Phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa và thái độ của nhân dân Thanh Hóa đối với vương triều Nguyễn

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  VŨ QUÝ THU
(Đại học Hồng Đức, Thanh Hoá)

     Có thể nói, trước khi giặc Pháp đánh chiếm Kinh đô Huế (đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5 -7-1885), mạng lưới chống Pháp đã được thiết lập trên toàn tỉnh Thanh Hóa. Chính nhờ có sự chuẩn bị tích cực như vậy nên ngay sau khi nghe tin kinh thành Huế thất thủ và vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết đưa ra vùng núi miền Tây Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước một lòng đứng dậy đánh giặc Pháp giúp vua cứu nước, phong trào yêu nước chống Pháp (Phong trào Cần Vương) của nhân dân Thanh Hóa đã được triển khai ở hầu hết các huyện trong tỉnh.

I. Tiến trình phát triển phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Thanh Hóa từ 1885- 1895 diễn ra qua hai giai đoạn: Từ 7/1885 đến đầu năm 1887 và từ 1887-1895

     Trên cơ sở phong trào chống Pháp đã được chuẩn bị từ trước, với các cuộc nổi dậy lẻ tẻ ở làng xã, các sĩ phu văn thân yêu nước đã tiến lên xây dựng các cứ điểm lớn tại ổn Lâm – Kỳ Thượng, rồi Ba Đình – Mã Cao. Thời điểm đội nghĩa quân Ổn Lâm – Kỳ Thượng và Ba Đình – Mã Cao bị đàn áp cũng là lúc kết thúc thời kỳ thứ nhất cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Thanh Hóa dưới danh nghĩa Cần Vương. Điểm mới và quan trọng nhất trong giai đoạn này là nghiên cứu về thủ lĩnh Nguyễn Ngọc Phương, với việc xây dựng căn cứ Ổn Lâm – Kỳ Thượng. Chúng tôi cho rằng Thanh Hóa thực sự đã xây dựng cơ sở kháng chiến vững chắc từ rất sớm bởi những tiền đề riêng. Phong trào ngay từ đầu đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh bao gồm người Kinh, người Thái, người Mường. Đây là giai đoạn phong trào phát triển rộng khắp ở vùng đồng bằng, ven biển, trung du, đồng thời có sự hỗ trợ của nghĩa quân Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao. Trong giai đoạn này phong trào chưa mở rộng và liên hệ với các tỉnh khác.

     1. Khởi nghĩa Hùng Lĩnh và phong trào miền Tây là bước phát triển mới của phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa. Đây là giai đoạn thứ hai của phong trào yêu nước chống Pháp ở Thanh Hóa với nhiều đặc điểm nổi bật. Kế thừa và phát huy kinh nghiệm chiến đấu của giai đoạn trước, nghĩa quân đã biết phát huy tinh thần yêu nước của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đoàn kết các dân tộc, mở rộng quy mô, lợi dụng địa hình, địa vật hiểm trở của vùng rừng núi miền Tây Thanh Hóa để tiếp tục kháng chiến chống Pháp và duy trì cuộc chiến đấu đến cuối thế kỷ XIX. Hơn suốt một thập kỷ (1885-1895) cầm quân, Cầm Bá Thước cùng các thủ lĩnh Hà Văn Mao, Hà Văn Nho… đã chiến đấu kiên cường vì cuộc sống của bản làng và đồng bào các dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu đầy đau thương mất mát, có lúc những người trong gia đình bị bắt trói, đánh đập, giết hại, nhưng các ông đã biến đau thương thành hành động cứu nước. Đến phút cuối cùng, kẻ địch hòng lấy chức quyền, vật chất để dụ dỗ, mua chuộc, nhưng các ông đều kiên quyết từ chối. Xuất phát từ mục tiêu chung, trong những ngày tháng cuối của cuộc kháng chiến, những thủ lĩnh và nghĩa quân đã liên kết với các đội nghĩa quân ngoài tỉnh, nhất là với các cánh quân của Đốc Ngữ, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc… dưới sự che chở, ủng hộ của nhân dân nhằm mở rộng phạm vi hoạt động, củng cố sức mạnh của cuộc kháng chiến. Nhân dân các dân tộc miền núi Thanh Hóa: Mường, Thái, Dao… đã có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân Ba Đình, Hùng Lĩnh và là lực lượng kháng chiến chủ yếu khi phong trào chuyển lên miền núi Thanh Hóa. Đây là một trong những yếu tố căn bản để duy trì phong trào chống Pháp, đồng thời thể hiện vai trò của nhân dân các dân tộc ít người trong phong trào chung của cả nước… Sự hiện diện của Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Hà Văn Nho… trong phong trào là bằng chứng sinh động thể hiện tinh thần yêu nước, sự gắn bó đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của nhân dân miền núi Thanh Hóa trước nạn ngoại xâm.

