PHÁT TRIỂN ĐẠI HỌC ở trong PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI: MỘT VÀI CHIÊM NGHIỆM

ĐINH VĂN ĐỨC
(Giáo sư, tiến sĩ)

 TÓM TẮT

     Việt Nam đổi mới đến nay đã được gần ba mươi năm, trong thời gian đó đất nước đã có sự phát triển khá về kinh tế và bước vào cuộc cạnh tranh toàn cầu và cuộc cạnh tranh đó đang được tăng lên đặc biệt cần gắn với việc thúc đẩy của tri thức.  Các trường đại học (khoảng 400 trường) đóng một vai trò chủ chốt trong bối cảnh phát triển giáo dục để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Đồng thời trong tiếp xúc quốc tế chúng ta cũng phải nhận thấy sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học và công nghệ và chính sự phát triển này đã tạo nên những tiềm lực to lớn để giúp cho các quốc gia tăng tốc và đẩy mạnh phát triển kinh tế việc ứng dụng các tri thức mang lại nhiều cách thức sản xuất hàng hoá dịch vụ mới cũng như việc phân phối hàng hoá dịch vụ mới theo những hiệu quả mới hơn với chi phí thấp hơn.

ABSTRACT

     It has been almost thirty years since Renovation,Viet Nam has its significant developments of economyto step into the global competition. That competition is getting tougher. It needs to be put in association with the promotion of knowledge. Universities (approximately 400 Universities) play a key role in the context of educational development to cater for the innovation and industrialization of the country. Simultaneously, we need to realize the significant development of science and technology in which has created tremendous potential to accelerate and promote economic development. Theknowledge-based applications bring a number of different ways of producing goods and services, goods distribution with new services which results more efficiently with lower costs.

x
x x

1. Đại học Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế:

     Đại học của chúng ta đã bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế mà bốn phương diện chiến lược giúp các quốc gia định hướng chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức đều có tác động và có ảnh hưởng kể cả Việt Nam:

     Thứ nhất là một cơ chế kinh tế và một thể chế phù hợp, thứ hai một nền tảng mạnh về nguồn nhân lực, thứ ba là có một hạ tầng cơ sở và năng động, thứ tư có một hệ thống đào tạo xứng đáng với tầm quốc gia và hệ thống đào tạo này phải có hiệu quả.

     Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay cũng phải lấy bốn cái trụ cột của khuôn khổ này để làm chỗ dựa cho mình và đây cũng là nền tảng để giúp cho việc xây dựng nguồn nhân lực và đóng góp cho sự phát triển quốc gia có hiệu quả trong thời kỳ mới.

     Theo Ngân hàng thế giới (WB) giáo dục đại học của nước ta còn phải tham gia tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo bởi vì nước ta mới chỉ bước vào cửa của thu nhập trung bình thấp trên thế giới và cho nên xóa đói giảm nghèo vẫn là vấn đề rất lớn, vẫn phải được tiếp tục, không những như thế còn phải củng cố tăng cường chất lượng xóa đói giảm nghèo đồng thời giáo dục đại học phải góp phần làm thế nào để mà hạn chế khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng lên, theo đó, không có cách nào khác ngoài việc chúng ta tham gia vào việc phát triển lực lượng lao động tăng năng suất lao động từ các ngành nghề làm thế nào nguồn nhân lực có chất lượng, có khả năng sáng tạo áp dụng phổ biến và phố biến được ý tưởng và các công nghệ mới.

     Nội dung của văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới đi lên từ truyền thống cũng lắng đọng và được cụ thể hoá trong các hoạt động và sứ mạng của nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hiện tại.

     Giáo dục đại học của chúng ta nay có nhiều mục tiêu nào là đào tào nhân tài nào là đào tạo nguồn lực nào là đáp ứng nhu cầu xã hội,… tất cả những điều đó là những nhu cầu vừa là mong muốn tức là những thiếu hụt cần bù đắp. Giáo dục nước ta từ nay đến năm 2020 và những năm sau có nhiều đòi hỏi cấp bách mà nếu không bình tĩnh, không xuất phát từ nền tảng văn hóa Việt để tìm triết lý thì rất khó khăn. Không có triết lý thì không thể hành động thích hợp được.

