Quan hệ thương mại Anh – Liên minh Châu Âu trong bối cảnh Brexit: Thực trạng và triển vọng

BÙI VIỆT HƯNG1
(1 Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Quan hệ thương mại giữa Anh và Liên minh Châu Âu (EU) trong bối cảnh Brexit không có nhiều biến động đáng kể. EU hiện vẫn là đối tác thương mại chủ yếu, chiếm 50% tổng kim ngạch trong xuất nhập khẩu của Anh. Quan hệ thương mại giữa hai bên được xem là bất đối xứng, khi mà EU với 27 quốc gia thành viên có tiềm lực kinh tế, thương mại, đầu tư lớn và Anh có tiềm lực kinh tế nhỏ hơn. Tuy nhiên, Anh là nền kinh tế lớn, có kim ngạch thương mại với các quốc gia chủ chốt trong EU cao, do vậy tác động của Brexit đến thương mại của Anh và EU là như nhau. Một số mô hình thương mại đưa ra áp dụng cho giai đoạn hậu Brexit đều cho thấy những tác động khác nhau. Song, để giảm thiểu tác động tiêu cực, khai thác tốt hơn những lợi thế trong thương mại đang là một giải pháp mà Chính phủ Anh phải thực hiện trong giai đoạn đàm phán với EU.

Từ khóa: Anh, Brexit, Liên minh Châu Âu, quan hệ thương mại.

Phân loại ngành: Quốc tế học.

ABSTRACT

     The trade relations between the UK and the European Union (EU) in the context of Brexit have not seen significant changes. The latter is still the former’s main trading partner, which accounts for 50% of its total import-export turnover. Their trade relations are considered asymmetric, as the EU, with its 27 member countries, has great economic, trade and investment capacities while the UK has smaller economic capacities. However, the United Kingdom is a big economy with high trade turnovers with key EU countries, so the impacts of the Brexit on them both are the same. Some commercial models introduced for the post-Brexit period have all shown different impacts. To minimise negative impacts, better exploiting the advantages in trade is a solution that the UK government must implement during the negotiation period with the EU.

Keywords: The UK, Brexit, European Union, trade relations.

Subject classification: International studies.

x
x x

1. Mở đầu

     Sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) đang trở thành một chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của đông đảo giới học giả, các nhà hoạch định chính sách. Dưới góc độ thương mại thì Anh vừa là thành viên của Thị trường chung, vừa là thành viên của Liên minh thuế quan (CU) của EU. Trong quan hệ thương mại quốc tế, Anh cũng như các nước thành viên không thực hiện đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương, mà tiến trình này sẽ do Ủy ban Châu Âu (EC) đảm nhiệm. EC cũng sẽ đại diện cho EU trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để đưa ra các tuyên bố, hành động cũng như giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại chung cho toàn EU.

     Khi Anh rời khỏi EU, Anh sẽ phải xây dựng và hoàn thiện một chính sách thương mại quốc tế mới với các nước đối tác nói chung và EU nói riêng. Những bất ổn trên chính trường Anh trong thời gian gần đây với việc phủ quyết của Quốc hội Anh đối với kết quả đàm phán của Chính phủ Anh với EU đã và đang đặt ra vấn đề về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Anh và EU. Bài viết này2 phân tích thực trạng và triển vọng quan hệ thương mại Anh – EU trong bối cảnh Brexit.

2. Thực trạng quan hệ thương mại Anh – Liên minh Châu Âu

     – Kim ngạch thương mại. Năm 2017, bức tranh thương mại quốc tế của Anh ghi nhận sự thâm hụt thương mại khá lớn, 67 tỷ bảng Anh (GBP) giữa Anh với EU. Mặc dù có những bất ổn về sự biến động của GBP, thị trường chứng khoán… song Anh vấn duy trì được mức tăng trưởng thương mại năm 2017 với tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất sang các nước thành viên khác thuộc EU đạt 274 tỷ GBP, cao hon so với mức 240 tỷ GBP năm 2016; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng từ 43,2% năm 2016 tăng lên 44,5% năm 2017. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của EU từ Anh năm 2017 cũng tăng hơn so với năm 2016 tương ứng là 342 tỷ GBP và 315 tỷ GBP [8].

