Những tác động của văn hóa Pháp đến xã hội Tây Nguyên từ nửa cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

IMPACTS DE LA CULTURE FRANCAISE SUR LA SOCIETE DES HAUTS
PLATEAUX DE LA FIN DE 19EME SIECLE AU DEBUT DU 20EME SIÈCLE

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  NGUYỄN TIẾN DŨNG
(Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Những linh mục người Pháp đã khám phá Tây Nguyên từ năm 1849. Họ đã vận dụng triệt để yếu tố văn hóa phương Tây, nhất là văn hóa Pháp, để làm phương tiện truyền giáo và thu hút tín đồ. Từ cơ sở này, chính quyền thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy cai trị và khai thác thuộc địa ở Tây Nguyên đến năm 1945. Suốt thời gian đó, văn hóa Pháp đã tác động đáng kể đến xã hội Tây Nguyên từ thiết chế xã hội, phương thức sản xuất đến văn hóa, chữ viết, phong tục tập quán, tín ngưỡng… Bài viết này đề cập sự tác động của văn hóa Pháp đến xã hội Tây Nguyên từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến những năm đầu thế kỉ XX.

Từ khóa: Tây Nguyên, văn hóa, Pháp, tác động, xã hội, thiết chế, tín ngưỡng, chữ viết.

RÉSUMÉ

      Les prêtres français ont découvert les Hauts Plateaux en 1849. Dès lors, ils ont imposé fortement les habitudes occidentales, en particulier française, et notamment en évangélisant la population locale. C’est sur cette base que le gouvernement colonial français prend le contrôle de la population locale pour exploiter les ressources naturelles des Hauts Plateaux jusqu’en 1945. Durant cette période, la culture française s’imprègne profondément dans la société des Hauts Plateaux, dans le mode de vie, les croyances… Les institutions sont désormais à la française dans divers domaines et ainsi que la gestion des moyens de production. Cet article met en valeur l’impact de la culture française sur la société des Hauts Plateaux à partir de la fin du 19eme siècle jusqu’au début de 20eme siècle.

Mots-clés: Hauts Plateaux, Culture française, Impact, société, institution, croyance, écriture .

x
x x

1. Mở đầu

     Từ cuối thế kỉ XVIII, những linh mục người Pháp đã đã cử nhiều đoàn thám hiểm mở đường lên Tây Nguyên nhưng không thành công. Năm 1849[2], một phó tế người Việt và hai linh mục người Pháp tên là Combes và Fontaine đã đến Tây Nguyên thành công bằng con đường rừng phía Bắc. Đến cuối năm 1850, họ thành lập Trung tâm truyền giáo đầu tiên ở làng Kon Kơ Xâm[3] gồm 4 linh mục người Pháp (Combes, Fontaine, Dourisboure, Desgouts), 7 thầy giảng và một số giáo dân người Việt. Công cuộc truyền giáo của Giáo hội Công giáo tại Tây Nguyên có thể tính từ thời điểm này (Dourisboure, 2008, tr. 8).

     Từ năm 1851 đến 1852, những linh mục người Pháp đã chọn được một thung lũng rộng lớn, đất đai phì nhiêu, bằng phẳng nằm cạnh bờ sông Đak Bla và lập làng tại đây. Suốt hơn 30 năm sau đó, Giáo hội Công giáo đã phát triển các trung tâm truyền giáo và mở rộng các vùng lân cận như Gia Lai, Lâm Đồng và Đăk Lăk (Ban, P. và Thiệt, S., 1933; Chi, 2006).

     Cùng với các nhà truyền giáo, chính quyền thực dân Pháp đã ép triều đình Huế nhượng bộ để họ cai trị Tây Nguyên từ năm 1889 đến năm 1954. Suốt trong thời gian ấy, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã chịu sự tác động mạnh mẽ của văn hóa Pháp vào nhiều phương diện như: thiết chế xã hội, văn hóa, tinh thần, phong tục tập quán và nếp sinh hoạt hằng ngày. Sự tác động ấy đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo bộ mặt xã hội truyền thống Tây Nguyên (Ban, P. và Thiệt, S., 1933; Chi, 2006; Luận, 2014).

     Do giới hạn của một bài viết, chúng tôi chỉ trình bày những tác động của văn hóa từ các hoạt động truyền giáo của những linh mục Công giáo tại Tây Nguyên chứ không bao hàm sự tác động từ chế độ thực dân Pháp ở đây.

