Nghiên cứu đặc điểm đồ mộc hoàng cung triều Nguyễn (1802-1945)

RESEARCH ON CHARACTERISTICS OF IMPERIAL PALACE FURNITURE
OF NGUYEN DYNASTY (1802-1945)

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ VĨNH KHÁNH1, NGUYỄN TRỌNG KIÊN2
(1,2Trường Đại học Lâm nghiệp)

TÓM TẮT

     Đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn (1802-1945) có giá trị cao về nghệ thuật, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, được chế tác bởi những nghệ nhân đồ gỗ giỏi nhất nước thời bấy giờ. Những sản phẩm đồ mộc Hoàng cung hiện nay chủ yếu được lưu trữ tại Đại nội Huế, Viện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Số khác được lưu giữ tại dinh thự Vua Bảo Đại ở Đà Lạt và trong một số bộ sưu tập đồ gỗ cổ của các nhà sưu tầm trong và ngoài nước. Nghiên cứu chỉ ra, đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn có sự kết hợp của 2 phong cách đồ mộc, đồ mộc truyền thống Việt Nam có ảnh hưởng lớn của đồ mộc Minh Thanh Trung Quốc và đồ mộc châu Âu cổ điển. Trong giai đoạn đầu và giữa của Triều Nguyễn (thời kỳ Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) đồ mộc bị ảnh hưởng của phong cách thiết kế đồ mộc Trung Quốc. Thời kỳ cuối của Triều Nguyễn (thời kỳ Vua Đồng Khánh, Khải Định… Bảo Đại), đồ mộc là sự giao thoa phong cách Trung Quốc với phong cách châu Âu cổ điển như Baroque và Rococo. Phương thức trang sức trên đồ mộc phong phú, công nghệ trang sức tinh xảo, là sự kết hợp phương pháp điêu khắc, sơn thếp, khảm nạm. Hoa văn trang trí mang ý nghĩa sâu sắc, tập trung phản ánh quyền uy của Hoàng đế, Triều đình, cầu chúc Quốc thái dân an và mang đậm tư tưởng Nho giáo, thường gặp như hoa văn Rồng, Phượng, Tứ linh, đồ án cổ…

Từ khóa: Đồ mộc cổ điển, đồ mộc Hoàng cung, Triều Nguyễn.

ABSTRACT

     The Imperial palace furniture of Nguyen Dynasty has reached the high art value, reflected strongly the historical and cultural values, made by wood artisans of that time. Nowadays, all of the furniture have been stored and preserved in the Hue Imperial Citadel, Hue Royal Palace Museum, the others have been preserved in the BaoDai palace in Da Lat and in the collections of domestic and foreign antique collectors. The research showed that the Nguyen Dynasty’s furniture has combined of the style of Vietnamese traditional furniture, which affected strongly by furniture-style of Chinese – Ming and Qing Dynasty, with the other of European classical furniture. In the early periods of Nguyen Dynasty as periods of King Gia Long, Minh Mang, Thieu Tri and Tu Duc, wood furniture was influenced by the style of Chinese- Minh Qing furniture. The last period of the Nguyen Dynasty as the periods of King Dong Khanh, Khai Dinh… Bao Dai, furniture styles were combined from the two main styles of the Qing Dynasty and European classical furniture, especially influenced by styles of Rococo and Baroque. The Imperial palace funiture has been decorated delicately and skillfully. The decoration methods have combined from sculpture, lacquerer and mosaic. The decoration patterns of Dragon, Phoenix, four of gods animals, ancient bottles are meaningfull, reflect supreme authority of the emperor; showing the the hope of the people and Confucian views.

