Quyền của chủ thể văn hóa: Vấn đề BẢO TỒN CHỮ VIẾT của NGƯỜI THÁI ở vùng núi tỉnh Nghệ An

Tác giả bài viết: NGUYỄN GIÁO
(Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Qua quá trình điền dã, tác giả bài viết ghi nhận có một sự khác biệt đáng quan tâm trong ý kiến của những người dân địa phương xung quanh vấn đề bảo tồn chữ Thái ở vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Nghệ An. Tìm hiểu về quan điểm cũng như mục đích và cách thức của dân cư tại địa bàn nghiên cứu trong việc ứng xử với một di sản văn hóa phi vật thể luôn được xem rất quan trọng là chữ viết, bài viết tập trung vào sự phân tích những góc nhìn đa dạng của các bên liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản này. Trên thực tế, không thể có một thứ “người dân” duy nhất, vì thế, các chính sách cần hướng tới những đối tượng khác nhau để đảm bảo đầy đủ quyền của chủ thể văn hóa.

Từ khóa: Quyền của chủ thể văn hóa, bảo tồn, chữ viết, người Thái.

Phân loại ngành: Văn hóa.

ABSTRACT

     Through the fieldwork, the author of the article noted that there was a remarkable difference in the opinions of local people around the issue of preserving Thái script in ethnic minority areas in Nghệ An province. Understanding the views as well as purposes and ways of the people in the study area in dealing with an intangible cultural heritage that is always considered very important is the script, the article focuses on analyzing the diverse perspectives of the parties involved in the preservation of this heritage. In fact, there cannot be a single “people”, so policies need to target different object to fully ensure the rights of cultural subjects.

Keywords: Rights of cultural subjects, preservation, script, Thái people.

Subject classification: Culture

x
x x

1. Mở đầu

     Điền dã ở vùng núi Nghệ An, chúng tôi được một số người dân cho biết rằng chính quyền địa phương thời gian qua có tổ chức các lớp học chữ Thái cho người dân tộc thiểu số với mục đích khuyến khích họ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số người bày tỏ sự không hưởng ứng chủ trương trên vì cho rằng để giao tiếp trong nội bộ tộc người thì chỉcần biết tiếng còn để làm những việc có tính quan phương gắn với văn bản thì đã có chữ viết chính thức là chữ Quốc ngữ (chữ viết tiếng Việt) rồi. Về việc bảo lưu chữ viết tiếng Thái như là một di sản văn hóa, những người dân này cho rằng chỉ cần những người làm công tác chuyên môn liên quan là đủ. Sự khác biệt giữa các ý kiến nói trên khiến chúng tôi quan tâm. Để giúp độc giả có thêm thông tin về quan điểm, mục đích và cách thức của người dân tại địa bàn nghiên cứu trong việc ứng xử với một di sản văn hóa luôn được xem rất quan trọng là chữ viết, bài viết tập trung vào những góc nhìn đa dạng của các bên về việc bảo tồn chữ viết của dân tộc – điều có liên quan đến vấn đề quyền của chủ thể văn hóa.

2. Phương pháp nghiên cứu

     Bài viết là kết quả mối quan tâm của chúng tôi đối với vấn đề nghiên cứu trong thời gian từ năm 2019-2021. Bằng phương pháp tiếp cận nhân học đa địa điểm (multi-sited ethnography), chúng tôi đã khảo sát nhiều người dân có độ tuổi, giới tính, học vấn và điều kiện sống khác nhau ở Quỳ Châu và Tương Dương – hai huyện vùng cao của NghệAn, nơi sinh sống của một số dân tộc thiểu số trong đó có người Thái. Nghiên cứu này tập trung vào việc phỏng vấn sâu, nhằm khám phá ý nghĩa và tình huống của một hiện tượng cụ thể trên cơ sở chú ý đến những nhận thức và kinh nghiệm của chủ thể (Bernard 2006). Phỏng vấn sâu, như ta biết, được đánh giá là phương pháp thích hợp để tìm hiểu những vấn đềliên quan đến tình cảm, quan điểm, thái độ… của đối tượng (Bouma, 2000). Cách tiếp cận đang đề cập rất hữu ích để xác định kinh nghiệm, hành vi và cảm xúc của người dân địa phương trong bối cảnh xã hội của họ(Yin, 2009).

     Chúng tôi chọn sử dụng dạng phỏng vấn phi cấu trúc với mong muốn giúp thông tín viên có cảm giác thoải mái khi bày tỏsuy nghĩ. Việc để họ tự xác định trọng tâm của những điều được chia sẻ đem lại không ít hiệu quảcho buổi phỏng vấn, như Bartol (1989) đã chỉra. Trường hợp cần thiết, chúng tôi phỏng vấn đối tượng nhiều lần ở các tình huống khác nhau và phỏng vấn chéo để kiểm tra lại thông tin.

