Sự cần thiết của từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt
THE NEED OF BILINGUAL DICTIONARY:
VIETNAMESE-KHMER AND KHMER-VIETNAMESE
Tác giả bài viết: THẠCH THỊ DÂN
(Trường Đại học Trà Vinh)
TÓM TẮT
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay việc nói và sử dụng được hai ngôn ngữ là một lợi thế để phát triển bản thân và mang thành công đến gần hơn với mỗi người. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều bộ Từ điển song ngữ đã ra đời với qui mô lớn. Riêng Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt hiện nay còn rất khiêm tốn về số lượng từ. Điều này chưa thoả mãn được nhu cầu học tập song ngữ Khmer – Việt của đông đảo nhân dân ở Campuchia cũng như nhân dân ở các vùng có đông người dân tộc Khmer như Tây Nam Bộ. Bộ Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt của Trường Đại học Trà Vinh ra đời sẽ là một bổ khuyết cho việc phát triển của ngành từ điển học, hỗ trợ đắc lực cho việc học song ngữ Khmer – Việt, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.
Từ khóa: từ điển song ngữ, song ngữ Việt-Khmer, song ngữ Khmer-Việt.
ABSTRACT
In the context of globalization today, speaking and using two languages is an advantage to develop yourself and to achieve success. To meet that need, many bilingual dictionaries were developed on a large scale. The bilingual Vietnamese-Khmer, Khmer-Vietnamese dictionary is still very modest in terms of number of words. This has not satisfied the need to study bilingual Khmer – Vietnamese of the large population in Cambodia as well as people in areas with large Khmer ethnic groups such as the Southwest. The bilingual dictionary of Vietnamese – Khmer and Khmer – Vietnamese.
x
x x
I. Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt là bộ công cụ phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu ngôn ngữ
A. Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt, là công trình phục vụ đắc lực cho việc học ngôn ngữ của người Campuchia, người Khmer ở Việt Nam và người Việt muốn học tiếng Khmer
Tiếng Khmer là ngôn ngữ chính thức của người Campuchia và là ngôn ngữ của người dân tộc Khmer tại Việt Nam. Với lịch sử hình thành và biến đổi hơn một nghìn năm, tiếng Khmer trở thành một ngôn ngữ có tính hệ thống chặt chẽ, đáp ứng đủ về từ vựng, ngữ âm, cấu tạo từ… như các ngôn ngữ khác. Trải qua bao thăng trầm, tiếng nói và chữ viết không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn trở thành bản sắc, nét đẹp văn hóa tiêu biểu của người Khmer. Vì thế, người Khmer luôn có ý thức lưu trữ, trao đổi truyền tiếng nói dân tộc, khơi dậy tinh thần ngôn ngữ trong thế hệ trẻ. Song, do những điều kiện chủ quan cũng như khách quan, ngôn ngữ Khmer trước kia chủ yếu chỉ được giảng dạy trong các chùa cho con em người dân tộc Khmer. Hàng ngày họ đều nói tiếng Khmer (tiếng mẹ đẻ), song tỉ lệ người Khmer biết viết, đọc tiếng Khmer lại rất thấp, đặc biệt là nữ giới (do một bộ phận nam giới được học tập chữ viết, họ giáo lý phật pháp, học văn hóa truyền thống trong các ngôi chùa).
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc đưa ngôn ngữ dân tộc thiểu số vào giảng dạy tại các trường học, chương trình giảng dạy tiếng Khmer và song ngữ Việt – Khmer đã được triển khai và duy trì liên tục. Việc dạy tiếng Khmer trong nhà trường vừa góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước (duy trì và phát triển tiếng nói và chữ viết nhằm mục đích bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc) vừa thoả mãn nhu cầu học tiếng mẹ đẻ của người dân tộc Khmer, góp phần đào tạo được số lượng học sinh dân tộc biết sử dụng thành thạo cải hai ngôn ngữ Khmer và Việt [1]. Nhờ đó, người Khmer biết sử dụng tiếng mẹ đẻ để tiếp cận với tiếng Việt và qua đó tiếp cận các kiến thức về khoa học, kinh tế, kĩ thuật cũng như các kiến thức khác của nhân loại bởi “Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ là một cách hiệu quả giúp chúng ta không để lại trẻ em nào phía sau và ngoài giáo dục chất lượng. Điều này sẽ giúp trao quyền cho các nhóm dân tộc thiểu số để hòa nhập vào xã hội và đóng góp tốt hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước” [2].