Keywords: Classical furniture, imperial palace furniture, Nguyen Dynasty.

x
x x

I. Đặt vấn đề

     Đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn là sản phẩm gia dụng bằng gỗ dùng trong Cung đình của 13 đời Vua Triều Nguyễn giai đoạn 1802- 1945. Đồ mộc Hoàng cung là một loại tin tức phong phú truyền tải hình thức, đặc trưng văn hóa của các quốc gia và các vùng miền, phản ánh trình độ văn minh, phương thức sinh hoạt xã hội của giai đoạn lịch sử. Trên thế giới, những nghiên cứu về đồ mộc Hoàng cung rất phong phú, đặc biệt ở những nơi có nền văn minh lớn thế giới như châu Âu, Trung Quốc… Ở châu Âu, dựa trên đối tượng nghiên cứu chủ yếu là đồ mộc Hoàng cung, theo tiêu chí đặc điểm tạo hình và hoa văn trang sức, đã phân ra 7 giai đoạn phát triển đồ mộc: Đồ mộc Ai cập cổ đại (khoảng 4000 năm B.C); Đồ mộc Hy Lạp cổ đại (700 B.C đến 200 B.C); Đồ mộc La mã cổ đại (từ thế kỷ 8 B.C đến thế kỷ 2); Đồ mộc thời Trung Cổ (thế kỷ 5 đến thế kỷ 13,14), Đồ mộc thời kỳ phục hưng Renaissance (thế kỷ 14 đến 16); Đồ mộc Baroque (1600-1750); Đồ mộc Rococo (thế kỷ 18) và đồ mộc Tân cổ điển (giữa thế kỷ 18 đến thế kỷ 19). Trong sự phát triển đó, đồ mộc Baroque, Rococo và đồ mộc Tân cổ điển có ảnh hưởng rất lớn đến đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn. Đồ mộc Baroque tạo hình dựa trên đường cong, kích thước to lớn, vững chắc. Trang sức mang đậm phong cách Tôn giáo, hình thức trang trí mang tính kịch nghệ, hoa văn mang tính lập thể cao. Phương thức trang trí kết hợp điêu khắc với hội họa, sử dụng nhiều hoa văn trang trí trong kiến trúc tạo thành sự thống nhất giữa kiến trúc và nội thất. Trong trang sức sản phẩm, tập trung vào chi tiết bộ phận, tập hợp các bộ phận tạo thành kiến trúc tổng thể sản phẩm hài hòa và nhịp điệu. Đồ mộc Rococo phong cách tạo hình hài hòa, đường cong tinh tế lộng lẫy. Nghệ thuật đồ mộc Rococo phá vỡ quy luật đối xứng và cân bằng tạo ra sản phẩm đẹp mảnh mai, với đường cong tự do, bất đối xứng. Hình thức trang trí nạm đồng, điêu khắc, khảm nạm, hoa văn chủ yếu là động vật và thực vật, cỏ cây hoa lá, như hoa lan, hoa hồng, nguyệt quế… Đồ mộc Tân cổ điển lấy cảm hứng thiết kế từ nhân vật cổ và nền văn minh cổ đại Rome, Hylap, do vậy đồ mộc thời kỳ này ảnh hưởng nhiều kiến trúc và đồ mộc Hy Lạp cổ đại. Đồ mộc thiết kế nhấn mạnh vào đường thẳng vuông góc, thiết kế nghiêm túc, ngay ngắn, không còn vẻ lãng mạn của phong cách Baroque và Rococo. Đồ mộc sử dụng thiết kế cột trụ, trụ có tạo rãnh, hạn chế trong cách trang sức.

     Ở Trung Quốc, những nghiên cứu chỉ ra đồ mộc đặc sắc nhất là đồ mộc Hoàng cung thời nhà Minh (1368-1644) và thời nhà Thanh (1654-1912), tạo nên hai phong cách tiêu biểu của đồ mộc Trung Quốc. Phong cách đồ mộc thời nhà Minh (1368-1644), thiết kế dựa trên đường làm chính, tạo hình cân đối, đường nét tinh xảo, mượt mà, uyển chuyển. Tạo hình nhẹ nhàng thanh mảnh tạo vẻ đẹp tinh tế. Sản phẩm thường có chân thẳng, tròn hoặc vuông, có thanh giằng chân kéo dài sát đất. Trang sức dựa vào vẻ đẹp tự nhiên của gỗ, hoa văn trang trí đơn giản, chủ yếu chi tiết trang trí trên chi tiết nhỏ. Thiết kế phù hợp với công năng sử dụng và nhân trắc học. Ngược lại phong cách thời nhà Minh, phong cách đồ mộc thời nhà Thanh (1654-1912) có tạo hình to lớn, nguyên liệu sử dụng lớn, thể thái nặng nề, tỷ lệ cân đối. Trang sức phức tạp, phong phú, nhiều khi rườm rà và tập trung trên mặt có diện tích rộng. Hình thức trang sức cầu kỳ, là tổng hợp các phương pháp điêu khắc, khảm nạm, sơn thếp, hội họa.

