Một số thủ pháp dịch gắn với loại hình văn bản và khảo sát các thủ pháp dịch trong bản dịch truyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết” từ tiếng Đức sang tiếng Việt

TRANSLATION METHODS ATTACHED TO TEXT TYPES AND
SURVEY OF TRANSLATION METHODS IN THE TRANSLATION OF
“SNOW WHITE” FROM GERMAN INTO VIETNAMESE

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆP
(Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT

     Dịch thuật nói chung và dịch văn học nói riêng đòi hỏi người dịch phải am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của cả ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích. Bên cạnh đó, việc áp dụng thủ pháp phù hợp trong dịch thuật có tính chất quyết định đối với thành công của bản dịch. Bài nghiên cứu nêu ra một số thủ pháp dịch thuật dựa trên lý thuyết của một số nhà nghiên cứu dịch thuật trên thế giới, đồng thời làm sáng tỏ tính chất và vai trò của mỗi thủ pháp dịch trong mối tương quan với loại hình văn bản. Ở phần thực nghiệm, bài nghiên cứu chọn đối tượng khảo sát là bản dịch Nàng Bạch Tuyết của dịch giả Chu Thu Phương và nêu ra một số thủ pháp dịch chính mà dịch giả đã sử dụng kèm theo những nhận xét và lý giải tương ứng.

Từ khóa: Dịch thuật, thủ pháp dịch, loại hình văn bản, khảo sát, bản dịch.

ABSTRACT

     Translating in general and literary translating in particular requires the translator’s understanding of both the original and target languages and cultures. In addition, the use of appropriate procedures in translation is critical to the success of the translation. The paper presents some translation techniques based on the theory of translation by certain reseachers in the world and illuminates the nature and role of each translation procedure in relation to the type of text. In the experimental section, the paper selected the subject of the survey as the translation of “Snow White” from German into Vietnamese by Chu Thu Phuong and outlined some of the main translation procedures that the translator used with the corresponding comments and explanations.

Key words: Translating, procedures, type of text, survey, translation.

1. Mở đầu

     Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia đều có nhu cầu trao đổi với nhau trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị và văn hóa. Do vậy, công tác dịch thuật nói chung và biên dịch các tác phẩm văn học từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt nói riêng có một ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, thành công của một bản dịch phụ thuộc vào kỹ năng dịch, sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa của dịch giả cũng như sự đón nhận của người đọc. Trong những năm gần đây, nhiều tác giả như Koller, Nord, Stotze đã nghiên cứu nhiều về những khó khăn trong dịch thuật cũng như những thủ pháp dịch phổ biến. Trong quá trình biên dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt nói chung và từ tiếng Đức sang tiếng Việt nói riêng, các dịch giả đều gặp phải những khó khăn chung liên quan đến sự không tương đồng trong tư duy văn hóa, cách quan niệm cũng như sự khác biệt trong hệ thống ngôn ngữ, đặc biệt là những khác biệt về mặt ngữ pháp. Một trong những yếu tố quan trọng khi lựa chọn thủ pháp dịch thuật chính là đặc điểm về văn hóa của ngôn ngữ đích cũng như đặc điểm của đối tượng tiếp nhận bản dịch. Bài nghiên cứu giới thiệu về các thủ pháp dịch thuật tương ứng với từng loại hình văn bản khác nhau và khảo sát bản dịch Nàng bạch tuyết từ tiếng Đức sang tiếng Việt của dịch giả Chu Thu Phương (2015). Qua đó, bài viết đưa ra kết luận về các thủ pháp mà dịch giả đã lựa chọn cũng như đưa ra những nhận xét, đánh giá về các thủ pháp đã nêu và đề xuất việc áp dụng phương pháp dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Mục đích của bài nghiên cứu là góp phần cung cấp thêm thông tin về các thủ pháp dịch thuật, đặc biệt là dịch văn học, qua đó góp phần vào quá trình nghiên cứu biên dịch Đức – Việt nói riêng và biên dịch nói chung.

