Sự thờ cúng ở Dinh Cậu – huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

THE WORSHIPING AT DINH CAU –
PHU QUOC ISLAND KIEN GIANG PROVINCE

Tác giả bài viết: NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG THẢO
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Phú Quốc là một huyện đảo nằm ở vùng biển Tây Nam Việt Nam. Do đặc điểm cư trú ở môi trường biển nên từ lâu ngư dân Phú Quốc hình thành những tín ngưỡng mang tính đặc thù riêng. Trong đó, tín ngưỡng thờ Bà – Cậu là dạng tín ngưỡng phổ biến của hầu hết dân chài ở vùng biển Nam Bộ. Ghe tàu nào cũng có bàn thờ Bà – Cậu với những kiêng kị và cúng kiếng long trọng. Hầu hết người dân hoạt động trên biển đều tin tưởng Bà – Cậu và cho đó là vị thần có quyền năng rất lớn chi phối đến đời sống làm ăn của dân làm nghề sông biển. Bài viết này giới thiệu những dạng thức tín ngưỡng liên quan đến hoạt động trên biển của ngư dân Phú Quốc.

Từ khóa: tín ngưỡng, thờ cúng, Bà – Cậu, Phú Quốc.

ABSTRACT

     Phu Quoc is an island district located in the southwestern region of Vietnam. Due to residence in a marine environment, Phu Quoc fishermen have formed their own religions with particular characteristics. In particular, there is the cult of Ba – Cau which is the most popular belief of the fishermen in the Southern coast. Any boat has an altar for Ba – Cau with laws for abstinence and solemn worshiping. Most fishermen believe in Ba – Cau and that the gods have a great power which controls the lives of them. This article introduces the religions related to activities on the sea of Phu Quoc fishermen.

x
x x

1. Vài nét về Phú Quốc

     Phú Quốc có diện tích 56.500ha, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vùng biển Tây Nam Việt Nam. Đảo thuộc đơn vị hành chính huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 62 hải lý về phía Đông và cách thị xã Hà Tiên 25 hải lý.

     Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc năm 2010, dân số trên đảo là 92.574 người, người Việt (87.966), đứng thứ hai là người Hoa (1.851) và người Khmer (801) và một số dân tộc khác. Dân cư sống tập trung dọc theo cửa sông Dương Đông, Cửa Cạn và một số làng chài ven biển (Hàm Ninh, An Thới, Bãi Sao, Cửa Cạn, Rạch Vẹm…).

     Sinh hoạt kinh tế của cư dân trên đảo chủ yếu là đánh bắt thủy sản nên thường gặp nguy hiểm, bất trắc và những thách thức từ biển. Đó chính là nguyên nhân hình thành những hình thức thờ tự, cúng bái, kiêng kỵ… và niềm tin vào các vị thần linh che chở, bảo vệ họ được bình an. Vì thế, tôn giáo – tín ngưỡng là nhu cầu lớn lao; là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu để chống lại tai họa từ thiên nhiên.

     Qua khảo sát tại Phú Quốc, trong số 61 cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo thì có 15 cơ sở thờ Mẫu và Nữ thần. Tín ngưỡng thờ Mẫu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của ngư dân ở các làng chài Phú Quốc. Trong đó nổi bật lên tín ngưỡng thờ Bà –Cậu, đây là loại hình tín ngưỡng được cư dân Việt mang theo trên bước đường khai phá vùng đất mới.

2. Tục thờ Bà – Cậu

     Tục thờ Bà – Cậu hay tín ngưỡng thờ Bà – Cậu là tín ngưỡng được ngư dân miền Trung đưa vào Phú Quốc khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ thứ XVIII. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là tín ngưỡng được xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu đó là thần Nước, Mẫu Thủy, Mẫu Thoải. Trong dân gian, Mẫu Thoải là hóa thân lần thứ ba của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được gọi là Mẫu Đệ Tam. Mẫu Đệ Tam là mẫu cai quản vùng sông nước, biển cả và luôn luôn cứu độ cho dân cư khu vực này. Binh tướng của bà là các thần dưới dạng rắn, thuồng luồng – có sức mạnh dẹp yên sóng gió, có khả năng làm mưa, chống lũ lụt, hồng thủy… Ngư dân tin rằng khi đi biển, nếu gặp bão thì bà sẽ cứu giúp. Tín ngưỡng Mẫu Thoải rất phổ biến ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và khi vào đến Nam Bộ thì việc phối thờ Thiên Y A Na Bà Chúa Ngọc cùng hai người con (Cậu Trài (Tài) – Cậu Quí) tạo thành tục thờ đặc trưng của cư dân biển đảo đó chính là tục thờ Bà – Cậu.