     Giáo dục, bao gồm cả giáo dục đại học, nay tuy còn có nhiều khó khăn và những điều bất cập nhưng rõ ràng là giáo dục Việt Nam trong mấy chục năm vừa qua đã tích cực tham gia vào sứ mệnh là xóa đói giảm nghèo và góp phần đưa nước ta vào ngưỡng cửa của quốc gia thu nhập trung bình. Hiện nay, theo chúng tôi văn hoá truyền thống của lòng yêu nước cũng tiếp tục thúc đẩy đại học Việt Nam tham gia tiếp vào sứ mệnh xóa đói giảm nghèo trước khi đất nước bước vào thời kỳ phát triển theo hướng hiện đại năm 2020.

     Các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta, công lập và ngoài công lập, từ Bắc đến Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế cần phải hoạt động có hiệu quả nó thể hiện ở các mô hình tổ chức phù hợp, bao gồm những trường đại học nghiên cứu tức là những trường đại học lớn đầu ngành mũi nhọn, các trường bách khoa là các trường về công nghệ, kỹ thuật và các trường khoa học xã hội, nhân văn là đào tạo con người. Các cơ sở đào tạo này có thể là ngắn hạn và cùng với các trường cao đẳng cộng đồng các đại học khác thì đào tạo ra nhiều loại bao gồm cả những người có trình độ cao và phải đào tạo ra những người có trình độ trung bình và những người lao động lành nghề mà thị trường lao động luôn luôn tìm kiếm.

     Việc chuyển hệ thống giảng dạy đại học từ tiếng Pháp thuần tuý sang giảng dạy bằng tiếng Việt ở miền Bắc từ năm 1951, ở miền Nam từ năm 1961 đã cho thấy thành tựu đầu tiên của việc nội địa hóa trong tiếp xúc văn hoá trước kia không ai có thể hình dung được người ta có thể dạy đại học bằng tiếng Việt cho tất cả các ngành các nghề nhưng cuối cùng nó đã trở thành hiện thực kế sau đó là những nội dung giảng dạy theo phương châm: “cơ bản – Việt Nam – hiện đại” trên cơ sở những cái khung khác nhau dần dần nó cũng hình thành một cái khung của Việt Nam. Cái khung đó là không phải là mô phỏng như người ta nghĩ mà đều tự học từ những kinh nghiệm thực tế và những kinh nghiệm, người ta thấy rằng nội địa hóa này phù hợp với thực tiễn Việt Nam và cách làm của Việt Nam.

     Công cuộc đổi mới 1986 có tính đột phá trong sự phát triển của Việt Nam bởi vì nó đã thay đổi những quan điểm rất cơ bản trong việc phát triển xã hội đặc biệt hướng xã hội tới các phát triển bền vững. Thời kỳ này thì Việt Nam không còn tiếp xúc quốc tế theo kiểu từng mảng như ở giai đoạn trước mà theo khẩu hiệu “Việt Nam sẵn sàng làm bạn với các nước trong cộng đồng thế giới”, nội dung là hội nhập kinh tế sau đó hội nhập đa diện hơn. Lúc này, tiếp xúc của nước ta trong vòng 30 năm qua trở nên rất đa dạng mang lại nhiều cơ hội và kết quả thể hiện ở chỗ là đã có hàng ngàn hàng vạn người được đào tạo ở các quốc gia khác nhau cả những quốc gia truyền thống và cả quốc gia mới và là nguồn lực mới để mà phát triển thông qua tiếp xúc giáo dục đồng thời các nguồn văn hóa Việt Nam cũng rất được tích cực giới thiệu giao lưu với thế giới.

     Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi, rất nhiều mô hình ở đây đã được thử nghiệm theo hướng mới trong cả giáo dục đào tạo nghiên cứu khoa học và phát triển văn hoá, lúc đầu chúng ta cũng có những lúng túng và những do dự thậm chí sai sót nhưng mười lăm năm trở lại đây thì dần dần đã bình tĩnh hơn tự tin hơn và Việt Nam đã bắt đầu một quá trình mới là chủ động nội địa hóa những gì tiếp nhận được từ quốc tế để hòa nhập. Giáo dục hôm nay vẫn là bài toán lớn và bài toán khó với rất nhiều bất cập và đặc biệt là cải cách giáo dục là vấn đề rất lớn mà chúng ta cần phải suy nghĩ cân nhắc. Nhìn chung sự phát triển về lượng và về chất trong hai mươi mấy năm qua đã có bước tiến về phía trước và nguồn lực nhờ đó đã được cải thiện một bước đáp ứng một phần nhu cầu phát triển. Chắc chắn nếu không phát triển nguồn lực chúng ta không thể đạt được những tiến bộ như hôm nay cho dù còn rất nhiều điều cần phải bàn và cần phải cải tiến phải sắp xếp phải thay đổi. Phải tính đến những kết quả nhờ tiếp xúc quốc tế về giáo dục để cải thiện nguồn lực.