2. Cơ sở lý luận

     Bài nghiên cứu dựa trên lý thuyết về dịch thuật và các thủ pháp dịch thuật của Reiß và Newmark dựa trên loại hình văn bản. Qua đó, tác giả làm rõ một số nét đặc trưng của các thủ pháp dịch thuật, trong đó có các thủ pháp liên quan đến việc dịch truyện từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Bên cạnh đó, việc nêu rõ bản chất và mục đích của từng cách thức dịch thuật giúp làm rõ tính hợp lý hoặc không hợp lý của các thủ pháp dịch thuật mà dịch giả Chu Thu Phương đã áp dụng trong quá trình dịch (được nêu trong phần kết quả khảo sát).

     2.1. Các loại hình văn bản trong tiếng Đức và các thủ pháp dịch tương ứng theo lý thuyết của Reiß

     Ngay từ thập niên 60, việc nghiên cứu về dịch thuật có liên quan đến tính chất văn bản đã rất được quan tâm. Nida (1964) chia văn bản ra làm 2 loại hình cơ bản: văn bản thiên về nội dung và văn bản thiên về biểu cảm. Schleiermacher (2002) lại chú trọng đến hình thức dịch, cụ thể hoạt động dịch được diễn ra theo 2 hình thức cơ bản là phiên dịch và biên dịch. Phiên dịch là hình thức được áp dụng khi truyền tải thông tin trong các lĩnh vực đời sống và kinh doanh, còn đối với các văn bản mang tính khoa học và tác phẩm văn học thì cần phải áp dụng hình thức khác, đó là biên dịch. Bởi chỉ có thông qua biên dịch, thì những nét riêng mang dấu ấn tác giả mới được lưu giữ và truyền tải (Schleiermacher, 2002, tr. 69). Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều cách nhận định khác nhau về dịch thuật và các thủ pháp dịch thuật, tuy nhiên góc nhìn nào cũng bộc lộ một số hạn chế.

     Để tránh được những hạn chế trong việc đưa ra kết luận về thủ pháp dịch, Reiß (1993) đã xây dựng nên bảng hệ thống các mô-típ văn bản và thủ pháp dịch tương ứng. Với khái niệm “mô-típ văn bản”, tác giả phân chia văn bản ra nhiều loại khác nhau tùy theo mục đích giao tiếp. Trong đó, mỗi mô-típ văn bản đều có một chức năng nhất định ứng với từng tình huống giao tiếp và vì thế cũng đòi hỏi những chiến lược dịch thuật nhất định. Theo quan điểm của Reiß, việc dịch thuật cần dựa trên các yếu tố liên quan đến văn bản và định hướng vào văn bản, theo đó các tiêu chí về ngôn ngữ học và ngữ dụng học của văn bản cần được đưa ra xem xét khi lựa chọn thủ pháp dịch. Có 4 loại hình văn bản tồn tại: văn bản thiên về chức năng thông báo (chú trọng về nội dung), văn bản thiên về thẩm mỹ (chú trọng hình thức), văn bản có chức năng kêu gọi (chú trọng thông điệp), văn bản thể hiện dưới dạng âm thanh, hình ảnh và công nghệ. Tương ứng với mỗi loại hình văn bản sẽ có những phương pháp dịch khác nhau (Reiß, 1993, tr. 17).

     Mô-típ văn bản 1: Văn bản thiên về chức năng thông báo. Chức năng chính của loại hình văn bản này truyền đạt thông tin, ví dụ như tin tức, các vấn đề thực tế trong đời sống. Trong những văn bản này, nội dung thông tin đóng vai trò quan trọng nhất và được chú trọng trong quá trình dịch thuật hơn là hình thức văn bản (ví dụ: thư giao dịch trong kinh doanh). Hình thức văn bản được quy định bởi nội dung văn bản.

     Mô-típ văn bản 2: Văn bản thiên về thẩm mỹ. Chức năng chính của loại hình văn bản này là truyền đạt tư tưởng và văn phong mang tính thẩm mỹ của tác giả. Chính vì vậy, mà sự trung thành tuyệt đối về nội dung trong quá trình dịch thuật không quá được đề cao. Hình thức của văn bản chủ yếu được quy định bởi ý đồ cá nhân của tác giả liên quan đến các hình thức biểu đạt của ngôn ngữ.

