Một số Ý KIẾN của BÌNH NGUYÊN LỘC về ĐẶC TÍNH của TÊN GỌI (Phần 2)

NGUYỄN THẾ TRUYỀN
(Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)

     2.5. Đặc tính 5: Tâm hồn, tính cách chủng tộc, dân tộc lồng vào trong tên gọi

     Khi đặt tên, người ta gửi gắm trong tên gọi cách cảm nhận, cách tri nhận sự vật, hiện tượng,… của dân tộc, chủng tộc và gửi gắm cả thói quen, tập quán, phong cách cấu tạo từ của một dân tộc, chủng tộc.

     Không phải mọi tên gọi đều phản ánh tâm hồn, tính cách, phong cách nhưng một số bộ phận tên gọi đặc thù mang dấu ấn đó rất rõ.

     Chẳng hạn, trong hai quyển sách ở trên, Bình Nguyên Lộc đưa ra khá nhiều thí dụ về cách gọi tên hồn nhiên, trẻ thơ của tiếng Mã Lai như trong bảng đối chiếu sau đây (do chúng tôi lập ra dựa trên các ví dụ của Bình Nguyên Lộc):

TTTiếng ViệtTiếng Mã LaiGhi chú
1suốianak sôngai (= sông con nít); anak = con nít, sôngai = sông
2tên (cung tên)anak p’na (= con của nỏ); anak = con nít, p’na = nỏ
3cảnh sátmata-mata (kẻ có nhiều mắt); mata =
mắt, mata-mata = mắt mắt
4bít tấtsarong kaki (= quần của cẳng); sarong =
quần (do tấm vải quấn lại), kaki = cẳng
5mặt trờimata hari (= mắt của vòm trời)Trong trường hợp này, cách gọi của tiếng Việt giống tiếng Mã Lai

     Còn cách đặt tên của người Trung Quốc thì trịch thượng, ngạo mạn khi gọi tên các dân tộc khác xung quanh họ (Tứ di: man di nhung dịch).

Họ [người Hán] bành trướng ra khắp bốn phương trời quanh vùng đất mà họ chiếm được buổi đầu và cái buổi đầu ấy dài đến hai ngàn năm chớ không phải là vài trăm năm. Những dân tộc ở bốn phương trời đó đều bị họ gọi là rợ (di) nhưng họ có cả bốn danh từ rợ khác nhau. Rợ phía Bắc tên là Bắc Địch, phía Đông tên là Đông Di, phía Tây tên là Tây Nhung, phía Nam tên là Nam Man. Địch, Di, Nhung và Man đều có nghĩa là rợ.

Tuy nhiên, việc dùng danh từ không cứng rắn lắm, vì đôi khi rợ Bắc cũng được gọi là Nhung, rợ Nam cũng được gọi là Di.

(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 2)

     Một số ví dụ cụ thể về cách gọi tên như thế này của người Trung Quốc: rợ Khuyển Nhung (tộc người ở vùng Thiểm Tây, Trung Quốc thời cổ), nước Tây Đồ Di (quốc gia đầu tiên của người Chăm ở Việt Nam, trước Lâm Ấp), nước Xích Quỷ (tên nước của người Việt thời cổ), Oa Di, Uy Di (Rợ Lùn, tức Nhật Bản),…

    Người Việt và người Mã Lai (cũng như nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á), theo Bình Nguyên Lộc, là “đồng tâm hồn” với nhau trong cách “diễn ý” (cách cấu tạo từ xét về mặt ngữ nghĩa; tức là tạo ra những từ ngữ cùng kiểu cấu trúc ngữ nghĩa). Xin tóm tắt những thí dụ mà Bình Nguyên Lộc đưa ra để chứng minh quan điểm của mình trong bảng sau:

TTTiếng ViệtTiếng Mã LaiGhi chú
1chân trờicẳng trờiPháp, Anh: horizon; không có gì liên quan đến “ông Trời” hay “chân”, “cẳng”
2sông consông con nít (anak sôngai)
3mắt cá (của chân)mắt cá (của chân)
4tay chân bộ hạtay cẳng bộ hạ
5nhà (= vợ, chồng)nhà (= vợ)

     Bình Nguyên Lộc cho rằng sự giống nhau về cách “diễn ý” này mới là điều quan trọng nói lên quan hệ thân thuộc giữa các dân tộc:

“Trên thế giới không có dân tộc nào gọi vợ là Nhà hết, trừ Việt Nam và Mã Lai Nam Dương. Các nhà ngôn ngữ học đã khám phá ra điều nầy là ngôn ngữ là sự pháp lộ của tư tưởng, mà tư tưởng của chủng nầy khác chủng nọ, nên đồng chủng thì lối nói y như nhau, còn khác chủng thì lối nói khác nhau, còn văn phạm chỉ là chuyện phụ về sau mới có.

