Phân tích chuỗi giá trị SẢN PHẨM CHUỐI XIÊM trong TIÊU THỤ NỘI ĐỊA tại tỉnh CÀ MAU
HUỲNH ĐÌNH TUÂN1, NGUYỄN HỮU TÂM2
(1Học viên cao học Quản lý Kinh tế, khoa Sau Đại học trường ĐHCT,
2Tiến sĩ Kinh tế Nông nghiệp, khoa Kinh tế trường Đại học Cần Thơ)
TÓM TẮT
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa tỉnh Cà mau. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ khảo sát 383 đối tượng, bao gồm: nông hộ, thu gom, vựa, thương lái, cơ sở chế biến, công ty thương mại, thương lái đường dài, bán sỉ/bán lẻ, người tiêu dùng và các nhà hỗ trợ, … Nghiên cứu dựa vào cách tiếp cận chuỗi giá trị của Kaplinsky và Morris (2001), vận dụng lý thuyết “Liên kết chuỗi giá trị – ValueLinks” của GTZ (2007). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa ở Cà Mau được vận hành chủ yếu qua 10 kênh phân phối nội địa chính. Theo kết quả phân tích, sự phân phối giá trị gia tăng và giá trị gia tăng thuần của cả 10 kênh phân phối mất cân đối, và phân phối không đồng đều. Các tác nhân cơ sở chế biến, công ty thương mại và bán sỉ/bán lẻ là nhóm thu được lợi nhuận cao trong chuỗi phân phối sản phẩm chuối trong khi đó nông hộ và thương lái là nhóm trực tiếp canh tác nhưng chiếm phần nhỏ giá trị gia tăng trong chuỗi. Cuối cùng, một số đề xuất chiến lược dựa vào mục tiêu và mối quan hệ giữa các đối tượng thực hiện, hỗ trợ và thụ hưởng được đưa ra.
Từ khóa: Chuỗi giá trị, chuối xiêm, Tỉnh Cà Mau, Liên kết chuỗi giá trị.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chuối là một loại cây trồng đã gắn bó với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu đời và nay được xác định là một trong những mặt hàng chủ lực. So với nhiều cây trồng khác, thì cây chuối là một trong những loại cây tốn ít chi phí và thời gian chăm sóc hơn, lại đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khả năng và trình độ của hầu hết người dân Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian qua chuối trở thành một mặt hàng nông sản xuất khẩu mang về nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, cũng như là một trong những loại cây trồng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập của người nông dân. Hiện nay, Cà Mau đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020, ngoài sản phẩm lúa và một số sản phẩm nông nghiệp khác, Cà Mau rất chú trọng đến sản phẩm chuối, một loại nông sản có tiềm năng lớn trong xuất khẩu và mang lại lợi nhuận cao. Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 5.622,30 ha là diện tích canh tác chuối lớn thứ hai trong khu vực ĐBSCL; sản lượng trong năm 2017 đạt 53.318,30 tấn; năng suất sản xuất khoảng 10 tấn/ha/năm. So với các ngành hàng khác, cây chuối chỉ chiếm 2,72% trong tổng giá trị sản xuất trồng trọt, chiếm 1,82% so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) và chiếm 0,24% so với giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Bài viết được thực hiện nhằm tìm giải pháp khai thác tối đa tiềm năng sản xuất chuối, xác định vai trò của các tác nhân trong chuỗi, cũng như sự phân phối giá trị gia tăng (GTGT) trong chuỗi tại tỉnh Cà Mau. Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho các tác nhân phát hiện các điểm nghẽn gây cản trở để từ đó nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm chuối tỉnh Cà Mau.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thông tin số liệu sơ cấp được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp 383 tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm chuối tỉnh Cà Mau thông qua các mẫu phiếu điều tra đã được thiết kế sẵn bao gồm nông dân, thương lái, cơ sở chế biến, bán sỉ/lẻ và công ty, nhà hỗ trợ chuỗi.
Nghiên cứu dựa dựa vào cách tiếp cận chuỗi giá trị của Kaplinsky và Morris (2001), vận dụng lý thuyết “Liên kết chuỗi giá trị – ValueLinks” của GTZ (2007).
