuân theo các nghi lễ tôn giáo khiến ý nghĩa xã hội của các giáo phái bị suy yếu. Từđó, tín đồ không còn tích cực tham gia vào các tổ chức tôn giáo được xây dựng trên niềm tin tôn giáo.
Trong thế kỷ XIX, những thành tựu nổi bật về khoa học – kỹ thuật – công nghệ cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại, sản xuất công nghiệp đã tác động sâu rộng tới đời sống xã hội nói chung, đời sống tôn giáo nói riêng. Các hiện tượng huyền bí, siêu nhiên, những tai ương, dịch bệnh, lũ lụt… đều được giải thích theo khoa học. Quan điểm duy lý dần làm suy yếu nền móng của những tín điều cốt lõi mang tính chất siêu hình. Hay nói cách khác, con người ngày càng tin vào khoa học, vào những tri thức và luận thuyết có thể chứng minh bằng kinh nghiệm thay vì đặt niềm tin vào tôn giáo hay các tri thức và luận thuyết siêu nghiệm. Theo Weber, đó là “sự giải mê thế giới” – thế giới không còn bí ẩn, linh thiêng để con người kính phục và quy phục. Các chức sắc tôn giáo mất đi uy quyền của thần thánh. Đồng thời, sự phân chia giữa Giáo hội Công giáo và nhà nước, và sự ra đời của hệ thống hành chính thế tục với đại diện là các cấp chính quyền đã thay thế vai trò của các lãnh tụ tinh thần và các thiết chế của Giáo hội Công giáo. Đó là quá trình phân biệt hóa các định chế do Talcott Parsons đề xướng – khiến định chế tôn giáo mất vai trò chủđạo và bao trùm. Do vậy, sự tách biệt giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo trong các chếđộ dân chủ hiện đại làm cho việc thuộc vềmột tôn giáo nào đó chỉ là vấn đề tự nguyện của cá nhân (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2003).
Thứ hai, sự chuyên biệt hóa chức năng xã hội trong xã hội công nghiệp hóa dẫn đến sự suy yếu chức năng của các tổ chức tôn giáo đối với đời sống xã hội và tiếp theo là sự suy yếu của chính tôn giáo, được bắt nguồn từ quan điểm của Émile Durkheim trong tác phẩm Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo (The Elementary forms of the religious life, 1912). Theo Durkheim, tôn giáo có nguồn gốc từ xã hội, nơi mà nghi lễ sẽ mang đến những thực hành tôn giáo và niềm tin về một sức mạnh bên ngoài con người. Luận điểm này cũng được các lý thuyết gia như Steve Bruce, Thomas Luckmann và Karel Dobbelaere vận dụng để giải thích vai trò của tôn giáo. Họ cho rằng, tôn giáo không chỉ là một hệ thống tín điều và quan niệm, mà còn là một hệ thống hành vi bao gồm những nghi thức và lễ nghi mang tính biểu tượng để đánh dấu những mốc lớn trong cuộc đời con người như sinh tử và hôn nhân, cũng như những nghi lễ định kỳ trong năm, đóng vai trò duy trì sự đoàn kết và cố kết xã hội, duy trì trật tự và ổn định, do đó mang lại những lợi ích chung (Phan Ngọc Chiến, 2010). Trong các xã hội công nghiệp chuyên biệt hóa chức năng, các tổ chức và giới chức chuyên môn đảm nhận các chức năng chăm sóc y tế, giáo dục, chính trị… thay thế phần lớn công việc một thời của các tu viện, giáo sĩ, giáo xứ. Như thế, khi các tổ chức tôn giáo bị tước mất mục đích xã hội cốt lõi thì vai trò tâm linh và luân lý của nó sẽ suy yếu, và có thểdần biến mất.
