Sản xuất và khai thác hàng hóa nông lâm thổ sản ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn

Tác giả bài viết: Thạc sĩ HỒ CHÂU
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế)

     Vào các thế kỷ XVI-XVIII, Đàng Trong thời chúa Nguyễn được các thương nhân ngoại quốc biết đến như là xứ sở của sự giàu có về sản vật và hương liệu. Bấy giờ, cư dân Đàng Trong đã vận dụng những kinh nghiệm và tri thức mới vào việc khai thác, phát huy nguồn lợi từ đất đai, núi rừng, sông suối, biển đảo để sản xuất ra lượng hàng hóa hết sức dồi dào, phong phú, đa dạng từ nông lâm thổ sản, thủy hải sản, đặc sản đến các mặt hàng thủ công và khai mỏ. Trong đó, hàng nông lâm thổ sản là mặt hàng then chốt, rất dồi dào và chất lượng lại tốt, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nội thương, kích thích ngoại thương phát triển. Hoạt động buôn bán trong nước hết sức sôi động và nhu cầu mở cửa thông thương với bên ngoài, gia nhập vào luồng hải thương của khu vực và mậu dịch quốc tế trở nên bức thiết đối vối nhân dân và cả chính quyền Đàng Trong. Sản xuất hàng hóa phát triển là một trong những tiền đề quan trọng đưa đến sự ra đời và phát triển của nền kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong đương thời.

1. Về sản xuất hàng nông sản

     Gắn liền với công cuộc mở đất về phương Nam của các chúa Nguyễn là quá trình ra sức khẩn hoang, khai phá đất đai, mở rộng ruộng vườn để phát triển kinh tế nông nghiệp của nông dân lúc bấy giờ. Trong hoạt động kinh tế nông nghiệp của người nông dân Đàng Trong, việc sản xuất lúa gạo luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Buổi đầu vào trấn giữ vùng đất Thuận Hóa (1558) và sau đó kiêm quản luôn xứ Quảng Nam (1570), Nguyễn Hoàng nhanh chóng có các kế sách nhằm huy động sức mạnh nội tại trong dân rồi hợp lực cùng với chính quyền để biến những vùng đất đầm lầy, núi rừng lam chướng thành những mảnh đất màu mỡ, ruộng vườn trù mật. Với chúa Nguyễn, có được vùng Thuận Quảng tức là đã có được một vùng đất rộng lớn bao gồm núi rừng bạt ngàn xanh ngát, đồng bằng rộng rãi, biển đảo mênh mông; là nền tảng, khơi nguồn cho việc phát triển kinh tế và tiến tới thành lập một triều đình riêng ở cõi biên thùy. Nhờ những thuận lợi do điều kiện tự nhiên mang lại, cộng với trí sáng tạo và sức lao động bền bỉ của con người, chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đất Thuận Quảng trở thành nơi sản xuất ra một lượng lớn của cải vật chất, không chỉ phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân mà còn được đem trao đổi, mua bán trên thị trường. Lê Quý Đôn đã từng nhận xét về xứ Quảng Nam rằng: “ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đấy” (1). Và ông cũng cho rằng: “xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ” (2). Bấy giờ, ở Thuận Quảng, hàng hóa “không thứ gì là không có”, tuy nhiên lúa gạo mới là mặt hàng then chốt, giữ vai trò quan trọng nhất trong đời sống hằng ngày của người dân. Đặc biệt có phủ Tư Nghĩa ở vào khoảng giữa trấn Quảng Nam vật lực phong phú, lúa thóc vô cùng (3). Lúa gạo dồi dào đến là vậy, nên người nông dân trấn Quảng Nam không chỉ làm ra để ăn mà còn đem bán ở các trấn khác (4).

