SÂN KHẤU RÔBĂM của NGƯỜI KHƠ-ME ở SÓC TRĂNG
NGUYỄN THỊ TÂM ANH
(Thạc sĩ, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh)
1. Đặt vấn đề
Dân tộc Khơ-me vốn có một nền văn hoá nghệ thuật đặc sắc và phong phú. Qua bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc và cũng chính là những biến động trong lịch sử nghệ thuật, đã có một số loại hình nghệ thuật dần bị mai một, thậm chí mất hẳn.
Sân khấu của người Khơ-me ở Nam Bộ nói chung khá đa dạng, từ các loại hình diễn xướng dân gian đến Rôbăm, Dù kê,… Trong đó, hình thức kịch múa Rôbăm và kịch hát Dù kê là những loại hình sân khấu tiêu biểu, vẫn được lưu giữ trong cộng đồng cư dân Khơ-me Nam Bộ. Ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu diện mạo cơ bản của hình thức sân khấu chứa đựng trong nó tâm tư, tình cảm của đồng bào Khơ-me ở tỉnh Sóc Trăng, đại diện cho toàn thể dân tộc Khơ-me Nam Bộ nói chung, mà chúng tôi đã thu thập được qua những chuyến điền dã, đó chính là sân khấu Rôbăm.
2. Đặc trưng của sân khấu Rôbăm của người Khơ-me Nam Bộ
2.1. Rôbăm là hình thức sân khấu cổ điển. Tuồng tích khai thác từ đề tài Phật giáo, Bà la môn giáo, mà ảnh hưởng quan trọng nhất là bộ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Trong Rôbăm, múa được xem là ngôn ngữ thể hiện chính, do đó Rôbăm còn được gọi là “kịch múa”. Một số tài liệu nghiên cứu về hình thức sân khấu cổ này nói rằng Rôbăm được gọi với nhiều tên khác nhau như “hát rọm”, “múa Riêmkê” và tên gọi đầy đủ nhất của nó là “Rom Rôbăm” [Viện Văn hoá, 1988:359]. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, việc gọi “Rom Rôbăm” là chưa được chính xác. Vì trong ngôn ngữ Khơ-me, “Rom” nghĩa là “múa”, vừa là động từ và danh từ; còn “Rôbăm” cũng có nghĩa là “múa” và là danh từ, do đó gọi “Rom Rôbăm” là chưa hợp lí và nếu sử dụng như thế thì phải thêm tên của một điệu múa nào đó. Ví dụ: “Rom Reamker”, “Rom Yak”,…
2.2. Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều tư liệu đề cập đến nguồn gốc của nghệ thuật Rôbăm một cách chính xác và đầy đủ. Tuy vậy, căn cứ vào lối diễn xuất, phục trang, tuồng tích,… có thể nhận định rằng Rôbăm xuất phát từ một loại hình sân khấu cổ điển cung đình Campuchia.
Loại hình Lakhol Khol mà người dân Khơ-me thường gọi hiện nay được một số người dân ở Battambang gọi là Lakhol Reamker còn người dân Khơ-me ở Kampuchia Krom (Nam Bộ) thì gọi là Lakhol Yak Rom hoặc là Rôbăm.
Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, cung đình bị mất đi và các nghệ sĩ phân tán khắp nơi để tiếp tục biểu diễn và lưu truyền những loại hình nghệ thuật cổ điển. Sân khấu Rôbăm chính là một phần của nền nghệ thuật trên đã được những nghệ nhân vùng Nam Bộ “bản địa hoá” thành một loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng hơn và lưu giữ cho đến ngày hôm nay.
Rôbăm là một loại hình kịch múa mặt nạ lâu đời với đề tài chính vẫn là tích truyện Reamker và các truyện tích liên quan đến Vua, Thần,… Do ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ trong lịch sử nên ngày nay dấu ấn Bà la môn giáo vẫn khắc ghi khá đậm nét, truyện Reamker cũng là một dị bản từ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Thực chất, các thầy tuồng Rôbăm cũng không dám nhận mình thuộc hết nội dung truyện Reamker, vì thế, dẫn đến việc có vô số dị bản từ cốt truyện này. Người Khơ- me có câu “Dài như truyện Reamker” để chứng tỏ sự đồ sộ và dài dòng của tích truyện. Về sau, do các thầy tuồng không nhớ hết các trường đoạn trong Reamker nên đã vô tình gắn đầu đoạn này với đuôi của một đoạn khác. Vậy mà qua tài năng của những nghệ nhân quần chúng vùng Nam Bộ, khi diễn tuồng người xem vẫn thấy thật hay, thật hợp lí.
