Nhận thức của du khách về hình ảnh điểm đến du lịch Huế (Phần 1)
Tác giả: NGUYỄN THỊ LỆ HƯƠNG, TRƯƠNG TẤN QUÂN
TÓM TẮT
Mục đích của nghiên cứu này nhằm xác định những nhận thức (lý trí) và tình cảm của du khách về hình ảnh điểm đến du lịch Huế. Từ 3 câu hỏi mở được đề xuất bởi Echtner và Ritchie, các tác giả thực hiện khảo sát với 252 du khách. Kết quả nghiên cứu cho thấy hình ảnh điểm đến du lịch Huế nổi bật trong tâm trí du khách gồm: Di tích lịch sử, Phong cảnh, Con người và Ẩm thực cùng với các đặc trưng: Ca Huế/ hò Huế/ dân ca Huế, Xích lô/ dạo phố trên xích lô, Làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống, Môi trường du lịch an toàn, Nhiều cây xanh, và sự cảm nhận về không gian yên bình, lãng mạn, thơ mộng… Tuy nhiên, những nhận thức này còn quá khiêm tốn so với nguồn lực du lịch mà điểm đến Huế đang sở hữu. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số gợi ý để xây dựng hình điểm đến du lịch Huế ấn tượng hơn trong tâm trí du khách.
Từ khóa: hình ảnh điểm đến, nhận thức, điểm đến du lịch Huế.
1. Đặt vấn đề
Trong lĩnh vực du lịch, hình ảnh điểm đến đã được nhiều nhà nghiên cứu công nhận tầm quan trọng của nó trong việc lựa chọn điểm đến của du khách [13, 16], tiếp thị du lịch [12, 17] và ý định hành vi du lịch [1, 11]. Vì vậy, đây là một chủ đề hấp dẫn đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Hình ảnh điểm đến là tổng thể của niềm tin, ý tưởng và ấn tượng của một người về một điểm đến du lịch [5] hay đó là tổng thể các ấn tượng, niềm tin, sự mong đợi và những tình cảm được tích lũy về một nơi theo thời gian [14]. Những “ấn tượng”, “nhận thức” hay “niềm tin” thể hiện sự nhận thức cả về lý trí và tình cảm của du khách và đóng vai trò quyết định đến hình ảnh du lịch của bất kỳ điểm đến nào.
Sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, 2 Di sản văn hóa thế giới và 1 Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Thừa Thiên Huế hội đủ các nguồn lực để hình thành một hình ảnh điểm đến du lịch ấn tượng và khác biệt. Tuy nhiên, cho đến nay hình ảnh điểm đến du lịch Huế vẫn còn mờ nhạt trong tâm trí của du khách [23]. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động du lịch của điểm đến này chưa xứng với tiềm năng của nó. Vì vậy, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch để tiến đến xây dựng thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế là giải pháp trọng tâm được đặt ra trong thời gian tới [23].
Từ việc xác định hình ảnh nhận thức và tình cảm là hai thành phần của hình ảnh điểm đến du lịch Huế, trong bài báo này các tác giả tìm hiểu nhận thức của du khách về các thuộc tính của hai thành phần trên, từ đó đưa ra những gợi ý góp phần xây dựng một hình ảnh điểm đến du lịch Huế ấn tượng sâu đậm hơn đối với du khách.
2. Cơ sở lý thuyết
Hình ảnh điểm đến du lịch
Từ năm 1975, Hunt [13] đã đưa ra khái niệm hình ảnh điểm đến. Đó là những ấn tượng mà một hoặc nhiều người lưu giữ về một địa điểm không phải là nơi cư trú của họ; Crompton [5] xác định hình ảnh điểm đến là tổng thể của niềm tin, ý tưởng và ấn tượng của một người về một điểm đến du lịch; và Echtner và Ritchie [6, 8] cho rằng hình ảnh điểm đến là nhận thức về các thuộc tính riêng biệt của điểm đến và ấn tượng tổng thể về điểm đến đó. Các khái niệm này đã được nhiều tác giả trích dẫn và bổ sung trong các nghiên cứu về hình ảnh điểm đến du lịch như Lin và cs. [16], Pike [21], và Qui và cs. [11]. Nhìn chung, khái niệm hình ảnh điểm đến hình thành ở bối cảnh và thời gian khác nhau nhưng đều tập trung nhấn mạnh về “ấn tượng”, “niềm tin” hay “nhận thức” của du khách. Sự lặp lại những thuật ngữ này cho thấy du khách là người sẽ xem xét và xác định một hình ảnh điểm đến, nói cách khác những ấn tượng, nhận thức và niềm tin của cá nhân sẽ đóng vai trò quyết định đến hình ảnh du lịch của bất kỳ điểm đến nào.
