Sự du nhập của tín ngưỡng thờ Mẫu đến thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

THE INTRODUCTION OF MOTHER WORSHIP BELIEF
TO DA LAT CITY OF LAM DONG PROVINCE

Tác giả bài viết: BÙI THỊ THOA
(Khoa Quốc tế học – Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT

     Thờ Mẫu là một trong những loại hình tín ngưỡng dân gian đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của một bộ phận cư dân Việt ở Đà Lạt. Cùng với sự hình thành và phát triển cộng đồng người Việt trên cao nguyên Lâm Viên, tục thờ Mẫu đã xuất hiện và ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như quy mô các cơ sở thờ tự. Bài viết sẽ tập trung nghiên cứu sự du nhập của tục thờ Mẫu đến Đà Lạt, thông qua đó chỉ ra một số những đặc điểm của quá trình này.

Từ khóa: sự du nhập, tín ngưỡng thờ Mẫu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

ABSTRACT

     Mother worship belief plays an important role in the spiritual life of the Viet population in Da Lat. Along with the formation and development of the Viet community on the Lam Vien plateau, Mother worship followed and has been increasingly developing in both the number and size of worship facilities. The article will focus on the introduction of the Mother worship belief to Da Lat and outline some of the characteristics of this process.

Keywords: the introduction, Mother worship belief, Da Lat city, Lam Dong province.

x
x x

1. Mở đầu

     Đà Lạt là thành phố trẻ trên cao nguyên Lâm Viên. Sự hình thành và phát triển của thành phố gắn liền với sự kiện bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất này từ năm 1893. Từ chỗ là dân nhập cư, đến nay người Việt đã trở thành cư dân chủ thể trong cộng đồng cư dân Đà Lạt.

     Trong quá trình di dân lập làng, lập ấp, người Việt đã mang đến Đà Lạt nhiều loại hình thờ tự, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Hiện nay, tục thờ này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của một bộ phận cư dân Việt nơi đây. Tuy nhiên, cho đến nay, việc nghiên cứu, giới thiệu về tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng cư dân Việt ở Đà Lạt vẫn chưa dành được sự quan tâm đúng mức của các nhà nghiên cứu. Ngay cả các công trình chuyên khảo về địa phương như Địa chí Lâm Đồng (2001) hay chuyên khảo về Tín ngưỡng thờ Mẫu miền Trung (2001) của Nguyễn Hữu Thông (có phần viết về thờ Mẫu ở Tây Nguyên) cũng không đề cập tục thờ này ở Lâm Đồng nói chung, Đà Lạt nói riêng dù chỉ là một chữ. Ngay cả công trình Địa chí Đà Lạt (2008), tục thờ Mẫu ở thành phố cao nguyên này cũng chỉ được nhắc đến một cách sơ lược trong nửa trang giấy A4 với vài nét về bốn cơ sở thờ tự.

     Trong bối cảnh hiện nay, khi Thực hành thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì việc nghiên cứu, giới thiệu và quảng bá về di sản này ở mỗi địa phương, trong đó có thành phố Đà Lạt cần được xúc tiến hơn nữa.

2. Nội dung

     2.1. Vài nét về sự hình thành cộng đồng người Việt Đà Lạt

     Quá trình di cư của người Việt đến Đà Lạt bắt đầu sau cuộc thám hiểm của bác sĩ A.Yersin và việc Toàn quyền Paul Doumer quyết định chọn cao nguyên Lang Biang làm nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương. Cùng với thời gian, số lượng cư dân Việt ở Đà Lạt ngày càng gia tăng.

     Những cư dân Việt đầu tiên có mặt tại Đà Lạt là những người tham gia vào đoàn thám hiểm của bác sĩ Yersin năm 1893 (UBND thành phố Đà Lạt, 1993, tr. 100). Tiếp đó là những phu làm đường có trong phái đoàn do Đại úy kị binh Guynet dẫn dầu trong những năm 1899-1900 để thực hiện việc nghiên cứu làm tuyến đường do Toàn quyền Paul Doumer ra lệnh. Phái đoàn đã thực hiện chuyến công tác 13 tháng để làm con đường từ Cửa Nại (gần Ninh Chữ) qua Xóm Gòn (gần Krong-Pha), Đơn Dương đến Đà Lạt. Những năm 1903-1909, tuyến đường sắt từ Phan Rang đến Xóm Gòn được hoàn thành. Năm 1901, công việc này bị ngưng lại do thiếu vốn, nhưng năm 1912 nó lại được tiếp tục (Hãn Nguyên, 1973, tr. 275).