Chính lối diễn ý y như nhau đó mới là quan trọng, chớ không phải sự giống nhau của danh từ hay của văn phạm.”

(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 11)

     Thuyết của Bình Nguyên Lộc có một cứ liệu khẳng định trong tiếng Nguồn (tộc người thiểu số được xem là một chi nhánh của dân tộc Kinh, sống tập trung ở huyện Minh Hoá, Quảng Bình) với cách nói tương tự:

     “Nhà bây ti nô pí?” (Chúng mày đi đâu thế?) [7, 293]

     Trong câu này, “bây” = chúng mày, còn “nhà” thêm vào để chỉ người nói chung. Dịch sát từng chữ: “Bọn người chúng mày đi đâu thế?”.

     Kiểu cấu tạo của một loạt từ sau đây của tiếng Việt, theo chúng tôi, cũng có nguồn gốc từ tâm thức cấu tạo từ của người Việt xưa: nhà báo, nhà buôn, nhà cái, nhà chức trách, nhà giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng, nhà văn,… Thanh Tịnh có một câu đối rất hóm về chữ “nhà” độc đáo này của tiếng Việt: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, cả bốn nhà đều không nhà ở.”

     2.6. Đặc tính 6: Tên đặt chồng lên tên: dấu tích của hai tộc người kế tiếp nhau

     Đây là trường hợp đặt tên kì lạ, khi sự vật có tên rồi (của tộc người định cư trước đó), nhưng tộc người đến sau tiếp quản vùng đất đó không hiểu các thành tố của tên gọi cũ (phần danh từ chung) nên thêm vào tên gọi một phần tên nữa, trùng nghĩa với phần đã có trong tên gọi cũ.

     Bình Nguyên Lộc minh hoạ cách đặt tên dư thừa này như sau:

Nhưng sự kiện dưới đây mới là lạ. Người Gia Rai đọc tiếng EA của Chàm nhanh đến mức y như YA. Nhưng ở quanh Ban Mê Thuột có những con sông tên là EA YA nầy, EA KRONG nọ.

Hễ EA thì không còn YA nữa làm gì [vì 2 chữ đều có nghĩa là nước, sông], mà hễ EA rồi thì cũng không còn KRONG làm gì nữa [vì 2 chữ đều có nghĩa là sông], thế mà dân địa phương lại đặt tên như thế đó, y như ở vùng đất Việt duyên hải ở ranh giới hai tỉnh Ninh và Bình có con sông tên là sông Lòng Sông.

Hình như đó là dấu vết của hai chủ đất kế tiếp nhau, thuộc hai nhóm Mã Lai không thạo ngôn ngữ của nhau, nên chủ trước đặt tên rồi, có danh từ Sông trong đó, chủ sau lại tiếp theo mà đặt tên nữa, cũng thêm danh từ Sông nhưng bằng phương ngữ của mình.

Thí dụ người Bà Na đặt tên là Krông Pach, thế rồi người Chàm lên cai trị Cao nguyên không hiểu Krông là gì (Họ có Krong nhưng không có dấu mũ, đọc khác Krông của Bà Na), bèn ngỡ Krông Pach là tên nên thêm EA ở trước, hoá ra sông đó là Ea Krông Pach, tức sông Sông Pach.

Tên của sông Lòng Sông chắc cũng có nguồn gốc như thế.

(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 5)

     Cách người Việt gọi Sông Tônglê Sáp 1 của người Cam-pu-chia cũng là lỗi tương tự khi mà Tônglê = Sông.

     2.7. Đặc tính 7: Tên gọi nhầm lẫn – sáng kiến của kẻ dốt

     Trong một ngôn ngữ có nhiều tên gọi bất hợp lí (hoặc nhầm lẫn) về cấu tạo, về ngữ nghĩa, về chữ viết,… Trong các loại đó, Bình Nguyên Lộc đề cập loại tên gọi vô lí về ngữ nghĩa (xét từ nguồn gốc của sự vật, hiện tượng được đặt tên) trong đoạn văn sau:

Xem các tự điển xưa, thấy ghi là miền Bắc vẫn nói Bắp trước khi nói Lúa Ngô. Vậy Bắp không là danh từ riêng của miền Nam như nhiều người đã tưởng.

Như thế thì rõ ràng là lúa Ngô không phải từ bên Ngô (bên Tàu) đưa sang ta, vì lẽ ta đã gọi món ấy là Bắp trước khi gọi là lúa Ngô. Nhưng tại sao ta gọi nó là lúa Ngô thì thật không thể truy ra.