     2. Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Thanh Hóa từ 1885 – 1895 bùng nổ sớm, diễn ra trên diện rộng, kéo dài liên tục và bền bỉ, càng về sau quy mô càng lớn, bao quát hầu khắp các địa bàn trong tỉnh Ngay từ đầu, phong trào diễn ra trên diện rộng: đồng bằng, miền biển và miền núi. Phong trào kéo dài liên tục và bền bỉ, càng về sau càng lớn được thể hiện ở giai đoạn từ 1887-1895. Điểm đặc sắc là trong khi các phong trào ở đồng bằng, trung du tan vỡ thì phong trào miền Tây Thanh Hóa lại càng phát triển, liên kết ngày càng chặt chẽ với các phong trào ở cả trong và ngoài tỉnh. Nhân tố quyết định sự bùng nổ đều khắp và sức sống mãnh liệt của phong trào là tinh thần yêu nước mạnh mẽ, ý chí chiến đấu kiên cường, sức mạnh hùng hậu của nhân dân Thanh Hóa hết lòng ủng hộ nghĩa quân.

      3. Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX là một trong những trung tâm tiêu biểu của phong trào yêu nước chống Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước, đã góp phần ngăn cản quá trình xâm lược và bình định quân sự của Pháp ở Việt Nam Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, văn thân đã bùng nổ mạnh mẽ, quyết liệt, góp phần cùng nhân dân cả nước làm chậm quá trình bình định quân sự và tiến hành khai thác bóc lột trên quy mô lớn của chúng. Phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một trong những trung tâm tiêu biểu cho cả nước. Thanh Hóa có vị trí chiến lược rất quan trọng, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, là đất “quý hương” của nhà Nguyễn, có sự chuẩn bị chống Pháp từ trước, đã hăng hái giáng trả thực dân Pháp khi chúng tấn công vào đất Thanh.

     Cuộc chiến đấu diễn ra suốt 10 năm (1885-1895) với các tên tuổi như Nguyễn Ngọc Phương, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Hà Văn Nho… không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa mà còn là niềm tự hào của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đang bôn ba hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước đã tỏ lòng khâm phục Tống Duy Tân – một trong những thủ lĩnh của phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa và đã lấy Ba Đình – một căn cứ chống Pháp tiêu biểu của phong trào này đặt tên cho quảng trường ở Hà Nội – nơi ngày 2/9/1945, diễn ra Lễ Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

     Tuy các cuộc khởi nghĩa, các phong trào cuối cùng bị thất bại do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chi phối của yếu tố thời đại, của ý thức hệ phong kiến, cũng như những hạn chế về tổ chức lượng lực và phương pháp tác chiến. Mặc dù vậy, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Thanh Hóa (1885-1895) có một giá trị không nhỏ trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc cuối thế kỷ XIX.

     4. Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Thanh Hóa là sự kế thừa và phát triển truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng

     Phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và ý thức dân tộc cao cả, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu từ rất sớm, trước khi quân Pháp kéo tới (11-1885). Để tổ chức chống Pháp, nhân dân đã sử dụng nhiều phương thức tiến hành kháng chiến, thể hiện nghệ thuật quân sự độc đáo và tính nhân dân sâu sắc. Mặc dù thất bại, nhưng phong trào đã thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân các dân tộc Thanh Hóa, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc. Bằng tinh thần chiến đấu ngoan cường, các chiến sĩ Cần Vương để lại cho các thế hệ sau những tấm gương sáng chói về sự hy sinh cao cả vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, về khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù hung bạo. Phong trào đã chứng minh tinh thần đoàn kết bền vững của các dân tộc xứ Thanh trong sự nghiệp dấu tranh dựng nước và giữ nước. Chính trong máu lửa, ý chí kiên cường bất khuất, lòng căm thù giặc, tinh thần yêu quê hương đất nước của người xứ Thanh càng sáng ngời. Truyền thống và tinh thần đó đã tạo nên sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, là cơ sở để nhân dân Thanh Hóa bước vào thời kì đấu tranh giải phóng dân tộc sau này dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản quang vinh.

     Tuy chưa giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng phong trào đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng, tinh thần yêu nước, lòng quả cảm trung kiên xả thân vì nền độc lập dân tộc, là niềm cổ vũ lớn lao cho lớp người sau tiếp bước đi tìm con đường đấu tranh đúng đắn để hoàn thành sự nghiệp cứu nước mà thế hệ Cần Vương còn đang dang dở.

     Giá trị cao đẹp của phong trào Cần Vương cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng chính là ở đó.