     Sản xuất lúa gạo ở Đàng Trong ngày càng được đẩy mạnh khi các chúa Nguyễn tiếp tục mở đất về phương Nam. Có được vùng đất Nam Bộ bằng phẳng, rộng lớn lại màu mỡ, phì nhiêu nhưng chưa được khai phá nhiều, đất đai chủ yếu vẫn còn là đầm lầy, cây cối um tùm, nhiều thú dữ. Chúa Nguyễn nhanh chóng có các chính sách đúng đắn nhằm khai thác vùng đất này như: đưa người Kinh từ Thuận Hóa, Quảng Nam vào sống xen lẫn với người Khmer và các dân tộc bản địa khác, lập thành thôn xóm mới theo kiểu làng xã cổ truyền của người Việt; đồng thời nhà nước hỗ trợ thóc giống, nông cụ, trâu bò, lương thực cho người Kinh di cư vào đây khẩn hoang; cho phép người Hoa được nhập cư để khẩn hoang, sinh sống, buôn bán… Kết quả là nhanh chóng biến vùng đồng bằng sông Cửu Long thành vựa lúa lớn nhất ở Đàng Trong. Nhiều địa danh nổi tiếng về sản xuất lúa gạo được biết đến như: vùng Gò Công là nơi “ruộng béo đất màu, thóc gạo chứa chan” (5), ở trấn Hà Tiên thì có hai huyện Long Xuyên, Kiên Giang là nơi “có nhiều nông dân, cũng biết chăm nghề căn bản. Lúa gạo trong tỉnh hạt là nhờ ở hai huyện” (6). Và theo Phan Huy Chú thì ở phủ Gia Định nông nghiệp rất phát triển, người dân ở đây “họ chăm làm ruộng sinh nhai, cho nên lúa thóc được sản xuất rất nhiều. Số người làm ruộng trở nên giàu có, có nơi kể được 40 hoặc 50 nhà, có nơi hai ba mươi nhà. Mỗi nhà có tới năm hay sáu chục người ở làm ruộng, và trâu bò khoảng trên hai ba trăm con; công việc cày bừa gặt hái phải làm liên tục, không lúc nào ngơi” (7).

     Đi kèm với việc chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng thì người nông dân Nam Bộ luôn chú ý đến việc nâng cao chất lượng của giống lúa thông qua việc cải tiến kỹ thuật gieo trồng, thay đổi phương cách chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Vì vậy, mặt hàng lúa gạo được sản xuất ở Nam Bộ có chất lượng khá tốt. Bấy giờ, người nông dân ở đây đã tạo ra nhiều giống lúa vừa cho năng suất cao, hạt gạo dẻo lại thơm ngon với mùi hương đặc trưng khác nhau. Ở Gia Định được biết đến với “hột gạo trắng và dẻo” (8). ở Hà Tiên thì được biết đến với nhiều giống lúa “lúa tẻ, lúa nếp, ngô đỏ” (9). Còn ở Vĩnh Long nổi tiếng về cả lúa gạo và nếp: lúa đông, lúa móng chim, nếp hương bầu, nếp sáp, nếp than.

     Sản xuất ra lúa gạo rất nhiều, người nông dân để lại một phần để ăn, làm thóc giống, đóng thuế, số dư thừa còn lại đem bán, lưu thông ra thị trường. Thường thì vào tháng mười một, tháng chạp người nông dân lấy lúa xay giã thành gạo để bán lấy tiền tiêu tết (Tết Nguyên Đán) (10). Và thế là xuất hiện các thương lái chuyên việc mua bán mặt hàng lúa gạo, lấy đó làm phương kế sinh nhai. Họ thu mua lúa gạo ở đồng bằng rồi mang dọc theo các con sông lên thượng nguồn trao đổi, mua bán với người dân vùng núi. Một số người có số vốn khá hơn thì lại thu gom lúa gạo với trữ lượng lốn sau đó chỗ từ Gia Định đi các trấn khác để bán, nhiều nhất là chở ra Phú Xuân (Thuận Hóa). Nhiều năm ở Đàng Ngoài thiên tai, mất mùa, đói kém thì lúa gạo cũng được thương lái ở Đàng Trong lén lút mang ra bán để kiếm lãi, dẫu biết rằng chính quyền chúa Nguyễn răn cấm điều này.

