Nhận định thêm VẤN ĐỀ BẢN SẮC VĂN HOÁ trong PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ DÂN TỘC

TẠ ĐỨC TÚ
(ThS, Trường Đại học Cần Thơ)

1. Những nhận thức khoa học về vấn đề bản sắc văn hoá

     Bản sắc văn hoá hay bản sắc văn hoá dân tộc là một vấn đề không mới trong nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam và thế giới. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc dưới nhiều góc độ khác nhau, vì vậy mà kết quả thế là nào là bản sắc văn hoá cũng rất khác nhau. Ở điểm này, không phải các nhà nghiên cứu không có lí khi nêu khái niệm – là nhận thức khoa học – về bản sắc văn hoá, nhưng đều hoặc quá rộng, hoặc quá hẹp (phù hợp vấn đề nhà nghiên cứu muốn đề cập, song chưa hoàn toàn đúng trong khảo sát vấn đề bản sắc văn hoá bất kì). Dưới đây chúng tôi khảo sát một số khái niệm/ định nghĩa quan trọng và nhấn mạnh một số từ ngữ mấu chốt làm sườn cho một khái niệm khả dĩ.

     Dương Phú Hiệp (2012): “Bản sắc văn hoá của mỗi nền / dạng / kiểu văn hoá (cultural identity) thường được biểu hiện là những nét đặc thù và độc đáo 1 thể hiện trong các hiện tượng văn hoá hoặc các sản phẩm văn hoá, quy định bộ mặt của mỗi nền văn hoá” [tr. 40].

     “Bản sắc văn hoá dân tộc là cái ổn định, là cái hồn của đời sống văn hoá dân tộc (…). Bản sắc (本 bản và 色 sắc) văn hoá vừa là cái ổn định (bản) vừa là cái biến đổi (sắc) trong tiến trình hình thành và phát triển văn hoá dân tộc trong tương tác với các hoạt động của con người cùng môi trường sống” [tr. 262]. Và “bản sắc văn hoá có thể thay đổi và người ta có thể lựa chọn, chấp nhận bản sắc mới” [tr. 265].

     Trần Văn Bính (1999): “Nói đến bản sắc văn hoá dân tộc thực chất là nói đến cái căn cước (identité) văn hoá của một dân tộc. Cái căn cước đó chỉ rõ chúng ta là ai, những truyền thống gì do chúng ta tạo nên và từ đâu thâm nhập vào tâm hồn chúng ta, được chúng ta nuôi dưỡng và phát triển trong đời sống của mình” [tr. 285]. “Nếu hiểu bản sắc văn hoá dân tộc là phần cốt lõi, tinh tuý trong tâm hồn, tính cách dân tộc, thì cái bản sắc đó được biểu hiện ra trong toàn bộ các hoạt động xã hội, từ các hoạt động sản xuất tinh thần cho đến các hoạt động sản xuất vật chất” [tr. 286].

     Chris Barker trong chương Các vấn đề về tính chủ thể và bản sắc, sau khi khẳng định mối quan hệ “cả tính chủ thể và bản sắc đều có hình thức như là những câu chuyện hay giống như câu chuyện khi chúng ta nói về chúng (…). Khám phá bản sắc nghĩa là tìm hiểu: chúng ta nhìn nhận bản thân như thế nào những người khác nhìn thấy chúng ta như thế nào?” đã nêu quan điểm: “Bản sắc là những kiến tạo hoàn toàn mang tính xã hội và không thể “tồn tại” bên ngoài những hiện tượng văn hoá. Chúng là kết quả của quá trình thích ứng văn hoá” [tr. 298] và “Bản sắc vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. Bản sắc làm chúng ta vừa giống hệt lại vừa khác những kiểu người khác” [tr. 299]. Chúng tôi cho rằng “quá trình thích ứng văn hoá” là cách nói chính xác khi muốn hiểu về bản sắc, bởi bản sắc thực sự “làm chúng ta vừa giống hệt lại vừa khác những kiểu người khác”. Trong bảng chú giải thuật ngữ, mục từ “Cultural identity” được Chris Barker giải thích: “Bản sắc văn hoá có thể hiểu là mô tả về bản thân chúng ta với cái mà chúng ta đồng nhất” [tr. 649].