Phương pháp tham vấn chuyên gia là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và cán bộ khuyến nông tại địa phương. Nội dung tham vấn chuyên gia bao gồm các vấn đề liên quan đến năng suất, chất lượng chuối, kỹ thuật sản xuất, sâu bệnh hại, định hướng quy hoạch phát triển sản phẩm chuối. Thông tin thu được là căn cứ quan trọng để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro từ đó nâng cao giá trị chuỗi.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1 Thực trạng sản xuất và tiêu thụ
Cà Mau là tỉnh có diện tích canh tác cây chuối trên 5.500 ha đứng hàng thứ 2 ở khu vực ĐBSCL. Những năm gần đây cây chuối đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân các vùng trồng chuối. Từ năm 2008 đến 2013, diện tích và sản lượng chuối ở Cà Mau không ngừng tăng lên. Trong đó, diện tích từ 4.983 ha tăng lên 5.775 ha, trung bình mỗi năm tăng 3,18%; sản lượng từ 42.368 tấn tăng lên 57.413 tấn, trung bình mỗi năm tăng 7,10%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013 – 2017, diện tích giảm từ 5.775 ha còn 5.447 ha, giảm đi 5,68%. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang nuôi trồng, thêm vào đó thu nhập từ trồng chuối đem lại không cao so với cây trồng khác nên một bộ phận nông hộ phá bỏ diện tích trồng chuối chuyển qua trồng lúa, trồng rừng, cây trồng khác hoặc nuôi trồng thuỷ sản.
Hiện tại, tỉnh Cà Mau đang tổ chức lại các vùng chuyên canh chuối hàng hóa tập trung ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, nhằm góp phần nâng cao GTGT cho cây chuối, đưa nghề chuối trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân, tích cực tổ chức lại sản xuất ngành hàng chuối theo chuỗi giá trị, gắn kết từ khâu cung cấp đầu vào đến sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ đầu ra; chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác chuối cho hộ nông dân trong hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng chuyên canh sản xuất chuối; phục tráng dòng thuần giống chuối xiêm nhằm cải thiện chất lượng giống chuối xiêm đến năm 2020 đạt 90% diện tích. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các quy trình kỹ thuật thâm canh chuối, cải tạo vườn chuối, sản xuất chuối theo hướng VietGAP,… từng bước nâng cao thu nhập cho người dân U Minh Hạ và Trần Văn Thời nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung.
Nguồn: Sở NN&PTNT Cà Mau, 2018
Hình 1: Tình hình sản xuất tỉnh Cà Mau giai đoạn 2008 – 2017
Về tình hình tiêu thụ, đối với các đơn vị có diện tích trồng chuối nhỏ như thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển chuối sản xuất ra chủ yếu được tiêu thụ trong huyện và một phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Đối với 02 huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, chuối được các thu gom, vựa thu mua đem đi tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, và một số tỉnh khác trong vùng ĐBSCL và xuất khẩu vì nơi đây có diện tích và sản lượng đứng đầu cả tỉnh (chiếm 83,60% sản lượng và 77,58% diện tích canh tác chuối của tỉnh) và được trồng khá tập trung nên các thương lái dễ tổ chức bộ máy thu mua và vận chuyển. Ngoài ra, phần còn lại được sử dụng làm nguyên liệu để sơ chế, chế biến thành chuối cấp đông, bột chuối, chuối sấy, chuối ép và một số loại bánh kẹo phục vụ cho mục đích tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Nông hộ thường thu hoạch chuối tươi bán chủ yếu cho các thu gom tại vườn chiếm tỷ trọng cao nhất, một phần bán trực tiếp cho cơ sở chế biến trong tỉnh, một phần nông dân bán trực tiếp cho vựa và phần nhỏ còn lại phục vụ cho nhu cầu gia đình (Sở NN&PTNT Cà Mau, 2017). Việc tiêu thụ chuối, đầu ra thiếu ổn định do chưa có doanh nghiệp bao tiêu thu mua nên thường xuyên bị các nhóm thu mua ép giá.