     Mô-típ văn bản 3: Văn bản thiên về chức năng kêu gọi. Chức năng chính của loại hình văn bản này truyền đạt các thông tin mang tính thuyết phục và qua đó tạo động lực để người tiếp nhận văn bản thực hiện những hành vi nhất định. Đối với việc dịch thuật loại hình văn bản này, đôi khi việc thay đổi một chút nội dung và hình thức có thể cần thiết.

     Mô-típ văn bản 4: Văn bản dưới dạng âm thanh, hình ảnh và công nghệ. Mô-típ này chính là sự pha trộn về đặc điểm của các mô-típ văn bản còn lại, chính vì vậy mà việc dịch loại văn bản này cần sự kết hợp của nhiều thủ pháp khác nhau (Kautz, 2000, tr. 76).

     Đối với người dịch thì điều quan trọng là phải nhận ra loại hình văn bản mà mình cần dịch và phân biệt văn bản đó với các loại hình văn bản khác. Kết quả phân tích loại hình văn bản của bản gốc sẽ gợi ý cho dịch giả việc xây dựng văn bản dịch.

     Dưới đây là bảng tổng hợp của Reiß (1983) về các mô-típ văn bản kèm theo các chức năng, dấu hiện nhận biết, các yếu tố cần chú trọng và các thủ pháp dịch thuật.

Bảng 1. Bảng tổng hợp các mô-típ văn bản theo lý thuyết của Reiß (1983, tr. 20).

     2.2. Các thủ pháp dịch phổ biến theo lý thuyết của Newmark

     Newmark đặc biệt chú trọng đến yếu tố loại hình văn bản trong việc quyết định quá trình dịch thuật và các thủ pháp dịch thuật. Thông thường, các dịch giả thường áp dụng thủ pháp dịch ngữ nghĩa khi dịch các tác phẩm văn học. Newmark phân chia các thủ pháp dịch thuật thành 8 phạm trù bao gồm: dịch từ đối từ, dịch giữ nguyên cấu trúc, dịch trung thành với bản gốc, dịch truyền đạt, dịch thông tục, dịch ngữ nghĩa, dịch tự do và dịch phóng tác (Newmark 1988, tr. 45-46).

     – Dịch từ đối từ: Đây là phương pháp chuyển dịch trực tiếp, bắt đầu từ cấp độ từ. Theo đó, thứ tự xuất hiện của từ trong văn bản gốc sẽ tương ứng với thứ tự trong văn bản dịch. Người dịch sẽ tra từ cần dịch trong từ điển để tìm ra nghĩa chung nhất. Bản dịch chứa đựng nhiều đặc điểm của bản gốc.

     – Dịch giữ nguyên cấu trúc: Phương pháp chuyển dịch này đảm bảo bản dịch có cấu trúc gần nhất với bản gốc. Các yếu tố về cú pháp sẽ được thể hiện nguyên mẫu với cấu trúc tương ứng trong bản dịch, trong đó các từ ngữ sẽ được dịch riêng lẻ, không liên quan đến bối cảnh văn bản.

     – Dịch trung thành với văn bản (dịch nghĩa đen): Với thủ pháp này, người dịch cố gắng tái tạo ý nghĩa chính xác theo ngữ cảnh của bản gốc, mặc dù có thể phải chấp nhận các hạn chế của các cấu trúc ngữ pháp ở ngôn ngữ đích. Bản dịch truyền tải các từ ngữ mang tính văn hóa và giữ lại các đặc điểm ngữ pháp và từ vựng của bản gốc một cách nghiêm ngặt. Nói cách khác, người dịch cố gắng trung thành với ý định của tác giả.

     – Dịch ngữ nghĩa: Bản dịch chứa đựng toàn bộ các nội dung của bản gốc, bao gồm các giá trị thẩm mỹ cơ bản. Tuy nhiên, ở phương phương pháp này, bản dịch đã hướng tới người đọc hơn và không quá phụ thuộc vào quy tắc ngôn ngữ của văn bản gốc. Nói cách khác, người dịch đã thể hiện tính sáng tạo nhất định trong quá trình dịch.