Ngoài ra, theo Peter Berger trong tác phẩm Mái vòm linh thiêng; Những yếu tố của một lý thuyết xã hội học về tôn giáo (The Sacred canopy; Elements of a sociological theory of religion, 1967), tình trạng đa nguyên tôn giáo phá vỡ mái vòm linh thiêng của một xã hội, làm giảm quyền uy của tất cả các truyền thống tôn giáo. Tính đa nguyên tôn giáo buộc các cấu trúc tôn giáo hợp lý phải cạnh tranh và tước bỏvị thếđược cho là hiển nhiên của tất cả các tôn giáo, từđó khiến các tôn giáo rơi vào một tình huống giống như cuộc cạnh tranh trên thị trường thương mại, điều này trởthành mối đe dọa đối với tương lai của tôn giáo (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2016: 3-22).
2. Quan điểm phản thế tục: Mô hình thị trường tôn giáo và lý thuyết sự chọn lựa hợp lý
Những người có quan điểm chống lại lý thuyết thế tục hóa (phản thế tục – counter-secularization) lập luận rằng, không chắc chắn số lượng tín đồ sẽ giảm khi xã hội phát triển, và đại bộ phận vẫn tin có Thượng đếthì không thể nói rằng các nước ở châu Âu có mức độ thế tục cao. Theo đó, họ sử dụng mô hình các thị trường tôn giáo (model of religious markets) và lý thuyết sự chọn lựa hợp lý (rational choice theory) để giải thích về sự tồn tại của tôn giáo nói chung và tại sao tôn giáo vẫn có sức sống trong các xã hội hiện đại. Luận điểm này gắn với tên tuổi của nhiều học giả tiêu biểu nhưRodney Stark, Lawrence R. Iannaccone, William Sims Bainbridge, Roger Finke. Cảhai lý thuyết đều thống nhất về khái niệm “nền kinh tế tôn giáo”, đều xem các giáo hội như là những “xí nghiệp”, các tôn giáo tranh giành tín đồ trong một thị trường tôn giáo (Phan Ngọc Chiến, 2010).
Để hiểu được quan điểm lựa chọn hợp lý về số phận của tôn giáo trong các xã hội hiện đại, cần xem xét các giảđịnh kinh tếcơ bản trong quan điểm này. Các nhà lý thuyết về sự lựa chọn hợp lý cho rằng, khi khái niệm hóa lĩnh vực tôn giáo của bất kỳxã hội nào là một nền kinh tế tôn giáo sẽgiải thích được sự tồn tại và thay đổi của tôn giáo. Nền kinh tế tôn giáo bao gồm tất cả các hiện tượng tôn giáo trong một xã hội nhất định và bao gồm thị trường tôn giáo. Trong các thị trường tôn giáo, các xí nghiệp tôn giáo sản xuất và bán “hàng hóa tôn giáo” đểđáp ứng “nhu cầu tôn giáo” của “người tiêu dùng” (Iannaccone, 1991; 1992). Theo giảđịnh, các xí nghiệp tôn giáo và người tiêu dùng đều rất lý trí ở chỗ: các xí nghiệp tôn giáo tham gia vào thị trường khi họnhìn thấy tiềm năng “lợi nhuận” có thểđạt được và ngừng sản xuất khi không có lãi; còn người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tôn giáo một cách hợp lý theo sở thích và khảnăng về ngân sách. Bên cạnh đó, một giảđịnh tiên quyết liên quan đến người tiêu dùng là nhu cầu tôn giáo của họ là không đổi, được giải thích theo thuyết tước đoạt1: vì hàng hóa tôn giáo bù đắp cho sự thiếu thốn vật chất và/hoặc phi vật chất (như: tiền của, tình cảm, địa vị xã hội, cuộc sống vĩnh hằng,…), và vì những “phần thưởng” của “thế giới này” và “thế giới bên kia (kiếp sau)” vẫn trong tình trạng khan hiếm nên các cá nhân đã, đang và sẽ luôn luôn có nhu cầu về hàng hóa tôn giáo.
