Phát triển làng nghề tái chế kim loại Đa Hội theo hướng phát triển bền vững
Tác giả bài viết: Thạc sĩ CAO THỊ MINH HỮU
(Viện Khoa học Lao động và Xã hội)
TÓM TẮT
Sự phát triển của làng nghề tái chế kim loại Đa Hội9, phường Châu Khê, tỉnh Bắc Ninh trong những năm gần đây đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Cùng với những thành tựu, kết quả về kinh tế và xã hội đã đạt được thì môi trường làng nghề bị ô nhiễm nặng nghề, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng dân cư. Phát triển là cần thiết, tuy nhiên phát triển bền vững cũng là quan điểm cơ bản của Đảng đối với mọi sự phát triển ở nước ta, trong đó có làng nghề. Do vậy để làng nghề tái chế kim loại Đa Hội phát triển theo hướng bền vững cần thực hiện một số các biện pháp quản lý và kỹ thuật phù hợp để bảo vệ và cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động môi trường trong khu vực làng nghề một cách có hiệu quả.
Từ khóa: Phát triển bền vững, làng nghề, Đa Hội, ô nhiễm môi trường.
Từ viết tắt: Người lao động (NLĐ), kinh tế xã hội (KTXH), môi trường (MT), làng nghề (LN).
ABSTRACT
In recent years, the development of Da Hoi metal recycling village in Chau Khe ward, Bac Ninh province has significantly contributed to economic growth, employment creation, poverty reduction, ensuring local social security. Along with the achievements in social – economic, environment in the traditional occupation village has been heavily polluted, affecting worker’s health and community. Development is necessary, but sustainable development is also basic point of the Party to every kind of developments in our country. Hence, some reasonable managements and technical measures that protect and improve environment, limit effectively the impact of environment are needed to be done in order to lead Da Hoi metal recycling village towards sustainable development.
Keywords: Sustainable development, traditional occupation village, Da Hoi, environmental pollution.
x
x x
Trong những năm gần đây, sự khôi phục và phát triển của các làng nghề sản xuất, tái chế kim loại đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong sự phát triển kinh tế xã hội (KTXH) của các địa phương, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Phát triển làng nghề góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, nhất là cơ cấu lao động. Phát triển làng nghề là một hướng đi phù hợp nhằm giảm căng thẳng về tình trạng di cư ồ ạt vào các thành phố lớn tìm việc làm, giải quyết lao động dôi dư trong nông nghiệp, trên cơ sở thực hiện: “Rời ruộng – không rời làng”.
Nằm trên địa bàn phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Đa Hội là một trong những làng nghề có tiếng trên cả nước về sản xuất sắt thép với gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Các sản phẩm của làng nghề rất đa dạng: phôi đúc 200.000 tấn/năm, sắt thép cán 170.000 tấn/năm, đinh các loại 1.300 tấn/năm, lưới và dây thép các loại 1.100 tấn/năm10. Nguyên liệu đầu vào của làng nghề chủ yếu là sắt phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau trên toàn quốc, một số nhập từ Nhật Bản qua cảng Hải Phòng. Để làm ra các sản phẩm trên cần lượng nước khoảng 18.000 m3/ngày; lượng than, củi khoảng 40.000 tấn.
1. Vai trò của sự phát triển làng nghề
Làng nghề Đa Hội phát triển đã góp phần phát triển kinh tế xã hôi ở địa phương, thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, làm tăng giá trị sản xuât và tăng thu ngân sách.
Đa Hội là một trong những làng nghề đóng góp cao vào ngân sách địa phương, góp phần không nhỏ vào tổng giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh. Giá trị sản xuất của làng nghề Đa Hội, Châu Khê liên tục tăng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm từ 2005-2010 là 32,5%. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất của làng nghề là 441.273 triệu đồng. Đóng góp ngân sách cũng tăng theo mức tăng của giá trị sản xuất. Năm 2005, làng nghề Đa Hội có tổng số thuế nộp ngân sách là 5.892 triệu đồng, đến năm 2012 đã lên đến 7.325 triệu đồng11.
Thứ hai, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo quá trình vận động và phát triển, làng nghề đã có vai trò tích cực trong việc góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thu hẹp tỷ trọng của nông nghiệp, chuyển lao động từ sản xuất nông nghiệp có thu nhập thấp sang ngành phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ của địa phương chiếm 70-80% và xu hướng này ngày một gia tăng khi làng nghề ngày càng phát triển.
Thứ ba, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động (NLĐ) ở nông thôn.
Khả năng giải quyết việc làm của các doanh nghiệp làng nghề cho lao động nông thôn là rất lớn. Hiện nay, tại doanh nghiệp hộ gia đình làng nghề Đa hội có 4 -5 lao động thường xuyên và 1-2 lao động thời vụ, các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp có quy mô lớn với số lao động bình quân 10 -12 thường xuyên và 3-4 lao động thời vụ. Làng nghề không chỉ thu hút lao động trong làng mà có khả năng thu hút lao động ở các làng lân cận. Số lao động thường xuyên trong khu vực này khoảng 5.000 đến 7.000 người, trong đó lao động ở các nơi khác đến làm thuê chiếm trên 80%.