     – Cơ cấu thị trường. EU vẫn là thị trường chính quyết định tăng trưởng thương mại của Anh trong giai đoạn 1999-2017. Mặc dù mức độ tăng giảm về tỷ trọng xuất khẩu theo khu vực, (EU có biến động theo xu hướng giảm), song mức giảm này không lớn, giảm 53% năm 2012, 43% năm 2016. Tỷ trọng nhập khẩu từ các nước thành viên EU cũng giảm từ 58% năm 2002 xuống 51% năm 2011, năm 2016, 2017 tỷ lệ nhập khẩu quay lại với 53% [8].

     – Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Anh sang EU trong năm 2017 cho thấy, các mặt hàng như xe đạp chiếm tỷ trọng cao nhất với 11,2% kim ngạch xuất khẩu (18,3 tỷ GBP), tiếp đó là các chế phẩm xăng dầu và các sản phẩm về y dược luôn chiếm tỷ trọng tương ứng là 9,2% (15 tỷ GBP) và 7,8% (12,8 tỷ GBP) [8].

     Đối với nhập khẩu của Anh thì tỷ trọng các hàng hóa tương ứng như xe đạp, sản phẩm y dược, thiết bị máy móc điện tử, hàng không là cao nhất trong tổng kim ngạch nhập khẩu, tương ứng với 18,1% (46,8 tỷ GBP); 10,9% (20,3 tỷ GBP) và 4,4% (11,5 tỷ GBP).

     Trong lĩnh vực dịch vụ, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các dịch vụ kinh doanh (như dịch vụ về luật, tài chính, quảng cáo, nghiên cứu và triển khai, thiết kế…) của Anh đạt 31 tỷ GBP, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Lĩnh vực tài chính đạt 25,9 tỷ GBP [8] .

     Các quốc gia thành viên của EU có tăng trưởng thượng mại với Anh chủ yếu là các nước có thuận lợi về vị trí địa lý như Pháp (kim ngạch xuất, nhập khẩu với Anh tương ứng đạt 40,4 tỷ GBP và 40,8 tỷ GBP), Irland (kim ngạch xuất, nhập khẩu với Anh tương ứng đạt 34 tỷ GBP và 21,8 tỷ GBP) và những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Đức (kim ngạch xuất, nhập khẩu với Anh tương ứng đạt 56,8 tỷ GBP và 78,1 tỷ GBP), Italia (kim ngạch xuất, nhập khẩu với Anh tương ứng đạt 18 tỷ GBP và 24 tỷ GBP) [8].

3. Triển vọng quan hệ thương mại Anh – Liên minh Châu Âu

     Các dự đoán về triển vọng quan hệ thương mại Anh – EU đều xoay quanh hai mô hình:

     Thứ nhất, mô hình hội nhập thị trường. Hiện tại, Anh đang là thành viên của EU, nên Anh phải tuân thủ các quy định được áp dụng trong Thị trường chung EU như tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, các nhân tố sản xuất (vốn, con người) được thực hiện với các điều khoản chung áp dụng cho toàn khu vực (Chính sách thương mại chung, các quy định luật pháp…) nhằm đảm bảo mức độ hội nhập, cũng như công nhận những lợi ích các bên, đảm bảo hài hòa luật của các nước thành viên với luật chung của EU. Áp dụng một biểu thuế quan chung đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU. Như vậy, trong đàm phán thương mại với các đối tác, EU sẽ đại diện cho toàn bộ các nước thành viên để ký kết các hiệp định thương mại và áp dụng chung cho EU. Do đó, khi Anh không còn là thành viên của EU, cũng đồng nghĩa các hàng hóa xuất nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu các mức thuế giống như các đối tác thương mại bên ngoài EU.

     Thứ hai, mô hình tự do hóa thương mại. Mô hình tự do hóa thương mại hoàn toàn trái ngược với mô hình hội nhập thị trường như đã phân tích ở trên. Với mô hình này, mục tiêu trọng tâm hướng đến chính là tự do hóa thương mại nhằm mục đích tạo điều kiện hơn cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các bên. Vì mục tiêu của mô hình này không thúc đẩy quá trình hội nhập nền kinh tế giữa các quốc gia tham gia, mà hướng đến tự do hóa thương mại giữa các thị trường khác biệt thông qua việc dành cho nhau những điều kiện giảm thuế quan. Bên cạnh đó, sự khác biệt chính của mô hình này với mô hình trên là không tập trung những nỗ lực nhằm hài hòa các quy định về sản phẩm và thị trường. Mô hình tự do hóa thương mại này hiện đang được EU triển khai áp dụng với các đối tác thương mại bên ngoài khối, những nội dung chính trong các điều khoản hợp tác thương mại dựa trên các quy định của WTO.