Nếu như Lakhol Khol chỉ duy nhất diễn tích Reamker thì Rôbăm Nam Bộ đã mở rộng ra rất nhiều đề tài và tuồng tích cổ khác như Preah Chinnavong, Tupsangva, Ratanavong,… Dù là tuồng tích khác nhưng tất cả đều là truyện cổ, thần thoại với nội dung mang đậm màu sắc Bà la môn giáo, Phật giáo với đạo lí giáo dục con người về quy luật nhân quả, nghiệp báo,… Và có lẽ do yếu tố xuất phát từ cung đình nên trong các vở diễn, nhân vật thường thuộc tầng lớp quý tộc: vua, chúa, vua chằn, vua khỉ, nhân vật huyền thoại,…
Theo quy định từ xưa, Lakhol Khol chỉ có toàn diễn viên nam (còn gọi là Lakhol Bros) nhưng ở Rôbăm chúng ta thấy có cả diễn viên nam và nữ, thậm chí trong Rôbăm hầu như các vai đều do nữ đóng trừ những vai đeo mặt nạ và vai hề. Có lẽ đây cũng là một sự cải biến theo thời gian nhưng tựu chung hình thức Rôbăm vẫn chính thức xuất phát từ cung đình (Lakhol Loung – Royal Dance).
2.3. Trong Rôbăm, ngoài kèn Srolay là nhạc khí chủ đạo xuyên suốt vở diễn (2 kèn srolay), còn có trống lớn (skô thum), trống sămpho (skô sămphô) và coòng. Dàn nhạc chủ yếu đóng vai trò cổ động và làm phần đệm tiết tấu cho bộ điệu các nhân vật và nhạc nền cho hát múa.
2.4. Do Rôbăm là một loại hình sân khấu kịch múa nên mỗi nhân vật đều có những điệu múa riêng làm nên ngôn ngữ cho mình. Qua lời kể của các nghệ nhân Rôbăm, để nhuần nhuyễn thuần thục các điệu múa của nhân vật trong Rôbăm trước hết phải có vóc dáng phù hợp với môn nghệ thuật này (người nhỏ nhắn, mềm dẻo), thứ hai phải được trải qua quá trình đào tạo dài lâu. Những nghệ sĩ theo nghiệp này phải rất yêu nghề và luyện tập thường xuyên.
2.5. Theo tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các môn văn nghệ truyền thống của người Khơ-me thì Rôbăm cũng chia thành hai tuyến nhân vật chính tiêu biểu cho hai loại người trong xã hội: nhân vật chính diện (đại diện cho bên thiện như vua, hoàng tử,…) và nhân vật phản diện (đại diện cho bên ác mà tiêu biểu là chằn – yak và các quân lính của chằn). Trong phần lớn tuồng tích sân khấu đều có nhân vật Chằn trong vai diễn phản diện, tượng trưng cho thế lực đen tối đầy tham vọng. “Diệt Chằn” trở thành mô típ dàn dựng chính trong sân khấu Khơ-me, hình tượng Chằn trở nên quen thuộc với khán giả sân khấu Rôbăm, Dù kê,… cũng như trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của người Khơ-me Nam Bộ. Bên cạnh các vai chính tiêu biểu cho hai tuyến nhân vật trên còn có các vai thú vật như chim thần Krut, khỉ Haknuman, hươu, cá sấu, ếch,… và các vai phụ khác như quân lính, nàng hầu, đạo sĩ, tiên nữ,… Đặc biệt, sân khấu Rôbăm Nam Bộ còn có nhân vật hề xuất hiện trong tất cả các vở diễn để gây cười cho khán giả và thuyết minh một số đoạn trong vở. Vai hề làm giảm đi tính nặng nề, kinh điển và khiến sân khấu Rôbăm trở nên gần gũi hơn, hấp dẫn hơn với quần chúng nhân dân lao động.