     Đối với Việt Nam, Đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn (1802-1945) là sự kết tinh tinh hoa dân tộc về vật chất, văn hóa và nghệ thuật, sản phẩm đạt đến giá trị đỉnh cao nghệ thuật của đồ gỗ Việt Nam, được chế tác bởi những nghệ nhân đồ gỗ giỏi nhất nước thời bấy giờ. Tuy nhiên những nghiên cứu về đồ mộc Hoàng cung chưa được quan tâm đúng mức, hơn nữa cùng với thời gian và điều kiện bảo quản thô sơ, những sản phẩm đồ mộc đó đang đứng trước nguy cơ suy cấp nghiêm trọng, vì vậy rất cần thiết có những nghiên cứu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, vật chất của đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn, xứng đáng với giá trị to lớn mà nó đem lại.

II. Phương pháp nghiên cứu

     Vật liệu nghiên cứu: Là sản phẩm đồ gỗ nội thất dùng trong Hoàng cung Triều Nguyễn giai đoạn từ 1902-1945. Những sản phẩm này bao gồm Long sàng, giường, bàn ghế, tủ, kiệu, bức bình phong, giương hòm, và các đồ dùng khác như khay, hộp… đây là những đồ vật Hoàng cung được trưng bày tại Đại Nội Huế, Viện Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, một số lăng tẩm của các Vua Triều Nguyễn và tài liệu lịch sử ghi lại.

     Phương pháp nghiên cứu:

     – Phương pháp kế thừa: Kế thừa tài liệu có liên quan đến lịch sử, kiến trúc, hội họa, văn hóa, khảo cổ học liên quan đến Hoàng cung Triều Nguyễn, đặc biệt tài liệu có hình ảnh để tìm hiểu về chủng loại sản phẩm, trang trí và ý nghĩa của hoa văn. Tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến tạo hình, trang sức của sản phẩm mộc Hoàng cung. Kế thừa những nghiên cứu về đồ mộc châu Âu cổ điển, đồ mộc thời nhà Minh Thanh Trung Quốc để làm cơ sở so sánh phân tích, đánh giá đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn.

     – Phương pháp điều tra thực tế: Địa điểm điều tra tại Đại Nội Huế, Viện Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, một số lăng tẩm của các Vua Triều Nguyễn, đây là nơi đóng đô của Triều Nguyễn giai đoạn 1802-1945. Nội dung điều tra bao gồm tìm hiểu về chủng loại, đặc điểm tạo hình, hình thức trang sức, hoa văn trang trí. Vì đặc thù đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn thường là báu vật Quốc gia, là độc bản, do vậy việc điều tra chúng tôi tiến hành điều tra những sản phẩm thực tế đang được Nhà nước bảo tồn. Mỗi sản phẩm đều có hồ sơ lưu trữ riêng.

     Phương pháp điều tra: Tại hiện trường sử dụng máy ảnh để ghi hình, sử dụng thước dây để khảo sát thông số kích thước sản phẩm. Điều tra hồ sơ sản phẩm được lưu trữ để xác định niên đại sản phẩm. Số liệu được thu thập dưới dạng hình ảnh và thống kê. Xử lý ảnh bằng phần mềm photoshop.