Ở Việt Nam, hai dân tộc Việt và Khmer đã sống cộng cư từ rất lâu đời. Cuộc sống gắn bó quần tụ đã tạo ra sự giao thoa về văn hoá của hai dân tộc, hầu như người Việt tham gia vào nhiều hoạt động văn hoá của người Khmer và ngược lại. Không chỉ thế, việc tiếp xúc hàng ngày trong các hoạt động giao tiếp, mua bán, học hành làm phát sinh nhu cầu học tiếng Khmer của người Việt và học tiếng Việt của người Khmer. Mặt khác, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức được sử dụng một cách rộng rãi, bắt buộc trong nhà trường, cơ quan hành chính và trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam, do đó học tiếng Việt là một công việc cần thiết của người Khmer cũng như người Campuchia làm ăn sinh sống tại Việt Nam.
Việc biên soạn bộ Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt một mặt để tham gia vào việc phát triển tiếng Việt, mặt khác góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước đối với tiếng nói chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Bộ Từ điển này cũng là công cụ hữu ích giúp người dân tộc Khmer, cũng như người dân Campuchia trang bị vốn từ vựng tiếng Việt và hiểu tiếng Việt ở các khía cạnh nghe, nói, đọc, viết; giúp người Việt bước đầu tiếp xúc với ngôn ngữ khi học tiếng Khmer và củng cố khả năng sử dụng tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ) của mình; giúp cho việc giáo dục song ngữ ở vùng người Khmer, hướng tới việc sử dụng có hiệu quả hơn đối với tiếng nói, chữ viết Khmer.
B. Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt là công cụ hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu tiếng Việt cho sinh viên Campuchia và tiếng Khmer cho sinh viên Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam và Campuchia luôn chú trọng công tác trao đổi các đoàn đại biểu các cấp; tăng cường giao lưu giữa các cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học; trao đổi lưu học sinh. Chương trình hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước được triển khai trên cơ sở biên bản thỏa thuận tại các kỳ họp hàng năm của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và Nghị định thư về hợp tác giáo dục và đào tạo. Theo đó, hàng năm có nhiều sinh viên, học sinh Việt Nam theo học tại Campuchia và hàng trăm sinh viên, học sinh Campuchia sang học đại học, sau đại học, thực tập, nghiên cứu, bồi dưỡng ngắn hạn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc học tập và nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Việt cũng là nhu cầu thiết yếu của nhiều sinh viên Campuchia cũng như sinh viên Việt Nam theo gia đình sống tại Campuchia. Vì thế, công tác dạy tiếng Việt tại trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh luôn được sự quan tâm và hỗ trợ của chính phủ Việt Nam.
Trong nước, riêng ở tỉnh Trà Vinh, từ năm 2012, khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ (Trường Đại học Trà Vinh) có các chuyên ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam bộ đã thu hút rất nhiều sinh viên, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Khmer theo học.
Như vậy, nhu cầu giao tiếp song ngữ và nghiên cứu chuyên sâu ngôn ngữ Việt – Khmer rất cao, mà hiện nay các công cụ hỗ trợ, các giáo trình học tập, cũng như các tài liệu tham khảo còn hạn chế. Bộ từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt sẽ rất hữu ích cho sinh viên Campuchia dễ dàng tiếp cận tiếng Việt khi sang học tập, nghiên cứu tại các viện, trường đại học tại Việt Nam cũng như tại Campuchia. Và còn giúp cho sinh viên Việt Nam dễ dàng tiếp cận ngôn ngữ Khmer khi học tập, nghiên cứu tại Campuchia và Việt Nam.
C. Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt trang bị vốn ngôn ngữ “bỏ túi” cho cho người hai nước Việt Nam và Campuchia dễ dàng trong việc giao thương, buôn bán, đặc biệt là người sinh sống ở những vùng biên giới của hai quốc gia.
Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia dài 1.137 km, có 10 tỉnh của Việt Nam (30 huyện và 101 xã, phường) với diện tích 61.326 km2, tiếp giáp với 9 tỉnh của Campuchia; có 9 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia, 30 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn; có địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống kênh rạch đi lại thuận lợi ở cả hai bên trong việc hợp tác thương mại, du lịch. Hiện nay, có nhiều công ty Việt Nam đóng tại Campuchia, nhiều người Việt Nam sinh sống tại Campuchia và nhiều người Campuchia sang làm việc trong các khu công nghiệp ở Việt Nam. Việt Nam – Campuchia cũng đã thành lập các khu kinh tế cửa khẩu trên tuyến biên giới, nhiều chợ biên giới gắn với việc buôn bán, giao dịch giữa người hai nước, đặc biệt là người sinh sống ở vùng biên giới. Có một số lượng nhất định người Khmer cũng như người Việt đang cần sử dụng song ngữ Việt – Khmer cho hoạt động giao tiếp, giao dịch dân sự, cũng như những hợp đồng kinh tế thông thương, dịch vụ y tế khám chữa bệnh.
D. Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt hỗ trợ đắc lực cho cán bộ người Kinh và các dân tộc khác học tiếng Khmer bản địa.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Về dân số, Khmer là tộc người đứng thứ năm trong các tộc người thiểu số của Việt Nam và đứng thứ nhất trong các tộc người thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, tiếng nói của người Khmer giữ một vị trí quan trọng trong xã hội. Ngôn ngữ Khmer đã được sử dụng trong tất cả các mặt của đời sống: giáo dục, y tế, văn hóa, sáng tạo nghệ thuật, hành chính-công vụ. Các phương tiện thông tin đại chúng: sách báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình đa phần đều có chuyên mục bằng tiếng Khmer. Trong những năm qua, việc trang bị ngôn ngữ Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang công tác tại các vùng có đông người dân tộc Khmer là một chiến lược bền vững và lâu dài của Đảng và Nhà nước. Điều này góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang người Kinh và các dân tộc khác hiểu biết hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của người dân tộc Khmer tại địa phương; qua đó góp phần phục vụ tích cực công tác tuyên truyền, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người Khmer; thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh – chính trị tại địa bàn công tác. Bộ từ điển này sẽ là quyển sách “gối đầu nằm” cho cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu học tiếng Khmer.
Từ những vấn đề trên, có thể đi đến kết luận rằng, trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai, bộ từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt là một công trình khoa học về ngôn ngữ hữu ích, giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc tra cứu cho những người học tiếng Khmer cũng như tiếng Việt; giúp người học có thể dịch và tạo ra các văn bản bằng song ngữ “Từ điển song ngữ vừa là cẩm nang để tra cứu vừa là sách giáo khoa để dạy cho người dùng sử dụng đúng ngoại ngữ trong mọi tình huống giao tiếp” [3].
Từ điển song ngữ sẽ tạo điều kiện cho những người học tập, nghiên cứu về ngôn ngữ trong bước đầu tiếp xúc với ngôn ngữ đang bắt đầu làm quen với ngôn ngữ hoặc đang thực hành ngôn ngữ thứ hai.
II. Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt là bộ tài liệu quan trọng góp phần thực nhiệm vụ chính trị hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Campuchia
Hội nhập quốc tế là một xu thế khách quan, diễn ra dưới nhiều hình thức và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống của từng quốc gia. Thực tiễn cho thấy, không một quốc gia nào có thể “đứng một mình” trên con đường phát triển. Ngày nay, hội nhập quốc tế được xem như là phương tiện để các quốc gia phát triển chính mình và góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng trong một “thế giới phẳng”. Việt Nam – Campuchia là hai nước láng giềng đã có quan hệ hữu nghị tốt đẹp từ lâu đời, nhất là từ khi cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời, nhu cầu hợp tác và phát triển Việt Nam và Campuchia ngày càng được củng cố và đẩy mạnh. GS. Phan Ngọc trong Lời giới thiệu từ điển Thái Lan – Việt của tác giả Nguyễn Chí Thông đã nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa hai dân tộc cần bắt đầu bằng những từ điển song ngữ. Có thế, mọi giao lưu văn hoá, chính trị, kinh tế mới tiến hành thực sự nghiêm chỉnh”. Thật vậy, ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bởi nó bảo đảm sự đa dạng về văn hóa và giúp các nền văn hóa có thể giao thoa, trao đổi với nhau. Như vậy, học tiếng Khmer là việc làm thiết thực nhất để “phá vỡ rào cản ngôn ngữ” thâm nhập vào nền văn hoá, nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của nước bạn; hiểu rõ tiếng Việt là để góp phần bảo tồn và đưa văn hoá Việt Nam đến với Campuchia. Trong điều kiện giao lưu, hợp tác, nhu cầu nhu cầu thông hiểu giữa hai ngôn ngữ là một nhu cầu bức bách và chính đáng, giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ là giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nhân lực trong điều kiện giao lưu, hội nhập. Bộ từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt của trường Đại học Trà Vinh sẽ góp phần giảm thiểu sự bất đồng về ngôn ngữ – một rào cản lớn cho những kết quả cần đạt được trong mọi hoạt động thông qua giao tiếp.
III. Từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt là tài liệu góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Ngôn ngữ Khmer hiện đại, xét về mặt địa lý, được sử dụng bởi ba nhóm người chính: người Khmer ở Campuchia, người Khmer ở Thái và cộng đồng người Khmer ở Việt Nam với hơn 16 triệu người đã trải qua 12 lần biến đổi và phát triển thành một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh như ngày nay. Giữa tiếng Khmer Campuchia và tiếng Khmer ở vùng Nam Bộ Việt Nam về cơ bản không có nhiều điểm khác biệt. Thứ nhất, về chữ viết, cả hai vùng ngôn ngữ này cùng sử dụng chung một kiểu chữ viết – chữ Khmer hiện đại. Thứ hai, nếu xem ngôn ngữ sách vở là thứ ngôn ngữ chuẩn của tiếng Khmer thì về thực chất, tiếng Khmer Campuchia và tiếng Khmer Nam Bộ là những biến thể phương ngữ của cùng một ngôn ngữ. Cũng như các phương ngữ của tiếng Việt, những biến thể này thể hiện rõ ở bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ dụng. Tuy nhiên, vì sống và giao lưu với người Việt lâu đời, ngôn ngữ và chữ viết của người Khmer Nam Bộ cùng tồn tại và phát triển song song với ngôn ngữ và chữ của người Việt nên đã hình thành nhiều nét mới so với nguồn gốc ban đầu, so với tiếng Khmer ở Campuchia thì “hệ thống nguyên âm tiếng Khmer Nam Bộ còn phức tạp hơn nhiều” [4]. Hiện nay, tiếng Khmer ở Nam Bộ tồn tại thành ba vùng phương ngữ: phương ngữ Trà Vinh (bao gồm tiếng nói của dân cư các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ), phương ngữ Sóc Trăng (bao gồm tiếng nói của dân cư các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu), phương ngữ Rạch Giá (bao gồm tiếng nói của dân cư các tỉnh Kiên Giang, An Giang).
Ngôn ngữ phương tiện truyền đạt ý tưởng và chứng minh sự tồn tại của dân tộc. Đối với quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện thực tế hiện nay, việc biên soạn từ điển song ngữ mở ra một chân trời sáng không chỉ về ngôn ngữ, giáo dục mà còn về phát triển văn hoá xã hội và hợp tác quốc tế. Từ năm 1968, ở Campuchia đã ra đời quyển Từ điển Khmer – Việt của សូមាúǓĘǓត- ហ៊ុនគីមសាûǓ -សុតសារុន xuất bản tại Phnôm Pênh từ năm 1968 [5]. Tại nước ta từ trước đến nay, đã có một số công trình biên soạn từ điển song ngữ Khmer – Việt: từ điển Việt – Khmer, Khmer – Việt của tác giả Hoàng Học ra đời từ những năm 70 với số lượng đầu mục từ khoảng 35.000; Từ vựng Khmer – Việt thông dụng của Ngô Chân Lý ra đời năm 2011, Từ điển Khmer – Việt do Sôrya và Trần Thanh Pôn chủ biên xuất bản năm 2000; Từ điển Việt – Khmer của Sơn Phước Hoan (2004). Các công trình này đã góp phần quan trọng vào việc lưu giữ ngôn ngữ Khmer cũng như làm phong phú vốn từ vựng tiếng Việt. Và về cơ bản, tư liệu về ngôn ngữ Khmer đã được thu thập nhưng mới chỉ dừng ở những bước đầu tiên, còn vướng mắc nhiều vấn đề, thật sự chưa đáp ứng thõa đáng nhu cầu của người sử dụng trong xu thế hiện nay. Có thể thấy những vấn đề còn tồn tại trong các công trình từ điển đã có là:
– Thứ nhất, số lượng đầu mục từ còn hạn chế, các từ chủ yếu là từ thông dụng, được dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, từ ngữ, thuật ngữ thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, y tế, khoa học – kỹ thuật chưa được đưa vào đầu mục từ, hoặc có nhưng với số lượng không nhiều;
– Thứ hai, so với các từ điển đơn ngữ, các thông tin cần thiết về từ trong mỗi đầu mục từ như thông tin về từ loại của từ, sắc thái phong cách, phạm vi sử dụng của từ, gốc từ, đặc biệt là các thí dụ về ngữ cảnh sử dụng của từ chưa được các tác giả của công trình chú ý đầu tư thỏa đáng;