II. Thái độ của nhân dân Thanh Hóa đối với vương triều Nguyễn

     1. Các lãnh tụ yêu nước ở Thanh Hóa đã chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng chống thực dân Pháp khi chúng chiếm Thanh Hóa

     Các Hiệp ước năm Quý Mùi (25-8-1883), rồi năm Giáp Thân (6-6-1884) được ký kết giữa Triều đình Huế với thực dân Pháp đã đánh dấu sự đầu hàng của toàn bộ giai cấp phong kiến Việt Nam trước sự tấn công hung bạo của tư bản Pháp, đồng thời cũng xác lập quyền đô hộ lâu dài của chúng trên toàn bộ đất nước ta. Trước và sau đó, quân đội viễn chinh Pháp đã dày xéo lên hầu khắp các vùng của đất nước từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, kể cả hai tỉnh liền kề Thanh Hóa là Ninh Bình (ở phía Bắc) và Nghệ An (ở phía Nam), nhưng Pháp vẫn chưa tới Thanh Hóa. Tại sao giặc Pháp lại không chiếm ngay tỉnh Thanh Hóa vốn đất rộng, người đông, lại nằm ngay trên trục đường giao thông Bắc – Nam rất thuận lợi cho việc hành quân của chúng? Phải chăng chúng ngần ngại đưa quân vào một địa phương có đông đảo văn nhân, sĩ phu yêu nước, một lực lượng mà chúng biết trước sẽ là đối thủ quyết liệt của chúng, địa phương đó lại là đất khởi nghiệp của triều Nguyễn với ông vua trẻ Hàm Nghi – linh hồn của phong trào chống Pháp trong cả nước và được Tôn Thất Thuyết vốn có nhiều quan hệ mật thiết với những người yêu nước tỉnh Thanh Hóa hết lòng phụ tá? Các lý do trên đều đúng, nhưng quan trọng hơn cả là vì thông qua các hoạt động điều tra bí mật lâu dài của Pháp, chúng biết Thanh Hóa đã có sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết đã đặt nhiều kỳ vọng vào Thanh Hóa, được thể hiện trong chiếu Cần Vương lần thứ hai ban hành ngày 19/9/1885 tại sơn phòng Phú Gia, Ấu Sơn (Hương Khê, Hà Tĩnh). Hàm Nghi đã chỉ thị cho quan lại, binh sĩ và dân chúng Thanh Hóa: “Khi nào trừ khử được chúng (chỉ giặc Pháp – TG) thì đến gặp Trẫm. Trẫm sẽ đóng đô tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là một địa điểm quý”1.

     Thực vậy, nhân dân Thanh Hóa với truyền thống yêu nước mạnh mẽ và ý thức cảnh giác cao đã chuẩn bị lực lượng chiến đấu từ rất sớm trước khi quân Pháp kéo tới thể hiện ở các sự kiện:

     Từ năm 1879, Tôn Thất Thuyết khi về dưỡng bệnh tại tỉnh lỵ Thanh Hóa đã bắt liên lạc với những người tâm huyết trong tỉnh và đã có kế hoạch xây dựng cơ sở kháng chiến ở tỉnh này. Tiến sĩ Tống Duy Tân (Nghè Bồng) đã được Tôn Thất Thuyết đặc cách bổ dụng chức Đốc học Thanh Hóa, rồi Chánh sứ sơn phòng ở Quảng Hoá để lo liệu việc tuyển mộ quân lính, tích trữ lương thực, chuẩn bị chống Pháp. Tôn Thất Thuyết còn phái Đề đốc Trần Xuân Soạn là một tướng lĩnh xuất sắc và thân cận dưới quyền, quê làng Thọ Hạc là nơi sở tại tỉnh lỵ đóng, về trực tiếp chỉ đạo phong trào Cần Vương trong toàn tỉnh. Chính trong thời gian này, Tôn Thất Thuyết đã có cơ hội tiếp xúc với Cầm Bá Thước, một thủ lĩnh của đồng bào Thái trên núi rừng Thường Xuân của miền Tây Thanh Hóa, và giữa hai người có sự tâm đầu ý hợp với nhau trong nhiệm vụ cứu nước.

     Tôn Thất Hàm (em Tôn Thất Thuyết) đang là tri phủ Nông Cống, khi có chiếu Cần Vương liền từ bỏ chức quan trở về sơn phòng Quảng Trị bắt liên lạc với triều đình kháng chiến và sau đó được cử ra đánh giặc ở Nông Cống…

