Thánh địa Việt Nam học – “SỐNG ĐỒNG TỊCH ĐỒNG SÀNG – CHẾT ĐỒNG QUAN ĐỒNG QUÁCH”
1. Toát yếu lịch sử
Khi mô tả vùng đất tại Bà Rịa Vũng Tàu – Marcel Bernanose [1] – trong quyển La Cochinchine (xứ Nam Kỳ)- chưa biết là ông đã từng biết Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu). Đây là hòn đảo hoang vu nhiều sỏi, rừng rập và thú dữ, thiếu nước ngọt, đất bằng sình lầy nhiều mặn… nằm giữa biển cả mênh mông.
Một người tên Lê Văn Mưu (1855-1935), người gốc làng Thiên Khánh, Hà Thành, Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là tỉnh Kiên Giang) đã tìm đến đây lập nghiệp – tục danh là Ông Trần.
Tại đây, Ông Trần xây dựng thành một họ Đạo lấy tên là Đạo Ông Trần (do ông Mưu hay cởi trần khi khai phá hòn đảo hoang này).
Tìm về gốc tích lịch sử, ông không phải là người có “bộ óc phiêu lưu” nhưng có cái “đầu chống ách cai trị thuộc địa”. Ông từng tham gia lực lượng nghĩa quân chống Pháp, mưu đồ dành lại vùng đất Nam Kỳ thuộc địa theo con đường của giáo chủ tên Ngô Lợi (tôn sùng đạo lý gọi là Tứ ân hiếu nghĩa) để hô hào dấy binh. Sau khi Giáo chủ mất, nghĩa quân bị ruồng bỏ, tan rã, ông bị truy lùng nên đã cùng gia đình xuống thuyền lánh nạn và tìm đến hòn đảo nói trên.
Tại đảo Long Sơn, ông cùng gia đình đánh bắt tôm cá, làm ruộng lúa, làm muối… Từ đây, ông gom dân lập ấp, theo cách lấy đạo lý từ cụm từ “Tứ ân hiếu nghĩa” làm kim chỉ nam, có cộng thêm một số chủ thuyết lấy ra từ Phật giáo, Nho giáo mà chăm lo thờ cúng tổ tiên, ông bà và tu nhân tích đức để bố thí làm từ thiện. Tất cả được xây dựng thành một nền tảng – không viết ra thành bộ kinh riêng, mà cũng không lập chùa, lập miếu, không tụng kinh gõ mỏ, không ăn chay nằm đất, không dị đoan, mê tín, không ly gia cắt ái, mà nam nữ vẫn kết thành vợ chồng để sinh con đẻ cái….
Tuy nhiên, Đạo Ông Trần vẫn giữ nguyên một hình mẫu – theo cách ấy – và duy trì qua nhiều đời con cháu với lớp vỏ bề ngoài: “đầu để búi tó, mặc áo bà ba đen, đi chân đất”!!.
Ông xây dựng một ngôi Nhà Lớn 2 tầng dài và rộng dùng làm nhà chung cho cư dân thập phương, bá tánh (người tu hành cũng như kẻ giang hồ…) nhỡ bước, lầm than, nhỡ bữa, đói lòng… Tất cả là khách không mời ấy đều được chào đón để cùng chung sống theo phương châm “Sống đồng tịch đồng sàng! – Chết đồng quan đồng quách!”.
Nhà Lớn còn là nơi để các bô lão thực hành nghi lễ truyền thống (mặc áo the đen, ngồi trên vuông chiếu viết đối liễn bằng) – nét chữ Nho với mực Tàu đen nhánh. Nơi đây, cư dân trên đảo cũng đến xin chữ để đem về treo trong nhà mình.
Đây là nguồn sử liệu quý báu mà chúng ta cần mô tả ban đầu theo phương pháp nghiên cứu của những nhà khảo cổ học.
Vị trí: Thôn 5, xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.
Đặc điểm: Kiến trúc nhà Lớn là biểu hiện sinh động và ấn tượng về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo.
__________
[1] Marcel Bernanose – La Cochinchine (xứ Nam Kỳ) – Nguyên bản 2 ngôn ngữ Anh – Pháp gồm 456 bức ảnh quý về Nam Kỳ lục tỉnh, do Hoàng Hằng dịch, PGS.TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng đã viết lời giới thiệu. Nguồn ảnh này đã bổ sung vào loạt ảnh đã công bố lúc cả nước kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP HCM.
x
x x
SỐNG ĐỒNG TỊCH ĐỒNG SÀNG – CHẾT ĐỒNG QUAN ĐỒNG QUÁCH
2. Hành vi thể hiện
Đây là cụm từ kết cấu 10 chữ – như một loại thành ngữ- từng là nguồn cảm hứng trong suốt thời kỳ chiến tranh thời Pháp thuộc để vận động hình thành đội quân chống xâm lược.
