Thành tựu nghiên cứu khảo cổ học sau 10 năm triển khai dự án văn hóa thời Trần tại Nam Định

Tác giả bài viết:  HOÀNG VĂN CƯƠNG
(Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nam Định)

TÓM TẮT

     Từ các cuộc khai quật khảo cổ học cụ thể trong 10 năm ở Nam Định với rất nhiều hiện vật cụ thể, cho phép chúng ta khẳng định về một nền văn hóa thời Trần ở địa phương này, với trung tâm là vùng Tức Mặc. Trong đó có một hệ thống cung điện, đủ sức tạo thế “ỷ dốc” cho kinh đô Thăng Long.

Từ khóa: khảo cổ học; tầng văn hóa; phế tích kiến trúc; hiện vật.

ABSTRACT

     From the archaeological excavations in the 10 years in Nam Dinh province with a lot of specific objects, allows us to affirm a culture of Tran dynasty in this land, with the center is Tuc Mac including a system of palaces to create a background for Thang Long capital.

Key words: Archaeology; Cultural Stratum; Architecture Relics; Antiquity.

x
x x

     Ngày 12/10/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử – văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng, ngày 22/5/2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã phê duyệt dự án thành phần khai quật thăm dò khảo cổ tại các địa điểm, di tích thời Trần. Theo đó, trong các năm 2006, 2007, 2008, 2016, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nam Định đã phối hợp cùng Viện Khảo cổ học tiến hành 4 đợt thám sát, khai quật khảo cổ với tổng diện tích 3.870m2. Các địa điểm được tiến hành thăm dò, khai quật thuộc địa bàn thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc, gồm: Khu di tích đền Trần, chùa Tháp Phổ Minh, đình Kênh, đền Vạn Khoảnh, đền Lựu Phố, đình Đệ Tam Tây, đền Hậu Bồi, đình Đệ Nhất, đình Tây Đệ Nhị, đình Phương Bông, đình Cao Đài, đình Liễu Nha. Kết quả khai quật không chỉ thu được một khối lượng lớn hiện vật, mà còn làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử mảnh đất và con người thời Trần tại Nam Định. Ngoài khu trung tâm đền Trần, chùa Phổ Minh, tất cả các di tích được thám sát, khai quật đều tìm thấy dấu vết cư trú, sinh hoạt của người thời Trần. Trong đó có những di tích tầng văn hoá thời Trần rất đậm nét, như: đền Hậu Bồi, đình Đệ Nhất, đình Tây Đệ Nhị, đền Lựu Phố, đình Phương Bông, đình và miễu Cao Đài. Tại các di tích ở huyện Mỹ Lộc, ngoài đình và miễu Cao Đài, những địa điểm còn lại chưa phát hiện được phế tích kiến trúc thời Trần. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, ở các địa điểm này, chúng ta mới chỉ dừng lại ở công tác thám sát thăm dò trên diện tích nhỏ, nên việc phát hiện vết tích kiến trúc là điều hết sức khó khăn. Riêng với khu trung tâm Hành cung Thiên Trường xưa, nay là không gian tọa lạc của di tích đền Trần và chùa tháp Phổ Minh, thì sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Hợi (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 8 (1239), mùa xuân, tháng Giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội thái phó. Sai (Chu) về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa cung điện1. Cũng sách này cho biết “Nhâm Tuất năm thứ 5 (1262), mùa xuân, tháng Giêng, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc lớn… đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây thêm một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía Tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh”2. Như vậy, không kể lần đầu tiên năm 1231, vua ngự đến Tức Mặc thắp hương tiên miếu, thì cung điện Tức Mặc chính thức được khởi dựng năm 1239. Năm 1262, triều đình cho xây dựng thêm cung Trùng Hoa. Đây là hệ thống cung điện dành cho Thái thượng hoàng và các vua đương triều ngự. Chính vì vậy, quá trình xây dựng không chỉ diễn ra trong nhiều năm, mà ắt hẳn quy mô của các công trình đó còn to đẹp, rộng lớn, tạo thành một quần thể