     Trong những năm đầu thế kỉ XX, một số người Việt được đưa đến Đà Lạt nhằm cung cấp đủ lao động để mở mang đường sá, xây dựng cơ sở hạ tầng điện nước, công sở, nhà chợ, bưu điện, bệnh viện, trường học, khai khẩn đất xây dựng các đồn điền trồng chè, rau màu, hoa để phục vụ nhu cầu tại chỗ cũng như trao đổi với bên ngoài. Năm 1905, bác sĩ Vassall. J. J viết: “Người Việt chưa thành công trong việc định cư ở miền núi cao trên dãy Trường Sơn. Ở Đà Lạt, có một nhóm khoảng 60 đến 80 người. Hầu hết họ là những người đi buôn chuyến, sống trong điều kiện gian khổ, mặc quần áo như ở đồng bằng, bị lạnh, ăn uống thiếu thốn và không có gia đình…” (J. J. Vassal, 1907, p. 358). Cũng trong năm 1905, Đà Lạt có khoảng 60 người Kinh (Nguyễn Hữu Tranh, 2018, tr. 124).

     Đến năm 1908, Đà Lạt cũng vẫn còn vắng vẻ, ngoài những ngôi nhà để làm lữ quán, đồn lính, sở khí tượng… còn có khoảng vài chục nhà tranh của người Việt (Theo DC192 Đ100L, tr. 2). Cũng trong năm 1908, P. Duclaux đã mô tả Đà Lạt trong Tạp chí Indochine như sau: “Đà Lạt! 8 hay 10 mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn cho khách viễn du làm bằng các tấm ván thô sơ… Dân cư ở đây gồm vài tá lưu dân người Việt và vài khách viễn du người Âu đi công tác hay trắc địa viên, những người thợ săn hay một vài khách du lịch rất hiếm hoi cùng các tùy tùng của họ”. (Dẫn theo: Hãn Nguyên, 1973, tr. 280)

     Cộng đồng người Việt tại Đà Lạt chỉ thực sự gia tăng đáng kể từ khi Toàn quyền E. Roume kí Nghị định thành lập tỉnh Lang Biang (ngày 6/01/1916) với trung tâm đô thị được đặt tại Đà Lạt, và việc ông quyết định xây dựng đại khách sạn Hotel du Lang-Bian Palace. Bấy giờ, số lượng người Việt tại đây đã gia tăng nhanh chóng do nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng lên Đà Lạt (vì tuyến đường sắt từ Phan Rang lên Đà Lạt vẫn chưa được hoàn thành). “Vật liệu xây dựng đã phải được thồ những quãng đường dài trên đôi chân của những cu li – với cái giá ghê gớm về sức người” (Eric T. Jennings, 2015, p. 268).

     Sau Hotel du Lang-Bian Palace, một số công trình khác cũng dần được xây dựng ở Đà Lạt như Nhà máy điện (1918), Grand lac (1919) – nay là Hồ Xuân Hương, Nhà máy nước (1920), Nhà máy điện mới (1927), một số trường trung học như Le Petit Lycée và Le Grand Lycée (1926), Nhà thờ Lớn (1931)… Khi hoàn thành các công trình này, một bộ phận người Việt đã ở lại Đà Lạt và dần hình thành nên những khu vực tụ cư là làng, ấp với lượng dân số không ngừng gia tăng: Đầu năm 1923, dân số Đà Lạt khoảng 1500 người. Đến năm 1938, dân số tăng lên là 9500 người, và đến năm 1939, dân số Đà Lạt là 11.500 người, trong đó có 600 người Pháp (Dẫn theo: Hãn Nguyên, 1973, tr. 285).

     Từ thập niên 20 của thế kỉ XX, các đơn vị tụ cư của người Việt đã ra đời: làng Đa Lạc (trước năm 1920), ấp Tân Lạc và ấp Xuân An (năm 1920). Từ năm 1920, sau khi tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập, thực dân Pháp đã đẩy mạnh việc thăm dò khảo sát và đã lựa chọn khu vực thuộc xã Xuân Trường ngày nay để trồng chè và chế biến trà đen xuất khẩu. Do đó, năm 1926 Công ti cây trồng nhiệt đới (Société des gulturstrebicales) cho thành lập Sở trà Cầu Đất. Năm 1927, Sở trà Cầu Đất chính thức được thành lập. Cuối năm 1927, ông Nguyễn Đình Sung cùng một số người1 đứng ra xin lập làng Trường Xuân. Năm 1929, làng Trường Xuân chính thức được thành lập. Từ năm 1927, khi nơi đây được lựa chọn lập đồn điền trà, số lượng công nhân ngày càng tăng. Ngoài những người Việt đầu tiên2 theo đoàn kĩ sư người Pháp, số lượng công nhân tại Sở trà Cầu Đất đã tăng trên 1000 người vào năm 1931 (Đảng bộ xã Xuân Trường, 2000, tr. 10). Năm 1927, làng Trạm Hành được thành lập, năm 1946 thành lập làng Xuân Sơn và Trường Sơn.

