Quá trình hình thành và phát triển CHỢ ở miền ĐÔNG NAM BỘ – Phần 1: Chợ Biên Hòa


LÊ QUANG CẦN
(NCS chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Vinh)

1. Khái quát miền Đông Nam Bộ

     Miền Đông Nam Bộ (ĐNB) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 23590,8 km2, dân số 15.459.600 người, mật độ dân số 655 người/km2 vào thời điểm 2013. Miền ĐNB có 6 tỉnh thành: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Phía bắc – tây bắc giáp Campuchia, phía nam giáp Biển Đông, phía tây giáp đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông – đông nam giáp tây nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

     Trong quá khứ, ĐNB là điểm dừng chân đầu tiên của lưu dân Việt trên bước đường ‘tha hương cầu thực” mở nước về phương Nam. Từ đầu thế kỷ XVII, di dân người Việt đến khai phá và định cư ở vùng đồng bằng ven biển, ven sông Bà Rịa – Vũng Tàu và trở thành chủ nhân của khu vực này. Bởi vì,“Bà Rịa là ở đầu biên giới trấn Biên Hoà, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ ở phía bắc có câu ngạn rằng: “Cơm Nai – Rịa, cá Rí – Rang” là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ cũng ở vào trong đó”. Đất này dựa lưng vào núi, quay mặt ra biển, rừng rậm tre cao, trên có tuần trường để chiêu dụ bọn man – mạch đến đổi chác, dưới có quan – tấn xem xét ghe thuyền lúc đi ra biển. Đường trạm thủy lục giao thông, thổ sản núi rừng cung cấp. Chế ngự Đê – Man phòng ngừa đạo tặc, có huyện nha đạo phủ chia giữ nhiệm vụ, vẫn là địa hạt xung yếu nhất” (1).

     Sài Gòn là điểm đến kế tiếp của lưu dân Việt trên bước đường “tha hương cầu thực” về vùng đất mới. Khoảng cách từ Bến Nghé đến Biển Đông khoảng 60 km với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thuận lợi cho giao thông đường thủy. Theo sử liệu, từ cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, lưu dân Việt đã cư trú rải rác ở vùng Sài Gòn – Bến Nghé. Cần Giờ là điểm đầu giáp biển của vùng đất Gia Định, có điều kiện thuận lợi về sinh kế cho dân phiêu tán lập nghiệp. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi đánh giá Cần Giờ xưa “là điểm đầu mối giao lưu kinh tế, nơi có phố chợ trù mật, dân cư chủ yếu làm nghề đánh cá, thuyền buôn tấp nập. Cộng đồng ngư dân ở đây đã được định hình ít nhất từ nửa đầu thế kỷ XVIII. Sinh hoạt kinh tế của dân địa phương là đánh cá ven biển, buôn bán ven đồn, trồng trọt trên những giồng đất cao. Trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý đất phương Nam (1698), thì nơi đây đã xuất hiện những làng biển, làng rừng” (2).

     Khi dân cư miền ĐNB ngày một đông đúc, hệ thống chợ ven biển, ven sông hình thành ngày một nhiều nhằm thoả mãn nhu cầu trao đổi hàng hoá cho người dân. Chợ nơi này trở thành cầu nối cung ứng, tiêu thụ, trao đổi hàng hoá nhộn nhịp, sầm uất như ca dao Nam Bộ ngợi ca: Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước trong (3). Đến năm 2014, ĐNB có 778 chợ truyền thống đặt dưới sự quản lý của nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Song trên thực tế, số lượng chợ tự phát nằm ngoài sự quản lý trực tiếp cùa nhà nước, tổ chức kinh doanh thương nghiệp còn nhiều hơn (4).

__________
(1) Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Tập thượng, Quyển I và II, Nxb Văn hóa – Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, tr.35; Xem thêm Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1 (Phiên dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính: Đào Duy Anh), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Nxb Giáo dục, H. tr. 165.

(2) Nguyễn Thanh Lợi (2015), Sài Gòn đất và người, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.177.