Ngày nay! Khi truy tìm nguồn gốc của thành ngữ này, chúng ta cần nêu lên một trường hợp về Đạo Ông Trần cư trú tại hòn đảo Long Sơn (Vũng Tàu) như đã mô tả ban đầu như trên.
Chúng ta tách riêng thành ngữ nói trên thành 2 vế.
VẾ 1: SỐNG ĐỒNG TỊCH ĐỒNG SÀNG
Đồng tịch đồng sàng nghĩa là cùng giường cùng chiếu.
Nghĩa là: Khi sống thì sống chung cùng nơi, cùng chỗ. Khi ngủ thì ngủ chung cùng giường (partager le lit conjugal) (vợ chồng nằm trong khái niệm này).
Ca dao có nói:
“Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng, đồng sinh đồng tử, cưu mang đồng lần.” (https://cadao.me/chang-tray-di-tre-da-may-dong/)
VẾ 2: CHẾT ĐỒNG QUAN ĐỒNG QUÁCH
Nghĩa là: Khi chết cũng phải được liệm chung trong một quan tài.
Đối với vế thứ 1: Đáng chú ý là khi ngủ chung một giường thì hệ quả sẽ ra sao? Chưa có tài liệu nào ghi nhận kết cục đáng khích lệ!!.
Đối với vế thứ 2: Khi có người chết thì người sống không đóng một quan tài cá thể để chôn riêng biệt, mà người theo Đạo Ông Trần chỉ có một cái hòm chung. Cái hòm này gọi tên riêng là Bao quan. Bao quan được đan kết bằng tre và được sơn phết màu đỏ.
Bao quan được đặt tại Nhà Sơn Long Hội. Bao quan được di dời – gọi là được thỉnh và rước – đến nhà người chết để liệm vào đó. Một động tác tiếp theo là chờ đến lúc hạ huyệt cư dân tại đảo mới cho mở nắp Bao quan ra để chuyển thi hài sang liệm vào đôi chiếu cói và chôn. Còn Bao quan được giữ nguyên trạng để đưa về chỗ cũ – nơi được đặt cố định tại Nhà Sơn Long Hội để chờ người kế tiếp. Do đó, Bao quan chỉ là nơi nghỉ tạm (như trạm trung chuyển) của hàng trăm, hàng ngàn người đã lìa cõi trần. Khi động quan- tức là khi di chuyển Bao quan – (không dùng xe tang mà dùng đòn và dây để khuân đến huyệt) để đưa đến nơi quy định của chính quyền địa phương hay một chỗ nào đó trong vườn nhà người khuất). Tất cả xếp hàng theo mặc định. Nam đứng trái, nữ bên phải (nam tả, nữ hữu). Người thân xả tang ngay tại huyệt. Sau tang lễ, gia đình người chết phải sống trong nghèo khó 3 năm liền như để chia sẻ nỗi đau, nỗi khổ với thân thuộc đã khuất.
Nghi thức tang lễ tuân theo chủ trương 4 không: Không kèn trống, không tụng kinh, không vang ồn tiếng khóc và không phúng điếu!.
Tục lệ Ông Trần còn có thực hiện một nghi thức mới trong việc cưới hỏi như không tin vào ngày, giờ tốt xấu như người trong đất liền. Tuy nhiên, đạo quy định chỉ thực hiện ngày cưới theo 4 ngày trong tháng (ngày 30, mùng 1, ngày rằm, và ngày 16 âm lịch).
Ông Trần mất ngày 20/2 năm Ất Hợi (24/3/1935) và được an táng tại phía Nam khu Nhà Lớn.
Nhà Lớn còn là nơi thực hiện 2 ngày hội long trọng trong năm là ngày ông mất và ngày Trùng Cửu (mùng 9 tháng 9 âm lịch), gọi là ngày Kỉnh Ông (cúng Ông) bằng cơm chay. Nghi lễ không dùng chuông mỏ, kinh kệ, mà giữ không khí im lặng thành kính!!.
__________
Theo Văn Thúy – Những chuyện chưa biết về phong tục kỳ lạ của Đạo Ông Trần (trang 19), Công lý & Xã hội ngày 16/4/2018.
NGUYỄN MẠNH HÙNG 1
__________
1 PGS, Tiến sĩ sử học