Các thành phần của hình ảnh điểm đến du lịch
Khi xác định các thành phần của hình ảnh điểm đến du lịch, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, chẳng hạn xem “nhận thức về mặt lý trí” là thành phần duy nhất của hình ảnh điểm đến du lịch [5, 12]; tiếp cận hình ảnh điểm đến toàn diện theo hai chiều, gồm bộ ba thuộc tính: Bộ thuộc tính chức năng – tâm lý, Bộ thuộc tính phổ biến – độc đáo, Bộ thuộc tính đơn lẻ – toàn diện [6, 8]; hay tiếp cận cả về nhận thức lý trí và nhận thức tình cảm đối với hình ảnh điểm đến [2, 4, 16], trong đó cách tiếp cận thứ ba là hướng nghiên cứu đang được quan tâm hiện nay.
Sự lặp lại của “niềm tin”, “nhận thức” và “những ấn tượng” trong khái niệm hình ảnh điểm đến đã thể hiện: hình ảnh điểm đến được hình thành từ “nhận thức” của du khách. Những “nhận thức” này không chỉ về mặt lý trí mà còn cả khía cạnh tình cảm, do đó đo lường hình ảnh điểm đến du lịch cần đề cập đến một cấu trúc đa chiều bao gồm cả hình ảnh nhận thức và hình ảnh tình cảm [1, 3, 16].
Hình ảnh nhận thức là niềm tin hay sự hiểu biết về các thuộc tính của một điểm đến; hình ảnh tình cảm hướng đến cảm xúc hay sự gắn kết tình cảm của cá nhân với điểm đến đó [1, 25]. Sự khác biệt cơ bản giữa hai hình ảnh trên là ở chỗ hình ảnh tình cảm là phản ứng của cảm xúc, trong khi hình ảnh nhận thức là những kiến thức liên quan đến đặc điểm môi trường. Tuy nhiên. Hai hình ảnh này có mối tương quan cùng chiều, những đánh giá về hình ảnh nhận thức càng tích cực thì đánh giá về hình ảnh tình cảm càng tích cực và ngược lại; hình ảnh tình cảm là một chức năng của hình ảnh nhận thức và là động cơ thúc đẩy ý định hành vi du lịch [1].
Đối với Echtner và Ritchie [6, 8], dù tiếp cận hình ảnh điểm đến toàn diện theo hai chiều gồm bộ ba cặp thuộc tính, nhưng về cơ bản các tác giả vẫn hướng vào các thuộc tính của nhận thức lý trí và tình cảm khi tạo lập hình ảnh điểm đến du lịch. Thuộc tính toàn diện không chỉ là các thuộc tính hữu hình (tòa nhà, phong cảnh…) mà còn các thuộc tính vô hình (bầu không khí, sự cảm nhận, sự thân thiện…); các đặc điểm chức năng tập trung vào các thuộc tính vật lý (cảnh quan, cơ sở vật chất, hoạt động và nơi ở…), còn đặc điểm tâm lý nhấn mạnh về những ấn tượng tình cảm của du khách về một điểm đến (sự thân thiện, cảm xúc và bầu không khí…).
Trên cơ sở tiếp cận nghiên cứu hình ảnh điểm đến du lịch Huế gồm hai thành phần: hình ảnh nhận thức và hình ảnh tình cảm, các tác giả thu thập các thông tin nhận thức của du khách về hình ảnh điểm đến du lịch Huế theo các thuộc tính tương ứng với mỗi thành phần trên.