     – Phương pháp so sánh, phân tích: Trên cơ sở tài liệu thu được từ khảo sát thực tế và kế thừa, tiến hành tổng hợp phân tích phân loại sản phẩm, đặc điểm tạo hình, đặc điểm trang trí sản phẩm và bước đầu phân tích được yếu tố ảnh hưởng đến chúng. Phương pháp này có sự so sánh đối chiếu với đặc điểm đồ mộc truyền thống Trung Quốc và châu Âu cổ điển trong cùng giai đoạn để thấy rõ đặc điểm đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn.

III. Kết quả và thảo luận

     3.1. Nghiên cứu đặc điểm tạo hình đồ mộc Hoàng cung

     Đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn là sản phẩm gia dụng làm bằng gỗ dùng trong Cung đình của 13 đời Vua Triều Nguyễn giai đoạn 1802-1945. Đặc điểm tạo hình đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn đã được nghiên cứu và chỉ ra trong bảng 1, hình 1.

 


Chủng loại

 


Số lượng

Đặc điểm tạo hình

Phong cách
tạohình châu Á

Phong cách tạo hình châu Âu
cổ điển

Bàn ghế

30

9

21

Giường, sập

8

6

2

Tủ gỗ

8

5

3

Kiệu

3

2

1

Bình phong

2

2

0

Giương hòm

1

1

0

Khay hộp

11

11

0

Tổng số sản phẩm gia dụng

63

36

27

Tỷ lệ trên tổng số sp
gia dụng (%)

 

40,1

51,9

Hình 1. Phân loại và đặc điểm tạo hình đồ gỗ Hoàng cung Triều Nguyễn

     Từ bảng 1 và hình 1 cho thấy tổng sản phẩm đồ mộc Hoàng cung thu được 63 sản phẩm, trong đó nhiều nhất là bàn ghế 30 sản phẩm, giường sập 8 sản phẩm, tủ gỗ 8 sản phẩm. Nghiên cứu đặc điểm tạo hình đồ mộc cho thấy có sự khác nhau rõ ràng của 2 phong cách tạo hình. Loại thứ nhất có đặc điểm tạo hình châu Á chiếm tỷ lệ 40,1%, loại thứ 2 có đặc điểm tạo hình châu Âu cổ điển chiếm tỷ lệ 51,9%. Đối với đồ mộc Triều Nguyễn ảnh hưởng phong cách châu Á, tạo hình chia làm 2 loại, loại thứ nhất thiết kế đơn giản, dựa trên đường thẳng mặt phẳng thiết kế làm chính, hoa văn trang trí rất ít, hoặc trên diện tích hẹp, chủ yếu dựa vào vẻ đẹp tự nhiên của gỗ. Sản phẩm chủ yếu của loại sản phẩm này thu được là bàn thờ, đôn, kệ. So sánh đặc điểm đồ mộc thu được trên với đồ mộc thế giới cho thấy đã bị ảnh hưởng phong cách thời Minh Trung Quốc (Hình 2). Loại thứ hai, tạo hình tổng thể to lớn, vững chắc, chân cong (dạng chân quỳ), hoặc chân thẳng. Giữa mặt và vai sản phẩm có thiết kế thắt eo. Phần vai thường tạo hình võng giữa (dạ cá). Tổng thể sản phẩm trang trí cầu kỳ phức tạp, sử dụng nhiều phương thức trang sức trên toàn bộ diện tích bề mặt sản phẩm tạo vẻ đẹp lộng lẫy (hình 3). Cách tạo hình này đồ mộc bị ảnh hưởng bởi phong cách Nhà Thanh Trung Quốc. Những sản phẩm tiêu biểu cho phong cách này như Long sàng, Ngai Vàng, sập, bàn ghế…

     Từ việc nghiên cứu hồ sơ sản phẩm cho thấy sản phẩm mang phong cách Trung Quốc chủ yếu thuộc giai đoạn đầu của triều Nguyễn, dưới thời Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Từ góc độ lịch sử cho thấy giai đoạn đầu Triều Nguyễn, Triều đình bị ảnh hưởng rất lớn bởi thế lực thân Trung Quốc. Trong giai đoạn này các Vua Nguyễn tư tưởng giảm quan hệ với Tây phương, thực hiện chính sách bế môn toả cảng đoạn tuyệt với Tây phương, quan hệ chủ yếu với Trung Quốc, do vậy tư tưởng Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến Vua và Triều đình Nguyễn trên tất cả phương diện văn hóa, kinh tế, nghệ thuật. Vì vậy cùng với sự ảnh hưởng đó kiến trúc, hội họa, đồ nội thất cũng bị ảnh hưởng lớn.