     Nhận thấy Đà Lạt là nơi đất rộng người thưa, khí hậu quanh năm mát mẻ, vào những năm 1938-1940, vùng Đa Thiện đã xuất hiện hai ấp tập hợp những người chuyên làm nghề trồng rau cung cấp cho nhu cầu của thành phố là ấp Hà Đông và ấp Nghệ Tĩnh. Năm 1938, ấp Hà Đông được thành lập do công của ông Hoàng Trọng Phu, tổng đốc Hà Đông đã chiêu tập những người thành thạo nghề trồng rau thuộc các làng Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Vạn Phúc, Tây Tựu của tỉnh Hà Đông cũ đưa đến Đà Lạt. Những cư dân này đã tụ cư quanh một con suối nhỏ để khai khẩn đất hoang. Không lâu sau, Quản đạo Đà Lạt là Phạm Khắc Hòe đã đưa một bộ phận dân cư Nghệ An, Hà Tĩnh vào Đà Lạt và lập nên ấp Nghệ Tĩnh năm 1940. Tiếp đến, một số làng ấp mới cũng được hình thành như làng Đa Thành, làng Đa Lợi (Trại Hầm). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, người Việt tập trung nhiều ở vùng Đà Lạt với một số ấp như: Ánh Sáng, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Đinh Công Tráng, Bạch Đằng, Cao Thắng…

     Sau kháng chiến chống Pháp, đặc biệt sau năm 1956, sự di dân của người Việt từ phía Bắc vào Đà Lạt chấm dứt vì đã hình thành hai thể chế chính trị đối lập. Những năm tiếp theo, người Việt di dân tự do, chủ yếu là dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sự tăng trưởng của cư dân Huế tị nạn sau vụ Tết Mậu Thân năm 1968 cũng làm cho số lượng người Huế ở Đà Lạt gia tăng.

     Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, với yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính trị nên một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được điều động từ các tỉnh phía Bắc vào Đà Lạt và Lâm Đồng để hỗ trợ. Đến lượt mình, bộ phận cán bộ, công chức, viên chức này mang theo gia đình, người thân vào, góp phần làm gia tăng cơ học lượng dân số Đà Lạt và Lâm Đồng. Đến nay, nhóm người Việt đã trở thành bộ phận dân cư chiếm đa số tại Đà Lạt. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, người Việt chiếm tỉ lệ 95,97% trong tổng số cư dân thành phố3. Với vai trò chủ thể, người Việt đã và đang đóng vai trò quan trọng không chỉ trong sinh hoạt kinh tế mà còn đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ các anh em dân tộc thiểu số khác cùng nhau xây dựng thành phố hoa Đà Lạt ngày càng giàu đẹp, văn minh.

     2.2. Sự du nhập của tín ngưỡng thờ Mẫu đến Đà Lạt

     Cộng đồng người Việt tại Đà Lạt chỉ thực sự hình thành từ đầu những năm 20 của thế kỉ XX. Đơn vị tụ cư đầu tiên của họ là làng Đa Lạc (trước năm 1920), sau đó là ấp Tân Lạc, ấp Xuân An (1920), ấp Hà Đông (1938), ấp Nghệ Tĩnh (1940), ấp Ánh Sáng (1952)… Cùng với sự hiện diện của người Việt, các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống cũng dần hiện hữu tại vùng đất Đà Lạt. Một trong những tôn giáo có mặt sớm nhất là Phật giáo.

     Ngay sau phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỉ XX, tôn giáo này đã có mặt ở Lâm Đồng. Năm 1921, Hòa thượng Thích Nhơn Thứ (thế danh Trần Xin) đã theo chân những người dân di cư từ Khánh Hòa, đã đặt chân đến Đà Lạt. Sau khi tìm được một ngọn đồi hẻo lánh rộng khoảng 1ha chưa có người khai phá (nay thuộc ấp Đa Thuận, phường 6, Đà Lạt), Ngài đã dừng chân và tạo dựng một ngôi thảo am (Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, 2008, tr. 82). Đến năm 1923, am gỗ đó được trùng tu và nâng cấp thành ngôi chùa đầu tiên tại Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung, với tên gọi Chùa Linh Quang (Linh Quang tự).