Đo lường hình ảnh điểm đến du lịch
Cùng với việc xác định hai thành phần của hình ảnh điểm du lịch, các thuộc tính tương ứng sẽ được xác lập để thực hiện đo lường hình ảnh điểm đến du lịch.
Thực tiễn cho thấy, khi thiết kế thang đo hình ảnh điểm đến, không thể có một tập hợp thuộc tính cố định để đo lường cho mọi điểm đến vì các thuộc tính phải đại diện cho hình ảnh điểm đến cụ thể với những đặc trưng độc đáo của nó [9]. Những đặc trưng này phân biệt giữa hình ảnh điểm đến này với điểm đến khác, đồng thời là thuộc tính riêng có tạo nên ấn tượng sâu sắc của du khách về một điểm đến du lịch.
Những nhận thức về lý trí của du khách tại một điểm đến có thể biểu hiện theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực, vì vậy nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức về mặt tình cảm cũng theo chiều hướng tương tự: tích cực (sự sôi động, sự thú vị, sự vui vẻ, thư giãn…) hoặc tiêu cực (buồn ngủ, khó chịu, buồn rầu, căng thẳng…). Trên cơ sở này, Russell và cs. [22] đã phát triển mô hình gồm các cặp tình cảm hai chiều: (1) Hài lòng – khó chịu và sôi động – buồn ngủ; (2) Thú vị – ảm đạm và thư giãn – căng thẳng để xem xét hình ảnh tình cảm của điểm đến.
Mặc dù khó có sự thống nhất về các thuộc tính đo lường hình ảnh điểm đến du lịch, nhưng các nghiên cứu vẫn hướng đến một thang đo hình ảnh điểm đến toàn diện bao gồm những thuộc tính cơ bản của hình ảnh nhận thức và hình ảnh tình cảm để có thể vận dụng cho nhiều bối cảnh. Vì vậy, một số tác giả đã thực hiện tổng hợp các thuộc tính hình ảnh điểm đến từ nhiều nghiên cứu đã có. Echtner và Ritchies [6] tổng hợp 15 nghiên cứu trước năm 1990 và đã xác định có 34 thuộc tính hình ảnh điểm đến du lịch thuộc trục chức năng – tâm lý. Trên cơ sở đó Jenkins [19] tổng hợp thêm 14 nghiên cứu khác và đưa ra 52 thuộc tính của hình ảnh điểm đến. Gallarza và cs. [10] tổng hợp từ 29 nghiên cứu và đưa ra được 20 thuộc tính của hình ảnh điểm đến, đồng thời xác định được một số thuộc tính sử dụng phổ biến để đo lường hình ảnh điểm đến như sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, sự thân thiện của người dân địa phương, môi trường văn hóa, cơ sở lưu trú, cuộc sống về đêm, sự an toàn an ninh, vui chơi giải trí. Beerli và cs. [3, 4] tổng hợp các nghiên cứu cùng chủ đề trong giai đoạn 1975–2000, gồm 58 thuộc tính thành 9 nhóm để đo lường hình ảnh điểm đến.
Nhìn chung, kết quả tổng hợp của các tác giả cho thấy càng về sau số lượng các thuộc tính hình ảnh càng nhiều hơn, nhưng không phải tất cả chúng đều được sử dụng chung cho mọi nghiên cứu bởi mỗi hình ảnh điểm đến du lịch đều có những đặc trưng độc đáo riêng có của nó. Tuy nhiên, kết quả này cùng đã thể hiện có một số nhóm thuộc tính cơ bản luôn xuất hiện trong các nghiên cứu về hình ảnh điểm đến du lịch (Bảng 1). Trên cơ sở các nhóm thuộc tính này, khi xây dựng thang đo hình ảnh điểm đến du lịch cho từng bối cảnh cụ thể, các nghiên cứu cần lựa chọn những phương pháp phù hợp để xác định tập hợp các thuộc tính có thể làm nổi bật được đặc trưng của điểm đến, đồng thời có thể phân biệt được điểm đến này so với điểm đến khác.