2.6. Thêm một nét đặc sắc trong sân khấu Rôbăm đó chính là mặt nạ mà các nhân vật đeo. Mặt nạ Rôbăm trùm kín hết cả đầu, chỉ khoét 2 mắt để nhìn tương tự như mặt nạ ông địa trong múa lân. Các vai diễn phải đeo mặt nạ như chằn, vua khỉ, hươu, chim thần,… đã thực sự gây ấn tượng và đem lại sự thích thú cho người xem. Chắc chắn đã gọi là Rôbăm thì không thể thiếu mặt nạ. Tự bản thân mỗi mặt nạ có đời sống riêng, mang tính thần linh và được các diễn viên thổi hồn vào qua mỗi vở diễn. Quả thật, phải xem tận mắt diễn Rôbăm mới thấy sự hứng khởi của người xem mỗi khi nhân vật chằn, khỉ xuất hiện. Chằn bao giờ cũng phải thật độc ác, hung dữ đến khiếp sợ (được xem là linh hồn trong sân khấu Rôbăm) còn khỉ thì thể hiện sự nhanh trí, mưu mẹo và trung thành. Cứ vậy mà mỗi mặt nạ được hình thành với những nét đặc trưng riêng khiến người xem nhìn vào là có thể tưởng tượng thấy nhân vật. Cách làm mặt nạ cũng lắm công phu. Với những vật liệu đơn giản, sẵn có, những nghệ nhân làm mặt nạ Khơ-me Nam Bộ đã sáng tạo nên những chiếc mặt nạ đặc sắc, gần gũi và gắn với đời sống người dân Khơ-me. Vật liệu để làm mặt nạ gồm: đất, vải từ áo ông lục (nhà sư) không dùng nữa, mủ, thiếc, sơn vẽ, trái t’lop để lấy mủ (ngày nay có thể mua sẵn mủ ở chợ). Có thể mô tả sơ lược các bước làm mặt nạ theo cách của ông Lâm Phương như sau:
– Đắp khuôn bằng đất sét và để cho khô.
– Mua trái t’lop về ép lấy mủ và trộn với nước. Đây là một loại trái đặc biệt có thể lấy mủ dùng dán trong khi làm mặt nạ Rôbăm. Cây t’lop cao, có hai loại trái dài và tròn. Trái tròn được dùng để lấy mủ, trái dài không dùng được. Khi sống trái có màu xanh, chín chuyển sang màu vàng đỏ, ăn ngọt. Mùa mưa sẽ có trái chín (khoảng tháng 9, 10). Ở Sóc Trăng có thể lấy trái t’lop ở 2 xã Cần Giờ và Đại Tâm, huyện Mĩ Xuyên. Người cần trái này sẽ liên hệ chủ cây và hái thành từng giỏ. Người dân không chủ ý mua bán, nên khi hái xong tự cho tiền trà nước tuỳ ý.
– Lấy vải (lúc trước thì đi xin áo của ông lục (sư) không dùng nữa về làm, bây giờ lấy vải tuỳ ý. Thường ai làm mặt nạ sẽ liên hệ, trong phum srok ai có vải để lâu lâu thành nhiều, tự động sẽ báo mình để mình đi lấy) và trộn với hỗn hợp t’lop cùng nước đắp lên khuôn khoảng 10 lớp. Thoa đều khắp mặt nạ.
– Sau đó, để chờ cho thật khô, mặt nạ sẽ cứng chắc lại.
– Đục lấy phần đất sét ra, sẽ còn lại khuôn mặt nạ.
– Sau đó là công đoạn vẽ mặt, trang trí, sơn.
– Lấy chai đun nóng cho chảy chất mủ ra làm những phần nhô lên như miệng, chân mày.
– Lấy mủ, nhựa cứng cắt thành hình tai, viền chân mày, râu, nanh, răng và gắn vào mặt nạ bằng kẽm.
– Phần trên đa số thường làm bằng gỗ.
– Nếu mặt nạ 3 tầng, phần trên cùng là mặt Prum (đúng ra phải làm 4 mặt nhưng thường chỉ làm 1 mặt tượng trưng).
– Thời gian làm xong một mặt nạ hay làm cùng lúc 10 cái đều như nhau là khoảng 1 tháng rưỡi (không kể thời gian cho những công việc gia đình).
Tuy nhiên, do hiện nay có rất nhiều loại vật dụng có thể thay thế nên người làm có thể làm nhanh hơn. Ví dụ trước kia, muốn làm phải đợi tháng 9, 10 mới có thể lấy mủ trái t’lop, ngày nay có thể thay thế bằng keo bán ngay chợ…
2.7. Sân khấu nghi lễ
2.7.1. Xua đuổi tà mà
Không những thế, sân khấu Rôbăm còn là một sân khấu nghi lễ. Diễn Rôbăm đáp ứng được những ước mơ, niềm tin của người dân Khơ-me và cũng là để xua đuổi tà ma. Truyện kể rằng lúc trước trong một phum có việc không yên bị quấy phá, họ mời đoàn Rôbăm về diễn, sau khi Yak chính trong tuồng chết, coi như tà ma, quỷ,… đã bị tiêu diệt nên từ đó phum này yên ổn. Hoặc như một truyện khác kể rằng diễn Rôbăm là để cầu mưa, chống hạn hán và bệnh dịch vì thời gian diễn Rôbăm thường vào mùa nắng, thời gian này rất hay xảy ra khô hạn và phát sinh nhiều dịch bệnh và ngày xưa người dân Khơ-me tin rằng diễn Rôbăm có thể đem lại yên bình trong phum sóc.