     Nguyên tắc bão hòa thông tin (Legard và cộng sự, 2003; Birks và Mills, 2015) được tuân thủ trong thu thập dữ liệu. Chúng tôi sẽ phỏng vấn ít nhất 5-7 người đối với từng vấn đề cho đến lúc nhận thấy rằng đã hiểu đầy đủ về quan điểm của những người tham gia và không còn có thông tin mới xuất hiện. Các tư liệu thứ cấp có liên quan cũng được sử dụng trong bài. Theo yêu cầu vềđạo đức khoa học (Seale, 1999), chúng tôi đảm bảo với những người được phỏng vấn việc ẩn danh thông tin về họ.

3. Tình hình nghiên cứu

     Tại Việt Nam, quyền của chủ thể đối với di sản văn hóa phi vật thể, ở những mức độ khác nhau, là một chủ đề được nhiều người nghiên cứu quan tâm. Nhìn chung, có hai nội dung mà các công trình nghiên cứu về quyền của chủ thể văn hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đề cập đến.

     Thứ nhất, quyền của chủ thể văn hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra như thế nào

     Theo quan điểm phổ biến của quốc tế hiện nay, di sản văn hóa phi vật thể (kể cả di sản được ghi danh trong các danh sách của UNESCO) là thứ chỉ thuộc về chủ thể văn hóa và việc ứng xử với di sản như thế nào là sự lựa chọn của người dân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, có những nhìn nhận khác về vấn đề này – cái dẫn tới bức tranh thực tế về quyền của chủ thể văn hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể hiện nay. Điều đó đã được nói đến trong nhiều nghiên cứu (Salemink, 2001; Malita, 2006; Hoàng Cầm và cộng sự, 2012; Phạm Quỳnh Phương và cộng sự, 2014; Proschan, 2020…). Chẳng hạn, Phạm Quỳnh Phương và cộng sự (2014) đề cập đến sự định kiến trong quan hệ tộc người ở Việt Nam và hệ quả đi kèm là việc định hướng có tính áp đặt đối với người dân tộc thiểu số về vấn đề di sản văn hóa của họ. Còn Proschan (2020), khi bàn tới việc hiểu về các khái niệm và cách tiếp cận chính đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước về bảo vệdi sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003), đã nêu lên tình trạng nhận thức sai trong việc các di sản được ghi danh vào các danh sách của Công ước thuộc về ai: Việt Nam là nước sớm ký Công ước, tuy nhiên ở nhiều nơi và nhiều thời điểm, việc vận dụng chưa thực sự chính xác khi xem di sản văn hóa phi vật thể là cái nằm ngoài quyền quyết định của bản thân các chủ thể của nó.

     Thứ hai, quyền của chủ thể văn hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể nên như thế nào

     Nhìn chung, trong giới khoa học có hai quan điểm chủ đạo về quyền đối với di sản. Trước hết, có những ý kiến cho rằng di sản văn hóa bao gồm cả giá trị lẫn phản giá trị nên cần bảo lưu và phát triển các giá trị cũng như ngăn chặn và loại bỏ các phản giá trị, và trong sự lựa chọn này có vai trò mang tính quyết định của nhà nước (Nông Quốc Chấn, 1978; Phạm Như Cương và cộng sự, 1987; Đoàn Văn Chúc, 1993; Đặng Nghiêm Vạn, 1999…). Luồng quan điểm này cũng đồng thời giả định rằng có một sự đối lập/ đứt đoạn rất đáng kể giữa nền văn hóa “truyền thống” với nền văn hóa “hiện đại”. Những ý kiến trên là hệ quả của quan điểm tiến hóa luận, một trong những quan điểm phổ biến và có ảnh hưởng lâu dài, mạnh mẽ nhất đến hầu như mọi chính sách xung quanh việc bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Quan điểm này tương thích với chủ trương “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” hay chính sách “bảo tồn có chọn lọc” đang được triển khai hiện nay, vốn được Evans gọi là một quá trình đặc biệt của việc giải thể/bảo tồn các loại hình văn hóa truyền thống (1985: 142). Còn quan điểm thứ hai, đang ngày càng trở nên phổ biến hơn gần đây, cho rằng chủ thể văn hóa nên là chủ thể của việc ứng xử với di sản (Salemink, 2001; Lê Thị Minh Lý, 2008; Hoàng Cầm và Phạm Quỳnh Phương, 2012; Lê Hồng Lý và cộng sự, 2014…).

     Tóm lại, ở Việt Nam, bức tranh về quyền của chủ thể văn hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể có nhiều mảng màu, và đang có một sự thảo luận về việc di sản thuộc về ai cũng như ai mới nên là người quyết định sự tồn tại hoặc cách thức tồn tại của nó.

