Quan niệm của Phật giáo nguyên thủy về bản chất con người
Tác giả bài viết: CHÂU VĂN NINH
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
Xuất phát từ phong trào chống lại Bà-la-môn giáo, cùng với Lokayata và Jaina, Phật giáo có cách tiếp cận và lý giải về vấn đề con người và nhân sinh khác với tư tưởng truyền thống bắt nguồn từ kinh Veda của Ấn Độ. Phật giáo quan niệm thế giới vô thường, vô ngã; con người được cấu tạo từ ngũ uẩn nên xuất hiện hay biến mất là do nhân duyên. Bài viết sử dụng cách tiếp cận biện chứng duy vật, kết hợp với các phương pháp phân tích, tổng hợp để làm rõ quan điểm này.
Từ khóa: Phật giáo, bát chánh đạo, con người, giải thoát, khổ.
x
x x
1. Dẫn nhập
Phật giáo là một trong những tôn giáo lâu đời, xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên ở miền Bắc Ấn Độ – phía nam dãy Himalaya. Bắt nguồn từ phong trào tự do tư tưởng ở đông bắc Ấn Độ, kết hợp với một số tư tưởng của Áo nghĩa thư (Upanisad), Phật giáo đã tạo ra một khuynh hướng mới về nhận thức luận, khuynh hướng này không lấy vấn đề siêu hình làm cốt lõi, mà lấy chính cuộc sống của con người làm vấn đề trung tâm. Đạo Phật lấy việc tìm hiểu bản chất con người là điểm khởi đầu, từ đó chỉ ra cách thức để con người thoát khỏi nỗi khổ, tìm thấy hạnh phúc vĩnh hằng, đó cũng là vấn đề cấp bách của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Đức Phật cho rằng việc tập trung tranh luận về các vấn đề siêu hình có thể đẩy chúng ta rời xa vấn đề về bản chất con người. Tư tưởng Áo nghĩa thư chỉ dành cho một số ít người, còn lời dạy của đức Phật thì dành cho rất nhiều người. Khác biệt thứ hai đó là, trong khi Bà-la-môn giáo dựa vào sự truyền dạy từ những người khác, thì Phật giáo đặc biệt nhấn mạnh vào sự tự-nương tựa và tự-nỗ lực của mỗi cá nhân nhằm nhận biết chân lý tối hậu. Đệ tử của Phật suy tư về chính mình và chỉ chấp nhận quan điểm của những người khác sau khi đã hoàn toàn được thuyết phục. Vì thế, Phật giáo không mang tính giáo điều.
Theo quan niệm của Phật giáo, cuộc đời của mỗi con người là một dòng chảy vô tận, không có gì là vĩnh hằng, cả vũ trụ này là một dòng biến ảo vô thường, tự sinh tự diệt, không do một vị thần tối cao nào sáng tạo ra. Có những đoạn kinh kể lại đức Phật luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về bản chất hiện hữu của con người: tại sao con người lại hiện hữu như thế? Tại sao con người mang những đặc điểm sinh, lão, bệnh, tử? Điều đó là không thể tránh khỏi? Có ai làm được điều gì khác ngoài điều đó? Có ai thật sự thoát khỏi tình trạng đó? Vì thế trong nhân sinh quan Phật giáo, vấn đề giải thoát cho con người là vấn đề tối cao, trung tâm của triết lý Phật giáo vừa mang ý nghĩa đạo đức, vừa mang ý nghĩa tôn giáo.
2. Con người dưới góc nhìn của Phật giáo nguyên thủy
2.1. Bản chất về sự sinh tạo con người
Quan niệm Phật giáo về cấu tạo và nguồn gốc xuất hiện của con người trên cơ sở các thuyết như: thuyết danh sắc, thuyết lục đại, thuyết ngũ uẩn. Thuyết danh sắc: các từ “danh”, “sắc” có từ thời Upanishad, nhưng đến thời đức Phật thì “danh” chỉ yếu tố tinh thần, còn “sắc” chỉ yếu tố vật chất, theo thuyết danh sắc, con người được cấu tạo bởi hai yếu tố, vật chất và tinh thần. Thuyết lục đại, cho rằng con người được cấu tạo bởi 6 yếu tố: địa (đất, xương, thịt); thủy (nước, máu, chất lỏng ); hỏa (lửa, nhiệt, khí); phong (gió, hô hấp); không (các lỗ trong cơ thể); thức (ý thức, tinh thần). Trong đó 5 yếu tố thuộc về vật chất, chỉ có yếu tố “thức” là thuộc về tinh thần. Thuyết ngũ uẩn cho rằng con người được cấu tạo bởi 5 yếu tố (ngũ uẩn): sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Sắc, (vật chất) bao gồm tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong); thụ, những cái chỉ tình cảm, cảm giác do cảm mà biết, hơi nghiêng về tình; tưởng đó là biểu tượng, tưởng tượng trí giác, ký ức. Theo thuyết danh sắc, cấu tạo con người nhìn chung cân bằng giữa vật chất và tinh thần; thuyết lục đại, cấu tạo con người thiên về phần vật chất; thuyết ngũ uẩn thì cấu tạo con người thiên về tinh thần. Trong ba thuyết trên thì thuyết ngũ uẩn phổ biến hơn cả (Nguyễn Hùng Hậu, 2004: 49-50).