Bảng 1. Các thuộc tính cơ bản của hình ảnh nhận thức và hình ảnh tình cảm
Hình ảnh nhận thức | Hình ảnh tình cảm |
1. Các điểm thu hút du lịch 2. Cơ sở hạ tầng du lịch | 1. Thú vị – Nhàm chán |
3. Hoạt động giải trí và cuộc sống về đêm 4. Môi trường du lịch | 2. Hài lòng – Không hài lòng |
5. Hình ảnh độc đáo của điểm đến 6. Khả năng tiếp cận | 3. Thoải mái – Căng thẳng |
7. Người dân địa phương 8. Ẩm thực 9. Các yếu tố chính trị và kinh tế | 4. Sôi động – Buồn ngủ |
Nguồn: tổng hợp của tác giả từ [3, 4, 10, 19]
Để đo lường hình ảnh điểm đến, phần lớn các nghiên cứu kết hợp phương pháp định tính và định lượng. Trong đó, phương pháp định tính được sử dụng để xác lập các thuộc tính đo lường hình ảnh điểm đến phù hợp cho từng bối cảnh cụ thể, làm cơ sở để thiết kế bảng hỏi, thu thập thông tin phục vụ cho nghiên cứu định lượng.
Nhằm tìm ra các thuộc tính hình ảnh phù hợp với từng điểm đến, nhiều phương pháp đã được vận dụng như nghiên cứu tài liệu, tổng hợp các thuộc tính hình ảnh từ nghiên cứu trước, tham khảo ý kiến chuyên gia, thảo luận nhóm hay sử dụng bảng hỏi phi cấu trúc (câu hỏi mở)… để thu thập thông tin từ đối tượng phỏng vấn. Echtner và Ritchie [6, 8] đề xuất phương pháp phi cấu trúc để thiết kế thang đo hình ảnh điểm đến, đó là sử dụng câu hỏi mở nhằm phát triển một danh sách thuộc tính về hình ảnh tổng thể mà không bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị, chủ quan của người nghiên cứu; đồng thời, tác giả nhấn mạnh khảo sát du khách là cần thiết để thu thập các thuộc tính hình ảnh khách quan và phù hợp cho mỗi điểm đến. Các tác giả đã đề xuất 3 câu hỏi mở để phỏng vấn du khách gồm:
1. Những đặc điểm/ ấn tượng nào trong tâm trí của ông/ bà khi nghĩ X là một điểm đến du lịch?
2. Ông/ bà hãy mô tả bầu không khí hay tâm trạng mà ông bà đã cảm nhận được khi đi du lịch ở X?
3. Ông/ bà hãy liệt kê những khác biệt hoặc đặc điểm nổi bật về các yếu tố hấp dẫn của điểm đến X?
Mục đích của câu 1 và 2 là xác định các tập hợp thuộc tính chức năng (hữu hình) và các thuộc tính tâm lý (vô hình) của điểm đến. Câu 3 nhằm xác định những đặc trưng riêng có của mỗi điểm đến (thuộc tính độc đáo, duy nhất) và là cơ sở để phân biệt hình ảnh điểm đến này với hình ảnh điểm đến du lịch khác.
Với kết quả khảo sát tổng hợp từ một số nghiên cứu, Echtner và Ritchie [6] cho rằng các nét được coi là hình ảnh tổng thể của điểm đến nếu có sự liên tưởng của từ 20 % số người được hỏi trở lên và những thuộc tính được từ 10 % số người được hỏi trở lên liệt kê sẽ được lựa chọn để xác định tập hợp thuộc tính đo lường hình ảnh điểm đến trong nghiên cứu định lượng.
Phương pháp đo lường hình ảnh điểm đến du lịch do Echtner và Ritchie [6] đề xuất đã cung cấp một thang đo đáng tin cậy và hợp lý hơn so với các nghiên cứu ở giai đoạn trước đó [20]. Nhiều tác giả về sau đã vận dụng kết hợp các phương pháp trong nghiên cứu định tính như phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, ý kiến chuyên gia hay bảng hỏi phi cấu trúc/ câu hỏi mở để khảo sát du khách [11, 20, 24].