2. Nội dung

     2.1. Làm thay đổi thiết chế xã hội Tây Nguyên

     Xã hội truyền thống Tây Nguyên mang tính chất tự trị và khép kín trong các đơn vị làng (plei, bon, buôn, pơlơi) hoặc liên làng (tơring). Tất cả hoạt động của làng được điều khiển bởi già làng, tù trưởng hoặc hội đồng làng. Những thiết chế xã hội, sinh hoạt truyền thống, luật tục đều không vượt khỏi ranh giới làng. Từ khi những linh mục người Pháp xuất hiện ở vùng đất này, thiết chế xã hội truyền thống các tộc người ở đây bị phá vỡ. Để mở rộng địa bàn truyền giáo, họ đã tìm cách hòa giải và kết nối các nhóm tộc người trước đây xa lạ hoặc thù địch xích lại gần nhau, không còn biệt lập, cát cứ như xưa. Nói rõ hơn, chính những linh mục người Pháp đã góp phần không nhỏ trong việc xóa bỏ thiết chế cát cứ ở Tây Nguyên. Chẳng hạn các linh mục đã hòa giải nhóm Bahnar Kơnâm ở Kon Rờ Bàng và nhóm Bahnar Rơngao ở Kon Trang Mơnei vốn đã hiềm khích và thù địch với nhau từ lâu đời (Ban, P. và Thiệt, S., 1933).

     Để duy trì và phát triển bền vững việc truyền giáo, các linh mục người Pháp đã lập những làng mới theo nếp sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng của Công giáo. Những làng mới này đã xóa bỏ cấu trúc làng truyền thống vốn độc lập về lãnh thổ, luật tục, thành những làng theo tổ chức của Giáo hội Công giáo gồm các xứ đạo, họ đạo và chịu sự điều hành của Giáo hội. Từ đó, làng truyền thống ở Tây Nguyên thay đổi đáng kể. Cụ thể là quan hệ truyền thống không còn chặt chẽ, vai trò già làng, thủ lĩnh, thầy cúng phai nhạt, thay vào đó là uy tín, quyền hạn của linh mục. Yao Phu[4] coi sóc đời sống phần hồn của dân làng (Luận, 2014). Linh mục thay cho già làng giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, công việc mà các già làng Tây Nguyên đã làm hàng ngàn năm nay.

     2.2. Làm thay đổi phương thức sản xuất, thói quen, lối sống

     2.2.1. Thay đổi phương thức sản xuất

     Để thu hút tín đồ, những linh mục người Pháp xây dựng những “làng Công giáo kiểu mẫu” trong vùng dân tộc thiểu số. “Làng Công giáo kiểu mẫu” thực ra là mô hình của các nông trang của người Pháp. Trong các trại này, họ hướng dẫn dân làng phương thức lao động sản xuất tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật mới như cách trồng lúa nước, sử dụng trâu bò để làm sức kéo, cày bừa, sử dụng phân bón… Từ làng kiểu mẫu Gò Mít[5], hàng loạt các làng sau đó được thành lập như Phương Nghĩa (1882), Phương Quý (1887), Phương Hòa (1892), Phụng Sơn (1924), Ngô Thạnh (1925), Ngô Trang (1925)… được hình thành ở Kon Tum. Các làng được xây dựng gần các trục lộ giao thông, gần sông suối, đất đai màu mỡ, có hệ thống dẫn thủy nhập điền, áp dụng các phương lao động sản xuất tiến bộ nên năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Phương thức sản xuất mới ở những làng kiểu mẫu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống kinh tế đảm bảo, dân trí được cải thiện so với các làng truyền thống (Ban, P. và Thiệt, S, 1933; Emile Kemlin, 1910).

     Những năm đầu thế kỉ XX, người Pháp xây dựng các đồn điền café, cao su, chè trên Tây Nguyên. Những người dân tộc bản địa Jrai, Bahnar, Xơ Đăng… làm công nhân cho các đồn điền này như như Sở chè Catecka[6], Sở chè Biển Hồ[7] (tỉnh Gia Lai),… Phương thức lao động mới cùng các phương tiện máy móc đã thay đổi phương thức lao động truyền thống như sắn bắn, làm nương rẫy bằng cách chọc lỗ trỉa hạt.