Từ chỗ có việc làm ổn định thì thu nhập của NLĐ cũng được cải thiện rõ rệt. Nơi nào có làng nghề phát triển thì nơi đó NLĐ có thu nhập cao và mức sống cao hơn ở những vùng khác. Nếu so sánh mức thu nhập thì lao động làng nghề cao hơn 4-5 lần lao động thuần nông. Thu nhập bình quân của người lao động trong làng nghề khoảng 4,0 – 7,0 triệu đồng/tháng, các ông chủ doanh nghiệp thì có khi lên đến vài trăm triệu/tháng.
Thứ tư, góp phần xây dựng cuộc sống nông thôn mới và giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp.
Cùng với sự phát triển kinh tế của làng nghề là sự thay đổi chóng mặt của bộ mặt nông thôn ngày nay. Hạ tầng cơ sở kỹ thuật của làng nghề như đường xá, cầu cống đã được bê tông hóa. 100% các hộ gia đình tại làng nghề đã có nước sạch để sử dụng, các phương tiện truyền thông đã được phủ sóng với nhà cửa khang trang, đời sống của người dân ngày càng văn minh, hiện đại, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, do có công việc ổn định với mức thu nhập khá nên các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút,.. đã giảm đáng kể.
2. Làng nghề trước vấn đề ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng
Ngoài những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội thì sự phát triển của làng nghề cũng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng dân cư nghiêm trọng.
Tại làng nghề Đa Hội, lượng chất thải rắn bao gồm xỉ than, kim loại vụn và phế liệu từ công đoạn phân loại chiếm khoảng 11 tấn/ ngày với hàm lượng kim loại rất cao (từ 3-5g/kg nguyên liệu). Bên cạnh đó, chất thải rắn còn chứa dầu mỡ, các chất khoáng với hàm lượng dao động từ 1-6mg/kg nguyên liệu. Lượng chất độc này dễ ngấm vào đất, tích tụ lâu dần sẽ làm suy thoái môi trường đất.
Nước thải ở đây có nhiệt độ cao, đặc biệt là tại xưởng cán, kéo, nhiệt độ lên tới 500độC, vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 120độC. Nước thải của phân xưởng mạ có nhiều thành phần gây ô nhiễm nhất. Giá trị PH thấp hơn TCCP, còn các thông số khác như COD, SS, hàm lượng các kim loại như Fe, Zn, Ni… lớn hơn TCCP nhiều lần. Nước thải từ các phân xưởng cán kéo và phân xưởng đúc có độ màu lớn, chứa nhiều chất lơ lửng, nồng độ Fe cao vượt tiêu chuẩn từ 1,6 đến 11,1 lần. Tại cống nước thải của cụm công nghiệp sản xuất thép Châu Khê nước thải cũng bị ô nhiễm chính bởi các thông số như độ màu vượt tiêu chuẩn 3,3 lần, SS vượt tiêu chuẩn 1,06 lần, COD vượt tiêu chuẩn 5,57 lần, Fe vượt tiêu chuẩn 2,36 lần.
Nước mặt và nước sông Ngũ Huyện Khê tại khu vực làng nghề có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao, SS vượt tiêu chuẩn 1 – 3,4 lần. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước tại cống thải chung của làng nghề thấp, thấp hơn 5 lần TCCP. Dầu mỡ trong nước sông khá cao, vượt tiêu chuẩn 1,3 – 2,2 lần. Ngoài ra, hàm lượng các ion kim loại như Fe, Zn, Cu… theo dòng thải lắng xuống trầm tích đáy sông vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước ngầm tại khu vực làng nghề có độ màu vượt tiêu chuẩn 2,8 lần, nồng độ Fe vượt tiêu chuẩn 1,92 lần. Môi trường không khí, tại khu vực ít có hoạt động sản xuất và khu vực sinh hoạt như chợ, trạm y tế vượt tiêu chuẩn trung bình 1 giờ từ 1,1 – 1,2 lần; tại khu vực dân cư có tác động của hoạt động sản xuất hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn trung bình 1 giờ từ 1,6 – 2,3 lần; trong khu vực dân cư sinh sống, nồng độ CO2, SO2 vượt tiêu chuẩn trung bình 1 giờ từ 1,05 – 1,68 lần.
An toàn và sức khoẻ của người lao động trong làng nghề không được đảm bảo. Số giờ làm việc liên tục trung bình mỗi ngày 8 – 10 giờ trong điều kiện diện tích làm việc chật hẹp, ít sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, môi trường lao động bị ô nhiễm cao. Có đến 81,7% NLĐ phải làm việc trong môi trường ồn quá mức; 71,9% NLĐ phải làm việc trong môi trường quá nhiều bụi. 84,1% NLĐ thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại, cao nhất ở nghề cán (91,4%), nghề đúc (90,5%). Trong các nhà xưởng không có sự chuẩn bị nào cho an toàn cháy nổ, mặc dù ở khắp làng đều tiềm tàng những nguy cơ gây cháy nổ do điện, lò, hoá chất, xăng, dầu v.v…. Trong các nhà mạ kẽm, các loại hoá chất độc hại (axit, muối synanua,…) không được bảo quản đúng quy định.