Trên thực tế, thị trường tôn giáo hoạt động giống như các thị trường thương mại khác, tất cả những quy luật kinh tế học có thểđược sử dụng để phân tích và giải thích các hiện tượng tôn giáo. Chẳng hạn, áp dụng quy luật cung và cầu: nếu các yếu tố khác không thay đổi (ceteris paribus), một tôn giáo ít tốn kém hơn hoặc cho phép người ta tiếp cận với những điều tốt đẹp của thế giới bên kia dễdàng hơn thì có nhiều khả năng được tiêu dùng hơn; và nếu lượng hàng hóa tôn giáo trên thị trường tăng lên, giá cả hàng hóa tôn giáo sẽ giảm xuống. Còn theo quy luật bàn tay vô hình: thị trường không được điều tiết tạo ra nhiều phúc lợi hơn so với những thịtrường được điều tiết. Do đó, các tổ chức tôn giáo độc quyền (religious monopoly), các nhóm tổ chức tôn giáo độc quyền (religious oligopoly) hoặc các chế độ hỗn hợp sẽ không hoạt động hiệu quả bằng thị trường tôn giáo không được điều tiết. Trong khuôn khổ trên, cần thiết phải phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm giải thiêng hóa (desacralization) và thế tục hóa (secularization). Giải thiêng hóa có nghĩa là các thể chế phi tôn giáo vốn có (như: gia đình, hệ thống chính trị, kinh tế, hệ thống y tế), nếu trước đây mang các loại biểu tượng, đặc trưng của tôn giáo thì giờ đây không còn nữa. Quá trình thiêng hóa thì ngược lại, tức là có khả năng khi một tôn giáo được tôn lên vị trí độc quyền thì các thể chế phi tôn giáo lại mang đầy các loại biểu tượng, đặc điểm của tôn giáo đó, do vậy có thể đánh bật các đối thủ cạnh tranh tôn giáo ra khỏi thị trường bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước và các tiểu hệ thống xã hội khác. Khi địa vị này không còn được công nhận là hợp pháp (ví dụ, do sựđa dạng hóa của lĩnh vực tôn giáo), thì quá trình giải thiêng hóa sẽ xảy ra. Nhóm tôn giáo phải rút lại các yếu tốmang tính biểu trưng của mình ra khỏi các thể chế xã hội khác và vị thế độc quyền tôn giáo bị phá vỡ. Do đó, giải thiêng hóa là một quá trình đi kèm với việc bãi bỏ quy định tôn giáo, theo đó độc quyền tôn giáo được chuyển thành thị trường tôn giáo tự do. Mặc dù điều này ám chỉ sự đánh mất ý nghĩa tôn giáo nhất định trong một số bộ phận xã hội, nhưng sẽ dẫn đến tính tôn giáo nói chung ngày càng tăng. Trong khi đó, thế tục hóa chỉ đơn giản là việc các xí nghiệp (nhóm) tôn giáo hạ thấp các giả định siêu nhiên, điều này khiến “hàng hóa tôn giáo” của họ kém hấp dẫn hơn. Về lâu dài, những xí nghiệp này sẽ mất dần các thành viên và thị phần của họ. Tuy nhiên, bởi nhu cầu tôn giáo gần như không đổi, các đối thủ cạnh tranh tôn giáo khác với hàng hóa tôn giáo “tốt hơn” sẽ thế chỗ (phục hưng, đổi mới tôn giáo). Do đó, thế tục hóa chỉ là một mặt (thuộc về bên thua cuộc) của sự luân chuyển liên tục trên thị trường tôn giáo.
Mô hình thị trường tôn giáo và lý thuyết sự chọn lựa hợp lý có một sốưu, nhược điểm quan trọng nhất định. Trước hết, bởi mô hình này dựa trên thuyết cá nhân phương pháp luận (cá nhân luận – methodological individualism) và chấp nhận cách diễn giải theo xã hội học nên có thể giải thích được sự tồn tại của tôn giáo trong thời hiện đại khi mà mọi hoạt động của con người đều bị chi phối bởi cơ chế thị trường (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2008), nghiên cứu so sánh đồng đại giữa nhiều quốc gia và nghiên cứu lịch sửvề những thăng trầm của tôn giáo tại một quốc gia theo lịch đại (Phan Ngọc Chiến, 2010). Tuy nhiên, lý thuyết sự chọn lựa hợp lý lại không giải thích được thực trạng về sự giảm sút vai trò xã hội của các tôn giáo đang diễn ra ở châu Âu. Có thể thấy, sự độc quyền của một tôn giáo trong một xã hội nhất định cũng không phải là nguyên nhân của hiện tượng thế tục hóa. Hơn nữa, giả định về nhu cầu tôn giáo là không đổi có thể dễ dàng bị bác bỏ, các khái niệm lợi ích, phí tổn cũng khó áp dụng được trong lĩnh vực tâm linh. Chính bởi vậy, trên thực tế, mô hình thị trường tôn giáo vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi trong khoa học xã hội.