Các tư tưởng truyền thống từ Veda tới Upanishad thừa nhận sự tồn tại của một thực thể tối cao, sáng tạo ra mọi thứ và chi phối cả vũ trụ. Phật giáo cho rằng về bản chất thế giới là biến ảo vô thường không do ai sáng tạo ra từ quá khứ, hiện tại, cho đến tương lai. Con người xuất hiện cũng là do quy luật nhân quả, đây là quy luật chi phối cả vũ trụ, quy luật này có ba giai đoạn cơ bản, gồm nhân (hetu), duyên (pratitya) và quả (phala). “… cái gì phát động ra ở vật, làm cho nó biến đổi, gây ra một hay nhiều kết quả nào đó gọi là nhân. Cái gì được kết hợp lại do một hay nhiều nhân gọi là quả. Duyên là điều kiện, là mối liên hệ trợ giúp cho nhân (ở trạng thái khả năng), biến thành quả (ở trạng thái hiện thực). Như thế duyên không chỉ là một cái gì đó cụ thể, xác định mà còn là điều kiện, sự tương hợp tương sinh nói chung giúp cho vạn pháp sinh thành và biến đổi” (Doãn Chính, 1998: 239). Vì vậy, theo Phật giáo, con người xét cho cùng cũng là sự hợp tan của các yếu tố như ngũ uẩn, cho nên về bản chất chúng ta không phải là một cái gì đó bất biến, mà là vô ngã, trong một thế giới không có thực tướng. Nhưng trong cuộc sống rất nhiều người không nghĩ như vậy, họ cho rằng con người có ngã cá nhân riêng biệt, cho nên để thỏa mãn cái tôi cá nhân đó, họ tranh giành nhau, chấp chước hơn thua. Phật cho rằng, vì vậy mà họ cứ phải mắc vào sự luân hồi mà không thể giải thoát được – ““Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy thì sự oán hận không thể nào dứt hết” (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992: 15).
Khác với tư tưởng truyền thống của Upanishad, cho rằng cái ngã cá nhân (Atman) của con người là một bộ phận của cái ngã vũ trụ (Brahman) vì vậy cái ngã cá nhân cũng sẽ bất biến và tồn tại vĩnh hằng cùng với cái ngã vũ trụ, cho nên trong cuộc sống trên thế gian này con người cần tu luyện để cho Atman trở về với Brahman, nghĩa là con người đã giải thoát; ngược lại, Phật giáo lại cho rằng con người sống chết là do duyên tan hay hợp của ngũ uẩn, cho nên con người không hề có cái ngã bất biến, cuộc sống là luôn luôn biến đổi; vô ngã mà cứ tưởng là ngã, vô thường lại tưởng là thường – đây chính là sai lầm mà con người cần phải loại trừ. “11. Phi nhơn mà tưởng là chân thật, chân thật lại thấy là phi chơn, cứ tư duy một cách tà vạy, người như vậy không thể đạt tới chân thật. 12. Chơn thật nghĩ là chơn thật, phi chơn nghĩ là phi chơn. Cứ tư duy một cách đúng đắn, người như thế mau đạt tới chơn thật.” (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992: 16).