Hình 2. Đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn mang phong cách thời nhà Minh Trung Quốc
Hình 3. Đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn mang phong cách thời nhà Thanh Trung Quốc

     Đối với đồ mộc Hoàng cung ảnh hưởng phong cách châu Âu cổ điển, tạo hình chia làm hai loại, loại thứ nhất tạo hình đồ mộc có kích thước nhỏ gọn, hình thái nhẹ nhàng. Thiết kế dựa vào đường cong làm chính tạo cảm giác lãng mạn, mềm mại. Khi so sánh với đồ mộc châu Âu cổ điển thế giới cho thấy loại sản phẩm này có đặc điểm tạo hình của phong cách Rococo (hình 4). Sản phẩm chủ yếu là bàn, ghế tiếp khách, tủ, giường. Lọai thứ hai có thiết kế dựa vào đường thẳng, rời xa đường cong hoa mỹ, thể thái to lớn, kết cấu thông qua vẻ đẹp cổ điển của hình học, thanh ngang và thanh dọc, nhấn mạnh vào công năng thiết kế. Hình thức tổng quát của sản phẩm thường thấy là hình chữ nhật. Khi so sánh với đồ mộc thế giới cho thấy loại sản phẩm này mang đặc điểm tạo hình phong cách Baroque (hình 5). Sản phẩm chủ yếu là bàn ghế làm việc, tủ….

     Nghiên cứu hồ sơ sản phẩm cho thấy, sản phẩm ảnh hưởng phong cách châu Âu cổ điển chủ yếu thuộc giai đoạn giữa và cuối của triều Nguyễn từ thời Vua Thành Thái, Đồng Khánh, đặc biệt Vua Khải Định, Bảo Đại sau này rất thích sử dụng đồ theo phong cách châu Âu. Sự ảnh hưởng này một phần do yếu tố lịch sử tác động. Lịch sử Việt Nam ghi nhận từ thời Vua Tự Đức 11 (năm 1585) Pháp đổ quân vào đánh chiếm Việt Nam, từ đó Việt Nam thực hiện chính quyền thực dân nửa phong kiến. Hệ thống chính trị, văn hóa, kiến trúc, đồ nội thất… chịu ảnh hưởng rất nhiều của Pháp và châu Âu. Lúc này nhiều sản phẩm mộc được nhập khẩu nguyên từ châu Âu vào, bên cạnh đó nhiều sản phẩm mộc Triều đình làm theo phong đồ châu Âu bởi người thợ Việt Nam.

Hình 4. Sản phẩm đồ gỗ Hoàng cung mang phong cách châu Âu cổ điển Rococo
Hình 5. Sản phẩm đồ gỗ Hoàng cung mang phong cách châu Âu cổ điển Baroque

     3.2. Đặc điểm trang sức đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn

     3.2.1. Phương pháp trang sức đồ mộc Hoàng cung

    Phương pháp trang sức đồ mộc Hoàng Cung được chỉ ra trong bảng 2 và hình 6.