     Sau cuộc tập kích thành Thanh Hóa, tháng 3 năm 1886 nghĩa quân họp tại Bồng Trung (ngày 4 tháng 5 năm Bính Tuất) dưới sự chỉ đạo của Tôn Thất Thuyết, nhằm thống nhất kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động, phối hợp chiến đấu trong toàn tỉnh. Tại hội nghị này, những người lãnh đạo phong trào đã thống nhất ý kiến phải nhanh chóng xây dựng Thanh Hóa thành một căn cứ vững chắc cho phong trào chung của toàn quốc. Căn cứ Ba Đình (Nga Sơn) được hội nghị quyết định giao cho Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng đứng ra xây dựng nhằm bảo vệ “cửa ngõ” miền Trung và làm bàn đạp toả rộng ra đánh địch ở đồng bằng. Trần Xuân Soạn và Hà Văn Mao cũng được cử phụ trách chỉ đạo xây dựng đồn Mã Cao (Yên Định) hỗ trợ Ba Đình thiết lập một hành lang nối liền hoạt động của nghĩa quân suốt từ vùng ven biển lên tận miền núi Thanh Hóa. Có thể nói, trước bùng nổ cuộc binh biến ở kinh đô Huế (đêm 4 rạng sáng 5/7/1885), mạng lưới chống Pháp của Thanh Hóa đã được thiết lập trên toàn tỉnh. Trên cả ba vùng đồng bằng, miền biển và miền núi, đâu đâu cũng có cơ sở kháng chiến, sẵn sàng đối phó khi quân thù tới. Tuy nhiên, các vùng đồng bằng và trung du là nơi có phong trào phát triển mạnh hơn. ở Huyện Hà Trung có Lãnh Toại (Nguyễn Viết Toại), Lãnh Phi (Đỗ Văn Quýnh); huyện Đông Sơn có Tán Tháo (Lê Khắc Tháo). Suốt cả một vùng tả ngạn sông Mã, từ Yên Định lên Vĩnh Lộc và mở rộng cả tới Thạch Thành, Cẩm Thủy, tiếp giáp với các châu miền núi, nghĩa quân Tống Duy Tân và Cao Điển đóng bản doanh tại Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc) cũng đẩy mạnh hoạt động. Ở miền biển đã có các trung tâm kháng chiến khá mạnh, sẵn sàng đánh địch khi chúng tới: Hậu Lộc với đội quân Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt; tại Hoằng Hóa có đội quân của Nguyễn Đôn Tiết, Lê Trí Trực, Lê Khắc Quýnh; ở Tĩnh Gia có nghĩa quân của Nguyễn Phương; Quảng Xương với đội quân của Đỗ Đức Mậu, Nguyễn Ngọc Lưỡng. v.v…Trong khi đó, nghĩa quân miền núi dưới sự chỉ huy của Hà Văn Mao ở Quan Hóa cũng ráo riết chuẩn bị lực lượng để hành động, có sự kết hợp khá chặt chẽ với phong trào chống Pháp dưới miền xuôi. Từ những phong trào đấu tranh tự phát, nhỏ lẻ ở các làng xã tiến lên có sự chỉ huy chung, sự chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức dần dần chặt chẽ hơn. Đó là điều kiện để nhân dân các dân tộc Thanh Hóa bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù.

     Nhân dân Thanh Hóa thông qua những văn thân, sỹ phu yêu nước của mình đã hiểu rõ âm mưu xâm lược của thực dân Pháp nên đã có sự chuẩn bị, khi có chiếu Cần Vương họ đã vùng lên với tinh thần yêu nước quật khởi, đã thành truyền thống, đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

     2. Thái độ của nhân dân Thanh Hóa đối với triều Nguyễn còn được thể hiện trong hoạt động chống thực dân Pháp

     a. Phong trào kéo dài liên tục và bền bỉ, càng về sau qui mô càng lớn

     Trên cơ sở phong trào được thiết lập từ trước, và từ các cuộc nổi dậy lẻ tẻ, các sĩ phu văn thân yêu nước ở Thanh Hóa đã tiến lên xây dựng các cứ điểm lớn tại ổn Lâm – Kỳ Thượng, rồi Ba Đình – Mã Cao. Đó là một quá trình phát triển từ nhỏ đến lớn, từ đấu tranh tự phát của quần chúng nhân dân ở vùng phía Nam Thanh Hóa đã nhanh chóng mở rộng ra các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn… và đỉnh cao là khởi nghĩa Ba Đình – Mã Cao. Có thể nói, đội nghĩa quân Nguyễn Phương với căn cứ Ổn Lâm – Kỳ Thượng là cuộc đấu tranh nổ ra sớm nhất ở tỉnh Thanh trước đây chưa được phát hiện. Còn khởi nghĩa Ba Đình là đỉnh cao của cuộc đấu tranh yêu nước thời kỳ thứ nhất của nhân dân Thanh Hóa dưới danh nghĩa Cần Vương. Kế thừa và phát triển cuộc khởi nghĩa Ba Đình, nhân dân Thanh Hóa không sợ hy sinh, gian khổ, vượt qua thời kỳ khủng bố kéo dài của thực dân Pháp. Tiếp sau khởi nghĩa Ba Đình, khởi nghĩa Hùng Lĩnh là cột mốc đánh dấu giai đoạn phát triển mới của phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa này không chỉ chứng minh tính liên tục và bền bỉ của phong trào mà còn liên kết các lực lượng trong và ngoài tỉnh, đưa phong trào đấu tranh phát triển lên một bước mới, trên cơ sở tập hợp và thống nhất lực lượng nghĩa quân ở hầu khắp các huyện đồng bằng và miền núi tỉnh Thanh Hóa, trong hoàn cảnh Pháp đàn áp rất dã man. Tiếp bước đội quân Hùng Lĩnh, đồng bào các dân tộc khắp miền Tây Thanh Hóa chủ động và tích cực đứng lên chiến đấu, d-ới sự chỉ huy tối cao của Cầm Bá Thước. Suốt hơn một thập kỷ cầm quân (1885-1895), Cầm Bá Thước cùng các thủ lĩnh Hà Văn Mao, Hà Văn Nho… đã chiến đấu kiên cường vì cuộc sống của bản làng và đồng bào các dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong khi tiếng súng Cần Vương chống Pháp ở các tỉnh ngoài Bắc, trong Nam, kể cả phong trào khởi nghĩa Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đã dần dần lắng xuống thì cuộc kháng chiến ở miền núi Thanh Hóa vẫn phát triển mạnh và càng đến giai đoạn cuối, phong trào càng diễn ra quyết liệt biểu hiện bằng hàng loạt các trận chiến đấu qui mô lớn của nghĩa quân Tống Duy Tân, Cao Điển, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Hà Văn Nho… Điều đáng chú ý nữa là trong những năm cuối cùng, phong trào kháng chiến có xu hướng mở rộng lực lượng và địa bàn hoạt động, trên cơ sở móc nối và đặt quan hệ phối hợp với lực lượng yêu nước chống Pháp ở các tỉnh xung quanh. Đội quân Hùng Lĩnh vào giai đoạn cuối đã phải rút lên hoạt động ở miền núi với phương châm dựa vào rừng sâu mà giữ, “quân Pháp đến thì đi, quân Pháp đi lại về”. Nhưng chính trong thời gian này nghĩa quân bắt đầu liên hệ và phối hợp chiến đấu với đội quân kháng chiến của Đề Kiều, Đốc Ngữ ở vùng hạ lưu sông Đà. Việc làm đó giúp cho đội quân Hùng Lĩnh càng có điều kiện mở rộng lực lượng, nâng cao thanh thế và duy trì cuộc chiến đấu của mình. Cho tới năm 90 của thế kỷ XIX, ở Thanh Hóa chỉ còn thủ lĩnh Cầm Bá Thước là người đứng đầu quân thứ 15 của Phan Đình Phùng đang tiếp tục hoạt động tại vùng núi Thường Xuân. Trước yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến chống Pháp, Cầm Bá Thước đã chủ động liên hệ và phối hợp tác chiến với Đốc Hạnh và Đốc Thiết, là hai thủ lĩnh của đồng bào miền núi Nghệ An, tạo thành một phong trào kháng chiến liên hoàn bao quát hầu khắp các huyện miền núi hai tỉnh.

