Quá trình hình thành và phát triển CHỢ ở miền ĐÔNG NAM BỘ – Phần 2: chợ Bà Rịa, chợ Bến Thành
LÊ QUANG CẦN
(NCS chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Vinh)
2.2 Chợ Bà Rịa
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trước khi lưu dân Việt tới Bà Rịa, đây là địa bàn cư trú của người Khmer, người Mạ, người Stiêng, người Chrau… Theo Lê Hương (Người Việt gốc Miên, 1965) thì núi Bà Rịa được gọi là Phnom Châr. Malleret, học giả người Pháp khi nghiên cứu văn hoá Óc Eo đã giải thích địa danh Bà Rịa được gọi trại từ Barey của người Khmer vốn là một cái hồ ở Long Điền (tức Bàu Thành). Etienne Aymonier cho rằng địa danh Bà Rịa vốn là từ Pariya theo cách gọi của người Khmer. M. Pau Pelliot lại cho rằng Bà Rịa vốn là tên một xứ đất của Lục Chân Lạp là Baria. Còn Mar Phoeun và Po Dharma chỉ ra Barea (Bà Rịa), Kapéâp Srêkatrey (Biên Hoà), Kompong Krâbei (Bến Nghé), Prey Nokor (Sài Gòn) là những địa danh theo cách gọi của Chân Lạp trong thế kỷ XVI- XVII (15). Như vậy, địa danh Bà Rịa (Mô Xoài) nhằm chỉ vùng đất khá rộng của thành phố Bà Rịa ngày nay. Vùng đất Bà Rịa nằm bên cửa sông lớn, gần biển nên sớm “trở thành nơi dừng chân của những lưu dân Việt sớm nhất, nếu không nói là đầu tiên so với các nơi khác ở phía Nam.Ngoài những đoàn lưu dân đến định cư và khai phá, thành lập làng xã còn có những đơn vị quân đội của chúa Nguyễn, sau những cuộc hành quân thường rút về trú đóng ở đây để luyện tập, sản xuất thêm lương thực vừa làm nhiệm vụ bảo vệ những lưu dân Việt’’(16). Xứ Mô Xoài – Bà Rịa là nơi mở đầu cho quá trình định cư, lập nghiệp đầu tiên của người Việt mở nước về phương Nam. Nơi đây có điều kiện tự nhiên ưu đãi, thuỷ sản từ biển dồi dào, đất đai thuận lợi canh tác, nguồn lâm thổ sản phong phú, nhanh chóng trở thành địa bàn tụ cư đông đúc cư dân Việt. Vùng Mô Xoài có hai làng Việt được thành lập sớm là “Long Hương – Phước Lễ, những ngôi làng đầu tiên mà người Việt lập ra ở vùng đất này. Hai ngôi làng nằm dưới chân núi, núi ấy mang tên núi Mô Xoài. Hai làng nằm hai bên con sông, sông mang tên Mô Xoài” (17). Khi dân cư hai làng ngày một đông đúc, hoạt động trao đổi hàng hoá diễn ra tại chợ Phước Lễ (chợ Bà Rịa) và Long Hương tăng dần. Nửa sau thế kỷ XVII, người Hoa đến định cư vùng đất Bà Rịa với “nhiều ngành nghề thủ công mới do người Hoa mang sang cũng được du nhập vào đây. Một hệ thống chân rết cơ sở kinh doanh của người Hoa lan tỏa về phía Mô Xoài, Bà Rịa đã tạo nên những trung tâm mua bán, chế biến hải sản, muối góp phần kích thích kinh tế nơi đây phát triển mạnh như Phước Lễ, Long Điền, Chợ Bến, Phước Hải…(18). Ngoài ra, Đại Nam nhất thống chí còn đề cập: “chợ Long Thịnh ở thôn Long Thịnh huyện Phước An, tục gọi là chợ Đò, nhà cửa san sát, nhóm chợ theo đường thủy và đường bộ; Chợ Hắc Lăng ở thôn Hắc Lăng huyện Phước An, gần đấy có núi Bà Rịa, có tên là chợ Bà Rịa” (19). Như vậy, ngay từ rất sớm chợ Bà Rịa đã ra đời ở vùng đất Bà Rịa và giữ vai trò mua bán trao đổi hàng hoá phục vụ nhu cầu dân cư nơi đây.