      Trong khi tiếp xúc quốc tế đại học của chúng ta cũng phải tạo được cân đối giữa các thành phần khác nhau như đã nói là một thời gian chúng ta quá tập trung chú trọng vào việc phát triển khoa học cơ bản coi nhẹ khoa học ứng dụng thì ngược lại ngày nay tránh những khuynh hướng chỉ chạy theo ứng dụng mà coi nhẹ việc đào tạo khoa học cơ bản và phải đi bằng hai chân rất vững vừa khoa học cơ bản vừa phát triển khoa học ứng dụng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp và ngành mới nhất tức là tin học. Trong hệ thống giáo dục thì đại học nghiên cứu có một vai trò chủ chốt trong việc đào tạo những chuyên gia cao cấp những nhà khoa học và những nhà nghiên cứu cần thiết cho nền kinh tế được tạo ra tri thức mới nhằm hỗ trợ cho các hệ thống sáng tạo.

     Chúng tôi muốn nói điều này vì nó gắn với lợi ích và trách nhiệm của Đại học trong cái sứ mạng đại học mong muốn hướng tới là một trường đại học nghiên cứu đa ngành mũi nhọn chất lượng cao và có khả năng hội nhập quốc tế lớn và trong mong muốn hội nhập quốc tế lớn đó thì phải sớm trở thành một đại học có tính cạnh tranh cao đồng thời lại có khả năng đào tạo, có nguồn lực làm thế nào tham gia sự phát triển đất nước mà thể hiện đẳng cấp của mình. Tất nhiên ở đây có vai trò của tự thân đại học và có vai trò của nhà nước trong việc đầu tư và nhất là kết hợp cả hai chiến lược đó.

2. Đại học Việt Nam có trách nhiệm tham gia tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập.

     Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học và sự học luôn luôn được đề cao trong gia đình cũng như trong xã hội. Giáo dục và các vấn đề liên quan đến con người luôn được Bác Hồ, Chính phủ và đồng bào luôn lo toan, động viên và khuyến khích.

     Nhà nước ta đã có chủ trương về việc xây dựng xã hội học tập và có các đề án cho việc này trong giai đoạn mười lăm năm với những quan điểm, mục tiêu và biện pháp cụ thể. Đại học nước ta có trách nhiệm lớn trong sự nghiệp này.

     Trong thực tế việc xây dựng xã hội học tập ở nước ta khá phức tạp, vừa làm vừa tìm hiểu thực tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ngay từ việc nhận diện cho được bản chất của khái niệm xã hội học tập cho đến những khía cạnh liên quan chúng ta đều phải vừa học vừa làm. Sứ mạng của đại học là đi tiên phong trong khi bám vào thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn. Việc đào tạo nguồn lực có chất lượng cao thuộc trách nhiệm đại học. Theo đó, chúng ta đào tạo trên quy mô lớn các sinh viên Việt Nam không chỉ cho chúng ta mà còn phải phù hợp với tiêu chí quốc tế thông qua việc tiếp thụ tinh hoa của tri thức, công nghệ và văn hóa thế giới. Trường đại học phải tìm cách đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhưng phải luôn duy trì được và thường xuyên nâng cao chất lượng.

     Nước ta nay đứng trước ngưỡng cửa của 100 triệu dân. Lo học tập cho một cộng đồng như vậy không phải là chuyện đơn giản. Cách duy nhất là dựa vào sức dân thông qua xã hội hóa các hoạt động và mang lại lợi ích thường xuyên cho đồng bào. Ta có 54 dân tộc, việc bình đẳng về dân tộc, bình đẳng về giới, về các vùng miền cần được cân đối trong thực hiện và có những ưu tiên cho các đối tượng thuộc chính sách xã hội. Đại học cũng phải hoạt động theo nguyên tắc này trong đề án chung xây dựng xã hội học tập. Trách nhiệm lớn hơn và đặc thù của đại học còn là ở chỗ tích cực động viên, khuyến khích cho các sáng tạo, tìm ra các ý tưởng, khơi dậy các tiềm năng và môi trường đại học là môi trường luôn đổi mới. Chúng ta, như đã nói, vừa bước vào mức thu nhập trung bình thấp, khoảng cách với cộng đồng thế giới có thể sẽ dãn ra nếu ta mắc vào cái bẫy thu nhập trung bình này. Để thoát ra, một trong những lối thoát là đầu tư cho giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Đại học ta có sứ mạng đó.