3.2 Sơ đồ chuỗi giá trị chuối xiêm tại Cà Mau
Nhìn chung chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa tỉnh Cà Mau được hình thành bởi sự tham gia của các tác nhân chủ yếu: nhà cung cấp vật tư đầu vào, nông hộ trồng chuối, thương lái, vựa, thu gom, cơ sở chế biến, công ty thương mại, bán sỉ/bán lẻ, thương lái đường dài và cuối cùng là người tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất sơ đồ chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa tỉnh Cà Mau. Chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa tỉnh Cà Mau có những kênh phân phối chính sau đây:
Kênh 1: Nông hộ -> Vựa -> Bán sỉ/bán lẻ -> Tiêu thụ nội địa.
Kênh 2: Nông hộ -> Thu gom -> Vựa -> Công ty thương mại -> Bán sỉ/bán lẻ -> Tiêu
thụ nội địa.
Kênh 3: Nông hộ -> Thu gom -> Thương lái -> Công ty thương mại -> Bán sỉ/bán lẻ ->
Tiêu thụ nội địa.
Kênh 4: Nông hộ -> Vựa -> Công ty thương mại -> Bán sỉ/bán lẻ -> Tiêu thụ nội địa.
Kênh 5: Nông hộ -> Thu gom -> Bán sỉ/bán lẻ -> Tiêu thụ nội địa.
Kênh 6: Nông hộ -> Thu gom -> Cơ sở chế biến -> Thương lái đường dài -> Bán sỉ/bán lẻ -> Tiêu thụ nội địa.
Kênh 7: Nông hộ -> Thu gom -> Cơ sở chế biến -> Bán sỉ/bán lẻ -> Tiêu thụ nội địa.
Kênh 8: Nông hộ -> Cơ sở chế biến -> Tiêu thụ nội địa.
Kênh 9: Nông hộ -> Cơ sở chế biến -> Thương lái đường dài -> Bán sỉ/bán lẻ -> Tiêu thụ nội địa.
Kênh 10: Nông hộ -> Cơ sở chế biến -> Bán sỉ/bán lẻ -> Tiêu thụ nội địa.
Nguồn: Kết quả nghiên cứu, 2019
Hình 2: Sơ đồ chuỗi giá trị sản phẩm chuối xiêm tỉnh Cà Mau
Đây là những kênh phân phối cơ bản và chủ đạo có thể thấy được của chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa tỉnh Cà Mau. Để tiêu thụ sản phẩm đầu ra phải đã trải qua rất nhiều tác nhân khác nhau. Trong 10 kênh phân phối ở trên ta thấy có 5 kênh bán chuối tươi và 5 kênh bán chuối và các sản phẩm từ chuối đã qua sơ chế, chế biến.
3.3 Phân tích giá trị kinh tế của chuỗi
Qua kết quả phân tích tổng hợp kinh tế chuỗi giá trị chuối xiêm ở Cà Mau (Bảng 1), tổng doanh thu của toàn chuỗi là 59.908,73 triệu đồng. Trong đó, nhóm tác nhân chiếm tỷ trọng cao là tác nhân bán sỉ/bán lẻ với đóng góp 22.278,42 triệu đồng chiếm 37,19%; tiếp theo là công ty thương mại với 12.403,06 triệu đồng chiếm 20,70%; thu gom với 7.160,41 triệu đồng chiếm 11,95%. Do đây là những tác nhân có khối lượng sản lượng chiếm cao nhất trong chuỗi và có giá bán khá cao như bán sỉ/bán lẻ, công ty thương mại. Nhóm tiếp theo là nông hộ với đóng góp 5.532,06 triệu đồng chiếm 9,23%; thương lái chung với 5.126,69 triệu đồng chiếm 8,56 và vựa là 4.476,06 triệu đồng chiếm 7,47%. Trong nhóm này có nông hộ có sản lượng chiếm cao nhất trong chuỗi nhưng do giá bán ra là thấp nhất nên doanh thu mang lại chỉ xếp thứ 4 trong chuỗi, vựa và thương lái chung là những tác nhân có sản lượng vá giá ở mức trung bình trong chuỗi. Thấp nhất là cơ sở chế biến với 2.932,04 triệu đồng chiếm 4,89%, mặc dù giá bán ra khá cao nhưng do khối lượng sản phẩm ở chuỗi này là thấp nhất nên dẫn đến doanh thu chiếm tỷ trọng thấp nhất.