Để có được thông tin về nhận thức (lý trí và tình cảm) của du khách đối với hình ảnh điểm đến du lịch Huế, trong nghiên cứu này, các tác giả sẽ vận dụng 3 câu hỏi của Echtner và Ritchie [6, 8] có điều chỉnh để thu thập các thuộc tính của hình ảnh điểm đến du lịch Huế thông qua sự liên tưởng tự do của du khách.
3. Phương pháp và kết quả nghiên cứu
3.1 Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện cho điểm đến du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong bài viết này gọi tắt là điểm đến du lịch Huế.
Sử dụng bảng hỏi phi cấu trúc để thu thập các thuộc tính nhận thức và tình cảm của hình ảnh điểm đến du lịch Huế từ sự liên tưởng tự do của du khách nội địa và quốc tế. Bảng hỏi gồm 2 phần: phần 1 với 3 câu hỏi mở do Echtner và Ritchie [6, 8] đề xuất, có điều chỉnh cho phù hợp với mục đích nghiên cứu: 1. Những đặc điểm/ ấn tượng làm cho Quý khách nhớ đến điểm đến du lịch Huế? 2. Những cảm xúc/ tình cảm Quý khách cảm nhận được khi du lịch tại điểm đến du lịch Huế? và 3. Theo Quý khách, những yếu tố nào thể hiện sự độc đáo/ sức hấp dẫn riêng của điểm đến du lịch Huế?; phần 2 là thông tin chung của du khách như giới tính, tuổi, xuất xứ, trình độ và thời gian du lịch ở Huế.
Bảng hỏi được thiết kế bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó bảng hỏi bằng tiếng Anh được sử dụng cho những du khách quốc tế sẵn lòng trả lời bằng ngôn ngữ này.
Phương pháp chọn mẫu: nhằm có được các nhận thức của du khách về hình ảnh tổng thể của điểm đến du lịch Huế, khảo sát được thực hiện đối với những du khách đã kết thúc chuyến du lịch với thời gian lưu trú tại Huế ít nhất 1 đêm; địa điểm thu thập thông tin là ga Huế, sân bay Phú Bài và ở hành trình cuối của Tour du lịch (theo xe tour Huế – Đà Nẵng, Huế – Quảng Bình…) trong thời gian từ 10/2016 đến 01/2017; phương pháp chọn mẫu thuận tiện được sử dụng và có 252 bảng hỏi phù hợp để đưa vào phân tích.
Tổng hợp và xử lý và phân tích dữ liệu: Dữ liệu được tổng hợp và xử lý trên các phần mềm thống kê SPSS 20 và Excel. Phân tích kết quả dựa trên tần số và tần suất.
3.2 Kết quả nghiên cứu
Các thuộc tính cấu thành hình ảnh điểm đến du lịch Huế
So với các điểm đến khác ở trong và ngoài nước, điểm đến du lịch Huế có hai sự khác biệt nhất định: thứ nhất là di sản văn hóa – sinh thái bởi Huế là sự kết tinh của tự nhiên, kiến trúc và lịch sử; và thứ hai là sự hài hòa giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, góp phần tạo nên một phong cách Huế trong cách ứng xử và trong văn hóa hiếu khách [23]. Sự khác biệt này dựa trên giá trị cốt lõi của điểm đến du lịch Huế, đó là: Phong cảnh thiên nhiên, con người, văn hóa, di tích lịch sử và ẩm thực độc đáo. Đây là những thuộc tính quan trọng để hình thành hình ảnh điểm đến du lịch Huế khác biệt và ấn tượng trong tâm trí du khách.