     Sự bùng nổ, kéo dài liên tục, trên khắp các địa bàn chiến lược và thu hút được lực lượng đông đảo nhân dân địa phương tham gia là một đặc điểm tiêu biểu của phong trào chống thực dân Pháp ở Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX, tỏ rõ thái độ của nhân dân Thanh Hóa kiên quyết chống thực dân Pháp.

     b. Sự ủng hộ hết lòng của nhân dân và sức sống mãnh liệt của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp ở Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX đã tỏ rõ thái độ không khoan nhượng với kẻ thù

     Chính Thanh Hóa đã sản sinh và che chở rất nhiều chiến sĩ Cần Vương, một số người đã nổi danh vì tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng bất khuất. Không giống như những vùng ở phía Bắc, Thanh Hóa có những nhóm khởi nghĩa đặc biệt, những đội cảm tử quân chống Pháp. Tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường, sức mạnh đoàn kết truyền thống yêu nước, yêu bản làng của nghĩa quân và nhân dân Thanh Hóa được hòa quyện vào nhau. Còn ở phía Bắc thì như David Marr đã chỉ rõ lại “có đủ loại phe nhóm, trong đó có những nhóm Thiên – Địa, các nhóm sắc tộc Thái, các đội quân người Hoa, các đội quân biệt phái người Pháp, các nhóm quân công giáo, những nhóm phò Lê, các nhóm quân sơn cước, một số được triều đình Huế trả lương, một số khác do người Pháp, số thứ ba do tổ chức chính trị ở Trung Quốc hoặc Việt Nam hỗ trợ”1. Đó cũng là đặc điểm khác biệt khi nghiên cứu phong trào yêu nước chống Pháp ở Thanh Hóa so với các tỉnh phía Bắc. Đối với nhân dân, nghĩa quân Cần Vương không phải là những người xa lạ. Họ không phải là ai khác mà chính là con, em, chồng, cha, anh của họ, chỉ có những kẻ làm tay sai cho thực dân Pháp chống lại nhân dân, dân tộc mới là kẻ thù của họ… Nhân dân và các nhà lãnh đạo đều có chung một mục đích là chiến đấu chống thực dân Pháp vì độc lập dân tộc và tự do của nhân dân.

     Nhân dân các dân tộc miền núi Thanh Hóa (Mường, Thái, Dao…) đã có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân Ba Đình, Hùng Lĩnh và là lực lượng kháng chiến chủ yếu khi phong trào chuyển lên miền núi Thanh Hóa. Đây là một trong những yếu tố căn bản để duy trì phong trào chống Pháp, đồng thời thể hiện vai trò của nhân dân các dân tộc ít người trong cuộc đấu tranh chung của cả nước. Sự hiện diện của Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Hà Văn Nho… trong phong trào là bằng chứng sinh động thể hiện tinh thần yêu nước, sự gắn bó và đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Quân thù đã dùng súng đạn, sắt lửa để chống trả, bao nhiêu làng xóm bị tàn phá, bao nhiêu đền chùa bị đốt trụi, bao nhiêu người yêu nước bị giết, cắt đầu cắm cọc ở đầu làng, bị treo cổ ở ngọn cây. Thậm chí quân Pháp và bọn tay sai còn đào mồ mả của nghĩa quân quăng xuống sông, giết hại trẻ nhỏ, nhưng nhân dân không khiếp sợ vẫn một lòng với nghĩa quân, vì mục đích chung đã xác định.