4. Tình hình dạy và học chữ Thái tại địa bàn nghiên cứu

     Từ sau năm 1945, năm diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám, việc dạy chữ Thái ở cả nước đã được thực hiện với nỗ lực của nhiều người như: Cầm Trọng, Lò Văn Mười, Điêu Chính Ngâu… Tuy nhiên, việc này chủ yếu diễn ra ởcác tỉnh vùng Tây Bắc. Sau một thời gian thoái trào do các khu tự trị bị giải thể, mối quan tâm đến chữ Thái được khôi phục lại từ sau Đổi mới (1986) và nhất là sau Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Chương trình Thái học Việt Nam chính thức ra đời và được thực hiện bởi Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) với nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu tổng hợp mà chủyếu tập trung vào các lĩnh vực của khoa học xã hội nhân văn và môi trường sinh thái của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày -Thái ở Việt Nam. Trung tâm bắt đầu thực hiện Chương trình nghiên cứu chữ Thái từ giữa thập niên 1990 và đẩy mạnh từ đầu những năm 2000. Đến đầu thập niên 2000, trong khi chờ đợi sự thống nhất chữ Thái, Hội đồng nhân dân huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình đã thực hiện nghị quyết học chữ Thái cổ. Năm 2007, tại Mai Châu, Hoà Bình đã diễn ra Hội thảo thành lập Mạng lưới Bảo tồn và Phát triển Tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam. Trong cuộc hội thảo này, các đại biểu tham gia nhất trí với việc lựa chọn tự dạng cho bảng chữ Thái có tên chung là chữ Thái Việt Nam; còn các nội dung liên quan đến việc sử dụng và truyền dạy chữ Thái sẽ tiếp tục được thảo luận trên cơ sở sử dụng song song bộ chữ Thái cổ của từng địa phương. Cho đến nay, có thể kể đến một số cái tên nổi bật gắn với việc dạy chữ Thái những thập niên qua như: Lò Ngọc Duyên (Điện Biên), Lò Văn Lả, Hà Văn Long, Hoàng Trọng Đinh (Sơn La), Lò Văn Biến (Yên Bái), Hà Anh Đức, Vì Văn Dấng, Lường Đức Chôm (Hoà Bình), Hà Văn Ban, Hà Nam Ninh, Phạm Bá Thược (Thanh Hóa), Đèo Văn Cường (Lâm Đồng)…

     Cũng từ sau Đổi mới và đặc biệt là sau Nghị quyết TW 5 Khoá VIII, với việc Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của vùng dân tộc thiểu số, trong đó có vùng cư trú của người Thái, việc dạy và học chữ Thái dần được khôi phục ở một số địa phương tại Nghệ An nói riêng. Như tình hình chung ở mọi khu vực cư trú của người Thái ở Việt Nam, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc này, cảtích cực và tiêu cực. Trong khi sự quan tâm của các nhà nghiên cứu nước ngoài đối với chữ Thái đã kích thích sự chú ý của các trí thức bản tộc trong việc bảo tồn chữ Thái, thì sự khó khăn về đội ngũ giảng dạy, tư liệu, mức độ hưởng ứng của một bộ phận người dân… là những thách thức. Mặc dù vậy, việc mở lại các lớp dạy học chữ Thái đã thu hút được sự tham gia của những người có tâm huyết ở nhiều địa phương của tỉnh như: Lô Khánh Xuyên, Vi Ngọc Chân, Kha Văn Hợi, Vi Khăm Mun…

     Năm 2006, tỉnh Nghệ An có Quyết định số 84/2006/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An, trong đó cụ thể có việc: “Tổ chức nghiên cứu, hội thảo về chữ viết, ngôn ngữ; tổ chức dạy và học chữ viết, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số”. Kể từ khi có Quyết định này, việc tổ chức dạy chữ của dân tộc thiểu số cho người dân đã được các địa phương triển khai và vận dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trí thức bản tộc nhiều năm trực tiếp đứng lớp dạy chữ Thái cho các đối tượng khác nhau – ông Sầm Văn Bình – cho chúng tôi biết, ông đã tham gia giảng dạy cho nhiều lớp học được mở bởi Dự án về dạy và bảo tồn chữ Thái, hoặc các lớp dạy chữ Thái ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên của các huyện và của tỉnh Nghệ An, hay ởcác Trung tâm Học tập cộng đồng của các xã trong huyện…