kiến trúc, bề thế có thể giống một thứ kinh đô làm chỗ dựa cho Thăng Long. Sự nguy nga, tráng lệ đó đã được nhà thơ đương thời Trần Nguyên Đán ví như “Cung điện ở đất Phong, đất Bái thời nhà Hán”3. Vùng Đông kinh ấy trong con mắt của Phạm Sư Mạnh – nhà thơ nổi tiếng thời Trần là: “Sông xanh cầu ngọc miền sơn thuỷ, cửa biếc cung vàng đất đế vương”4. Trải hơn 700 năm lịch sử, hệ thống đền đài, cung điện đã bị huỷ hoại, chỉ còn một phần dấu tích vùi lấp trong lòng đất. Tuy nhiên, cơ may về một thời vàng son ấy đã dần được hé lộ qua các phát hiện khảo cổ học từ thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ XX. Một khối lượng lớn vật liệu xây dựng gạch ngói, trang trí kiến trúc rồng, phượng, uyên ương, đồ dùng sinh hoạt gốm sành sứ và những phế tích nền móng công trình đã được phát hiện. Đó là những sử liệu vật chất đầu tiên thu hút giới nghiên cứu ngành khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là lĩnh vực khảo cổ học đi sâu tìm hiểu về thời đại Trần tại vùng đất Thiên Trường xưa. Từ những dấu hiệu đầu tiên ấy, để rồi đến nay, gần ngót nửa thế kỷ, tại khu di tích này đã diễn ra hàng chục cuộc khai quật khảo cổ quy mô khác nhau. Đặc biệt từ năm 2006, bắt đầu triển khai dự án văn hoá thời Trần, thì tính chất, tốc độ nghiên cứu khảo cổ được diễn ra mạnh mẽ. Tổng hợp kết quả sau 10 năm triển khai dự án (2006 – 2016), khảo cổ đã thu được những kết quả thật khả quan. Hàng chục nghìn di vật, cùng hàng trăm phế tích kiến trúc cấu thành hệ thống cung điện, đền đài cách đây hơn 700 năm đã được phát hiện. Hiện vật có đủ loại như gạch chữ nhật, gạch in chữ Hán, gạch hoa cúc, hoa thị, hoa sen, gạch trang trí rồng phượng; ngói mũi nhọn, mũi tròn, ngói cánh sen đơn kép; trang trí phần mái thì có đầu rồng, phượng, uyên ương, lá đề; đồ dùng sinh hoạt chủ yếu là bát, đĩa, âu, thạp với nhiều kiểu dáng, hoa văn, màu sắc… dùng cho hoàng tộc đến những đồ gia dụng bình dân. Bên cạnh đó, tại đây cũng có mặt loại gốm sứ thời Tống, thời Nguyên của Trung Quốc, phản ánh về sự giao lưu văn hoá giữa 2 quốc gia. Với phế tích kiến trúc, có thể nêu ra một số di tích tiêu biểu như: Hệ thống trụ móng sành, trụ móng ngói, hình vuông hoặc hình tròn. Có loại trụ nhỏ, kích thước chỉ (0,4 x 0,4)m, nhưng cũng có loại trụ to (1,1×1,3)m, trong đó phổ biến nhất là loại trụ kích thước (1,1×1,1)m. Những trụ này là phần âm phía dưới, chịu lực đỡ chân tảng đá và hệ thống khung cột công trình kiến trúc phía trên. Từ đặc điểm, cấu tạo, phân bố của hệ thống trụ móng các nhà khảo cổ có thể tính được bước gian, cũng như quy mô cấu tạo của công trình kiến trúc đương thời. Cách tính này đã được áp dụng khá thành công trong quá trình nghiên cứu tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh trụ móng, loại hình nền nhà cũng được phát hiện khá nhiều. Chúng ta đã tìm thấy những nền san đắp bằng đất sét, phía trên lát gạch chữ nhật, gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa thị. Hệ thống đường đi xếp gạch ngói hình hoa chanh, cho đến nay cũng đã phát hiện được 3 đoạn, trong đó có đoạn dài hàng chục mét. Ngoài ra, các di tích như: Bó nền kiến trúc, tường xây gạch, khuôn viên vườn dải sỏi, đường ống cấp thoát nước, giếng đất, giếng xếp bao nung, bờ kè đá của ao, hồ, sông, các ô xếp ngói hình vuông, hình bát giác trang trí sỏi dạng bồn trồng hoa, dấu vết sông ngòi cổ (sông Vĩnh) cũng được phát hiện. Căn cứ vào tính chất hiện vật, vị trí và đặc điểm di tích, các nhà khoa học nhận định rằng, một phần cung điện Trùng Hoa, xây dựng năm 1262, là nơi ngự của các vua đương triều khi về yết kiến Thái thượng hoàng đã được tìm thấy. Đầu năm 2016, tại khu vực cánh đồng Nội Cung, phía sau đền Trần, trong quá trình khai quật đã phát hiện được phế tích nền móng của 2 ngôi lầu. Chúng có cấu tạo giống