(3) Ngô Vãn Lệ, “Văn hóa người Việt Nam Bộ: Truyền thống và biến đổi”, in trong kỷ yếu khoa học lần thứ 2 (5/2009), Mấy vấn đề lịch sử xã hội – đề án khoa học xã hội cấp nhà nước – Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, tr.348.

(4) Lê Quang Cần, Hội thảo khoa học quốc tế, 40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế (1975-2015) do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức 27/4/2015, tr.532.

2. Sự hình thành, phát triển hệ thống chợ ở miền Đông Nam Bộ

2.1 Chợ Biên Hoà

     Năm Gia Long thứ 6 (1808), dinh Trấn Biên được đổi thành trấn Biên Hoà. Năm 1832, tỉnh Biên Hoà thành lập. Năm 1976, Đồng Nai thành lập với thành phố Biên Hoà là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, hành chính của tỉnh. Theo nhiều nhà nghiên cứu, địa danh Biên Hoà nghĩa là: Biên được hiểu là chỗ giáp giới bờ cõi. Hoà được hiểu là hoà hiếu, hoà thuận. Địa danh Biên Hoà với ý nghĩa mong muốn, hy vọng vùng đất mới được trấn giữ chắc chắn, bình yên, hoà thuận của cư dân nơi đây.

     Điều kiện tự nhiên vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai thuận lợi cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và khai thác thổ sản. Hệ thống chợ nơi đây hình thành ngày một nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trên vùng đất mới. Chợ Biên Hoà ngày nay có nhiều tên gọi qua lịch sử: “Chợ Lộc Dã ở phía Nam hạ lưu sông Phước Long, huyện Phước Chánh, nguyên xưa kia là cánh đồng hươu nai ở nên đặt tên ấy, hoặc gọi là Lộc Động, tục danh chợ Đồng Nai cũng là ở chỗ này” (5). Như vậy, chợ Dinh, chợ Lộc Dã, chợ Lộc Động, chợ Đồng Nai, chợ Biên Hoà là một. Chợ Biên Hoà giữ vai trò cầu nối trao đổi hàng hoá của hệ thống chợ vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai. Hàng hoá trao đổi mua bán của chợ Biên Hoà khá phong phú vì “các loại vải, lãnh, là nơi nào cũng có, duy ở huyện Phước An có lãnh đen mềm láng là tốt đệ nhất trong cả nước. Rượu ở Thạch Than (Biên Hoà) ngon hơn nhiều nơi khác, thuở ấy ghe tàu thường mua chở về kinh đô làm quà tặng, hảo danh là rượu Đồng Nai. Giấy bản ở huyện Phước An, thuốc lào ở huyện Long Thành, lá buông ở huyện Phước Bình, vỏ gai và thuộc nhựa trám ở huyện Long Khánh, sáp và mật ong ở các sóc người dân tộc, đệm buồm ở các huyện Nghĩa An và Long Khánh.. .Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ: đồ vàng bạc, đồ gốm, chiếu… Các lâm sản: nhung hươu, sừng tê, trầm hương, kỳ nam, dược liệu, ngà voi…” (6). Hoạt động trao đổi hàng hoá ở chợ Biên Hoà diễn ra tấp nập người mua kẻ bán đến từ chợ huyện, chợ làng xã. Hình ảnh nhộn nhịp bán buôn hàng hoá dần dà đi vào ca dao dân gian với sự so sánh dí dỏm: “Đố anh con rết mấy chân/Cầu ô mấy nhịp/Chợ Dinh mấy người” hay “Chị hươu đi chợ Đồng Nai/Ghé qua Bến Nghé còn nhai thịt bò…” hay “Chợ Biên Hoà đèn mờ đèn tỏ/Anh coi không rõ anh tưởng đèn màu”.