Nguồn: Kết quả nghiên cứu, 2019
Hình 3: Sơ đồ phân phối thu nhập và lợi nhuận theo từng tác nhân của chuỗi giá trị sản phẩm chuối xiêm tỉnh Cà Mau.
Tổng lợi nhuận chuỗi giá trị sản phẩm chuối xiêm tỉnh Cà Mau là 2,968,91 triệu đồng, chỉ chiếm 4,96% tổng doanh thu. Trong đó, thứ tự chiếm tỷ trọng từ cao đến thấp là thu gom với 829,56 triệu đồng chiếm 27,94%; nông hộ với 562,58 triệu đồng chiếm 18,95%; cơ sở chế biến với 514,51 triệu đồng chiếm 17,33%; công ty thương mại với 325,58 triệu đồng chiếm 10,97%; thương lái chung là 275,54 triệu đồng chiếm 9,28%; bán sỉ/bán lẻ là 254,21 triệu đồng chiếm 8,56%; và cuối cùng là vựa với 206,92 triệu đồng chiếm 6,97%.
Bên cạnh đó, tổng thu nhập các các tác nhân là 8.101,79 triệu đồng. Sự phân phối thu nhập nhiều nhất thuộc về nông hộ với 3.234,85 triệu đồng chiếm 39,93%; bán sỉ/bán lẻ với 1.432,84 triệu đồng chiếm 17,69%; thu gom là 1.266,17 triệu đồng chiếm 15,63%; cơ sở chế biến là 814,64 triệu đồng chiếm 10,06%; vựa là 468,30 triệu đồng chiếm 5,78%; thương lái chung là 450,88 triệu đồngchiếm 5,57%; và cuối cùng là công ty thương mại với 434,11 triệu đồng chiếm 5,36%. Nhóm nhân chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập là nông hộ và bán sỉ/bán lẻ là do những nhóm này sử dụng khá nhiều lao động gia đình nên làm cho thu nhập của các tác nhân tăng cao. Những tác nhân còn lại sử dụng lao động gia đình khá thấp nên thu nhập của họ không thay đổi quá nhiều so với lợi nhuận.
Bảng 1: Phân tích tổng hợp kinh tế chuỗi giá trị ngành hàng chuối xiêm ở Cà Mau
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Nông hộ | Thu gom | Vựa | Thương lái chung | Cơ sở chế biến | Công ty thương mại | Bán sỉ/bán lẻ | Tổng |
Sản lượng | Tấn | 2.344,09 | 2.183,05 | 1.089,06 | 834,97 | 329,81 | 1.550,38 | 2.311,04 | 10.642,41 |
Giá bán | Ngàn đồng/kg | 2,36 | 3,28 | 4,11 | 6,14 | 8,89 | 8,00 | 9,64 | |
Lợi nhuận | Ngàn đồng/kg | 0,24 | 0,38 | 0,19 | 0,33 | 1,56 | 0,21 | 0,11 | |
Tổng doanh thu | Triệu đồng | 5.532,06 | 7.160,41 | 4.476,06 | 5.126,69 | 2.932,04 | 12.403,06 | 22.278,42 | 59.908,73 |
Tỷ trọng doanh thu | % | 9,23 | 11,95 | 7,47 | 8,56 | 4,89 | 20,70 | 37,19 | 100,00 |
Tổng lợi nhuận | Triệu đồng | 562,58 | 829,56 | 206,92 | 275,54 | 514,51 | 325,58 | 254,21 | 2.968,91 |
Tỷ trọng lợi nhuận | % | 18,95 | 27,94 | 6,97 | 9,28 | 17,33 | 10,97 | 8,56 | 100,00 |
Tổng thu nhập | Triệu đồng | 3.234,85 | 1.266,17 | 468,30 | 450,88 | 814,64 | 434,11 | 1.432,84 | 8.101,79 |
Tỷ trọng thu nhập | % | 39,93 | 15,63 | 5,78 | 5,57 | 10,06 | 5,36 | 17,69 | 100,00 |
Sản lượng trung bình | Tấn/chủ thể/năm | 14,47 | 436,61 | 363,02 | 208,74 | 164,91 | 775,19 | 115,55 | |
Lợi nhuận trung bình | Triệu đồng/chủ thể/năm | 3,47 | 165,91 | 68,97 | 68,88 | 102,90 | 162,79 | 25,42 |
Nguồn: Kết quả nghiên cứu, 2019
Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận và thu nhập không phản ánh được tính phân phối và kinh tế vì số lượng thành viên của từng tác nhân là khác nhau. Để khắc phục vấn đề này để mang tính phản ánh tốt hơn, chỉ tiêu trung bình trên từng chủ thể được thay thế.