Phật giáo cho rằng, lý do con người tiếp tục ham muốn những gì ngoài khả năng của họ là vì họ vô minh với bản chất của thực tại. Trong thực tế, mọi thứ trong cuộc đời đều duyên sinh với nhau, một giáo huấn quan trọng của đức Phật trong Kinh Pháp cú là tất cả được tạo ra bởi duyên sinh nhân quả với nhau. Các pháp đều vô thường, duyên sinh trong vòng sinh diệt: không có bản tánh, cả tự nhiên, vật chất, tinh thần, giác quan hay khái niệm, cụ thể hay trừu tượng, hữu cơ hay vô cơ đều trong vòng sinh diệt với nhau. Do đó, vạn pháp giai không. Áo nghĩa thư cho rằng con người mang bản chất thần linh thần bí, đức Phật tin rằng với bản chất của con người theo lý thuyết trên, chắc chắn sẽ vẫn tồn tại ở đời này cũng như đời sau. Do đó, theo Phật, nhiệm vụ trước hết của con người trong cuộc sống là không làm điều sai trái, cứ tưởng là cái ngã cố định, và kết quả của việc tưởng tượng sai lầm này là bộc lộ bản năng thấp kém của mình, cái sân và cái si trong chính mình, việc chấp trước vào tự ngã mà người ta thường mắc phải.
Phật giáo cho rằng, nhân sinh khổ là do ái dục, như trong kinh Chuyển pháp luân, đức Phật nói: “Bây giờ hỡi này các Tỷ kheo, đây là chân lý cao thượng về nguồn gốc của sự khổ. Chính ái dục là nguyên nhân của sự tái sinh. Ái hợp với tâm thiết tha, khao khát, bám víu cái này, cái kia…” (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2015: 613), nghĩa là sự ưa muốn ngũ trần lục dục, sự ưa muốn sanh lại có sắc thân. Muốn giải thoát khỏi nỗi khổ thì con người cần phải: tận diệt phiền não là ái dục thì sẽ không còn khổ. Kinh Chuyển pháp luân viết: “Bây giờ, hỡi các Tỷ kheo, đây là chân lý cao thượng về sự diệt khổ. Đó là sự xa lánh trọn vẹn và sự tận diệt chính cái tâm khát ái ấy. Đó là sự từ bỏ, sự thoát ly và sự tách rời khỏi tâm ái dục” (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2015: 613). Khi từ bỏ ái dục, tức là đã từ bỏ được những hành động gây hậu quả nghiêm trọng, mà nếu không sẽ người đó chìm trong biển luân hồi, tái sinh, không thể giải thoát. Với sự tái sinh này thì người đó buộc phải rơi vào khổ ải và ham muốn trong một kiếp khác cũng giống như kiếp này, đó chính là sự tiếp diễn không hồi kết, từ ham muốn dẫn đến đau khổ, rồi đau khổ này lại dẫn đến ham muốn khác, cứ như vậy mãi mãi không dứt. Quan niệm Phật giáo chỉ cần buông bỏ, từ bỏ mọi hành động không tốt, nhất là từ bỏ tham ái, dục vọng là con người có thể được giải thoát và khi ấy chúng sinh sẽ đạt đến trạng thái “chân như”, với 5 trạng thái cụ thể: 1. Không có sự ưa thích gì trong tâm dầu rất tế vi; 2. Dứt bỏ các sự cố chấp; 3. Không luyến ái trong các cảnh giới; 4. Thoát khỏi sự vui của tam giới; 5. Tự mình giải thoát cho mình là quan trọng nhất (Maha Thongkham Medhivongs, 1999: 44-45).
2.2. Nhận diện về sự khổ trong đời sống con người
Phật giáo quan niệm trong cuộc sống, vạn vật đều tuân theo quy luật nhân quả, theo quá trình sinh (sinh ra), trụ (lớn lên, trưởng thành), dị (bệnh tật), diệt (chết). Theo thuyết sát na, quá trình này có thể diễn ra trong một nháy mắt (1 sát na hay 1 niệm) hay phải trải qua những quá trình biến đổi lâu dài. Thuyết sát na diệt khẳng định không có gì tồn tại lâu hơn một sát na. Theo Phật giáo truyền thống, vạn vật vô thường. Quan niệm này sau đó được phát triển xa hơn với quan điểm của Long Thọ bồ tát về thập nhị nhân duyên, và cho rằng sự khác biệt duy nhất trong quá trình tồn tại của một sự vật là thời khắc giữa sinh và diệt, sự vật không tiếp tục tồn tại như cũ, thậm chí chỉ một thời khắc sau khi sinh. Nếu một sự vật xuất hiện ra ở thời khắc này thì nó sẽ khác đi ở thời khắc tiếp theo. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập thực tại theo thuyết sát na sinh diệt (1) dù là vật chất hay tâm linh, đều là một sự lưu chảy, bởi vì không có gì trong trạng thái tiếp theo cấu tạo nên nó là bất động cả. Do đó mọi quan niệm về sự vững chắc đều là ảo tưởng.