     Theo truyền thống, các ngôi chùa Phật giáo ở Việt Nam thường có cách bố trí thờ tự theo dạng “tiền Phật hậu Mẫu”, do đó, sau khi Linh Quang tự được xây dựng, một cung thờ Mẫu Tam/Tứ phủ cũng được bố trí trong khuôn viên chùa. Sách Lịch sử những ngôi chùa Phật giáo ở Lâm Đồng có viết: “Hòa thượng Thích Nhơn Thứ trong thời gian trụ trì chùa Linh Quang còn được biết đến như một vị thiền sư võ thuật cao cường, có tài chữa bệnh nan y bằng thuốc Nam, giỏi về Mật tông, chữa lành nhiều bệnh điên tà, tiếng lành đồn xa” (Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, 2008, tr. 82). Một số thanh đồng cao niên tại Đà Lạt cũng cho biết: “Hòa thượng Thích Nhơn Thứ là người giỏi về Nho học, ông vừa là thầy tu lại vừa là thầy pháp (pháp sư), giỏi chữa bệnh bằng bùa chú. Khi Hòa thượng Thích Nhơn Thứ trụ trì chùa Linh Quang có dựng một cung thờ Mẫu theo lối “tiền Phật hậu Mẫu”. “Tuy nhiên, đến đời vị trụ trì thứ 3 là Hòa thượng Thích Minh Cảnh (thế danh Trần Bình An), Ngài không muốn thờ tự theo lối cũ nên đã cho phép ai có nguyện vọng có thể rước tượng Mẫu về thờ. Sau đó, khoảng năm 1951 hoặc 1952, ông Hồ Tú đã xin rước tượng về tại tư gia. Bản thân tôi cùng nhiều thanh đồng tại Đà Lạt bấy giờ đã tham gia lễ rước 3 pho tượng Tam Tòa Thánh Mẫu và 2 pho tượng Quan Lớn từ chùa Linh Quang về tư gia của ông Hồ Tú. Một vài năm sau, 5 pho tượng ấy lại được rước lên thờ tại Việt Nam Thánh Mẫu Tổng hội” (Nguồn: Phỏng vấn sâu, thanh đồng N.T.K.C, 80 tuổi, phường 8, Đà Lạt, ngày 05/6/2018, bà sinh năm 1938, ra trình đồng mở phủ từ năm 1948, hiện là người kế tự Đền Linh Bửu xây dựng năm 1932). Bà N.T.K.C cũng cho biết thêm, trong số 5 bức tượng đó có một bức là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cùng quan điểm này, đồng đền Việt Nam Thánh Mẫu, Đà Lạt – bà H.T.Đ – cũng cho rằng: “Ba pho tượng Tam Tòa Thánh Mẫu hiện được thờ tại đền Mẫu số 237 Ngô Quyền – ngôi đền thờ Mẫu chính của tỉnh – là tượng của chùa Linh Quang. Một bức là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một bức là Thánh Mẫu Thượng Ngàn cưỡi trên lưng voi trắng, một bức là Mẫu Thoải cưỡi trên lưng cá chép, ngoài ra còn có 2 bức tượng Quan Lớn. Sau khi cơ sở của Việt Nam Thánh Mẫu Tổng hội (trước đây là số 87 – nay là 237, Ngô Quyền, Đà Lạt – BTT4 làm rõ) được xây dựng hoàn thiện, người ta đã rước 3 bức tượng Mẫu và 2 tượng Quan Lớn từ tư gia của ông Hồ Tú về thờ (khoảng năm 1957 hoặc 1958)” (Nguồn: Phỏng vấn sâu, ngày 28/5/2018). Tuy nhiên sau sự kiện này, việc thờ Mẫu trong khuôn viên chùa Linh Quang chấm dứt.

     Những nội dung trên chứng tỏ mốc thời gian đánh dấu sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ trên vùng đất cao nguyên Lâm Đồng chính là năm 1923 cùng với sự xuất hiện của cung thờ Mẫu trong Linh Quang Tự. Tuy nhiên, cách thức thờ Mẫu tại Linh Quang tự bấy giờ theo lối “tiền Phật hậu Mẫu”, lại tồn tại trong khoảng thời gian không dài, vì vậy mà đến nay, sự xuất hiện của cung thờ Mẫu trong khuôn viên chùa Linh Quang từ năm 1923 vẫn chưa được nhiều người biết đến (thậm chí là những tín đồ thờ Mẫu lâu năm tại thành phố Đà Lạt). Cũng xin nhấn mạnh rằng, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu trong khuôn viên chùa Phật giáo tại Đà Lạt bấy giờ chủ yếu chỉ là hương khói vào mùng một hôm rằm, nghi lễ chính là hầu đồng không được thực hiện thường xuyên như các đền, điện thờ Mẫu độc lập. Theo chúng tôi, đó cũng chính là một trong những lí do khiến địa điểm thờ Mẫu đầu tiên ấy tại Đà Lạt được ít người biết hoặc nhớ đến.

     Dù địa điểm thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ sớm nhất tại Đà Lạt là cung thờ Mẫu trong Chùa Linh Quang năm 1923, song ngôi đền thờ Mẫu độc lập đầu tiên tại vùng đất này là Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na (nay thuộc số 02, Nguyễn Văn Cừ, Đà Lạt). Theo nghiên cứu của Phùng Thị Vải, ngôi đình được xây dựng sớm nhất tại Đà Lạt là Đình Đa Lạc (hay Đình Đà Lạt) vào năm 1920. Quá trình xây dựng ngôi đình này gắn liền với sự hình thành của làng Đa Lạc hay Phường Đệ Nhất (tương đương với Phường 1 hiện nay): “Vào tháng 6 năm Khải Định thứ tư (1920), nhà vua đã ban sắc tứ cho đình Đà Lạt. Sắc tứ là một bức hoành phi bằng gỗ quý khảm xà cừ hiện nay vẫn còn. Trên sắc tứ khắc 4 chữ Hán “Hảo nghĩa khả gia”. Khi phong sắc tứ có ghi niên hiệu là Khải Định tứ niên, lục nguyệt (tháng Sáu, năm Khải Định thứ tư) với mục đích là khuyến khích bà con nên làm nhiều hơn nữa những việc tốt lành (Phùng Thị Vải, 2001). Điều này cũng phù hợp với ghi chép trong Địa chí Đà Lạt về năm xây dựng của Đình Đà Lạt (UBND thành phố Đà Lạt, 2008, tr. 375, 459).