     Quỳ Châu và Quế Phong là những huyện đầu tiên của tỉnh NghệAn có lớp học chữ Thái hệLai Tay. Lớp học ởhuyện QuếPhong do ông Lô Khánh Xuyên, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, mở tại nhà với mục đích truyền dạy chữ Thái cho người dân có nhu cầu. Lớp học ở huyện Quỳ Châu do ông Vi Ngọc Chân, cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Quỳ Châu, dạy theo hợp đồng cho đối tượng công chức, bộ đội và công an. Lớp học ở huyện Tương Dương do ông Kha Văn Hợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tương Dương, mở và tự soạn giáo trình để giảng dạy chữ Thái Lai Xư… Còn ở huyện Quỳ Hợp, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành Quyết định số285/2006 QĐ-UBND cho phép UBND xã Châu Cường thành lập Câu lạc bộ học chữ Thái. Con số học viên được học chữ Thái từ Câu lạc bộ hiện đã là vài trăm người, bao gồm cả cán bộ, công chức, bộ đội, học sinh phổ thông… Ông Sầm Văn Bình là người mở lớp dạy chữ Thái vào năm 2006 này theo yêu cầu của UBND xã Châu Cường, Quỳ Hợp. Lớp học có hơn 50 học viên là người dân trong vùng với nhiều lứa tuổi từ 7 đến 70. Chữ Thái Lai Tay cũng đã được đưa vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên dạy cho đối tượng cán bộ công chức làm việc ở địa bàn có người Thái sinh sống (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Con Cuông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quỳ Hợp,…). Gần đây, vào năm 2019, chính quyền huyện Quỳ Hợp cũng đã tổ chức hai lớp dạy chữ Thái hệ Lai Pao tại xã Bắc Sơn và Nam Sơn. Lớp học bao gồm 80 học viên (mỗi lớp có 40 học viên) là cán bộ, công chức và viên chức. Vào những năm 2020-2021, do ảnh hưởng thường xuyên của dịch bệnh Covid-19, các lớp học chưa thể tiếp tục triển khai. Tuy đối tượng tham gia giảng dạy tại các lớp học chữ Thái thường là những người có chuyên môn, có vị trí xã hội nhất định và có kinh nghiệm sư phạm, nhưng cũng có người chỉđơn giản là đã tự học để biết chữ Thái và có tâm huyết với công việc này. Nghệ nhân Sầm Văn Bình chính là một ví dụ. Ông được mời đứng lớp khi trong tay chưa có một quyển giáo trình, cũng như chưa qua đào tạo về nghiệp vụ giảng dạy.

5. Quan điểm của người bản tộc tại địa bàn nghiên cứu về chữ Thái và việc học chữ Thái

     5.1. Di sản hay không phải di sản?

     Trước hết, chúng tôi chỉra những quan điểm khác nhau của người Thái về vấn đề chữ Thái có phải là một di sản văn hóa.

     Một số người cho chữ Thái là di sản, thậm chí là di sản quan trọng bậc nhất của văn hóa dân tộc. Những người này thường có trình độ học vấn tương đối cao, có sự am hiểu về văn hóa dân tộc, và có thể có vị trí xã hội nhất định. Đặc biệt, các cán bộ là người bản tộc của chính quyền địa phương và các trí thức tại chỗ nhìn nhận việc mở lớp dạy chữ Thái là điều rất cần thiết vì xem đó là cách hữu hiệu đểbảo vệmột di sản văn hóa. Hơn nữa, họ khẳng định, chữ viết không chỉ là một trong những thành tố quan trọng tạo nên di sản văn hoá phi vật thể của mỗi dân tộc mà còn là công cụ đặc biệt phản ánh cũng như lưu truyền bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. “Nét đặc biệt là ở chỗ nó giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể không phải bằng trí nhớcủa cá nhân hay cộng đồng”, một nữ thông tín viên ở Quỳ Châu (50 tuổi, giáo viên) nêu ý kiến. Theo họ, chữ viết rất dễ “tàn phai” theo thời gian nếu chúng không được ai biết đến, không gắn với đời sống văn hoá của cộng đồng và không được sử dụng đúng với chức năng là phương tiện giao lưu, trao truyền thông tin giữa các thành viên trong cộng đồng. Họ nhấn mạnh rằng chính sách về việc dạy chữ của người dân tộc thiểu số là đúng đắn và việc triển khai nó cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến văn hóa các dân tộc thiểu số, giúp di sản này sống lại trong đời sống tộc người. Họ khẳng định, “càng khuyến khích được người dân tham gia những lớp học chữ dân tộc bao nhiêu thì càng là một điều tốt bấy nhiêu”. Bên cạnh đó, nhiều người là trí thức tại địa phương, nhất là ở lĩnh vực văn hóa đã có sự đồng tình, nhất trí cao với chính sách vì nó phù hợp với mong muốn của họ trong việc kiến tạo diễn ngôn về một nền văn hóa có lịch sử lâu đời và có những giá trị đặc sắc, qua đó kiến tạo bản sắc tộc người trong cộng đồng các dân tộc của Việt Nam. Ngoài ra, với họ, chữ viết còn là biểu hiện của bản sắc văn hóa của từng nhóm người trong bản thân cộng đồng dân tộc Thái. Đúng như nhận định của Yukti (2007), người Thái không chỉ sử dụng các đặc điểm ngôn ngữ nói để xác định ranh giới của các nhóm dân tộc trong nội bộ tộc người, mà còn sử dụng hệ thống chữ viết của mình để làm điều này. Đánh giá về việc một bộ phận người dân vẫn còn thờ ơ với chính sách, đa số cho rằng đó là biểu hiện của sự hạn chế trong nhận thức và của việc chưa biết quý trọng thực sự nền văn hóa của chính mình. Một trí thức bản tộc cho rằng chữ viết của dân tộc Thái trên cả nước nói chung và trong địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng cần được tìm hiểu, nghiên cứu một cách chuyên sâu hơn nữa và rất không hài lòng với việc “một bộ phận khác trong đồng bào Thái địa phương đã có biểu hiện coi nhẹ tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình” (Sầm Văn Bình, 2014).