Hình: Chợ cá Bà Rịa (trước 1975).
(Ảnh từ: https://donglichsuvn.blogspot.com/)
Bước sang thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước trong thế kỷ XXI, hệ thống chợ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Hệ thống chợ truyền thống được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm với định hướng phát triển chợ dân sinh “là loại hình thương mại chủ yếu trên địa bàn nông thôn của tỉnh trong thời kỳ đến năm 2020. Số lượng và tiến độ xây dựng chợ dân sinh ở mỗi thời kỳ sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa bàn và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới… Khi xác định địa điểm mở chợ dân sinh cần nghiên cứu, xem xét các chợ tạm đang hoạt động ở các xã, thôn hoặc mở chợ gắn với quy hoạch các khu dân cứ mới, khu nhà ở thương mại” (20). Trong chiến lược phát triển hệ thống chợ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chợ Bà Rịa giữ vai trò nòng cốt. Vì vậy chính quyền địa phương đã “bỏ vốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại thị xã Bà Rịa để phục vụ đời sống kinh tế cho nhân dân, chợ chính trung tâm điều hòa trao đổi hàng hóa giữa nông thôn và thành thị, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp và bách hóa tổng hợp từ các thành phố lớn đưa về, tạo ra một dịch vụ môi trường lành mạnh, hấp dẫn sức mua càng nhiều trong quần chúng nhân dân…” (21). Quy mô trung tâm thương mại chợ Bà Rịa đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt với tổng diện tích xây dựng 8.630 m2. Trung tâm thương mại chợ Bà Rịa được xây dựng 5 tầng với tổng diện tích sàn 23.258 m2 gồm 787 chỗ bán, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 68.563.747.000 đồng (22). Khu vực chợ trung tâm với diện tích xây dựng 25.258 m2 với 953 kios. Khu nhà chợ tươi sống với tổng diện tích xây dựng 4.320 m2 với 518 ô sạp. Khu ăn uống với tổng diện tích xây dựng 1.058 m2 với 60 ô sạp. Hiện nay, chợ Bà Rịa được xếp vào chợ loại 1 với lượng hàng hoá trao đổi mỗi ngày hàng chục tấn, giải quyết việc làm sinh kế cho hàng nghìn người. Theo quan sát của tôi, chợ Bà Rịa hoạt động mua bán rất sầm uất với số lượng người trao đổi hàng hóa mỗi ngày từ 3 đến 4 nghìn người. Trong số 98 chợ toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chợ Bà Rịa giữ vai trò trung tâm mua bán hàng hóa lớn nhất và góp phần phát triển thương nghiệp miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ toàn cầu hóa kinh tế.
__________
(15) Dẫn theo http://tunguyenhoc.blogspot.com/2012/09/nguon-goc-dia-danh-ba-ria-vung-tau-st.html (truy cập ngày 21/10/2015).
(16) UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2005), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, Nxb KHXH Hà Nội tr.19.
(17) Nguyễn Đình Thống, Xứ Mô Xoài – địa điểm định cư lập làng đầu tiên của người Việt trên đất Nam Bộ, Nxb Thế giới (2011), tr.261.
(18) UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2005), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, Nxb KHXH Hà Nội tr.22-23.
(19) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch mới của Hoàng Văn Lâu, tập 2, Nxb Lao động tr 1652, 1653.
(20) UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu (2014), Quyết định số 2942/QĐ-ƯBND ngày 31/12/2014 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống chợ tỉnh giai đoạn 2013-2025, tr.9.
(21) UBND thị xã Bà Rịa (1998), Báo cáo phương án hoàn vốn xây dựng chợ chính trung tâm thương mại thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, tr.2.
(22) UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (1996), Quyết định số 1999/QĐ.UBND ngày 27/8/1996 về phê duyệt dự án đầu tư trung tâm thương mại thị xã Bà Rịa.