3. Nhận thức về đại học đẳng cấp quốc tế.

     Vài mươi năm gần đây thuật ngữ đại học đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp quốc tế  đã trở nên quen thuộc mang nghĩa là đại học tích cực cải thiện chất lượng, tích cực nghiên cứu mà quan trọng hơn nó phát triển năng lực cạnh tranh trong môi trường giáo dục. Phải nói rằng đại học trên thế giới thì có rất nhiều trường muốn hướng tới vị trí đẳng cấp quốc tế và việc này đang trở nên phổ biến vì đại học với đẳng cấp quốc tế thì cũng là cái chuẩn mực mà bất kì quốc gia nào cũng khát khao vươn tới. Ngay cả ở Mỹ có bốn nghìn trường đại học nhưng đại học mang đẳng cấp thế giới cũng chỉ vài chục trường, những trường nổi tiếng như đại học Harvard, Yele, Princeton, Columbia,… ở nước ta việc mà hướng tới đầu tư xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế cần thận trọng nhưng cũng đồng thời phải tích cực hướng tới.

     Đại học đẳng cấp quốc tế định nghĩa cũng có khi là đồng nghĩa với khái niệm đại học tinh hoa, do vậy người ta dễ cho rằng những nước đang phát triển thì khó lòng đạt đến bởi những nền giáo dục tiên tiến có truyền thống lâu đời như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản mới vươn tới vì điều đó không phải là dễ. Tuy nhiên, bài học cụ thể chúng ta thấy rằng những trường đại học ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Australia gần đây vươn lên của họ rất mạnh mẽ và có ảnh hưởng như là tấm gương, như là mô hình, như là kinh nghiệm để cho đại học Việt Nam học tập và hướng tới xây dựng thương hiệu, xây dựng đẳng cấp khu vực, từ đẳng cấp khu vực tiến xa là đẳng cấp quốc tế.

     Chúng tôi cho rằng phải đi từng bước có chiến lược và chiến lược này theo chúng tôi nghĩ thì nên là chiến lược hữu xạ tự nhiên hương tức là củng cố nội lực của mình để tiếp cận đẳng cấp thế giới chứ không phải làm PR để mà trở thành đẳng cấp, có hai việc rất khác nhau một là sự cố gắng nội lực để vươn tới và thứ hai là tập trung để làm PR nhằm xây dựng đẳng cấp quốc tế. Cái thứ nhất phải từ nội lực mới đẻ ra cái thứ hai chứ không bao giờ cái thứ hai tạo ra cái thứ nhất. Vì vậy, muốn cho một vài đại học ở Việt Nam vượt lên dẫn đầu trong số các trường cùng nhóm ở trong nước rồi từ đó mới mong tìm ra con đường phù hợp đạt được vị thế trong mối tương quan các trường đại học trong khu vực. Rõ ràng là “dục tốc bất đạt” tức là muốn cũng vội cũng không xong được, cũng rõ ràng không có một mô thức hay một khuôn mẫu nào cho ta có thể nhanh chóng đạt được vị trí bởi vì xưa nay cũng chưa có một định nghĩa khả dụng nào về đại học đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp quốc tế.

     Việt Nam trong thời kỳ hiện nay chúng ta có tiêu chí để mà so sánh, trước kia chúng ta chỉ so sánh với mình nhưng bây giờ chúng ta có rất nhiều điều kiện để so sánh với các nước xung quanh chúng ta Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và có những nước tiến bộ nhanh hơn ví dụ như trong khu vực chúng ta có Singapore, chúng ta cũng giữ các mối quan hệ với các đại học truyền thống của các nước Đức, Ba Lan, Nga, Trung Quốc và cả những địa chỉ mới như Nhật Bản, Mỹ, phương Tây,… thứ hai chúng ta có điều kiện để cạnh tranh, trước kia trong thời kỳ bao cấp các trường đại học làm nhiệm vụ của mình theo kế hoạch, trên giao nhiệm vụ hàng năm chúng ta thực hiện theo kế hoạch còn bây giờ các trường muốn xác định được cương vị của mình thì phải cạnh tranh, cuộc cạnh tranh ở trong nước chúng ta thực ra đã bắt đầu và đang trở nên rất quyết liệt giữa các trường không phải chỉ trong khu vực công lập mà cả trong khu vực tư nhân và cuộc cạnh tranh đó sẽ làm cho cái mong muốn của chúng ta có bề thực tế hơn. Cứ nhìn vào biểu ngôn (slogan) của các trường đại học chúng ta thấy rằng trường nào cũng có hướng tiến lên, vươn lên giành lấy vị trí trong cuộc cạnh tranh nội địa và trong khi cạnh tranh nội địa như vậy trường nào cũng tìm cách tiếp cận quốc tế và tìm cách học tập những kinh nghiệm quốc tế áp dụng cho mình và rõ ràng trong sự suy nghĩ đó cũng tiếp tục nội địa hoá các tiếp xúc quốc tế.