     Trần Ngọc Thêm (2012): “Bản sắc văn hoá (cultural identity) của một dân tộc là một hệ thống các giá trị tinh thần tồn tại tương đối lâu bền hơn cả truyền thống văn hoá dân tộc, tạo nên tính đặc thù khu biệt dân tộc ấy với các dân tộc khác.

     Bản sắc văn hoá mang tính ổn định, lâu bền tương đối, nghĩa là nó vẫn có thể biến đổi, nhưng rất chậm và khó khăn.

     Việc nhận diện một giá trị có phải là bản sắc hay không, có thể dựa vào ba dấu hiệu:

–   là giá trị tinh thần đã tồn tại tương đối lâu dài;

–   chi phối các đặc điểm khác của văn hoá (các ứng xử và hoạt động, các giá trị vật chất);

–   nằm trong hệ thống, các đặc trưng bản sắc có tác dụng khu biệt nền văn hoá đó”.

     Ở đây, tác giả Trần Ngọc Thêm đã nêu được vấn đề cốt lõi của bản sắc văn hoá đó là tính đặc thù ổn định, ông cũng đưa ra được một chuỗi thao tác giúp “nhận diện” bản sắc rất cụ thể. Nhưng theo chúng tôi, việc nhìn nhận các dấu hiệu trên là không đơn giản và nếu có thể nhận diện được bản sắc của một nền văn hoá nào đó theo cách ấy thì cũng sẽ bị trùng lặp ít nhiều với những nền văn hoá khác, bởi thực tế bản sắc không chỉ ở tính ổn định mà nó còn “có thể thay đổi và người ta có thể lựa chọn, chấp nhận bản sắc mới” [Dương Phú Hiệp, 2012, tr. 265]. Hơn nữa, tính lịch sử cụ thể cũng vô cùng quan trọng trong xác định bản sắc. Bản sắc gồm những hiện tượng đã xác định có thể đúng ở đoạn này nhưng sẽ không đúng ở một giai đoạn khác.

     Nguyễn Tri Nguyên (2000) cho rằng “bản sắc dân tộc của văn hoá” là một khái niệm động, ông viết: “Bản sắc văn hoá dân tộc là một cái gì đó, không tiên thiên, có sẵn, cố định trong cội nguồn mà nó luôn luôn biến động, sáng tạo, được tiếp biến luôn có xu hướng vươn đến gần những giá trị của nhân loại, thông qua giao lưu văn hoá có lựa chọn và sàng lọc. Nó vừa giữ vững những giá trị truyền thống, vừa liên tục va đập, dung hợp, kết tinh” [tr. 52].

      “Trong nội hàm khái niệm bản sắc văn hoá cho ta một định nghĩa vừa có tính hữu hình, vừa vô hình, vừa là thể phách, vừa là tinh anh, vừa chứa đựng trong nội dung lẫn thể hiện ở hình thức, trong ngôn ngữ biểu tượng, lẫn trong hệ thống loại hình văn hoá. Nếu nói văn hoá là một thực thể bao gồm cả ba hình thái: hình thái chuẩn mực, hình thái biểu tượng và hình thái giá trị thì bản sắc dân tộc hiện hữu ở cả ba hình thái nói trên và được lưu giữ trong kí ức văn hoá” [tr. 54]. Tác giả xem kí ức văn hoá 2 là hạt nhân của bản sắc dân tộc: “Kí ức văn hoá, nếu không được gìn giữ có thể bị xoá mờ và bức chân dung tự hoạ của mỗi dân tộc sẽ bị xoá mờ, có nghĩa là bản sắc dân tộc và truyền thống dân tộc khó lòng gìn giữ được” [tr. 57]. Khi bàn về Việt Nam, tác giả viết: “Bản sắc văn hoá dân tộc được cấu thành không chỉ thể hiện ở bức chân dung tự hoạ của nó do kí ức văn hoá tạo nên. Nhân dân Việt Nam coi trọng bản sắc văn hoá dân tộc với tư cách là yếu tố nội sinh và nội lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội của đất nước” [Nguyễn Tri Nguyên 2006, tr. 76].