     Trong tâm thức của người dân Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng, các vị thần linh gắn với yếu tố sông nước luôn được coi trọng như một lực lượng siêu nhiên có thể che chở hay trừng phạt con người. Khi di dân vào miền Trung, người Việt đã tiếp xúc với tín ngưỡng thờ Mẹ Xứ sở của người Chăm (Po Inư Nưgar) và biến nó thành tín ngưỡng của người Việt dưới thần hiệu Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi; được triều Nguyễn sắc phong là Thượng Đẳng Thần. Ở Tây Nam Bộ, Thiên Y A Na còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: “Thủy Long Thần Nữ là thần Giếng, thần Sông Rạch, thần Cù Lao, thần Hải Đảo cai quản vùng sông nước, phù hộ giới đánh cá sông, giới thương hồ, là hóa thân nữ thần Thiên Yana. Tín ngưỡng Thủy Long Thần Nữ đậm nét ở vùng ven biển ven sông lớn” [Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường 1997:129].

     Ngư dân Phú Quốc rất tin tưởng vào Bà – Cậu và họ gọi nghề “hạ bạc” đi biển đánh cá của mình là nghề Bà – Cậu. Bà – Cậu là dạng tín ngưỡng phổ biến nhất của dân chài ở vùng biển Nam Bộ, hầu hết ghe tàu nào cũng thờ Bà – Cậu với những kiêng kỵ và cúng kiếng trang trọng. Bàn thờ Bà – Cậu đặt ở trước mũi ghe với bài vị được viết bằng chữ Hán là “母 聖 龍 水 – Thủy Long Thánh Mẫu” hay “母 聖 娘娘 – Thánh Mẫu Nương Nương”.

     Khi xuất bến, các chủ ghe cho ghe neo đậu trước Dinh Cậu để cúng bái. Theo những vị cao niên sống tại Phú Quốc thì trước đây Dinh Cậu thờ Long Vương và thần Nam Hải, về sau ngư dân tạc tượng thờ Bà Chúa Ngọc và hai con trai của bà. Vì Cậu Tài – Cậu Quí thường hiển linh, giúp đỡ và phù hộ cho những người đi biển nên hai cậu giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Chính vì thế miếu Long Vương đổi tên thành Dinh Cậu.

     Theo như Sơn Nam ghi nhận: Muốn đến huyện lỵ (Phú Quốc), ghe tàu phải vào cửa biển khá sâu, nguy hiểm vì đầy rạn (đá ngầm). Phải lái đúng vào cái lòng lạch nhỏ bé. Biết vậy nhưng rủi sóng biển tràn vào bất ngờ, hoặc gió đổi hướng, tàu thuyền sẽ cởi lên đá rạn, bể lật nghiêng. Vị trí của Dinh Cậu rất hiểm trở, nơi giao nhau giữa cửa sông và cửa biển, bên dưới lại có nhiều đá ngầm nên thuyền bè qua lại khu vực này thường gặp bất trắc. Chính vì thế, mà những ngư dân Xóm Cồn (chủ yếu là người gốc vùng Ngũ Quảng) đã lập miếu thờ. Dinh Cậu tọa lạc trên một ghềnh đá Đầu Rùa hiển linh cách xa bờ biển nên việc cúng kiếng gặp nhiều khó khăn, người dân trên đảo phải bắc một cây cầu bằng tre để thuận tiện việc đi lại và ngày nay được thay thế bằng một cây cầu xi măng cốt thép chắc chắn.

     Kiến trúc Dinh Cậu hình chữ đinh, hướng biển, mái cong hình thuyền và cửa chính được làm bằng gỗ, trên vòm cửa có khắc ba chữ “Thạch Sơn Điện”. Tường được xây dựng bằng xi măng, mái được lợp ngói âm – dương, phía trên nóc mái có hình “lưỡng long tranh châu”. Tại Dinh Cậu còn lưu giữ nhiều câu đối thể hiện vị thế uy nghiêm của Dinh Cậu như:

“坐 在 石 頭 龜名 顯

Tọa tại thạch đầu quy danh hiển

振 風 平 涼 保良 民”

Chấn phong bình lảng bảo lương dân

Tạm dịch:

“Nằm trên tảng đá đầu rùa hiển linh

Che chắn sóng gió bảo vệ dân lành”

Hoặc

“風 調 雨 順 民安 樂

Phong điều vũ thuận dân an lạc

海 宴 河 清 世太平

Hải yến hà thanh thế thái bình

Tạm dịch:

“Mưa thuận gió hòa dân an lạc

Biển yên gió lặng thiên hạ thái bình”

     Bên trong chánh điện có khánh thờ Bà chúa Ngọc Nương Nương và hai con trai của Bà dưới hình thức phối tự thờ cậu Quý bên phải, cậu Trài (Tài) bên trái bàn thờ chính của bà. Hương án thờ hai Cậu viết bằng chữ Nho ghi: “Nhị vị công tử“.