     Một trường đại học quốc tế mở ở Việt Nam cũng khác với trường đại học Việt Nam ở tại Việt Nam học tập kinh nghiệm quốc tế, các nhà lãnh đạo của các đại học cũng luôn luôn muốn xuất phát từ thực tiễn của mình chứ không hoàn toàn bắt chước những khuôn mẫu và kinh nghiệm cho thấy khi nào mà bắt chước mà mô phỏng là chúng ta thất bại còn khi nào chúng ta xuất phát từ thực tiễn Việt Nam dù khó đến bao nhiêu thì nhiệm vụ chúng ta cũng có thể thực hiện được, có thể hoàn thành được, đây không chỉ kinh nghiệm đại học kinh nghiệm cách mạng Việt Nam cũng vậy, tức là khi nào độc lập tự chủ suy nghĩ trên thực tế của mình tìm ra giải pháp thì chúng ta luôn luôn giành được thắng lợi.

     Giáo dục đại học nước ta cần lĩnh hội thích ứng và sáng tạo để học tập tìm cách tối đa tối ưu hoá lợi ích thu được từ những đầu tư và tìm kiếm những mô hình mới, phù hợp với thực tế. Hướng tới một đại học đẳng cấp thế giới là mong muốn,là khát vọng, nhưng một cách cực đoan có người ví dụ như Ansbach (2004) đã nói rằng “Mọi người đều muốn có trường đại học đẳng cấp thế giới nhưng chẳng ai biết nó là cái gì và tất thảy đều không biết bằng cách nào để có nó”. Đây cũng là một cách nói để nói lên rằng vấn đề rất khó khăn và cần được tiếp tục xác định, còn việc có trở thành đặc quyền để bước vào đẳng cấp thế giới thì không chỉ là vấn đề ưu tiên trong việc xếp hạng mà ngược lại muốn được quốc tế ghi nhận phải tích cực phấn đấu, dù đó là Harvard, Yale, Columbia, Oxford hay Cambridge thì cũng không phải là tự mình cho mình cái đặc quyền. Tất cả vấn đề là kết quả nổi bật đào tạo sinh viên đào tạo cao học kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả chuyển giao công nghệ mới là phần xác định.

      Thực tế Việt Nam hiện nay còn ở thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế từ hệ thống kinh tế bao cấp sang hệ thống kinh tế thị trường đang có nhiều vấn đề còn phải mò mẫm, tìm kiếm, khai phá bởi vì xuất phát của chúng ta còn thấp kinh nghiệm của nền kinh tế thị trường trong quá khứ chưa nhiều và thứ ba quyết tâm của chúng ta thì lớn nhưng mà cách thức làm việc của chúng ta còn nhiều điều bất cập.

     Việc xây dựng quan niệm về các trường đại học đẳng cấp ở ta cũng có một bộ phận rất muốn nhanh chóng đưa một vài trường đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng của quốc tế và khu vực. Khuynh hướng tăng cường nội lực xây dựng chất lượng và tăng cường đầu tư để từng bước dần dần tiến tới đẳng cấp chúng tôi cho là hợp lý hơn. Thật ra không nên quan tâm lắm đến việc xếp hạng bởi vì hai lý do: a) nếu xếp hạng bây giờ thì các đại học Việt Nam chưa có hạng nào thật cụ thể, b) những cố gắng của chúng ta trong tiến tới xếp hạng cũng còn phải phấn đấu rất nhiều, đặc biệt việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học và chất lượng sản phẩm nghiên cứu.