     – Dịch truyền đạt: Đối với thủ pháp dịch này, người tiếp nhận văn bản được xem là trung tâm. Theo đó, người dịch cố gắng truyền đạt chính xác ý nghĩa chung nhất của văn bản gốc, tuy nhiên vẫn chú trọng tính dễ hiểu và giúp người đọc ở ngôn ngữ đích dễ dàng tiếp nhận văn bản.

     – Dịch thông tục: Người dịch vận dụng nhiều sự sáng tạo trong quá trình dịch thuật để qua đó bản dịch có chữa những cách thức diễn đạt thông tục trong ngôn ngữ đích và gần gũi với người đọc. Chính vì vậy, trong bản dịch có thể xuất hiện những cách nói thông tục và các thành ngữ vốn có trong ngôn ngữ đích (những cách diễn đạt này không tồn tại trong bản gốc).

     – Dịch tự do: Đối với thủ pháp này, người dịch muốn thoát khỏi những gò bó về cấu trúc và ngôn ngữ của văn bản gốc, nhằm truyền đạt thông tin một cách phóng khoáng và tự do nhất đến người tiếp nhận. Người dịch không nhắc lại nội dung văn bản theo cách của văn bản gốc. Thông thường, bản dịch có thể dài hơn bản gốc, bởi người dịch thường phải tìm cách giải thích hoặc nhận định về ý nghĩa của bản gốc trong khi dịch.

     – Dịch phóng tác: Đây được xem là thủ pháp dịch tự do nhất trong các thủ pháp dịch. Theo đó, người dịch chỉ giữ lại chủ đề, kịch bản, đặc trưng và các nét văn hóa tiêu biểu của văn bản gốc. Thủ pháp này thường được áp dụng khi dịch thơ ca và kịch.

     Trong các nhóm mà Newmark đã nêu, có thể tổng hợp lại thành 2 thủ pháp dịch cơ bản là dịch trung thành và dịch tự do. Nằm trong nhóm thủ pháp dịch trung thành có thể kể tới dịch từ đối từ, dịch giữ nguyên cấu trúc, dịch trung thành với bản gốc. Ngược lại, nhóm các thủ pháp dịch còn lại đều có chứa ít hay nhiều yếu tố sáng tạo của dịch giả và được xem là nhóm thủ pháp dịch tự do.

3. Phương pháp nghiên cứu

     Bài viết chọn đối tượng nghiên cứu là bản dịch Nàng Bạch Tuyết của dịch giả Chu Thu Phương, đăng trong tuyển tập 10 truyện cổ tích hay nhất của anh em tác giả Grimm, do viện Goethe xuất bản vào năm 2015. Truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết không còn xa lạ với độc giả Việt Nam và đã được nhiều dịch giả khác nhau chuyển dịch sang tiếng Việt. Mỗi dịch giả lại có những phong cách dịch riêng. Bản dịch của Chu Thu Phương có thể được xem là bản dịch mới nhất hiện nay, trong đó dịch giả áp dụng nhiều thủ pháp khác nhau để tăng hiệu quả của bản dịch và giúp bản dịch đến gần với độc giả. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, 50 câu văn trong bản gốc (có chứa các yếu tố không tương đồng hoặc ít quen thuộc với ngôn ngữ đích) được đối chiếu với bản dịch để tìm ra thủ pháp dịch chủ yếu mà dịch giả đã áp dụng. Qua đó, bài viết làm rõ xu hướng dịch của dịch giả, đồng thời cho thấy xu thế trong việc áp dụng thủ pháp dịch văn học hiện nay. Phương pháp nghiên cứu là khảo sát khối liệu, phân tích, lý giải, thống kê và đánh giá.