     Quá trình chiến đấu bền bỉ và mạnh mẽ trong những năm 1885 – 1895 của nghĩa quân Thanh Hóa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, ý chí bền vững và sự ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân. Trong máu lửa, ý chí kiên cường bất khuất, lòng căm thù giặc, tinh thần yêu quê hương đất nước của người dân xứ Thanh càng toả sáng.

     c. Thái độ của nhân dân Thanh Hóa đối với triều Nguyễn còn được thể hiện trong sự đánh giá của đối phương và các học giả nước ngoài về tinh thần chống thực dân Pháp

     Nhận xét về phong trào yêu nước chống Pháp ở Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX, Giám mục Puginier đã nhấn mạnh rằng:

     “…Đây là một phong trào chống lại nước Pháp. Nó được hợp thành từ các viên quan đương chức cũng như đã về vườn, các sĩ phu và những người tai mắt. Thật tai hại cho người Pháp, những người đánh giá rất cao sự chân thật của các quan chức mà họ đang dùng. Puginier khẳng định rằng tâm điểm của cuộc kháng chiến là ở Thanh Hóa ngay cả khi tỉnh này trở nên yên tĩnh. Từ Thanh Hóa, ông quả quyết, các đội quân đã được phái tới khắp nơi ở Bắc Bộ”1.

     Những đánh giá của các học giả nước ngoài và bản thân những người tham gia chiến trận – người Pháp – thừa nhận Thanh Hóa là cuộc đối đầu Pháp – Việt cho đến tận giữa những năm chín mươi của thế kỷ XIX.

     “Việc bắt vua Hàm Nghi vào mùa thu 1888 cũng chỉ ngăn chặn được phong trào khởi nghĩa một cách tạm thời. Ngay trong cả “khủng bố trắng” trong năm 1887 đặc biệt tàn khốc ở Thanh Hóa và Nghệ An cũng không thể tiêu diệt được phong trào Cần Vương. Trong năm 1889, vùng chung quanh Hà Nội là sự bất an, 15 lính Pháp đã bị giết ở ngoại ô thành phố trong tháng Giêng năm đó, và cả cảnh binh Việt Nam ở khắp Trung Kỳ và cả Bắc Kỳ cũng bị tấn công liên tục”2.

     Tiến sĩ sử học Nina S. ADAMS đã viết: “Mọi người Việt Nam đã được kêu gọi tham gia phong trào, và lời hiệu triệu đã liệt kê các tầng lớp người bán thịt, bán cá, những sĩ phu, học giả, những quan chức đang thực thi phận sự cũng như chưa được bổ nhiệm, những con em các gia đình công chức, những sĩ tử đã trải qua hoặc chưa trải qua kỳ thi, các lý trưởng, chánh tổng, v.v…Mục tiêu của kháng chiến là cầu cống, đường dây liên lạc, nói cách khác là những thứ mà người Pháp phải tốn tiền xây dựng và thiếu chúng thì việc tác chiến sẽ gặp trở ngại. Chiếu Cần Vương đã được hưởng ứng”3.

     Hơn thế nữa, trước đó vào năm 1889, Deveria, người phát ngôn của Toàn quyền, đã gửi thư về Paris một tập tài liệu viết bằng tiếng Hán cổ, vào khoảng năm 1887-1888, đã kết luận rằng:

      ” Quân An Nam không đơn thuần là bọn giặc cỏ mà là một đội quân có tổ chức, tự coi là đội quân An Nam với những đơn vị chính quy. Những người này trực tiếp nhận lệnh từ Tôn Thất Thuyết, cậu của Hàm Nghi… Họ nói về “sự nghiệp Cần Vương”, tự gọi là “Đảng quốc gia” và coi quyền lợi của dân chúng là mục tiêu của chính họ, và do đó phải tiêu diệt quân Pháp”1.

     Sự phát triển phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung đã làm cho chính quyền thực dân lúng túng, đẩy mâu thuẫn giữa phái quân sự và dân sự ngày càng tăng. ” Báo chí thỉnh thoảng cũng đưa tin về cuộc chiến kéo dài giữa các quan chức quân sự, những người chịu trách nhiệm “bình định”. Cả hai nhóm người này thường xuyên chửi bới các chính sách của chính quyền cũng như chửi bới lẫn nhau về việc “lấn sân” và việc bày ra những biện pháp có thể dẫn tới thảm họa. Cánh quân sự buộc tội cánh dân sự về việc xen vào những vấn đề thuần túy quân sự và do đó làm chậm quá trình bình định”2.