     Theo lời kể của người dân Phú Quốc thì bất kỳ ngư dân nào khi ra khơi đánh bắt hải sản, gặp sự cố trên biển, hoặc đóng một ghe mới đều phải van vái “Bà – Cậu” cầu mong được phù hộ, độ trì. Khi nhận được vận may như đánh bắt được đầy ấp cá, tôm hay bán buôn thuận lợi… ngư dân cũng không quên cảm tạ Bà – Cậu. Nếu gặp sự cố khi ra khơi, hay buôn bán thất bại thì người ta thường cho là Bà – Cậu quở, Bà – Cậu trách phạt… Những lúc như thế họ mang lễ vật đến Dinh Cậu để dâng cúng, thường là cặp vịt – cặp gà, trái cây vì theo quan niệm của họ ông cúng gà, bà cúng vịt để cầu mong cho những chuyến đi được bình an và thuận lợi. Trước chánh điện có hai câu đối thể hiện uy quyền và công đức của Bà – Cậu như:

萬古 英靈 通 天地

Vạn cổ anh linh thông thiên địa

千 秋顯 赫 照 乾 坤

Thiên thu hiển hách chiếu càn khôn

Tạm dịch:

“Muôn thuở anh linh chiếu đất trời

Ngàn thu, hiển hách rọi càn khôn”

3. Lễ hội Dinh Cậu

     Lễ hội Dinh Cậu được tổ chức một lần vào ngày 15-16 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội được hình thành rất sớm của cộng đồng ngư dân Phú Quốc, nhằm thể hiện lòng tôn kính với thần linh. Vào ngày lễ hội, không chỉ ngư phủ mà đông đảo người dân tụ hội về đây để thắp hương cầu mong mưa hòa gió thuận, trời yên biển lặng, được mùa tôm cá và mọi nhà có cuộc sống an vui, hạnh phúc.

     Khởi đầu của lễ hội Dinh Cậu là lễ tế thần biển (Long Vương, thần Nam Hải) thực chất là lễ Cầu Ngư. Nhưng phần chính là lễ tế Cậu Tài – Cậu Quý và Bà Chúa Ngọc được thể hiện rõ trong văn tế phần Cảm chiếu cáo vu như sau: “Nhị vị đầu vương thái tử Đại tướng quân. Thiên Y A Na Diễn phi Chúa Ngọc Nương Nương Tôn thần.

     Khổng lồ giáo Hải Đạt Ma Tôn thần.

     Thủy phủ Phò tán đơn Lâm Đại Đế,

     Động đình Thủy quân Đại Hải Tôn Thần

     Cảnh nội Sơn xuyên nhạc Độc Tôn thần.

     Từ tế chương linh trợ tín, trừng trạm gia tăng Dực bảo Trung Hưng, Đông Nam Sát hải Lang Lại Nhị Đại Tướng quân Hoằng Hiệp thượng đẳng thần”.

     Hiện nay Hội tế Dinh Cậu có trên 200 hội viên. Trong đó đứng đầu là ông hội trưởng, một hội phó, một vị “thủ chỉ” (ông Từ) trông coi việc cúng tế, hương kiểm trông giữ đồ đạc cơ sở vật chất.

Ban Tế tự là những người chịu trách nhiệm về công việc cúng tế, thực hiện các nghi thức tế lễ ở Dinh Cậu. Lễ hội Dinh Cậu là lễ Cầu Ngư. Nghi lễ cúng tế ở Dinh Cậu được tiến hành gần như lễ cầu an truyền thống ở đình làng của người Việt, gồm hai lễ chính là Túc Yết và Chánh Tế. Thành phần Ban Tế tự trong Dinh Cậu gồm có: 

     – Một Chánh bái: đây là chức vụ danh dự thường do Hội trưởng đảm trách.

     – Một Bồi bái: thường là phó hội trưởng đảm nhiệm.

     – Một Chánh tế: ông Chánh tế điều khiển các nghi lễ tế như: tấu nhạc lễ, dâng rượu, dâng trà, dâng hương, bày lễ vật…

     – Một Bồi tế: quỳ sau Chánh tế.