     Theo dự báo của nhiều học giả thì quan hệ thương mại Anh – EU trong thời gian tới sẽ tiến triển theo 4 mô hình thương mại cụ thể như sau:

     Thứ nhất, theo mô hình áp dụng các điều khoản trong Khu vực kinh tế Châu Âu (EEA) hay Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu (EFTA). Đây là mô hình áp dụng các điều khoản theo mô hình hội nhập thị trường. Mô hình này áp dụng với các đối tác thương mại chưa đủ các điều kiện, hoặc chưa sẵn sàng tham gia đầy đủ vào thị trường chung EU. Trong điều kiện đó, các đối tác sẽ đồng ý: (1) Không tham gia vào việc ra quyết định của EU; (2) Đóng góp cho quỹ liên kết EU; (3) Không yêu cầu chấp nhận hiệu lực trực tiếp và tính ưu việt của luật pháp EU; (4) Chấp nhận các điều khoản giải quyết tranh chấp thương mại bởi tòa án của EFTA; (5) Chấp nhận các điều khoản chung.

     Với mô hình này, Anh sẽ vẫn tiếp tục là một phần của Thị trường chung, chịu sự ràng buộc bởi các quy định, luật pháp của EU như chính sách thương mại chung, chính sách nông nghiệp chung, chính sách đối ngoại và an ninh chung, hay các hiệp định ưu đãi thương mại giữa EU với các nước thứ ba. Tuy nhiên, Anh sẽ không được hưởng đầy đủ các ưu đãi khi còn là thành viên, đồng thời Anh cũng không còn là thành viên trong CU của EU. Bên cạnh đó, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc Anh tham gia khối EEA với EU sẽ gặp những khó khăn về mặt chính trị, như sẽ tạo ra sự không cân xứng khi xét về quy mô của nền kinh tế cũng như là lượng dân số quá lớn của Anh so với các thành viên còn lại của khối này [1].

     Thứ hai, theo mô hình CU. Đây là mô hình mà EU hiện đang áp dụng với Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc ký kết hiệp định về EU, các hàng hóa xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ vào EU sẽ được miễn thuế, tuy nhiên, hiệp định này không áp dụng đối với hàng hóa nông nghiệp, dịch vụ và mua sắm công. Tham gia hiệp định này, Thổ Nhĩ Kỳ bắt buộc phải vận hành luật, quy định theo đúng các quy định của EU như luật cạnh tranh, các quy định về sản phẩm, môi trường… Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ các quy định chung của EU, thì EU sẽ áp dụng các điều khoản kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cửa khẩu [6].

     Trong trường hợp này, Anh và EU sẽ phải cùng nhau thảo luận các điều khoản về CU giữa hai bên, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, khi Anh chấp nhận CU với EU, cũng có nghĩa Anh sẽ chịu những tác động về những thay đổi trong việc đàm phán thương mại của EU với các đối tác khác…

     Thứ ba, theo mô hình hợp tác thương mại theo các điều khoản của Hiệp định tự do thương mại (mô hình Canada). Hai bên đã ký kết Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện (CETA).

     Với mô hình này, EU và Anh cũng có thể sẽ ký một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như với Canada bao gồm các điều khoản như hàng hóa, dịch vụ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý… Hai bên sẽ cam kết dành cho nhau những điều khoản thuế quan ưu đãi ở mức cao nhất, xóa bỏ các thủ tục hải quan, mở ra những cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ.