2.3 Chợ Bến Thành
Với bản chất cần cù, chịu thương chịu khó, thông minh sáng tạo, những lưu dân Việt khắc phục mọi khó khăn, gian khổ ban đầu “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” . Khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Nam Bộ, vùng đất Sài Gòn đã trở nên phát đạt dưới bàn tay của lưu dân Việt “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Do đó, “có thể suy diễn là lưu dân Việt Nam đã tới khẩn hoang lập ấp trên địa bàn Sài Gòn từ trước 1674 lâu rồi. Sài Gòn khi ấy có lẽ đã trở thành một thị trấn tương đối quan trọng, mà việc cai trị đều do lưu dân tự quản” (23). Trước khi lưu dân Việt đến Sài Gòn, nơi đây là vùng đất hoang vu, cư dân Khmer rất thưa thớt, kinh tế suy yếu. Thế nhưng, “từ khi lưu dân Việt Nam tới, Sài Gòn lần lượt trở thành một bến sông, một phố chợ… rồi một trung tâm hành chính chung cho toàn miền Nam đất nước. Vị trí của Sài Gòn được khẳng định ngay trong thời kỳ dân lưu tản tự phát, vị trí đó mỗi ngày thêm quan trọng và liên tục tăng trưởng” (24).
Hình: Chợ Bến Thành khi còn trên kênh Charner, đường Nguyễn Huệ ngày nay. (Ảnh: Manhhaiflick – wikipedia.org)
Hình: Chợ Bến Thành lúc mới xây xong tháng 3/1914, chưa làm lễ khai thị.
(Ảnh từ: ilovesaigon.net)
Một trong nhiều ngôi chợ có thời gian hình thành lâu đời ở Sài Gon trải qua bao thăng trầm của lịch sử là chợ Bến Thành. Vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, việc đi lại bằng đường bộ khó khăn nên cư dân xưa nơi đây di chuyển chủ yếu bằng ghe xuồng “chỗ nào cũng có ghe thuyền hoặc dùng thuyền làm nhà ở hoặc để đi chợ hay để đi thăm người thân thích hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi, mà ghe thuyền chật sông ngày đêm qua lại” (25). Do điều kiện tự nhiên vùng bán sông nước, hoạt động trao đổi hàng hoá diễn ra trên bến dưới thuyền, để rồi dần dà hình thành nên các chợ ven sông, ven kênh rạch mà chợ Bến Thành không là ngoại lệ. Chợ Bến Thành có nguồn gốc từ ngôi chợ hình thành trên bờ sông Bến Nghé gần thành Quy (thành Bát Quái). Thời gian bắt đầu hình thành chợ Bến Thành khó mà đoán định chính xác, chỉ biết khi dân cư vùng Bến Nghé ngày một đông đúc cũng là lúc chợ Bến Thành trở nên nhộn nhịp. Ngôi chợ tiền thân chợ Bến Thành ngày nay đã hình thành sớm trước khi có thành Quy. Có lẽ, tiền thân chợ Bến Thành là chợ Bến Nghé. Địa danh Bến Nghé xưa được hiểu bao gồm cả vùng đất quận 5, 6, 8 của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Sơn Nam lý giải Bến Nghé: “Bến là bến sông, dễ hiểu, vì đã có con sông khá rộng, đổ ra sông Đồng Nai ở Nhà Bè. Nghé là con trâu con. Bến nước mà bầy trâu con đến tắm, uống nước với cậu bé chăn trâu… Lắm người cho rằng nghé là tiếng con cá sấu kêu rống, lối giải thích này dễ chấp nhận; thời xưa, bờ sông hoang vắng, cá sấu từ biển Cần Giờ tới lui mé phía sông, ban đêm kêu lên, tiếng cá sấu kêu giống như tiếng trâu con gọi mẹ. Lần hôi, vì tàu thuyên tới lui, gây náo động, cá sấu rút lui về phía rừng ngập mặn, gần biển” (26). Một con rạch lớn với nước chảy từ sông Sài Gòn đến kênh Ruột Ngựa, xuôi xuống miền Tây Nam Bộ mang tên rạch Bến Nghé. Theo Lê Trung Hoa: “Rạch Bến Nghé làm ranh giới giữa quận 1,5,4, 8, từ kênh Ruột Ngựa đến sông Sài Gòn, dài độ 12.500m. Đoạn giữa rạch này gọi là kênh Tàu Hủ. Cũng gọi là rạch Bình Dương