4. Kết quả nghiên cứu

     Có thể nhận thấy, trong bản dịch Nàng Bạch Tuyết, dịch giả Chu Thu Phương đã áp dụng nhiều thủ pháp dịch khác nhau như thủ pháp dịch từ đối từ, dịch trung thành với văn bản và dịch thông tục. Thông thường, đối với các tác phẩm văn học nói chung, và truyện cổ tích nói riêng thì các dịch giả trong quá trình dịch thường rất chú ý tới văn hóa của ngôn ngữ đích, nhóm độc giả và cách dùng từ ngữ phổ biến trong ngôn ngữ đích. Đặc biệt, đối tượng tiếp nhận của truyện cổ tích thường là trẻ nhỏ, nên việc sử dụng ngôn từ gần gũi, quen thuộc là một điều cần được chú trọng. Vì vậy, khi cân nhắc dịch những từ, cụm từ, câu hoặc cách diễn đạt không tương đồng với lối nói trong ngôn ngữ đích, các dịch giả thường cố gắng lựa chọn thủ pháp phù hợp. Trong việc chuyển dịch 50 câu văn của bản gốc có chứa các yếu tố không tương đồng hoặc ít quen thuộc với ngôn ngữ đích, có thể thấy rõ, dịch giả đã không hoàn toàn áp dụng thủ pháp dịch thông tục hay dịch tự do. Thay vào đó, dịch giả cố gắng giữ lại những yếu tố ngôn từ và văn hóa của văn bản gốc, thậm chí đôi khi dịch giả chấp nhận thực tế là một số cách diễn đạt có thể không hoàn toàn gần gũi với độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh thủ pháp dịch sát nghĩa, dịch giả vẫn ưu tiên áp dụng thủ pháp dịch thông tục trong nhiều trường hợp để tăng hiệu quả của bản dịch và đưa các yếu tố ngôn ngữ và văn hóa của Việt Nam vào bản dịch và đây cũng là thủ pháp chiếm đa số. Dưới đây là kết quả và một số dẫn chứng cụ thể:

     4.1. Thủ pháp dịch từ đối từ và trung thành với văn bản (dịch trung thành)

Bảng 2. Một số dẫn chứng về thủ pháp dịch từ đối từ và trung thành với văn bản.

     4.2. Thủ pháp dịch thông tục (dịch tự do)

Bảng 3. Một số dẫn chứng về thủ pháp dịch thông tục.
Biểu đồ 1. Tỷ lệ sử dụng của thủ pháp dịch từ đối từ và trung thành với văn bản so với thủ pháp dịch thông tục trên 50 câu ngữ liệu.

5. Thảo luận và đề xuất

     Có thể thấy, trong bản dịch của mình, dịch giả Chu Thu Phương đã thể hiện sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Đức cũng như Việt Nam. Trên cơ sở đó, dịch giả không sử dụng duy nhất một thủ pháp dịch thuật nào và cố gắng lựa chọn cho mỗi câu văn, mỗi tình huống trong truyện một thủ pháp thích hợp. Nhìn chung, dịch giả ưu tiên sử dụng thủ pháp dịch thông tục để dịch câu chuyện và làm cho lời văn, cách diễn đạt của câu chuyện trở nên gần gũi. Đặc biệt, dịch giả đã nắm bắt được đối tượng độc giả của câu chuyện là trẻ nhỏ thông qua việc sử dụng những từ ngữ gần gũi, trong sáng và dễ hiểu. Trong bản dịch, dịch giả đã cố gắng giữ lại một số cách diễn đạt thuần Đức để truyền đạt một số thông điệp về ngôn ngữ và văn hóa cũng như thể hiện sự tôn trọng văn bản gốc. Việc dịch sát nghĩa và chấp nhận có sự thiếu tương đồng trong tư duy hoặc nghịch nhĩ đối với người đọc không phải lúc nào cũng để lại ấn tượng tiêu cực. Ngược lại, việc chuyển dịch trung thành với bản gốc có những tác động và hiệu ứng tích cực riêng, qua đó, người đọc hiểu thêm về cách dùng từ, lối diễn đạt và văn hóa ngôn ngữ gốc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Có ranh giới nào rõ ràng giữa việc dịch trung thành và dịch tự do trong quá trình biên dịch nói chung và dịch văn học nói riêng hay không? Việc dịch hoàn toàn trung thành với văn bản có luôn là sự lựa chọn khéo léo của dịch giả? Có phải lúc nào việc dịch thông tục, dịch tự do hay thậm chí dịch phóng tác cũng đạt hiệu quả và giúp bản dịch đến gần người tiếp nhận? Để trả lời câu hỏi này, chắc chắn mỗi dịch giả cần phải phân tích văn bản gốc cùng các yếu tố trong và ngoài văn bản, văn hóa ngôn ngữ gốc, văn hóa ngôn ngữ đích và nhiều yếu tố đi kèm khác. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận, đó là sự kết hợp linh hoạt, nhuần nhuyễn và hợp lý của nhiều thủ pháp sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất trong dịch thuật.