     Mặc dù lúa gạo Đàng Trong được sản xuất với sản lượng rất lớn nhưng lại là mặt hàng cấm, chúa Nguyễn chỉ cho phép được buôn bán trong nước và ra lệnh cấm không được bán cho tàu buôn nước ngoài. Hằng năm, chúa Nguyễn cho tích trữ lúa gạo vào kho để phòng khi thiên tai, dịch bệnh, mất mùa đói kém; và cũng là để Đàng Trong luôn chủ động về nguồn lương thực, cung ứng cho quân đội lúc có chiến sự. Tuy nhiên, dù là mặt hàng cấm nhưng hấp dẫn bởi mối lợi hoặc lúc hàng hóa quá khan hiếm, thương lái nước ngoài nếu không mua được hàng hóa theo ý muốn thì vẫn cố tình lén lút mua lúa gạo mang về nước hoặc mang sang các nước khác để bán. Việc làm này quả thực là mạo hiểm, nếu bị chính quyền chúa Nguyễn phát hiện thì cả người bán lẫn người mua đều bị xử tội rất nặng.

     Cùng với lúa gạo, người nông dân Đàng Trong còn chuyên tâm sản xuất ra nhiều mặt hàng nông sản khác nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Điều kiện đất đai, khí hậu ở Đàng Trong không chỉ thuận lợi cho việc trồng lúa nước mà còn là nơi thuận lợi cho quá trình sinh trưởng của nhiều loại cây trồng khác nhau, cả cây hàng năm và lâu năm. Hầu khắp các địa phương đều có thể trồng các loại cây ăn quả (ổi, mít, chuối, mãng cầu, cam, chanh, dứa gai (thơm), dưa hấu…), cây lấy củ (khoai lang, củ mài, củ từ, củ cải…), cây lấy hạt (bắp, đậu: đậu ván, đậu đen, đậu trắng; đậu đỏ, đậu lạc…), bí, mướp đắng…

     Tùy vào thổ nhưỡng, khí hậu mà mỗi địa phương lại có ưu thế riêng trong việc sản xuất những mặt hàng nông sản nhất định, số lượng nhiều và chất lượng lại tốt. Đất Hà Tiên là nơi trồng được rất nhiều loại đậu (đậu xanh, đậu vàng, đậu trắng, đậu đen, đậu phụng) và cây ăn quả (mít, chuối tiêu, thạch lựu, cau, mãng cầu, dứa gai (thơm), bí, mướp, mướp đắng, dưa hấu… Còn ở vùng đất Đồng Tháp Mười ngày nay, xưa được biết đến là nơi “dân cư thưa thớt; đất ấy phía trước giáp sông lớn, có nhiều gò cao đồi đất, trồng các thứ bông, dâu, gai, bí ngô, bí đao, dưa hấu, ngô, khoai lang, thuốc lá, đậu vàng, đậu trắng, đậu đen, phía sau là đất thấp đầm phá, cá và ba ba dầy dẫy, tre to và cây tạp dăng khắp thành rừng, địa lợi còn nhiều, chưa khai khẩn hết” (11). Đặc biệt ở phủ Quy Nhơn (nay là tỉnh Bình Định) là nơi sản xuất nhiều loại quả quý, trong đó quả xoài được đem dâng lên chúa (12). Quả xoài đặc biệt thơm ngon nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho người dâng lên nhà sư Thích Đại Sán khi ngài từ Trung Quốc sang và lưu tại chùa Thuyền Lâm (nay là chùa Thiền Lâm, Thành phố Huế). Ngài Thích Đại Sán đã kể lại rằng: “Có tiếng đồn ta thích ăn trái cây, mọi người đua nhau đem trái tươi đến dâng. Liêu xá chất đầy ngổn ngang, nào là mít, xoài, dưa hấu, chuối và hường… Những loại trái ngọt gắt, ta cũng chẳng ưa mấy. Ngày kia, Vương sai nội giám đem biếu một giỏ xoài đầy, bảo rằng thứ xoài ngon thượng phẩm, đem dâng Lão Hòa Thượng. Ta có ý khinh rẽ, xem kỹ, thấy thứ xoài hơi tròn lớn, dùng dao gọt vỏ, cắt một lát ăn, thấy thơm ngon khác hẳn giống thường. So với giống xoài Việt đông, sống thì chua, chín thì thối, khác xa biết chừng nào… Nếu so sánh quả xoài, thì xoài xứ này quý hơn xoài Viễn đông; trái lại, vải Viễn đông quý hơn vải Nam Việt” (13).