3. Quan điểm của Jürgen Habermas và Charles Taylor về hậu thế tục
Jürgen Habermas, Charles Taylor đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng luận điểm hậu thế tục, tức là xem xét lại lý thuyết thế tục hóa cổ điển từ một góc nhìn khác. Họ đã đưa ra những cách tiếp cận mới và mở ra khía cạnh thảo luận mới, không chỉđể tôn giáo thích ứng trong một thời đại thế tục, mà còn đặt nghi vấn về chính luận đề thế tục nhằm hiểu biết thêm về tôn giáo. Nói cách khác, mô hình chủ nghĩa thế tục đã được chuyển từ quan điểm lý thuyết về việc thừa nhận tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống thế tục hiện đại sang một quan điểm mới nhằm xem xét lại thế tục như một điều kiện tiên quyết để nhận ra tầm quan trọng của tôn giáo.
Habermas là người đầu tiên phổ biến thuật ngữ “hậu thế tục” (post-secularism) (Xem: Habermas, 2008). Giai đoạn trước những năm 1980, do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa mác xít, ông cho rằng tôn giáo sẽ biến mất trong các xã hội hiện đại với quá trình duy lý hóa và phân biệt hóa định chế của xã hội: lý luận khoa học ngày nay dựa trên tri thức thực chứng và quan hệ nhân quả thay thế cho ý tưởng rằng thế giới đi theo một trật tự của thần thánh. Đến giai đoạn 1985-2000, ông thiên về quan điểm cho rằng, tôn giáo là vấn đề riêng tư cá nhân, là một điều cần thiết trong cuộc sống của mỗi con người. Vào những năm cuối thập niên 1990, tư tưởng của ông về tôn giáo có sự thay đổi lớn, nhấn mạnh quan điểm “công cộng hóa” tôn giáo, tức là tôn giáo không nên bị giới hạn trong lĩnh vực riêng của cá nhân, mà nó phải can dự vào lĩnh vực công và sử dụng các truyền thống của mình để tinh chỉnh lại “trực giác đạo đức”. Quan điểm này cho rằng, xã hội sẽ trở thành “xã hội hậu thế tục” (post-secular society) (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2012).
Hai biến cố lớn trong thời đại ngày nay là cuộc cách mạng sinh học và sự trỗi dậy của các trào lưu chính thống (fundamentalism)1 đã làm thay đổi tư tưởng của Habermas. Theo ông, hậu thế tục không phải là sự kết thúc của quá trình thế tục hóa. Công cụ khái niệm mới này được phát triển để phân tích sự trở lại dường như bất ngờ của tôn giáo, tức là chủ nghĩa phục hưng tôn giáo. Thời đại của chủ nghĩa hậu thế tục không bác bỏ quá trình thế tục hóa đang diễn ra, cũng không phải sự quay trở lại thời kỳ thống trị của thần học thời Trung cổ. Xã hội hậu thế tục hàm ý thực tế rằng tôn giáo tiếp tục tự khẳng định vai trò và “các cộng đồng tôn giáo tiếp tục tồn tại trong môi trường ngày càng thế tục” (Habermas, 2009). Điều này được minh chứng qua việc tôn giáo vẫn phát triển ở châu Phi và Mỹ La tinh; do tính đa văn hóa và xuyên quốc gia, Giáo hội Công giáo vẫn thích ứng tốt với quá trình toàn cầu hóa; khuynh hướng cực đoan phát triển ở Islam giáo và xuất hiện khuynh hướng bạo lực với các mục tiêu chính trị (khủng bố); tôn giáo có ảnh hưởng trong không gian công cộng ở cả cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; sự va chạm văn hóa, tôn giáo với người di cư dẫn đến thay đổi ý thức tôn giáo của người phương Tây… Từ đó, Habermas đi đến nhận định, quá trình thế tục hóa không hoàn tất và cũng không thể được hoàn tất. Đồng thời, ông kết luận: “Trong các xã hội này, tôn giáo vẫn giữ được tính thích hợp và ảnh hưởng đến cộng đồng, trong khi quan điểm duy thế tục vốn xác quyết tôn giáo sẽ mất đi trong quá trình hiện đại hóa, quan điểm này không còn cơsở” (Theo: Nguyễn Xuân Nghĩa, 2012).