nhau, gồm 13 trụ móng, chia làm 3 lớp: Lớp trong chính giữa một trụ, lớp giữa 4 trụ ở 4 góc, lớp ngoài 8 trụ bố trí thành hình bát giác. Các trụ móng đều có hình vuông, cấu tạo chủ yếu bằng mảnh sành trộn đất sét đầm chặt. Khoảng cách từ tâm trụ này đến tâm trụ kia ở lớp ngoài cùng khoảng 1,5 – 1,7m. Theo số đo này, chúng ta có thể tính được diện tích của mỗi ngôi lầu dao động từ 11 – 13m2. Với đặc điểm, cấu tạo như vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là loại lầu bát giác ngờ rằng đó là “Trà đình”. Loại kiến trúc này không xây tường, chỉ dựng cột, lợp mái phía trên, nó có chức năng làm nơi thưởng ngoạn của vua quan thời Trần. Năm 2012, khai quật tại đỉnh núi Phương Nhi (Yên Lợi, Ý Yên), các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy phế tích của một công trình dạng lầu bát giác, được cho là có niên đại thời Lý. Như vậy, có thể đây là lần đầu tiên trong 2 thời kỳ lịch sử Lý và Trần, kiến trúc về những ngôi lầu được phát hiện tại Nam Định. Điều này, không chỉ góp phần làm phong phú cho kho tàng kiến trúc cổ, mà còn tạm được coi là cơ sở khoa học để phục dựng lại mô hình của những công trình kiến trúc đó. Đánh giá giá trị những phát hiện khảo cổ tại vùng đất Thiên Trường, các nhà khoa học đều thống nhất nhận định: Tuyệt đại đa số các di tích, di vật có niên đại thời Trần, hệ thống phế tích kiến trúc không bị chống chéo, cắt phá, như ở một số di tích thời Trần khác. Đồng thời, các chuyên gia còn nhấn mạnh, cho đến nay, chưa có một nơi nào để lại được quy mô, cũng như sự quy hoạch rõ ràng, nguyên vẹn như mặt bằng kiến trúc thời Trần phát hiện tại Nam Định. Tính thống nhất cao về niên đại qua di vật, sự ổn định của địa tầng và hệ thống di tích tại Tức Mặc là cơ sở khoa học để so sánh, đối chiếu niên đại di tích ở các nơi có văn hoá thời Trần5. Như vậy, đến thời điểm này, chúng ta có thể hình dung quy mô, cấu trúc và cương vực của hành cung Thiên Trường như sau: Trung tâm hai điện Trùng Quang, Trùng Hoa chính là không gian tồn tại của cụm di tích đền Thiên Trường hiện nay. Quần thể kiến trúc cung điện này có giới hạn phía Đông là bãi Hạ Lan (di chỉ gốm sứ thời Trần) kéo dài đến làng Liễu Nha; phía Tây là dải đất cao liền khoảnh với đền Trùng Hoa; phía Nam là đường Trần Thái Tông ngăn cách với cánh đồng Cửa Triều; phía Bắc kéo dài tới dòng Vĩnh Giang. Những phát hiện khảo cổ không chỉ giúp chúng ta nhận biết về 2 cung Trùng Quang, Trùng Hoa, mà còn khẳng định sự có mặt của nhiều loại hình kiến trúc khác nằm trong hệ thống cung điện này. Điều đó phần nào khớp với nhận định của PGS.TS. Tống Trung Tín rằng, phía trước là vườn hoa, ao cảnh; khoảng giữa là dấu tích kiến trúc nhỏ; phía sau là dấu tích kiến trúc lớn tương tự như ở Thăng Long6. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu khảo cổ những năm qua còn là cơ sở quan trọng để tiến hành các phần việc tiếp theo của Dự án đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Cụ thể là, đối với những di tích, địa điểm nào không phát hiện phế tích kiến trúc thì được phép tiến hành tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới. Địa điểm nào có di tích gốc tiêu biểu, cần giữ nguyên hiện trạng để bảo tồn. Theo đó, tính đến năm 2016, dự án đã tiến hành tu bổ, tôn tạo được 10/24 di tích, gồm: Đình Kênh, đình Đệ Tứ, đền Hậu Bồi, đình Liễu Nha, đình Đệ Tam Tây, đình Đệ Tam Đông, đình Phương Bông, đình Đệ Nhất, đình Tây Đệ Nhị, đền Vạn Khoảnh. Riêng với cụm di tích đền Trần, khu Cửa triều, đồng Gừng và cánh đồng giữa đền Trần, chùa Phổ Minh được tiến hành cải tạo, xây dựng theo quy hoạch. Phần còn lại là dải đất cao áp sát đền Trùng Hoa và một phần khu cánh đồng Nội Cung (nơi phát hiện 2 ngôi lầu) các nhà khoa học kiến nghị cần phải được bảo tồn nguyên trạng và tiếp tục nghiên cứu.

