Nhất thể hóa Liên minh Châu Âu hiện nay: Thách thức và xu hướng (Phần 2)

NGUYỄN AN HÀ1
(1 Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

3. Xu hướng nhất thể hóa Liên minh Châu Âu

 3.1. Cải cách thể chế theo Hiệp ước Lisbon

     Thứ nhất, Hiệp ước Lisbon thúc đẩy quá trình liên kết khu vực bằng những cải cách về thể chế và cơ chế hoạch định chính sách. Hiệp ước đã chuyển một số nội dung của trụ cột tư pháp và nội vụ sang cơ chế “đa số đủ thẩm quyền” và được đơn giản hóa thành thủ tục “đa số kép”, chính thức có hiệu lực vào năm 2014. Theo nguyên tắc này, văn bản pháp luật của EU được thông qua khi đạt được hai tiêu chí: đa số nước thành viên với 55% số nước và đa số dân chúng đại diện cho 65% dân số toàn khu vực ủng hộ. Cơ chế bỏ phiếu này góp phần làm cho quá trình hoạch định chính sách của EU minh bạch và hiệu quả hơn, đòi hỏi các nước thành viên phải nỗ lực hơn, tránh được sự bế tắc khi lợi ích của đa số có những mâu thuẫn với thiểu số. Hiệp ước Lisbon đã thay thế chế độ chủ tịch luân phiên giữa các nước thành viên nhiệm kỳ 6 tháng bằng chế độ chủ tịch thường trực nhiệm kỳ 2 năm rưỡi. Với chế độ chủ tịch thường trực nhiệm kỳ dài hơn, các định hướng chính sách của EU được thống nhất hơn và hiệu quả hơn. Cơ cấu của Ủy ban Châu Âu năm 2014 cũng thay đổi từ 27 thành viên (theo cơ chế mỗi nước có một đại diện) giảm xuống còn 17 thành viên, tạo nên một ủy ban không mang tính đại diện cho tất cả các nước thành viên theo kiểu liên chính phủ, mà thực sự là một thể chế siêu quốc gia hoạt động vì lợi ích chung của toàn EU.

     Thứ hai, Hiệp ước Lisbon tăng cường dân chủ và minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách của EU, giúp cho các quyết sách mang tầm siêu quốc gia hiệu quả hơn. Tăng cường vai trò của Quốc hội Châu Âu trong quá trình hoạch định chính sách, như: chuyển từ thủ tục đồng quyết định sang thủ tục lập pháp thông thường liên quan tới hơn 70 lĩnh vực, tăng cường quyền lập pháp của Quốc hội EU, mở rộng thủ tục phê chuẩn ngân sách của EU đối với các khoản ngân sách bắt buộc và không bắt buộc, mở rộng thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định quốc tế mà EU ký với các đối tác bên ngoài. Hiệp ước Lisbon còn chú trọng hơn tới các quyền cơ bản của người dân như nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình đẳng và các khía cạnh liên quan đến quyền con người, hướng tới khái niệm công dân Châu Âu.

     Thứ ba, Hiệp ước Lisbon hướng tới việc thống nhất chính sách an ninh và đối ngoại chung, cải thiện hình ảnh của EU trên trường quốc tế. Song song với việc bầu một vị Chủ tịch Thường trực, Hiệp ước Lisbon cũng bầu ra người đứng đầu cơ quan đối ngoại và an ninh – một Bộ trưởng Ngoại giao của EU kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu. Với thay đổi này, Hiệp ước Lisbon đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng của EU trong quan hệ quốc tế. Một vị Chủ tịch Thường trực, một vị Bộ trưởng Ngoại giao Châu Âu cùng sự tham gia phê chuẩn của Quốc hội Châu Âu giúp EU có được một tiếng nói thống nhất với các đối tác và các tổ chức quốc tế. Điều này góp phần cải thiện vị thế của EU trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh truyền thống và phi truyền thống [1, tr.170-173].