     2.2.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt, an sinh xã hội

     Từ xa xưa, người Tây Nguyên làm ăn theo mùa vụ và vui chơi theo các lễ hội. Họ sống tự do giữa thiên nhiên, núi rừng, không theo nề nếp, quy củ. Từ khi người Pháp đến Tây Nguyên, người dân ở đây, nhất là những giáo dân theo đạo Công giáo, dần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, tổ chức đời sống theo nếp sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi như người Pháp. Chế độ làm việc theo giờ cũng bắt đầu hình thành, nghỉ ngày chủ nhật để đi nhà thờ. Những thay đổi này làm cho đời sống họ tốt hơn, làm việc và sinh hoạt khoa học, quy củ nhưng đồng thời, những thói quen sinh hoạt truyền thống cũng dần bị phá vỡ hoặc bị mất đi.

     Một thay đổi lớn trong sinh hoạt của người Tây Nguyên từ khi có các nhà truyền giáo người Pháp là các tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống như uống rượu, thói quen sinh hoạt mất vệ sinh, tục mê tín (ma lai), bùa chú hoặc phù thủy (bơjâu[8])… được đẩy lùi đáng kể. Năm 1913, Giám mục Jannin biên soạn một quyển sách hướng dẫn sử dụng dược thảo trong trường hợp đau ốm hay gặp rủi ro, tai nạn để ngăn ngừa nạn mê tín của người dân tộc, đề phòng sự lừa gạt của các bơjâu, biết đến bệnh viện để khám bệnh.[9]

     2.3. Làm thay đổi đời sống văn hóa, tinh thần

     2.3.1. Thay đổi phong tục truyền thống, tín ngưỡng

     Một tác động lớn nhất của những linh mục người Pháp đối với đời sống tinh thần của các dân tộc ở Tây Nguyên là tín ngưỡng. Tín ngưỡng truyền thống của các tộc người ở Tây Nguyên hầu hết là tín ngưỡng nguyên thủy, đa thần giáo và totem với các linh vật, vật thiêng… Để công việc truyền giáo thuận lợi, các linh mục thường yêu cầu tân tòng[10] dứt bỏ niềm tin truyền thống của họ[11].

     Khi có mặt những linh mục người Pháp, lễ hội không còn được tổ chức theo phong tục truyền thống mà được thay thế bằng các lễ nghi Công giáo. Phong tục tập quán của cư dân bản địa như lễ đặt tên, lễ thổi tai, lễ cưới, lễ tang, lễ bỏ mả được thay bằng nghi thức, bí tích của Công giáo, như Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức, Bí tích Hôn phối, Bí tích Xức dầu… Nghi lễ vòng đời truyền thống của người dân tộc bị thay đổi. Trẻ em 6-7 tuổi phải lo học giáo lý để được Lễ Xưng tội, Rước lễ lần đầu. Lúc trẻ 13-14 tuổi học thêm giáo lý nâng cao và nhận bí tích Thêm sức. Trước khi tổ chức đám cưới phải thực hiện phép hôn phối (tức Bí tích Hôn phối) tại nhà thờ. Khi gần qua đời phải làm Lễ xức dầu và thực hiện nghi thức hôn Mình Thánh Chúa (tức hôn thập giá)…

     Bằng nhiều cách khác nhau, những linh mục người Pháp đã từng bước xóa nhòa tín ngưỡng truyền thống của người bản địa Tây Nguyên, thay thế vào đó là niềm tin tôn giáo mới.

     2.3.2. Tạo ra chữ viết cho các dân tộc

     Về mặt văn hóa, đóng góp lớn nhất của các linh mục người Pháp ở Tây Nguyên là sáng tạo chữ viết cho tộc người Jrai, Bahnar, Xơ Đăng. Cho đến hiện nay, nhiều tài liệu chứng minh được chính các linh mục thừa sai là người sáng tạo ra chữ Jrai, Bahnar, Xơ Đăng.

     Sau khi thành lập 4 trung tâm truyền giáo tại tỉnh Kon Tum năm 1851, các linh mục phụ trách các vùng đã tự học và La Tinh hóa chữ viết của ngôn ngữ dân tộc vùng ấy. Họ biên soạn từ điển, tài liệu truyền giáo bằng tiếng các dân tộc Jrai, Bahnar và Xơ Đăng.

     Công trình Từ điển Bahnar-Pháp đầu tiên xuất bản tại Hồng Kông năm 1889 do linh mục P. Dourisboure cùng các linh mục thừa sai và ông Hmur thực hiện từ 1851- 1889[12]. Có thể coi đây là một minh chứng về việc chính các linh mục người Pháp đã sáng tạo ra chữ Bahnar[13]. Sau này, các linh mục người Pháp còn tham gia biên soạn Từ điển Bahnar-Việt, Từ ngữ Bahnar-Việt, Sách học tiếng Jrai, Sách học tiếng Bahnar, Sách học tiếng Xơ Đăng[14]…Cho đến nay, cuốn Từ điển Bahnar-Việt được xem là cuốn từ điển chuẩn và đầy đủ nhất, cũng do các linh mục và tu sĩ Giáo phận Kon Tum, mà chủ yếu là các linh mục người Pháp, biên soạn.

