Phong cách sáng tạo
Tác giả bài viết: Thạc sĩ PHẠM THỊ TUYẾT
(Khoa Hội Họa)
Trên hành trình đi tìm cái đẹp, người nghệ sĩ phải trăn trở, suy tư và chiêm nghiệm cuộc sống để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Không có những tấm thảm đỏ cho con đường sáng tạo mà là những chặng đường chông gai, gian khổ họ phải đi qua. Con đường ấy có thể dẫn đến khu vườn đầy hoa thơm cỏ ngọt, cũng có thể là những cánh rừng vắng lạnh, hoang vu.
Phong cách sáng tạo chính là yếu tố định hình cái riêng cho mỗi nghệ sĩ, đây là diện mạo và tiếng nói riêng của từng người tạo ấn tượng cho khán giả. Picasso nói rằng: “Mỗi lần tôi có cái gì để nói, thì tôi nói theo cách cần được nói” và cái cần được nói đó đã được Picasso thể hiện trong sáng tạo của mình bằng một phong cách không trùng lặp với bất cứ một họa sĩ nào khác. Cùng một trường phái Lập thể nhưng mỗi họa sĩ đã thể hiện hình tượng của mình với những phong cách hoàn toàn khác nhau. Hình ảnh người phụ nữ trong “ Ba người đàn bà”, dưới nét bút của Léger dùng các tập hợp những hình dạng hình học khác nhau trong những hình mẫu rất phức tạp để thể hiện, “do sự tạo hình có tính nhạy cảm nên Léger không những khắc phục cảm giác về những góc cạnh cứng, nổi trội mà còn thấm đẫm họa phẩm của ông, một không khí nữ tính” (trích Những nền tảng của Mỹ thuật). Trong khi đó, “Những cô gái ở Avignon” lại được Picasso thể hiện hoàn toàn khác hẳn – ông thể hiện các cô gái với “phong cách chính thức cho thấy cấu trúc của các vật thể trong không gian qua việc cùng lúc vẽ ra nhiều mặt nhỏ của chúng – một nguyên tắc được gọi là sự đồng thời” (trích Những nền tảng của Mỹ thuật). Chính sự khác nhau về phong cách đã cho ta một ấn tượng sâu đậm về Léger hay Picasso đầy tài năng và cá tính và cũng chính hai phong cách trên là những đại diện tiêu biểu cho trường phái Lập thể. Đây là điểm riêng và chung của phong cách cá nhân và phong cách của một khuynh hướng sáng tác.
Có thể nói rằng phong cách chính là vốn sống và bản lĩnh nghề nghiệp của người nghệ sĩ trong việc tạo cho mình một cách thể hiện riêng, trải qua quá trình lao động say mê, nghiêm túc, hết mình để sáng tạo nên nhiều tác phẩm, nhiều giai đoạn sáng tạo phong cách của người nghệ sĩ. Ngoài bút pháp riêng, còn có những nhân tố quan trọng khác như chủ đề tư tưởng, hệ thống hình tượng, độ dày vốn sống, cá tính, thị hiếu thẩm mỹ, bố cục, môtip, đề tài, chất liệu cũng như sự thống nhất giữa nội dung và hình thức của tác phẩm. Tất cả những yếu tố trên là những nhân tố cần thiết để hình thành nên người nghệ sĩ trong mọi thời đại.
Tính dân tộc và tính thời đại trong việc hình thành phong cách rất quan trọng, mỗi người nghệ sĩ trong sáng tạo của mình phải thể hiện cho được yếu tố này. Nguyễn Tư Nghiêm với một loạt tác phẩm “Gióng” là một điển hình. Chủ đề “Gióng” của ông được thể hiện bằng bút pháp linh hoạt với những đường nét kỷ hà đơn giản, khúc chiết của tạo hình hiện đại, hình ảnh dân tộc được thể hiện bằng bút pháp đầy cá tính. “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm vừa dân tộc, vừa hiện đại và hoàn toàn mang phong cách riêng của Nguyễn Tư Nghiêm.
Tạo cho mình một phong cách nghệ thuật là hết sức cần thiết của người nghệ sĩ, bởi vì nó giữ một vị trí quan trọng trong lĩnh vực sáng tạo. Với tư tưởng sáng tạo: nghệ thuật trở thành vũ khí để cải tạo đời sống và tuân theo những nguyên tắc sáng tạo mang tính dân tộc và hiện đại. Song song đó, người nghệ sĩ phải có sáng tạo riêng, nữ nghệ sĩ Ly Hoàng Ly trong các lần biểu diễn sắp đặt (Installation Art) và nghệ thuật trình diễn (Performance Art) ở nước ngoài, cô gái nhỏ trong trang phục bà ba hoặc áo dài đã tham gia vào loại hình nghệ thuật mới với một phong cách tự tin. Tác phẩm và phong cách biểu diễn của cô hoàn toàn là của nghệ sĩ Việt Nam, không thể hòa lẫn với Trung Quốc hay Thái Lan. Tham gia các loại hình nghệ thuật mới bằng một phong cách đậm tính dân tộc, Ly Hoàng Ly là một nghệ sĩ đã tạo được dấu ấn rất riêng cho mình.
Phải thật sự nhìn nhận rằng, so với nền nghệ thuật thế giới chúng ta còn phải học hỏi nhiều. Hoàn cảnh chiến tranh như sự khép cửa của nước ta trong vài chục năm trước, khiến cho nền nghệ thuật của chúng ta bị chậm bước rất nhiều, nhiều trào lưu nghệ thuật rất lạ lẫm với chúng ta. Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp nhận học hỏi cũng như thanh trừ những gì không phù hợp với điều kiện và tính cách của dân tộc. Tôi tin, các họa sĩ Việt Nam đã và đang làm như vậy, bằng chứng là nền hội họa Việt Nam trong những năm gần đây thay đổi rất nhanh, nhiều cuộc triển lãm tại quốc tế rất thành công, một thế hệ họa sĩ trẻ đầy tài năng, nhiệt huyết và trách nhiệm cũng đã hình thành. Chúng ta đang tiến đến hòa nhập vào dòng chảy chung của các nền nghệ thuật trên thế giới, một dòng chảy hội họa hoàn toàn mang phong cách Việt Nam.
Một người nghệ sĩ chân chính là người biết đi trên con đường nghệ thuật dân tộc bằng chính tài năng, bản lĩnh của phong cách cá nhân. Mỗi phong cách đẹp sẽ như một bông hoa góp phần làm vườn hoa nghệ thuật dân tộc đơm hoa kết quả – điều này tùy thuộc vào bạn, vào tôi, vào mỗi một nghệ sĩ sáng tạo Việt Nam. Tôi tin chúng ta đang đi đến phía trước là khu vườn hội họa đầy hoa thơm và quả ngọt./
Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02.2014
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Phong cách sáng tạo (Tác giả: ThS Phạm Thị Tuyết) |