     Năm 1923, đô thị Biên Hoà đã trở thành thị xã sầm uất, được mô tả: “Biên Hoà, tỉnh lỵ, cách Sài Gòn 30 km, ở bờ trái sông Đồng Nai, dân cư khoảng 3.200 người (làng Bình Trước); cả thị xã gần 5.000 người. Thị xã nhỏ này là một trong những thị xã đẹp nhất Nam Kỳ. Nằm lẫn dưới các tàn cây bờ sông Đồng Nai đầy cây cối…” (7). Năm 1929, chợ Biên Hoà được xây dựng kiên cố với cột xi măng, mái lợp tôn, chia ki-ốt buôn bán chuyên môn hoá sản phẩm như ki-ốt tạp hoá, ki-ốt rau quả, ki-ốt thịt cá gần mé sông… tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi hàng hoá ngày một tăng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Hoạt động mua bán hàng hoá của chợ Biên Hoà ngày một sung túc, chính quyền Pháp tiến hành thu thuế môn bài được địa chí Đồng Nai ghi nhận: “Cuốn sách Đất Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1879 của phòng canh nông và kỹ nghệ Nam Kỳ (xuất bản năm này) cho biết đã thu thuế môn bài của 1005 hộ kinh doanh ở Biên Hoà, trong đó: 3 hộ nộp thuế hạng 1 tới 1000 fr/năm; 2 hộ nộp thuế hạng 2 tới 600 fr/năm; 55 hộ nộp thuế hạng 3 tới 400 fr/năm; 2 hộ nộp thuế hạng 4 tới 200 fr/năm; 8 hộ nộp thuế hạng 5 tới 100 fr/năm; 528 hộ nộp thuê hạng 6 tới 50fr/năm; 336 hộ nộp thuế hạng 7 tới 25 fr/năm; 71 hộ nộp thuế hạng 8 tới 12,5 fr/ năm” (8). Số thuế trưng đã phản ánh mức độ hoạt động sôi nổi hay tẻ nhạt về trao đổi hàng hoá của chợ tỉnh, chợ huyện, chợ làng xã. Quy mô hoạt động chợ ở tỉnh Biên Hoà xếp theo thứ tự sau: “Chợ Dinh ở tinh lỵ Biên Hoà (TG chợ Biên Hoà), chợ Thủ Đồn sứ, chợ Bến Cá, chợ Đồng Ván, chợ Bến Gỗ, chợ Đồn, chợ Mới (Nhị Hoà), chợ Mới (Phước Long), chợ Rạch Giồng, chợ Đồng Môn, chợ Cây Đào, chợ Cây Da, chợ Dỏ Sa, chợ Cẩm Vinh, chợ Bố Mua.. .Có thể nhà chức trách hồi đó lược bỏ không ghi một số chợ làng, chợ xóm, chợ chồm hổm quá nhỏ” (9). Qua dẫn chứng này, chợ Dinh hay chợ Biên Hoà là trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh Biên Hoà. Hàng hoá trao đổi ở chợ Biên Hoà nói riêng, cả tỉnh nói chung khá đa dạng, phong phú với “thuốc lá, song mây, dầu chai, nhựa, dầu phộng, gỗ, củi, than củi, gỗ xây dựng, đồ gỗ tiện, đường, chiếu, lu hũ, bình cắm hoa, chén ăn cơm, gạch ngói, đá ong, đá móng nhà, lưỡi cày, chuông, chiêng, nồi đồng, cối xay, cà phê, trầu cau, măng cụt, dứa… và một số năm sau là cao su sơ chế. Nhập cảng: dầu lửa, vải sợi, trà tàu, giấy, pháo, diêm, nhang thắp, cá khô, cá tươi, nước mắm…” (10). Một trong những địa phương có mối quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hoá khắng khít với chợ Biên Hoà là Chợ Lớn và Sài Gòn. Vì, “các thương nhân lớn ở tỉnh Biên Hoà phần lớn là người Hoa, có quan hệ chặt chẽ với các đại gia ở chợ Lớn. Họ là những mắc xích trung gian của guồng máy thương mại có tổ chức chặt chẽ của người Hoa ở Nam Kỳ, mỗi sáng thường tụ hội ở một số quán để trò chuyện, trao đổi định giá mua bán hàng hoá từng ngày… (11).