Mặc dù Phật giáo xem thực tại là một sự tập hợp, nhưng cũng không phủ nhận sự vật bên ngoài, không phủ nhận tự ngã, cho rằng thực tại thay đổi một cách tự nhiên theo thuyết sát na diệt. Không có thực tại bên ngoài, cũng không có tự ngã tồn tại lâu hơn một sát na, nhưng Phật giáo tin rằng mọi vật vẫn tiếp tục như là một chuỗi kéo dài trong thời gian, sự tương đồng của một số phần trong sự vật, tạo ra trong suy nghĩ sự ảo tưởng về sự giống hệt nhau hay sự đồng nhất. Khi Phật giáo bác bỏ ý niệm về một bản thể thường tồn, thì tự ngã (không quan tâm đến yếu tố vật lý) phải được quan niệm là một dòng chảy liên tục của những ý niệm. Bởi vì tự ngã của một cá nhân ở bất kỳ thời khắc nào, mặc dù không giống như chính nó ở thời khắc trước, nhưng cũng không hoàn toàn khác biệt. Từ thuyết sát na diệt, Phật giáo giải thích về nguồn gốc của sự đau khổ của chúng sinh và các vấn đề như: tại sao chúng ta lại bị mê lầm, tại sao chúng ta phải chịu sự luân hồi sinh tử… Thuyết thập nhị nhân duyên chỉ ra nguồn gốc nỗi khổ của con người và từ đó chỉ ra cách thức để cho con người thoát khỏi nỗi khổ đó. Thập nhị nhân duyên gồm: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Trong đó, “vô minh” được hiểu như một cái gì đó không sáng tỏ, mờ tối, che khuất bản tính tự nhiên trong sáng của con người. Theo Kimura Taiken trong Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, “vô minh” được hiểu theo nghĩa bao hàm cả tham, sân, si. Kinh Pháp cú viết: “Không lửa nào bằng lửa tham dục, không cố chấp nào bền bằng tâm sân giận, không lưới nào trói buộc bằng lưới ngu si, không dòng sông nào chìm đắm bằng sông ái dục” (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992: 57). Thập nhị nhân duyên được bắt đầu từ vô minh, đây là điểm đầu tiên dẫn con người tới đau khổ. Có vô minh là có “hành”, hai cái này không tách rời nhau, như vậy có thể hiểu hành là kết quả của vô minh. Hành tạo ra “thức”, ở góc độ nào đó hành về sau cũng là “nghiệp”. Thức là cái phân biệt. Ngũ uẩn như một gia đình, trong đó thức là chủ, mà sắc, thụ, tưởng, hành phải dựa vào. Thức không thể đứng độc lập, phải dựa vào “danh sắc”. Con người định hình, tức có danh sắc thì tất phải có lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, thức), từ đó diễn ra quá trình tiếp xúc với thế giới xung quanh, cái đó được gọi là xúc. Khi tiếp xúc với thế giới xung quanh tạo cho con người cảm giác, tình cảm đó là “thụ”. Từ tình cảm dẫn đến đam mê tức “ái”, ái cũng chính là tham; tham muốn chiếm lấy, nắm giữ, đó là “thủ”; chiếm giữ được rồi thì muốn có lâu dài, đó là “hữu”; khi chết lại tìm mọi cách để tái sinh. Mặt khác, trong quá trình tồn tại con người lại gây nghiệp nên buộc họ phải tái sinh để trả quả. Đã có sinh thì tất phải có lão và tử đi theo, như là hai mặt của một vấn đề (Nguyễn Hùng Hậu, 2004: 69-70). Như vậy, theo Phật giáo, nguyên nhân của mọi đau khổ đều bắt nguồn từ vô minh, cũng vì vô minh mà con người luôn phải đấu tranh, tranh giành để thỏa mãn các ham muốn của cái ngã cá nhân, khiến con người vướng vào bể khổ triền miên, gây ra những hậu quả, nghiệp báo ở kiếp sau, mà không hề biết rằng cả thế gian này là giả tướng, Kinh Pháp cú viết: ““Đây là con ta, đây là tài sản của ta”, kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng biết chính ta còn không có, huống là con ta hay tài sảnta” (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992: 25).