     Qua khảo sát tại Đình Đà Lạt, chúng tôi nhận thấy phía ngoài của gian chính điện có bức hoành phi với dòng đại tự Đa Lạc Đình, bên phải có đề dòng chữ Hán (Bảo Đại thập nhất niên đông – tức Bảo Đại mùa đông năm thứ 11) và dãy số 1936. Theo ghi chép của tác giả Phùng Thị Vải và các tác giả Địa chí Lâm Đồng, năm 1936, Đình Đà Lạt được đại trùng tu và kiến trúc được giữ nguyên đến ngày nay. Tại đình hiện vẫn còn bia kí dựng bằng đá, gọi là bia kỉ niệm công trình trùng tu Đình Đà Lạt, trong đó có ghi danh sách những vị trong ban đại diện trùng tu đình lần thứ nhất.

     Tìm gặp và trao đổi với nhiều thanh đồng cao niên trên địa bàn thành phố về khoảng thời gian xuất hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Lạt, chúng tôi nhận được không ít ý kiến có sự trùng khớp nhau: “Sau khi xây dựng Đình Đà Lạt, cư dân nơi đây cũng dựng nhà thờ Thánh Mẫu Thiên Ya Na để phụng thờ. Nhà thờ được dựng ngay bên cạnh đình để tiện cho việc cúng lễ” (Nguồn: Phỏng vấn sâu cung văn N.T.N, 94 tuổi, Phường 6, Đà Lạt, người đã ra đồng và theo nghiệp hát văn hơn 60 năm tại Đà Lạt). Theo một thanh đồng khác, “Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na là ngôi đền được xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt, chỉ vài năm sau khi xây đình Đà Lạt. Việc thờ tự và sinh hoạt ở đây theo cách thức của người Huế – nghĩa là thờ Thánh Mẫu Thiên Ya Na ở chính điện, còn hầu đồng là hầu hội – nhiều thanh đồng cùng hầu một lượt. Trước ngày giải phóng, hoạt động hầu đồng diễn ra khá đều đặn, tôi cũng nhiều lần hầu tại đó” (Nguồn: Phỏng vấn sâu thanh đồng P.T.B, 82 tuổi, Phường 2, Đà Lạt, người đã hầu đồng gần 50 năm).

     Thanh đồng H.T.Đ – chủ đền Việt Nam Thánh Mẫu Tổng hội – ngôi đền chính thờ Mẫu trong toàn tỉnh, người được Ủy ban nhân dân và Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ khảo sát và giám sát các hoạt động của các cơ sở thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh cũng cho biết: “Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na tại số 02 Nguyễn Văn Cừ được gọi là Đền số 1 – tức là ngôi đền thờ Mẫu độc lập đầu tiên tại Đà Lạt. Sau ngôi đền này, Đà Lạt còn có một số ngôi đền Mẫu khác cũng được xây dựng sớm ở Đà Lạt như Suối Cát Linh Từ (nay thuộc đường Đào Duy Từ, trước đây gọi là Dốc Nhà Bò thuộc làng Xuân An – BTT làm rõ), Vân Hương Phủ (trong khuôn viên Chùa Linh Giác cũ, đường Lý Nam Đế, thuộc ấp Nghệ Tĩnh – BTT làm rõ), Việt Nam Thánh Mẫu Tổng hội (đường Ngô Quyền, trước đây gọi là Cây số 4 – BTT làm rõ) và Đền Linh Bửu (đường Nguyễn Công Trứ, thuộc ấp Hà Đông – BTT làm rõ) (Nguồn: Phỏng vấn sâu, ngày 28/5/2018).

     Theo cụ Trần Văn Tú, người sống từ nhỏ ở khu vực phường 6 Đà Lạt cho biết: Mẫu Thiên Ya Na được thờ bên cạnh đình Đà Lạt cũng có sắc phong của một vị vua (nhưng cụ không nói rõ là vị vua nào – BTT nhấn mạnh). Cũng theo cụ Trần Văn Tú, đình Đà Lạt có sắc phong một vị Thành Hoàng nhưng không rõ danh tính. Một số cụ kể lại đình Đà Lạt có sắc phong của Vua Khải Định, mãi sau năm 1975 mới bị đốt (Phùng Thị Vải, 2001, tr. 70).

    Căn cứ vào những thông tin trong quá trình khảo sát, thông tin từ các nguồn tư liệu có liên quan và đặt trong bối cảnh hình thành cộng đồng người Việt tại Lâm Đồng, chúng tôi xác định rằng Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na – ngôi đền thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ đầu tiên tại Đà Lạt được xây dựng khoảng giữa những thập niên 20 (khoảng từ 1923-1927) của thế kỉ XX.