     Những công trình về chữ Jrai sớm nhất cũng do các linh mục thừa sai ở Tây Nguyên sáng tạo. Linh mục Nguyễn Hoàng Sơn đã công bố một văn bản cổ tiếng Jrai của linh mục Gian Baotixita Nicolas MEP[15]. Bằng chứng này cho thấy chữ Jrai có từ rất sớm và tác giả của các tài liệu này cũng là các linh mục người Pháp ở Tây Nguyên.

     Nhiều tài liệu khác của Giáo hội Công giáo cũng đều khẳng định các nhà truyền giáo người Pháp[16] ở Tây Nguyên đã sáng tạo ra chữ viết của các dân tộc thiểu số ở đây: “Chính những nhà thừa sai đã sử dụng mẫu tự Latinh, thêm vào những dấu đặc biệt để chỉ cách phát âm ngôn ngữ của họ”[17]. Không chỉ sáng tạo ra chữ dân tộc, các linh mục ở Tây Nguyên còn sử dụng loại chữ viết này để dịch kinh sách, ấn hành tài liệu truyền giáo và đào tạo linh mục, Yao Phu. Năm 1913, Giáo phận Kon Tum ấn hành tạp chí Hlabar Tơbang (1913) bằng tiếng Bahnar. Năm 1933 lại ấn hành tạp chí Chức Dịch Thơ Tín cho Hội Chức việc Á Thánh Năm Thuông Giáo phận Kon Tum. Một tạp chí khác dành riêng cho các linh mục trong Giáo phận Kon Tum là Les Echosra đời năm 1941, sau đổi thành Tờ báo Dư Âm, năm 1968 đổi thành tờ Tiếng Vang (Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2005).

3. Kết luận

     3.1. Từ khi các linh mục khám phá và truyền giáo ở Tây Nguyên, văn hóa Pháp đã tác động mạnh mẽ đến xã hội ở đây trên hầu hết các phương diện: thiết chế xã hội, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, thói quen, lối sống sinh hoạt,… Sự tác động này có yếu tố tích cực là đẩy nhanh sự phát triển của xã hội Tây Nguyên, từ xã hội công xã thị tộc tiến đến xã hội văn minh hiện đại của nhân loại: xóa bỏ tình trạng cát cứ giữa các cộng đồng, chấm dứt tình trạng chiến tranh liên miên giữa các bộ tộc; xây dựng đô thị và thay đổi lối sống, thói quen làm việc hiện đại; đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ; xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu như ma lai, phù thủy; sáng tạo chữ viết để giao lưu và tiếp cận với nền văn minh thế giới… Tuy vậy, văn hóa Pháp cũng tác động tiêu cực đến xã hội của các dân tộc Tây Nguyên: làm phá vỡ thiết chế xã hội các tộc người, làm thay đổi phương thức lao động sản xuất truyền thống, đẩy các tộc người đi sâu hơn vào vùng đất xa xôi, kém màu mỡ. Từ đó làm mất đi những nét văn hóa độc đáo, phong tục tập quán tốt đẹp. Đồng thời, việc khai thác thuộc địa theo lối tận thu đã làm tàn phá môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên, khóang sản của Tây Nguyên, làm cho người Tây Nguyên mất đi hầu hết môi trường mưu sinh truyền thống và văn hóa rừng.

     3.2. Sự tác động của văn hóa Pháp đến xã hội Tây Nguyên tuy rất mạnh mẽ và toàn diện nhưng không gây sốc văn hóa quá lớn. Nhiều cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên dần thích ứng với nền văn hóa mới. Điều này xảy ra có thể là do cách tiếp cận linh hoạt của các linh mục trong một thời gian dài trước khi chính quyền thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị thô bạo trên vùng đất này. Bằng nhiều cách khác nhau, những người truyền giáo đã thận trọng thay thế những nội dung giáo lý phù hợp, lựa chọn các khái niệm tương đồng để cư dân bản địa chấp nhận tôn giáo mới một cách tự nguyện.[18]

     3.3. Mặc dù văn hóa Pháp đã tác động không nhỏ đến xã hội Tây Nguyên nhưng cũng bị văn hóa Tây Nguyên tác động trở lại. Sức sống bền bỉ của nền văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đã tác động trở lại văn hóa Pháp, mà cụ thể là văn hóa Công giáo. Văn hóa Tây Nguyên đã ảnh hưởng trở lại trên các phương diện kiến trúc, âm nhạc trong nhà thờ,… Do đó văn hóa Pháp đã phải thay đổi và tiếp biến để phù với văn hóa bản địa.