vì chạy qua huyện Bình Dương ở đầu thế kỷ XIX. Vì rạch đổ ra Bến Nghé nên mang tên trên” (27). Như thế, Bến Nghé đã được định danh trước địa danh Bến Thành. Vì thành Quy được xây dựng “năm Canh Tuất (1790), tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc huyện Bình Dương vua thế tổ bắt đầu đắp thành Bát Quái hình như hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc, từ đông đến tây là 131 trượng 2 thước, từ nam lến bắc cũng đồng như thế, bề cao 13 thước, dưới chân dày 7 trượng 5 thước… ngoài thành đường sá chợ phố ngang dọc bày la liệt đều có thứ tự” (28). Khi thành Quy được xây dựng gần vị trí chợ Bến Nghé (29) với hoạt động buôn bán nhộn nhịp được người dân gọi tên chợ Bến Thành đến ngày nay. Cư dân tham gia hoạt động mua bán tại chợ Bến Thành nói riêng và cả vùng Bến Nghé nói chung khá đa dạng với nhiều thành phần tộc người, trong đó người Việt là nhiều nhất, điều này được nhà nghiên cứu Huỳnh Lứa ghi nhận: “Lưu dân người Việt đến định cư và khai phá vùng Sài Gòn (Bến Nghé) từ rất sớm. Từ đầu thế kỷ XVII, người Việt đã đến định cư và khai phá vùng này. Họ cùng với cư dân địa phương – người Khơme khai phá các khu đất cao như khu vực kéo dài từ chợ Quán đến gò Cây Mai, Gò Vấp… (30). Hoạt động mua bán tại chợ Bến Thành thời nhà Nguyễn được Trịnh Hoài Đức mô tả: “Phố chợ, nhà cửa trù mật, ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biên lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, 2 bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hoá, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền” [31].
Hình: Một cảnh mua bán ở chợ Bến Thành khi còn ở kênh Charner.
(Ảnh từ: wikipedia.org)
Năm 1859, Pháp tấn công thành Sài Gòn, chợ Bến Thành bị cháy rụi. Năm 1860, chính quyền Pháp xây lại chợ Bến Thành bằng cột gạch, sườn gỗ, lợp lá (lối đường Nguyễn Huệ ngày nay). Năm 1870, chợ Bến Thành bị cháy một phần, chính quyền Pháp xây lại bằng cột gạch, sườn sắt; trong 5 gian nhà lồng, có 4 gian lợp ngói, gian hàng thịt lợp tôn, lót đá xanh. Năm 1911, trải qua 40 năm hoạt động, chợ Bến Thành ngày một xuống cấp về cơ sở vật chất, chính quyền Pháp quyết định dời chợ đến nơi rộng rãi. Khu vực xây chợ Bến Thành ngày nay vốn là “ao sình lầy cũ, gọi là ao Bồ Rệt (Maarais Boresse), đã được lấp đi. Khuôn viên chợ mới được giới hạn bởi bốn mặt: mặt tiền chợ ở hướng Nam nhìn ra công trường Cuniac (sau đổi tên là công trường Cộng hoà, công trường Diên Hồng, rồi công trường Quách Thị Trang ngày nay); mặt Bắc là đường d’Espagne; đông là đường Viénot; tây là đường Schroeder. Năm 1955, các con đường này được đổi tên thành Lê Thánh Tôn (cửa bắc chợ), Phan Bội Châu (của đông chợ), Phan Châu Trinh (cửa tây chợ). Chợ Bên Thành khởi công xây dựng từ năm 1912 đến 1914 hoàn thành. Chợ mới được xây đựng bằng gạch chịu lực, bộ khung sắt; cột, kèo bằng bê tông, mái lợp ngói đỏ. Chợ có diện tích 13.000 m2, có 16 cửa ra vào gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ…” (32). Năm 1985, chợ Bến Thành được cải tạo và sửa chữa. Năm 1999, chợ được cải tạo hệ thống cấp thoát nước và thay mái ngói bằng tôn đỏ đến ngày nay. Hiện nay. chợ có 1.500 sạp phục vụ nhu cầu buôn bán của đông đảo tiểu thương đã làm ăn ở đây từ lâu.
Hình: Ao Bồ Rệt (Marais Boreses) ngày xưa, tức vị trí chợ Bến Thành ngày nay.