     Theo chúng tôi, mốc thời gian này là hợp lí. Bởi ngoài ý kiến của những vị cao niên, đặc biệt là các cung văn, thanh đồng và những người đã tham gia sinh hoạt loại hình tín ngưỡng này ở Lâm Đồng, chúng tôi còn có những luận giải liên quan đến sự hình thành cộng đồng người Việt tại Đà Lạt. Thực tế trước năm 1916, những người Việt (mà chủ yếu là ở miền Trung) được Pháp mộ vào làm cu-li phục vụ các đồn điền, công trình xây dựng… cuộc sống còn nhiều gian khổ, do đó, khả năng xuất hiện các công trình tâm linh liên quan đến tín ngưỡng tâm linh là khá hạn chế. Tuy nhiên, khi đại khách sạn Hotel du Lang-Bian Palace hoàn thành (năm 1922), đặc biệt là bản đồ án quy hoạch của kiến trúc sư Hébard (năm 1923) với việc chú trọng xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ Liên bang Đông Dương với khoảng 300.000 dân thì tình hình đã có nhiều thay đổi. Theo đó, Đà Lạt sẽ gồm ba khu độ thị lớn là: khu đô thị của người Việt (284 ha), khu đô thị cho người châu Âu (280ha); hai khu trung tâm hành chính… (người dân tộc tại chỗ gần như không được di dân về đô thị). Nội dung chính của đồ án Hébard là chia Đà Lạt thành hai khu vực dân cư: khu cư trú của người Việt (ở phía Bắc suối Cam Ly) và khu cư trú của người Pháp (ở phía Nam suối Cam Ly).

     Việc một số người Việt ở lại Đà Lạt sau khi hoàn thành những công trình xây dựng lớn cùng với việc quy hoạch khu định cư cho người An Nam của Hébard đã dẫn đến sự hình thành cộng đồng người Việt tại Đà Lạt. Khi cộng đồng này thực sự hình thành trên cao nguyên Lâm Viên, những hoạt động sinh hoạt mang tính chất cộng đồng như sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng (trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu) cũng được chú ý. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na trong thời điểm này.

     Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na là ngôi đền Mẫu đầu tiên được xây dựng và thờ tự một cách biệt lập ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Ngôi đền này được bố trí thờ tự theo dạng thức thờ Mẫu miền Trung, trong đó Thánh Mẫu Thiên Ya Na được tôn là thần chủ và được thờ ở chính cung. Tả ban thờ Mẫu Thượng Ngàn, hữu ban thờ Mẫu Thoải. Ngoài nội điện còn có một số am thờ ngoại cảnh như am Ngũ vị Thánh Bà, Am Ngũ vị Thánh Cậu, Am Ngũ Hổ, Am các bác (cô hồn).

     Đền được lập ra làm nơi sinh hoạt tâm linh cho một bộ phận người Việt có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung, mà chủ yếu là người Huế. Khi đến lập nghiệp tại vùng đất mới, một bộ phận người Huế đã mang theo loại hình tín ngưỡng khá phổ biến tại Huế – đó chính là tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại vùng đất ấy, ngay từ thời vua Đồng Khánh trị vì (1885- 1889), tín ngưỡng thờ Mẫu “được khuyến khích mở rộng, Thiên Ya Na Diễn Phi Chúa Ngọc thực sự hiện diện trong đức tin và được người nông dân thờ phụng trong các thần vị của làng” (Nguyễn Hữu Thông, 2001, tr. 163). Bản thân vua Đồng Khánh trước khi trở thành hoàng đế đã nhiều lần đến Đền Ngọc Trản để cầu xin và được toại nguyện. Sau khi lên ngôi, ông đã đổi tên Đền Ngọc Trản thành Điện Huệ Nam. Khi vua Đồng Khánh hoàn toàn bất lực trước sự thao túng của thực dân Pháp, thái độ của ông đã gần như phủ nhận thực tại, thăng hoa hình ảnh của mình bằng những lời tự bạch: “Ta vốn là người cõi Tiên, là con thứ ở Long cung, ngày thượng nguyên đã kính vâng mệnh, thân ngồi xe ngựa, đầu đội mũ vàng, đầu thai vào Bùi Quý Phi của Kiên Thái Vương để sinh ra đời”5. Chính sự sùng bái của vua đương triều đã mở đầu cho trào lưu tham gia vào loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu của rất nhiều hoàng thân quốc thích và quan lại triều đình. Chính vị hoàng đế này đã có công quảng bá lịch sử thờ cúng Thánh Mẫu và ra lệnh “mỗi năm hai lần vào mùa xuân, mùa thu làm lễ cúng có đại diện triều đình chủ lễ để nhớ ơn nữ thần” (Dẫn theo: Nguyễn Hữu Thông, 2001, tr. 165). Do đó, so với nhiều vùng miền khác trong cả nước, Huế chính là địa phương có mức độ phổ biến mạnh mẽ của tục thờ này. Truyền thống văn hóa ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận không nhỏ cư dân Huế, nên khi đến với Đà Lạt cũng như nhiều vùng miền khác của đất nước, họ cũng đồng thời mang theo tín ngưỡng này và phụng thờ với mong muốn được Thánh Mẫu che chở, ban tài lộc, sức khỏe, may mắn…