Đồng tình với quan điểm của Habermas, song Taylor (2007) không sử dụng thuật ngữ “hậu thế tục” như Habermas, mà chỉ gọi là “thời đại thế tục” (secular age), trong đó ông đề xuất xem xét lại các luận điểm truyền thống về thế tục hóa bằng cách phân tích mối quan hệ giữa tính hiện đại thế tục và tôn giáo (cụ thể là Ki-tô giáo) ở phương Tây. Theo đó, tính hiện đại thế tục đã định hình và rồi lại tái định hình Ki-tô giáo trong những năm qua, nhưng nó không loại bỏ hoàn toàn Ki-tô giáo. Thay vào đó, Taylor nhấn mạnh rằng Ki-tô giáo được thấm nhuần với quá trình hình thành lịch sử và tính ưu việt của nền văn minh phương Tây nói chung, văn hóa Hoa Kỳ nói riêng. Trong luận điểm về thế tục hóa đã được sửa đổi của mình, Taylor không nhận thấy mối quan hệ mâu thuẫn giữa tôn giáo và tính hiện đại thế tục. Ngược lại, tính hiện đại thế tục là điều kiện thiết yếu để quản lý sự đa dạng của tôn giáo. Ông lập luận rằng, tôn giáo sẽ không biến mất; đúng hơn, tôn giáo là một nhu cầu thường trực về một “quyền lực cao hơn” hay nhu cầu tột cùng của “cảm giác no đủ/viên mãn” phổ biến trong con người hiện đại. Một nhà nước thế tục không nhất thiết phải chống lại tôn giáo hoặc hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới tôn giáo; Nhà nước thế tục là cần thiết trong việc đảm bảo sự tham gia bình đẳng, sự chung sống hài hòa và hạnh phúc tối đa của tất cả những người theo tôn giáo, không theo tôn giáo hoặc chống lại tôn giáo trong thế giới hiện đại (Taylor, 2007).4. Quan điểm của Peter Berger và Vyacheslav Karpov về giải thế tục hóa Berger là một trong những học giả đã từng nhiệt thành ủng hộ lý thuyết thế tục hóa, tuy nhiên đến nay quan điểm của ông cũng có những biến chuyển lớn. Theo ông, lý thuyết thế tục hóa không hoàn toàn sai lầm và vẫn phù hợp với một số nơi trên thế giới (đặc biệt là Tây Âu), và đối với một số nhóm công dân (như tầng lớp trí thức quốc tế). Hầu hết thế giới ngày nay đều mang tính tôn giáo, với những sự kiện tôn giáo gây ảnh hưởng mạnh mẽ (như: mức độảnh hưởng của Tin lành Phúc âm và Islam giáo hồi sinh được thể hiện qua số lượng khổng lồ tín đồ chuyển đạo và tỷ lệ sinh cao). Theo quan điểm hiện tại của Berger, sai lầm cơ bản của lý thuyết thế tục gây tranh cãi này là ở chỗ họ sử dụng cái mà các nhà logic học gọi là thuyết ngụy biện “lấy một phần để mô tả toàn bộ” (pars pro toto) (lấy sự suy giảm của tôn giáo ở Tây Âu để mô tả cho số phận tôn giáo trên toàn thế giới). Tính hiện đại – biểu hiện qua tất cả những thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng trong cuộc sống đã trở thành một phần thiết yếu của xã hội đương đại – chắc chắn là một diễn ngôn thế tục mạnh mẽ. Berger (2015) cho rằng, lý thuyết đa nguyên nên thay thế cho lý thuyết thế tục hóa không thể kiểm chứng. Tuy vậy, ông nhấn mạnh phải kiểm soát hai khía cạnh đa nguyên, đó là: đa nguyên tôn giáo, thường được hiểu là một số tôn giáo cùng tồn tại trong một xã hội; và đa nguyên diễn ngôn, tức là một số diễn ngôn tôn giáo cùng tồn tại với diễn ngôn thế tục mạnh mẽ.