     Ngược lại, một số người thì không cho chữ Thái là di sản. Đa phần họ là những người lao động, trình độ học vấn hạn chế, còn phải chật vật mưu sinh và có quá nhiều mối quan tâm thiết thực hơn về cơm áo gạo tiền. Đối với họ, chữ Thái là thứ họ chưa biết đến hoặc không có hình dung rõ ràng. Vì thế, họ không thực sự coi nó là di sản của mình để mà nghĩ đến việc cần phải ứng xử như thếnào. Chữ Thái ở Việt Nam xuất phát từ chữ Thái cổ có nguồn gốc Ấn Độ, trước đây chủyếu chỉ được sử dụng trong tầng lớp thượng lưu (Yukti, 2007). Đã từng có rất ít người Thái bình dân, kể cả nam giới, biết chữ Thái cổ. Chính vì thế mà, như Yukti (2007) cho biết, công sao chép một tác phẩm dài hơi bằng thứ chữ đang đề cập có thể tương đương với giá của một đại gia súc (trâu hoặc bò). Chưa kể, do vật liệu để viết cũng rất đắt tiền, nên trên thực tế đã không có quá nhiều cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ được ra đời. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp do Đảng lãnh đạo thành công vào năm 1954, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập các khu tự trị trong vùng dân tộc thiểu số và bên cạnh việc dạy tiếng Việt cũng như chữ Quốc ngữ đã tạo điều kiện để người dân ở đây học chữ của các sắc tộc, bao gồm cả chữ Thái. Mặc dù có một thực tế là Nhà nước đã dân chủ hóa việc học chữ Thái khi tạo điều kiện để quần chúng cũng có thể tiếp cận nó thay vì chỉ giới tinh hoa Thái như trước kia, cũng có một thực tế nữa -như đã nói -là khi đó Nhà nước chỉthừa nhận một loại chữ là chữ Thái Đen. Nói cách khác, với việc đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa chính tả ngôn ngữ này, Nhà nước đã vô hình trung đồng nhất hóa các nhóm người Thái khác nhau và loại trừ tất cả các loại chữ Thái còn lại, đây cũng là một lý do gây ra sự mâu thuẫn giữa các nhóm Thái (các nhóm Thái đã không thống nhất được với nhau về một thứ chữ Thái tiêu chuẩn). Chưa kể, các khu tự trị đều đã sớm bị giải tán sau năm 1975 trong xu thế trung tâm hóa quyền lực nhà nước một cách triệt để và việc học chữ Thái vừa kể trên cũng đã rơi vào thoái trào. Vì thế, có một hiện thực là chữ Thái không phải là thứ được biết đến phổ biến trong mọi giai tầng của tộc người này. Khoảng chục năm trước đây, những người còn có thể sử dụng được chữ Thái trong các cộng đồng người Thái ở Nghệ An là rất hãn hữu, chỉ còn có thể “đếm trên đầu ngón tay” và chủ yếu là những người tuổi cao sức yếu (người trẻ thì hầu như không ai biết viết chữ Thái). Điều đó dẫn đến việc, các cuốn sách cổ chữ Thái Lai Tay hiếm hoi còn lại – gồm nhiều tờ giấy mỏng được khâu lại bằng dây gai, viết bằng mực tàu, ghi chép truyện thơ, lịch sử bản mường và dòng họ, luật tục, thuốc men, cách bói toán… -chỉ còn nằm cuộn tròn trong những ống nứa có nắp đậy ở một vài gia đình hoặc được lưu ở bảo tàng Quỳ Châu mà không có ai tìm hiểu, khai thác… (Sầm Văn Bình, 2014).