     Về bản sắc văn hoá Việt Nam, tác giả Đoàn Thế Hanh rất có lí khi dựa vào hoàn cảnh địa – khí hậu của Việt Nam, ông cho rằng: “Do đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa và nghề trồng lúa nước nên ngay từ sớm đã đặt ra nhu cầu đoàn kết cộng đồng để làm thuỷ lợi. Từ xa xưa và suốt cả chiều dài lịch sử đã tạo nên nguyên tắc sống của người Việt Nam là trọng tình cảm, sổng ổn định, hoà thuận với nhau, lấy tình nghĩa làm đầu. Từ nguyên tắc trọng tình cảm đã dẫn đến thái độ trọng đạo đức, trọng cái đẹp…” [tr. 468]. Và tác giả kết luận: “Giản dị có thể hiểu: văn hoá là những giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Với hàng ngàn năm lịch sử, những giá trị vật chất của dân tộc ta còn đến ngày nay không nhiều (thời gian, chiến tranh, con người… đã phá huỷ). Nhưng những giá trị văn hoá tinh thần mà các thế hệ người Việt Nam đã tạo ra trong quá trình lịch sử được lưu giữ đến nay khá phong phú. Đó là bản sắc văn hoá Việt Nam truyền thống” [tr. 475].

     Huỳnh Công Bá (2012): “ Bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, chúng tạo thành những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam. Những đặc trưng của bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam chính là được hình thành qua chiều dài lịch sử dân tộc” [tr. 340].

     Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) năm 1998 khẳng định: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lí, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống,… Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo” [dẫn theo Huỳnh Công Bá, 2012, tr. 349]. Và tác giả này đã “khái quát lại thành 7 đặc trưng của bản sắc văn hoá Việt Nam là: Yêu nước, Cộng đồng, Khoan dung, Tình nghĩa, Sáng tạo, Tinh tế và Giản dị” [Huỳnh Công Bá, 2012, tr. 349].

     Theo chúng tôi, bản sắc văn hoá là những đặc điểm văn hoá nổi bật và ổn định mang tính đặc thù giúp phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác. Do vậy, muốn nghiên cứu bản sắc văn hoá dân tộc nhất thiết phải có sự so sánh, không chỉ so sánh giữa dân tộc này với dân tộc khác mà còn quốc gia này với quốc gia khác, thậm chí giai đoạn này với giai đoạn khác, bởi bản sắc “luôn luôn biến động, sáng tạo, được tiếp biến và luôn có xu hướng vươn đến gần những giá trị của nhân loại” [Nguyễn Tri Nguyên, 2000, tr. 52]. Phan Ngọc rất có lí khi cho rằng: “Không có văn hoá tự túc, văn hoá nào cũng cần đến sự giao tiếp để phát triển. Nhưng giao tiếp văn hoá trước hết là bắt gặp những kiểu lựa chọn khác mình và thế nào cũng có sự pha trộn về kiểu lựa chọn, có khi kiểu lựa chọn mới thắng kiểu lựa chọn có sẵn” [tr. 22]. Và ngay trong định nghĩa về văn hoá Phan Ngọc cũng chỉ ra “Văn hoá dưới góc nhìn dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn của cá nhân hay tộc người, khác kiểu lựa chọn của cá nhân hay tộc người khác” [tr. 23]. Xét tận cùng cái gọi là bản sắc văn hoá cốt là chỉ ra được những nét đặc thù, những kiểu thức khu biệt cộng đồng này với cộng đồng khác.