      Đó chính là vị trí, tác dụng của phong trào Cần Vương chống Pháp của cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng.

     d. Thái độ của nhân dân Thanh Hóa đối với triều Nguyễn còn được thể hiện trong tính chất của phong trào chống thực dân Pháp

     Tính chất nhân dân trước hết được thể hiện ở thành phần, lực lượng hưởng ứng tham gia. Họ không phải là ai khác mà là những người dân nghèo ở các làng quê. Tính chất nhân dân còn được thể hiện ở vũ khí chiến đấu. Giáo mác là vũ khí chủ yếu, thậm chí giáo bằng răng bừa, “giặc đến tháo bừa lấy răng làm giáo, giặc đi tháo giáo lắp bừa làm ruộng”. Nghĩa quân Nông Cống còn được mệnh danh là đội quân “đòn ống” nhưng đã góp phần quyết định trong trận đánh úp thành Thanh Hóa (12/3/1886). Tính nhân dân còn thể hiện trong phương pháp tác chiến du kích. Địa giới không ngăn cách việc đánh giặc: Nông Cống, Như Xuân (Như Thanh và Như Xuân hiện nay), Tĩnh Gia, Quảng Xương, Đông Sơn, Hà Trung, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thường Xuân… đều chung sức chiến đấu. Người Kinh, người Mường, người Thái chung lưng đấu cật chống quân thù để bảo vệ quê hương, bản làng. Núi sông, cây cỏ, cái cầu, con đò… cũng hỗ trợ nhân dân nổi dậy giết giặc. Mỗi làng đều có cứ điểm phòng thủ: Ngọc Tháp có lũy tre, hầm chông; Vân Động, Ổn Lâm – Kỳ Thượng, Mã Cao có sông suối sâu; Ba Đình có Ba Làng; Thường Xuân có Trịnh Vạn, Bù Đồn… với rừng tre gai, lau phủ dày đặc, địa hình hiểm trở… Tất cả làng xóm của xứ Thanh đều là cơ sở của nghĩa quân, là nơi cất dấu quân lương, rèn sắm vũ khí, luyện tập quân sự, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đình, chùa, nghè, miếu… là nơi đóng quân, quyên góp lương thực, nơi họp bàn quốc sự quân cơ.

     Đúng như nhận xét một học giả nước ngoài, Tiến sĩ Nina S.ADAMS: “Sức mạnh của Cần Vương xuất phát từ chính tính địa phương và vì vậy đã để lộ ra chiều sâu của lòng yêu nước, một thứ luôn làm người Pháp bất ngờ và tức tối. Trong tâm trí, nhiều sĩ quan Pháp cho rằng đối thủ của họ đơn thuần là “giặc cỏ”, trộm cướp hoặc là kẻ sát nhân mà dân chúng sẵn sàng giao nộp. Giờ đây sẽ là thừa nếu viết quá nhiều về ý nghĩa của việc ủng hộ của dân chúng đối với phong trào du kích. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó đã từng tồn tại và được hai phía thừa nhận là có tầm quan trọng sống còn”1.

     Tính chất dân tộc được thể hiện ở chỗ:

     Một là, lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX ở Thanh Hóa chủ yếu là các văn thân, sĩ phu, các thủ lĩnh của đồng bào dân tộc miền núi. Họ là người có địa vị xã hội nhất định, rõ hơn là những chức sắc quan viên, và là thành phần hữu sản giàu có. Nếu chỉ vì địa vị xã hội, vì sự giàu có vinh thân phò gia thì họ sẵn sàng thỏa hiệp, cộng tác hay cúi đầu làm tay sai cho thực dân Pháp. Trong thực tế, Pháp đã tung ra thủ đoạn xảo quyệt bằng cách bắt bớ giam giữ cha mẹ, vợ con họ, mang tiền bạc chức tước bổng lộc, dụ dỗ, ban phát cho họ (như Cầm Bá Thước, Tống Duy Tân, Nguyễn Đôn Tiết…). Nhưng họ không những không chấp nhận mà còn tương kế, tựu kế lừa giặc, vừa cứu được nhà vừa tiêu hao lực lượng địch. Trường hợp Tri huyện Nông Cống Tôn Thất Hàm, Tri phủ Đoan Hùng Lê Ngọc Toản, Tri phủ Bắc Ninh Hoàng Bật Đạt và bao trường hợp khác nữa bỏ hết quan chức, rời nhiệm sở trở về quê tổ chức xây dựng lực lượng kháng Pháp. Mặc dù họ đã định làm việc ấy tại nơi trị nhậm, nhưng thuộc hạ chống đối không theo. Thế họ vì cái gì, nếu như không phải là lòng yêu nước, không phải vì quê hương xứ sở, không phải vì nòi giống Việt Nam? Tựu chung lại là vì sự tồn vong của dân tộc.