     – Đội nhạc lễ 4 người chơi các nhạc cụ như trống, đờn, cặp phách…

     – Họ trò lễ 12 người một cặp đăng (bưng đèn), một cặp dài (bưng dài), một cặp xướng (xướng đọc các mục nghi lễ, một đông xướng, một tây xướng)…

     – Ông từ: ngồi cạnh bàn thờ thần suốt thời gian làm lễ , để gõ chuông cho khách lễ bái. trong lúc tế ông từ có nhiệm vụ nhận lễ do học trò lễ dâng để xếp lên bàn thờ.

     Lễ hội Dinh Cậu gồm có 4 lễ chính như sau:

     Lễ Nghinh Thần

     Lễ Nghinh Thần bắt đầu lúc 9 giờ ngày 15 tháng 10 Âm lịch, đây là lễ cúng thỉnh các vị thần linh và mời họ về chứng giám để hưởng những hương quả và cầu mong các vị thần tiếp tục việc coi sóc, bảo hộ dân trên đảo. Nghi lễ được thực hiện dưới sự chịu trách nhiệm của ông hội trưởng với vai trò là chánh bái, ông hội phó là bồi bái để thực hiện các hương lễ sau: nguyện hương (bốn lạy), tiếp đến là dâng một tuần rượu (hai lạy) và đọc văn tế để cung thỉnh thần. Sau phần đọc văn tế là phần “xả khói” diễn ra trong khoảng thời gian là 15 phút để người dân trên đảo vào thắp hương. Nghi lễ tiếp tục với hai tuần dâng rượu (bốn lạy) và kết thúc bằng một tuần dâng trà (một ly trà, một bình trà và hai lạy).

     Ngoài việc cúng tế Cậu Tài, Cậu Quý, ngư dân còn bày tỏ lòng biết ơn Bà Chúa Ngọc nương nương, tiền hiền, hậu hiền, các vị thần linh… có công đức được người đời công nhận. Tính chất cúng thờ, phối hưởng và đa thần thể hiện cách ứng xử, giao tiếp với các thần linh theo quan niệm của người Việt. Vật phẩm cúng chính lễ Nghinh Thần là xôi, chè, hoa quả, cháo và heo sống nguyên con.

     Lễ Túc Yết

     Buổi chiều cử hành lễ Túc Yết bắt đầu lúc 16 giờ ngày 15/10 Âm lịch, đây là lễ thông báo cho các thần biết về các nghi lễ tiếp theo và xin phép hạ sát tam sanh (ba con vật tế) gồm: trâu, bò, dê hoặc heo. Lễ vật chính dâng cúng trong buổi lễ Túc Yết gồm có một con heo trắng (heo đã mổ xong, cạo sạch, chưa nấu chín), một chén đựng huyết, một ít lông heo gọi chung là “mao huyết”, một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa muối, gạo. Các nghi thức cúng giống như lễ Nghinh Thần và chịu trách nhiệm chính trong lễ Túc Yết là hai ông Chánh tế – là phó ban quản trị Dinh. Dứt bài văn tế, hai Chánh tế nghỉ cúng, đốt văn bản này và một ít giấy tiền vàng bạc, phần nghi thức lễ Túc Yết coi như đã xong.

     Lễ Chánh tế

     Lễ Chánh tế bắt đầu 8 giờ ngày 16/10 âm lịch. Lễ Chánh tế nghi thức diễn lại như lễ Túc Yết, sau phần dâng trà là phần thực. Lễ Chánh Tế có điểm khác biệt với hai buổi tế lễ Nghinh Thần và lễ Túc Yết là cuối buổi Chánh Tế có phần “ẩm phước thọ tự” tức là phần thưởng của Cậu (gồm hai đĩa thịt heo và hai ly rượu) ban cho hai ông chánh tế để ghi nhận công đức của Ban Tế Lễ đã chăm lo chu đáo việc hương khói, cúng các vị thần linh. Vật phẩm chính của lễ Chánh Tế là heo quay, hai con gà cúng Cậu, hai con vịt cúng Bà và tuyệt đối không cúng tế hải sản.

Lễ cúng Binh tướng của Cậu và cúng Vong

     Cúng Vong hay vong hồn (lúc 10 giờ ngày 16/10 âm lịch) đó là cúng những cái chết không bình thường, chết mất xác dưới biển đã trở thành “binh lính” của Bà-Cậu và có khả năng chi phối đến đời sống của con người. Để cầu mong sự che chở, phù hộ và tránh sự trừng phạt do chính các âm linh, Cô Bác gây ra nên cộng đồng ngư dân, cư dân ven biển Phú Quốc thường thắp hương cúng bái tại các Miếu cô hồn ven biển hoặc ở các đình chùa.