     Còn đối với người phương Tây, trong tất cả các loại trái cây được trồng ở Đàng Trong, họ lại đặc biệt ưa thích trái măng cụt. Giám mục Lambert de la Motte và Linh mục Bénigne Vachet – người đã đến Đàng Trong năm 1671. Hai ông đã được thưởng thức loại trái cây này và đều khen rằng “trong tất cả các loại quả được sinh ra ở Nam Kỳ (Đàng Trong), măng cụt chắc chắn là ngon nhất” (14).

     Các mặt hàng rau, củ, quả được sản xuất ra rất nhiều nhưng xem ra đây chỉ là thứ hàng hóa giản đơn. Nó thường được người nông dân sản xuất ra để tự phục vụ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của gia đình là chính, ngoài ra nó cũng được người ta đem bán ở các chợ. Đối với mặt hàng hoa quả tươi này không mang lại giá trị kinh tế cao bởi không xuất khẩu được, rất hiếm khi các thương lái nước ngoài thu mua để mang về nước. Vì rằng thứ hàng hóa này không bảo quản được lâu, có chăng họ chỉ mua một ít đưa lên tàu để làm lương thực trên đường đi chứ không xem đây là mặt hàng để kinh doanh kiếm lãi.

2. Về khai thác, sản xuất hàng lâm thổ sản

     Vùng đất Đàng Trong có địa hình khá thuận lợi với núi rừng bạt ngàn, đồng bằng rộng lớn và duyên hải, đầm phá trù phú. Với dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dọc biên giới phía Tây của lãnh thổ trải dài từ Bắc xuống Nam đã đem lại những thuận lợi nhất định cho cuộc mưu sinh và khai thác, sản xuất hàng hóa lâm thổ sản, cây dược liệu với số lượng nhiều mà chất lượng lại tốt. Trấn Quảng Nam được Phan Huy Chú ca ngợi rằng “vật sản tốt không kém thua ngoài bắc, thật là một khu vực có tiếng giàu của cải, một thắng địa về biển và núi vậy” (15). Ở Gia Định cũng vậy, thổ sản hết sức dồi dào, phong phú: “sừng tê, ngà voi,… hoài sơn, nam nhân sâm, thổ đường quy, nam bạch truật, ngưu tất, thổ trầm hương, phòng phong, trần bì, chỉ xác, mộc thông, ô dược, sài hồ, mẫn đơn bì, thiên môn, mạch môn, bán hạ, cát căn, nhân trần, hương phụ (củ gấu), xương bồ, hạt địa phu, quả dành dành, xạ can, tử tô, bạc hà, kinh giới, hoắc hương, hoa kim ngân, củ nghệ, củ riềng ấm, thiên hoa phấn, thảo quyết minh (hạt muồng muồng), đại phong tử (hạt máu chó), hạt mã tiền hạt sa tiền (hạt mã đề), lô hột, tật lê, hoàng tinh, sử quân tử (quả dun), cốc tinh thảo, trắc bạch diệp, ích mẫu, cây hy thiêm, hắc khiên ngưu, tang ký sinh (tầm gửi cây dâu), quả xuyên luyện (quả xoan), thủy tam thất, thường sơn, tam lăng, nga truật (củ ngãi xanh), thủy từ cô, thương nhĩ (quả ké), mộc miết (hạt gấc) thạch mộc, nha tạo, kim mao cẩu tích (lông cu ly), hậu phác (vỏ vối), bồ hoàng (hoa náng), thiết tuyền phấn, cỏ hương bài, cam thảo, sừng linh dương, vảy tê tê, rắn ô điều, mật gấu,…” (16).