Cụ thể, mỗi nông hộ trồng chuối xiêm ở Cà Mau có lợi nhuận trung bình 3,47 triệu đồng/chủ thể/năm. So với sản lượng trung bình của nông hộ là 14,47 tấn/chủ thể/năm thì lợi nhuận đạt được là khá thấp với mặt bằng chung của ngành chuối nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Nguyên nhân là do các nông hộ ít quan tâm đến kỹ thuật canh tác mà chủ yếu để cây phát triển tự nhiên, ít và thậm chí là không can thiệp phân thuốc nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều khiến cho nông dân bị ép giá, không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân lợi nhuận của mỗi chủ thể nông hộ khá thấp vì một bộ phận các nông hộ chỉ xem trông chuối và công việc phụ, thường trồng xen với các loại cây trồng khác để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Lợi nhuận của thu gom có giá trị trung bình là 165,91 triệu đồng/chủ thể/năm với sản lượng trung bình là 436,61 tấn/chủ thể/năm. Lợi nhuận trung bình của vựa là 68,91 triệu đồng/chủ thể/năm, sản lượng mà tác nhân này thu mua và bán lại là 363,02 tấn/chủ thể/năm. Thương lái chung bao gồm thương lái chuối xiêm tươi và thương lái đường dài cho sản phẩm sơ chế, chế biến từ chuối với sản lượng trung bình là 208,74 tấn/chủ thể/năm và có lợi nhuận trung bình là 68,88 triệu đồng/chủ thể/năm. Cơ sở chế biến với sản lượng thu mua trung bình là 164,91 tấn/chủ thể/năm, mang về cho tác nhân này 102,90 triệu đồng/chủ thể/năm. Công ty thương mại có sản lượng phần phối trung bình là 775,19 tấn/chủ thể/năm với lợi nhuận mang về trung bình là 162,79 triệu đồng/chủ thể/năm. Cuối cùng là bán sỉ/bán lẻ với lợi nhuận trung bình là 25,42 triệu đồng/chủ thể/năm cùng sản lượng phân phối là 115,55 tấn/chủ thể/năm.
Nhìn chung, theo nghiên cứu, chuỗi giá trị sản phẩm chuối tỉnh Cà Mau có sự phân phối lợi nhuận và lợi nhuận trung bình của từng tác nhân là không đồng đều, có tác nhân đạt được quá ít, cụ thể nông hộ là khâu sản xuất sản phẩm đầu tiên của chuỗi nhưng lại là tác nhân có lợi nhuận thấp do chỉ bán sản phẩm thô nên bị ép giá hay bán sỉ/bán lẻ là khâu phân phối sản phẩm đầu ra cuối cùng do chịu nhiều chi phí từ các tác nhân trong chuỗi dẫn tổng lợi nhuận rất thấp. Song song đó, tác nhân thu gom, cơ sở chế biến, công ty thương mại là những tác nhân mang lại tỷ trọng lợi nhuận cao cho chuỗi.