     Như vậy, Hiệp ước Lisbon thúc đẩy nhất thể hóa hơn nữa, mở rộng liên kết các chính sách thuộc thẩm quyền của EU, đã vươn tới những lĩnh vực vốn được coi là đặc quyền của nhà nước có chủ quyền, như: cảnh sát, biên giới, chính sách ngoại giao, chính sách tị nạn; quản lý, kiểm soát việc qua lại biên giới với bên ngoài Cộng đồng; chính sách nhập cư và quyền cư trú của công dân các nước thứ ba; đấu tranh chống ma túy, chống lừa đảo quốc tế; hợp tác tư pháp trong lĩnh vực dân sự; hợp tác tư pháp trong lĩnh vực tội phạm; hợp tác hải quan và cảnh sát chống khủng bố, buôn bán ma túy và những loại tội phạm nguy hiểm khác thông qua tổ chức cảnh sát Europol.

     3.2. Triển khai các chính sách tầm khu vực trong lĩnh vực kinh tế

     Trong liên kết kinh tế, việc ứng phó với khủng hoảng nợ công, tăng trưởng kinh tế thấp, hướng tới đổi mới mô hình tăng trưởng thông minh, toàn diện của EU khá rõ nét như Chương trình cải tổ hệ thống ngân hàng tài chính, Chương trình tăng trưởng thông minh, hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0, thay đổi cơ chế đàm phán FTA thế hệ mới.

      Trong trụ cột an ninh đối ngoại, tăng cường nhất thể hóa quân đội Châu Âu và triển khai chính sách đối ngoại mới tăng cường kết nối Châu Á…

     Trong lĩnh vực kinh tế: sau khi thiếp lập cơ chế bình ổn Châu Âu (EMS) để tăng cường sự liên kết, thống nhất giám sát và hoạt động chung giữa các ngân hàng nhằm ngăn chặn các khủng hoảng hệ thống ngân hàng trong tương lai, các nước Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã quyết định thành lập Liên minh ngân hàng dựa trên hai trụ cột chính là Cơ chế giám sát thống nhất (SSM) có hiệu lực từ tháng 11/2014 và Cơ chế giải pháp thống nhất (SRM) có hiệu lực từ 01/01/2016 [15].

     Cùng với việc giám sát và xử lý các ngân hàng yếu kém, ECB cũng đã nỗ lực giúp các nước thành viên có nguồn lực để cải thiện tình hình tín dụng bằng chương trình nới lỏng định lượng. Vào đầu năm 2015, Hội đồng điều hành ECB quyết định mua vào hàng trăm tỷ Euro trái phiếu chính phủ, bơm tiền ồ ạt và duy trì mức lãi suất 0% nhằm kích cầu tiêu dùng và chống giảm phát, cải thiện việc làm. Cho đến hết năm 2018, khi ECB tuyên bố chấm dứt chương trình này, tổng cộng, ECB đã bơm khoảng 2.600 tỷ Euro vào nền kinh tế Eurozone thông qua các đợt mua trái phiếu do 19 chính phủ thành viên phát hành cũng như trái phiếu của các doanh nghiệp trong gần 4 năm qua. Phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở ECB tại Frankfurt, Đức ngày 13/12/2018, Mario Draghi, Chủ tịch ECB, cho biết chương trình nới lỏng định lượng (QE) đã thực sự thành công với mục tiêu đẩy lãi suất thị trường đi xuống và giúp hệ thống ngân hàng của Eurozone an toàn hơn bằng cách làm tăng giá trị trái phiếu mà các ngân hàng đang nắm giữ. Ông cho rằng chương trình QE là động lực duy nhất thúc đẩy tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong thời điểm khu vực này gặp khủng hoảng [22].