     Thứ tư, quan hệ thương mại Anh – EU thoát khỏi hoàn toàn khối EU và Thị trường chung. Trong mô hình này, Anh có thể tìm kiếm các sáng kiến tiếp cận Thị trường chung theo các quy định của WTO. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường chung EU sẽ bị áp đặt mức thuế quan nhập khẩu. Theo tính toán của các học giả thì xuất khẩu hàng nông sản của Anh vào EU sẽ bị giảm 62% [2]. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh sẽ phải thiết lập lại các chỉ dẫn địa lý (GIs) đối với các sản phẩm nông sản, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác mà trước đó Anh là thành viên của EU… Một số các chi phí, thủ tục, quy định khác sẽ phát sinh như các biện pháp kiểm soát hàng hóa qua biên giới, các biện pháp bảo hộ thương mại, thuế chống bán phá giá, tự do hóa trong mua sắm dịch vụ công…

     Nhằm tránh những tác động tiêu cực lên cả hai phía, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai bên trong thời gian tới sẽ dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau: (1) Hai bên sẽ thiết lập những quy định chung đối với các hàng hóa xuất nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa nông nghiệp, đảm bảo không tạo ra những chi phí phát sinh khu vực biên giới. Anh sẽ lựa chọn đưa ra chính sách nhằm đồng bộ hóa với các quy định của EU; (2) Anh sẵn sàng tham gia vào các cơ quan EU cung cấp ủy quyền cho hàng hóa trong các lĩnh vực được kiểm soát chặt chẽ, như: Cơ quan Hóa chất Châu Âu, Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu. Chấp nhận các quy tắc của các cơ quan này và sẵn sàng đóng góp các chi phí hoạt động theo các thỏa thuận được công nhận khi Anh không phải là một quốc gia thành viên của EU; (3) Trong giai đoạn đầu tiên, các thỏa thuận hải quan sẽ được ký kết nhằm tạo điều kiện loại bỏ những thủ tục không cần thiết phải kiểm tra và kiểm soát hải quan giữa Anh và EU. Thỏa thuận này cho phép Anh kiểm soát thuế quan của mình đối với thương mại với các đối tác ngoài EU, cũng như không áp dụng thuế quan đối với bất kỳ hàng hóa nào đối với hàng hóa từ khu vực các nước thành viên EU, bảo vệ chuỗi cung ứng tích hợp ở cả Anh và EU, bảo vệ việc làm và sinh kế cho người dân. Các thỏa thuận mới cũng sẽ đảm bảo lĩnh vực dịch vụ và kỹ thuật số của Anh sẽ được phát huy phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp hiện đại, đảm bảo lợi ích của mỗi bên trong việc hội nhập thị trường cũng như bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính, quyền của mỗi bên khi tiếp cận thị trường tài chính [9].

4. Kết luận

     Quan hệ thương mại Anh – EU tiến triển theo nhiều mô hình khác nhau. Song, mỗi một mô hình đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Quan điểm của Chính phủ Anh được thể hiện trong tiến trình đàm phán là không chấp nhận khái niệm “cứng” hay “mềm” mà thay vào đó là tích cực tìm kiếm một hiệp định thương mại tự do với EU, chấp nhận ở một chừng mực nào đó các điều kiện mà EU đặt ra, như tuân thủ chính sách thương mại chung cho một thị trường chung, các yêu cầu về đóng góp tài chính cho ngân sách EU, tự do di chuyển con người… để đảm bảo giảm thiểu những tác động tiêu cực của Brexit, thúc đẩy tăng tưởng thương mại giữa hai bên trong thời gian tới.

Chú thích:

2 Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) trong đề tài mã số: ĐXTN- 2016.01.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Christophe Hillion (2018, “The UK withdrawal from the EU and its implications for the EEA”, Common Market Law Review, Volume 55.

[2] European Parliament ( 2019) “EU- UK agricultural trade: state of play and possible impact of Brexit”.

[3] Swati Dhingra et al (2016), The consequences of Brexit for UK trade and living standards, CEP, London.

[4]http://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2018/603866/EXPO_STU(2018)603866_EN.pdf

[5] https://tradingeconomics.com/europeanunion/gdp

[6]https://sp-bpr-en-prod-cdnep.azureedge.net/published/2018/3/7/UK-trade-policy-and-Brexit /SB%2018-17.pdf

[7]https://eeas.europa.eu/headquarters/headquartershomepage_en/13530/EU-Canada%20relations.

[8] file:///C:/Users/sony/Downloads/CBP-7851.pdf

[9]https://www.gov.uk/government/publications/the-future-relationship-between-the-unitedkingdom-and-the-european-union.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 6 – 2019

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)