     Về lâm sản, phải nói rằng núi đồi ở hầu khắp lãnh thổ Đàng Trong đều là nơi có thể sản xuất ra các loại gỗ, tập trung nhiều nhất là vùng núi rừng miền Trung. Mỗi địa phương sản ra một hoặc vài thứ gỗ quý tùy thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng riêng có. Ở châu Bố Chính, nguồn Cơ Sa là nơi nổi tiếng về gỗ lim, gỗ vàng tâm (17); ở Bình Định, gỗ kiền kiền “sơn phận các huyện đều có” (18); ở Phú Yên, huyện Đồng Xuân sản xuất ra gỗ trầm, gỗ ca na, gỗ lõi, gỗ dầu (19); ở Hà Tiên cây gỗ có cây sao, cây dương, cây vông, cây tràm, cây giáng hương (20); trấn Phiên An “rừng Quang Hóa, ở về phía cực tây của trấn; gò núi chồng chất rừng rú liên miên, cây gỗ cao to, vượt thẳng đến trời, che rỢp um tùm đến vài trăm dặm, xuồng gỗ thuyền bè, thợ rừng, thợ mộc, kết trái dựng lều, chém lấy gỗ lạt, lấy than gỗ,… hóa lợi rất nhiều” (21). Việc khai thác gỗ thường do thợ rừng là những người chuyên khai thác gỗ, họ mang dụng cụ và lương thực cùng nhau vào rừng để khai thác gỗ, sau đó dùng thuyền bè tải về xuôi để bán; cánh thợ mộc cũng vào rừng để tìm chặt cây gỗ theo ý muốn, sau đó mang về để chế tác thành các loại đồ gỗ gia dụng hoặc làm nhà, đóng thuyền… và phải đóng thuế. Theo bút ký của người Pháp về việc buôn bán giữa các phương Tây với Đàng Trong và Đàng Ngoài vào khoảng các năm 1690-1700, được biết các loại gỗ quý như gỗ mun cũng là mặt hàng được người phương Tây mua về nước (22).

     Về khai thác trầm hương, kỳ nam của cư dân Đàng Trong. Theo Cristophoro Borri ghi chép lại “loại cây này có rất nhiều, nhất là trên núi Kẻ Mọi, cây rất to và rất cao. Nếu gỗ cắt ở thân cây non thì là trầm hương, có rất nhiều và ai muốn lấy bao nhiêu tùy thích. Nhưng khi lấy ở gốc già thì đó là kì nam rất khó kiếm, vì hình như thiên nhiên cho những cây đó mọc lên ở những ngọn núi cao nhất và hiểm trở nhất để được thảnh thơi già cỗi đi, không ai làm hại được mình. Thỉnh thoảng có ít cành gẫy và rời khỏi thân rơi xuống hoặc vì khô quá hoặc vì già cỗi quá và khi người ta nhặt được thì đã mục nát và mốc thếch. Nhưng đó lại là thứ có giá nhất và lừng danh nhất gọi là kì nam vượt hẳn thứ trầm hương thông thường rất nhiều về tác dụng và về hương thơm…” (23). Và căn cứ vào các nguồn sử liệu cũ thì cũng có thể biết dược trầm hương được sản xuất ở nhiều địa phương khác nhau của Đàng Trong, như: “Nguồn cảo cảo ở đầu nguồn huyện Võ Xương, tức là các trang sách của châu Sa Bôi, sản xuất ngà voi, màn hoa, trầm hương, tốc hương…” (24); phủ Tư Nghĩa, “trầm hương và tốc hương đều cực tốt” (25); tỉnh Bình Định, trầm hương (có thuế), kì nam (có thuế, mỗi người một năm 3 lạng): các thứ ấy, sơn phận các huyện đều có” (26); Phú Yên, “giáng hương, trầm hương, kỳ nam, sa nhân: đều sản ở nguồn Hà Duy và Thạch Thành, có thuế” (27). Về chất lượng của trầm hương và kỳ nam, xét theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì “kì nam sản xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là hạng tốt nhất, sản xuất tự Phú Yên và Qui Nhơn là thứ nhì. Hương ấy là do lõi cây gió kết thành. Gió có 3 loại: gió lưỡi trâu thì thành khổ trầm, gió niệt thì thành trầm hương, gió bầu thì thành kì nam. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân cây nổi nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt bổ để lấy” (28).