6. Kết luận

     Có thể nói, dịch thuật nói chung và biên dịch nói riêng là công việc đòi hỏi sự am hiểu của dịch giả về ngôn ngữ và văn hóa của ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích. Sự thành công hay thất bại của bản dịch cũng như việc một bản dịch được người đọc, người nghe chấp nhận hay không phụ thuốc rất nhiều và việc lựa chọn thủ pháp của dịch giả. Trên cơ sở đó, bài viết đã nêu ra một số thủ pháp dịch thuật dựa trên lý thuyết về loại hình văn bản và những lưu ý đi kèm với từng thủ pháp. Trong phần khảo sát thực tiễn, bài nghiên cứu đã đi sâu phân tích 50 câu văn trong bản gốc tiếng Đức truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết có chứa các yếu tố không tương đồng hoặc ít quen thuộc với ngôn ngữ đích và xem xét, thống kê các thủ pháp dịch mà dịch giả Chu Thu Phương đã lựa chọn. Có thể thấy, các thủ pháp trung tâm mà dịch giả lựa chọn là dịch từ đối từ, dịch trung thành với văn bản và dịch thông tục, trong đó tỉ lệ sử dụng của thủ pháp thông tục chiếm đa số. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong quá trình dịch, dịch giả có những cân nhắc nhất định khi lựa chọn thủ pháp và việc dịch theo thủ pháp nào phụ thuộc và hiệu ứng hay tác động của bản dịch lên người tiếp nhận. Đôi khi, dịch giả chấp nhận trong bản dịch có những chỗ nghịch nhĩ hoặc lối nói không thuận trong ngôn ngữ đích, qua đó dịch giả giữ nguyên ý nghĩa của bản gốc, văn hóa của ngôn ngữ gốc và ý đồ của tác giả. Bên cạnh đó, thủ pháp dịch tự do, thông tục thậm chí có phần phóng khoáng vẫn luôn đóng vai trò chủ đạo trong dịch văn học, tuy nhiên nó không tồn tại một mình và luôn được sử dụng song song với các thủ pháp khác. Việc lựa chọn thủ pháp dịch thể hiện năng lực và sự am hiểu của dịch giả, hiệu quả của bản dịch lại phụ thuộc và sự đón nhận của độc giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Chu Thu Phương (2015). Wilhelm und Jacob Grimm, 10 truyện cổ hay nhất. Hà Nội: Viện Goethe Việt Nam.

     Kautz, U. (2000). Handbuch Didaktik des Übersetzens und Dolmetschens. München: Goethe Institut.

     Newmark, P. (1988). A textbook of translation. New Jersey: Prentice-Hall International.

     Nida, E.A. (1964). Towards a science of translating. With special reference to principles and procedures involved in Bible translating. Leiden: Brill.

     Reiß, K. (1983). Texttyp und Übersetzungsmethode. Der operative Text, 2. unveränd. Aufl. Heidelberg: Groos.

     Reiß, K. (1993). Texttyp und Übersetzungsmethode. Heidelberg: Groos.

     Schleiermacher, F.D. (2002). Über die verschiedenen Methoden des Übersetzens. In H. Fischer (Eds), Schleiermacher: Kritische Gesamtausgabe (pp. 67-93). Berlin: Walter de Gruyter.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa, Vol 3, No 2 (2019)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một số thủ pháp dịch gắn với loại hình văn bản và khảo sát các thủ pháp dịch trong bản dịch truyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết” từ tiếng Đức sang tiếng Việt (Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Diệp)