     3.4. “Việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc đang trở thành một vấn đề cấp bách của nhiều quốc gia trên thế giới” (Hue Hoang Thi & Nguyen Nguyen Hoang, 2020). Do vậy, việc nghiên cứu sự tác động của văn hóa Pháp đến Tây Nguyên góp phần làm rõ con đường hình thành và phát triển của cộng động các dân tộc Tây Nguyên trong quá trình giao lưu, tiếp biến và hội nhập với nền văn minh thế giới./.

___________
     [2] Năm 1848, sau nhiều lần thất bại, Giám mục Cuénot Thể đã cử thầy giảng Sáu Do (tức Nguyễn Do/ bok Lành) đóng vai người giúp việc cho một lái buôn người Kinh để thăm dò đường lên Tây Nguyên. Sáu tháng sau, khi đã biết giao tiếp đơn giản bằng tiếng Bahnar và khám phá ra con đường đến vùng Tây Nguyên, ông trở về Gò Thị (Trung tâm truyền giáo tại Bình Định lúc ấy) báo cáo với Giám mục Cuénot Thể và đề xuất chuẩn bị cuộc hành trình chính thức vào Tây Nguyên vào năm 1849. Vì vậy người viết lấy mốc năm 1849. (Dourisboure, 2008).

     [3] Nay thuộc xã Hà Tây, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

     [4] Giáo lý viên người dân tộc.

     [5] Nay là nhà thờ Tân Hương, thuộc phường Tân Hương, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

     [6] Sở chè CATECKA (viết tắt của cụm từ: Compagnie Agricole Des Thés Et Cafés Du Kon Tum) do người Pháp xây dựng từ năm 1923 (Khánh Toàn. (01/7/2019). Đánh thức danh trà Bàu Cạn. Báo Gia Lai, tr.7).

     [7] Sở chè Biển Hồ được người Pháp trồng từ năm 1920, nằm phía Bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Huỳnh Long. (13/11/2018). Đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai. Báo VNExpress, tr.4).

     [8] Thầy lang, phù thủy.

     [9] Nguyễn Đình Trọng. (2010). Guerlach – Bề trên miền truyền giáo Kon Tum.
antontruongthang.wordpress.com/than-h%E1%BB%AFu-chung-s%E1%BB%A9c/guerlach-b%E1%BB%81-trenmi%E1%BB%81n-truy%E1%BB%81n-giao-kontum-1858-1912.

     [10] Những tín đồ mới theo đạo.

     [11] Tài liệu truyền giáo ở Tây Nguyên ghi chép: “Năm 1888, Kon Kơtu đã đốt các linh vật; trong những năm tiếp theo, là đến các làng Kon Xơlang, Kon Jơdri, Kon Do’rei, Kon To’leh, Kon Hơ’ring, Kon Xơmluh, Kon Klơnh, Kon Tơ’neh, Kon Kơxâm… Năm 1893, đến lượt các làng Kon Pơnang, Kon Kơmo, Kon Dơxin, Kon Bah, Kon Dop; rồi vào năm 1894, đến lượt các làng Kon O’ngleh, Kon Long Buk, Kon Chang.” (Trọng, 2010).

     [12] Nguyễn Hoàng Sơn. (2016). Tự điển Dictionnaire Bahnar-Françair (năm 1889) Do Linh mục thừa sai P.X. Dourisboure biên soạn. gpkontum.wordpress.com/2016/07/26/tu-dien-dictionnaire-bahnar-francais-nam-1889-do-linh-muc-thua-sai-p-x-dourisboure-bien-soan.