     Chính những nỗ lực này đã giúp cho EU giải quyết được vấn đề tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong mấy năm gần đây. Trong tháng 2/2019, tỷ lệ thất nghiệp ở cả hai khu vực tiếp tục ghi nhận mức thấp nhất trong vòng nhiều năm, cụ thể: tỷ lệ thất nghiệp của EU 19 là 7,8%, mức thấp nhất kể từ 10/2008. Đối với EU 28, tỷ lệ thất nghiệp là 6,5%, mức thấp nhất kể từ 1/2000. Các nước thành viên có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là: Séc (1,9%), Đức (3,1%) và Hà Lan (3,4%). Các nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là: Hy Lạp (18%), Tây Ban Nha (13,9%) và Italy (10,7%) [16]. Mặc dù đã dừng chương trình nới lỏng tín dụng nhưng ngày 10/4/2019, ECB vẫn tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở các mức thấp kỷ lục. Lãi suất tái cấp vốn chủ chốt của ngân hàng này vẫn ở mức 0%, lãi suất cho vay là 0,25%, trong khi lãi suất tiền gửi là – 0,4% [17].

     3.3. Đẩy mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

     Năm 2014, trong báo cáo “Vì sự phục hưng của nền công nghiệp Châu Âu”, Ủy ban Châu Âu tuyên bố rằng các công nghệ số (bao gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn, các ứng dụng internet công nghiệp mới, các nhà máy thông minh, robot và in ấn 3D) có vai trò thiết yếu trong nâng cao năng suất của Châu Âu thông qua việc xác định lại mô hình kinh doanh và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Bên cạnh đó, EU tổ chức diễn đàn Chính sách Chiến lược về khởi nghiệp công nghệ số, tập trung thảo luận về sự chuyển đổi kỹ thuật số của ngành công nghiệp và của các doanh nghiệp Châu Âu. Ủy ban Châu Âu đã đưa ra các ưu tiên đối với chính sách công nghiệp Châu Âu và kêu gọi các nước Châu Âu nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp trong việc tăng trưởng và tạo ra việc làm. Ủy ban Châu Âu cũng tuyên bố việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số là vô cùng cần thiết để tăng năng suất lao động của Châu Âu thông qua việc xác định lại mô hình kinh doanh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới.

     Tháng 05/2015, Ủy ban Châu Âu đã công bố bản kế hoạch chi tiết để thành lập một “Thị trường kỹ thuật số chung” [18] với mục tiêu là dỡ bỏ các rào cản và biến 28 thị trường quốc gia thành một thị trường duy nhất, tạo ra một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, con người, dịch vụ và vốn được đảm bảo, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận hàng hóa và truy cập dịch vụ trực tuyến một cách liền mạch và không phân biệt quốc tịch. “Thị trường kĩ thuật số chung” có thể đóng góp 415 tỷ Euro cho nền kinh tế Châu Âu, thúc đẩy tăng trưởng việc làm, cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư và đổi mới. Trong giai đoạn 2014-2020, chương trình nghiên cứu Hoziron của EU cung cấp gần 80 tỷ Euro cho nghiên cứu và đổi mới, bao gồm cả hỗ trợ phát triển các công nghệ chủ chốt. Một số dự án tiêu biểu, như: Dự án “Nhà máy tương lai” là một chương trình theo hình thức hợp tác công tư với ngân sách dự kiến khoảng 1,5 tỷ Euro; Dự án “Công nghiệp chế biến bền vững thông qua hiệu quả nguồn tài nguyên (SPIRE) được cấp ngân sách 900 triệu Euro. Ngoài ra, ít nhất 100 tỷ Euro từ Quỹ Đầu tư và Xây dựng Châu Âu (ESIF) được dành cho các quốc gia thành viên để khuyến khích các nước đầu tư vào đổi mới, thúc đẩy các nước tập trung vào lợi thế của mình và tạo ra những thay đổi về giá trị của EU [3].

     3.4. Tăng cường quyền hạn cho EU trong đàm phán các FTA thế hệ mới

     Nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán ký kết các FTA thế hệ mới, ngày 22/05/2018, bộ trưởng thương mại các nước EU đã nhất trí với phương pháp tiếp cận mới trong việc ký kết và phê chuẩn các FTA, theo đó một hiệp định có thể được phê duyệt mà không cần sự phê chuẩn của nghị viện các quốc gia thành viên. Cơ sở để các bộ trưởng thương mại đưa ra quyết định này là chính sách thương mại độc quyền của EU theo Điều 207 của Hiệp ước về các chức năng của EU (TFEU). Điều này có nghĩa rằng EU, chứ không phải các quốc gia thành viên, quản lý quan hệ thương mại với các nước thứ ba (bên ngoài EU) và đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế. Tuy nhiên, các nước thành viên EU có khả năng để thúc đẩy các liên kết thương mại thông qua các chính sách xúc tiến thương mại quốc gia. Với việc tăng cường quyền hạn này Liên minh Châu Âu sẽ xác định quy trình và lộ trình đàm phán thích hợp để kết quả đàm phán được phê chuẩn thuận lợi và nhanh chóng.