     Trầm hương và kỳ nam là mặt hàng có giá trị cao, nhận được sự chú ý, thích thú của người ngoại quốc bởi mùi hương đặc biệt của nó. Cristophoro Borri đã khen về hương thơm của kỳ nam: “Thực ra ở chính nơi nhặt được, nó rất thơm, rất dịu, tôi đã muốn thử mấy miếng người ta cho tôi, tôi đem chôn dưới đất sâu chừng hơn năm chân (29) thế mà vẫn ngửi thấy hương thơm” (30). Đối với mặt hàng trầm hương thì chúa Nguyễn cho phép trong dân chúng được quyền trao đổi, mua bán. Nhưng kỳ nam lại là mặt hàng quốc cấm, bởi nó được giới thương nhân ngoại quốc mà đặc biệt là các vị khách phương Tây rất mực ưa chuông. Vậy nên chúa Nguyễn đã độc quyền mua bán mặt hàng này. Vì nhà nước độc quyền mua bán nên giá bán của kỳ nam dành cho người ngoại quốc thường được đẩy lên rất cao so với giá nhà nước thu mua của người dân trước đó. Dẫu vậy, người nước ngoài mà phần đông là giới thương gia vẫn quyết định bỏ ra những khoảng tiền lớn để có được mặt hàng kỳ nam quý hiếm này. Có thể họ sẽ mang về nước để bán hoặc tặng và cũng lắm khi mang sang tiêu thụ ở thị trường các nước khác nhằm kiếm khoản lợi nhuận lớn. Và cũng vì rằng “chỉ một tàu chở đầy trầm hương cũng đủ cho thương gia trở nên giàu có và sung túc suốt đời” (31) nên các thương lái không chỉ dừng lại ở việc mua trầm hương, kỳ nam của chúa Nguyễn mà còn lén lút mua mặt hàng này trực tiếp ngay tại nơi sản xuất ra nó.

     Về mặt hàng thổ sản; ở Đàng Trong có rất nhiều thổ sản giá trị nhưng có hai thứ hết sức nổi tiếng là hồ tiêu và cau. Bấy giờ, bên cạnh việc thu nhặt, hái lượm hồ tiêu có sẵn ở các vùng núi rừng thì cư dân Đàng Trong cũng đã biết chăm trồng loại cây này. Hồ tiêu được trồng theo mô hình đồn điền chuyên canh vào năm 1572, năm đó, chúa Nguyễn Hoàng bắt được 3.000 tù binh của quân Mạc do Lập Bạo chỉ huy. Sau thắng trận, chúa đưa số tù binh này lên canh phá vùng Cồn Tiên, tổng Bái Trời (nay thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) lập ra 36 phường (32), vùng đất này nhanh chóng nổi tiếng về hồ tiêu. Từ đó, hồ tiêu trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đàng Trong và đứng đầu của xứ Thuận Hóa. Vào thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn cho biết: “Hồ tiêu sản ở các phường và xã Mai Xá, tổng Bái Trời, huyện Mỉnh Linh, mọc đầy rừng, leo vào các cây mà mọc, tháng 9 có hoa, tháng 11 kết quả, tháng 5 thì hái, tháng 6 thu xong… Xưa Đoan Quận công (33) từng sai người y theo giá mà mua chở về cùng vây cá, yến sào để đổi cho khách buôn lấy hóa vật, bèn làm thành lệ. Họ Nguyễn cứ hàng năm vào thượng tuần tháng 5 thì sai đội thuyền Tân nhất cùng tinh binh ra địa phương hạ lệnh cho dân, tùy vườn nhiều ít mà thuê bao, họp số định giá mà mua lấy, một gánh hồ tiêu trả 5 quan tiền, chở về phố Thanh Hà bán cho khách Tàu, không cho dân địa phương bán riêng…” (34). Hồ tiêu cũng được trồng rất nhiều hầu khắp Đàng Trong, tiêu biểu như ở Bình Định (35). Loại cây này đã thực sự đem lại nguồn lợi lớn cho cư dân và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đàng Trong bởi sản lượng rất lớn và chất lượng lại tốt trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và nước ngoài lại tăng cao.