2.3. Con đường giải thoát khỏi nỗi khổ
Trong quan niệm về con người, Phật giáo chia ra làm hai phần cơ bản là phần “danh” và phần “sắc”. Phần sắc hay còn gọi là hình chất gồm 4 yếu tố (đất, nước, lửa và không khí), và phần danh hay tâm gồm 4 nguyên tố thụ (Vedana), tưởng (Samjna), hành (Samskara) và thức (Vijnăna). Trong đó danh (tâm) là quan trọng nhất, bởi vì từ tâm mà con người suy nghĩ, từ suy nghĩ dẫn dắt con người hành động, nếu suy nghĩ sai thì hành động sai, và ngược lại. Cho nên trong bất cứ trường hợp nào thì 4 yếu tố cấu tạo nên tâm cũng phải được nhận thức với tri kiến chân chính theo đúng tự tướng của nó. Khi ấy tâm sẽ thanh tịnh, con người sẽ kìm chế và loại bỏ những ham muốn do vô minh gây ra. Vì vậy tâm luôn là yếu tố trọng tâm, là yếu tố quan trọng nhất trong vấn đề nghiệp báo. Kinh Pháp cú viết: “1. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hoặc hành động với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp báo kéo đến như bánh xe lăn theo chân con thú kéo xe. 2. Trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hoặc hành động theo tâm thanh tịnh, sự vui vẻ sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình” (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992: 15).
Sau khi chứng ngộ, từ chứng nghiệm, đức Phật cho rằng: 1). Sự hiện hữu của con người có đặc điểm từ bản chất sâu bên trong, thông qua một cách thức nhất định; 2). Có những nhân tố cụ thể làm thành những vòng lẩn quẩn liên tục; 3). Có thể dừng lại được tình trạng luân hồi ấy; 4). Có một con đường để giải thoát. Từ quan niệm về con người như thế, Phật giáo vạch ra nguồn gốc của nỗi khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ nhằm giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ cuộc đời bằng “Tứ diệu đế” và “Bát chánh đạo”.
Chân lý lớn thứ nhất trong Tứ diệu đế là Khổ đế (Dukkha), Phật cho rằng con người sinh ra là khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển, bởi vì chúng ta phải chịu nghiệp báo từ nhiều kiếp trước theo quy luật nhân quả mà chúng ta không được biết trước, chung quy lại chúng ta có 8 điều khổ: sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tăng hội, cầu bất đắc và ngũ ấm thịnh khổ(2). Tất cả nỗi khổ này đều có nguyên nhân của nó (Tập đế – Samudaya) – đây là chân lý lớn thứ hai. Bất kỳ dục vọng nào gây ra sự tái sinh và ràng buộc chặt chẽ với các thú đam mê và những thỏa mãn khi này khi khác, đều do vô minh gây ra, làm cho chúng ta mắc vào tham, sân, si. Kinh Pháp cú viết: “Không lửa nào bằng lửa tham dục, không ác nào bằng ác sân si, không khổ nào bằng khổ ngũ uẩn, và không vui nào bằng vui Niết bàn” (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992: 49). Tiếp đến là chân lý về Diệt đế (Nirodha), đây là sự diệt trừ tuyệt đối và điềm tĩnh lòng dục – xóa bỏ vô minh, giải thoát khỏi dục vọng. Cuối cùng là chân lý về Đạo đế (Marga) đó là con đường để chúng ta đạt tới Niết bàn. Để thực hiện được con đường này chúng ta phải thực hành theo Bát chánh đạo và tu theo lục giới, “Bát chánh đạo là đạo thù thắng hơn các đạo. Tứ đế là lý thù thắng hơn các lý, lý dục là pháp thù thắng hơn các pháp, cụ nhãn là bậc thù thắng hơn các bậc thánh hiền. Chỉ có con đường này, chẳng còn con đường nào khác có thể làm cho tri kiến các ngươi thanh tịnh. Các ngươi thuận làm theo thì bọn ma bị rối loạn” (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992: 61). Bát chánh đạo gồm: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tịnh tiến, chính niệm và chính định. Chính kiến là nhận thức đúng, nhìn nhận rõ điều gì nên làm điều gì không nên làm, không nên để những điều sai trái che đi sự sáng suốt, Chính tư duy là suy nghĩ đúng đắn, Chính nghiệp hành động và làm việc theo lẽ phải, không làm những gì gian trá, Chính ngữ nói những điều đúng, không nói những điều sai lầm giả dối, Chính mệnh sống trung thực, nhân nghĩa, không tham lam, Chính tinh tiến nỗ lực vươn lên một cách đúng đắn, Chính niệm luôn suy nghĩ, luôn tâm niệm đến điều tốt, không được tâm niệm, suy nghĩ những điều xấu xa, Chính định kiên định tập trung tư tưởng tâm trí vào con đường đã chọn để tới giác ngộ và tránh không để bất cứ điều gì làm xa rời con đường đã chọn. Ngoài Bát chánh đạo, Phật giáo còn đưa ra các pháp tu khác cho hàng Phật tử nhằm ngăn ngừa điều ác, làm việc thiện như Lục độ và Ngũ giới. Ngũ giới (năm điều răn) gồm: không sát sinh, không đạo tặc, không dâm dục, không vọng ngữ, không ẩm tửu, và Lục độ (sáu phép tu) gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ.