– Thứ ba, với các trường hợp đồng âm, đồng nghĩa trong quan hệ giữa các từ trong các đầu mục từ, cách trình bày, xử lí của các quyển từ điển này cũng chưa thật sự đảm bảo tính khoa học cũng như tính hàn lâm, chuyên nghiệp của một quyển từ điển đối chiếu;
– Thứ tư, các công trình đã được công bố còn mắc nhiều lỗi trong đối dịch, cách xử lí các trường hợp từ của ngôn ngữ nguồn không có từ tương đương trong ngôn ngữ đích chưa được thoả đáng; còn mắc các lỗi trong chú thích thông tin về từ;
– Đặc biệt, hầu hết các từ điển Việt – Khmer, Khmer – Việt hiện chưa có công trình nào thu thập và đối dịch các thành ngữ, tục ngữ. Điều này cũng cho thấy sự thiếu sót đáng kể trong danh mục đầu mục từ của từ điển. Bởi lẽ, đây là bộ phận đơn vị ngôn ngữ tương đương với từ, những đơn vị cấu trúc thể hiện giá trị đặc sắc trong lời ăn tiếng nói cũng như thể hiện nét văn hóa, đời sống của một dân tộc – ngôn ngữ.
– Một thực trạng đáng báo động nữa là, theo sự khảo sát sơ bộ của chúng tôi, việc sử dụng ngôn từ trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo nói và báo viết) ở các tỉnh có người Khmer sinh sống hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất. Thể hiện rõ nhất là những thuật ngữ mang tính chuyên môn trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học – kỹ thuật, chính trị, giáo dục, y tế… Chính vì thế những thuật ngữ đó cũng cần có sự thống nhất trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ.
Đáp ứng nhu cầu thực tế, phát huy những thành tựu và khắc phục những vấn đề còn hạn chế trong các công trình đi trước, Bộ từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt, của Trường Đại học Trà Vinh là từ điển đa chức năng của tiếng Việt, tiếng Khmer văn hoá hiện đại. Với số lượng đầu mục trên 40.000 từ, hướng đến việc tập trung thu thập “tích góp”, “nhặt nhạnh” cả các từ dùng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, lẫn các từ văn hóa, các thuật ngữ thông dụng thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự, khoa học, y tế; lớp từ địa phương Khmer, Việt; tiếng lóng, một số từ thô tục; đặc biệt có cả các thành ngữ Khmer -Việt. Sự ra đời của bộ từ điển này sẽ đóng góp vào việc phát triển của ngành từ điển học như một bộ sách công cụ lớn nhằm phục vụ nhiều tầng lớp xã hội rộng rãi: chuyên gia các ngành, giáo viên dạy tiếng Việt cho người Khmer và tiếng Khmer cho người Việt, những phiên dịch viên, những nhà khoa học, nhà ngoại giao, những nhà hoạt động xã hội, những người học tiếng Việt và tiếng Khmer.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Huệ. Tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Khmer tại Trà Vinh. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ. 2008;9:209.
[2] Công An Nhân Dân. Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tiếng mẹ đẻ; 2015. Truy cập từ: http://www.un.org.vn/vi/f [Ngày truy cập: 03/03/2017].
[3] Nguyễn Tuyết Minh. Một số vấn đề lí luận chung về từ điển học và từ điển song ngữ. Đề tài cấp Bộ Một số vấn đề cơ bản về lí luận và phương pháp luận của thế giới và Việt Nam về việc biên soạn các loại Từ điển Ngữ văn. 2009 – 2010;Phòng Từ điển Ngữ văn, Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam.
[4] Mai Ngọc Chừ. Văn hóa và ngôn ngữ phương Đông. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Phương Đông; 2009. tr. 318.
[5] Trường Đại học Trà Vinh. Phương pháp biên soạn từ điển song ngữ. Kỉ yếu hội thảo khoa học; 2016.
Nguồn: Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Trà Vinh, số 25, tháng 3 năm 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Sự cần thiết của từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt (Tác giả: Thạch Thị Dân) |