     Cho đến nay, Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na vẫn là ngôi đền công/đền thờ cộng đồng – là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhiều thanh đồng trong địa bàn tỉnh Lâm Đồng và thập phương bá tánh. Đền có kiến trúc ba gian được bố trí thờ tự dạng “tiền tế” – không có hậu cung, mái lợp ngói, không có motif lưỡng long chầu nguyệt và những đầu đao cong vút ở các góc như kiến trúc đình, đền truyền thống; các dãy cột hiên phía ngoài được sơn son thếp vàng với những hàng câu đối:

     Tiên phong đạo cốt Thiên chi Phật/ Thủy tạo tuần hoàn địa tối linh và Hoan khí huân cao Mẫu nghi thiên hạ/ Linh thanh hiên hách tử dục Lâm Viên.

     (Dịch: Tiên phong đạo cốt Trời và Phật/ Nước chảy tuần hoàn đất linh thiêng và Khí lành ngưng tụ chùm Mẫu nghi thiên hạ/ Tiếng vang hiển hách nuôi dưỡng Lâm Viên).

     Theo bà L.T.H (Phường 1, Đà Lạt, thủ từ ngôi đền này), khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na có thêm bàn thờ Phật phía trước gian thờ Mẫu nên hình thành lối thờ tự “tiền Phật hậu Mẫu”. Nội điện cũng được trang trí tán lọng, hoành phi, câu đối, y môn cùng những bức tranh tường vẽ khung cảnh trời mây, rừng núi, sông nước… phù hợp với mỗi phủ do từng vị Mẫu cai quản.

     Về nghi thức thờ cúng, cũng theo bà L.T.H, trước năm 1975, sinh hoạt tín ngưỡng tại đền Mẫu khá đều đặn, hoạt động hầu đồng cũng thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, từ năm 1975 đến 1994, đền bị bỏ hoang. Hiện tại, hoạt động thờ phụng tại đền đã được duy trì, song chỉ là thắp hương dâng lễ vào ngày sóc, ngày vọng (mùng một, ngày rằm), hoạt động hầu đồng tại Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na đã vắng bóng từ 1975 đến nay.

     Ngoài Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na, một số ngôi đền Mẫu khác cũng dần xuất hiện ở Đà Lạt cùng với quá trình xây dựng làng, ấp của người Việt. Trong đó có thể kể đến một số cơ sở thờ tự như Đền Linh Bửu (1932), Viên Sơn Điện (1935), Đền Việt Nam Thánh Mẫu (1947), Bảo Hương Linh Từ (1962), Suối Cát Linh Từ (1965), Vân Hương Linh Từ (1965)… Hầu hết những cơ sở thờ tự này đều nằm trong những khu vực tụ cư sớm của người Việt có gốc gác từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung di cư đến trong những thời điểm lịch sử khác nhau. Chẳng hạn Suối Cát Linh Từ, Bảo Hương Linh Từ (thuộc khu vực Ấp Xuân An), Vân Hương Linh Từ (thuộc khu vực ấp Nghệ Tĩnh) hay Đền Linh Bửu (thuộc khu vực ấp Hà Đông).

     Trong số những ngôi đền này việc thờ tự cũng mang những sắc thái khác nhau: Vân Hương Hương Phủ, Suối Cát Linh Từ, Bảo Hương Linh Từ… được thờ tự theo dạng thức thờ Mẫu miền Bắc (do Thánh Mẫu Liễu Hạnh làm thần chủ); trong khi Đền Linh Bửu, Đền Thánh Mẫu Thiên Ya Na… lại thờ Mẫu theo dạng thức miền Trung (do Thánh Mẫu Thiên Ya Na làm thần chủ).

     Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt từ những năm 80 của thế kỉ XX đến nay, số lượng các cơ sở thờ Mẫu trên địa bàn thành phố Đà Lạt gia tăng nhanh chóng. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện Đà Lạt có 29 cơ sở thờ tự được phân bố ở hầu khắp các phường xã. Mỗi năm đến ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch – vía Mẫu Vân Hương/Mẫu Liễu Hạnh, toàn thể các thanh đồng, đạo quan, con nhang đệ tử thành phố và trong tỉnh lại tập trung về Đền Việt Nam Thánh Mẫu Đà Lạt – ngôi đền chính thờ Mẫu của tỉnh Lâm Đồng – để làm lễ rước Thánh Mẫu Vân Hương và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, sức khỏe, tài lộc…

3. Kết luận

     Từ kết quả nghiên cứu Quá trình du nhập của tín ngưỡng thờ Mẫu đến thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đưa ra một số nhận định sau:

     – Cũng như nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian khác, sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Đà Lạt gắn liền với quá trình di cư, tụ cư và hình thành cộng đồng người Việt trên mảnh đất cao nguyên Lâm Viên. Sự gia tăng số lượng người Việt cũng như gia tăng các đơn vị tụ cư đã làm cho số lượng các cơ sở thờ Mẫu nơi đây gia tăng.