Bảng 2. Phương pháp trang sức đồ mộc Hoàng Cung Triều Nguyễn

Hình thức trang trí

 

Sơn thếp

vàng

Trạm khắc

Khảm nạm

Hội họa

Không trang trí bề mặt

Số lượng

50

57

9

3

4

Tỷ lệ trong
tổng sản phẩm (%)

79,37

90,48

14,29

4,76

6,35

Hình 6. Phương pháp trang sức đồ mộc Hoàng Cung

     Từ bảng 2 và hình 6 chỉ ra, hình thức trang trí đồ mộc Hoàng cung rất phong phú, bao gồm sơn thếp vàng, điêu khắc, khảm nạm, hội họa, không trang trí. Nghiên cứu cũng chỉ ra hầu hết trên các sản phẩm có sự kết hợp rất nhiều hình thức trang trí. Hình thức điêu khắc là phổ biến nhất trong trang trí đồ mộc Hoàng cung chiếm 90,48%, có bốn kiểu: chạm nông, chạm sâu, chạm lộng, chạm thủng. Chạm nông hình khối dịu dàng không gay gắt, chạm sâu biểu hiện hình khối rõ ràng, có khả năng bắt sáng mạnh. Hình thức trang trí này thường thấy ở vai, chân của sản phẩm. Chạm lộng là cách chạm khắc biểu cảm nhất có hiệu quả không gian và hiệu quả khối cao nhất, thể hiện sự chuyển động của hình khối trọn vẹn, mạch lạc, khúc chiết. Hình thức này thường thấy ở lưng ghế, tay ghế, lèo tủ, bàn… Khi nghiên cứu về kỹ thuật chế tác các hiện vật đồ gỗ Hoàng cung và so sánh với các hiện vật điêu khắc các giai đoạn trước cho thấy kỹ thuật chạm lộng phát triển đạt đến mức điêu luyện, tài hoa. Nghiên cứu chỉ ra kỹ thuật chạm lộng cùng với kỹ thuật sơn son thếp vàng là yếu tố quan trọng đã tạo nên giá trị, để lại dấu ấn quan trọng đánh giá sự phát triển của kỹ thuật chế tác đồ gỗ thời Nguyễn.

     Hình thức sơn thếp vàng là hình thức trang trí rất phổ biến trong đồ mộc Hoàng cung chiếm 79,37% trong tổng số sản phẩm. Đây là một nét rất độc đáo của đồ mộc Hoàng cung, khác với đồ mộc dùng trong dân gian thường không có sơn thếp vàng. Nghiên cứu thực tế cho thấy trang trí sơn thếp vàng trên sản phẩm đồ mộc thường trên tổng thể sản phẩm, chủ yếu là sơn son. Công đoạn sơn thường có từ 7 – 10 nước sơn, công đoạn thếp vàng, thếp bạc là dát vàng bạc lên phần họa tiết hoa văn và chữ, được tiến hành gần sau cùng khi lớp sơn phủ còn ướt. Nếu dùng bạc quỳ thì phải phủ sơn ta lên bề mặt bạc quỳ, khi sơn khô, bạc quỳ ngả màu vàng óng như vàng thật. Còn nếu dùng thếp vàng quỳ thì có thể phủ sơn gọi là thếp vàng chín hoặc không phủ sơn gọi là thếp vàng sống. Thếp vàng chín có màu đậm hơn, không đẹp như thếp vàng sống nhưng đồ vật được bền, lâu bay hơn. Ngoài hai hình thức trang trí chủ yếu trên, đồ mộc Hoàng cung còn có hình thức trang trí khác như khảm nạm chiếm 14,29%, hội họa chiếm 4,76% và không trang trí chiếm 6,35%, riêng hình thức không trang trí gặp chủ yếu đồ mộc mang phong cách thời nhà Minh Trung Quốc.

     3.2.2 Hoa văn trang trí đồ mộc Hoàng cung

     Hoa văn trang trí trên đồ gỗ Hoàng cung Triều Nguyễn được chỉ ra trong bảng 3

Bảng 3. Hoa văn trang trí đồ gỗ Hoàng cung Triều Nguyễn

Nhóm hoa văn truyền thống

 

Hoa

văn

Rồng

Hoa văn

Phượng

Hoa văn tứ

linh khác

Hoa văn

cổ vật

Hoa văn

Dơi, chữ

Phúc

Hoa văn

thực vật

Nhóm hoa

văn châu

Âu

Số lượng

26

4

10

6

6

14

19

Tỷ lệ trên

tổng thể

sản phẩm

(%)