     3.5. Nhất thể hóa lĩnh vực an ninh đối ngoại

     Trong lĩnh vực này cũng diễn ra hàng loạt các điều chỉnh chính sách gia tăng xu thế nhất thể hóa quân đội EU, chiến khai chiến lược Châu Á mới… Tháng 12/2017, Hội nghị Thượng đỉnh EU với 25/27 thành viên (trừ Đan Mạch và Malta) đã nhất trí khởi động Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) [19], một ý tưởng đã được nêu ra trong Hiệp ước Lisbon 2009 và được thúc đẩy mạnh mẽ từ đầu năm 2017 trong bối cảnh Anh rời khỏi EU và quan hệ xuyên Đại Tây Dương (Mỹ – EU) trở nên bất định sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Mục tiêu của PESCO là nhằm phối hợp, thúc đẩy hợp tác quân sự, công nghiệp quốc phòng và phối hợp trong các chiến dịch bên ngoài lãnh thổ EU. Với PESCO, Châu Âu không chỉ độc lập hơn về công nghệ và năng lực sản xuất mà còn hỗ trợ lẫn nhau trong mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự, hậu cần với giá rẻ hơn. Đặc điểm mấu chốt của PESCO là một cơ chế thường trực và là cam kết bắt buộc đối với thành viên tham gia. Lãnh đạo EU cho rằng PESCO không mâu thuẫn với NATO mà sẽ bổ trợ cho hoạt động của NATO. Để triển khai PESCO, từ đầu năm 2018, EU đã phân bổ khoản quỹ 500 triệu Euro do 25 nước tham gia đóng góp cho 17 dự án đã được Hội đồng Châu Âu thông qua. Các dự án này đều được giao cho một quốc gia thành viên chủ trì và các nước khác có thể tham gia hoặc không tùy theo năng lực và nhu cầu [4]. Điều chỉnh chiến lược đối ngoại tăng cường kết nối Á – Âu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) 12, diễn ra ngày 18-19/11/2018 ở Brucsels, EU đã chính thức đưa ra một tầm nhìn mới với tên gọi Chiến lược Kết nối Á – Âu nhằm tăng cường liên kết các nội dung hợp tác với nhau tạo thành mạng lưới để có thể vươn ra xa hơn, tận dụng mọi tiềm lực và khả năng ở đó. Theo đó, EU tập trung cho kết nối trên các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng mới, ứng dụng công nghệ số hóa và kết nối con người với nhau. Mục tiêu của chiến lược là hình thành mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển và hàng không để tận dụng cơ hội ở cả hai châu lục. Chiến lược Kết nối được xác định với các tiêu chí cơ bản là: (1) Bền vững; (2) Toàn diện; (3) Dựa trên những nguyên tắc quốc tế. Vì thế, chiến lược này nhằm vừa cạnh tranh, vừa hợp tác và kết nối với các chiến lược liên châu lục khác. Theo đó, Chiến lược Kết nối Á – Âu của EU được triển khai nhằm tập hợp lực lượng trên thế giới, đặc biệt là tranh thủ và lôi kéo các nước Châu Á cùng với Châu Âu đề cao ngọn cờ “đa phương” và “tự do thương mại”, nhằm thúc đẩy hợp tác và liên kết liên châu lục để đối phó với xu hướng và chủ trương bảo hộ thương mại [4].