4. KẾT LUẬN
Trong các kênh phân phối chính của sản phẩm chuối ở Cà Mau, mỗi tác nhân sẽ tạo ra GTGT và GTGT thuần khác nhau. Theo kết quả phân tích phân phối GTGT và GTGT thuần của các tác nhân, qua 10 kênh phân phối của chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa tỉnh Cà Mau, sự phân phối GTGT và GTGT thuần của cả 10 kênh phân phối đều mất cân đối, phân phối không đồng đều với nhau, có tác nhân có lợi nhuận đạt được quá ít, cụ thể nông hộ là khâu sản xuất đầu ra cũng là sản phẩm đầu tiên của chuỗi nhưng lại là tác nhân có lợi nhuận thấp nhất do chỉ bán sản phẩm thô nên bị ép giá hay bán sỉ/bán lẻ là khâu phân phối sản phẩm đầu ra cuối cùng do chịu nhiều chi phí từ các tác nhân trong chuỗi dẫn tổng lợi nhuận rất thấp. Song song đó, tác nhân cơ sở chế biến là tác nhân sơ chế, chế biến lại từ chuối nhưng lại mạng lại lợi nhuận rất cao, theo sau đó là các tác nhân có chức năng thu mua và phân phối. Dựa vào kết quả phân tích, nghiên cứu cũng đề xuất kiến nghị đến các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm sâu sát hơn vấn đề sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm chuối như sau:
Chính quyền địa phương cần xây dựng phương án thành lập và tổ chức hoạt động Trung tâm nghiên cứu phát triển chuối ở Cà Mau. Quy hoạch vùng canh tác, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp (thủy lợi, giống, dự báo thời tiết, sâu bệnh, xử lý trái vụ, thông tin thị trường….) cho nông hộ trồng chuối, thông qua các công trình nghiên cứu, dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời chính quyền địa phương cần giữ vai trò trung gian trong việc giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng bao tiêu và đưa ra nhiều chính sách khuyến khích thực hiện hợp đồng một cách tối ưu nhất theo từng trường hợp cụ thể.
Thường xuyên nghiên cứu các giống mới có năng suất cao, kháng sâu hại và dịch bệnh, cây tăng trưởng tốt, góp phần tăng năng suất đem lại hiệu quả cao. Chuyển giao quy trình sản xuất chuối chất lượng cao cho nông hộ, đồng thời thường xuyên tập huấn cách thức tổ chức quản lý đồng ruộng, quản lý tổ nhóm, hợp tác giúp nông hộ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Các tổ chức nghiên cứu tổng hợp các dữ liệu, thông tin về quy trình canh tác, đóng gói, vận chuyển, bảo quản để xây dựng bộ dữ liệu về nguồn gốc và thông tin về chuối ở Cà Mau trên nền tảng công nghệ số 4.0.
Các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa tỉnh Cà Mau cần có ý thức tham gia cần tích cực vào hội, tổ hợp tác, hợp tác xã và các lớp tập huấn để nâng cao khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học và ứng dụng nó vào trong sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần chủ động năng cao khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng các nguồn thông tin thị trường và cần chủ động hơn cho thị trường đầu ra của sản phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, 2017. Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 07/08/2017 về phê duyệt điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Cà Mau: UBND.
Cục Thống kê Cà Mau, 2018. Niêm giám Thống kê Cà Mau 2017. Cà Mau: Cục Thống kê Cà Mau.
FAO, 2007. Challenges of agribusiness and agro-industries development, Paper prepared for the Committee on Agriculture. Rome, 2007. Item Five of the Provisional Agenda, FAO.
FAO, 2018. Banana Market Review Preliminary results for 2018. Rome: FAO.
GTZ Eschborn, 2007. Phương pháp luận để thúc đẩy chuỗi giá trị, Cẩm nang Valuelinks. Việt Nam: GTZ.
Kaplinsky and Morris, 2001. A handbook for value chain research. In The Institute of Development Studies, University of Sussex. Brighton: United Kingdom.
M4P, 2008. Để chuỗi giá trị hiệu quả hơn cho người nghèo, nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo.
Nguyễn Hữu Tâm, Lưu Thanh Đức Hải, 2014. Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm ca cao tỉnh Bến Tre. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 35(D), pp.8-15.
Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam, 2015. Đánh giá hiệu quả sản xuất khóm của nông hộ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 36(D), pp.1-9.
Võ Thị Thanh Lộc, Nguyễn Phú Son, 2013. Giáo trình phân tích chuỗi giá trị sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Cần Thơ: Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Cần Thơ, tập 68, số 2 (2019). ISSN: 1859-025X
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)