30,59

4,71

11,76

7,06

7,06

16,47

22,35

 

77,65

22,35

      Nghiên cứu đồ án hoa văn trang trí trên đồ gỗ Hoàng cung Triều Nguyễn cho thấy có hai loại nhóm hoa văn trang trí, thứ nhất nhóm đồ án hoa văn truyền thống Việt Nam (có ảnh hưởng hoa văn Trung Quốc) thường mang ý nghĩa sâu sắc, xuất phát từ nguồn gốc tư tưởng Nho giáo, tôn giáo, nhóm này chiếm 77,65%. Thứ hai, nhóm hoa văn châu Âu chiếm 22,35% biểu trưng cho sự trường tồn với thời gian.

     Nghiên cứu cho thấy nhóm hoa văn truyền thống có trên cả những sản phẩm đồ mộc mang phong cách truyền thống và đồ mộc mang phong cách châu Âu cổ điển. Rất nhiều sản phẩm có tạo hình châu Âu cổ điển nhưng hoa văn trang trí là hoa văn truyền thống, điều này làm nên đặc điểm rất riêng biệt, nổi bật của đồ mộc gỗ Hoàng cung Triều Nguyễn. Trong các hoa văn truyền thống hoa văn Rồng là phổ biến nhất chiếm 30,59%, biểu hiện sự uy nghi, quyền lực tối thượng của nhà Vua, ngoài ra mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng, sự hanh thông, cầu mưa thuận gió hòa. Nghiên cứu cũng cho thấy, hoa văn Rồng dùng trong Hoàng cung có sự phân cấp rõ ràng, Rồng 5 móng dùng cho Hoàng đế, Rồng 4 móng dùng cho Thái tử, Quan lại. Một số đồ án hoa văn Rồng thường gặp như: Lưỡng Long triều nguyệt, Lưỡng Long triều nhật, Lưỡng Long tranh châu, hồi Long, Cửu Long tranh châu, Cửu Long ẩn vân, Long vân thủy ba, viên Long... Có khi Rồng được thể hiện cùng các con vật khác trong tứ linh như Rồng – Phượng, Rồng – Lân hoặc có khi lại được trình bày chung cả nhóm tứ linh: Long – Lân – Quy – Phượng. Trong cách thể hiện hoa văn Rồng, phần lớn mình Rồng không dài mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Ngoài ra Rồng còn được thể hiện trong các biến thể về hình thức của cỏ cây hoa lá hay các con vật hóa rồng như Mai hóa Rồng, Trúc hóa Rồng, Liễu hóa Rồng, Cúc hóa Rồng, Cá chép hóa Rồng, Rồng chầu hoa cúc, Rồng chầu chữ thọ…

Hình 7. Hoa văn rồng trang trí trên đồ gỗ Hoàng Cung

     Hoa văn Phượng chiếm 4,71% là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã, gắn với hình tượng nữ giới trong cung, ngoài ra biểu trưng cho sự vinh hóa phú quý, Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương. Hoa văn Phượng được trang trí tạo thành từng cặp, nhưng cũng có khi xuất hiện đơn lẻ, có khi chung trong bộ tứ linh.

     Hoa văn tứ linh chiếm 11,76% trên tổng sản phẩm như Rùa, Kỳ lân. Kỳ lân là một con vật tưởng tượng, có đầu Rồng thân thú, biểu tượng cho sự trường thọ, oai phong, báo hiệu điềm lành. Hình tượng Rùa là một biểu tượng thiêng liêng, là linh vật mang đến điềm lành, trường thọ cho con người.

Hình 8. Hoa văn Phượng trên Kiệu Hoàng Hậu Từ Cung và trên hộp trang sức

     Ngoài ra đồ gỗ Hoàng cung còn có các hoa văn khác như hoa văn cổ vật, hoa văn chữ Phúc – Lộc – Thọ theo lối triện, hoa văn bát bảo, hoa văn thực vật Tùng – Cúc – Trúc – Mai, hoa sen, quả lựu, hoa thị, hoa lan, hồi văn và hoa dây trang trí các mặt xung quanh… nhóm hoa văn này chiếm 30,59% trên tổng số sản phẩm.