Trong quan điểm truyền thống của Ấn Độ, nội dung của các Áo nghĩa thư cũng có những điều chú trọng vào giới luật để cho tự ngã trở thành Brahman gần tương tự. Theo Áo nghĩa thư, cách trực tiếp để đạt đến mục đích tối hậu, thậm chí khi mục đích ấy đượcquan niệm là việc nhập vào tự tánh của Brahman, là yoga, thì đức Phật nhấn mạnh vào dharma (pháp) theo ý nghĩa đạo đức, được mô tả như là “ngọn đèn của cuộc sống”, và chỉ cho đức hạnh viên mãn hay đời sống thánh nhân, không đơn thuần là những giáo điều.
3. Kết luận
Kimura Taiken (1969: 19) từng nhận xét về Phật giáo: “Đối với nhân sinh, Phật giáo cho là khổ, bởi vậy mới lấy tự do, giải thoát làm tiêu chuẩn lý tưởng. Song sự khổ não và trói buộc ấy không phải thực sự tồn tại khách quan, mà là căn cứ vào thái độ của tâm ta cả, nghĩa là cứ khư khư chấp lấy cái ‘ngã’ giả dối là cái ‘ta’ chân thực, rồi trù mưu, tính kế để làm cho nó thỏa mãn mọi ham muốn của cái ta ấy, nên mới có khổ não, trói buộc. Nếu ta có thể vượt hẳn ra ngoài vòng tham dục của cái ‘ngã’ nhỏ nhoi ấy, ta sẽ thấy một cảnh giới tự do và yên vui vô hạn”. Đây có thể xem là những lời nhận xét sâu sắc và xác đáng đối với quan niệm về con người và trải nghiệm đời sống của con người của Phật giáo. Đồng thời, dựa trên sự nhận thức về bản chất đó của con người, đạo Phật cũng đã đưa ra nhiều phương pháp tu tập khác nhau nhằm giúp con người thoát khỏi vô minh, đạt đến cảnh giới an lạc, hạnh phúc.
Chú thích:
1. Sát na sinh diệt: trong khoảng khắc 1 sát na có cả sinh và diệt, chỉ muôn pháp sinh ra
trong từng sát na, và mất đi cũng trong từng sát na, chuyển động liên tục không ngừng. (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2004: 1062).
2. Nỗi khổ vì năm ấm hưng thịnh. Là 1 trong 8 nỗi khổ của chúng sinh. Thịnh ở đây có 2 nghĩa: một là nói về khổ thì mỗi người đều có đủ năm ấm mà bao nỗi khổ đều rất thịnh, nên gọi là thịnh. Hai là năm ấm ví như những thứ đồ chín, chứa đựng mọi nỗi khổ, nên gọi là thịnh (vì chữ thịnh có nghĩa là thịnh vượng và chứa đựng) (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2004: 773)
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Doãn Chính. 1998. Lịch sử tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 2004. Từ điển Phật học Hán Việt. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 2015. Tương ưng bộ kinh (Thích Minh Châu dịch). Hà Nội: Nxb. Tôn giáo.
4. Kimura Taiken. 1969. Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận (Thích Quảng Độ dịch). Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh.
5. Maha Thongkham Medhivongs. 1999. Lịch sử đức Phật Cồ Đàm. TPHCM: Nxb. TPHCM.
6. Nguyễn Hùng Hậu. 2004. Triết lý trong văn hóa phương Đông. TPHCM: Nxb. Đại học Sư phạm.
7. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. 1992. Kinh Pháp cú (Thích Thiện Siêu dịch). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 8 (276), năm 2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Quan niệm của Phật giáo nguyên thủy về bản chất con người (Tác giả: Châu Văn Ninh) |