Tất cả các yếu tố trên tác động trực tiếp và thường xuyên tới NLĐ và dân cư trong làng nghề. Các loại bệnh thần kinh, đường hô hấp, ngoài da, khô mắt, điếc,… có tỷ lệ mắc bệnh cao, trên 60% tổng số dân cư trong khu vực làng nghề bị mắc phải. Trong số các bệnh mắc phải, khoảng 35% mắc các bệnh về hô hấp và da, các bệnh về mắt, về thính giác và bệnh xoang cũng chiếm tỷ lệ cao, khoảng 25%, và tỷ lệ phụ nữ mang thai lần đầu bị xảy thai cao nhất trên 40%. Tai nạn lao động xảy ra hàng ngày (nổ lò, điện giật, bị thương, có trường hợp chết người). Ở các lò nấu thép, xưởng mạ, sau thời gian làm việc lâu nhất là 15 năm, NLĐ buộc phải bỏ việc vì không đủ sức khoẻ để lao động.
3. Giải pháp phát triển làng nghề bền vững
“Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là chiến lược phát triển của mọi quốc gia trên thế giới hiện nay. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (1/2011) đã xác định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, theo đó quan điểm: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược”. Phát triển bền vững là quan điểm cơ bản của Đảng đối với mọi sự phát triển ở nước ta, trong đó có làng nghề. Làng nghề cần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần áp dụng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chú trọng các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt.
– Xây dựng các quy định về bảo vệ môi trường đối với làng nghề, trong đó có yêu cầu bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm dưới dạng các quy định, cam kết BVMT. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về BVMT trong cam kết BVMT của các doanh nghiệp trong làng nghề.
– Tăng cường giám sát các khu/cụm công nghiệp làng nghề hiện có và mới thành lập, yêu cầu các khu/cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý chất thải tập trung, hệ thống quản lý môi trường của khu/cụm công nghiệp làng nghề.
– Tăng cường giám sát môi trường lao động đối với doanh nghiệp mở rộng sản xuất, yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện cam kết BVMT để đảm bảo các đầu tư này theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường.
Thứ hai, quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Quy họach lại cụm Công nghiệp làng nghề Đa hội với việc xử lý chất thải tập trung và tiếp tục xây dựng cụm công nghiệp mới tại làng nghề Đa Hội để di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng ra khỏi khu dân cư. Cụm công nghiệp mới được quy hoạch tập trung cần tránh xa khu dân cư, đồng bộ mặt bằng sản xuất và kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung.
Thứ ba, triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm lượng chất thải. Tổ chức các lớp đào tạo, trình diễn thử nghiệm áp dụng sản xuất sạch hơn cho các chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề. Đối với các lò đúc, cán, ủ kim loại, cần xây dựng hệ thống xử lý bụi và khí SO2 bằng tháp rửa, dùng dung dịch nước vôi, quy định các bãi tập kết xỉ than, xỉ kim loại để sử dụng làm vật liệu san nền. Đối với những xưởng mạ kẽm cần xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải đơn giản, các thùng chứa a-xít, hóa chất mạ phải được bảo quản đúng quy định, xử lý nước thải mạ theo phương pháp kết tủa, huyền phù sau đó lắng và lọc bùn.
Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để vừa giảm lượng phát thải vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ doanh nghiệp áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất xử lý nước thải, khí thải, quản lý môi trường bằng cho vay ưu đãi hoặc giảm thuế. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng cho các chủ doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng dân cư, kết hợp với thanh tra xử phạt thích đáng đối với những trường hợp vi phạm các quy định về môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong làng nghề với việc chú trọng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
__________
9 Thuộc Phường Châu Khê, tỉnh Bắc Ninh.
10 Báo cáo phát triển kinh tế xã hội năm 2012, UBND phường Châu Khê.
11 Báo cáo phát triển kinh tế xã hội hàng năm của UBND phường Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Anh Phương (2008), Phát triển bền vững ở Việt Nam: Thực trạng và vấn đề đặt ra. Tạp chí cộng sản số 6/2008.
2. Nguyễn Trung Chánh (2010), Phát triển làng nghề Bắc Ninh theo hướng bền vững”. Tạp chí cộng sản số 7/2010.
3. Cao Thị Minh Hữu (2010), Đánh giá ảnh hưởng của môi trường lao động đến hoạt động của các doanh nghiệp tái chế kim loại – trường hợp các doanh nghiệp làng nghề Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh. Luận văn thạc sỹ kinh tế, trường ĐHKTQD Hà nội.
4. UBND phường Châu Khê, Báo cáo phát triển kinh tế xã hội năm 2005, 2010 và năm 2012.
5. UBND tỉnh Bắc Ninh (2013), Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bắc Ninh.
Nguồn: Nghiên cứu, trao đổi; Khoa học lao động và Xã hội, số 39, quý II, 2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Phát triển làng nghề tái chế kim loại Đa Hội theo hướng phát triển bền vững (Tác giả: ThS. Cao Thị Minh Hữu) |