Có lẽ đó là do sáng kiến của một kẻ dốt nào, nhưng sáng kiến lại được hoan nghinh? Bằng chứng là món ý dĩ, từ bao lâu nay ta và đồng bào Thượng đều gọi là bo bo. Bỗng dưng vài năm nay [thập niên 70, thế kỉ XX] người ta đưa ra danh từ mới là lúa Miến, mặc dầu nó không từ Miến Điện nhập cảng sang đây bao giờ cả. Thế mà cái danh từ mới ấy cũng lại được hoan nghinh.

     Món bí Ngô, chắc chắn cũng không phải từ bên Ngô đưa sang vì bên Ngô không có bí đó, họ đem giống từ xứ Hồ sang nên họ gọi nó là bí Hồ.

     Bằng chứng là Nhựt Bổn lấy giống bí đó ở Cam Bốt Ra và gọi nó là Kaboja, thì ta, có biên giới chung với Cao Miên hồi cổ thời, ta vẫn phải lấy giống từ Cam Bốt Ra.

(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 5)

     Như vậy là BÍ NGÔ không phải lấy từ nước Ngô (Trung Quốc) mà từ Cam-pu-chia 2. Người Trung Việt, Nam Việt gọi có phần chính xác hơn là BÍ RỢ. Người Bắc Việt vì có lẽ cảm thức “nguồn gốc từ nước Ngô” quá mạnh nên gọi tên sai chăng?

    Những tên gọi sau đây là những kiểu đặt tên nhầm lẫn gần giống như kiểu BÍ NGÔ vừa nêu ở trên:

     + Tiếng Anh: “Indian ink” = mực tàu [nghĩa từng chữ: mực Ấn Độ]

     + Tiếng Việt: “dép Lào” (chính xác: dép Thái)

    + Tiếng Hoa và tiếng Việt: đạo Hồi (Hồi giáo 回教) = đạo của người Hồi Hột, một nước láng giềng phương Bắc của Trung Quốc từ 618-840), [chính xác: đạo Islam 伊斯兰教, đạo của người Arập].

3. Kết luận

     Như chính Bình Nguyên Lộc đã từng kiểm nghiệm và rút ra kết luận, chỉ có đối chiếu danh từ (tên gọi) giữa các ngôn ngữ mới cho ta kết quả chính xác nguồn gốc và mối liên hệ giữa các dân tộc mà thôi, còn các loại đối chiếu khác (đối chiếu về ngữ pháp, từ pháp, trật tự từ, ngữ âm) đều không có kết quả khả quan.

     Cho nên việc nghiên cứu tên gọi và các nhân tố ảnh hưởng đến cách thức tạo tên gọi, sự biến đổi của tên gọi trong ngôn ngữ là đặc biệt quan trọng.

     Vì hai quyển sách khảo cứu của Bình Nguyên Lộc nghiên cứu về lịch sử dân tộc và lịch sử ngôn ngữ, nên các đặc tính định danh mà ông gợi ra nặng về vấn đề tiếp xúc, vay mượn. Một công trình nghiên cứu tổng quát về vấn đề định danh này sẽ rất hữu ích hơn cho những ai quan tâm.

__________
1. Tonlé Sap: Sông nước ngọt lớn (Large Fresh Water River), nơi có Biển Hồ của Cam-pu-chia.

2. Từ điển Việt Hán hiện đại của Trương Văn Giới – Lê Khắc Kiều Lục cho biết từ BÍ NGÔ (BÍ ĐỎ) người Trung Quốc gọi bằng các tên sau đây: 倭瓜 [oa qua: dưa lùn], 北瓜 [bắc qua: dưa phương Bắc], 番瓜 [Phiên qua: dưa xứ Phiên, dưa ngoại chủng], 老倭瓜 [lão oa qua: dưa chú lùn], 南瓜 [nam qua: dưa phương Nam] [6, 87]. Người Khơ-me gọi BÍ RỢ là lô-pu.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bách bộc xuất bản, 1971.

2. Bình Nguyên Lộc, Lột trần Việt ngữ, Nguồn xưa xuất bản, 1972.

3. Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.

4. Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1998.

5. Nguyễn Tài Cẩn, Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

6. Trương Văn Giới – Lê Khắc Kiều Lục, Từ điển Việt Hán hiện đại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.

7. Võ Xuân Trang – Đinh Thanh Dự, Văn hoá dân gian của người Nguồn ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.

8. Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1993.

9. Vương Lộc, Từ điển từ cổ, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2002.

     Còn tiếp

     Xem lại: Một số Ý KIẾN của BÌNH NGUYÊN LỘC về ĐẶC TÍNH của TÊN GỌI (Phần 1)