     5.2. Bảo tồn hay không bảo tồn?

     Có những quan điểm khác nhau từ phía chủ thể văn hóa trong việc có nên bảo tồn chữ Thái. Một số người cho rằng việc bảo tồn chữ Thái là cần thiết vì họ coi nó là di sản có giá trị của văn hóa dân tộc. Một số người khác, ngược lại, thì cho rằng việc bảo tồn chữ Thái là điều không cần thiết. Bên cạnh đó, có những người tuy đồng ý rằng đó là di sản bởi “nghe người khác nói như vậy” và cũng đồng ý rằng cần phải bảo tồn nó nhưng xem đó là công việc thuần túy của các nhà chuyên môn chứ không phải của bản thân. Nói cách khác, họ không đặt ra một mối liên kết nào giữa họ và việc bảo tồn chữ viết của chính dân tộc mình.

     Sự khác biệt trong quan niệm về việc nên hay không nên bảo tồn chữ Thái đã dẫn đến sự khác biệt trong thái độ của người dân bản ngữ đối với chính sách học chữ dân tộc mình. Có hai xu hướng trái ngược: hưởng ứng và không hưởng ứng.

     Những người hưởng ứng việc dạy và học chữ dân tộc là người yêu thích văn hóa truyền thống. Họ hào hứng với việc này vì qua các bài học, họ nắm được cách viết, cách đọc chữ Thái và có thêm hiểu biết về những khía cạnh của văn hóa dân tộc khi mà các nội dung bài học thường liên quan đến phong tục tập quán người Thái, cụ thể như các bài hát ru con, bài hát trữ tình dân gian, bài mo cúng… Họ khẳng định rằng “học thì thêm yêu di sản của cha ông”, rằng “nhiều người biết chữ dân tộc thì vẫn tốt hơn”, và rằng “làm bất cứ điều gì mà góp phần phổ biến được chữ viết của tộc người thì đều nên làm”. Họ đánh giá cao chủ trương dạy chữ Thái cũng như chữ của các dân tộc thiểu số, xem đó là bằng chứng rõ ràng, cụ thể của thái độ tôn trọng các dân tộc thiểu số, tôn trọng sự đa dạng văn hóa của Đảng và chính quyền. Một số người cảm thấy bất bình khi không ít người Thái không hưởng ứng điều này: “Chính sách tốt quá còn gì! Mình không tự trân trọng văn hóa của mình thì còn ai trân trọng nữa? Người ta đã mở lớp cho mà còn không buồn học, đến chịu! Sau này chữ Thái mà mai một thì chỉ có thể trách bản thân! Tôi cứ nói thật như vậy!”, một nam thông tín viên (63 tuổi) là cán bộ hưu trí ở Tương Dương bày tỏ.

     Với xu hướng thứ hai, một số người không quan tâm đến việc học văn tự của dân tộc mình vì cho rằng việc giữ gìn hay lưu truyền nó là điều không thực sự cần thiết, và tất nhiên là họ sẽ không học.

     Mặt khác, có những người tuy vẫn học chữ Thái nhưng lại không hướng mối quan tâm vào đó mà khá thờ ơ, theo kiểu “học lấy lệ”. Cần lưu ý, hiện trạng này cũng diễn ra ở một sốvùng cư trú khác của người Thái. Một thông tín viên trung niên là lao động phổ thông (có tham gia hoạt động ở Hội phụ nữ) cho chúng tôi biết ở độ tuổi của bà, bà không còn hứng thú gì với việc học hành nữa nhưng do được vận động nên vẫn cứ “đi theo phong trào”.

6.Thảo luận

     Chữ viết gắn với ngôn ngữ, mà ngôn ngữ lại là một di sản văn hóa quan trọng. Cùng với ngôn ngữ, chữ viết là một trong những thành tố quan trọng góp phần cấu thành nên di sản văn hoá phi vật thể của mỗi dân tộc, không chỉ vì bản thân nó là di sản mà còn bởi vì nó có vai trò to lớn trong việc phản ánh cũng như lưu truyền nhiều thành tố trong nền văn hoá của mỗi dân tộc. Không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền Việt Nam trong nhiều thời kỳ về việc khuyến khích người dân ở vùng dân tộc thiểu số học chữ viết của ngôn ngữ dân tộc thiểu số như một cách giữ gìn bản sắc văn hóa của các tộc người. Thậm chí, như đã nói, chính quyền còn phần nào đã “luật hóa” điều này khi xem việc biết chữ viết của ngôn ngữ tộc người tương đồng như việc biết một ngoại ngữ để làm điều kiện bổ nhiệm, nâng lương… Tuy nhiên, ởvùng núi Nghệ An – nơi cư trú của một bộ phận đáng kể người Thái -thì bên cạnh những người bản tộc ủng hộ việc học chữ Thái, có không ít người cho rằng đây không phải là một việc nên thực hiện một cách đại trà. Để bảo lưu nền văn hóa cổ truyền của dân tộc mình, họcho rằng chỉ cần những người làm công tác chuyên môn có liên quan học nó là đủ. Chưa kể, với một số người dân, chữ Thái còn không phải là một di sản đối với họ, vì hình dung về nó quá mờ nhạt. Như ta biết, theo quan điểm của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, các di sản văn hóa phi vật thể chỉ thuộc về một đối tượng duy nhất là cộng đồng chủ thể. Với nó, như đã nói, di sản văn hóa phi vật thểlà các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu (bao gồm ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể); nghệ thuật biểu diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống… của các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân. Việt Nam chính là một trong những nước sớm ký Công ước. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có nhiều lúc xem các di sản văn hóa phi vật thể là cái nằm ngoài chủ thể của nó hoặc xem chủ thể của nó chỉlà một khối đơn giản, đồng chất. Điều này dẫn việc những người quản lý dường như có quyền quyết định cái gì nên giữ và cái gì nên bỏ trong nền văn hóa của người dân tộc thiểu số, chứ không phải là bản thân những thành phần của các cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ tự quyết định các thực hành văn hóa của mình. Nói cách khác, vấn đề không phải là “ai bảo tồn cái gì” mà lại là “ai quyết định ai bảo tồn cái gì” (Salemink, 2001). Và tất nhiên, điều này cũng dẫn đến việc chủ trương của nhà nước về dạy chữ dân tộc cho người dân tộc thiểu số không phải khi nào cũng phù hợp với nguyện vọng của mọi người dân bản ngữ.