     Hai là, Lòng yêu nước của nhân dân ta nói chung và nhân dân Thanh Hóa nói riêng đã kết thành truyền thống, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy bật dậy mạnh mẽ, phi thường. Có lẽ trong bất cứ một sự kiện lịch sử nào của cả dân tộc từ xa xưa cho đến thời hiện đại đều có sự tham gia và góp phần xứng đáng của nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh. Nhân dân Thanh Hóa đã vùng dậy với tinh thần yêu nước quật cường, trước hoạ xâm lăng của thực dân Pháp, phải chăng là khởi nguồn, cộng hưởng với chủ trương của các nhà lãnh đạo và chung tay mang lá cờ dân tộc độc lập vươn cao. Sự bắt gặp, sự hội tụ ấy giữa hai lực lượng tổ chức, lãnh đạo và lực lượng hưởng ứng tham gia, tất yếu sẽ làm bùng nổ phong trào kháng Pháp mạnh mẽ dưới ngọn cờ dân tộc. Từng ấy sự lý giải, chứng minh đủ để khẳng định rằng phong trào chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX của nhân dân Thanh Hóa mang tính nhân dân, tính dân tộc rõ nét, đồng thời cũng tỏ rõ thái độ ủng hộ sâu sắc chiếu Cần Vương.

     Tuy nhiên, cũng cần phải lý giải thêm về sự hưởng ứng chiếu Cần Vương. Khi chiếu Cần Vương lần một được ban ra tại Sơn Phòng, Quảng Trị (ngày 13-7-1885), hơn ai hết, những người như Tiến sĩ Tống Duy Tân, án sát Ngô Xuân Quỳnh, Phạm Bành… những ông cử hay nho sinh trí thức, mang nặng tư tưởng trung quân, ái quốc của Nho gia lập tức hưởng ứng ngay. Còn những kẻ run sợ lẩn trốn, tìm nơi ẩn hay quay lưng nối giáo cho giặc không phải là đối tượng để bàn, vì đã bất trung lại còn bất ái. Nếu vậy, phải chăng phong trào mà họ lãnh đạo chỉ là sự nghiệp phò vua giúp nước một cách thuần tuý, thực hiện chức phận làm quan, làm bề tôi trung? Trong trường hợp này không thể hiểu như vậy được. Phải thừa nhận rằng trước hết họ là những người bề tôi trung thực sự, vì vị Vua mà họ “trung” thuộc phe chủ chiến trong triều đình Huế. Nhưng nếu hiểu như vậy, thì sẽ lý giải ra sao khi vua Hàm Nghi đã bị bắt (1888), bị phế truất đi rồi, thì họ “trung” với ai (?) mà vẫn một lòng một dạ cùng nhân dân chiến đấu đến cuối cùng chứ không chịu khuất phục đầu hàng giặc. Họ trung quân và ái quốc, trong họ có lòng trung, nhưng không mù quáng bởi lòng ái quốc thương dân, cao hơn là yêu nòi giống, quân với quốc bây giờ là một, tức là quê hương, đất nước, nhân dân cũng có nghĩa là dân tộc. Bên cạnh tính chất dân tộc và nhân dân, phong trào vẫn không thoát ra ngoài phạm trù phong kiến…

     Mặc dù vậy, tinh thần chiến đấu quả cảm của các sĩ phu, văn thân trong phong trào kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX nói chung và Thanh Hóa nói riêng đáng để cho các thế hệ hậu sinh kính phục, trân trọng và tự hào.

     Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và phong trào Cần Vương của cả nước nói chung đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ về mặt văn hóa vật thể và phi vật thể, đòi hỏi phải được gìn giữ và phát huy trong mục tiêu xây dựng cuộc sống hôm nay.

      Nhằm gìn giữ và phát huy sự nghiệp vẻ vang của nhân dân Thanh Hóa trong phong trào giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX, cần tiếp tục giáo dục, bồi đắp và phát huy tinh thần độc lập tự chủ cho các thế hệ thanh niên trong điều kiện lịch sử mới, với những phương pháp mới. Đồng thời, cần triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về phong trào yêu nước chống Pháp xâm lược giai đoạn từ 1858 đến 1897 trong cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng (vì Thanh Hóa là địa bàn tiêu biểu) để góp phần tổng kết cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hơn một thế kỷ (1858- 1975).

      Bảo tồn và phát huy tốt các di tích, nhà trưng bày, giáo dục các tấm gương trong phong trào Cần Vương chính là bảo tồn di sản văn hóa quý giá của dân tộc, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, theo định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

__________
1 Đinh Xuân Lâm, Trịnh Nhu (1985), Từ Ba Đình đến Hùng Lĩnh, Nxb Thanh Hóa, tr 12.

1 Luận án tiến sỹ sử học của Nina S. ADAMS (1978), Kết quả bình định Thanh Hóa dưới chế độ thực dân Pháp (1858-1908), Đại học Yale, Hoa kỳ. Bản dịch đánh vi tính, thư viện trường Đại học Hồng Đức, gồm phần mở đầu, mục lục, chương 3 gồm 59 trang; tr.6.

1 Sđd, tr 50.

2 Sđd, tr. 47.

3 Sđd, tr .47.

1 Sđd, tr. 51.

2 Sđd, tr . 53.

1 Sđd, tr. 5.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa và thái độ của nhân dân Thanh Hóa đối với vương triều Nguyễn (Tác giả: TS. Vũ Quý Thu)