___________
1. Chữ in nghiêng trong phần trích dẫn khái niệm/ định nghĩa là chúng tôi (TĐT) nhấn mạnh.

2. Kí ức văn hoá “chứa đựng hàm lượng thông tin các giá trị văn hoá của quá khứ qua các truyền thống văn hoá dân tộc, tạo nên bản sắc và sự đa dạng văn hoá, nó cũng thiết yếu đối với sự sống con người tựa như sự đa dạng sinh học trong thế giới tự nhiên (…). Kí ức văn hoá là bức tranh tự hoạ của mỗi dân tộc, nó không chỉ là thể phách mà còn là tinh anh của các dân tộc, nó không chỉ là bản lĩnh của dân tộc mà còn là bản sắc dân tộc” [Nguyễn Tri Nguyên, 2006, tr. 225].

2. Vai trò của bản sắc văn hoá đối với phát triển văn hoá dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá

     Bakhtin đã từng nói: “Trong lĩnh vực văn hoá, tính ngoại tại chính là chiếc đòn bẩy mạnh nhất. Một nền văn hoá chỉ có thể thể hiện chính mình đầy đủ và sâu sắc nhất trong mắt của một nền văn hoá khác (dĩ nhiên không phải là toàn bộ, vì cùng lúc lại có nhiều nền văn hoá khác cùng tiếp xúc nên sẽ nhìn thấy và hiểu được nhiều thứ hơn từ các nền văn hoá này)… Trong tình huống hai nền văn hoá gặp gỡ đối thoại như thế, giữa chúng sẽ không dung hợp lẫn nhau, cũng không hoà trộn lẫn nhau, mỗi bên tự duy trì tính thống nhất và tính hoàn chỉnh trong khai phóng (cải cách, mở thoáng) của chính mình, từ đó cả hai cùng phong phú lên hơn” [dẫn theo Phương Hán Văn]. Trong bối cảnh “thế giới phẳng” và toàn cầu hoá như hiện nay, chúng ta không thể khép kín để giữ lấy một cái gì đó mà chúng ta cho đó là bản sắc, cần phải giữ gìn. Chúng ta chỉ có thể giữ và giữ được những cái sau khi “va đập liên tục” với thế giới ngoài mà còn nguyên chân giá trị của nó, bởi đó là thực chất, là kết tinh của tinh thần, trí tuệ và truyền thống dân tộc. Trong lịch sử dân tộc, chúng ta đã trải qua rất nhiều cuộc tiếp xúc với bên ngoài, vừa chủ động vừa bị động, song chúng ta vẫn giữ được cho mình những “di sản”, những truyền thống rất đáng tự hào. Nhà nghiên cứu văn hoá Đỗ Lai Thuý khẳng định: “Bản sắc hình thành trong và bằng quá khứ và khác nhau ở từng giai đoạn lịch sử – xã hội cụ thể. Nó tạo ra một hệ giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định (và phát triển) của xã hội đó, như tính cộng đồng, sự duy tình, chuộng đồng đều, tính thiết thực, sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó,… Nhưng khi xã hội Việt Nam cổ truyền chuyển sang xã hội hiện đại, thì những giá trị trên trở thành những cản trở đối với việc xây dựng những giá trị mới như là mặt đối lập của nó như tính cá nhân, sự duy lí, sự vượt trội (chống cào bằng), sự nhìn xa trông rộng, sự bất bình… Đây là cơ sở để thấy rằng, bản sắc tuy xuất phát từ quá khứ, nhưng lại thuộc về tương lai (Đỗ Lai Thuý nhấn mạnh)” [Dẫn theo Dương Phú Hiệp, 2012, tr. 254]. Nhiệm vụ nghiên cứu, xác định cho được bản sắc văn hoá dân tộc là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