     Người dân cần phải là người được quyền quyết định các thực hành văn hóa của mình, và không có một thứ “người dân” duy nhất. Không có một “điểm 0” của văn hóa truyền thống – văn hóa luôn thay đổi bởi vì những người mang văn hóa sẽ tìm kiếm bản thân trong những bối cảnh đang thay đổi cũng như phát hiện ra những cách mới để đối phó với tình hình, và chúng ta không thể thất vọng khi có một bộ phận “đánh mất” truyền thống văn hóa của mình (Salemink, 2001). Văn hóa là một dòng chảy không ngừng và sự thay đổi không đơn giản chỉ là sự “pha loãng” những gì được xem là truyền thống. Người dân hoặc một bộphận người dân muốn duy trì hay muốn từ bỏ một thực hành văn hóa nào đó trong di sản của họlà lựa chọn của họ, không một ai được quyết định thay vì họ là chủ thể làm ra và tái tạo nền văn hóa của mình. “Họ, và không phải các nhà nhân học hoặc các quan chức nhà nước, là những chuyên gia thực sự về nền văn hóa của họ. Họ nên được tạo cơ hội để đại diện cho nền văn hóa của họ, để xác định và quyết định chúng là gì, và chúng nên là gì” và: “Giống như bất kỳ ai khác, những người thiểu số sống trong thế giới hiện đại ngày nay, và họ sẽ muốn có những chia sẻ của họ trong quá trình phát triển diễn ra xung quanh họ. Trong quá trình ấy, nền văn hóa của họnhất định phải thay đổi. Mặc dù điều này có thể không làm vui lòng những người bên ngoài (nhà nhân học, quan chức chính phủ, khách du lịch), họcó quyền thay đổi như vậy bởi vì chính họ là người sống các nền văn hóa của họ. Những người thiểu số nên có quyền thể hiện và đại diện cho văn hóa của họ đối với bản thân mình và thế giới bên ngoài, dù chúng ta có thể ít thích bất kỳ sự đại diện nào như vậy” (Salemink, 2001: 210). Chỉ khi bản thân người dân là người quyết định việc bảo vệ di sản văn hóa của mình, việc đó mới có hiệu quả lâu dài. Nói cách khác, môi trường tốt nhất để lưu giữ, truyền dạy chữ viết là cộng đồng mà ở đó con người với ý thức đề cao di sản văn hoá phi vật thể sẽ tự giác, chủ động tìm cách bảo tồn và khai thác, phát triển chữ viết của mình với vai trò hỗ trợ của chính quyền khi cần thiết. Và nếu một bộ phận người dân không muốn làm việc này, nguyện vọng của bộ phận ấy cũng cần được tôn trọng. Nhận thức được điều trên, chúng ta sẽ tránh được việc có những chính sách không hiệu quả, gây lãng phí.

7. Kết luận

     Ở trường hợp nghiên cứu đang bàn, chủ trương khuyến khích người dân học chữ viết bản tộc được triển khai thành các chính sách cụ thể ở vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam đã không luôn mang lại hiệu quả mong đợi vì bên cạnh những người hưởng ứng, cũng có những người không ủng hộ. Kết quả thực tế là, ít nhất, đã có những người dân bị cuốn vào điều này vì mong muốn của người khác, chứ không phải của bản thân. Thực trạng trên cần phải được thay đổi. Tóm lại, hãy tạo điều kiện để người dân làm những gì họ cảm thấy cần với di sản mà họ có từ chính các nguyện vọng đa dạng chính đáng của họ, thay vì hướng dẫn để họ sống một cách “truyền thống” hơn, bởi lẽ họ mới là chủ thể nền văn hóa của mình và không có gì thuộc về họ mà không nên có tiếng nói của họ. Và các chính sách tương ứng, cần quan tâm đến sự đa dạng này trong nguyện vọng của người dân để tránh tình trạng khi vận dụng vào thực tiễn thì không đạt được kỳ vọng. Trên thực tế, không thể có một thứ “người dân” duy nhất, nên nếu chính sách chỉ hướng tới đối tượng được mặc định là duy nhất thì không chỉ gây lãng phí (do thiếu hiệu quả) mà vô hình trung đã loại trừ quyền của chủ thể văn hóa ở các nhóm khác và điều này là chưa thực sự thỏa đáng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Bartol, M. (1989). Story in Nursing Practice. Nursing and Health Car.10(10): 564-565.