2.7.2. Lễ cúng tổ
a. Bắt đầu diễn
Trong nghi thức của mọi vở diễn Rôbăm, sau khi làm lễ cúng tổ, trước khi mở màn phải có tiếng trống giáo đầu gọi là “Trống cúng tổ” có tiết tấu từng nhịp rất rõ ràng, sau đó tất cả nghệ sĩ trong đoàn đồng ca hát bài “Mời thầy cúng tổ”. Sau đó, là điệu múa mở màn gọi là điệu Chhu chhay. Điệu múa này gồm có 6 người ra múa, phân ra thành 3 vai nam 3 vai nữ. Thực chất là 6 nữ ra nhưng trong đó có 3 nữ đóng vai nam. Hết điệu Chhu chhay sẽ đến điệu Humrông. Humrông là điệu múa của vai chằn (yak) trong vở diễn và do một chằn chính ra múa. Khi hết những nghi thức trên, vở diễn mới chính thức bắt đầu. Nghi thức mở màn được các đoàn thực hiện rất trang nghiêm và mang tính thiêng liêng. Phải chăng chính những yếu tố trên khiến các đoàn Rôbăm đưa khán giả bước vào một không gian nhuốm màu huyền bí của tôn giáo. Dân tộc Khơ-me luôn quan niệm rằng diễn Rôbăm là một phương thức giao lưu với thần linh.
b. Khi làm mặt nạ
Đặc biệt, khi làm mặt nạ phải cúng tổ (Preah Buksnocar). Những nghệ nhân đặc biệt tin tưởng chuyện này. Họ tin rằng và nói rằng phải cúng tổ để trong quá trình làm, có gì sai sót, Tổ sẽ về trong chiêm bao để nhắc nhở và chỉ dẫn. Vì nếu không cúng Tổ, mặt nạ làm xong sẽ không dùng được, không thấy đường. Quan trọng nhất là khi khoét mắt phải làm lễ cúng Tổ.
Lễ vật (theo lời ông Lâm Phương) gồm:
– Gạo (dùng thẩy làm phép)
– Tiền 4 miếng
– Vải trắng 5 hak (hak: từ cùi chỏ cho đến bàn tay) là khoảng 2m
– Huyết gà tươi
– Đèn cầy 4 cây
– Nhang 1 bó
– Gà luộc 1 con
– Cốm nổ (dùng thẩy làm phép)
– Rượu
– Chôm neakta (salatho có gắn hoa) 1 cặp.
Người làm mặt nạ thường sử dụng gang tay để đo kích thước, điểm mốc là mũi. Điểm khoét mắt theo dân gian truyền bí quyết đo là để nguyên bàn tay lên mặt, điểm cuối bàn tay chạm cằm. Khoảng cách giữa các ngón tay khép kín là điểm mốc để khoét mắt. Khi cúng xong, đọc kinh, làm phép rồi sử dụng một thanh sắt nung đỏ để khoét mắt. Mặt nạ sau khi sử dụng sẽ cũ dần, muốn sửa lại, sơn mới cũng phải cúng Tổ. Mặt nạ chằn khi tạo hình sẽ có 2 dạng chính: miệng hở nhe nanh và cắn môi dưới (mặt nạ chằn được tạo hình miệng hở nhe nanh thường dành cho nhân vật Krong Reap – vua chằn).
Những yếu tố về tôn giáo, thần linh đã thấm sâu vào tư tưởng, tâm lí của mỗi người dân Khơ- me với triết lí sống kiếp này là tạm để đức cho kiếp sau, tích thật nhiều phước để được giải thoát về sau nên việc thờ cúng Tổ cũng là một cách thể hiện sự biết ơn những người đi trước, những người thầy đã tạo nên sân khấu này. Như đã nói, người dân Khơ-me rất tin vào nhân quả nên nếu không cúng Tổ họ sẽ nghĩ rằng coi như con cháu làm gì đó mà quên đi ông bà, cha mẹ mình vậy.