     Phương Hán Văn (2003): “Từ khoảng thời gian lâu dài từ thời kì đồ đá cũ đến nay, nhân loại từ thời nguyên thuỷ bước vào thời kì hiện đại đã sáng tạo ra trong vũ trụ này nhiều sản phẩm trước đây chưa từng có. Những sáng tạo của nhân loại thể hiện ở nhiều lĩnh vực, chủng loại từ nông nghiệp, chăn nuôi (mục nghiệp), ngư nghiệp, công nghiệp, chính trị, pháp luật, đạo đức, học thuật, văn học – nghệ thuật, v.v. song nếu nhìn ở góc độ nghĩa rộng thì tất cả các sáng tạo ấy đều là sáng tạo văn hoá. Nhìn trên tổng thể, hành vi của nhân loại đều là hành vi sáng tạo văn hoá khác nhau. Thế giới hiện đại có hàng trăm quốc gia, có hàng ngàn hàng vạn dân tộc, mỗi dân tộc/quốc gia đều có văn hoá riêng của mình. Trong bối cảnh lịch sử nhân loại diễn ra lâu dài; xã hội, quốc gia, dân tộc của các dân tộc được phân định cực kì phong phú như thế thì nghiên cứu so sánh văn hoá là hết sức cần thiết”.

      Đúng vậy, mỗi quốc gia, dân tộc đều có văn hoá riêng của mình, muốn hoà nhập, phát triển, tiến sâu vào nền văn hoá chung của toàn nhân loại thì mỗi quốc gia, dân tộc cần tự trang bị cho mình bằng bề dày truyền thống, bằng bản sắc văn hoá của riêng mình. Có như vậy thì quốc gia, dân tộc ấy mới không bị lạc lõng giữa dòng chung để rồi tự đánh mất bản sắc của mình. Chính “cái được gọi là “quốc hồn” của văn hoá chính là cái tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch đại của không gian văn hoá. Nó mang ý nghĩa của sự trường tồn, đồng hành cùng dân tộc. Vấn đề là các thế hệ khác nhau phải biết phát hiện và cảm nhận được nó, duy trì và phát triển nó một cách sáng tạo. Khi đó, nó sẽ có sức mạnh về sự phát triển” [Dương Phú Hiệp, 2012, tr. 166].

      Toàn cầu hoá diễn ra bởi những mối liên kết toàn cầu, thế giới xít lại gần nhau nhờ công nghệ thông tin và truyền thông. Toàn cầu hoá là mối liên hệ đa chiều, đa tuyến trên phạm vi toàn thế giới về chính trị, văn hoá, kinh tế, pháp luật và tất cả các mặt của đời sống. Toàn cầu hoá cũng có sự đóng góp không nhỏ của các vấn đề mang tính toàn cầu buộc cả nhân loại phải cùng nhau giải quyết như biến đổi khí hậu, năng lượng, dân số, chất lượng sống, các bệnh xã hội, môi trường sinh thái, v.v.

      Trong bối cảnh toàn cầu ấy, vai trò của bản sắc là rất quan trọng. Bản sắc giúp chúng ta tự hào gìn giữ những cái thuộc về chính chúng ta, về truyền thống và những “kí ức” – những cách mà người khác nghĩ và nhớ đến chúng ta. Đây có thể là một vấn đề đã thuộc về quá khứ, song đó là truyền thống đáng tự hào. Chúng ta không thể dùng nhãn quan thông thường, một cảm giác để nói rằng cách ăn, cách mặc, cách nghĩ, cách kết cấu cộng đồng,… của dân tộc này, giai đoạn lịch sử này là kém cỏi, của dân tộc kia, giai đoạn lịch sử kia là văn minh. Vấn đề là họ có tạo được cho mình cái gọi là bản sắc văn hoá để người ta có thể nhận diện họ hay không. Dấu ấn bản sắc hay truyền thống “là điều chúng ta học hỏi, duy trì và phát triển từ những người khác, từ những thế hệ trước hoặc từ quá khứ, cộng với những thành quả mà chúng ta tạo nên và có được. Đây chính là những tác tạo mà Tylor nói về ‘những khả năng và thói quen mà con người có được’, hoặc Linton cho là ‘di truyền xã hội’” [Nguyễn Thị Hiền, 2007; tr. 578]. Tất cả những điều ấy chính là bề dày văn hoá, là hành trang để hướng đến tương lai. Bởi bề dày văn hoá “giúp chúng ta có thêm kiến thức và kinh nghiệm để tiến lên phía trước. Tuy nhiên, vấn đề là phải xử lí những kiến thức và kinh nghiệm này như thế nào để biến chúng thành động lực, chứ không phải là gánh nặng khi hướng tới tương lai” [Dương Phú Hiệp, 2012, tr. 165].