     Có thể nói rằng cận cảnh năm năm, mười năm, hai mươi năm tới thì đẳng cấp đại học khu vực đối với Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhưng con đường đi đến sự chuyển đổi đó như thế nào bằng cách nào thì bên trong là nội lực bên ngoài là đầu tư từ nhà nước và các nguồn tìm kiếm. Cũng cần phải có lộ trình, có những bước đi thích hợp để chuyển đổi chính mình từ những trường đại học chưa có danh đến có danh, từ danh ít đến danh nhiều, từ có danh trong nước đến có danh trong khu vực, từ danh trong khu vực đến danh quốc tế.

     Một bước quá độ để tiến tới đại học đẳng cấp quốc tế (hay trước mắt là khu vực) đại học Việt Nam có thể qua một qua độ là bước đầu xây dựng các đại học nghiên cứu. Chủ trương phân tầng đại học là kịp thời và hợp lý vì nó giúp cho việc nâng cao chất lượng và xác lập các quan hệ với xã hội.

     Khái niệm “đại học nghiên cứu” là “cũ người mới ta” vì quốc tế từ lâu đã quan tâm đến chuyện này. Ta đặt vấn đề xây dựng các đại học nghiên cứu là cần thiết nhưng cũng có cái khó, trước hết là hiểu cho được nội hàm của khái niệm này. Hiểu đúng mới làm đúng được. Kế theo đó phải nhận diện cho được đại học nghiên cứu có những đặc trưng cootsloix gì, tiêu chí nào để đánh giá nó, những ưu điểm và khó khăn nào hiện hữu trong công tác xây dựng một đại học nghiên cứu.

     Ở đây có vấn đề vai trò của nhà nước. Đại học dẫu sao cũng là công việc giáo dục mang tính phi lợi nhuận. Nhà  nước cũng phải lo rất nhiều chuyện và Chính phủ tìm cách đầu tư để nâng cấp các trường đại học có tiềm năng dần dần vượt trội. Thứ đến, khuyến khích một số cơ sở giáo dục hiện tại tạo ra những trường đại học mới với diện mạo mới có chất lượng mới và thứ ba là nếu vươn tới những trường đại học có đẳng cấp mà nhà nước không đầu tư thì chắc chắn không thể có.

     Ở cấp độ đại học thì phải suy nghĩ tại sao cần phải có trường đại học nghiên cứu? Tầm nhìn đối với trường đại học này là gì và nhà nước ta có thể ủng hộ cho bao nhiêu trường trong số hàng trăm số đại học đó vươn tới đẳng cấp nghiên cứu?. Chiến lược nào là tốt nhất trong hoàn cảnh trong thực tế hiện tại? Trong nghiên cứu khoa học không chỉ là công bố kết quả công trình nghiên cứu khoa học, không chỉ là nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu, mà các phương diện này luôn phải gắn với kinh tế – xã hội phục vụ cho nhu cầu xã hội.

     Mới đây một liên hiêp các đại học quôc tế đã cùng nhau ra một bản tuyên ngôn gọi là Tuyên ngôn Hợp phì* về 10 nội dung trọng tâm cần phải có của một đại học nghiên cứu. Đây là một ý tưởng tốt có thể tham khảo cho công việc này ở nước ta. Tuy nhiên, như đã nói, kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết và đáng quý, nhưng mặt khác thì việc bám sát thực tế của nước ta để có giải pháp hợp lý cũng là điều rất căn bản.

4. Quản trị đại học.

     Quản trị đại học là một công việc rất mới ở Việt Nam bởi vì trước kia đại học nằm trong hệ thống công lập hoàn toàn và do nhà nước, do các Bộ chủ quản quyết định và quản trị đó mang tính chất hành chính hóa còn giờ đây nếu để phát triển năng lực và phát triển cạnh tranh thì rõ ràng việc quản trị đó xuất hiện trong những tình hình mới là phải có tính tự chủ, hệ thống điều hành phù hợp và có quyền tự quyết nhưng đồng thời vẫn nằm trong khuôn khổ điều hành của pháp luật. Quản trị đại học rõ ràng muốn đổi mới thì kinh nghiệm cũng là phải nội địa hóa các tiếp xúc quốc tế, bởi vì đại học quốc tế có khác với ta (chẳng hạn như tính tự chủ tính tự quản của các đại học và mối liên hệ giữa nó và sự quản lý nhà nước cũng khác ở ta) chỗ này phải suy nghĩ phải tìm cách làm thế nào để quản trị là để phát triển quản trị là để tăng cường tính hệ thống để tăng cường tính năng động và tạo ra động lực cho các hoạt động.