3. Thực trạng sân khấu Rôbăm
Về thực trạng sân khấu Rôbăm ở Sóc Trăng nói riêng cũng như vùng Nam Bộ nói chung, chúng tôi không khỏi xót xa nhìn cảnh bầu đoàn Rôbăm với trang phục, áo mão cũ kĩ, thiếu thốn, nhạc cụ hư hỏng, mặt nạ rách gãy,… được cất vào sâu một góc nhà. Khi được hỏi thăm đến, những nghệ nhân mới lôi ra những đạo cụ ấy, lặng lẽ phủi lớp bụi thật dày và lại say mê giải thích cho tôi, ánh mắt lộ rõ vẻ tiếc nuối một thời. Sân khấu Rôbăm đang trên đà mai một!
Một thực trạng đáng lưu tâm là nghệ thuật sân khấu Rôbăm của dân tộc Khơ-me vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đứng trước bờ vực của sự quên lãng. Hiện tại, toàn tỉnh Sóc Trăng chỉ còn lại một đoàn Rôbăm duy nhất ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề do ông Lâm Phương làm trưởng đoàn. Ông Phương chính là con trai của nghệ nhân Lâm Hên và nghệ nhân Trần Thị Yên nổi tiếng một thời. Gia đình ông vốn có truyền thống diễn Rôbăm từ rất lâu đời nhưng đến nay hoạt động của đoàn nghệ thuật “gia đình” này đang gần như biến mất.
Khi được chúng tôi hỏi, mọi người trong đoàn kể rằng ngày trước, cứ đến độ nông nhàn, trời khô ráo, các đoàn Rôbăm đi diễn khắp nơi cả mấy tháng trời, tuy cực nhưng rất vui. Còn bây giờ, ví như đoàn của ông Phương, nhân Chol Chnăm Thmay năm 2006, đoàn chỉ diễn 5 đêm tại chùa Preh Tong, huyện Mĩ Tú, ấy vậy mà việc tập hợp diễn viên đã hết sức khó khăn. Lí do chủ yếu là do con cháu đi làm thuê, làm mướn khắp nơi chưa về kịp. Chị Hương, con gái ông Lâm Hên chua xót: “Còn phải lo cho cái ăn trước chứ!”.
4. Kết luận
Nhìn chung, sân khấu của người Khơ-me gắn liền với tôn giáo và tín ngưỡng. Cư dân Khơ- me Nam Bộ diễn Rôbăm nhằm thể hiện ước vọng và cũng là để xua đuổi tà ma. Vai Chằn là một hình tượng tiêu biểu cho những gì xấu xa, gian dối, nguy hiểm đang tồn tại. Tiêu diệt thế lực này để hướng đến một cuộc sống yên bình và vươn tới những giá trị tốt đẹp. Đó là bài học đạo đức nhân văn mà các nghệ nhân dân gian Khơ-me gửi gắm vào cho chính bản thân và cộng đồng. Như vậy, chúng ta thấy ở đây thể hiện khát vọng của dân tộc Khơ-me theo tư tưởng, triết lí Phật giáo với quan niệm: dù rằng cái thiện và cái ác luôn tồn tại song hành trong đời sống nhưng cuối cùng cái thiện luôn chiến thắng và chinh phục cái ác.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Tâm Anh, Tài liệu điền dã chép tay, 2005, 2006.
2. Nguyễn Thị Hợp vài suy nghĩ về sân khấu Rôbăm, Văn hoá Nghệ thuật, số 9, 2000, tr. 74-75.
3. Vũ Tuyết Loan, Mối quan hệ giữa Riêm kê Campuchia và Ramayana Ấn Độ, Văn hoá Dân gian, số 3, 1992, tr. 58-65.
4. Nhiều tác giả, Tìm hiểu vốn văn hoá dân tộc Khơ-me Nam Bộ, NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1988, 372tr.
5. Nhiều tác giả, Văn hoá nghệ thuật Nam Bộ, Văn hoá Nghệ thuật, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1997, 491tr.
6. Sở VH – TT tỉnh Sóc Trăng & Phân viện VHNT Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Về sân khấu truyền thống Khơ-me Nam Bộ, NXB Sở VH – TT, 1998, 173tr.
7. Viện Văn hoá, Tìm hiểu vốn văn hoá dân tộc Khơ-me Nam Bộ, NXB Hậu Giang, 1988, 372tr.
8. Pich Tum Kravel, Khơ-me Mask Theatre, Phnom Penh, 2000.