Bảng 2. Các thuộc tính cấu thành hình ảnh điểm đến du lịch Huế
Nhóm thuộc tính | Chi tiết |
1. Sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên | – Rừng quốc gia Bạch Mã mang dáng dấp của khu rừng nguyên sinh. – Hệ thống Phá Tam Giang – Cầu Hai: một trong những đầm phá rộng nhất Đông Nam Á với trên 22 ngàn hecta mặt nước. – Phong cảnh: được xem là nơi có phong cảnh nước non hữu tình, là vùng đất có cả đồi núi, đồng bằng, sông nước và biển cả tạo nên nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những thắng tích do thiên nhiên kiến tạo nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh… – Biển: 128 km chiều dài bãi biển, với biển Thuận An, Cảnh Dương… đặc biệt Lăng cô được công nhận “vịnh đẹp thế giới” – Hệ thống đầm, hồ, thác và suối, suối khoáng, suối nóng… |
2. Sự phong phú về tài nguyên nhân văn | |
Hệ thống di sản văn hóa | – “Quần thể di tích cố đô Huế” là di sản văn hóa thế giới vật thể: hệ thống cung điện, hoàng thành, đền đài, lăng tẩm Hoàng gia của Vương triều nhà Nguyễn (UNESCO công nhận năm 1993) – “Nhã nhạc cung đình Huế” là “kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (UNESCO công nhận năm 2003) – “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP thuộc UNESCO công nhận năm 2016) |
Truyền thống | – Làng nghề thủ công truyền thống: nghề đúc đồng, làng nghề nón bài thơ, hoa giấy Thanh Tiên, tranh Làng Sình, làng gốm cổ Phước Tích… – Nhiều lễ hội đa dạng: hội vật làng Sình, lễ hội cầu ngư, Phật Đản, Festival Huế, Festival làng nghề… – Dân ca Huế, nhã nhạc cung đình, ca Huế, hò Huế. |
Con người | – Kết hợp của sự cầu kỳ, lãng mạn, thận trọng và đam mê tạo nên tính cách độc đáo của con người Huế; Sự quyến rũ, thân thiện của người dân. Truyền thống hiếu khách.. |
Ẩm thực | – Ẩm thực cung đình: nem công chả phượng, Bạch Ngọc giao bôi, cua lướt thuyền rồng, cơm sen hồ Tịnh Tâm, bánh lá chả tôm… – Ẩm thực dân gian với trên 1000 món ăn: cơm Huế, chè Huế, bún bò Huế, món ăn chay, và nhiều đặc sản khác. |
Vùng đất của tâm linh | – Hơn hai trăm đền, chùa và nơi thờ phụng có lịch sử hình thành từ hàng trăm năm: Đàn Nam Giao, Chùa Linh Mụ, Chùa Từ Đàm, Điện Hòn Chén… |
Di sản cách mạng Việt Nam | – TTH còn lưu giữ nhiều dấu tích cách mạng gắn bó với thời kỳ chống Pháp, Mỹ như: công binh xưởng Phú Lâm, chợ Đông Ba, cụm địa đạo Động So – A Túc, chiến khu Trò, Chín Hầm, hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và di tích liên quan đến chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu và nhiều nhà cách mạng khác… |
Vùng đất của sự giao thoa giữa các nền văn hóa | – Từ thiên niên kỷ I trước Công nguyên, là địa bàn thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. – Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, in đậm dấu ấn của văn hóa Chăm. – Sau 1076, là vùng đất giao thoa giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm với tên gọi Châu Ô, Châu Rí. – Sau thế kỷ XV, Huế là nơi đến của văn hóa Trung Hoa (in dấu đậm nét ở phố cổ Gia Hội, thành phố Huế). – Huế là nơi có quan hệ giao lưu với văn hóa Pháp rất rõ nét… |
3. Môi trường du lịch “Xanh”, an toàn | – Khung cảnh thiên nhiên gần như còn giữ được màu xanh nguyên sơ. – Điểm đến du lịch an ninh, an toàn… |
4. Hoạt động du lịch | – Du thuyền và nghe ca Huế trên sông Hương. – Tour du lịch văn hóa “Huế về đêm dịu dàng” tại đình làng cổ Kim Long vào ngày 30 hàng tháng. – Dạo phố Huế về đêm: phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu – cầu Trường Tiền – Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An. – Tham quan Đại Nội Huế về đêm… |
Nguồn: tổng hợp từ [23] và một số nguồn khác
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển;
ISSN 2588–1205, Tập 126, Số 5D, 2017, Tr. 79–9
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Mời xem tiếp:
Nhận thức của du khách về hình ảnh điểm đến du lịch Huế (Phần 2) —— đang được cập nhật ——