4. Kết luận

     Những nỗ lực của EU theo chiều hướng nhất thể hóa siêu quốc gia và những lực cản từ Brexit cũng như chủ nghĩa dân túy và sự phân hóa giữa các nước cho thấy rất khó dự báo được xu thế này trong tương lai. Theo kết quả đợt thăm dò dư luận trước thềm vòng bầu cử Nghị viện Châu Âu ngày 23/5/2019, liên minh gồm các đảng bảo thủ, xã hội và tự do thân EU có thể chiếm ưu thế. Theo kết quả trên, hiện liên minh các đảng thân Châu Âu có thể giành đa số trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, nhưng với việc Anh dự đoán sẽ tham gia cuộc bầu cử do tiến trình Brexit bị hoãn lại, tỷ lệ ghế các đảng hoài nghi Châu Âu chiếm giữ cũng sẽ tăng vọt từ 10% hiện nay lên 14,3%. Mặc dù vậy, tương quan giữa các đảng vẫn có thể bị đảo ngược nếu Anh và EU bất ngờ đạt được thỏa thuận ra đi trước thời điểm diễn ra bầu cử Nghị viện Châu Âu. Bên cạnh đó, việc các lãnh đạo dân túy tại một số nước như Hungary, Ý, Ba Lan kêu gọi phe hoài nghi Châu Âu, lực lượng cực hữu chống người nhập cư lập liên minh nhằm giành quyền kiểm soát trong cơ quan lập pháp của châu Âu đang được xem là thách thức không nhỏ của phe thân Châu Âu trong vòng bầu cử mới. Nếu các đảng dân túy chiến thắng sẽ đồng nghĩa với việc giữ quyền chi phối chính sách của EU và gây tác động sâu sắc tới tình hình thế giới, có thể dấy lên làn sóng bài ngoại chứa đựng nhiều ẩn họa, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo di cư, nhập cư…[20].

     Tháng 3/2017, EU kỷ niệm 60 năm chặng đường phát triển (1957- 2017). Đánh dấu sự kiện quan trọng này, EU công bố “Sách trắng về tương lai Châu Âu – Nhìn lại và các kịch bản cho EU27 đến 2025”. Những thách thức, cơ hội và viễn cảnh phát triển của EU trên các lĩnh vực lớn đều được đề cập đến. Đến năm 2025, có năm kịch bản phát triển được đề xuất cho tương lai của Liên minh: (1) EU tiếp tục tập trung triển khai lộ trình cải cách đã được thiết lập; (2) EU dần chuyển trọng tâm vào thị trường chung; (3) EU cho phép các quốc gia thành viên chủ động hợp tác với nhau trong từng lĩnh vực cụ thể; (4) EU tập trung nâng cao hiệu quả và phản ứng nhanh của các hành động tập thể trong một số lĩnh vực nhất định, giảm can dự ở các lĩnh vực khác; (5) EU quyết định cùng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực [21].

     Với những kịch bản này, Châu Âu đứng trước nhiều lựa chọn cho tương lai. Việc lựa chọn hình thức phát triển sẽ kéo theo sự thay đổi về chức năng của EU. Các nhà lãnh đạo EU cũng không ngoại trừ khả năng kết hợp các hình thức phát triển, hướng tới một phương thức tốt nhất để đạt được lợi ích của người dân. Các kịch bản đều có ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo giới quan sát, kịch bản 1 khó khả thi, kịch bản 2 quá tụt hậu, kịch bản 5 lại quá tham vọng, còn các kịch bản trung gian đều gây ra sự phân hóa nội bộ EU ở mức độ nhất định.

     EU luôn linh hoạt trong hoạch định chính sách để đạt được sự đồng thuận trong những hoàn cảnh khó khăn do vậy giải pháp khả thi vẫn sẽ là một “EU với nhiều tốc độ” và “chủ nghĩa thực đơn”, một bước lùi, nhưng là bước lùi cần thiết, có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, mỗi nước có thể tham gia liên kết sâu hơn vào cộng đồng kinh tế từ đồng tiền chung, liên minh kinh tế tiền tệ hoặc chỉ dừng ở thị trường thống nhất, quyết định lựa chọn tham gia vào Hiệp ước Schengen, hay Thỏa thuận PESCO hay không. Việc tham gia thực hiện theo lộ trình dài ngắn khác nhau nhằm đảm bảo cho các nước có thời gian chuẩn bị đáp ứng với các yêu cầu mà hội nhập sâu hơn đặt ra. Như vậy, EU từ chỗ “nhất thể hóa”, nay lùi về liên kết “lỏng lẻo” tạo ra sự đồng thuận để có thể vượt qua những thách thức hết sức to lớn trong giai đoạn hậu Brexit.