5. Kết luận:

     Nói tóm lại, thiết nghĩ không có một công thức chung nào hay một thuốc thần kỳ nào để mà tạo ra những trường đại học đẳng cấp cao mà vấn đề điều kiện của mỗi quốc gia, điều kiện của mỗi vùng miền, điều kiện của từng đơn vị sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cho thấy rằng rõ ràng phải tìm một hướng đi cụ thể một lối đi riêng cho từng đơn vị đồng thời học tập kinh nghiệm thế giới trong tiếp cận. Chung quy là đại học của chúng ta ví dụ như các Đại học Quốc gia và các trường trọng điểm làm thế nào để tập trung được nguồn lực lớn những chuyên gia giỏi, những nhân tài rồi phải đa dạng hóa nguồn lực và cách thức quản trị phải linh hoạt phải tiếp cận theo những con đường đã tự chọn được từ quá trình nội địa hóa kinh nghiệm quốc tế.

     Trên thực tế Việt Nam ta mới phát triển trên mô hình đại học ngắn hạn, tầm nhìn trung hạn, dài hạn còn hạn chế. Đại học đẳng cấp quốc tế hay là đại học chất lượng cao, đại học nghiên cứu đều là những hướng đi nhưng trong thực tế thì có những trường thì lấy nghiên cứu làm trọng tâm có những trường lấy công nghệ làm trọng tâm có những nơi lấy đào tạo nguồn lực làm trọng tâm. Trường đại học, dẫu sao cũng phải tập trung vào nguồn lực tinh thần xã hội gắn với việc nhà trường tham gia giải quyết những vấn đề xã hội, phát triển bền vững. Cần nhìn nhận vấn đề này trong bối cảnh rất cụ thể là phải thấy được tầm quan trọng và ý thức phát triển trong đó trung tâm nhà trường vẫn là thầy và trò. Làm thế nào để nâng cao chất lượng của người thầy thông qua đào tạo nghiên cứu khoa học làm thế nào để đào tạo được học trò thông qua những hoạt động thực tiễn trong việc tiếp thụ kiến thức gắn nó với xã hội để sinh viên ra đời có thể nhanh chóng hòa nhập với xã hội để làm được những việc xã hội mong muốn và những nguồn lực xã hội mong đạt tới.

     Vấn đề chúng ta không nên chỉ dừng lại ở cụm từ này hay khác mà chúng ta phải hành động xuất phát từ thực tế, không phải chỉ thuần túy chạy theo những hoạt động PR mà phải làm thế nào để “hữu xạ tự nhiên hương” qua nâng cao chất lượng từng bước để đi tới. Làm thế nào tìm kiếm được nguồn lực dồi dào và quản trị tốt nó. Phải phối hợp nhân tố của sự thành công và có được khuôn khổ của sự quản trị tốt, không bị giới hạn bởi những khó khăn trước mắt, tạm thời để tìm được cách đi thích hợp cho mình. Thiết nghĩ đó vẫn là con đường tốt nhất để mở rộng được phát triển đào tạo và nâng cấp chất lượng nhằm tham gia vào sự phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới bởi vì đại học của ta phải tham gia vào phát triển kinh tế xã hội và trong vòng 10 năm tới các trường đại học Việt Nam vẫn phải tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo phát triển bền vững xã hội trước khi đi tới mục tiêu cao hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Ngọc Châu (2007), Giáo dục Đại học Việt Nam thời hội nhập, Nxb Lao Động, Hà Nội.

2. Mạnh Cường (2005), Bảy giải pháp đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam, Vietnamnet.vn ngày 20/5/2005.

3. Lê Hạnh (2004), “Giáo dục Đại học Việt Nam: Một vài con số”, Báo Lao Động ngày 23/6/2004.

4. Kiều Hương (2004), Đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam: Chọn ứng dụng mô hình đại học nào?, Thanhnien.com.vn ngày 01/11/2004.

5. Kiều Hương (2004), Đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam: Những giải pháp nào cần ưu tiên tháo gỡ, Thanhnien.com.vn ngày 02/11/2004.

6. Nhiều tác giả (2007), Giáo dục Đại học Việt Nam thời hội nhập (tham khảo nhiều bài khác), Nxb Lao Động, Hà Nội.