Berger lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ giải thế tục hóa (desecularization) chỉ đơn giản hàm ý sự hiện diện mạnh mẽ của tôn giáo trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, ông sử dụng thuật ngữ này có phần bất cẩn khi quan sát về thế giới giải thế tục không bao gồm châu Âu, và có lẽ là cả Hoa Kỳ (Xem: Berger, 1999). Vyacheslav Karpov làm sâu sắc thêm thuật ngữ này với hai luận điểm: (i) giải thế tục hóa ngụ ý rằng có một chuỗi sự kiện theo trình tự thời gian giữa tính thế tục và sự trở lại của tôn giáo, do vậy nó không phù hợp với tình huống mà tôn giáo luôn luôn hiện diện suốt chiều dài lịch sử; (ii) Thế tục hóa và sự đảo ngược của quá trình này không phải là các lực lượng phi ngã (không có mối liên hệ với con người), mà luôn có các tác nhân cụ thể và lợi ích của chúng thúc đẩy cả hai quá trình (Karpov, 2010).
Karpov (2010) cho rằng, giải thế tục hóa là một quá trình chống lại lý thuyết thế tục hóa (phản thế tục – counter-secularization), qua đó tôn giáo tái khẳng định ảnh hưởng xã hội của mình nhằm đáp trả các quá trình thế tục hóa đã có và/hoặc đang cùng xảy ra. Quá trình này được biểu hiện qua một vài hoặc tất cả các xu hướng sau: a) Sự nối lại liên kết giữa những định chế thế tục hóa và những chuẩn mực tôn giáo, cả trên bình diện chính thức và phi chính thức; b) Sự trỗi dậy của niềm tin và thực hành tôn giáo; c) Sự trở lại của tôn giáo trên không gian công cộng (giải riêng tư hóa – de-privatization); d) Sự hồi sinh của nội dung tôn giáo trong nhiều tiểu hệ thống văn hóa như nghệ thuật, triết học, văn học và sự suy giảm vị thế của nền khoa học so với vai trò hồi sinh của tôn giáo trong việc xây dựng và duy trì thế giới; e) Những thay đổi liên quan đến tôn giáo trong các lớp nền của xã hội (ví dụ như thay đổi nhân khẩu học, xác định lại lãnh thổ và dân số theo các dòng tôn giáo, sự tái xuất hiện các cấu trúc vật chất liên quan đến tín ngưỡng, thị phần gia tăng của các hàng hóa liên quan đến tôn giáo trên thị trường kinh tế tổng thể, v.v…).