     Tuy vậy, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nước Anh gia nhập vào Cộng đồng Châu Âu từ năm 1973, và suốt trong quá trình 43 năm cho đến khi trưng cầu dân ý quyết định rời khỏi EU tháng năm 2016, Anh cố gắng giữa một vị trí “biệt lập” nhất có thể, tận dụng chủ nghĩa liên chính phủ, nhiều tốc độ, chỉ tham gia vào thị trường thống nhất, không gia nhập Liên minh kinh tế tiền tệ cũng như Hiệp ước Schengen. Như vậy, Anh luôn là mắt xích yếu nhất và khi được kích hoạt bởi các vấn đề chung của toàn hệ thống như khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nhập cư, gia tăng chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ cùng với những tác động từ bên ngoài thì mắt xích này đã bung ra sớm nhất.

     Liệu Brexit là động lực để EU tiếp tục đẩy mạnh quá trình nhất thể hóa hay là ngòi nổ để kích hoạt phản ứng ly khai dây chuyền phụ thuộc rất nhiều vào việc bầu cử Nghị viện EU tới đây.

     Chú thích:
2 Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) trong đề tài mã số: ĐXTN- 2016.01.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn An Hà (2013), Điều chỉnh chính sách phát triển của một số quốc gia chủ chốt Châu Âu giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[2] Nguyễn An Hà (2015), So sánh các mô hình liên kết khu vực bài học cho ASEAN và gợi mở cho Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[3] Nguyễn An Hà, Trần Đình Hưng (2017), “Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Châu Âu, tác động đến Ba Lan và hàm ý cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 12.

[4] Nguyễn Nhâm (2019), “Châu Âu năm 2018, nhìn lại những điểm nhấn quan trọng”, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 2.

[5] http://www.migrationpolicy.org/article/europe-migration-crisis-context-why-nowand-what-next

[6] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-in-europe-look-bk-2015-12292015072213.html

[7] https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hoi-nghithuong-dinh-lien-minh-chau-au-khong-conhieu-dot-pha-827837.vov, 19/10/2018.

[8] https://www.theguardian.com/politics/live/2019/apr/10/brexit-eu-to-decide-on-uk-extensionlive-news

[9] https://edition.cnn.com/uk/live-news/brexitdelay-eu-summit-gbr-intl/index.html

[10] https://italianpoliticalscience.com/index.php/ips/article/download/…/29/

[11] https://www.politico.eu/…/emmanuel-macronfrance-approval-ratings-

[12] https://www.kormany.hu/…primeminister/…prime-minister…/interview-with-

[13] https://www.dw.com/en/opinion-keep-yournerve-germany/a-45596754

[14] https://www.france24.com/en/20181208-italy-france-protest-tav-high-speedtrain-link-turin

[15]http://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/divers/join/2014/497748/IPOLECON_DV(2014)497748_EN.pdf

[16] https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/9697394/3-01042019-BPEN.pdf/899edf8c-529b-422a-ac1ace0fede29fa3

[17] https://www.dw.com/en/european-centralbank-keeps-interest-rates-at-record-low/a48276824

[18] http://eur-lex.europa.eu/legalcontent/EN/TXT/?uri=celex%3A52015DC012

[19] https://pesco.europa.eu/about/

[20] http://www.sggp.org.vn/tham-do-truoc-vongbau-cu-nghi-vien-chau-au-phe-than-eu-chiemuu-the-588185.html

[21]https://ec.europa.eu/commission/sites/betapolitical/files/white_paper_on_the_future_of_europe_en.pdf

[22] https://www.thesaigontimes.vn/282999/ECBcham-dut-chuong-trinh-noi-long-dinh-luong2600-ti-euro.html

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6 – 2019

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)