      Phạm Xuân Nam rất có lí khi nhận xét: “Trong kinh tế, sự đa dạng của phân công mới làm nảy sinh tính tất yếu của giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia. Trong văn hoá lại càng như vậy. Do đó chỉ có trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc và cốt cách riêng của văn hoá Việt Nam – nghĩa là tính độc đáo của nó trong quá trình vươn tới sự hoàn thiện con người theo hướng Chân – Thiện – Mĩ, thì văn hoá dân tộc mới có sức nặng trong tiếp xúc, đối thoại với các nền văn hoá khác, nhất là mới có những cái đáng giá để góp vào kho tàng văn hoá phong phú, đa dạng của nhân loại” [tr. 159].

3.

      Có lẽ chúng ta chưa thể vội vàng đúc kết những giá trị của bản sắc, như kết luận của Huỳnh Công Bá chẳng hạn, đó rõ ràng là những đặc điểm vô cùng nổi bật của Việt Nam, nhưng đó chưa phải là những điểm đặc thù giúp nhận diện Việt Nam. Chúng ta có dám chắc rằng chỉ Việt Nam mới có những điểm như đã liệt kê hay không? Chúng tôi cho rằng, xác định bản sắc là chú ý đến những nét đặc thù chứ không phải những điểm nổi bật – dù điểm nổi bật là vô cùng quan trọng. Chúng tôi tán thành quan điểm của Dương Phú Hiệp khi cho rằng: “Trong suốt quá trình lịch sử, văn hoá Việt Nam chưa bao giờ đánh mất bản sắc, mà còn tiếp thu, hoàn thiện thêm bởi các nền văn hoá nước người, cả phương Đông và phương Tây (…). Bản sắc là hồn dân tộc và do vậy mất bản sắc chẳng khác nào một người không còn thần sắc, không đủ bản lĩnh vững vàng để chọn lọc, tiếp thu tinh hoa nhân loại” [tr. 248]. Và Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) năm 1998 cũng chỉ rõ: “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Huỳnh Công Bá, Cội nguồn và bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Thuận Hoá, Huế, 2012.

2. Barker C (Đặng Tuyết Anh dịch), Nghiên cứu văn hoá – lí thuyết và thực hành, – H, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2011.

3. Trần văn Bính, Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Những vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

4. Đoàn Thế Hanh, Về bản sắc văn hoá Việt Nam, In trong Những vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

5. Nguyễn Thị Hiền, Một số quan niệm và phương pháp tiếp cận văn hoá. In trong Văn hoá học – Những phương pháp nghiên cứu, Viện Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2007.

6. Dương Phú Hiệp (chủ biên), Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu văn hoá và con người Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.

7. Phạm Xuân Nam, Bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình giao lưu với thế giới, In trong Những vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

8. Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1998.

9. Nguyễn Tri Nguyên, Văn hoá – tiếp cận từ vấn đề và hiện tượng, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2000.

10. Nguyễn Tri Nguyên, Văn hoá – tiếp cận lí luận và thực thực tiễn, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006.

11. Radughin A.A., Văn hoá học – Những bài giảng. (Vũ Đình Phòng dịch 2004) – Hà Nội, Viện Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1997.

12. Trần Ngọc Thêm, Văn hoá học – những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Văn hoá – văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2013.

13. Phương Hán Văn, Các giai đoạn nghiên cứu so sánh văn hoá, 2003, http://www.vanhoahoc. edu.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/van-hoa-hoc-so-sanh/405-phuong-han-van-cac-giai- doan-nghien-cuu-so-sanh-van-hoa.html.

Ảnh đại diện – Hoa Sen (Ban Tu thư thiết lập)