     Hồ tiêu là mặt hàng được nhiều thương khách nước ngoài ưa chuông, đặc biệt là người Nhật Bản. Trong các thư giao dịch về hàng hóa với Đàng Trong, người Nhật cho biết về đặc điểm của mặt hàng này: “Hồ tiêu sản ở Đàng Trong rất nhiều, người sống ở miền lạnh như Nhật Bản rất cần và rất quý. Hạt nhỏ như hạt đậu nhưng xù xì và đen, chất thơm bay ra ngào ngạt, hạt càng già càng cay. Dùng nó gia vào thức ăn thì rất ngon, người miền lạnh ăn vào thấy ấm áp, dễ chịu” (36).

     Cùng với hồ tiêu là cau ở Đàng Trong, tục ăn cau trầu của người dân rất phổ biến nên hầu khắp các địa phương, mỗi nhà hầu như đều có trồng hai loại cây này. Trồng cau trầu và tục ăn cau trầu của người Việt đươc các vị khách phương Tây ghi chép lại: “Cây cau mọc cao và thẳng như một cột buồm, chỉ ở trên ngọn mới có cành, trông như một vòng hoa. Quả giống như quả nhục đậu khấu, nhưng tròn hơn. Mọi người thường bổ cau ra thành miếng nhai với lá trầu, cho thêm ít vôi, làm cho răng sạch, môi đỏ và làm cho hơi thở không hôi” (37). Cau được sản xuất nhiều nhất là ở khu vực Nam Bộ ngày nay. Đặc biệt ở phủ Gia Định, “đất này có nhiều cau. Tục ngữ nói: “thóc một cau hai”. Dân địa phương đó không lấy quả, cứ để cho quả già khô héo, rồi bóc lấy hột đem bán cho người Tàu” (38). Còn theo Trịnh Hoài Đức thì ở trấn Định Tường, “hai huyện Kiến Hưng, Kiến Đăng, vườn cau xum xuê, cau tươi, cau sấy, cau phơi, nhà nào cũng có, chất ở sân, chứa trong lẫm để bán cho các khách xa gần” (39), và ở trấn Phiên An, đảo Côn Lôn, “quả cau lớn, vỏ đỏ, vị ngọt thơm, mỗi khi đầu mùa xuân, nhân lúc ở Gia Định cau chưa thành quả, mà xứ ấy cau đã trĩu buồng thì chở đến bán được giá gấp bội” (40). Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản mua với sản lượng lớn để mang về nước.

     Ngoài ra, Đàng Trong còn là nơi sản xuất ra nhiều loài cây dược liệu quý. Ở Hà Tiên có các vị thuốc như “trầm hương, sa nhân, hậu phác, sơn dược, sử quân tử, hà thủ ô, hương phụ, bán hạ, hoắc hương, tử tô” (41). Còn ỏ Biên Hòa, các vị thuốc có “thổ sâm, toái cốt bổ, sơn dược, sa nhân, thổ phục linh, hậu phác, đại phong tử ý dĩ: các huyện đều có, duy hậu phác là tốt hơn cả” (42). Các loại cây thảo dược quý đã giúp các vị thầy thuốc trong nước phát huy được tài năng y thuật của họ trong việc chữa trị bệnh cho con người, và ở mức độ nào đó y học Đàng Trong thời chúa Nguyễn có mặt vượt trội hơn y học châu Âu cùng thời “có những bệnh không hiểu được và không có thuốc chữa đối với thầy thuốc người Âu, thì vẫn có thể chẩn đoán được và trị lành được bởi các thầy bản xứ” (43). Chính các nhà truyền giáo phương Tây lúc bấy giờ sông ở Đàng Trong cũng đã thừa nhận: “Nhiều trường hợp mà các thầy thuốc An- Nam đã tạo được kết quả tốt hơn là các thầy thuốc châu Au, và cũng nói rằng có nhiều thứ thuốc, nhiều phương pháp chữa trị của người An-nam tỏ ra trội hơn của người châu Âu” (44).

     Có thể khẳng định rằng khai thác hàng hóa nông lâm thổ sản có vai trò, tác động rất lớn đến đời sông kinh tế, xã hội Đàng Trong đương thời.. Quá trình lao động để tạo ra các sản phẩm- đó đã phản ánh khả năng lao động bền bỉ cũng như những tri thức sáng tạo trong hoạt động kinh tế nông nghiệp của người Việt. Mặt khác, những sản phẩm nông lâm thổ sản được người nông dân tạo ra không chỉ thỏa mãn chu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình mà còn trở thành các hàng hóa quan trọng thông qua trao đổi, mua bán trên thị trường.