     Mâm cúng bày ngoài sân và phẩm vật cúng tế là: cơm canh đồ mặn, muối, gạo, vàng mã, áo giấy để các vong hồn bơ vơ, không nơi nương tựa lấy đó làm đồ dùng, giảm bớt sự khổ sở, bất hạnh. Cúng cô hồn không chỉ là hành động bố thí, từ bi bác ái mà đó còn là sự sẻ chia của người sống đối với chúng sanh thiếu phước.

     Lễ hội Dinh Cậu ở Phú Quốc có hai phần tách biệt: phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức cúng tế thần linh, là sự thể chế hóa lễ thức thờ cúng của nhà nước; phần hội tùy theo tính chất của địa phương. Riêng ở Phú Quốc phần hội tương đối đơn giản chỉ có đờn ca tài tử và múa bóng (bóng rỗi). Múa bóng diễn ra ở lễ hội Dinh Cậu có 5 bài cơ bản: Dâng Hoa Linh, Lục Bình, Dâng Hoa Đăng, Chúc Tửu, Dâng Mâm Vàng. Người múa còn hát những lời cầu khấn thần linh, Bà Chúa Ngọc nương nương và hai Cậu “Nhị Đầu vương thế tử” phù hộ cho dân chài no ấm, bình an trên mỗi chuyến ra khơi.

4. Nhận xét

     Từ cuộc sống lao động trên biển, con người mới thấu hiểu thân phận nhỏ nhoi của mình trước biển cả. Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, gần trong gang tấc nên con người hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm của mình trước biển. Do đó, tín ngưỡng dân gian truyền thống của ngư dân Phú Quốc chính là thờ những vị thần có chức năng hộ mạng và phù trì trên biển mà tiêu biểu là tục thờ Bà – Cậu. Tín ngưỡng này thuộc dạng mô típ thờ Mẫu do người Việt miền Trung ảnh hưởng của văn hóa Chăm và đem mô thức tín ngưỡng này vào Nam Bộ.

     Tín ngưỡng thờ Bà – Cậu thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên. Không chỉ ngư dân, những người trực tiếp đương đầu với biển cả mà ngay cả những người dân trên đảo dù làm bất kỳ ngành nghề nào đều rất tin tưởng Bà – Cậu để cầu mong sự bình yên, sung túc trong cuộc sống.

     Ngoài ra, lễ hội Dinh Cậu là nơi giữ gìn và nuôi dưỡng một số bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian, giữ gìn nghi thức lễ tết truyền thống góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội còn là nơi để mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Tiến Dũng (2008), Tiềm năng phát triển du lịch Phú Quốc, Tạp chí Phát triển kinh tế, 8/ 2008.

[2] Trương Minh Đạt (2008), Nghiên cứu Hà Tiên, NXB Trẻ.

[3] Lê Như Hoa chủ biên (2001), Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin.

[4] Huỳnh Phước Huệ (1998), Tiềm năng Phú Quốc xưa và nay, NXB Thanh Niên.

[5] Trương Thanh Hùng (2008), Văn hóa dân gian đảo Phú Quốc, NXB Phương Đông.

[6] Đinh Văn Hạnh, Phan An (2004), Lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa Vũng Tàu, NXB Trẻ.

[7] Đinh Gia Khánh (1990), Ngôi đình làng với mối quan hệ Nho giáo và văn hóa dân gian, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4.

[8] Đinh Gia Khánh (1992), Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian ở Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 5/1992.

[9] Nguyễn Thanh Lợi (2008), Ghe bầu miền Trung, NXB Từ điển Bách khoa.

[10] Sơn Nam (2004), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, NXB Trẻ.

[11] Sơn Nam (2004), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB Trẻ.

[12] Ngô Đức Thịnh (1984), Tìm hiểu thuyền bè truyền thống Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6.

[13] Ngô Đức Thịnh (2007), Đạo Mẫu (tập 1), NXB Khoa học Xã hội.

[14] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường (1993), – Đình Nam Bộ – tín ngưỡng và nghi lễ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

[15] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ. Xưa và nay (1999), , NXB Đồng Nai.
[16] Nguyễn Duy Thiệu (2001), Việc tổ chức đời sống tín ngưỡng trong cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 1/2001.

[17] Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ, NXB Văn hóa thông tin.

Nguồn: Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 2 (15) – 2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự thờ cúng ở Dinh Cậu – huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
(Tác giả: Nguyễn Bình Phương Thảo)