Tạm kết
Tóm lại, các quan điểm về quá trình thếtục hóa, phản thế tục, hậu thế tục hay giải thế tục hóa đều hết sức phức tạp và vẫn còn nhiều tranh cãi. Điều này tùy thuộc vào biểu hiện khác nhau của các tôn giáo khác nhau, trong những thời kỳ khác nhau tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Đây là kết quảtất yếu của một tiến trình lịch sử lâu dài. Tuy quá trình thế tục hóa có thể khiến tôn giáo ít nhiều mất đi tầm quan trọng và ảnh hưởng vốn có của nó trong xã hội, làm cho đời sống xã hội loài người ngày càng ít chịu sự chếước của quan niệm, giáo lý và thực tiễn tôn giáo, từđó số người không có tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội tăng lên, nhưng cũng lại thôi thúc tôn giáo đổi mới để thích ứng với thời đại. Từđó, lý thuyết thế tục hóa có thể không còn phù hợp, thay vào đó ngày càng có nhiều quan điểm đưa ra những góc nhìn mới, trong đó, sự phục hưng của tôn giáo được diễn giải là sự thay đổi sang một kiểu xã hội hoặc một thời đại mới
_________
1. Thuyết tước đoạt (Deprivation theory) cho rằng, phong trào xã hội phát sinh khi nhiều người cảm thấy họ bị tước đoạt những gì cần thiết đối với hạnh phúc của mình. Những thứđó có thể là quyền lợi kinh tế, quyền lợi chính trị, giá trị xã hội… Do vậy, họ tham gia vào các phong trào xã hội nhằm giành được những gì mà họ cho là công bằng hơn (https://www.britannica.com/topic/relative-depri-vation; xem thêm:
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.2044-8309.1984.tb00645.x)
1. Các phong trào tôn giáo bảo thủ với đặc trưng là ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt các văn bản thánh kinh. Cụm từ này từng dành riêng để ám chỉ những người theo đạo Tin lành Hoa Kỳ khăng khăng về tính chất nguyên thủy của Kinh thánh, bắt đầu từ cuối thế kỷ XX được áp dụng rộng rãi hơn cho nhiều phong trào tôn giáo khác nhau (Xem thêm: https://www.britannica.com/topic/fundamentalism).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Berger, Peter L. (1999), The desecularization of the world: resurgent religion and world politics, Ethnic and Public Policy Center, Wm.B. Eerdmans Publishing Co.
2. Berger, Peter L. (2015), “Desecularization”, The American Interest,
https://www.the-american-interest.com/2015/5/13/desecularization/, truy cập ngày 01/8/2020.
3. Phan Ngọc Chiến (2010), “Hai quan điểm đối nghịch về tôn giáo: Thuyết thế tục hóa và mô hình thị trường tôn giáo”, in trong: Bùi Thế Cường (chủbiên, 2010), Phương pháp nghiên cứu xã hội và lịch sử, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
4. Habermas, Jürgen (2008), “A post-secular society – what does that mean?”,
https://www.resetdoc.org/story/a-post-secular-society-what-does-that-mean/, truy cập ngày 01/8/2020.
5. Iannaccone, Lawrence R. (1991), “The Consequences of religious market structure: Adam Smith and the economics of religion”, Rationality and Society, Vol. 3(2): 156-177.
6. Iannaccone, Lawrence R. (1992), “Religious markets and the economics of religion”, Social Compass, Vol. 39 (1), p. 123-131.
7. Karpov, Vyacheslav (2010), “Desecularization: A conceptual framework”, Journal of Church and State, 2010, Vol. 52, Issue 2.
8. Nguyễn Xuân Nghĩa (1996), “Tôn giáo và quá trình thế tục hóa”, Tạp chí Xã hội học, số 1 (53), tr. 8-14.
9. Nguyễn Xuân Nghĩa (2003), “Tôn giáo trong thời hiện đại, thế tục hóa hay phi thế tục hóa”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2, tr. 21.
10. Nguyễn Xuân Nghĩa (2008), “Lý thuyết chọn lựa hợp lý và việc giải thích hiện tượng tôn giáo”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 2 (114), tr. 69-79.
11. Nguyễn Xuân Nghĩa (2012), “Tư tưởng của Jürgen Habermas về tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 6, tr. 18.
12. Nguyễn Xuân Nghĩa (2016), “Giới thiệu tư tưởng xã hội học Peter Berger về tôn giáo và những biến chuyển”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2 (152), tr. 3-22.
13. Peter Connolly (chủ biên), Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận (Chu Tiến Ánh dịch, 2018), Nxb. Tri thức, Hà Nội.
14. Taylor, Charles (2018), A Secular Age, The Bellknap Press of Harvard University Press, Cambridge, MA.
15.
https://www.britannica.com/topic/relative-deprivation16.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.20448309.1984.tb00645.x, truy cập ngày 01/8/2020.
Nguồn: Thông tin Khoa học xã hội, số 10.2020
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một số quan điểm đương đại về thế tục hóa tôn giáo (Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Lê) |