      Tóm lại, các mặt hàng nông lâm thổ sản cùng với hàng thủ công, khai mỏ đã tạo nên một thị trường hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú, đa dạng về chủng loại đã thúc đẩy nền thương nghiệp Đàng Trong có bước phát triển vượt bậc. Nội thương nhờ vậy mà có bước chuyển mình, hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa giữa các vùng miền trong cõi ngày càng được tăng cường, mở rộng thông qua mạng lưới các chợ, thị tứ và đô thị. Sự sôi động của thị trường hàng hóa trong nước đã tạo được sự chú ý đặc biệt đối với thương nhân nước ngoài, là nền tảng cho chính sách mở cửa, phát triển ngoại thương của chúa Nguyễn đạt hiệu quả. Nhờ có nguồn hàng hóa nông lâm thổ sản hết sức phong phú và giá trị mà Đàng Trong thời chúa Nguyễn được người phương Tây biết đến như là một xứ sở của những sản vật và hương liệu ở phương Đông. Bấy giờ, thương nhân nhiều nước từ Đông sang Tây đã cập các bến cảng ở Đàng Trong để đặt quan hệ và xin được tiến hành việc trao đổi, mua bán hàng hóa; tạo nên một cơ hội lớn để Đàng Trong có thể vươn mình thông thương với thế giới bên ngoài mà trước đó đất nước chưa bao giờ có được. Và các chúa Nguyễn đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, vận hội đó, chủ động mở cửa giao lưu, buôn bán với tất cả các nước muốn thiết lập quan hệ với chính quyền Đàng Trong. Sự phát triển của thương nghiệp nói chung và ngoại thương nói riêng đã góp phần quan trọng tạo nền thế và lực mới cho sự vững mạnh của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong đương thời.

     Chú thích:

     (1), (2), (17), (24), (34). Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 371, 96, 97, 354.

     (3), (4), (7), (8), (10), (15), (25), (38). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tủ sách cô văn – Ủy ban dịch thuật – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, t.l, 1972, tr. 359, 355, 360, 368, 360, 355, 159, 368.

     (5), (11), (16), (20), (21), (39), (40). Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, tập 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.43, 45, 161, 33, 37-38, 48, 38.

     (6), (9), (41), (42). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1992, tr.10, 33, 33, 86.

     (12), (18), (19), (26), (27), (28), (35). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí,tập 3, sđd, 1992, tr. 59, 60, 85, 60, 85, 121, 59.

     (13) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự,Viện Đại học Huế, ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963, tr. 95-96.

     (14) Bulletin de la Société des études indo chinoises de Saigon, Année 1900, – 2e Semestre, Imprimerie L. Ménard, p.90.

     (22) Dẫn theo Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển III, 1959, tr.195.

     (23), (30), (31). Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh, 1998, tr.34-35, 35, 36.

     (29). Pied: chân, cách đo thời xưa, chừng 0,3407 m.

     (32) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục,tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.30-31.

     (33) Tức chúa Nguyễn Hoàng.

     (36) Cận Đằng Thủ Trọng, An Nam kỷ lược cảo,Quyển 1, Bản dịch Trần Bá Chí, tr. 23, Tư liệu của Đề tài Lịch sử Việt Nam Tập XI, Mã số KXLSVN. 11/14-18.

     (37) Jear – Baptiste Tavernier, Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Thê giới, Hà Nội, 2011, tr.32.

     (43), (44). Gaide, “Y học châu Âu tại An Nam xưa và nay”, BAVH, Nxb. Thuận Hóa, Huế, t.8, 2001, tr. 286, 286-287.

Nguồn: Nghiên cứu Lịch sử. ISSN.0866-7497, 3(503), năm 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sản xuất và khai thác hàng hóa nông lâm thổ sản ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn (Tác giả: ThS. Hồ Châu)
Tập tin số 1
Tập tin số 2 (tiếp theo)