     [13] Trong bài viết “Tự điển Dictionnaire Bahnar-Françair (1889) – Phát kiến chữ viết dân tộc và khơi nguồn cho một số từ điển dân tộc Tây Nguyên”, linh mục Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định điều này: “Linh mục thừa sai P. X. Dourirsboure (MEP) có Tâm và có Tầm để phục vụ cho công cuộc tôn giáo trên vùng Tây nguyên, khi đặt chân lên Kon Kơxâm (1851) tiếp xúc học tiếng nói người dân bản địa. Các vị thừa sai ghi chép, biên soạn, và bắt đầu sáng tạo ra chữ viết tiếng Ba Na cách đây 165 năm. Thành quả chung sức đổ ra bao nhiêu năm trời trong công việc khó nhọc là học thổ âm không có người thông dịch, nghe tiếng nói, rồi phiên âm, ghi chép bằng mẫu tự la tinh”. (Sơn, 2016)

     [14] Nhóm CTKT (2008), Từ điển Bahnar-Việt, NXB Tôn giáo; LM. Phan Văn Bình (2008), Từ ngữ Bahnar-Việt, Chủng viện Kon Tum xuất bản; Chủng viện Thừa sai Kon Tum (2016), Sách học tiếng Bahnar, NXB Hồng Đức; Chủng viện Thừa sai Kon Tum (2016), Sách học tiếng Jrair, NXB Hồng Đức; Chủng viện Thừa sai Kon Tum (2016), Sách học tiếng Sêđăng, NXB Hồng Đức.

     [15] Nguyễn Hoàng Sơn (2011). “Một văn bản cổ bằng tiếng Jrai “Cat eschisme en Jrai” của Cha Gioan Baotixita Nicolas MEP”,
truy cập ngày 02/10/2013, gpkontum.wordpress.com/2011/06/24/m%E1%BB%99t-van-b%E1%BA%A3n.

     [16] Sở dĩ người viết dùng cụm từ “những linh mục người Pháp”, vì những tài liệu và nghiên cứu thực địa cho thấy hầu hết các linh mục thừa sai ở Giáo phận Kon Tum là người Pháp. Xem thêm bài viết “Nơi an nghỉ của các giám mục, linh mục truyền giáo Giáo phận Kon Tum” của Phê-rô Minh Sơn, gpkontum.files.wordpress.com/2014/10/noi-an-nghi-cua-cac-giam-muc-linhmuc-truyen-giao-gp-kontum-2.pdf

     [17] Nguyễn Hoàng Sơn. (2014). Cuộc đời của Cha bề trên Jules Vialleton.
giaophankontum.com/HinhAnh/Ebooks/CUOC_DOI_CHA_BE_TREN_JULES_VIALLETON.pdf.

     [18] Người Jrai, Bahnar, Xơ Đăng gọi thần, trời là Yang. Các linh mục giảng giải với tín đồ rằng, Yang chính là Chúa Giê-su, gọi là Yang Giê-su. Khi giảng về Chúa Ba Ngôi, các linh mục dùng tên gọi của các vị thần trong tín ngưỡng người dân tộc để đồng hóa với tên thánh thần của Công giáo. Họ gọi Đức Chúa Trời theo tiếng Bahnar là Yang Bă, Đức Chúa Con là Yang Kon và Đức Chúa Thánh thần là Yang Ai. Họ gọi Thiên Chúa, Chúa Trời theo tiếng Jrai là Ơi Adei.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Ban, P. và Thiệt, S. (1933). Mở đạo Kon – Tum, Imprimerie De Quinhon, Quinhon
(Annam), Martiial Jannin, Vic.Apost, Kontum, le Fé vrier.

     2. Lê Đình Chi (2006). Người Thượng Miền Nam Việt Nam. Gardena, CA: Văn Mới.

     3. Dourisboure P. (2008). Les Sauvages Bahnar- Dân làng hồ. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng.

     4. Emile Kemlin. (1910). Les songes et leur interprétation chez les Rongao. Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient.

     5. Condominas, G. (2008). Chúng tôi ăn rừng. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thế giới.

     6. Henry Maitre (2009). Rừng người thượng. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức.

     7. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2005). Giáo Hội Công Giáo Việt Nam – Niên giám, Nhà xuất bản Tôn giáo.

     8. Hue Hoang Thi & Nguyen Nguyen Hoang. (2020). Traditional Culture in Contemporary Vietnamese Poetry: A Perspective from Nie Zhenzhao’s Ethical Literary Criticism. Interdisciplinary Studies of Literature, Vol4, Number 1, p.53.

     9. Đặng Luận (2014). “Cộng đồng tôn giáo-dân tộc tại Kon Tum”, TC Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (130), tr. 93.

Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne fin du XIXÈ – début du XXÈ siècle, nhà xuất bản Đại học Huế, 2021

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Những tác động của văn hóa Pháp đến xã hội Tây Nguyên từ nửa cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (Tác giả: TS Nguyễn Tiến Dũng)