     Nhằm chủ động thực hiện tinh thần hội nhập và phát triển kinh tế trong tình hình mới sau năm 1986, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã “khuyến khích thúc đẩy mở rộng mạng lưới hoạt động thương mại dịch vụ phong phú, đa dạng, toàn diện với tốc độ tăng trưởng cao hơn theo hướng: tổ chức giao lưu hàng hoá giữa thành thị và nông thôn, gắn sản xuất với tiêu thụ tạo mối liên kết gắn bó giữa kinh doanh nội địa và kinh doanh xuất nhập khẩu. Lấy chợ và cụm kinh tế thương mại dịch vụ ở thị trấn làm địa bàn chủ yếu, thúc đẩy phát triển mạng lưới thương mại ở nông thôn, hình thành mối liên hệ chặt chẽ giữa sản xuất với mua bán tư liệu sản xuất, vật tư nông nghiệp, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng” (12). Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển mạng lưới chợ trung tâm, chợ trọng điểm của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VII đã yêu cầu “Triển khai xây dựng chợ Biên Hoà theo quy hoạch và tiến hành quy hoạch, triển khai xây dựng một số trung tâm thương mại ở thị trấn các huyện” (13). Năm 2009, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã chủ trương xây dựng lại chợ Biên Hoà trên nền đất cũ. Chợ Biên Hoà được xây dựng lại với kết cấu hạ tầng hài hoà, hợp lý, hiện đại đáp ứng nhu cầu văn minh đô thị. Chợ Biên Hoà mới được thiết kế hài hoà với cảnh quang thiên nhiên ẩn mình trong lòng đô thị. Mặc dù chợ Biên Hoà mới hiện đại, song vẫn ẩn chứa dáng dấp chợ xưa với mặt phía tây hướng ra sông Đồng Nai hiền hoà ấm áp. Khu vực chợ chính gồm 2 tầng với bố trí tầng một là các kios hàng rau quả, thịt cá tươi sống; tầng hai là các kios quần áo, giày dép… Chợ Biên Hoà mới có tổng số 968 sạp/kios với tổng vốn đầu tư 80.682.000.000 đồng. Hiện nay, chợ Biên Hoà là chợ lớn nhất của thị trường bán lẻ tỉnh Đồng Nai với 1936 tiểu thương buôn bán thường xuyên, trong đó hơn 90% là phụ nữ (14).

___________
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch mới của Hoàng Văn Lâu, tập 2, Nxb Lao động, tr.1651.

(6) UBND tỉnh Đồng Nai (2002), Địa chí Đồng Nai, tập 4, Nxb. Đồng Nai, tr. 211.

(7) M. Robert (1923), Địa chí tỉnh Biên Hoà, NguyễnYênTri dịch từ tiếng Pháp, lưu trữ tại Bảo tàng Đồng Nai – Ký hiệu tài liệu: BT ĐN/CS5.1.

(8) UBND tỉnh Đồng Nai (2002), Địa chí Đồng Nai, tập 4, Nxb. Đồng Nai, tr. 213.

(9) UBND tỉnh Đồng Nai (2001), Địa chí Đồng Nai, tập 4, Nxb. Đồng Nai, tr. 214.

(10) UBND tỉnh Đồng Nai (2001), Địa chí Đồng Nai, tập 4, Nxb. Đồng Nai, tr. 214.

(11) UBND tỉnh Đồng Nai (2001), Địa chí Đồng Nai. tập 4, Nxb. Đồng Nai, tr. 215

(12) Tỉnh ủy Đồng Nai (2001), Văn kiện Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, Nxb. Đồng Nai, tr. 71-72.

(13) Tỉnh ủy Đồng Nai (2001), Văn kiện Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, Nxb. Đồng Nai, tr. Tlđd, tr. 73.

(14) Số liệu của Ban quản lý chợ Biên Hoà.

Nguồn: Giảng dạy nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt
– Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Hình: Chợ Biên Hòa (Ban Tu Thư – thanhdiavietnamhoc.com thiết lập ảnh tone màu sepia). Nguồn ảnh: http://dongnai.vncgarden.com/

     Còn tiếp:

Mời xem: Quá trình hình thành và phát triển CHỢ ở miền ĐÔNG NAM BỘ – Phần 2: CHỢ BÀ RỊA , CHỢ BẾN THÀNH