(Ảnh từ: baotreonline.com)
Hình: Chợ Bến Thành 1920 – 1930.
(Ảnh từ: ilovesaigon.net)
Ngày nay, chợ Bến Thành trở thành biểu tượng giao lưu thương nghiệp và văn hoá của thành phố mang tên Bác. Chợ Bến Thành không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hoá, giao lưu văn hoá của người dân trong nước mà còn là điểm đến tham quan hấp dẫn của du khách nhiều quốc gia trên thê giới. Vì đến chợ Bến Thành, du khách từ châu Á, châu Âu… hầu như không cần có hướng dẫn viên. Phần lớn tiểu thương chợ Bến Thành học ngoại ngữ cơ bản tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Hoa… nhằm giao tiếp buôn bán với người nước ngoài. Trải qua thăng trầm biến đổi của thời gian, chợ Bến Thành thay đổi nhiều địa điểm, hình hài, hài hoà giữa cổ kính và hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trong thế kỷ XXI.
___________
(23) Trần Vãn Giàu, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.215.
(24) Trần Văn Giàu, Địa chí văn hóa thành phồ Hồ Chí Minh, tập 1, sđd, tr.216.
(25) Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, tập trung, quyển 3, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, sđd, tr.15.
(26) Sơn Nam (2014), Sài Gòn xưa- Ấn tượng 300 năm và tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long, tr.27-28.
(27) Lê Trung Hoa chủ biên (2003), từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, tr.62.
(28) Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, tập trung, quyển 3 dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, sđd, tr.74.
(29) Khi dân cư vùng Bến Nghé ngày một đông đúc, nhu cầu trao đổi hàng hóa tất yếu hình thành và chợ Bến Nghé ra đời nhằm thỏa mãn quy luật cung cầu cho xã hội. Chợ thường được hình thành ở nơi điều kiện giao thông thuận lợi như ngã ba sông, ngã ba đường. Địa điểm ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé là nơi ý tưởng cho chợ hình thành. Với địa thế rất thuận lợi ở vàm Bến Nghé, có lẽ chợ Bến Nghé ra đời sớm hơn nhiều chợ khác trong vùng Sài Gòn như “Chợ Tân Kiểng cũng sung túc, ngày tết có du tiên, từ trước 1770. Chợ Phú Thọ (gọi chợ Nguyễn Thực) do Nguyễn Văn Thực lập 1727. Chợ Điều Khiển đánh dấu dinh quan Điều Khiển, lập năm 1731, chợ Thủ Thiêm lập năm 1751…”. Khi chợ Bến Nghé (chợ Bến Thành) ra đời, không những phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa xung quanh vùng Bến Nghé mà còn giữ vai trò chợ đầu mối cho nhiều chợ ở vùng Sài Gòn như chợ Rẫy, cầu ông Lãnh, Bà Chiểu, Thủ Thiêm, chợ Lớn, Nguyễn Thực, Bến Sỏi, Thị Nghè, Cây Da Còm,v.v.
(30) Huỳnh Lứa chủ biên (1978), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb TP Hồ Chí Minh, tr.49-50.
(31) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, tập trung, quyển 3, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, duyệt giả Nguyễn Đình Diệm, Nha văn hoá phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa (1972), tr.90 ; Xem thêm Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Bản dịch mới của Hoàng Văn Lâu (2012), tập 2, Nxb Lao dộng, tr 1685; Văn hoá tùng thư số 32, Đại Nam nhất thống chí, lục tỉnh Nam Việt, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, tập thượng (1973), Nxb Nha văn hoá phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Sài Gòn, tr.88; Lê Trung Hoa (2003), Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, tr.64; Nguyễn Các Ngọc (2014), chợ Bến Thành qua cuộc trăm năm, Nxb Hội nhà văn.
(32) Nguyễn Các Ngọc (2014), chợ Bến Thành qua cuộc trăm năm, Nxb Hội nhà văn, tr.13.
Hình ảnh: Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập ảnh tone màu sepia.
Nguồn ảnh: https://trithucvn.net/van-hoa
Còn tiếp:
Mời xem: Quá trình hình thành và phát triển CHỢ ở miền ĐÔNG NAM BỘ – Phần 3: VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG CHỢ ĐỐI VỚI KINH TẾ, XÃ HỘI.