     Bernard,H. R. (2006),Research Methods in Anthropology: Qualitative and Quantitative Approaches.Lanham: AltaMira Press.

     Birks,M., Mills,J.(2015).Grounded Theory: A Practical Guide.London: Sage.Bouma, G.D. (2000). The Research Proces.Oxford: Oxord University Press.

     Đặng Nghiêm Vạn.(1999). Gạn đục, khơi trong trong các hoạt động tín ngưỡng. Tư tưởng Văn hóa. Số2.

     Đoàn Văn Chúc. (1993). Gây dựng lễ-tết -hội của xã hội mới. Trong Nhiều tác giả. Lễhội Hà Nội. Kỷ yếu hội nghị về lễ hội Hà Nội. Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.

     Evans, G. (1985). Vietnamese Communist Anthropology. Canberra Anthropology. 8(1-2): 116-147. https://doi.org/10.1080/03149098509508574

     Hoàng Cầm, Phạm Quỳnh Phương. (2012). Diễn ngôn, chính sách và sự biến đổi văn hóa sinh kế tộc người. Nxb. Giao thông vận tải.

     Lê Hồng Lý và cộng sự. (2014). Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa: Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), hội Gióng (Hà Nội), tháp Bà Poh Nagar (Khánh Hòa) và văn hóa cồng chiêng của người Lạch (Lâm Đồng). Trong Di sản văn hóa trong xã hội đương đại. Nxb. Tri thức.

     Lê Thị Minh Lý. (2008). Cộng đồng bảo vệ di sản – kinh nghiệm thực hành tốt từ Dự án Nhã nhạc. Di sản văn hóa. Số 4.

     Legard, R. et al. (2003). In-Depth Interviews. In J. Ritchie & J. Lewis (eds.). Qualitative Research Practice. London: Sage Publications.

     Malita, A. (2006). Cultural Preservation: Paradoxes in the Development of the Thai in Mai Chau. Tham luận Hội thảo Tiếp cận văn hóa đương đại Việt Nam: Phương pháp luận và những nghiên cứu mới, Hà Nội, 5-6/12/2006.

     Nong, Q.C. (1978). Selective Preservation of Ethnic Minorities’s Cutlutural Traditions. Vietnamese Studies, 52, 57-63.

     Phạm Như Cương và cộng sự. (1987). Một số vấn đề phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Nxb. Văn hóa dân tộc.

     Phạm Quỳnh Phương và cộng sự. (2014). Thiểu số cần tiến kịp đa số: Định kiến trong quan hệ tộc người ởViệt Nam. Nxb. Giao thông vận tải.

     Proschan, F. (2020). Hiểu về các khái niệm và cách tiếp cận chính đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003 của UNESCO. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Số 6.

     Salemink, O. (2001). Who Decided Who Preserves What? Culture Preservation and Culture Representation. In Salemink, O. (ed.). Viet Nam Cultural Diversity Approaches to Preservation (pp. 205-212). UNESCO Publishing.

     Seale, C. (1999). Quality in Qualitative Research. Qualitative Inquiry, 5(4): 465-478.
https://doi.org/10.1177/107780049900500402

     Sầm Văn Bình. (2014). Chữ Thái ở Việt Nam -truyền thống và hiện đại. http://www.vanhoanghean.com.vn

     Woolard, K.A. (1998). Introduction: Language Ideology as a Field of Inquiry. In Schieffelin, B.B., Woolard, K.A., Kroskrity, P.V., Language Ideologies: Practice and Theory. New York: Oxford University Press.

     Yin, R.K. (2009).Case Study Research: Design and Methods, Essential Guide to Qualitative Methods in Organizational Research. Thousand Oaks, CA: Sage.

     Yukti, M. (2007). Ethnicity and Multilingualism: The Case of Ethnic Tai in the Vietnamese State(Dissertation, Department of Anthropology, University of Wisconsin-Madison).

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10-2023

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Quyền của chủ thể văn hóa: Vấn đề bảo tồn chữ viết của người Thái ở vùng núi tỉnh Nghệ An (Tác giả: Nguyễn Giáo)