Hình 9. Hoa văn cổ vật trên đồ gỗ Hoàng Cung

     Ngoài hoa văn truyền thống, đồ gỗ Hoàng cung còn có rất nhiều hoa văn châu Âu như hoa hồng, hoa văn dây leo, vỏ sò, vỏ ốc… những hoa văn biểu trưng cho sự trường tồn với thời gian. Nghiên cứu cho thấy nhóm hoa văn này chỉ có trên đồ mộc mang phong cách châu Âu cổ điển.

Hình 10. Hoa văn châu Âu trên đồ gỗ Hoàng cung

IV. Kết luận

     Qua nghiên cứu đặc điểm đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn 1802-1945 cho thấy: 

     Về tạo hình đồ mộc được chia rõ theo hai phong cách khác nhau:

     – Đồ mộc mang phong cách truyền thống Việt Nam, phong cách này có sự ảnh hưởng rất lớn của phong cách đồ mộc Trung Quốc, đặc biệt phong cách nhà Thanh Trung Quốc. Hầu hết đồ mộc thiết kế to lớn, sản phẩm trang trí cầu kỳ phức tạp, mang vẻ đẹp lộng lẫy, trang trí trên toàn bộ diện tích bề mặt sản phẩm, hình thức trang trí sơn son thếp vàng, điêu khắc. Phong cách này tập trung thời kỳ đầu Triều Nguyễn như Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

     – Đồ mộc mang phong cách châu Âu cổ điển, phong cách này tập trung thời kỳ cuối của Triều Nguyễn như Vua Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại. Đồ mộc vừa có sự kế thừa phong cách cũ, vừa kết hợp với phong cách châu Âu cổ điển tạo vẻ đẹp mới rất riêng giai đoạn này. Đồ mộc bị ảnh hưởng đậm nét phong cách Rococo và Baroque. Theo phong cách Rococo, tạo hình đồ mộc có kích thước nhỏ gọn hơn, hình thái nhẹ nhàng. Theo phong cách Baroque, đồ mộc tạo hình rời xa đường cong hoa mỹ, dựa vào đường thẳng tạo hình, dựa vào hình thức kết cấu ngang dọc, thông qua vẻ đẹp cổ điển của hình học thiết kế.

     Về trang sức, phương thức trang sức trên đồ mộc Hoàng cung chủ yếu điêu khắc, sơn son thếp vàng, khảm nạm, hội họa. Kỹ thuật điêu khắc cùng với kỹ thuật sơn son thếp vàng là yếu tố quan trọng đã tạo nên giá trị suất xắc của đồ mộc Hoàng cung Triều Nguyễn. Motip hoa văn trang trí có hai nhóm là hoa văn truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc, phản ánh quyền uy tối thượng của Hoàng đế, Triều đình và nhóm hoa văn châu Âu cổ điển. Rất nhiều sản phẩm đồ mộc Hoàng cung có tạo hình phong cách châu Âu cổ điển nhưng hoa văn trang trí là hoa văn truyền thống Việt Nam, tạo nên sự riêng biệt nổi bật của đồ mộc gỗ Hoàng cung Triều Nguyễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả (2016). Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế VIII. Nhà xuất bản Thuận Hóa.

2. Many Authors (2013). L Art a Hue, Edition The Gioi.

3. Trần Ngọc Thêm (1999). Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục.

4. 刘秋霖 (2009). 西方古典家具[M]. 百花文艺出版社.

5. 路玉章 (2006). 中国古家具鉴赏与收藏[M]. 北京:中国建筑出版社.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm Nghiệp, số 4 – 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghiên cứu đặc điểm đồ mộc hoàng cung triều Nguyễn (1802-1945)
(Tác giả: Nguyễn Thị Vĩnh Khánh, Nguyễn Trọng Kiên)