     Đến đây, có thể nói, dẫu rằng, phía trước vẫn còn nhiều phần việc trong dự án về văn hoá thời Trần, cần sự vào cuộc và chung tay của các cấp, các ngành,… để tiếp tục nghiên cứu, triển khai, hoàn thiện. Tuy nhiên, thành quả đạt được, cho đến nay, nhất là ở lĩnh vực khảo cổ học sau 10 năm triển khai dự án văn hoá thời Trần đã thu được những kết quả tốt đẹp. Chúng ta đã khoanh vùng và nhận diện một cách tương đối chính xác và đầy đủ về một “kinh đô thứ 2” sau Thăng Long tại mảnh đất Thiên Trường ở thế kỷ XIII – XIV. Kết quả này không chỉ thêm một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò của vùng đất Nam Định ở thời Trần, mà còn góp phần quan trọng trong việc quy hoạch, định hướng bảo tồn, tôn tạo, quảng bá và phát huy giá trị vốn di sản quý báu của tỉnh Nam Định trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

     Chú thích:

     1- Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Bản dịch của Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 166.

     2- Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 177.

     3- “Họa bài thơ của Thái thượng hoàng đề ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường”, Thơ văn Lý – Trần, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội – 1978, tr. 149.

     4- “Ghi lại việc hầu vua về Thiên Trường”, Thơ văn Lý Trần, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 90.

     5, 6- Báo cáo sơ bộ kết quả thám sát và khai quật thăm dò khu di tích thời Trần tại Tức Mặc, Nam Định năm 2006, PGS.TS. Tống Trung Tín, 2006, Viện Khảo cổ học. 

Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, Số 1 (58) – 2017

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thành tựu nghiên cứu khảo cổ học sau 10 năm triển khai dự án văn hóa thời Trần tại Nam Định (Tác giả: Hoàng Văn Cương)