     – Giữa những năm 20 của thế kỉ XX, tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức xuất hiện tại Đà Lạt. Trong đó cả hai dạng thức thờ Mẫu miền Bắc (do Thánh Mẫu Liễu Hạnh làm chủ) và dạng thức thờ Mẫu miền Trung (do Thánh Mẫu Thiên Ya Na làm chủ) đã xuất hiện gần như cùng một thời điểm.

     – Sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Lạt đã làm cho bức tranh sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cư dân Việt nơi đây thêm đa dạng và phong phú. Bên cạnh tục thờ gia thần như Thần Tài, Thổ Địa, Táo Quân…, sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu được thờ ở quy mô cộng đồng (cả trong phạm vi tư gia) đã góp phần gia tăng sự cộng cảm trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt nơi đây. Không chỉ dừng lại ở việc cầu mong cho bản thân gia đình được an khang, thịnh vượng (thông qua các vị gia thần), các vị Thánh Mẫu với tư cách là những vị thánh cai quản miền trời, rừng núi, sông suối… sẽ đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng về quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Điều đó càng có ý nghĩa hơn đối với đại đa số người Việt trên vùng đất mới.

     – So với các loại hình tín ngưỡng dân gian quy mô cộng đồng được thờ tự tại Đà Lạt, sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu vào giữa những năm 20 của thế kỉ XX tại vùng đất này có thể xếp vào loại sớm (chỉ sau tục thờ Thành Hoàng). Một số loại hình tín ngưỡng khác xuất hiện muộn hơn như Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương do ông Nguyễn Xuân Định lập năm 1955 tại đường An Dương Vương, hoặc Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương do ông Lê Văn Trọng lập năm 1967 tại đường Ngô Quyền… (Phùng Thị Vải, 2001, tr. 24-25).

________
1. Có 11 người đứng ra xin lập làng Trường Xuân là: Nguyễn Đình Sung, Trương Tiến Đức, Nguyễn Lục Trạch, Hoàng Trí, Huỳnh Thân, Tô Thế Lộc, Lưu Trọng Nhơn, Võ Hòa, Kiều Bút, Hồ Thông, Trần Mạnh Trung (Đảng bộ xã Xuân Trường, 2000, tr.7).

2. Những người Việt đầu tiên có mặt ở Xuân Trường gồm các ông: 1. Nguyễn Đình Sung, 2. Nguyễn Mép, 3. Nguyễn Báo, 4. Ông Hợi, 5. Trương Hoàng, 6. Bùi Tra, 7. Phan Sỏ (Ông Kiên), 8. Ông Thân.

3. Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng.

4. BTT: Chúng tôi (Bùi Thị Thoa) làm rõ: Vì trong phần phỏng vấn, người được phỏng vấn không nói rõ địa chỉ cụ thể của Đền Việt Nam Thánh Mẫu nên chúng tôi muốn làm rõ hơn.

5. Bút tích được ghi ở bức chân dung vua Đồng Khánh, được thờ ở điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Đà Lạt. (thời kì 1893-1899). (Tài liệu lưu tại Thư viện Tỉnh Lâm Đồng, bản viết tay, kí hiệu DC192 Đ100L).

     Đà Lạt. (thời kì 1900-1954). (Tài liệu lưu tại Thư viện tỉnh Lâm Đồng, bản viết tay, kí hiệu DC192 Đ100L).

     Đảng bộ xã Xuân Trường. (2000). Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Trường (1930-2000).

     Eric, T. Jennings. (2015). “Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp”. Hà Nội: NXB Hồng Đức.

     Hãn Nguyên. (1973). Lịch sử phát triển Đà Lạt (1893-1954). Bài in trong Tập san Sử Địa số 23&24, Ấn bản đặc biệt, 265290).

     Nguyễn Hữu Thông. (chủ biên). (2001). Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam. Huế: NXB Thuận Hóa.

     Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng. (2008). Lược sử những ngôi chùa tỉnh Lâm Đồng. TPHCM: NXB Tôn giáo.

     Nguyễn Hữu Tranh. (2018). Đà Lạt năm xưa – Lược khảo. TPHCM: NXB Trẻ.

     UBND thành phố Đà Lạt. (1993). Đà Lạt thành phố cao nguyên. TPHCM: NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

     UBND tỉnh Lâm Đồng. (2001). Địa chí Lâm Đồng. Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc.

     UBND thành phố Đà Lạt. (2008). Địa chí Đà Lạt. TPHCM: NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

     Phùng Thị Vải (2001). Tìm hiểu tín ngưỡng Thành Hoàng ở Đà Lạt. Luận văn Thạc sĩ ngành Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt.

     Vassall. J. J. (1907). Le Langbian. Revue Indochinoise. Hà Nội.

Nguồn: Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh,
Tạp chí Khoa học, Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 16, số 2 (2019): 101-111

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự du nhập của tín ngưỡng thờ Mẫu đến thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (Tác giả: Bùi Thị Thoa)